1. Đặt vấn đề

Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi vua Hùng dựng nước Văn Lang. Nằm ở trung tâm của nền văn minh sông Hồng, Phú Thọ là đất cội nguồn, đất của thế dựng nước và giữ nước, đất của di tích lịch sử, đất của các danh thắng, của các sản vật thiên nhiên độc đáo. Trong suốt tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc, cộng đồng người Việt luôn nhận thức tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan (hai di sản của văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) là di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ sau. Những giá trị văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương là tài sản vô giá mà lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã ban tặng cho Phú Thọ. Việc khai thác những biểu tượng đặc trưng văn hóa Hùng Vương trong đó có biểu tượng Lang Liêu, bánh chưng bánh dày nhằm phục vụ thiết kế các sản phẩm lưu niệm sẽ làm tăng cường chất lượng văn hóa, tạo ra tính đặc trưng văn hóa Đất Tổ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch, từ đó thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển.

2. Nội dung

2.1. Những thông điệp văn hóa thông qua hình tượng Lang Liêu và truyện bánh chưng, bánh dày

Truyền thuyết dân gian là một bộ phận quan trọng của hệ thống di sản văn hóa truyền khẩu của nhân dân ta bao gồm những câu chuyện được lưu truyền rộng rãi về buổi đầu dựng nước mà theo GS. Phan Huy Lê, có thể coi đó như một “bộ sử dân gian”, “vừa đượm màu sắc huyền thoại vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử trong ký ức hồi cố qua nhiều đời của nhân dân” mà “Lịch sử mở nước của các dân tộc trên thế giới, dù có hay chưa có chữ viết đều ít nhiều đắm chìm trong một kho tàng truyền thuyết như vậy.” [1]. “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng” [2].

Bởi lẽ đó, cốt lõi lịch sử ẩn chứa trong mỗi một câu chuyện là một nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử dân tộc. Đa phần người Việt đều biết tới những câu chuyện truyền thuyết quen thuộc và mang đậm dấu ấn thời kỳ Hùng Vương như Lạc Long Quân và Âu Cơ (hay Con Rồng cháu Tiên, bọc trăm trứng),

Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích Trầu Cau, Sự tích quả dưa hấu, Bánh chưng bánh dày… Mỗi câu chuyện là một bài ca đẹp về ước vọng trong cuộc sống của tổ tiên người Việt đúc kết và tồn tại từ thời dựng nước cho tới ngày nay.

Trong kho tàng truyền thuyết đó, Truyện Bánh chưng bánh dày và Truyện Trầu cau có thể coi là hai truyền thuyết tiêu biểu dựa trên những di sản truyền thống bản địa được lưu giữ từ ngàn đời, vượt qua nhiều thử thách thăng trầm của lịch sử. Từ thời Trần, những câu chuyện dân gian này đã được ghi chép cẩn thận, rõ ràng trong các tài liệu. Bánh chưng bánh dày kể về câu chuyện Hùng Vương thứ sáu sau khi đánh giặc Ân muốn truyền ngôi cho con nên đã mở một cuộc thi kén người tài trong việc dâng cúng tổ tiên “trân cam mỹ vị”.

Nhân vật hoàng tử Lang Liêu xuất hiện như một hình tượng văn học dân gian thường gặp trong các câu chuyện cổ tích “bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, vì cô đơn mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở…”[3]. Qua hình tượng Lang Liêu và câu chuyện của chàng, một số thông điệp văn hóa được đề cập khá rõ ràng.

Thứ nhất là Lang Liêu là nhân vật đại diện cho nhân dân lao động.

Chàng trai nghèo khó, sớm mất mẹ, thiệt thòi hơn cả trong hai mươi hai vị quan lang và công chúa con Hùng Vương, tự tay phải trồng cấy, lao động. Hình tượng Lang Liêu thể hiện quan điểm mang đậm màu sắc dân gian, trân trọng và gửi gắm khát khao về một cuộc sống tốt đẹp sẽ đến với những con người trực tiếp lao động.

Thứ hai là thông điệp về giá trị của lúa gạo.

Lang Liêu nghèo khó, thiếu may mắn song chàng lại được thần nhân giúp qua giấc mộng chỉ bảo về sự quý giá, đáng trân quý của hạt gạo hơn mọi thứ trong trời đất. Phải chăng tác giả dân gian đời này qua đời khác, từ thời biết tìm ra lúa gạo trên mảnh đất này đã muốn gửi vào chi tiết cốt lõi của câu chuyện này một thông điệp cho con cháu muôn đời sau về giá trị của lúa gạo – cũng là giá trị cốt lõi của nền văn hóa dân tộc.

Thứ ba là thông điệp về thế giới quan của người Việt cổ.

Hai thứ bánh của Lang Liêu đều là bánh được làm từ lúa gạo (gạo nếp) giống như hàng trăm thứ bánh, bún và sản vật ẩm thực khác ở xứ sở nông nghiệp lúa nước. Song, điều khác biệt, hai thứ bánh đó lại được tạo hình “cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất”[3]. Lĩnh Nam chích quái là tài liệu được coi là ở thời Trần, có thể những câu chuyện được ghi chép từ nguồn tư liệu dân gian đã mang màu sắc tư duy đương thời với sự ảnh hưởng nhất định của triết lý âm dương theo những kiến giải của người Phương Bắc. Tuy nhiên, quan niệm về trời đất và âm dương rõ ràng đã xuất hiện và chi phối đời sống người Việt từ thời Tiền Sử, Sơ Sử. Về chi tiết này, có một lý giải đáng suy ngẫm và có căn cứ thực tiễn xác đáng của GS. Trần Quốc Vượng, đó là quan niệm về trời đất, âm dương của người Việt cổ ở vùng đất Tổ (trùng với địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày nay) là quan niệm sơ khởi trước khi có những triết lý văn hóa ngoại lai du nhập và giao thoa. Có thể nhìn thấy điều đó qua hiện vật cặp bánh chưng bánh tày (bánh chưng vuông và bánh chưng dài (tày) có tạo hình là đòn bánh tròn, dài) tượng trưng cho tư duy âm dương cổ truyền rõ nét (cùng với các cặp khái niệm tượng hình chày, cối; nõ, nường…). Cho tới ngày nay, hai cách gói bánh này vẫn phổ biến ở khắp các địa phương của Phú Thọ. Đây cũng là một chi tiết thú vị cần được khai thác trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đất Tổ.

Thứ tư là thông điệp về quan niệm dân chủ trong việc chọn người tài.

Với những chi tiết mô tả về thân thế, địa vị của Lang Liêu, tác giả dân gian đã gửi gắm quan niệm dân chủ trong việc chọn người tài đảm trách vị trí lãnh đạo nhân dân – thậm chí vị trí quan trọng nhất là làm vua của muôn dân. Hùng Vương nói “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý… cho Tập 18, Số 1 (2020): 87-92

ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi” [3]. Cuối cùng, với trí tuệ cũng như tài năng và đức hạnh của Lang Liêu, qua hai thứ bánh gói ghém nhiều ý nghĩa, vua Hùng đã “truyền ngôi cho Lang Liêu mà không truyền ngôi cho con trưởng” [3]. Hình tượng của chàng để lại một câu chuyện đẹp về phong tục nhưng cũng gửi cho đời sau một lời răn dạy về quan niệm dân chủ nông nghiệp, trọng người tài đức rất đáng trân trọng của ông cha ta.

Thứ năm là thông điệp về văn hóa.

Với bối cảnh câu chuyện được xây dựng hợp lý về tình huống kén chọn người tài dâng cúng sản vật muôn phương, truyện hai thứ bánh truyền thống được lý giải một cách hợp lý, sâu sắc về quan niệm của cư dân nông nghiệp trồng lúa, đó là sự trân quý cây lúa, hạt gạo hàng đầu trong trời đất. Đây có thể coi là quan niệm gốc cho mọi kiến giải về các đặc sản ẩm thực của văn hóa Việt Nam. Dầu Bắc hay Nam, miền xuôi hay miền ngược thì lúa gạo vẫn là tinh túy, cốt lõi của mọi sản vật. Có tác giả cho rằng Lang Liêu là “ông tổ văn hóa ẩm thực thời đại Hùng Vương” [4]. Câu chuyện cũng giải thích những phong tục cổ truyền đẹp nhất của dân tộc, đó là phong tục ăn Tết lớn nhất đầu năm mới; làm bánh chưng bánh dày trong ngày Tết (và sau này còn gọi Tết Cả là Tết bánh chưng bánh dày); đó là phong tục thờ cúng tổ tiên thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt; đó là phong tục dâng cúng tổ tiên và thưởng thức bánh trái, các món ngon vào các ngày tết (có bản chép Lang Liêu là Tiết Liêu, Tiết Liệu – nghĩa là các thức ăn trong ngày tết nhất [3]) Câu chuyện có thể coi là điển hình cho một sự tích văn hóa cổ truyền đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Thứ sáu, thông điệp nền tảng cho di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Thông qua câu chuyện với tình huống chọn người kế vị bằng việc dâng sản vật cúng tổ tiên, truyện Lang Liêu đã lý giải một cách dễ hiểu nhưng sâu sắc nhất căn nguyên, cội rễ của đạo lý biết ơn các bậc cha ông, biết ơn thế hệ đi trước. Lễ vật giản đơn nhưng ý nghĩa sâu sắc có giá trị bày tỏ niềm kính hiếu với tổ tiên, sự tri ân với trời đất.

Đó là điểm khởi phát của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và từ đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được coi như sự “bừng nở” và “thăng hoa” của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vậy [5].

Đó chính là những thông điệp cơ bản được gửi gắm qua hình tượng Lang Liêu trong Truyện bánh chưng bánh dày.

2.2. Khai thác hình tượng Lang Liêu và các giá trị văn hóa thời Hùng Vương trong bảo tồn, phát huy văn hóa vùng đất Tổ

Không chỉ ẩn chứa những thông điệp văn hóa đã phân tích ở trên, với hình tượng Lang Liêu, tác giả dân gian cũng đã tái hiện cả một không gian văn hóa cho nhân vật. Đó là không gian văn hóa xóm làng của xã hội nông nghiệp trồng lúa với cốt lõi là sản vật lúa gạo, với những phong tục, tập quán truyền thống, đạo lý kính thờ ông bà, cha mẹ, với không gian tín ngưỡng thần linh (mộng thấy thần nhân chỉ bảo), tín ngưỡng thờ cây lúa, hồn lúa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên…

Truyện gắn với một di sản sống – là hai thứ bánh truyền thống, đặc trưng của văn hóa Việt Nam, đó là ý nghĩa đặc biệt của truyện phân biệt với hầu hết các câu chuyện khác trong hệ thống truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương mà chúng ta có được cho tới ngày nay. Giá trị này làm nên sức sống cho hình tượng Lang Liêu và sự độc đáo cho câu chuyện. Trong công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đất Tổ – lấy văn hóa làm động lực cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cũng là thực hiện sứ mệnh là “dân trưởng tạo lệ”, là vai trò “con trưởng”, “anh cả”, từ hình tượng Lang Liêu đến những biểu tượng văn hóa, di sản văn hóa dân tộc (bánh chưng, bánh dày, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Hùng Vương), những giá trị đẹp đẽ hun đúc ngàn đời nay cần phải được gìn giữ, phát huy hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, qua mọi thăng trầm lịch sử, Tết bánh chưng bánh dày đã trở thành biểu tượng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống trong mọi cộng đồng người Việt từ miền xuôi tới miền ngược, cả trong nước và trên thế giới.

Hiện nay, truyện chàng Lang Liêu hiếu thảo mới chỉ xuất hiện khiêm tốn cùng các câu chuyện truyền thuyết thời Hùng Vương khác trong sách giáo khoa bậc tiểu học; xuất hiện trong các tuyển tập truyện cổ thời Hùng Vương; trong các tài liệu cổ như Lĩnh Nam chích quái, và có thể đâu đó xuất hiện rất nhanh trong các bài thuyết minh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, khi du khách dừng chân tại ngôi đền Trung.

Theo chúng tôi, với những bài ca ước vọng và thông điệp văn hóa sâu sắc, đáng quý mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, hình tượng Lang Liêu và biểu tượng văn hóa bánh chưng, bánh dày đi cùng câu chuyện độc đáo này cần được nghiên cứu và khai thác xứng đáng. Chúng tôi xin đưa ra một số tham góp về vấn đề này ngõ hầu giúp ích được cho công việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa cổ truyền riêng có của vùng đất Tổ.

Thứ nhất là khai thác hình tượng Lang Liêu và câu chuyện bánh chưng bánh dày phục vụ công tác thuyết minh tại điểm ở khu di tích lịch sử Đền Hùng. Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt có vai trò và ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong hệ thống di tích của cả nước, vì vậy việc chuẩn hóa bài thuyết minh và đầu tư có chiều sâu cho nội dung thuyết minh tại di tích là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại các nội dung này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Phần giới thiệu của các thuyết minh viên cũng như hướng dẫn viên địa phương vẫn chỉ dừng lại ở những thông tin chung chung, sao chép, mô phỏng lẫn nhau. Cụ thể chỉ nhắc đến Lang Liêu với tư cách là người đã làm ra bánh chưng bánh dày dâng cúng tổ tiên và được vua cha truyền ngôi. Những giá trị văn hóa sâu sắc cùng những lớp lang ý nghĩa của câu chuyện và hình tượng nhân vật thực sự chưa được nghiên cứu, khai thác.

Thứ hai là xây dựng khu tưởng niệm – di tích Lang Liêu tại cánh đồng Hương Trầm, xã Dữu Lâu (nay là phường Dữu Lâu), thành phố Việt Trì. Tương truyền, đây là nơi hoàng tử Lang Liêu cấy lúa nếp – giống lúa nếp ngon, dẻo, thơm hơn các nơi khác trong vùng [6]. Cùng với lễ hội “Vua Hùng dạy dân trồng lúa” ở Minh Nông mới được phục dựng, khu tưởng niệm cùng với địa điểm tham quan, câu chuyện thần tích và lễ hội gắn với sinh hoạt trồng lúa sẽ tạo ra một nét độc đáo riêng có cho vùng đất Việt Trì với vị thế là vùng đất trung tâm của nhà nước nông nghiệp Văn Lang cổ.

Thứ ba là khai thác hình tượng Lang Liêu và truyện bánh chưng bánh dày để xây dựng một kịch bản trải nghiệm hoàn chỉnh cho chương trình du lịch làng Hùng Lô. Hiện nay, làng Hùng Lô đã và đang là một điểm du lịch đón khách thường xuyên nhất của tỉnh Phú Thọ với tổ hợp sản phẩm du lịch tương đối hấp dẫn như: tham quan đình cổ, nhà cổ, thưởng thức di sản Hát Xoan, tham quan các khu vực làm nghề thủ công truyền thống của làng và trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng truyền thống cùng các hộ dân của làng với món bánh chưng ngon nổi tiếng trong vùng.

Tuy nhiên, để chương trình du lịch này có sức sống cũng như sức hấp dẫn lâu bền, chúng tôi cho rằng cần phải có một kịch bản, một câu chuyện đủ sâu sắc và có sức lôi cuốn đối với tất cả các đối tượng khách. Chúng ta có sẵn câu chuyện sự tích bánh chưng bánh dày rất đẹp đẽ với nhiều tầng ý nghĩa; chúng ta có sẵn một hình tượng chàng hoàng tử hiếu thảo, sáng tạo; chúng ta cũng có sẵn một ngôi làng cổ kính với cả một kho tàng các giá trị văn hóa lâu đời từ thời dựng nước, thấm đẫm những câu chuyện truyền thuyết và những khúc hát diễn xướng thờ vua; chúng ta cũng có sẵn một không gian đẹp bao chứa đầy đủ các tài nguyên du lịch hấp dẫn cả về vật thể, phi vật thể, kiến trúc, tín ngưỡng, diễn xướng cũng như sinh hoạt, sản xuất… Vì vậy, rất cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giúp cho các di sản đó trở thành khối tài nguyên du lịch có giá trị và hấp dẫn hơn. Thực tế đã chứng minh, điều quan trọng là hiện vật (vật thể) nhưng điều cốt lõi quyết định lại là câu chuyện, ý nghĩa bên trong hiện vật (phi vật thể). Nó tạo nên cái hồn cốt cho hiện vật, cho di tích, cho mỗi một di sản.

Cuối cùng là, trong công tác giáo dục, đào tạo, chúng ta cần không chỉ đưa câu chuyện vào các sách giáo khoa mà còn phải nghiên cứu, xây dựng, đưa vào những bài học được phân tích sâu sắc các lớp nghĩa, được liên hệ, kết nối với hai di sản thế giới Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan trong không gian văn hóa vùng đất tổ của các vua Hùng. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục trải nghiệm di sản lấy hình tượng Lang Liêu và các truyền thuyết thời Hùng Vương làm chủ đề, ý tưởng sáng tạo trải nghiệm cũng là một gợi ý tốt.

3. Kết luận

Hình tượng và biểu tượng trong hệ thống các truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương là những sản phẩm của trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo tinh thần vô cùng đẹp đẽ của người Việt và đã trở thành những biểu tượng quen thuộc đối với người Việt. Nhận thức đầy đủ về những hình tượng cũng như biểu tượng này là một yêu cầu cấp thiết nhằm phục vụ cho công cuộc bảo tồn và phát huy nguồn lực di sản văn hóa cổ truyền nói riêng và xây dựng vốn văn hóa đậm bản sắc của dân tộc nói chung, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng hiện nay.

Hình tượng Lang Liêu cùng truyện bánh chưng bánh dày có thể coi là một truyền thuyết độc đáo với đầy đủ những giá trị bản sắc văn hóa cần lưu giữ và khai thác như một điểm nhấn trong hệ thống các hợp phần của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc.


Tài liệu tham khảo:

[1] Phan Huy Lê (2012). Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

[2] Phạm Văn Đồng (1969). Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng. Báo Nhân dân, số 5494, ngày 29/4/1969.

[3] Trần Thế Pháp (2017). Lĩnh Nam chích quái. Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội.

[4] https://healthplus.vn, Lang Liêu – ông tổ văn hóa ẩm thực thời đại Hùng Vương, 20/12/2017.

[5] Đặng Văn Bài (2013). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc hình thành bản sắc dân tộc, Tuyển tập Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại (nghiên cứu trường hợp Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam).Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[6] Vũ Kim Biên (1999). Văn hiến làng xã vùng Đất Tổ Hùng Vương. Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin, Thể thao Phú Thọ xuất bản, Hà Nội.