Trên Kiến thức ngày nay, số 238, có trả lời bạn đọc rằng “bánh ít” phải được viết thành “bánh ết”. Tôi thấy nhiều quyển từ điển đều viết là “bánh ếch”. Theo tôi, từ này do dân gian gọi và viết đã quen cho nên đâu phải lúc nào cũng là quan hệ ngữ âm.

Chẳng những nhiều quyển từ điển ghi “ếch” thay vì ết, như ông đã nói, mà có quyển, như Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của còn ghi nhận và giảng rõ như sau: “Bánh ếch. Bánh giống hình con ếch, cũng kêu là bánh ít . Với lối giảng theo từ nguyên dân gian như thế này – nghĩa là không cần đến từ nguyên học đích thực – thì phần đông đều sẵn sàng thừa nhận rằng cái bánh của Từ điển tiếng Việt 1992 phải được ghi bằng chữ “ếch”. Chúng tôi chỉ áy náy có một điều là không biết những người đó có chấp nhận con rít ở trong Nam là con “rếch” ở ngoài Bắc hay không, rằng trong Nam nói “giống hịt” thì ngoài Bắc có chịu nói “giống hệch” hay không. Lý do của chúng tôi rất rõ ràng: nếu rít – rếch không xứng đôi, hịt – hệch cũng chẳng xứng đôi thì ếch cũng không làm sao xứng đôi với ít được. Nếu cố tình cưỡng duyên chúng với nhau thì đó cũng chỉ có thể là những “đôi đũa lệch so sao cho bằng” mà thôi.