Có học thì phải có thi mới biết được trình độ học trò. Thời nhà Nguyễn, ngoài thi Hương, thi Hội, còn tổ chức hai kỳ thi có tầm vóc tương đối quan trọng :

Thi Khảo Khóa / Thi Khảo là một kỳ thi để xét học lực và khuyến khích học sinh. Người đỗ cũng được vinh danh và có khi được miễn cả sưu dịch nhưng chưa đủ sức đi thi Hương ;

Thi Khảo Hạch / Thi Hạch để chọn lọc người đi thi Hương.

Dưới các triều Trần, Hồ vv. chắc cũng có những kỳ thi khuyến khích, thử trình độ học sinh và những kỳ thi tuyển chọn người đi thi Hương song tôi không tìm được tài liệu.

Thời Lê, Sử Ký Toàn Thư chép sắc chỉ năm 1480 :”Khảo Khóa đã có lệ, cốt phân biệt người hay hay dở, trỏ rõ việc khuyến răn”.

Tuy vậy phần đông sử sách hay dùng lẫn lộn hai từ Khảo / Hạch trỏ các kỳ sát hạch từ xã lên phủ huyện rồi tỉnh. Thiệu Ðình viết :”Thời Lê Dụ Tông (1705-29), mỗi năm Khảo khóa 2 lần, người nào trúng 8 lần gọi là Bát khóa thì được đi thi Hương”. Tục Biên chép hơi khác về quy định phép thi Hương năm 1721 :”Trường Hương học mỗi tháng có hai khóa thi Khảo, ai trúng 8 kỳ thi mà là Sinh đồ thì được miễn kỳ thi Khảo hàng năm (1).

– Thi Khảo Hạch để kén người dự thi Hương có từ bao giờ ?

Yoshimaru TSUBOI viết rằng theo R. TAKEDA, một người Nhật đã nghiên cứu vắn tắt về thi cử ở Ðại Nam, thì thi Hạch được đặt ra từ thời Lê Thánh Tông, nhưng không cho biết xuất xứ (2).

Lê Quý Dật Sử chép :”Nghe nói giữa thời Hồng-đức (Lê Thánh Tông) mới lập phép Huyện suất tức là lấy số người đỗ tùy theo huyện to hay nhỏ để đưa lên tỉnh đự kỳ thi Khảo Hạch, tuyển người đi thi Hương (3). Có lẽ TAKEDA đã căn cứ vào sách này ? Thời Hồng-đức mà đã có quy củ riêng về phép Huyện suất như thế thì phép Khảo Hạch chắc không phải do thời Hậu Lê mới đặt ra.

Khoa Mục Chí, dưới danh mục chung “Thi Hương”, cũng chỉ chép về thi Khảo Hạch từ thời Hậu Lê.

I – KHẢO HẠCH THỜI HẬU LÊ

Luật lệ Khảo Hạch thời Hậu Lê nhiều lần biến cải mà sử sách chép đã không minh bạch lại không ăn khớp với nhau. Ðại khái, theo tôi hiểu, thì hai phép Xã khảo và Huyện khảo được luân phiên dùng, mục đích là để những người có thực học không vì nghèo, vì không có thế lực hay quan trường bất cẩn mà bị bỏ sót.

Xã khảo : Ðầu đời Trung Hưng, năm có thi Hương, sắc chỉ tư xuống quan Thừa Hiến hai Ty để truyền qua các quan Huyện, Châu và Học quan đến các xã phường điểm duyệt, sát hạch học trò. Ai làm nổi văn tứ trường thì xã lớn lấy 20 người, xã vừa lấy 15, xã nhỏ lấy 10 người. Làm danh sách nộp lên phủ huyện.

Quan Phủ, Huyện sát hạch lại, lấy đỗ hạng Tứ trường (biết làm văn 4 kỳ) và Tam trường (biết làm văn 3 kỳ), huyện lớn 20 người, huyện vừa 15, huyện nhỏ 10 người. Danh sách nộp lên quan Phủ doãn ở Kinh, hay hai quan Thừa Hiến ở trấn để khảo lại.

Ngày vào trường thi Hương, hạng Tứ trường thi lẫn với Nho sinh (con quan viên trúng 3 kỳ) và Sinh đồ (thường dân trúng 3 kỳ) các khoa trước. Quyển thi xếp riêng đưa quan trường chấm, ba kỳ đầu hễ làm đủ quyển là đỗ, kỳ 4 (thi văn sách) mới lấy người giỏi, bỏ người kém. Người giỏi ít khi bị đánh hỏng oan song con nhà giầu, con nhà thế gia, nhờ chạy chọt được lấy đỗ lạm, người nghèo, không quyền thế, dù có học lực cũng dễ bị bỏ rơi.

Huyện khảo : Giữa thời Trung Hưng, đầu đời Bảo-thái, bỏ Xã khảo, đổi ra Huyện khảo. Các quan Phủ, Huyện và Học quan khảo :

Kỳ 1 thi thơ và tiểu đoạn (vài câu văn sách) hoặc thi thơ phú

Kỳ 2 thi văn sách

lấy đỗ Thứ thông, huyện lớn 200 người, huyện vừa 150, huyện nhỏ 100. Danh sách nộp lên quan Phủ doãn ở Kinh hay quan hai Ty Thừa Hiến ở trấn khảo lại, lấy đỗ hạng Sảo thông 100 người.

Sảo thông và người đỗ Tam trường ở huyện thi lẫn với nhau. Sảo thông mà đỗ tam trường thì gọi là Sảo thông Sinh đồ, được thi kỳ 4, nếu không trúng nổi 3 kỳ sẽ mất chức “Sảo thông”. Ðỗ tứ trường gọi là Nhất cử Hương cống.

Thứ thông trúng 3 kỳ gọi là Sinh đồ, không được thi kỳ 4. Khoa sau, Sinh đồ này do Hiệu quan ở phủ khảo lại một bài văn sách, trúng mới được cùng hạng Sảo Thông Sinh đồ vào thi kỳ 4. Những người đỗ Tam trường ở huyện mà đỗ Tam trường hay Tứ trường thì gọi là Sinh đồ Tam trườngSinh đồ Tứ trường, không được thi văn sách kỳ 4.

Sảo thông Tam trường thi với Thứ thông, nhiều người có học bất hạnh bị đánh hỏng oan, về sau phải cho Sảo thông thi riêng, không bị hỏng oan nữa.

– LUẬT LỆ

Vì phép thi rắc rối, sử sách chép lại không minh bạch nên tôi không chắc đã hiểu đúng. Ðể tiện tra cứu, tôi ghi lại những luật lệ chính :

– 1501 Xã khảo : Ðến khoa thi Hương, xã trưởng sở tại phải làm giấy đoan bảo học trò trong xã người nào có học hạnh, biết làm nổi văn tứ trường mới cho đi thi. Ấn định số người đi thi xã lớn là 20, xã vừa lấy 15 người, xã nhỏ lấy 10 người. Không bắt buộc phải đủ số.

Xã trưởng làm sổ cung kết đưa lên các quan Phủ / Huyện / Châu sát hạch, thi một bài ám tả, đỗ thì được đưa lên hai Ty Thừa, Hiến khảo lại (TyThừa chính giữ các chính lệnh về hộ khẩu từng xứ và Ty Hiến sát mật xét, tra vấn các án).

– 1511 Xã trưởng làm sổ cung kết đưa lên quan Huyện, quan Châu khảo một bài ám tả, quan Phủ khảo ba bài kinh nghĩa, các quan Thừa, Hiến công đồng khảo như lệ.

Ngày hôm ấy lấy đỗ Tứ trường (những người thông văn lý) bao nhiêu,Tam trường (những người thông hạng vừa) bao nhiêu, quan chấm thi làm sổ, ký tên, hạn ba ngày các Ðề điệu (Chủ khảo), Giám thí (Phó Chủ khảo) làm bản tâu lên. Nếu làm bản tâu chậm trễ hay có tư tình, ân oán, cho Khoa đài (Ngự sử) tâu lên trị tội.

– 1657, 1660, 1663, 1664 Thi lại Sinh đồ ở giữa bãi sông Nhị. Người trúng vẫn là Sinh đồ, được miễn dao dịch, người không trúng phải ở lại học ba năm, cũng miễn dao dịch, nếu vẫn không trúng thì phải trở về dân gian gánh chịu dao dịch. Quá nửa bị đánh hỏng (Kiến Văn Tiểu Lục).

– 1678 Ðịnh rõ phép thi : Hễ thấy sắc chỉ, hai Ty Thừa, Hiến phải lập tức tư cho các quan Huyện / Châu và Hiệu quan / Học quan (quan dậy học ở phủ huyện) để chuyển ngay đến các xã / phường trưởng tuân hành, xét học trò ai thông văn lý thì khai. Xã lớn lấy 20 người, xã vừa lấy 15 người, xã nhỏ lấy 10 người, không bắt buộc phải đủ số cũng không được quá lạm. Người chưa đến 18 tuổi cũng cho đi thi, nhưng phải khai sổ đệ các quan Huyện / Châu khảo xét.

Các quan Huyện / Châu chiếu theo danh sách của phường, xã, khảo xét lại, chia ra hai hạng : thông văn lý cho đỗ Tứ trường, huyện lớn lấy 20 người, huyện vừa lấy 15, huyện nhỏ lấy 10 người. Thông vừa cho đỗ Tam trường.

Lại xét trong huyện, quan viên và nho sinh người nào đã thi Hương đỗ ba trường, quan viên đã thực thụ quan chức thì sát hạch lại. Thông văn lý thì khai hạng Nho sinh. Làm danh sách nộp cho Phủ doãn ở Kinh, ở các trấn thì trình Phủ quan rồi nộp hai Ty.

Hiệu quan xét những Sinh đồ trong phủ, người nào đã thi Hương trúng ba trường các khoa trước thì khảo hạch, hễ thông văn lý thì khai hạng Năng văn. Làm danh sách ở Kinh nộp Phủ doãn, ở các trấn trình Phủ quan rồi nộp hai Ty.

Tứ trường và Sinh đồ đưa đi khảo riêng, do đó người có học ít bị bỏ rơi.

Các quan Phủ doãn và hai Ty chiếu theo danh sách các Huyện, Châu và Hiệu quan làm tờ khải đính theo hai bản danh sách. Nếu khai không đúng, học trò được kêu tỵ thì phải khảo lại.

– Lệ nộp sổ, theo Khoa Mục Chí, cho lấy ở học trò mỗi người 1 tiền quý và 1 bát gạo nộp cho các quan Huyện, Châu và Hiệu quan. Các viên này nộp lên Phủ doãn và Thừa Ty, cứ 100 người thì nộp 5 tiền quý, nộp cho Hiến Ty 3 tiền quý còn lại các quan quân phân với nhau không được lấy tiền gì ngoài nữa.

Ðến kỳ nộp sổ học trò đi thi, các xã, phường trưởng phải làm sổ, hạ tuần tháng 8 thì nộp. Các Huyện, Châu và Hiệu quan, trung tuần tháng 9 nộp lên hai Ty. Các quan Phủ doãn và hai Ty làm tờ khải đính theo hai bản danh sách thì nộp trung tuần tháng 10 (Thanh-hoa, Nghệ-an), hay hạ tuần tháng 10 (Phụng-thiên, bốn trấn và các tỉnh ở xa).

Ðến hạn, trong vòng 5 ngày chưa nộp thì các quan Huyện, Châu sai người thúc giục, các xã, phường trưởng phải nộp phạt 3 tiền, quá hạn thì xét hỏi, trị tội. Các nha môn chậm trễ cũng thế.

Ðến kỳ thi, giao sổ thi cho các quan Khâm sai chấm thi đem vào trường thi.

– 1721 Bỏ lệ Xã khảo đổi ra Huyện khảo. Ấn định huyện lớn lấy 200 người, huyện vừa lấy 150 người, huyện nhỏ 100 người. Cho Huyện quan khảo hạch sĩ tử. Thi xong, quan Huyện làm sổ những người giỏi đưa lên quan Phủ-doãn hay hai Ty để khảo lại. Người đỗ chia làm hai loại :

Thứ thông là những người thông thạo luật làm thơ ;

Sảo thông là những người đã đỗ Thứ thông do hai Ty khảo lại và được lấy đỗ.

Sảo thông thi lẫn với Thứ thông để định hạng giỏi hay hạng kém.

Theo Cương Mục thì tại trường Hương học, viên Hiệu quan chuyên việc giảng dậy Sinh đồ và Ðồng sinh (người thi Hương chưa học ở trường Hương học) có tài Tứ trường trong phủ mình. Mỗi năm hai kỳ thi Khảo, người nào trúng tám kỳ Khảo, nếu là Sinh đồ sẽ được miễn các kỳ thi Khảo hàng năm, nếu là Ðồng sinh sẽ được thi Hương. Số học trò được tuyển đi thi Hương : huyện lớn 200 người… Trước hết do viên huyện quan khảo, chọn hạng trội nhất gọi là Toát vưu, sau do phủ quan và hai Ty Thừa, Hiến phúc khảo lại để định hạng Sảo thông hay Thứ thông.

– 1726 Thi lại Cống sĩ ở lầu Ngũ-long. Con của Tham tụng Lê Anh Tuấn, của Tắc quận công Phạm Công Trần, của Văn quận công Ðỗ Bá Phẩm, của Ðổng quận công Ðặng Ðình Gián đều trượt, cộng 28 người. Trị tội nặng. Năm 1750 đánh hỏng tới trên 200 người.

– 1732 Ðầu đời Bảo-thái (1720-29), bỏ Xã khảo, cho Phủ quan, Huyện quan và Hiệu quan hội đồng để chấm (Nho sinh và sĩ tử thì lệ theo Huyện quan, Năng văn thì lệ theo Hiệu quan), việc ít quan nhiều dần sinh gian tệ. Ðến đây thi hành lệ khảo hạch cũ.

– 1741 Lúc mới Trung Hưng có lệ Xã khảo khai tên học trò rồi đưa lên Huyện quan chọn người thông văn lý, xã lớn 20, xã vừa 15, xã nhỏ 10 người, cho đỗ Tứ trường. Gọi là Tứ trường thì những quyển thi lọt kỳ nhất, kỳ nhì, kỳ ba cùng quyển của Nho sinh, Sinh đồ đều cùng chấm, ai làm đủ quyển đều lấy đỗ. Trung gian (giữa đời Trung Hưng ?) đổi làm hạng Sảo thông đưa cả quyển của hạng Tam trường khảo lẫn với Thứ thông. Người có học phần lớn bị hỏng. Nay bàn nên khôi phục lệ cũ để người có thực tài không bị bỏ sót, con nhà thế gia không được đỗ lạm.

– 1747 Bãi lệ Tứ trường, lại thi hành lệ Sảo thông. Ðời Bảo-thái, bỏ phép Xã khảo, đổi ra Huyện khảo, huyện lớn lấy 200 người, huyện vừa 150, huyện nhỏ 100 người cho đỗ Thứ thông, những người giỏi đưa lên hai Ty khảo hai kỳ, trúng thì cho đỗ Sảo thông. Hạng Tam trường (về trước) cùng khảo với Thứ thông, người học giỏi có khi bị bỏ sót nhưng lần lượt rồi cũng đỗ.

Năm Tân Dậu (1741) phục lại lệ Tứ trường. Con nhà thế gia cầu cạnh Huyện quan lấy đỗ, người cậy thế, chạy tiền, đỗ lạm gần một nửa, người giỏi mà nghèo bị bỏ sót. Sắc cho hai Ty lại khảo hạch theo chế độ Sảo thông tốt hơn.

– 1750 Tiền Thông Kinh : Khi mới Trung Hưng, học trò nộp 5 tiền gọi là Tiền Minh Kinh để chi tiền ăn cho Hiệu quan ở huyện. Từ đời Bảo-thái (1720-9), phí tổn trường thi lấy ở công quỹ, tiền Minh kinh cũng nộp vào quỹ. Các quan Huyện, Châu khảo, huyện lớn lấy 70 người, huyện vừa lấy 50, huyện nhỏ lấy 30 người. Thông văn lý mới kể là hạng Sảo thông, biết làm văn đủ lối mới là hạng Cử tri. Nếu lấy đỗ bừa bãi, cứ một tên phạt 3 quan tiền, mười tên trở lên phạt tội nặng.

Năm 1750 Ðỗ Thế Giai (Lê Quý Dật Sử chép là Việp quận công) thấy công quỹ thiếu hụt, cho những người không trúng khảo, những người từ 10 tuổi trở lên nộp 3 quan Tiền Thông Kinh (vì kiêng tên chúa Minh vương nên gọi là “Thông kinh”) thì được vào thi Sinh đồ không phải Khảo Hạch. Thi 3 kỳ, cho phép mượn người làm hộ, chỉ cần chữ tốt và văn thông là đỗ, nhưng ba năm sau mới được thi kỳ đệ tứ (4). Những người làm ruộng, những hàng thịt, người đi buôn vặt, vv. đua nhau nộp tiền đi thi, đông quá giầy xéo lên nhau mà chết ở cổng trường. Họ công nhiên mang sách vào trường thi, hỏi chữ, nhờ người đi thi hộ loạn lên, đến nỗi trẻ con 10 tuổi cũng đỗ được Tam trường (người đương thời gọi giễu là Sinh đồ 3 quan) còn người có thực tài mười phần không đỗ một. Sau chúa Trịnh thấy loạn phép, mấy lần bắt những người thi đỗ phải thi lại (1751, 1765, 1771, 1774) ở bến sông.

– 1757 Theo lệ năm 1750, hai Ty khảo hạch lấy hạng Sảo thông, người trúng cùng với hạng Tam trường về trước đều cho vào vi giáp, đánh dấu riêng đưa đi khảo cũng như hạng Tứ trường.

– 1774 Phép suy tị : Trước kia, theo phép Huyện khảo, những người đáng đỗ bị đánh hỏng, những người đáng hỏng lại được lấy đỗ thì cho phép lên Phủ doãn hay hai Ty Thừa Hiến mà kêu tị, người hỏng làm đơn xin so với người đỗ, hai bên thi lại để định hơn kém. Ðã xét lại mà chưa được thuận tình thì cho kêu lên Chính đường. Về sau Phủ doãn hay hai Ty Thừa Hiến khảo lại những học trò kêu tị, thấy văn lý hơi thông đều cho đỗ, hơi kém đều đánh hỏng bừa đi, học trò thấy thế không kêu tị nữa mà phép khảo lại cũng không có chỗ mà thi thố nữa. Triều đình biết rõ tệ ấy, năm 1774 ra lệnh phải khảo hạch lại, nếu lấy đỗ hay đánh trượt lộn xộn sẽ bị trách phạt, giáng chức.

– Lê Quý Dật Sử chép tỉ mỉ hơn nhưng cũng rắc rối hơn, đôi khi không được chính xác nhưng cần biết để bổ sung :

Trước kia, đến kỳ thi Hương, có sắc chỉ thì dân xã phải điểm duyệt học trò xã mình từ 12 tuổi, đã biết làm văn từng đoạn, sát hạch, chia ra từng loại, nộp lên quan Huyện.

Huyện quan khảo hạch (phải do chân Hương-cống, nhiều lần thi Hội đỗ Tam trường và trước đã nhậm chức Huấn đạo, phải xét kỹ vì có những Tá Huyện, Nhị Huyện kém văn học nhưng giỏi xoay xỏa cũng được bổ, họ Trịnh hay sử dụng người tông thất, có cả người không biết chữ) khảo hai kỳ :

Kỳ 1 : thi thơ phú hoặc tiểu đoạn (mấy câu văn sách)

Kỳ 2 :thi văn sách

lấy đỗ huyện lớn 200 người, huyện vừa 150, huyện nhỏ 100. Chấm xong quan Huyện làm sổ nộp lên quan Thừa Ty tại trị sở. Người không dự trúng tuyển ở huyện cho phép kêu lên để được thi một lần, đỗ thì được vào thi Sảo thông.

Quan Thừa Ty và quan Hiến Sát cùng chấm cả hai kỳ thi :

Kỳ 1 : chia phiên thi từng huyện : thơ phú, câu đối hoặc tiểu đoạn

Kỳ 2 : các huyện thi lẫn lộn môn văn sách

lấy đỗ Sảo thông 100 người (theo lệ địa phương, mỗi khoa lấy đỗ 400 Sinh đồ, trong đó trừ 100 Sảo thông, còn 300 coi như đỗ Tam trường của huyện).

Thi xong, quan cai trị xứ làm sổ nộp cho bộ Lại ở phủ đường. Những người đỗ ở huyện nộp 3 quyển thi, những người đỗ Sảo thông nộp 4 quyển thi. Ðều nộp 5 tiền mạch rồi đợi dự thi Hương.

Những người trúng tuyển ở huyện và người đỗ Sảo thông thi lẫn với nhau. Sảo thông đỗ Tam trường mới được gọi là Sinh đồ, những Sảo thông thi đỗ Tứ trường (thi văn sách) thì được gọi là Nhất cử Hương cống, tức là thi một lần đỗ ngay, rất quý vì là những người có học lực. Người đỗ ở huyện mà đỗ Tam trường thì gọi là Sinh đồ Tam trường, không được thi văn sách kỳ 4. Người đỗ Tam trường ở huyện, học lực tạm được mà tình nguyện đi thi lược vấn (hỏi miệng) đỗ gọi là Tứ trường Sinh đồ.

Nghe nói giữa thời Hồng-đức mới lập phép huyện suất tức là lấy số người đỗ tùy theo huyện lớn hay nhỏ.

Năm 1750, Chúa Trịnh nghe Việp quận công không theo lệ thi ở huyện, cho quan lệnh doãn huyện mở hai kỳ thi lấy người đỗ ở huyện lớn 70 người, huyện vừa 50 người, huyện nhỏ 30 người. Người đỗ là Cử tri, được gọi là Học sinh Thứ thông. Cứ 10 tuổi trở đi cho dân xã làm sổ xếp loại để đi thi và nộp 3 quan tiền thông kinh. Các xã làm tràn, trẻ 3, 4 tuổi cũng đỗ Tam trường, người đương thời gọi giễu là Sinh đồ 3 quan.

Người nào huyện khảo hạch không được ở hạng Cử tri được phép đầu đơn tình nguyện, trước cho khảo hạch riêng một lần, đỗ thì cho vào thi Sảo thông, lại đỗ Sảo thông thì vào hạng Trong sổ. Những người không đỗ là hạng Ngoài sổ, nếu chưa phục thì được phép suy tị. Người nào đỗ mà bị trên 10 người suy tị thì quan khảo xét lại, lần đầu chưa phân định thì xét lần nữa. Nếu người “Ngoài sổ” vẫn chưa phục, cho phép đến Chính phủ đường kêu tị. Cho nên được trúng Sảo thông là khó.

Vì quyển thi của bậc Sảo thông Tam trường cùng điểm duyệt lẫn với quyển thi của bậc Thứ thông và bọn trẻ nhỏ nên nhiều người bất hạnh bị trượt. Năm 1762 định rằng những người đỗ Sảo thông thi riêng, quyển được chấm riêng cho nên không đến nỗi bị đánh hỏng oan nữa (5).

II – THỜI NHÀ NGUYỄN

a – Thi Khảo / Khảo Khóa :

Thời nhà Nguyễn cũng thường dùng lẫn lộn hai danh từ Khảo Khóa và Khảo Hạch, nhưng theo Thực Lục thì ít ra từ năm 1855 đã có sự phân biệt rõ ràng hai loại : Thi Hạch để kén người được dự thi Hương, còn Thi Khảo chỉ là một kỳ thi để thử sức, xét học lực xem một năm tiến ích thế nào và để khuyến khích học sinh.

Thi Khảo được tổ chức một năm hai lần vào ngày rầm tháng 2 và tháng 8 ở Ðốc Bộ Ðường (dinh quan Tổng đốc, ở tỉnh). Thi đủ ba lối kinh nghĩa, thơ phú và văn sách nhưng dễ hơn thi Hương.

Học trò thi Khảo không cần ghi tên trước nhưng trên mặt quyển phải khai rõ tên họ, sinh quán, lý lịch tam đại, tên thầy học vv.

Khi chấm, quyển không rọc phách để biết tên thầy học. Quan chấm trường gồm các viên Giáo thụ, Huấn đạo ở phủ huyện, các viên Án sát, Ðốc học ở tỉnh. Những người đỗ gọi là Khóa sinh (6), yết tên ở cửa thành, các lý dịch trong làng đến xem bảng, chép tên để miễn sưu dịch cho các Khóa sinh (có chỗ chép là có giấy sức về làng và, theo hương lệ, có thể được miễn sai dịch).

b – Thi Hạch :

Thi Hạch để chọn lựa người đi thi Hương. Trước khoa thi Hương ít nhất là 3 tháng, ở phủ, huyện các viên Giáo thụ, Huấn đạo xét hạch trước rồi làm danh sách đệ lên quan tỉnh. Quan Ðốc học hội với quan tỉnh định ngày thi Hạch ở tỉnh.

Thi đủ 4 loại văn trường ốc, tựa như thi Hương. Trên mặt quyển khai tên họ, quê quán, học trò của ai, gốc tích ông cha ba đời, làm chức gì, còn hay mất.

Khảo quan cũng có lễ Tiến trường như thi Hương. Khi chấm thì các Giáo thụ, Huấn đạo chấm , quan Ðốc học chấm phúc rồi quan tỉnh xét lại, xong lập danh sách những người đỗ Hạch, được thi Hương, tư bộ Lễ để bộ theo số thí sinh mà tuyển người đi chấm thi Hương. Ðỗ Hạch có giấy sức về làng và được miễn sưu dịch. Người đỗ đầu gọi là Ðầu Xứ.

Ngạch lấy đỗ  do triều đình ấn định tùy theo số học sinh mỗi tỉnh. Thí dụ, đầu đời Thành-Thái, Khảo khóa được trừ sưu thuế, ấn định mỗi tỉnh :

Cao-bằng, Lạng-sơn… lấy đỗ từ 10 đến 20 người

Hải-phòng lấy 200 người

Hà-nội, Nam-định lấy 400 người (7).

Theo lệnh quan Ðốc học, lý trưởng sở tại phải làm sổ khai tên họ thí sinh, quê quán và xét là người lương thiện, không can án mới được nộp quyển, chia loại gọi là loại-khai.

– LUẬT LỆ

Dưới đây xin chép lại một số luật lệ Khảo Khóa / Khảo Hạch thời Nguyễn :

– 1821 định lệ những người dự thi mà khoa trước chưa trúng kỳ đệ nhất và đệ nhị thì do Học quan khảo hạch (Hương Khoa Lục).

– 1825 Trước kia hàng năm Học thần địa phương khảo khóa hai kỳ hay bốn kỳ. Bộ Lễ bàn mỗi năm hai kỳ khảo vào ngày 15 tháng 4 và 15 tháng 10.

Hàng năm hội khảo trung tuần tháng trọng đông. Các Giáo, Huấn đem học trò hạt mình tới học đường của Tế tửu, Tư nghiệp, Ðốc học khảo xem sức học tiến hay lùi, xếp thứ tự rồi yết bảng. Giáo, Huấn khảo hạch phải in ngón tay trên mặt quyển dưới chỗ đề tên. Học trò ở xa phải trở về quê, do lý trưởng xét khai để đi hạch. Phép thi lược đủ đầu bài 4 trường, làm sổ chuyển lên Học chính Thượng ty. Người trúng ở Kinh do Tế tửu, Tư nghiệp xét hạch một lần nữa, ở các trấn do Ðốc học khảo lại,

Thượng tuần tháng hai trước kỳ thi, địa phương gửi danh sách học trò lên bộ để tùy số người mà bổ quan chấm. Phải chua rõ trên mặt sổ tổng số học trò ở phủ nào, huyện nào, bên cạnh chua người dậy là Giáo, Huấn nào.

Hàng năm hai khóa cho miễn binh đao. Hạng ưu được miễn một năm, hạng thứ miễn nửa năm. Bốn năm tám khóa được kế tiếp chuyển miễn, không đủ bốn trường thì không được miễn (8).

– 1828 Bộ Lễ tâu trước kia những người thi Hương trúng nhất, nhị trường được miễn dao dịch một, hai năm cho nên sau khoa thi học trò đợi đến mùa hạ năm sau mới thi Khảo khóa. Nay phép thi đổi, cho ai cũng được thi cả 4 trường, không còn hạng nhất, nhị trường nữa. Nếu vì cớ vừa thi hỏng mà đình một kỳ Khảo khóa thì việc binh đao bó buộc, học trò không thể chuyên tâm. Xin từ nay ai thi hỏng đều cho khảo khóa tiếp vào mùa xuân năm sau. Vua y.

– 1830 Học trò Gia-định có người trải 8 khoa mà không đủ văn thể bốn trường.Thành thần tạm kế khóa để miễn binh đao, lại tâu xin gia ân cho biên vào sổ Khóa sinh. Vua dụ :”Phép học tập đã có lệ. Nay Thành trấn không biết đốc thúc các Học thần có chức trách không biết đào tạo học trò, dậy bảo không nghiêm, lỗi ấy quy về ai ? Nhưng nghĩ hạt thành văn phong mới mở, học trò chưa có mấy, tạm gia ân như xin. Về sau không được phá cách cầu xin như thế nữa”.

– 1834 Ba tháng trước kỳ thi, các Giáo, Huấn thi thử học trò hạt mình rồi chuyển giao cho Thượng ty Học chính sát hạch lại. Nơi nào chưa đặt các chức Giáo, Huấn thì các viên Phủ, Huyện làm thay, nơi nào chưa đặt Ðốc học thì do Ðốc học ở gần kiêm lĩnh. Làm danh sách đệ đi, hạn trước trung tuần tháng hai phải tới Kinh (9).

– Năm 1837 Khảo khóa ở Bắc vào tháng 4 và tháng 10. Vì tháng 9 nước lụt, đi lại bất tiện và vì hai trường Hà-nội và Nam-định thi Hương cũng tháng 10 nên đổi Khảo khóa sang tháng 5 và tháng 11.

– 1855 Phàm gập năm thi Hương thì Giám thần, Học thần ở Thừa-thiên, Tả Trực (từ Kinh ra Bắc), Hữu Trực (từ Kinh vào Nam) cùng các tỉnh Nam, Bắc kỳ đều khảo khóa ngày 15 tháng 4. Người nào ứng Hạch hay ứng Khảo thì hoặc thi ở trường thi cũ hoặc ở cánh đồng rộng thoáng mé ngoài tỉnh thành. Chia làm hai vi : Ai đi Hạch cho vào vi tả, ai đi Khảo cho vào vi hữu. Khi nộp quyển cất vào hai hòm riêng để điểm duyệt khỏi lẫn lộn.

Người đi Khảo thi đủ bốn kỳ, cho phép tùy ý chọn đầu đề mà làm. Người ứng Hạch mà văn lý tầm thường nhưng so với quyển của người thi Khảo ngang nhau thì cho đỗ hạng thứ thứ, chiểu theo lệ Khảo khóa chuẩn cho miễn trừ nhưng không được kê vào sổ đi thi Hương. Những người đỗ hạng ưu, bình, thứ được miễn dao dịch nửa năm hay một năm, được vào danh sách những người đi thi Hương.

Tục Hạch :

Ðến kỳ Hạch, sĩ nhân nào đi học xa hay bị bệnh chưa kịp hạch thì cho phép Tục hạch. Các trường từ Nghệ-an vào Nam hạn nộp quyển là cuối tháng 5, các trường từ Thanh-hóa ra Bắc hạn cuối tháng 7.

– Về ba đạo Quảng-trị, Phú-yên, Hà-tĩnh, gập năm thi Hương thì ngày 1 tháng 4 viên coi đạo sức cho Giáo Huấn thông cho trong hạt biết :

Người nào đi thi Hạch phải nộp quyển cho các Giáo, Huấn chuyển đệ cho Giám thần, Học thần, và sức cho học trò phải tới phủ Thừa-thiên hoặc tới tỉnh mà ứng Hạch.

Người nào đi thi Khảo nộp quyển ở đạo, đến ngày 15 tháng 4 do quan ở đạo cùng với Giáo, Huấn ra đầu đề. Ngày 16 đem quyển Khảo chứa vào hòm đệ giao cho Giám thần, Học thần. Ngày hôm ấy các Giáo, Huấn đều phải tới Giám, tới tỉnh, thông xét cả quyển Khảo, quyển Hạch, rồi do Giám thần, Học thần quyết định lấy đỗ hay bỏ, xong ra bảng một loạt (10).

– Năm 1871, tổng số người trúng Khảo lên đến 19 339 người.

– 1877 Năm 1825, định lệ hạng ưu được miễn dịch một năm, hạng thứ được miễn nửa năm để có thể chuyên tâm học hành khiến cho nhân tài ngày một thịnh. Về sau nhiều người đi thi chỉ cốt được miễn sưu dịch (Thập niên đăng hỏa, bán niên trừ = mười năm đèn sách, nửa năm trừ sưu) (11) nên triều đình tìm cách ngăn chặn mối tệ đó :

Từ 1877, trước kỳ Khảo, lý dịch phải khai số sĩ tử đã đi Khảo khóa mấy lần, đi thi Hương mấy khoa, không đi vì duyên cớ gì (ốm đau, đại tang) cam kết rõ ràng, học đường sẽ xét lại. Nếu chưa thi Hương mà có duyên cớ đích đáng, hoặc không có duyên cớ nhưng chỉ mới Khảo khóa có 3, 4 lần thì cho nộp quyển đi thi. Nếu 4, 5 lần không chịu đi thi Hương mà không duyên cớ thì giao về làng, vào sổ chịu sai dịch. Số người lấy đỗ không được quá 6 phần 10 (12).

– 1878 Lệ trước thi Hương tháng 7 hay tháng 10 (tùy trường) đều khảo hạch tháng 4. Từ khoa này khảo trước 3 tháng. Duy Hà-nội và Nam-định vẫn tháng 10 như cũ.

– 1880 Trước 4 tháng, hương lý xã thôn phải điều tra đảm bảo, các Giáo Huấn thi thử thể văn ba kỳ rồi làm danh sách giao cho quan Giám hay Ðốc học. Trước ba tháng, quan phủ Thừa-thiên hay quan tỉnh sát hạch lại rồi làm danh sách đệ lên bộ Lễ. Ngạch lấy đỗ là :

Thừa-thiên, Thanh-hóa 700 người

Hà-nội, Nam-định 800

Thái-nguyên, Lạng-sơn 50 (13).

– 1891 định ngạch trúng tuyển thi Hạch khoảng 7 000 người. Ai trúng tuyển được miễn sưu thuế một năm, ai đỗ Cử-nhân, Tú-tài được miễn sưu thuế, ai chỉ trúng nhất trường, nhị trường không được miễn nữa.

Ðịnh lệ năm nào có thi Hương thì đình một kỳ thi Khảo (14).

– 1903 Sang thời Pháp thuộc, Thống sứ Bắc kỳ Luce cho là khoa này sĩ số quá nhiều, tư cho Công sứ các tỉnh yêu cầu các Ðốc học loại bớt nhưng vì sau khi lập danh sách thí sinh nộp cho phủ Thống sứ, một số tỉnh đã hủy bỏ bài thi mà trên danh sách lại không khai số điểm nên xóa bậy cho xong. Những người đỗ Hạch bị loại không biết, nộp đơn đi thi, Ðốc học không nhận, bèn khiếu nại lên phủ Thống sứ. Vì thấy lý do chính đáng, Thống sứ lại tư cho các Ðốc học nhận đơn nhưng một số người chán nản đã bỏ vì không học ôn kịp (15).

– 1906 Sĩ số khoa này đáng lẽ là trên 10 000 người nhưng cuối năm 1905 Thống sứ Groleau sức cho Ðốc học các tỉnh tùy lớn nhỏ, không được lấy quá 500, 600 người. Tuy thế, cộng thêm với các Tú-tài, Ấm sinh, sĩ số cũng lên quá 8 000. Thống sứ vẫn cho là nhiều bởi sợ phong trào Ðông du của Phan Bội Châu nhân dịp sĩ tử tụ họp đông đảo tuyên truyền chống Pháp, lại hạ lệnh phải rút xuống tổng số là 6 000. Vì cận ngày, không kịp thông báo cho những người bị xóa tên nên khi những người này đến trường thi không thấy tên mình, hơn 2000 người biểu tình trước cửa trường. Nhiều người trước kia không nghĩ đến xuất dương nay uất ức quyết định du học, tìm cách giải phóng đất nước khỏi vòng nô lệ (16).

– Khoa 1915 là khoa thi Hương cuối cùng ở miền Bắc, kỳ Hạch mỗi tỉnh mở giữa năm 1915, gồm 4 trường :

Trường 1 thi 1 bài luận Hán văn ;

Trường 2 thi 1 bài luận quốc ngữ về văn chương, lịch sử ;

Trường 3 thi 1 bài tính đố và 1 bài địa lý, lý hóa, vạn vật bằng quốc ngữ ;

Trường 4 thi 1 bài chính tả tiếng Pháp, phải dịch ra quốc ngữ (17).

CHÚ THÍCH

1 – Thiệu Ðình, Nam Phong, số 168, 1/1932 – Tục Biên, tr. 83.

2 – Yoshimaru TSUBOI, Nước Ðại-Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, tr. 233-8

3 – Lê Quý Dật Sử, tr. 32.

4 – Khai Trí Tiến Ðức, tr. 51.

5 – Lê Quý Dật Sử, tr. 30-34.

6 – Ðấy là theo Trần văn Giáp và E. Luro, cũng phù hợp với tên khoa thi là Khảo khóa. Nhưng trong Hồi ký (chưa in, trang 30-31) của cụ Nghè Hà Ngại thì “Ở tỉnh mỗi năm có một kỳ Hạch mà ba năm mới có một khoa thi Hương. Những năm không thi Hương, kỳ Hạch ấy gọi là Hạch trừ sưu. Hạch đỗ mà chưa đi thi Hương gọi là Khóa sinh, đi thi gọi là Thí sinh“.

Theo A. Schreiner, tr. 71, thì thi Khóa ở tỉnh mỗi năm hai lần, đỗ gọi là Học sinh.

7 – Ðại Nam Ðiển Lệ, tr. 367.

8 – Thực Lục, VII, tr. 125, 201-2.

9 – Thực Lục, XIV, tr. 185.

10 – Thực Lục, XXVIII, tr. 113-5.

11 – Phan Thúc Trực, Quốc Sử Di Biên, tr. 85.

12 – Thực Lục, XXXIV, tr. 61-2.

13 – Thực Lục, XXXV, tr. 76-7.

14 – Ðại Nam Ðiển Lệ, tr. 361.

15 – Làng Hành Thiện…, tr. 246.

16 – Làng Hành Thiện…, tr. 248.

17 – Làng Hành-thiện …, tr. 259-60.