Lạc xoong được hiểu là đồ đã cũ, đã xài qua và được bán theo giá có trừ tỉ lệ hao mòn do đã qua sử dụng. Đồ lạc xoong không hẳn là hàng giá rẻ vì vẫn có những thứ rất đắt như học giả Vương Hồng Sển có viết trong Tự vị tiếng Việt miền Nam rằng “nhiều khi với mắt tinh đời, sẽ gặp đồ cổ quí, Minh, Khang Hi, ẩn tàng trong đám bạc son chợ trời”.

Về từ nguyên, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau, cụ thể như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng lạc xoong là hình thức phiên âm của tiếng Pháp larcin. Larcin có nghĩa gốc là sự ăn cắp vặt, rồi nghĩa phái sinh bằng hoán dụ là vật ăn cắp. Đây chính là cái nhìn ban đầu của cò Tây, mã tà ta và dân có của có biết tiếng Tây ít hoặc nhiều, đối với đồ lạc xoong và tiệm lạc xoong khi phương thức buôn bán này vừa ra đời.

CỬA HÀNG ĐỒ CŨ LỆ SÀI GÒN- CHUYÊN MUA BÁN HÀNG THANH LÝ NHÀ HÀNG.

Thoạt đầu, tiệm thì chưa lớn, hàng thì chưa nhiều mà chủng loại cũng chưa phong phú (phần lớn là đồ ve chai), lại có một phần do các tay ăn cắp vặt cung cấp. Chủ tiệm bề ngoài thường là bình dân nên cũng ít được các thành phần kể trên trọng thị. Dưới con mắt của họ, các món hàng đó chẳng qua là đồ larcin.

Về lý do tại sao từ larcin, âm in sao lại có thể trở thành oong trong tiếng Việt thì đây là một trong những trường hợp đặc biệt mà người dân Sài Gòn đã “oong hóa” bốn nguyên âm mũi của thể hiện bằng dấu tilde, giống như dấu ngã, trên các chữ trong cách ghi âm ngữ âm học. Ví dụ từ bassin trong bassin de radoub (nghĩa là ụ để sữa chữa tàu) thành ba – xoong (âm tiết sau đã bị “chuẩn hoá” thành son nên mới thành Ba Son).

Ý kiến thứ hai thì cho rằng lạc xoong là hình thức phiên âm của tiếng Pháp l’auction có nghĩa gốc là hàng bán đấu giá chứ không phải hàng ăn cắp vặt như ý kiến thứ nhất. Theo đó, lạc xoong ban đầu là cửa hàng bán đấu giá nằm trên đường Catinat (tức đường Đồng Khởi ngày nay) được ghi nhận trong chuyên khảo của tác giả Ant. Brébion có nhan đề “Monographie des rues et monuments de Saigon” đăng trên hai kỳ Revue indochinoise, 10 & 11, 1911 (*). Đoạn này nằm trong trang 368 của số 10, nguyên văn tiếng Pháp như sau:

Au no 201, rue Catinat, suy l’emplacement de l’actuel magasin de l’Omnium, don’t la construction a été achevée en 1908, se trouvait, à deux mètres en retrait de l’alignement, un assez vaste hangar vitré occupé par la Salle des Ventes saigonnaises – l’Auction – transférée là, vers 1880 pan les Commissaires – priseurs Bernard Fleith et Laplace. Il y avait ventes régulières aux enchères publiques tous les dimanches matin”.

Tạm dịch như sau:

Ở số 201 đường Catinat, tại vị trí của cửa hàng Omnium hiện nay, xây cất xong năm 1908, trước kia là một cái lán hàng khá rộng lắp kính, thụt vào trong hai mét so với dãy mặt tiền, dùng làm nơi tọa lạc của Hội trường bán đấu giá Sài Gòn, cửa hàng Auction, do các ủy viên bán đấu giá Bernard Fleithe và Laplace dời đến đó vào khoảng 1880. Tại đây, sáng chủ nhật nào cũng có bán đấu giá đều đặn”.

Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong, cuốn thứ nhất, do phát Toán Libraire – Imprimeur ấn hành tại Sài Gòn năm 1909 cũng được ghi chú rõ ràng về tên gọi lạc xoong thực chất xuất xứ từ l’auction. Cụ thể như sau:

Chực đường cớ trẻ cu-li (coolie)
Kêu đâu sẳng đó đem đi lẹ làng.
Lớp thời xuống bến Nam-vang,
Lớp qua Khánh Hội, lớp sang Nhà Rồng.
Lớp xe về lối ngoài trong,
Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà.
Nhà-in, nhà-thuốc, nhà-chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà Lạc-xon (l’auction)