Dominique Rolland là giảng viên của Trường Đại học Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Paris, Pháp) và là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Hoa Sen (TPHCM, Việt Nam). Là người Pháp, nhưng Dominique Rolland có mối quan hệ sâu đậm với Việt Nam. Năm 2006, Dominique Rolland đã xuất bản cuốn sách De sang mêlé (Nxb Elytis) viết về thế hệ người Pháp lai Việt sinh ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp.

Lưu bản nháp tự động

Charles Harter, người ông của Dominique Rolland, cũng là một người mang dòng máu lai Pháp – Việt, là giáo viên môn Toán ở trường Khải Định (trường Quốc Học Huế) từ năm 1926 đến năm 1946. Về sau ông làm đốc học từ năm 1949 đến năm 1950. Dominique Rolland cho tôi hay: trong thời gian Charles Harter giảng dạy tại trường Quốc Học Huế, (Tướng) Võ Nguyên Giáp từng là học sinh của ông ấy và là học sinh xuất sắc nhất lớp. Guy, con trai của Charles Harter, cậu của Dominique Rolland, cũng sinh ra và lớn lên ở Huế nhưng đã bị người Nhật giết chết trong khuôn viên của Dinh Khâm sứ vào đêm 9.3.1945, khi Nhật đảo chính Pháp.

Ngôi nhà của gia đình Dominique Rolland ở Huế trước đây nay là trụ sở của Công ty Điện báo Điện thoại thuộc Bưu điện Thừa Thiên Huế (ở đường Hai Bà Trưng hiện nay). Dominique Rolland đã trở lại Huế nhiều lần để nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế.

Biết tôi từng là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật của triều Nguyễn, nên Dominique Rolland gửi cho tôi bài viết Le sabre de l’empereur Gia Long với hy vọng sẽ cùng hợp tác để truy tìm lai lịch của một thanh bảo kiếm, được cho là của vua Gia Long, hiện đang trưng bày ở Musée de l’Armée (thuộc Hôtel National des Invalides) ở Paris, Pháp.

Nhận thấy đây là một bài khảo cứu công phu, chứa đựng nhiều tư liệu có giá trị, liên quan đến một giai đoạn bi tráng của lịch sử Việt Nam, tôi xin phép Dominique Rolland cho dịch bài viết này sang Việt ngữ và công bố ở Việt Nam và được tác giả đồng ý.

Xin giới thiệu với độc giả bài khảo cứu rất công phu này của Dominique Rolland qua bản dịch của Thúy Vi, một (cựu) đồng nghiệp của tôi ở Huế.

Ngoài ra, còn có một bài nghiên cứu khác của GS. Võ Quang Yến, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp, nguyên Chủ tịch Hội những người yêu Huế tại Pháp trong thập niên 1990, cũng viết về thanh kiếm nói trên của của Gia Long. Bài viết của GS. Võ Quang Yến đã in trên tạp chí Huế Xưa và Nay năm 2007. Để có thêm thông tin về thanh kiếm đặc biệt này của vua Gia Long, tôi mạn phép GS. Võ Quang Yến và tạp chí Huế Xưa và Nay đưa bài viết nói trên lên blog này để quý vị cùng tham khảo.

Trân trọng giới thiệu.

THANH KIẾM CỦA VUA GIA LONG

Dominique Rolland

Việc điều tra này bắt đầu một cách hết sức tình cờ và tiến trình đáng ngạc nhiên của nó chứng tỏ thêm một lần nữa rằng việc đọc tạp chí của Hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieux Hué) không ngừng đưa chúng ta đi từ khám phá này đến khám phá khác.

Cách đây gần một năm, khi từ Việt Nam trở về, tôi bị một trận cúm nặng do khí hậu châu Âu khắc nghiệt quá và phải nằm liệt giường, trong tình trạng đau ốm nằm dài ấy tôi không đọc được sách vở chuyên môn mà chỉ được đọc tạp chí để giải trí, do đó tôi mới đọc B.A.V.H. bản điện tử. Tình trạng trí óc này cũng có tầm quan trọng của nó: nếu như tôi khỏe hơn thì tôi đã bắt đầu làm việc như thường tôi vẫn làm thế, tức là đọc những bài viết nhắm đến các vấn đề nghiên cứu của tôi và chỉ những bài như thế mà thôi. Thay vì như thế tôi lại đọc những thứ mà thường khi người ta không đọc bao giờ, tức là các chú thích và báo cáo của các kỳ họp, tiểu sử của một vài tác giả vừa mới mất.

Các tài liệu của André Salles

Chính như thế mà tôi đã khám phá ra trong tạp chí tháng 10-12 năm 1933 bài viết có tên Tài liệu của ông André Salles do ông Henri Cosserat viết. Phần mở đầu của bài viết cho độc giả biết rằng sau khi ông André Salles là thanh tra các xứ thuộc địa và là người cộng tác thường xuyên của tạp chí mất đi, bà vợ góa của ông ấy đã chuyển cho Hội Đô Thành Hiếu Cổ những tư liệu mà ông đã thu thập được khi đang còn làm việc. Trong số giấy tờ này có hai bài báo cắt ra từ các báo tháng 10/1913, hai tài liệu này đã làm cho các ông André Salles và Henri Cosserat ngạc nhiên, cả tôi cũng vậy. Chúng như thế này:

Tài liệu 1: Tiểu mục đăng trong tờ Nhật Báo ngày 3/10/1913

Một vụ trộm tại Bảo tàng Quân đội

Có người đã đập vỡ một tủ kính và lấy cắp một thanh kiếm của người Annam.

Hôm qua, thứ Năm khi công chúng đến thăm phòng trưng bày của Bảo tàng Quân đội tại les Invalides [tức Điện Quốc gia Phế binh (Hôtel National des Invalides) – T.Đ.A.S.], vào lúc 4 giờ, khi bảo tàng đã đóng cửa, các bảo vệ đi tuần tra một vòng như thường lệ thì thấy có một tủ kính trưng bày bị đập vỡ và một thanh kiếm của người Annam cùng bao của thanh kiếm và dây đeo đã biến mất.

Thanh kiếm, bao và dây đeo đều được nạm vàng, đá quí và một viên ngọc trai. Tất cả có một giá trị khá lớn.

Cuộc điều tra được tiến hành không tìm ra được manh mối gì. Người ta đã lấy được dấu vết trên tủ kính, tủ này đã được mở bởi một bàn tay rất khéo léo với một cây dao bằng thép rất nhỏ.

Số lượng người đến thăm Bảo tàng hôm qua khá lớn và phần lớn là người nước ngoài.

Tài liệu 2: Tiểu mục đăng trong tờ Thời Báo ngày 4/10/1913

Vụ trộm tại Bảo tàng Quân đội

Một vụ trộm quan trọng đã xảy ra tại Bảo tàng Quân đội ngày hôm qua. Trong khi các nhân viên bảo vệ hướng dẫn khách tham quan trong các phòng thì một kẻ gian to gan chưa biết là ai đã phá ổ khóa một tủ kính trong đó trưng bày một số các vũ khí của người Annam đã được mang từ Annam về trong cuộc viễn chinh đầu tiên của người Pháp.

Hắn đã lấy trộm một bao kiếm bằng da có dát vàng lá và nạm đá quí và một dây đeo bằng da có nạm đồ trang sức và ở móc khoá có răng cưa có nạm một viên đá lớn.

Tướng Niox là giám đốc của Bảo tàng Quân đội và ông Guérin là uỷ viên cảnh sát đang điều tra.

Đối với công chúng thời đó thì đây chỉ là hai tiểu mục trong báo chí hàng ngày. Vụ trộm này, hay nói đúng hơn là âm mưu ăn trộm này, làm phát sinh nhiều câu hỏi cho những người hiểu biết về lịch sử Đông Dương. Chín mươi năm sau sự ngạc nhiên của tôi chắc chắn cũng không khác gì sự ngạc nhiên của ông André Salles. Làm cách nào và trong hoàn cảnh nào mà thanh kiếm của Gia Long lại có thể đến tận Invalides được? “Đã được mang từ Annam về trong cuộc viễn chinh đầu tiên của người Pháp” tác giả của bài báo đã nói. Ông ta đã nói tới “cuộc viễn chinh đầu tiên” nào? Các cuộc viễn chinh tại Đông Dương, tại Tourane (Đà Nẵng – T.Đ.A.S.), vào những năm 1860? Việc chiếm Thuận An, năm 1883, hay cuộc cướp phá Kinh Thành Huế vào tháng 7/1885? Nhưng dù là trong trường hợp nào thì tất cả các thời điểm trên cũng sau thời gian trị vì của vua Gia Long, ông này đã mất vào năm 1820. Phải chăng vị vua này đã ban tặng nó cho một đặc phái viên người Pháp trong một cuộc trao đổi quà cáp nào đó, nếu có, vào dịp ký kết các hiệp ước, hơn là do cưỡng bức? Tôi không nhớ là đã từng đọc thấy kể ra ở đâu đó các trao đổi như vậy. Giả thuyết có khả năng đúng nhất theo tôi thì dường như thanh kiếm này là một chiến lợi phẩm, và trong trường hợp đó thì tôi thiên về thời điểm ngày 5/7/1885 nhiều hơn, vì lúc đó Kinh Thành đã bị cướp sạch, kho tàng bị cướp, Tử Cấm Thành bị tàn phá.

Bài báo đầu tiên không hề nói gì đến nguồn gốc của thanh kiếm này, cũng không nói tại sao nó lại nằm tại Bảo tàng Invalides, chỉ nói đơn giản rằng “nó có giá trị lớn”, cái bao kiếm có dát vàng lá và đá quí. Điều đó chắc là để đưa ra một mục tiêu có thể chấp nhận được cho vụ trộm.

Tuy nhiên sự việc xảy ra vào ban ngày… thanh kiếm và bao kiếm chắc hẳn phải có kích thước lớn, không phải dễ dấu. Chắc là dưới một cái áo khoác? Vào tháng 10 ở Paris trời đã lạnh rồi. Tôi không biết là hồi ấy các ông mặc đồ như thế nào, tôi nghĩ là các loại áo khoác dài hay là cái áo manteau rộng hơn… Kẻ cắp chắc hẳn đã chuồi cái bao kiếm dưới áo, dọc theo người hay là hơi nghiêng. Hắn đã chỉ lấy cái bao kiếm, nhưng rõ ràng là hắn cũng có thể lấy luôn cây kiếm và dấu hai vật đó mà khách tham quan và bảo vệ không thấy hay không? Hắn đã bị phá đám hay sau khi cân nhắc kỹ hắn đã chọn chỉ lấy cái bao kiếm vì nó có giá trị lớn với vàng lá và đá quí…

Phá một cái tủ trưng bày, chuyện đó không phải là quá khó. Thời đó không có hệ thống báo động mà chỉ là các tủ có cửa kính với một cái khóa thường thường. Tôi tưởng tượng là chỉ cần quay lưng lại với tủ kính, chuồi một lưỡi dao vào khe hở giữa cái cửa và khung cửa, ở chỗ có ổ khóa và bẩy ra một cách nhẹ nhàng… Người bảo vệ có thể thông đồng, đôi khi có trường hợp đó, nhưng điều đó cũng chưa chắc, dù sao thì cũng có không ít những vụ trộm tranh xảy ra vào ban ngày trong nhiều bảo tàng ở châu Âu, ngay trước mũi bảo vệ và gần đây cũng có…

Có một bài báo đã nói đến việc lấy dấu vết trên tủ kính. Người đàn ông đó không mang găng tay… Đó phải là một người đàn ông vì cần phải có một cái áo khoác để dấu thanh kiếm, và tôi không tưởng tượng ra nổi một người đàn bà làm điều này… Nhưng ở trên tủ kính đó các dấu vết có thể là dấu vết của một khách tham quan nào đó đã tỳ tay vào để nhìn hay là dấu vết của một bảo vệ. Để biết thêm về điều này, cần phải xem lại các báo cáo của cảnh sát nếu có và nếu chúng còn được giữ cho đến nay.

Có những câu hỏi khác được đặt ra khi đọc các bài báo này. Tờ báo đầu tiên lưu ý rằng có nhiều khách tham quan vào chiều ngày thứ Năm đó, và phần lớn là người nước ngoài. Tại sao tờ báo cần phải nêu lên điều đó? Một sự lui tới bất thường, nhiều hơn bình thường, giả thích cho việc vụ trộm đã không bị bắt gặp. Nhưng tại sao lại nhấn mạnh đến sự có mặt của người nước ngoài? Có phải đây là một phóng viên bài ngoại đặc biệt lúc nào cũng nghi ngờ người nước ngoài, kiểu coi mặt bắt hình dong? Và mặt khác, tại sao vào ngày thứ năm đó lại có nhiều người nước ngoài hơn các ngày khác tại Bảo tàng Quân đội? Vào năm 1913 chưa có những chiếc xe ca cỡ lớn đổ những đoàn du khách xuống sân Bảo tàng Invalides… Chỉ trừ trường hợp… người ta nghi ngờ những người Việt Nam yêu nước đã thực hiện vụ trộm vì một lý do yêu nước. Dù sao đi nữa thì Gia Long là người lập ra vương triều Nguyễn, và cây kiếm này là của ông ấy và là một biểu tượng của vương quốc, của một vương quốc đã bị mất sạch quyền lực dưới sức mạnh của lưỡi lê và súng cối của người Pháp. Không gì cấm được việc nghĩ rằng một cá nhân riêng lẻ hay một nhóm người đã có ý muốn lấy lại vũ khí này để đem về tổ quốc và trao lại cho linh hồn của người sở hữu chính thức của nó. Biểu tượng vương quyền của vương quốc Annam chắc có lý do làm phát sinh một vụ trộm với chủ đích chiến đấu.

Điều làm tôi chú ý, đó là nếu tôi nhớ không lầm thì vào năm 1913 tại Paris có khá nhiều các nhà cách mạng. Vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ, cho đến chiến tranh 1914, tất cả hay hầu như tất cả họ đều ở đấy: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, cả Hồ Chí Minh nữa, và còn những người khác, trong số đó có nhiều sinh viên. Tôi tự nhủ là phải xem xét, phải đọc lại các tác phẩm lịch sử được viết về khoảng thời gian này, giai đoạn mà tôi không rành lắm, để có ý tưởng về nó.

Nhưng trước tiên là phải tìm lại thanh kiếm, nếu nó còn ở Paris.

Uống hai gói Aspirine, vì sự kích động mà các vấn đề này làm nảy sinh ra đã làm tôi phát sốt, tôi gọi cho Bảo tàng Quân đội. Kết quả đáng thất vọng. Người chuyên trách, người đáng ra đã có thể trả lời tôi, không có mặt tại văn phòng, người ta khuyên tôi là nên viết thư. Tôi đã viết một cái thư, tóm tắt câu chuyện và hỏi thanh kiếm có còn nằm ở Bảo tàng hay không.

Ba tài liệu khác…

Mất một thời gian tôi mới nhận được câu trả lời, và trong thời gian này tôi đã thăm dò nhiều con đường khác. Di sản của ông André Salles để lại còn có nhiều thứ khác đã làm cho việc điều tra của tôi đi theo những hướng mới. Trước hết là một bức thư của tướng Niox, Giám đốc Bảo tàng Invalides, mà tôi trích đăng ở đây:

Thiếu tướng Niox

Giám đốc Bảo tàng Quân đội, thuộc Bảo tàng Invalides.

Gởi ông Salles, thanh tra các xứ thuộc địa đã về hưu

                                                                             23 đường Vanneau, Paris

                                                                                   Ngày 6 /10 /1913

Thưa ông,

Tôi xin ghi nhận những nhận định mà ông đã gởi cho tôi về vấn đề âm mưu của các nhà cách mạng Việt Nam mà theo ông họ có thể là người đã thực hiện vụ trộm. Tôi lại không tin vào điều đó, thanh kiếm không bị mất mà chỉ bị mất bao kiếm thôi và tôi rất nghi ngờ về tác giả của vụ trộm.

Tuy vậy tôi vẫn xin cảm ơn ông về những lời khuyên mà ông đã đưa ra và tôi sẽ sử dụng chúng.

Xin ông nhận nơi đây những lời cám ơn chân thành nhất và lòng tôn trọng của tôi.

Tướng Niox

Bức thư gửi cho ông Salles là thư trả lời một bức thư của ông này mà ta không có, nhưng ta có thể đoán ra nội dung một cách dễ dàng. Chắc chắn ông này đã tố giác, có thể là không xác định danh tính, nhưng chỉ rõ một nhóm người, “các nhà cách mạng Việt Nam”. Ta có thể tưởng tượng điều gì đã xảy ra: André Salles là công chức về hưu của Bộ Thuộc địa, giải trí bằng việc nghiên cứu lịch sử Đông Dương, đã viết nhiều bài đăng trong B.A.V.H. mà ông là một biên tập viên nhiệt tình. Không có gì ngạc nhiên khi các bài viết trên nhật báo làm ông chú ý. Là thanh tra ở các xứ thuộc địa, ông cũng biết là tại Paris có nhiều gương mặt nổi cộm của cuộc chiến chống lại hệ thống thuộc địa. Thư trả lời của ông Niox ghi ngày 6/10 làm ta nghĩ rằng ông André Salles đã gởi bức thư của mình ngay sau khi đọc nhật báo ngày hôm đó. Tại sao lại nhanh như vậy? Không lẽ ông lại tự tin đến như thế? Ông có lý do đặc biệt nào để nghi ngờ vài người trong bọn họ không?

Ông là người rành lịch sử Việt Nam, chắc chắn là giỏi hơn ông tướng Giám đốc Bảo tàng Quân đội và tầm quan trọng có tính biểu tượng của thanh kiếm làm ông chú ý.

Nhưng những nhà cách mạng Việt Nam, như ông đã gọi, không phải ai cũng tôn sùng vương quyền, mà trái lại, sự chống đối chế độ quan lại quan liêu đã có: nói đúng hơn họ là những người hâm mộ Danton, Camille Desmoulins và Louis Michel.

Cuộc điều tra có tiến triển

Nói đúng ra thì có thể không phải là tất cả, năm 1913, phong trào còn đang rất tạp nham, bao gồm những người và nhóm người có nguồn gốc khác nhau và không phải được đúc cùng một khuôn. Có vài cá nhân đại diện cho các tầng lớp trên gồm những người đã đi học hay đang theo học, họ thích sự hiện đại và chối bỏ hệ thống cũ xưa kể cả thực dân lẫn tầng lớp thống trị của xã hội Việt Nam. Nhưng cũng có, nhất là những người lớn tuổi, các nhà nho, vẫn còn gắn bó với sự đào tạo cổ điển và lúc nào cũng nhạy cảm với kiểu mẫu Khổng giáo, nơi mà vua nằm ở trung tâm, là trục của trái đất, là gạch nối giữa trời và đất. Đó là những người hoài niệm phong trào cách mạnh lớn của những năm 1886 – 1890, gọi là Cần Vương, vào thời đó đã bị dập tắt hẳn rồi. Giữa hai cực hiện đại và truyền thống này có hai cách chống đối lại chính sách thuộc địa, nhiều hành động diễn ra và tất nhiên là ta không thể loại trừ việc đối với một số người trong bọn họ thì sự hiện diện của thanh kiếm tại Bảo tàng Invalides này là biểu tượng không thể chịu đựng được của sự chiếm đóng của nước Pháp trên đất nước Việt Nam. Trong trường hợp này thì ta tưởng tượng được là có một người nào đó, trong một phút bất chợt động lòng hay bị xúi dục bởi một nhóm nhỏ các nhà hoạt động cách mạng lãng mạn, đã thực hiện hành động. Trong trường hợp đó thì tôi sẽ nghĩ đến các sinh viên: tôi không tưởng tượng ra những người chống đối lớn tuổi hơn và bị theo dõi chặt chẽ hơn, họ có thể bị bỏ tù nếu có một hành động có ý nghĩa dù không có ảnh hưởng đáng kể, những người này sẽ không liều mạng vì một lợi ích nhỏ như thế. Họ là những nhà chiến lược lớn nên sẽ không làm điều đó, hay ít ra là theo tôi nghĩ.

Vậy là tôi quyết định theo đuổi, tìm tòi trong các sách vở, kho tư liệu của thời kỳ đó nhằm dựng nên khung cảnh của cuộc cách mạng Việt Nam để ít ra có một hiểu biết riêng cho mình và thử tìm hiểu ai là người mà ông Salles đã nói đến…

Trong các giấy tờ của ông Salles có một tư liệu khác, trích ra từ câu chuyện mà ông Jules Boissière, nhà văn và nhà báo, đã kể về cuộc du hành của mình tới Đông Dương và cuộc gặp mặt vua Đồng Khánh khi ông đi ngang qua Huế vào năm 1888:

“Vua nói một cách kín đáo về hai vật quí, đã bị mất khi Huế bị cướp sạch: thanh kiếm của vua Gia Long, người sáng lập triều đại và một chuỗi kim cương được làm từ đời Gia Long khoảng 1802 đến đời Tự Đức khoảng 1880 mới xong. Vua sẽ mỉm cười khi nhắm mắt nếu có thể mua lại và hoàn trả lại cho kho tàng hai thứ đồ châu báu có tính lịch sử và biểu tượng này mà nếu bảo tồn được chúng thì vua sẽ được phước và bảo tồn được nòi giống…”

Vua Đồng Khánh được người Pháp đặt lên ngôi sau khi họ chiếm được Kinh Thành vào tháng 7/1885 để thay thế em của ông là Hàm Nghi khi đó đang bôn tẩu. Sự yêu cầu này, mua lại – chứ không phải là đòi trao trả lại, chứng tỏ tầm quan trọng của thanh kiếm này đối với vương quyền ở Huế. Vua nói đến nó như là một “báu vật lịch sử và biểu tượng mà có nó thì ông sẽ có phước và bảo tồn được nòi giống”. Yêu cầu – kín đáo – này, đệ đạt cho một nhà văn đi ngang ghé qua – mà không phải một cách trực tiếp cho các đại diện của nước Pháp, những người chuyên trách về các vấn đề dân sự và quân sự – yêu cầu này chắc là đã không đi tới đâu, có thể vì ông Boissière đã không chuyển lời, cũng có thể là nó không có hiệu lực vì 15 năm sau cây kiếm vẫn còn được trưng bày ở Bảo tàng Invalides làm cho kẻ cắp thèm thuồng.

Trái lại, tôi chưa bao giờ nghe nói đến cái chuỗi hạt kim cương mà việc sản xuất đã kéo dài tới gần 80 năm…

Về cái chuỗi hạt này (Tại sao lại dùng từ chuỗi hạt? Thật ra nó là cái gì? Một cái chuỗi đeo cổ chăng? Để dùng làm gì?) cũng như về cây kiếm, có thể là tài liệu sách vở Việt Nam có nói đến và tôi đã yêu cầu liên hệ với vài sử gia Việt Nam để tìm hiểu thêm.

Đoạn trích dẫn từ truyện kể của Jules Boissière không hẳn là tài liệu cuối cùng mà B.A.V.H. giới thiệu: còn một tài liệu nữa, một bức thư, cũng gởi cho Salles, ghi năm 1922 tức là 8 năm sau, do đại tá Payard của Bảo tàng Invalides gởi để mô tả thanh kiếm và cái bao kiếm bị mất.

“Thanh kiếm hiện gồm có chuôi kiếm và lưỡi kiếm, không có thêm đồ phụ kiện.

Mô tả: lưỡi kiếm bình thường chỉ có một sống lõm, phía trên có khắc chữ ở một đoạn dài 10cm. Đốc kiếm bằng ngọc thạch chia thành 7 khoảng ngăn cách nhau bởi các sợi bên bằng vàng. Cái nuốm đốc kiếm bằng vàng chạm (hình con chó). Từ miệng chó nối ra một thanh che tay. Tất cả đều có nạm ngọc trai và trang trí bằng đá quí.

Cái bao kiếm không phải bằng vàng mà là dát vàng, tức là có hai lớp vỏ và có đường viền bằng đá ở cả hai mặt.

Cái móc dây lưng và khâu đeo kiếm bằng lụa và vàng, nạm ngọc trai, dây lưng bằng lụa màu xanh và nạm vàng.

Thanh kiếm đó đại khái là như vậy…

Tất nhiên là tôi không hề biết chút gì về các từ chuyên môn: sống lõm, đốc kiếm, lớp vỏ, đường viền, khâu đeo kiếm không hề gợi cho tôi điều gì… Vậy là tôi phải nghĩ đến việc tìm một cuốn tự điển chuyên môn.

Do có vàng và đá quí, tôi nghĩ là cái bao kiếm chắc hắn đã gợi lòng thèm muốn nhưng dù gì thì cũng không nhiều hơn thanh kiếm, thanh kiếm với đốc kiếm bằng ngọc và vàng chắc cũng đáng giá trên thị trường. Tóm lại, nếu vụ trộm làm nảy sinh một giả thuyết chấp nhận được, thì không lẽ tại nhiều bảo tàng ở Paris, nơi cất giữ những hiện vật có một quan hệ lợi – hại còn lớn hơn, kẻ cắp đã không cần phải có một sự lựa chọn rất sáng suốt.

Nhiều ngày trôi qua, tôi dần bình phục, trước khi tiếp tục điều tra, tôi quyết định lập ra các điều ưu tiên, điều nghiên một dự án tấn công và một chiến lược, để không mù quáng cùng một lúc đi theo nhiều hướng khác nhau. Tức là đưa ra các vấn đề và tìm cách giả quyết các vấn đề đó.

Sau đây là bảng đầu tiên mà tôi làm:

Vấn đề Tài liệu tra cứu Nơi tìm hiểu
Thanh kiếm đã đến Bảo tàng Invalides trong trường hợp nào?

– Nhật ký hành quân của các đội quân tham chiến ở Huế

– Thư mục lịch sử về việc đô hộ Trung Kỳ Bắc Kỳ

– Thư viện SHAT

– AOM

Ai là tác giả của vụ trộm cái bao kiếm năm 1913?

Ai là người mà ông Salles đã nghi ngờ?

– Các tác phẩm về lịch sử các phong trào cách mạng tại Đông Dương

– Giấy tờ trao đổi về cuộc điều tra

– Điều tra của cảnh sát

– Báo chí

– Thư viện quốc gia

– Văn khố của cảnh sát

– Văn khố của Bảo tàng Invalides

Thanh kiếm nay đang ở đâu? – Liên hệ với các quản thủ của bảo tàng – Bảo tàng Invalides
Thanh kiếm có đóng một vai trò đặc biệt trong số các kỷ vật của các vua quá cố để lại hay không (các nghi lễ, nơi cất giữ…)? – Văn khố ở Việt Nam– Tạp chí của Hội Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H.) – Liên hệ với các nhà sử học Việt Nam

Việc đầu tiên là lục lọi trong thư viện. Cần phải nói là tôi không chuyên về lịch sử Việt Nam. Tôi biết về lịch sử Việt Nam cũng gần bằng những điều tôi biết về lịch sử Pháp, tức là không nhiều. Tôi lập ra một bảng biên niên sơ sài trong đó tôi đưa vào các sự kiện, các triều đại, các nhân vật, từ đó nổi lên những điều mà tôi biết rất rõ và cũng có những điểm đen mà tôi không biết chút gì. Về lịch sử Việt Nam thì còn tệ hơn là biết về lịch sử Pháp nên trước hết tôi cần phải cập nhật kiến thức của mình.

Thất thủ Kinh đô năm 1885

Tôi đã đọc vài tác phẩm lịch sử và dưới ngòi bút của Charles Fourniau trong tác phẩm Annam – Tonkin, 1886 – 1896, nhà nho và nông dân Việt Nam đối diện với cuộc chinh phục thuộc địa, tại trang 35, tôi khám phá ra rằng trực giác của tôi đã không nhầm: thanh kiếm đã được mang đi như một chiến lợi phẩm khi tấn công Kinh Thành Huế nào ngày 5/7/1885:

“Chính Courcy đã không ngần ngại lấy cây kiếm của vua và gởi tặng cho bộ trưởng Bộ Chiến tranh, tướng Campenon, ông này nhận nó không một chút nhíu mày”

Vậy là tôi đã hiểu trong trường hợp nào thanh kiếm đã rời khỏi Kinh Thành để đến nằm tại Bảo tàng Invalides. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính xác là thanh kiếm đã được mang đi trong lần cướp sạch Huế.

Để cho những ai không biết về các sự kiện này, cần phải lùi lại đến thời điểm đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5/7/1885 và các sự kiện liên quan:

Ngày 1/7/1885, tướng de Courcy đến Huế, qua cửa Thuận An. Ông được hộ tống bằng một đoàn tùy tùng cả nghìn người. Ông đến tòa Công sứ và báo cho Hội đồng Cơ mật là ông đến để trình các ủy nhiệm thư và mời các quan đến. Đây là một cánh tay thép đưa ra. Các thành viên của Hội đồng Cơ Mật không có lý do gì để ra khỏi thành, điều đó không phù hợp với lễ nghi. Tất nhiên là de Courcy biết điều đó: không phải là Hội đồng Cơ mật phải đến theo lời mời của ông mà đúng ra chính ông phải đến trình diện tại Hoàng cung. Triệu tập Hội đồng này ở bên ngoài, tại Tòa Công sứ, đó hầu như là đòi hỏi một biểu hiện của lòng trung thành. Nhiều vị quan, trong đó có ông Thuyết (Tôn Thất Thuyết – T.Đ.A.S.) là một trong các phụ chính đại thần, cáo bệnh. De Courcy không nhân nhượng, trả lời là ông sẽ đợi đến khi các vị quan lớn này khỏi bệnh. Điều này kéo dài cho đến ngày 4/7. Đêm đó, ông Thuyết quyết định tập hợp tất cả các lực lượng quân đội và tấn công người Pháp. Ông không còn tin vào sự thương lượng nên đã quyết định tấn công trước khi quá muộn. Đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 các đội quân người Việt Nam đồng loạt tấn công người Pháp cả ở Tòa Công sứ lẫn ở Mang Cá trong Kinh Thành…

Trong nhiều tuần lễ, tôi đã tự đưa ra câu hỏi: vào lúc nào và ở đâu de Courcy đã lấy thanh kiếm? Thanh kiếm đã được để ở đâu, điều này tôi cũng không biết, có thể là trong Kho tàng của Hoàng gia, có thể là ở Thế Miếu, miếu thờ này nằm đối diện với mấy cái đỉnh đồng, nơi có bàn thờ các vua. Một bản vẽ cũ của Kinh Thành cho ta thấy một công trình được ghi là miếu “thờ Gia Long” (tức Thế Tổ Miếu – T.Đ.A.S.) nằm đối diện với Hoàng cung.

Để hiểu điều gì đã xảy ra, tôi đã phải thể hiện lại một cách chính xác nhất các sự kiện xảy ra trong đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5. Các sử gia đã làm công việc này trước tôi, và số người này không phải là ít, nhưng họ làm không phải là do cùng một chủ đích. Vả lại tôi muốn có suy nghĩ riêng của mình, nghe những người đã trực tiếp tham gia kể lại. Vậy nên tôi đã đến Phòng Lịch sử Văn khố của Bộ Binh (SHAT) và ở đó tôi đã tìm được các báo cáo do chính de Courcy gởi về cho các thượng cấp ở Paris, nhật ký hành quân của các đội quân tham chiến, chủ yếu là đội quân lính bộ binh Algérie số 3, và tìm ra được cả những thư từ do ông tham biện người Pháp, là Palasne de Champeaux, gởi. Tôi thống nhất các quan điểm khác nhau, quân sự và dân sự. Sau đó tôi đã đối chiếu với bài vè Thất thủ kinh đô do ông E. Le Bris sưu tập được từ các người hát rong người Việt Nam, và đã đăng trong B.A.V.H. Tôi đã mua của các nhà bán sách cũ – và trên internet – các tác phẩm xuất bản trước năm 1900, tác giả của chúng đều là các chứng nhân trực tiếp hoặc gián tiếp: chuyện kể về đời sống của các lính thủy đánh bộ và lính lê dương, hồi ký của các nhà chức trách dân sự hay quân sự, Dutreil de Reims, Reinhart des Essarts, de Lannessan, Paulin Vial… Tôi đã có tất cả trước mặt, tôi xếp đặt chúng lại, tôi thử tái hiện lại các sự kiện, các hoạt động, cử chỉ…

Trước đó một thời gian, người Pháp đã được triều đình cho phép đóng quân, không chỉ ở chỗ đất của Tòa Công sứ đã được nhượng cho họ ở bên kia sông, mà cả ở bên trong Kinh Thành, ở phần được gọi là Mang Cá. Đối với nhiều người trong triều thì đây là một chuyện không thể chấp nhận được, hơn nữa binh lính người Pháp lại có nhiều thái độ bất kính: người ta thấy lính thủy đánh bộ đi lại như trong các vùng bị chiếm và đùa giỡn bằng cách ném mũ của các quan xuống đất, thậm chí còn thấy các sĩ quan cỡi ngựa vào trong các công trình trước nay cấm người ngoài.

Trong triều có hai phe: phe chủ chiến, thậm chí cho đến chết, chống lại sự hiện diện của người Pháp và phe chủ hòa muốn thương lượng. Phe đầu tiên hiện thân là tướng Thuyết, người đáng ghét nhất đối với người Pháp, người không thể khuất phục. Ở phe thứ hai có nhiều gương mặt: những người thực tế nhận thấy tương quan lực lượng giữa hai bên là quá bất lợi đã phê phán bất cứ hành động quân sự nào, những người cơ hội chủ nghĩa nghĩ đến việc trục lợi từ người Pháp, nhưng cũng có những người sợ hãi không thể phản ứng trước sự tấn công của người Pháp và các nhà chiến lược muốn đợi một cơ hội tốt hơn. Quan phụ chính thứ hai là Nguyễn Văn Tường, ban đầu cũng điên cuồng chống lại người Pháp như ông Thuyết, nhưng là người có suy nghĩ hơn, ít bị xúi dục hơn, thử cứu lấy cái gì mà ông tin còn có thể cứu được, chọn việc mất một ít để không bị mất tất cả. Từ khá lâu, hai người đã đối địch nhau và để chuẩn bị một cuộc tấn công người Pháp, ông Thuyết đã cho xây dựng một cái thành trong rừng để rút lui nếu kinh đô bị mất.

Lo lắng về các ảnh hưởng của cánh tay thép của de Courcy, ông đã quyết định được ăn cả ngã về không, tập hợp tất cả các đội quân có thể sử dụng được, thả tù nhân ra để sung thêm vào số quân này và tấn công đồng thời Mang Cá và Tòa Công sứ. Ông kỳ vọng vào tác dụng của sự bất ngờ để bù lại việc quân đội của mình không được trang bị tốt. Mặc dù có sự bất đồng nội bộ nhưng ông cũng có thể tin tưởng, ít ra là trong thời gian đầu, vào sự giúp sức của quân đội và phần lớn các quan văn.

Bên phía Pháp cũng chia rẽ. Có người thì muốn chấm dứt sự hiện diện của vương quốc và triều đình, thậm chí là nếu cần đến biện pháp mạnh, và thiết lập một chính quyền trực tiếp, làm cho Annam trở thành một thuộc địa như Nam Kỳ; và có người thì muốn giữ lại chính quyền của vua với sự bảo hộ của người Pháp. Những người theo chính kiến trước chủ yếu tập trung trong các quân nhân và các nhà truyền giáo, trong đó có de Courcy là một điển hình với chính sách triệt để nhất của ông. Những người theo chính kiến thứ hai chủ yếu là bên dân sự, các người làm việc hành chính, các tham biện nghiêng về giải pháp giữ lại thể chế vua gồm chủ yếu các đặc quyền của vua và và sự quản lý hành chính đất nước dưới sự giám hộ của nước Pháp. Đó là chính sách của Lemaire, đại diện của nước Pháp tại Huế và cũng là chính sách của Paris, sợ rằng một chính quyền trực tiếp sẽ làm hại đến các ngân khoản của quốc gia chưa thể hồi phục lại được sau chiến tranh 1870 và cuộc chinh phục Mexico. Các bất đồng này đã làm cho Lemaire là tham biện tại Huế phải từ chức. Ông Palasne Champeaux vừa mới đến thay thế ngay trước khi de Courcy tới.

Đó là tình hình vào ngày hôm trước của cái mà ở Pháp người ta gọi là “cuộc mai phục tại Huế”. Cuộc tấn công Mang cá và Tòa Công sứ xảy ra vào ban đêm, làm cho binh lính bị bất ngờ trong khi đang ngủ, tên lửa của người Việt Nam làm cháy mái tranh của các trại lính.

Tác dụng của sự bất ngờ qua đi, các đội quân Pháp không chút khó khăn chiếm lĩnh lại được vị trí của họ trong Kinh Thành và ở Tòa Công sứ. Sau đó chỉ cần vài giờ là họ làm chủ được tình hình và chiếm lấy kinh thành, cướp bóc cung điện. Tôi đã đọc lại kỹ càng các nhật ký hành quân, các thư từ trao đổi của de Courcy, các sử liệu của người Việt Nam và cả các mô tả những địa điểm mà tôi đã tìm thấy trong tạp chí.

Ở đây tôi lại cũng phải làm quen với các từ vựng mới, từ vựng về kiến trúc thành luỹ: cửa ngầm ở công sự, phòng lộ, thành giai, công sự ngoài, công sự lẻ, pháo đài… Tất cả các điều ấy để theo dõi sự chuyển quân trong đêm đó. Tôi hy vọng biết được, nhờ một chứng nhân không bác bỏ được, ở đâu, khi nào và như thế nào thanh kiếm đã đổi chủ. Trước hết, nếu tôi không nhầm, thì Mang Cá chỉ có lối thông ra bên ngoài, vào thời đó không có lối thông trực tiếp vào trong Kinh thành, nếu không thì cũng phải băng qua một cây cầu bắc qua hào. Vậy thì các đội quân đóng ở trong Mang Cá phải đi ra, đi dọc theo thành, để đi vào thành bằng một trong các cửa bên trên có vọng lâu. De Courcy không thể cầm đầu các đội quân này vì ông đang ở tại toà Công sứ, bên kia sông, và chắc là mãi đến sáng hôm sau ông mới vào Hoàng Thành. Trái lại, một đoạn trong bài vè Thất thủ kinh đô làm tôi chú ý, đoạn nói đến chuyện vua Hàm Nghi cuống cuồng chạy trốn:… Ngài, khóc ròng khóc rả, ra lệnh mang theo kiếm vàng và ấn vua

Kiếm vàng và ấn vua: chỉ có thể là thanh kiếm của vua Gia Long. Sự kiện nó được gắn với cái ấn làm tôi tin chắc rằng nó có một nhiệm vụ biểu tượng quan trọng và rằng nó đóng một vai trò trong lễ đăng quang của các vua…

Nhưng nếu tác giả của bài vè đúng thì de Courcy không thể lấy thanh kiếm trong vụ cướp sạch Kinh Thành. Trong trường hợp này thì ông sẽ chỉ có nó khi bắt được vua Hàm Nghi, tức vài tháng sau đó.

Điều làm tôi chú ý, đó là rất nhiều lần, trong những ngày sau cuộc cướp bóc, ông nhắc đi nhắc lại rằng “phần lớn kho tàng đã lọt vào tay chúng ta và các đồ mỹ nghệ đã được để lại tại chỗ để trao lại cho vua mới của Annam”. Ông có thể đã nói dối, chắc vậy, và không muốn nói đến các cuộc cướp bóc và vòi tiền của lính bộ binh Algérie, những điều này đã do các chứng nhân khác tố cáo và chính de Courcy cũng ám chỉ đến khi về sau ông này đòi là phải trả lại những đồ vật đã bị ăn trộm trong cuộc tấn công vào ngày mồng 5.

Nếu bài vè nói đúng và nếu de Courcy đã lấy thanh kiếm từ vua Hàm Nghi thì dù sao cũng là sau khi vua Đồng Khánh đã lên ngôi. Vua Hàm Nghi chạy trốn mang theo các biểu tượng của vương quyền, của sự chính thống của mình, làm cho vị vua do người Pháp đặt lên tại Huế trở nên không chính danh.1 Vì lý do gì mà de Courcy không trả lại thanh kiếm cho triều đình Huế? Do tính toán thế nào đó, ông chọn việc chuyển nó cho ông bộ trưởng đỡ đầu như một chiến lợi phẩm. Có phải là một cách để tỏ ra rằng từ nay về sau vương quyền không còn có thể hợp pháp hóa, kêu gọi sự trung thành đối với tổ tiên sáng lập và chấm dứt quyền lực của vua Annam vì từ nay về sau các công sứ người Pháp sẽ kiểm soát vương quốc? Hay là do ông không có ý niệm về tầm quan trọng của cái biểu tượng này của triều đình?

Điều này giải thích rằng việc thiếu thanh kiếm đã khiến cho vua Đồng Khánh rất lo lắng, nếu ta tin một tư liệu khác trong số các tư liệu của ông Salles giữ, nói về chuyện kể của ông nhà văn – nhà báo Jules Boissière, khi ông này đến thăm Huế vào mùa xuân năm 1888, tức là sau các sự kiện trên:

“Vua nói một cách kín đáo về hai vật quí, đã bị mất khi Huế bị cướp sạch: thanh kiếm của vua Gia Long, người sáng lập triều đại và một chuỗi kim cương được làm từ đời Gia Long khoảng 1802 đến đời Tự Đức khoảng 1880 mới xong. Vua sẽ mỉm cười khi nhắm mắt nếu có thể mua lại và hoàn trả lại cho kho tàng hai thứ đồ châu báu có tính lịch sử và biểu tượng này mà nếu bảo tồn được chúng thì vua sẽ được phước và bảo tồn được nòi giống…”

Báu vật lịch sử tạo phúc và bảo tồn nòi giống: đây không phải đơn giản là đồ dùng thuộc về ông vua ta đang nói tới mà trong tâm trí của vua Đồng Khánh đây là các biểu chương vương quyền dùng trong lễ đăng quang, và đồ vật theo lễ nghi mang quyền lực của vua và chủ yếu là thiên mệnh của vua. Quan trọng tới nỗi vua đã yêu cầu mua lại…

Về cái chuỗi hạt bằng kim cương mà việc chế tạo kéo dài tới 80 năm thì không hề bao giờ nghe nói tới.

Vậy là trong một vài tháng, tôi đã trả lời được một phần lớn các câu hỏi đầu tiên. Còn thiếu các thông tin về vai trò chính xác của cái vũ khí này, về nơi mà nó đã từng được cất giữ, về các nghi lễ mà nó có thể đã tham dự… các nhà nghiên cứu Việt Nam, những người quen thuộc với văn khố triều Nguyễn chắc chắn sẽ có thể cung cấp những ghi chú quí giá về các vấn đề này.

Tại Paris năm 1913, “các nhà cách mạng Việt Nam”

Trong khi chờ đợi câu trả lời của Bảo tàng Invalides, lúc nào cũng đang sửa chữa, tôi tấn công vào loạt câu hỏi thứ hai, liên quan đến một thời kỳ khác và những địa điểm khác: Paris, 1913.

Tôi khó có thể định hướng việc điều tra của mình, tôi không biết làm sao mà tiến lên nếu tôi không thể có được nội dung của bức thư mà ông André Salles đã gởi cho tướng Niox: “Các nhà cách mạng Việt Nam”, không gì mù mờ hơn. Trên thực tế vấn đề được chia ra thành hai:

Ai là người ông André Salles buộc tội và tại sao?

Những người bị buộc tội này, cứ cho rằng tôi xác định được họ, có thể là những người có tội không?

Tóm lại, làm sao có thể tạo ra được một sự tin chắc dựa trên những dấu hiệu nghèo nàn đến thế và lý do nào mà người ta lại cho rằng đây có nhiều khả năng là một vụ trộm có tính chất yêu nước hơn là một vụ trộm tầm thường của một tên vô lại tại Paris?

Các “nhà yêu nước người Việt Nam” tại Paris vào những năm trước chiến tranh 14 – 18 có nhiều lắm, và cũng không ít các sinh viên, những người không ai biết nhân dạng, những sinh viên vô danh không hề để lại chút dấu vết gì trong lịch sử. Bất cứ ai trong bọn họ cũng có thể là người mà ta đang nói tới và ta không bao giờ xác định được danh tính của y.

Về luận điểm “các nhà yêu nước”, có thể là có một dấu vết: một ghi chú đặc biệt trong bài báo về một đám đông người nước ngoài bất thường đã đến tham quan bảo tàng. Các kẻ trộm, nếu là người Việt, sẽ bị nhận dạng dễ dàng giữa một đám đông người Pháp. Họ có thể đã trà trộn vào một đoàn người nước ngoài, một hội sinh viên đi tham quan chẳng hạn, để không bị nhìn thấy, họ đã có ý đồ chọn ngày này?

Không thể nào biết được…

Và mặt khác làm thế nào mà những người Việt Nam này lại biết được sự hiện diện của thanh kiếm tại Bảo tàng Invalides? Chỉ có các sinh viên là có khả năng đến thăm Bảo tàng Invalides, một bảo tàng rất được người tỉnh lẻ và người nước ngoài ưa chuộng lý do là có ngôi mộ của vua.2 Ngẫu nhiên một người trong bọn họ, khi đi thăm các phòng trưng bày dành cho các thuộc địa, đã phát hiện ra thanh kiếm trong một tủ kính và sắp xếp với các bạn có cùng chí hướng để canh chừng và đánh lạc hướng người bảo vệ…

Tôi đã đọc lại tiểu sử các “con rồng” tại Paris, tôi cũng đọc một vài nghiên cứu về các sinh viên Việt Nam tại Paris vào thời gian đó, tôi không hề tìm được một dấu vết nào của thanh kiếm, không hề có một vết tích nào, không hề có gì để nghi ngờ.

Nhưng có một ngày, tại đường Ông Hoàng (rue Monsieur le Prince), ở một tiệm sách… sự may mắn đến giúp tôi… Tôi tìm được một cuốn sách nhỏ mà người ta vừa mới tái bản Một âm mưu của người Việt tại Paris của Phan Văn Trường. Tựa đề cuốn sách quá hay và cả thời điểm được ghi trên trang 4 của bìa sách cũng phù hợp: sự việc xảy ra vào 1912 – 1913.

Tôi đến ngồi tại quán rượu đầu tiên, gần (vườn) Luxembourg, kêu một ly cà phê và bắt đầu đọc. Và bất thình lình, cuốn sách suýt tuột khỏi tay tôi. Tác giả khẳng định mình là đối tượng của một âm mưu sắp đặt chống lại mình do… André Salles tạo ra!

Phan Văn Trường, thầy dạy kèm tiếng Việt

Sau đây là tóm tắt nội dung của cuốn sách đã được đăng từng kỳ trong nhật báo Cái Chuông Rè (La cloche fêlée) của Nguyễn An Ninh, trước khi được xuất bản thành sách tại Sài Gòn.

Vào thời điểm ta đang nói đến, Phan Văn Trường đang ở Paris nơi ông được Toàn quyền Đông dương gởi tới để làm thầy dạy tiếng Việt ở trường Ngôn ngữ Đông phương (l’école des langues orientales). Ông bắt đầu dạy vào năm 1908 và đồng thời đăng ký học tại khoa luật. Về phần mình, André Salles đã về hưu. Ông này đã chấm dứt công việc làm thanh tra ở các xứ thuộc địa, sau khi đã làm quản lý trong hải quân và về hưu rồi thì thích biên tập các tác phẩm lịch sử viết về sự hiện diện của người Pháp tại Đông dương cũng như tổ chức nhiều hội ái hữu Pháp – Việt khác nhau.

Hai người chạm trán nhau về vấn đề tổ chức cho các sinh viên Việt Nam tại Pháp. André Salles là Chủ tịch Ủy ban Paul Bert, thuộc tổ chức Liên Minh Pháp, có chủ đích là coi sóc thời gian lưu trú của các sinh viên Đông Dương được gởi sang Pháp. Coi sóc và theo dõi, chắc là vậy. Trong câu chuyện của mình, Phan Văn Trường lên án ủy ban này, và đó cũng là ý kiến của nhiều sinh viên Việt Nam vào thời đó, đã cách ly các sinh viên này trong một ngôi trường tại Joinville le Pont, trường Parangon, để cho họ khỏi bị ảnh hưởng của các nhân vật gây tranh cãi người Việt Nam đang sống lưu vong tại Paris. Về phần mình, Phan Văn Trường và một vài sinh viên lập ra hội đầu tiên của người Việt Nam tại Pháp, được chính thức công khai theo pháp luật năm 1901, Hội Đồng bào tương ái (La Fraternité). Phan Châu Trinh cộng tác với hội này, ông này là một gương mặt biểu trưng của hội. Nhà nho của thời đại cũ này đã bị kết án tử hình vì bị buộc tội là người xúi dục các phong trào nổi loạn tại miền Trung (Việt Nam – T.Đ.A.S.). Được đặc xá vì tội của ông chưa chắc chắn, ông bị giam tại nhà tù khổ sai Poulo Condore, và cuối cùng sống lưu vong tại Pháp. Vì vậy cho nên ông bị theo dõi chặt chẽ.

Việc lập ra cái hội của người Việt này làm cho André Salles lo lắng xem đó là một sự cạnh tranh nguy hiểm, ông tố cáo như là một nơi tổ chức đội ngũ cho giới trẻ Việt Nam và là nơi khuếch tán các tư tưởng chống chế độ thực dân.

Vậy là Phan Văn Trường buộc tội André Salles đã truy hại mình và là nguyên do cho việc kết án mình có âm mưu chống lại an ninh quốc gia làm cho ông bị ở tù vào năm 1913. Lần đầu tiên đọc cuốn sách của ông, tôi không thấy có gì chứng tỏ điều đó một cách rõ ràng, mặc dù André Salles là viên chức đã về hưu của Bộ Thuộc địa chắc chắn vẫn còn giữ các mối quan hệ và tiếp tục đóng một vai trò tích cực như ta đã thấy qua bức thư mà ông đã gởi ngay cho Bảo tàng Invalides để chia sẻ những nghi ngờ của mình.

Những rắc rối của Phan Văn Trường bắt đầu vào năm 1912 khi ông không thể gia hạn hợp đồng làm việc tại trường Ngôn ngữ Đông phương. Lý do đưa ra dường như rất hợp luật. Ông giám đốc trường Ngôn ngữ Đông phương cho biết là chỗ làm này không có tính nhất định và ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa có ý dành nó cho những người Việt Nam khác. Không có gì để nói, nếu không phải là “tính luân chuyển” này của chỗ làm trước đây không hề có.

Hồ sơ của Phan Văn Trường

Tôi nghĩ là việc biết cho rõ ràng đích xác đối với tôi là không khó. Tôi tìm hiểu tại trường ngoại ngữ đông phương, tôi đã xin phép tra cứu hồ sơ của Phan Văn Trường, thầy dạy tiếng Việt từ năm 1908 đến năm 1912. Người ta đã mang nó lên cho tôi từ tầng hầm của đường Lille nơi cất giữ văn thư lưu trữ. Thật là cảm động: sau khi đọc kỹ tác phẩm của ông, tôi đã có cảm tình với ông, cái ông người Việt bé nhỏ, và vậy là tôi có trước mắt thư từ của ông, chữ viết đúng mực, và cả những nhận xét về ông. Những lời ca ngợi: thông minh, có học thức, cẩn thận, nhà giáo giỏi, nhận xét năm 1910 ghi như vậy. Nhưng sau đó, ở một thời điểm không đọc được rõ, giọng điệu đã thay đổi: thông minh và trong sáng nhưng dường như không soạn bài trước. Mặt khác nói quá nhanh và không phải là một giáo viên tốt… viết rất ít hay không viết trên bảng.

Có phải người ta đã đánh giá thấp hơn vì lý do các hoạt động hội đoàn của ông? Có phải là ông đã bỏ mặc, đã dành ít nhiệt tâm hơn cho công việc của mình?

Nhưng phần sau của hồ sơ xác nhận các giả thuyết của Phan Văn Trường. Trước hết là có một biên bản cuộc họp của Ủy ban Paul Bert ngày 29/3/1912, do André Salles ký tên là thư ký.

Tôi trích lại ở đây vài đoạn:

“Ông nhà nho này (Phan Châu Trinh – T.Đ.A.S.) cộng tác với ông Phan Văn Trường, thầy dạy tiếng Việt tại trường ngoại ngữ đông phương, cử nhân luật, công dân Pháp, lập ra các điều lệ bằng tiếng Việt (trong biên bản có gạch dưới) cho một thứ hội tương trợ lẫn nhau; nhưng các điều lệ này dường như có ý định tác động đến tư tưởng của các hội viên, một hoạt động mà Ủy ban Paul Bert, có lẽ, sẽ không thể chấp nhận đối với những người được giám hộ.

Và trước tiên hết cái tên của hội là La Fraternité được tạo thành bằng những từ rất mạnh “tình yêu thương thân thiết của những người anh em cùng một bào thai”, người ta muốn tạo ra những mối liên kết mạnh mẽ. […] Cũng cần phải ghi nhận mục đích chính xác của hội: 1) cho phép các đồng hương đi học xa nhà được hội họp thường xuyên, năng lui tới, liên lạc mật thiết và kết giao với nhau; 2) thăm viếng và chia sẻ với những người mới có chuyện buồn hay đau ốm; 3) bằng một sự phát triển không ngừng, tập trung cố gắng để đoàn kết, tự hoàn thiện trong tất cả mọi ngành học về văn chương và khoa học”.

Chương trình này ngày nay, đối với chúng ta xem ra khá vô hại, tuy nhiên hồi ấy lại làm cho Ủy ban Paul Bert lo ngại khủng khiếp: “…hội vừa nói, nếu nó hoạt động, chung qui lại sẽ là một uỷ ban Paul Bert nơi những tư tưởng Việt Nam sẽ làm chủ”.

Tuy nhiên ý kiến của ủy ban lại khác nhau: đây không phải là các nhà cách mạng nhưng là các nhà yêu nước nhắm đến việc đuổi người Pháp ra khỏi đất nước họ, với sự che chở và sự giúp đỡ của luật pháp của chính chúng ta…

Như vậy là càng nguy hiểm hơn nữa, theo quan điểm của họ…

Tóm lại, ủy ban quyết định cấm các người được giám hộ của ủy ban tham gia hội Fraternité, và dự định gởi bản báo cáo này cho Bộ Thuộc địa…

Và trong số các tài liệu khác, có một bức thư của Bộ Thuộc địa gởi cho Ban giám hiệu trường Ngôn ngữ Đông phương, có đóng dấu mật, mà tôi cũng trích lại một đoạn:

“Cũng cần nghi ngờ rằng, với ảnh hưởng của ông Phan Văn Trường, người mà ông Toàn quyền Đông Dương đã mô tả với tôi như một đầu óc rất có học nhưng kiêu căng, mánh khoé và mong muốn mình được lòng các đồng bào tại Pháp và tại Đông Dương, hội này trở thành một câu lạc bộ nơi trao đổi những cảm tưởng và các ý nghĩ ít có lợi cho việc cai trị của chúng ta…”

Ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa khuyên là không nên ký gia hạn thêm hợp đồng với Phan Văn Trường và gợi ý ở đoạn kết luận là phải tác động cho ông Toàn quyền Đông Dương về vấn đề đưa cái ông người Annam này trở về nước.

Đó là những gì đã có trong hồ sơ của ông, với các tài liệu khác nữa. Phan Văn Trường không phải là chỉ bị ám ảnh bị truy hại mà ông có lý. Trên thực tế ông đã bị cho thôi việc tại trường Ngôn ngữ Đông phương, như ông đã giả định là với sức ép của Ủy ban Paul Bert đối với ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, sau khi Hội Đồng bào tương ái được thành lập.

Sự việc này xảy ra vào mùa thu năm 1912. Vụ trộm thanh kiếm và những lời buộc tội của ông Salles đối với những người cách mạnh Việt Nam nếu có đến sau đó một năm. Ông Salles có phải đã ám chỉ đến Phan Văn Trương, Phan Châu Trinh và các thành viên khác của Hội Đồng bào tương ái hay không?

Nhưng bức thư của Salles gởi cho ông tướng Niox, bức thư có khả năng xác định hay bác bỏ giả thuyết này, tiếc thay đã không tìm thấy được. Ông quản thủ Bảo tàng Invalides đã không tìm được một vết tích gì về nó. Tuy vậy, tôi vẫn hy vọng là nó đã được xếp vào trong một hồ sơ bị bỏ quên nào đó và ngày một ngày hai nó sẽ xuất đầu lộ diện.

Tuy nhiên, đừng quên rằng ông André Salles, người dường như đã từng làm công việc giám sát không chính thức, chắc chắn là phải biết rõ những chỗ ở của người Việt Nam tại Paris, và rằng những lời buộc tội của ông chắc chắn phải chỉ rõ những người bị nghi ngờ. Sự xung đột giữa ông và ông Phan Văn Trường như vậy là không có liên quan đến sự việc mà ta đang bàn. Mặt khác, Phan Văn Trường có thể đã không nói hết sự thật. Không thể nghi ngờ rằng ông đã bị kết tội nhầm nhưng điều đó không có nghĩa là ông là người không biết gì như ông đã khẳng định. Cả ông cũng biết rất rõ khu người Việt Nam ở và nếu âm mưu đánh cắp thanh kiếm đã được xúi dục trong vòng ảnh hưởng này thì rất có thể là ông cũng biết hoặc là cũng đoán biết. Hai tờ nhật báo đã tường thuật lại sự kiện; khó mà tin rằng trong khu người Việt Nam không ai biết gì. Vậy mà Phan Văn Trường không hề đề cập tới, trong khi ông lại lưu ý đến tác động của một gã nào đó… “Những con châu chấu” đã đả kích các thói quen thuộc địa tại Đông Dương, đã tạo scandal và đã bị cấm. Có nên chăng là cần phải đọc kỹ tác phẩm của Phan Văn Trường và tưởng tượng điều mà ông không nói tới, mặc cho thái độ của ông là làm ra vẻ một người đơn giản không muốn kiếm chuyện và tách ra khỏi mọi xung đột?

Dù sao thì cuộc điều tra cũng đã bị sa lầy… tôi cần phải thám hiểm các con đường khác.

Văn khố của cảnh sát và phần tiếp theo của cuộc điều tra

Tôi trông đợi nhiều đến văn khố của cảnh sát.

Vì vụ trộm đã được đăng báo và trong các báo người ta có nói đến việc lấy dấu vết và đến cuộc điều tra của ông cò Guérin, tôi nghĩ là phải có các báo cáo, các biên bản, các cuộc hỏi cung… tức là những dấu hiệu khác. Và thậm chí có thể là có những cái tên để khẳng định các giả thuyết của tôi hay làm cho cuộc điều tra có một ý nghĩa khác. Các báo cáo được để tại kho lưu trữ của cảnh sát, ở quận 5. Nhưng tôi thật sự thất vọng: trong các sổ sách của quận 7, vào các ngày 3, 4 và 5/ 10/1913, không có gì liên quan đến Bảo tàng Invalides. Tôi đã tra cả những ngày trước đó, những ngày sau đó, không có gì cả. Vụ trộm một cái cửa sắt trong một biệt thự nhà giàu, vụ bắt giữ một người say rượu làm ồn ban đêm, lời than phiền của một phụ nữ buộc tội người giúp việc của bà đánh cắp đồ bằng bạc… và thậm chí cũng không có gì xảy ra gần cạnh Bảo tàng Quân đội.

Tôi không hiểu, những người có trách nhiệm của kho lưu trữ cũng thế. Nếu cảnh sát đã được gọi đến thì chắc chắn phải có một dấu vết trong sổ sách báo cáo. Một người nào đó gợi ý là quay lại Bảo tàng Invalides nằm dưới quyền của quân đội: cuộc điều tra có thể nằm trong vòng nội bộ, do bên quân cảnh hay một cơ quan nào khác. Tuy nhiên, có tên của ông cảnh sát Guérin được đưa ra trong bài báo, xác nhận rằng cuộc điều tra đã được sở cảnh sát của khu phố thực hiện. Hỏi lại Bảo tàng Invalides, họ cũng không tìm thấy gì trong kho lưu trữ của họ. Vậy là cuộc điều tra của tôi bị tắc.

Phần tiếp của câu chuyện Phan Văn Trường, như ông đã kể lại trong cuốn sách của mình, rất là rối ren và các lý do mà vì chúng ông đã bị buộc tội là có âm mưu chống lại sự an ninh của quốc gia trong chiến tranh 1914 – 1918 (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất – T.Đ.A.S.), rồi sau đó được trả tự do, các lý do này không rõ ràng, và không chắc là ông André Salles đã là nguyên do của việc ông bị bắt giữ.

Các lý do này có thể là những thủ đoạn có thực hay giả định của ông hoàng Cường Để, một hoàng tử, bạn đồng hành của Phan Bội Châu, lánh nạn sang Trung Quốc, tại đó ông lãnh đạo một phong trào yêu nước có hành động nhiều lần tại đất Đông Dương, nhất là tại Sài Gòn trong các năm mà ta đang nói đến. Tôi không biết là các thành viên này có hoạt động tại Paris hay không vào đầu thế kỷ XX, và nếu có thì người ta có thể nghĩ tới sự có thể có tội của họ trong vụ việc thanh kiếm hay không. Vì cuối cùng, nếu ta định dạng của kẻ cắp (hay những kẻ cắp) vô danh tính này, làm sao ta có thể tưởng tượng ra? Vào năm 1913, loại người Việt nào có thể nghĩ đến một dự định như thế? Chắc là phải giả định là họ có một tình cảm yêu chế độ quân chủ mạnh mẽ, để rồi sự hiện diện của thanh kiếm trong tủ kính của Bảo tàng Quân đội xuất hiện như một biểu tượng chắc là không chịu nổi của sự chiếm đóng của người Pháp trên vương quốc Annam. Vậy thì là những người theo chủ nghĩa quân chủ hay sao, cũng chưa chắc. Biểu tượng này có thể có giá trị đối với tất cả những người yêu nước. Từ đó đã sắp đặt một vụ trộm? Và với mục đích gì? Mang trả lại vũ khí này cho kho tàng của đất nước à? Không thể được, vì vương quyền đã hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh của người Pháp rồi. Giữ kín thanh kiếm, trong tay của những người tự cho mình là chính thống hơn triều đình hợp tác của Huế à? Ta thấy còn có những người đi theo một ứng viên khác, vua Duy Tân, lúc đó đang làm vua tại Huế và dưới con mắt của nhiều người, là hiện thân của phẩm cách tìm lại được.

Tại Đông Dương, năm 1913

Đã xảy ra chuyện gì trong năm 1913 này tại Đông Dương? Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương khi đó tỏ ra chú ý hơn đến các yêu sách của những người theo chủ nghĩa cải lương, chủ yếu là tỏ ra tôn trọng hơn các truyền thống quân chủ, nhưng các hy vọng mà những bài diễn văn của ông này gây nên đã bị dập tắt liền do không hề có một cải tổ nào xảy ra và vắng bóng sự đại diện thực sự về chính trị của người bản xứ. Thêm vào đó, chiến thắng của cách mạng Trung Quốc năm 1911 đã có một tiếng vang lớn trên các hoạt động chống đối và các ý tưởng dân chủ đã phát sinh. Người ta thấy có một sự thụt lùi hiển nhiên của việc kêu gọi lập lại chế độ quân chủ. Tình hình tư tưởng chính trị này ngự trị bắt đầu từ các năm 1911 – 1912.

Vào tháng 1/1913, một vụ tai tiếng nổ ra tại Huế: Khâm sứ Georges Mahé cho khai quật mộ vua Tự Đức để chiếm đoạt kho báu mà người ta cho là đã được chôn cùng với thi hài của nhà vua. Sự phạm thượng này đã gây ra một phản ứng rất mạnh, phản ứng này chắc hẳn cũng đã vang tới các nhóm người Việt sống lưu vong tại Pháp và chỉ sau khi kẻ phạm tội bị triệu hồi về thì nó mới giảm bớt. Giai đoạn này đặc biệt tác động tới vị vua trẻ tuổi Duy Tân. Ông này hai năm sau đó đã cầm đầu một phong trào khởi nghĩa bị thất bại và dẹp tan. Vua bị đày đi đảo Réunion và chết trong một tai nạn máy bay (vào đêm 25/12/1945 – T.Đ.A.S.). Nhưng năm 1913 vị vua này có thể là chưa có nhiều môn đồ để người ta có thể nghi ngờ rằng một trong những người đó đã âm mưu làm vụ trộm ta đang nói đến.

Năm 1913 là một năm có nhiều biến cố: tháng tư bom nổ tại Hà Nội, tháng ba nông dân biểu tình ở Chợ Lớn. Những biến cố này đã tác động đến Paris tại các cộng đồng người Đông Dương và điều đó giải thích việc củng cố các biện pháp quản lý sinh viên vào thời gian này. Sự hợp tác không chính thức của ông André Salles, ông này luôn có mặt bên cạnh các thanh niên người Đông Dương tại Paris và chắc chắn sự hợp tác này là rất quí báu đối với Bộ Thuộc địa. Nhưng bầu không khí lo ngại ngự trị trước nhiều yêu sách và một sự bất bình khá phổ biến, cũng như một thái độ hơi bị ám ảnh của chính quyền, chỗ nào họ cũng thấy có người cách mạng và sau hết là sự tập hợp các xu hướng một cách dễ dàng, do đó André Salles đã vội vàng kết tội các “nhà cách mạng Việt Nam” là đã phạm vào một vụ trộm có khi chỉ là một vụ trộm bình thường.

Hiện tại tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi cần phải đọc kỹ các báo cáo về Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, năm 1914, với hy vọng có một điều gì đó đã được ghi trong báo cáo có liên quan đến thanh kiếm hay là khi hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh vào thời kỳ đó tại Paris thì tôi có thể đưa ra các giả thuyết khác vững vàng hơn.

Sau cùng, thanh kiếm

Trong khi đang thực hiện các nghiên cứu này thì tôi nhận được một lời nhắn của Bảo tàng Quân đội: ông quản thủ vũ khí hẹn gặp tôi để cho tôi xem thanh kiếm hiện đang để ở trong kho và cho phép tôi chụp ảnh nó.

Trong xưởng phục chế các vũ khí cổ, nó được đưa ra trước mắt tôi. Tôi thật ngạc nhiên, đó là một tình cảm lạ lùng vì tôi đã nghĩ đến cái vũ khí này lâu đến như vậy, đã có ý theo dõi dấu vết của nó trong nhiều tài liệu đến như thế và cuối cùng được nhìn thấy nó nằm trước mắt. Tôi đã chỉ có một bài viết mô tả nó, là bài viết đã được đăng ở đầu bài này và tôi đã không hề thấy một sao chép nào khác, không hề có ảnh chụp, không hề có hình vẽ.

Tôi khi đó đang đứng trên một cái thang để chụp ảnh thanh kiếm được đặt trên một cái bàn thì đột nhiên tôi nghe ông quản thủ nhìn thanh kiếm mà nói rằng đây không phải là kiếm châu Á. Tại sao lại không phải là châu Á? Không phải, ông xác nhận, kiếm châu Á không có đường rãnh này, đây là một thanh kiếm châu Âu. Tôi choáng váng, thanh kiếm của vua Gia Long là một thanh kiếm châu Âu và người ta đã làm thêm một thanh che tay tại địa phương! Đó hầu như là một sự thất vọng khi khám phá ra rằng thanh kiếm này nguyên gốc không phải là của người Việt. Tôi sợ rằng đã làm bao nhiêu chuyện để rồi không có kết quả gì cả hay là chỉ vì một thanh kiếm đeo để trang trí, lấy được từ các địch thủ người Âu, hoặc có thể là do họ tặng; đột nhiên nó mất hết giá trị, nó không thể là biểu tượng của quyền lực.

Tôi tiếp tục chụp ảnh, khá lo lắng, và tôi bỗng có ý nghĩ rằng thanh kiếm này có thể đã là một quà tặng của một trong mấy ông quan người Pháp, Olivier de Puymanel, Chaigneau hay Vannier hoặc Giám mục d’Adran…

Và một con đường khác mở ra trước mắt tôi, một hướng điều tra khác, một thời điểm khác trong lịch sử.

Gia Long và các ông quan người Pháp

Vua Gia Long, còn có tên là Nguyễn Ánh, đã bị cuộc khởi nghĩa của anh em Tây Sơn đánh đuổi. Cùng với con trai, ông đã trốn ra đảo Phú Quốc, truyền thuyết kể rằng ông được một con cá voi đỡ trên lưng cứu thoát. Tại đấy ông đã gặp ngài Pigneau de Béhaine, Giám mục d’Adran, ông kể những nỗi gian lao của mình cho Giám mục. Những người quan tâm tới lịch sử Việt Nam đã biết đoạn cuối: Giám mục d’Adran và hoàng tử Cảnh sang châu Âu để đến Versailles cầu viện nước Pháp. Ông không quay lại nhưng vài anh chàng người Pháp tập hợp được từ khắp nơi, từ Pháp hay từ Ấn Độ đã chấp nhận phiêu lưu: Người đầu tiên là Olivier de Puymanel, một sĩ quan công binh quê ở Carpentras, Jean Baptiste Chaigneau là một thủy thủ lên bộ tại Ấn Độ, Philippe Vannier. De Forçant, Barisy, Dayot, bác sĩ Despiau và vài người khác. Nhờ họ, Nguyễn Ánh đã tìm lại được ngai vàng và những người Pháp này đã ở lại phục vụ ông, một vài người trong số họ, Chaigneau, Vannier, de Forçant, đã ở lại đến 30 năm. Họ trở thành các quan người Pháp, chỉ huy quân đội và các chiến thuyền. Olivier de Puymanel chết trẻ, nhưng ông đã từng là kiến trúc sư của nhiều thành lũy (ở Việt Nam vào thời đó – T.Đ.A.S.) và chắc là ông đã lập các bản vẽ của thành Huế mà ông không đủ thời gian để xem nó được xây dựng.

Chúng ta đã biết tiểu sử của họ, nhất là tiểu sử của Jean Baptiste Chaigneau và Philippe Vannier, hai người này ở lại phục vụ nhà vua lâu nhất, nhờ công việc của một nhà sử học không chuyên, một người uyên bác thật sự về cuộc phiêu lưu của các ông quan người Pháp này… Nhà sử học đó là André Salles.

André Salles, một nhân cách phức tạp

Vâng, trong câu chuyện này tất cả đều được tìm ra tất cả đều ăn khớp. Nếu André Salles đã hành động nhanh chóng như vậy khi ông đọc cái tin trong báo hàng ngày vào ngày 14/10/1913, đó là vì ông biết rất rõ lịch sử của chủ nhân thanh kiếm này và ông mang ấn tượng về tình bạn lạ lùng giữa một ông vua Việt Nam, một người phải tuân theo các nghi lễ và giữ gìn ý tứ và những người Pháp vì thích phiêu lưu mà đến phục vụ ông và đã ở lại để làm cho vùng đất Đông Dương này trở thành một phần của tổ quốc họ. Một câu chuyện về sự trung thành và yêu mến lẫn nhau. Chắc chắn là đã được André Salles thanh cao hóa và hư ảo hóa như một lý tưởng không thể đạt tới ở một thời điểm mà các quan hệ Pháp – Việt còn lâu mới được hài hòa như vậy. André Salles là một người không hiểu, không muốn hiểu các yêu sách của những người trí thức mà ông gặp. Ngày nay ta cho ông là một người có thái độ gia trưởng thất vọng. Đây là điều mà ta thấy được từ mục danh sách người chết mà tôi thấy Tập san Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la société des études indochinoises) đăng khi ông mất; tác giả của bài báo đưa ra trong đó một bức thư của André Salles gởi cho một người quen:

“Ông coi tôi như một người lý tưởng hóa; chắc chắn là tôi có một lý tưởng, đó là lý tưởng muốn thấy người Đông Dương tiến hóa trong một đường hướng rất Pháp, lý tưởng muốn nhìn thấy sự tiến hoá được thực hiện với những tình cảm tin tưởng và thân ái lẫn nhau. Tôi đã không nói tới điều đó nhưng P… và PH… đã cảm nhận được điều đó và chống lại tôi, tất nhiên do lý tưởng của họ là trái ngược lại […]. Năm vừa rồi, ở đây tại Paris, MG., người biết tôi rất rõ và người đã xưng là đại diện của đảng Lập hiến, còn kết tội tôi là chỉ muốn tạo ra những đốc công! Tôi không muốn làm ra những người mơ mộng; lý tưởng của tôi là làm ra những người thực tiễn, có đầu óc Pháp – Việt và sửa soạn tương lai. Đó là ý tưởng mà vài người Việt Nam vội vã đã cho là quá cũ kỹ và không tiến hóa […]

Tôi tiếp tục, với một chút chua chát, tôi nhượng bộ ông nhưng với sự thanh cao và minh triết.”

Bức thư mà tôi sao lại các đoạn trích này cho thấy rõ những khó khăn trong quan hệ giữa André Salles và những người Việt Nam lưu vong, trong bối cảnh căng thẳng của thời kỳ đó. Ông hành động một cách chua chát; đó là một phản ứng thường gặp trong bối cảnh thuộc địa bắt đầu từ khi có sự không hiểu nhau, từ khi những người bản xứ tỏ ra cứng đầu đối với hoàn cảnh của họ. Chính sự chua chát của một người thất vọng, người đã từng rất muốn dân bản xứ tương hợp với mình, phù hợp với hình ảnh mà ông đã tạo ra cho họ, sự chua chát này chắc hẵn đã đưa đến thái độ ngờ vực và việc tố giác khó chấp nhận được. Chắc ông không phải là mẫu người như vậy, các bài viết của ông rất lý thú và các bức ảnh mà ông chụp trong hai lần sang làm việc tại Đông Dương vào các năm 1894 – 1895 chứng tỏ một cảm thụ thẩm mỹ cao, một sự nhạy cảm hiếm có và một lợi ích không thể chối cãi về những điều ông đã khám phá ra được.

André Salles rất hâm mộ các ông quan người Pháp và cuộc phiêu lưu của họ thật là kỳ lạ nên tất nhiên ta cũng có cùng cảm nhận như ông. Và những quan hệ với Đông Dương mà họ còn giữ có cái gì như là một thiên đường đã mất trước tội lỗi của tổ tông. Cuộc điều tra không đi qua lối đó, cũng không theo con đường thuộc địa hoá, những mối quan hệ không phải được xác định bằng việc dân tộc này bảo trợ dân tộc khác. Có thể là vì biết được điều đó mà ông tỏ lòng mong nhớ.

Thanh kiếm, một biểu tượng đổi mới

Tôi nhìn bức ảnh thanh kiếm, phóng to nó lên trong máy vi tính. Tôi phóng cận cảnh cái thanh che tay, mà tôi thấy hoàn toàn Việt Nam. Cái đầu con thú không phải là một con chó như bản mô tả của Bảo tàng Quân đội đã nói. Tôi phân biệt rõ trên đầu nó những cái vảy nhỏ được kẻ rất rõ, đó là một con rồng. Tôi tìm trong B.A.V.H., cuốn chuyên đề về nghệ thuật và tôi tìm ra được con rồng của tôi ở trên một thanh che tay của một thanh kiếm Việt Nam, giống hệt chính là một con rồng thuộc loại người ta hay gọi là con giao. Sau đó tôi xem xét bức ảnh phần phía trong của tay cầm. Có một motive trang trí thể hiện một cái lá cây sến, cái này lại không làm theo kiểu Việt Nam lắm. Phía dưới được trang trí những viên ngọc trai nhỏ và mã não hồng, một kiểu trang trí có thể là đông phương nhưng có thể có ảnh hưởng từ bên ngoài. Trên lưỡi kiếm có ba chữ Hán, tôi không biết có phải là tên của Gia Long không, tôi không đọc được chữ Hán và tôi chỉ biết có chữ Thái nghĩa là to lớn. Xa hơn một chút là một mặt trời xuất hiện giữa các đám mây. Tôi đọc lại các số tạp chí, các bài viết về vua Gia Long. Một bài trao đổi của Léon Sogny về những cái đỉnh đã cho tôi một con đường: tôi thấy lại trên cái đỉnh dành cho vua Gia Long cái mặt trời hiện ra giữa những đám mây nhưng không có tên của vua, cũng không có một chú thích nào khác trên cái đỉnh này giống với ba chữ khắc trên thanh kiếm.

Tôi chuyển bức ảnh cho một người bạn Việt Nam chat trực tiếp với tôi. Những chữ của anh ấy hiện ra trên màn hình của tôi: “Đợi chút, tôi lấy tự điển đã”. Rồi lần lượt các chữ hiện ra: “Thái… Kiếm..” Tất nhiên tôi biết từ kiếm của Hoàn Kiếm. Từ cuối cùng đến hơi lâu. Anh ấy viết “đợi đó, tôi tìm đã”. Tôi cố gắng không mất kiên nhẫn. Cuối cùng tôi đọc: “A: lưỡi bằng sắt có tra cán”

Vậy đó, không phải là một trong các tên của vua Gia Long, mà đó là tên của thanh kiếm! Trong đó có ghi: lưỡi sắt có tra cán. Chính là thế, một lưỡi kiếm Pháp trong một chuôi kiếm Việt Nam. Tôi không biết ba chữ đó được đọc như thế nào.3 Có phải là “kiếm lớn có lưỡi bằng sắt có tra cán không? Có thể đúng là thế. Dù sao đi nữa thì cái khuy cũng đã cài lại rồi. Rất có thể là một thanh kiếm châu Âu được một ông quan Pháp tặng hay do chính giám mục d’Adran tặng cho Gia Long và ông này đã giữ lại như biểu tượng của tình bạn và biểu tượng này được lưu truyền lại không phải như biểu tượng của vương quyền Việt Nam mà là biểu tượng của một mối liên kết giữa hai quốc gia được thiết lập trên tình bạn này.

Tôi nghĩ rằng cây kiếm đã rời Huế vào ngày 5/7/1885, ngày 5/7/2005 nó sẽ tròn 120 năm, đúng hai lục thập hoa giáp.4 Giữa hai lục thập hoa giáp đó là năm 1945. Ta không thoát khỏi các biểu tượng: 1885, chấm dứt vương quyền Việt Nam, người Pháp đô hộ; 1945, chấm dứt sự đô hộ của người Pháp, Việt Nam chiến thắng. Âm và dương, chiến thắng và thất bại, mọi thứ thay đổi cho nhau.

Năm 2005 tôi tìm thấy một thanh kiếm và khi tìm lại các dữ liệu lịch sử của nó tôi đã lục khắp lịch sử Việt Nam. Hay đúng hơn là lịch sử của các quan hệ giữa Pháp và Đông Dương, một lịch sử mà tôi tính lùi lại trong sự lộn xộn: 1885, Kinh Thành Huế thất thủ, 1913 các nhà cách mạng ở Paris; 1805 xây dựng Kinh Thành, 1802 bắt đầu triều Gia Long. Tôi thấy đây là một cách kể lại lịch sử rất hay và tôi nghĩ đến câu nói của Michel de Certeau, ông nói rằng nghiên cứu lịch sử là một cách giảm bớt số người chết. Hay để tưởng nhớ tới họ. Hay là để như người ta nói là tính đến họ. Trong khi quay lại lịch sử như thế tôi đã gặp gỡ những nhân vật mà người ta quí mến ngay, các ông quan người Pháp, Olivier de Pyumanel, người Pháp trẻ đã xây dựng các phòng thành (ở Việt Nam – T.Đ.A.S.) và đã chết quá trẻ vì bệnh lị, Jean Baptiste Chaigneau, người đã sống hơn 30 năm với người bạn Philippe Vannier tại triều đình Huế và là người rất ham mê cây lá và các dược phẩm, de Forçant, hăng máu và vô kỷ luật, nổi loạn và can trường, Phan Văn Trường, thầy dạy kèm tiếng Việt rụt rè và xa cách, Phan Châu Trinh, người đã đọc Rouseau qua bản dịch tiếng Trung và là người tìm cách thuyết phục một cách ngây thơ ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa bằng những bức thư dài về sự cần thiết phải có các cải tổ mà ông khuyên nên làm, ông tướng Thuyết sôi nổi và ông Tường nhà chiến lược, vua Hàm Nghi vừa khóc vừa rời khỏi cung điện bị tàn phá của mình, vua Duy Tân, ông vua nổi loạn, các tham biện Lemaire và Palasne de Champeaux và cả André Salles qua tiểu sử của Chaigneau do ông viết và bức ảnh thật đẹp chụp sau lưng một phụ nữ tựa người vào bơi chèo của cái thuyền của mình trong một cử động duyên dáng trộn lẫn với sức mạnh, và còn nhiều thứ khác nữa, nhiều thứ gặp được trong các kho tư liệu và trong sách.

Tôi cũng có những người cung cấp tư liệu được chọn lựa, những cộng tác viên quí giá: Cadière, Le Bris, Sogny, Cosserat, Sallet, những người mà tôi đã quen từ hồi còn nhỏ, họ rất thân thiết đối với tôi như những người bà con xa, những ông bác không phải là người châu Mỹ mà là người Đông Dương…

Ngày 5/7/2005, là ngày tròn hai lục thập hoa giáp, một năm Dậu thứ ba. Tôi tự nhủ là tôi muốn ở Huế vào ngày đó, muốn đi trong Kinh Thành, quay lại các con đường, tìm lại Mang Cá, những chiếc đỉnh, các cung điện đã mất, tìm lại dấu vết của vua Hàm Nghi khi bôn tẩu, tưởng tượng ra điều đó, đi cho đến lăng Gia Long, đến lăng Đồng Khánh nơi khách du lịch không đến.

Nhưng tôi không biết hết mọi chuyện. Chưa biết hết, còn rất nhiều các khoản tối, còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Những chi tiết khác sẽ đến bổ sung, các dấu vết ít ỏi, những chi tiết rất nhỏ, nhưng từng chút từng chút sẽ lấp đầy các thiếu sót. Chúng ta có tìm ra cái bao kiếm hay không? Chúng ta có bao giờ biết được ai là người đã đánh cắp nó hay không? Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ có bằng chứng chứng tỏ rằng đây là một quà tặng của một trong các ông quan người Pháp tặng cho nhà vua không? Chúng ta có thể biết được việc tặng quà này xảy ra trong những hoàn cảnh nào không? Có thể mơ về điều đó. Những tư liệu khác, những bài viết khác, ở Pháp, ở Việt Nam, có thể là ở nơi khác có chứa các chi tiết sẽ cho phép chúng ta dần dần bổ sung cho bức tranh. Và nếu chúng ta không thể tìm ra tất cả các câu trả lời thì cũng không sao. Mọi người đều hiểu rằng trong một cuộc tìm kiếm thì điều quan trọng là việc tìm kiếm.

Một cuốn sách sẽ được xuất bản trong vài tháng nữa, tôi đã hoàn tất việc biên tập nó, điều này làm cho các chi tiết của cuộc điều tra được xác định rõ hơn và các chi tiết khác đang còn được phân tích.

Và để câu chuyện còn tiếp tục, để mọi người có thể mang đến các thông tin, các gợi ý, các suy diễn, các lời bình của mình, tôi sẽ lập một trang web và trong khi chờ đợi thì sẽ làm một thư điện tử: thư về thanh kiếm. Chỉ cần liên lạc với tôi qua địa chỉ hộp thư điện tử sau đây [email protected] thì thư trả lời được gởi cho bạn, để bạn có thể theo dõi được các tiến trình của cuộc điều tra và tham gia vào đó.

D.R.

Chú giải của Trần Đức Anh Sơn 

1 Nguyên bản tiếng Pháp ghi là: “qui faisaient défaut au nouveau roi installé à Hué par les Français”. Tôi tạm dịch là “không chính danh” cho sát hợp với tình thế đường thời.

2 Trong khuôn viên của Hôtel National des Invalides có mộ phần của vua Napoléon.

3 Đó là 3 chữ: 太 阿 劍 (Thái A Kiếm). Xem ảnh 3.

4 Nguyên bản tiếng Pháp ghi là: “Deux cycles complets”. Tôi tạm dịch là “hai lục thập hoa giáp” cho đúng với ngôn từ Việt ngữ.

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

Lưu bản nháp tự động

THANH KIẾM THÁI A CỦA VUA GIA LONG

Võ Quang Yến

Khách du lịch ghé qua Paris không thể không lại viếng Điện Quốc gia Phế binh (Hôtel National des Invalides) có tiếng nhiều nhờ đã chứa mồ của Vua Napoléon. Nhưng chớ nên quên trong tòa nầy còn có Viện Bảo tàng Quân đội (Musée de l’Armée) là một trong những viện lớn nhất thế giới về mỹ thuật, kỹ thuật và lịch sử quân sự. Đặc biệt Phòng Đông Phương, Cận Đông và Viễn Đông từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 (Sale Orient, Proche Orient et Extrême-Orient du 15ème au 19ème siècle) trưng bày nhiều khí giới Ba Tư, Ấn Độ, Tích Lan,…những thanh gươm Trung Quốc, Nhật Bản… bao quanh một thanh bảo kiếm được ghi là của vua Gia Long.

Tôi không phải là người độc nhất tò mò đi tìm xem thanh gươm nầy. Nhưng tôi lại đã xin được ông Quản đốc Viện Bảo tàng mở tủ cho tôi chụp hình. Không biết bao giờ mới có dịp may như thế nầy, tôi đã chụp ngang, chụp dọc, chụp trên, chụp dưới,… Thanh kiếm gồm có hai phần: một lưỡi dài khoảng một thước và một cán ngắn bằng một phần năm lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng, có thể đầu một con giao hay một con cù không sừng, bằng vàng chạm trổ. Có người Pháp cho nó giống một đầu con chó (Note E)(4). Cổ rồng nối liền đầu rồng và đốc kiếm (garde) làm thành đốc gươm (fusée) là một dãy bảy vòng ngọc thạch giống bảy đốt tre dính liền với nhau qua những đường gân bằng vàng với đằng cuối một vòng mạ vàng nằm giữa bốn chuỗi san hô xanh đỏ. Miệng rồng nhả ra một băng mạ vàng cũng mang phía ngoài bốn chuỗi san hô xanh đỏ uốn quanh về đốc kiếm làm thành cánh đốc kiếm (quillon). Ở đằng cuối, cánh đốc kiếm nầy mở rộng ra quanh lưỡi kiếm, có chạm trổ những hình lá và nạm những hột kim cương. Lưỡi kiếm hình hơi cong là một thanh thép sáng ngời, khắc ở phần trên một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và tên gươm bằng ba chữ Hán: Thái A Kiếm. Tên nầy không phải ngẫu nhiên mà có.

Trong hai cuốn Từ điển từ ngữ điển cố văn họcTừ ngữ văn Nôm1 có sự tích nầy: “Lúc nhà Tần chưa diệt được Ngô, Trương Hoa xem thiên văn thường thấy giữa sao Đẩu và sao Ngưu có luồng khí màu đỏ tía, các đao thuật đều nói đó là điềm báo nước Ngô đang buổi cường thịnh, chưa đánh được. Riêng Trương Hoa cho lời nói đó không đúng. Đến khi đánh lấy được Ngô rồi, luồng khí lại mạnh và sáng hơn. Trương Hoa mới đem chuyện hỏi Lôi Hoán, người giỏi về thiên văn thuật số. Lôi Hoán cùng Trương Hoa lên lầu cao quan sát một hồi lâu. Lôi Hoán nói: ‘Chỉ giữa sao Đẩu và sao Ngưu là có luồng khí lạ đó. Ấy là cái tinh của bảo kiếm ở Phong Thành xông lên tận trời đấy’. Trương Hoa nói: “Quả vậy, nay tôi muốn phiền anh ra làm quan lệnh ở đất ấy rồi ra công tìm gươm báu cho”. Lôi Hoán nhận lời. Ông đến Phong Thành, cho đào nền nhà ngục, thì tìm ra được một cái hòm đá nằm sâu dưới lòng đất hơn bốn trượng. Khi sáng lóe ra, bên trong có hai thanh gươm, một thanh có khắc chữ ‘Long Tuyền’, và một thanh khắc chữ ‘Thái A’. Đêm hôm đó không thấy luồng khí lạ ở giữa sao Đẩu và sao Ngưu nữa”.

Kinh luân đã tỏ tài cao,

Thớ co rễ quánh thủ dao Long Tuyền.

Nguyên quán hai thanh kiếm trống Long Tuyền và mái Thái A nầy trong Tể tướng kiếm, trước mang tên Can Tương và Mạc Da trong Nguyên nhân kiếm được giải thích trong cuốn Thành ngữ điển tích từ điển2: “Ngô Hạp Lư đời Đông Châu giết anh lên ngôi, khiến Can Tương là một tên thợ rèn gươm có tiếng, rèn riêng cho mình một lưỡi gươm. Can Trương tìm sắt tốt vàng ròng, rồi lựa ba trăm con gái còn tơ đốt than nung lò ba tháng mà vàng không chảy. Vợ Can Tương là nàng Mạc Da nói, rèn cái gì mà không hóa thì cần phải có người để cúng mới nên. Mạc Da mới tắm gội sạch sẽ, cắt tóc nhổ răng, khiến người quạt lửa cho đỏ rối gieo mình vào lò than. Vàng sắt đều chảy. Can Tương lấy đó rèn hai lưỡi gươm, một lưỡi thuộc dương đặt tên là Can Tương, một lưỡi thuộc âm đặt tên là Mạc Da. Rồi can Tương đem lưỡi Mạc Da dâng cho Hạp Lư, còn lưỡi Can Tương thì dấu để lại cho mình. Hạp Lư biết được giận lắm, sai người qua đoạt. Can Tương lấy gươm liệng lên hóa rồng cỡi đi mất”. Sáu trăm năm sau, tới triều Tấn, tiếp theo là câu chuyện Lôi Hoán, Trương Hoa đã thấy ở trên. Thì ra Thái A Kiếm là lấy từ sự tích bên Tàu.

Bây giờ Thục chúa tỉnh ra,

Dứt tình phó lưỡi Thái A cho nàng.

Trong một bức thư viết cho ông Carnot năm 1922 để trả lời một câu hỏi của ông André Salles, Thanh tra Thuộc địa, ông Đại tá Payard, Phó Giám đốc Điện Quốc gia Phế binh tả lưỡi kiếm chỉ có một rãnh khoét (gorge d’évidement) (Note E)3, thành thử có tác giả, trong một thiên khảo cứu tìm tòi4, xác định thanh kiếm nầy là một sản phẩm Âu châu, chỉ có gắn vào một đốc kiếm Á châu thực hiện tại chỗ. Tuy nhiên, ở Viện Bảo tàng Quân đội Paris, bảo kiếm nầy được trình bày là thanh gươm của vua Gia Long. Thật hay không, cần phải có một bằng chứng, chẳng hạn một cái ảnh vua Gia Long mang kiếm hay một văn bản xác định thanh kiếm Thái A chính là của vua Gia Long. Ví như thật là của vua Gia Long thì ai đã đem biếu tặng kiếm cho vị quốc vương Việt Nam và trong điều kiện nào kiếm được đem về trưng bày trong tủ kính Viện nầy? Ông Quản đốc viện không có một tài liệu nào để giải thích sự kiện nếu không là một bản tin vắn tắt cho biết thanh kiếm được đem từ An Nam về sau cuộc viễn chinh đầu tiên (Note B).5 Nếu khó lòng biết được lúc nào kiếm đã đến với vị vua nhà Nguyễn, có thể đoán biết làm sao kiếm đã rời khỏi hoàng thành. Thanh nầy khác hẳn thanh kiếm vua Khải Định sau nầy hay đeo như thấy trong ảnh. Nó cũng không thể là thanh kiếm vua Hàm Nghi đã mang theo với chiếc ấn khi cùng triều thần xuất bôn, khởi hịch Cần Vương sau đêm kinh đô thất thủ vì một cặp kiếm cùng các bảo vật đã được phát hiện gần đây ở thôn Phú Hòa, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh6 đồng thời một thanh gươm khác “dùng để chém những dân phu chôn vàng” rỉ, mục, nhặt được bên cạnh một gốc cây tươi trên đồi Yên Ngựa ở vùng Mả Cú thuộc xóm Rôồng, thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn.7 Ta không thể tưởng tượng một ông vua nào hay một vị đại thần nào đã đem dâng biếu cho một người ngoại quốc thanh kiếm của nhà vua, “một bảo vật lịch sử và tượng trưng quan hệ đến hạnh phúc và sự bảo tồn dân tộc” như vua Đồng Khánh đã nói với nhà văn Jules Boissière năm 1888 khi tiếp kiến ông nầy ở Huế và tỏ ý được hoàn lại (Note F).8 Nếu kiếm rơi vào tay người Pháp thì có thể là vì họ đã tự tiện đoạt lấy, đặc biệt vào lúc tình hình rối ben, không còn trật tự chẳng hạn vào lúc biến cố Ất Dậu 05/7/1885.

Bộ Lại cho đến bộ Binh,

Phố phường hai dãy nép mình cháy tan.

Bao nhiêu của cải bạc vàng,

Nửa thì nó lấy, nửa đốt tàn thành tro…

(Vè Thất thủ kinh đô)

Còn có câu hỏi tại sao vua Hàm Nghi khi xuất bôn không đem thanh kiếm nầy theo cùng với cặp kiếm của ông, trừ phi kiếm đã bị cướp mất trước hay trong thời gian biến cố. Dù sao, cướp bóc thời chinh chiến là chuyện thường thấy ở nhiều nơi, huống hồ quan quân thuộc địa còn làm những việc tầy trời như tháng giêng 1913, dưới triều vua Duy Tân, viên Khâm sứ Georges Mahé dám cho đào lăng vua Tự Đức để chiếm lấy những bảo vật, một điều điếm nhục đã gây nhiều phẫn nộ trong dân chúng cùng triều đình Việt Nam và cũng không ít tai tiếng trong giới bảo hộ đến nỗi sau đó thủ phạm bị triệu hồi về nước. Xin nhắc lại, cướp kiếm chỉ là một giả thuyết, đến nay chưa có một tài liệu nào chứng xác sự kiện. Sự can thiệp của J. Boissière không thấy có kết quả vì thanh kiếm luôn còn nằm ở Viện Bảo tàng Quân đội Paris. Và ở đây lại xảy ra một sự kiện khác cũng có phần lý thú.

Ngày 03/10/1913, tờ báo Journal (Note A)9, đăng một tin nhỏ: Hôm qua, thứ năm là ngày Viện Bảo tàng mở cửa, lúc bốn giờ, sau lúc viện đóng cửa, những người canh giữ khám phá một tủ kính bị phá vỡ và đã bị mất cắp một thanh gươm An Nam, bao gươm và vòng đai. Những bảo vật nầy mạ vàng, nạm đá, ngọc, có một giá trị lớn. Cuộc điều tra chẳng đem lại kết quả gì. Những dấu in trên kính đã được ghi lại nhưng khách rất đông, phần lớn là người nước ngoài. Tủ kính đã được khôn khéo mở ra với những dụng cụ cắt thép tí hon. Ngày hôm sau, 04.10.1913, tờ báo Temps (Note B)10 cũng cho đăng tải một tin tương tự với chi tiết bao gươm bằng da nạm kim hoàn và cặp móc chạm trổ dát một viên đá quý lớn. Sau khi đọc tin nầy, lập tức ông André Salles, Thanh tra Thuộc địa, viết thư cho Trung tướng Niox, Giám đốc Viện Bảo tàng, Tư lệnh Tòa Quốc gia Phế binh, người có nhiệm vụ thực hiện cuộc điều tra với ông Guérin, để tố cáo những nhà cách mạng An Nam. Lời buộc tội nầy không có một bằng chứng nào, có thể chỉ phát xuất từ thái độ hiềm khích của ông André Salles đối với những chí sĩ Việt Nam. Ông Niox cũng không tin và cho biết thêm thanh gươm không bị mất cắp, chỉ cái bao gươm thôi (Note C).11 Theo Đại tá Payard, bao gươm không phải bằng vàng mà mạ vàng, hai vòng ngoài (chape) và đường viền đồng (bouterolle) đều nạm đá cả hai mặt. Móc vòng đai (crochet de ceinture) và khâu treo (bélière) bằng lụa và vàng nạm ngọc san hô, vòng đai bằng lụa và vàng cũng bị mất cắp cùng bao gươm (Note E).12 Cần giải thích thêm chăng bao gươm và đai gươm mềm, dễ xếp vào túi hơn thanh gươm dài cứng…

Theo hai học giả quan tâm đến những bảo vật của hoàng gia thì vua Gia Long còn có một thanh gươm khác mang tên Thanh gươm quy y. “Thanh gươm này nguyên là bửu kiếm của tiên triều, thường dùng để chém đầu giặc, những kẻ phản quốc… Một điều lạ là nếu ngày mai có người bị giết thì đêm ấy gươm đã thoát ra khỏi bao. Vua Gia Long thấy thanh kiếm ưa giết người nên đem dâng cửa Phật và mới gọi là Thanh gươm quy y (Quốc triều chánh biên)”.13 Có lẽ là tình cờ, hai cái gươm của vua Gia Long đều có sự tích với cái bao: Thanh kiếm Thái A không còn bao nữa, còn Thanh gươm quy y tự thoát ra bao, bây giờ ở đâu? May ra, ví chi được trưng bày trước những cặp mắt dửng dưng của người ngoại quốc, nó được kín đáo thờ phụng như cặp kiếm của vua Hàm Nghi ở thôn Phú Hòa: “Một mái nhà tranh. Một tấm lòng thành. Một bảo tàng lòng dân. Một ngôi làng sơn cước cũng làm nên một cõi sống đẹp như huyền sử khi con người không quên quá khứ”.14

                                                                        Xô thành tiết đại thử 2007

V.Q.Y.

Tài liệu tham khảo

1 Nguyễn Thanh Giang, Lữ Huy Nguyên, Từ điển từ ngữ điển cố văn học, (Hà Nội: Văn học, 1989), 569; Nguyễn Thanh Giang, Từ ngữ văn Nôm, TPHCN: Khoa học xã hội, 1998: 673.

2 Diên Hương, Thành ngữ điển tích từ điển, (Đồng Tháp: Đồng Tháp, 1992), 117-118.

3, 5, 8, 9, 10, 11, 12 L. Cadière, H. Cosserat, “Documents A. Salles”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 4 (1933), 295-301.

4 Dominique Rolland, “Le sabre de l’Empereur Gia Long”, Bulletin de la Nouvelle Association des Amis du Vieux Hué, 9/2005, 3-17.

6, 14 Văn Cầm Hải, “Gặp kiếm báu và voi vàng của vua Hàm Nghi”, www.tuoitre.com.vn, 10/02/2007.

7 Nguyễn Quang Trung Tiến, “Theo dấu chân vàng của vua Hàm Nghi”, Huế Xưa Nay, 80 (3-4)/2007. 30-39.

13 Bửu Diên, Hoàng Anh, “Thanh gươm của vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn”,  Nghiên cứu và Phát triển, 4 (34)/2001, 55-9.