Trên Cửu đỉnh của triều Nguyễn có khắc 153 hoạ tiết về các cảnh vật về thiên nhiên đất nước con người Việt Nam từ đất liền đến hải đảo xa xôi. Trong 153 hoạ tiết đó được chia đều cho chín đỉnh từ Cao đỉnh đến Huyền đỉnh. Mỗi một đỉnh có 17 hoạ tiết được khắc vào đỉnh và có phần chữ Hán chú thích.

Hình ảnh mãng xà hiếm thấy trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn

Trên Cửu đỉnh của triều Nguyễn có khắc 153 hoạ tiết về các cảnh vật về thiên nhiên đất nước con người Việt Nam từ đất liền đến hải đảo xa xôi. Trong 153 hoạ tiết đó được chia đều cho chín đỉnh từ Cao đỉnh đến Huyền đỉnh. Mỗi một đỉnh có 17 hoạ tiết được khắc vào đỉnh và có phần chữ Hán chú thích.

Tương đương mỗi đỉnh là tượng trưng cho các vị vua của triều Nguyễn như: Cao đỉnh (“Cao” miếu hiệu của vua Gia Long) được đặt ở chính giữa rồi tiếp đến hai bên trái, phải là Nhân đỉnh (“Nhân” là miếu hiệu của vua Minh Mạng), Chương đỉnh (“Chương” là miếu hiệu của vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (“Anh” là miếu hiệu của vua Tự Đức), Nghị đỉnh (“Nghị” là miếu hiệu của vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (“Thuần” là miếu hiệu của vua Đồng khánh), Tuyên đỉnh (“Tuyên” là miếu hiệu của vua Khải Định); còn Dũ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp tượng trưng cho vua nào thì Cách mạng tháng Tám đã xoá bỏ vĩnh viễn vương triều nhà Nguyễn.

Tuy nhiên điều chúng tôi muốn nói đến ở đây không phải là về giá trị lịch sử hay sự bề thế của Cửu đỉnh mà là hình ảnh con rắn (hình ảnh cuối cùng trên Huyền đỉnh) được khắc trên đỉnh này có ý nghĩa gì và tại sao con rắn lại được chọn?

Người Việt quan niệm về con rắn thông thường không được thân thiện lắm, khác hẳn với con vật khác, người ta thường nói con rắn gắn liền với những điều xấu. Tuy nhiên, trong sự kỳ thị của mọi người với con rắn thì loài rắn vẫn được mọi người sử dụng nhiều trong đời sống, như dùng rắn ngâm rượu, chữa bệnh, làm món ăn…

Quan niệm của người Việt về con rắn là vậy, song tại sao trên Huyền đỉnh lại khắc hình ảnh con rắn lớn, thường gọi là Mãng xà. Mãng xà, tức con rắn to, thuộc bộ có vảy. Nhiều sách chép là mãng vương xà (vua của loài rắn), theo quan niệm dân gian, rắn là vị thần (thần Lốt) ở miền sông nước. Mãng xà lớn nhất trong loài rắn nên gọi là vương xà; mắt nó tròn, mùa xuân và mùa đông ở trên cạn, mùa hạ và mùa thu ngâm mình dưới nước. Ở Việt Nam, những tỉnh có vùng bán sơn địa, nhiều sình lầy, đầm hồ, mãng xà thường ẩn cư. Thịt mãng xà có nhiều chất bổ, xương của nó được bào chế để làm thuốc chữa trị tê thấp, gân cốt, rất hiệu quả. Rắn (tỵ) được xếp đứng thứ sáu trong địa chi 12 con giáp. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con rắn lớn vào Huyền đỉnh.

Vì sao vua Minh Mệnh lại đồng ý cho khắc hình ảnh con rắn vào trong Huyền đỉnh? Để lý giải về vấn đề này trước tiên chúng ta cần phải thấy được tác dụng của con rắn. Hình ảnh con rắn lớn trên Huyền đỉnh cũng thể hiện rõ sự phong phú đa dạng về động thực vật của đất nước, con rắn cùng lớp với con rồng, loài có vảy, con rắn ở đây hiện lên là một con mãng xà tức là con rắn lớn (đã trở thành thần), do đó con rắn ở đây có thể là con rắn đã được thiêng hoá.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải cho biết, mỗi một hình ảnh trên cửu đỉnh đều gửi gắm những thông điệp tự thân trong nó. Còn nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng cho biết đỉnh thứ 9 (Huyền đỉnh) là tổng kết toàn bộ của tư tưởng của vương và của đất nước. Bởi ở trong Huyền đỉnh có khắc hình ảnh của ba miền, sông Thao ở Phú Thọ miền Bắc, Hoành Sơn (miền Trung), sông Cửu Long, là đại diện tiêu biểu của ba miền đất nước, ba miền đất nước nằm trên một đỉnh vây lại vòng tròn và giữa trung tâm ấy có một hình tượng mưa, những hạt mưa rất đều, gọi là vũ thuận, một nước mà có phong điều vũ thuận thì đó là một nước thịnh vượng.