Mục đích của thi Ðình là khảo sát lại một lần những người đã đỗ Trúng cách thi Hội rồi theo kết quả mà sắp đặt người đỗ Tiến sĩ theo thứ tự cao thấp. Tuy nhiên, dù đã đỗ thi Ðình rồi có khi còn phải trình diện để vua xem dung mạo hoặc phải vào điện thi “ứng chế” hay đã vinh quy rồi phải trở lại Kinh thi thơ, luận… có hợp cách mới lấy đỗ hẳn, cấp văn bằng.

Mạc Ðĩnh Chi đỗ thủ khoa năm 1304 song vua Trần Anh Tông thấy dung mạo ông xấu xí không muốn cho đỗ đầu. Ông soạn bài phú “Ngọc liên tỉnh” ví mình với hoa sen trong giếng, đề cao phẩm cách thanh khiết của bông sen. Vua đọc xong cho đỗ Trạng nguyên.

Tương truyền khoa Mậu Thìn triều Lê Uy Mục, Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng Nhãn, Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng nguyên. Vua thấy Hứa mặt mũi đẹp đẽ cho đỗ Trạng, trên Nguyễn Giản Thanh. Người đời gọi Hứa là Mạo Trạng nguyên (1).

* Phêp chấm Thi Ðình thời Nguyễn : Quyển nộp cho quan Tuần la để giao cho ông Thu quyển. Ông Ấn quyển đóng dấu “Luân tài thịnh điển” vào chữ cuối quyển thi. Các Soạn hiệu đánh dấu tờ đầu quyển thi, chỗ có tên thí sinh, cuộn tròn lại, niêm phong rồi mới giao cho các Ðằng lục (cũng gọi là Ðằng tả) sao lại bằng son đỏ, Di phong xếp vào hòm, chuyển cho Thủ trưởng canh giữ. Tất cả đều phải ngủ lại ở triều phòng để sáng mai chầu chực vua chấm bài. Quyển mực (mực đen, của Cống sĩ) giữ lại, cất đi, chỉ chấm quyển sao (son đỏ).

Hai quan Duyệt quyển chấm trước, thứ đến hai quan Ðộc quyển hội đồng xét lại, xếp thứ tự, ký tên chung rồi cho kháp phách, đính chung quyển thi, quyển sao làm một, lập danh sách, làm bản tấu trình. Vua duyệt lại, cho ý kiến rồi trả lại khảo quan để chuyển cho bộ Lễ theo đó mà soạn mũ áo, định ngày Truyền lô (2).

Lúc đầu điểm duyệt phê “ưu, bình, thứ, liệt…”, sau đổi sang chấm phân số từ 0 đến 20, thời Pháp thuộc lại tính điểm từ 0 đến 10.

* Những người đỗ xưa gọi là Thái Học Sinh, đến thời Trần Duệ Tông, 1374, mới gọi là Tiến sĩ. Các Tiến sĩ chia ra ba giáp, theo thứ tự từ cao xuống thấp :

a- Ðệ nhất giáp Tiến sĩ. Ở Việt-Nam thường chỉ lấy ba người là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, gọi chung là Tam khôi.

Tuy nhiên, để khuyến khích nho sĩ, đời Trần có lúc lấy 2 bảng đỗ, tức là có Kinh Trạng nguyên (Kinh đô) lại có Trại Trạng nguyên (Thanh, Nghệ).

Nhà Nguyễn đặc biệt có lệ “Tứ bất lập” (3), không lấy ai đỗ Trạng nguyên mặc dầu khi đặt luật lệ vẫn ấn định số điểm lấy đỗ Trạng nguyên.

b- Ðệ nhị giáp Tiến sĩ, số người lấy đỗ không nhiều lắm, đứng đầu là Hoàng giáp.

c- Ðệ tam giáp Tiến sĩ – Thời Lê còn gọi là Phụ bảng, để đối với Chánh bảng là nhất giáp và nhị giáp Tiến sĩ. Số người được lấy đỗ Ðệ tam giáp nhiều nhất trong ba giáp.

Phó bảng thời Nguyễn kể là không đỗ Tiến sĩ, không dự hàng giáp đệ, khác với Phụ bảng triều Lê.

* Danh vị và thứ bậc các Tiến sĩ rất quan trọng : Phùng Khắc Khoan đã làm quan to mà còn đi thi để giật danh vị Nhị giáp Tiến sĩ khoa 1580. Công Dư Tiệp Ký kể rằng thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận, Nguyễn Nhân Bị, 19 tuổi đỗ Tiến sĩ nhưng không dự hàng cập đệ, từ không nhận để thi lại mong đỗ cao hơn, nhưng đi thi lại vẫn chỉ đỗ Ðồng Tiến sĩ (tam giáp). Trịnh Thiết Trường khoa 1442 đỗ Ðồng Tiến sĩ, sai người về làng đón mẹ. Bà mẹ không đi, nói mong con đoạt hai chữ “khôi nguyên”, nay đỗ dưới người khác thì đi làm gì ? Năm 1448 ông thi lại, lần này đỗ Bảng nhãn (4).

* Theo lời tâu xin, vua truyền cho bộ Lễ trả bản sao quyển thi có chữ “châu phê” bằng son đỏ của vua cho Cống sĩ (5).

Ở từng dưới Ðông các, nơi tàng trữ văn thư Nội các, tức Khuê Văn Thư Viện, lập năm 1852, có lưu trữ một số quyển Ðiện thí (6). Hiện Thư Viện Hán Nôm ở Hà-nội còn giữ được khá nhiều văn bài thi Ðình thời Lê và thời Nguyễn. Mặt quyển cho thấy cả tên và chức vụ của các khảo quan.

I – CHẤM THI

A – TRƯỚC THỜI NGUYỄN

– NHÀ TRẦN

1232 Thi Thái Học Sinh, bắt đầu chia giáp đệ, tức là : nhất giáp, nhị giáp và tam giáp Tiến sĩ. Trước chỉ chia ra Giáp, Ất.

1247 Bắt đầu gọi ba người đỗ đầu nhất giáp là Tam khôi, theo thứ tự từ cao xuống thấp : Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

1256 Bắt đầu lấy hai bảng đỗ : Kinh (Kinh đô) và Trại (Thanh, Nghệ) để khuyến khích nho sĩ ở xa chưa thấm nhuần Chính đạo (đạo Nho), thành ra trong nước cùng một lúc vừa có Kinh Trạng nguyên, Kinh Bảng nhãn lại cóTrại Trạng nguyên, Trại Bảng nhãn… Ðến Trần Thánh Tông mới lại hợp thi chung, lấy một bảng đỗ.

1305 Ngoài Tam khôi và 44 Thái Học Sinh, bắt đầu lấy thêm Hoàng giáp tức Nhị giáp Tiến sĩ.

1374 Bắt đầu gọi Tiến sĩ thay cho Thái Học Sinh nhưng vẫn tiếp tục dùng danh Thái Học Sinh đến 1442 mới bỏ. Nhất giáp gọi là Tiến si cập đệ, Nhị giáp gọi là Ðồng Tiến sĩ cập đệ, Tam giáp là Tiến sĩxuất thân (7).

1396 Ðịnh lệ có đỗ thi Hội mới được thi Ðình.

– NHÀ LÊ

1433 Chia ra Chính bảng gồm Tiến sĩ cập đệ (nhất giáp), Tiến sĩ xuất thân (nhị giáp ) và

Phụ bảng là Ðồng Tiến sĩ xuất thân tức Tam giáp Tiến sĩ.

1442 Năm 1484 khi Quách Ðình Bảo lập bia Tiến sĩ khoa 1442 xin đổi : Chính bảng gồm Nhất giáp là Tiến sĩ Cập đệ, Nhị giáp là Tiến sĩ xuất thân và Phụ bảng là Ðồng Tiến sĩ xuất thân tức Tam giáp (8).

1478 Không lấy Trạng nguyên mà chỉ lấy 2 Thám hoa (9).

1496 Lệ cũ vào thi Ðình không bị đánh hỏng. Khoa này thi Hội lấy 43 người Trúng cách nhưng sau khi xét dung mạo ở điện Kim Loan, vua đánh hỏng 13 người, còn 30. Nguyễn văn Huấn thi Hội đỗ thứ 2 cũng bị xóa tên (10).

1508 Theo Trần Tiến, khoa này Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng nhãn, Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, nhưng vua Lê Uy Mục lại cho Hứa đỗ Trạng vì dung mạo đẹp, người bấy giờ gọi Hứa là “Mạo Trạng nguyên”. Tuy nhiên, trong Khoa Mục Chí người đỗ Trạng vẫn là Nguyễn Giản Thanh (1).

1623 Từ khoa này về sau, thi Ðình không bị đánh hỏng cho đến khoa 1757 Nguyễn Khiêm Hanh vì can tội mang sách vào thi Ðình mới lại bị đánh hỏng.

1779 Trịnh Sâm mở thịnh khoa, văn bài thi ở điện không đưa vua Lê Hiển Tông chấm. Hôm sau cho thi ở phủ Chúa, chỉ chấm những quyển thi ở phủ đường, chia hạng Giáp, Ất (11).

B – NHÀ NGUYỄN

1822 Tháng 3, Hội thí. Ba kỳ đầu yết bảng ở cửa Thể Nguyên ; kỳ 4 là thi Ðình, vào tháng tư, yết bảng ở Phu văn Lâu.

Quyển mực (đen) lưu lại Thí viện, quyển son (sao) giao cho các Ðồng khảo chấm. Mỗi quyển 2 người hội chấm, chia 4 hạng ưu, bình, thứ, liệt. Các quan Ngoại trường, Ðọc quyển, hội duyệt lại, lấy đỗ hay bỏ rồi vua định thứ bậc (12).

1829 Ðịnh lại phép thi Ðiện. Bộ Lễ tâu khoa trước chia ưu, bình, thứ, liệt, nay xin theo phép thi Hội mới định, đổi ra phân số, chấm nghiệt hơn thi Hội một bậc vì quan trọng hơn.

ưu = 9 – 10 phân (Trạng nguyên 10 phân, Bảng nhãn 9 phân)

ưu thứ = 7 – 8 phân (Thám hoa 8 phân, Hoàng giáp 6, 7 phân)

bình = 5 – 6 phân (Tam giáp từ 5 phân trở xuống)

bình thứ = 3 – 4 phân

thứ = 1 – 2 phân

liệt = không đủ mợt phân.

1847 Thi Ðình bắt đầu bị đánh hỏng vì trong bài Kim văn của Ðặng Huy Trứ có câu :”Hữu hại gia miêu” (làm hại lúa tốt). Song Gia miêu là tên quê hương vua nhà Nguyễn, họ Ðặng mắc tội phạm húy, bị đánh hỏng tuột, cách luôn cả danh tịch (sổ ghi tên những người thi đỗ) Cử nhân, đuổi về học lại. Trước đó, thi Hội Trứ đã phạm tội văn khiếm nhã, quan trường đánh hỏng nhưng vua Thiệu-Trị thấy Trứ thi kỳ 1 kiêm trị cả 5 kinh, đặc cách cho thi Ðiện, nay lại bị đánh hỏng.

1851 Ðược 4 phân trở lên là trúng Giáp bảng, từ 3 phân trở xuống đỗ Phó bảng.

1853 Sau khi thi Ðiện còn qua một kỳ Phúc thí, dùng 3 bài luận thể văn kim. Vua cho thi Ðiện khoa ấy chỉ xét văn chương, học vấn, sợ trù tính công việc có xác đáng, kiến thức cao minh thì chưa từng nói đến. Bèn cho những người Trúng cách thì lại ở nhà Duyệt thị, đều hỏi về việc hiện thời cùng là cốt yếu về việc dùng người, trị nước.

Trường thi thời xưa - Binh Phuoc, Tin tuc Binh Phuoc, Tin mới tỉnh Bình  Phước

Ðến khoa 1862 có tới 2 kỳ Phúc thí (13).

1856 Quan Tuần la thu quyển thi dán lại, đánh dấu, giao cho thái giám nộp vào trong Nội. Các quan coi việc thi, đợi chỉ, giao quyển thi ra, quan Giám thí chuyển giao cho viên Thu trưởng trình các quan Duyệt quyển điểm duyệt trước, các quan Ðộc quyển hội đồng chấm lại rồi tâu, đợi Hoàng thượng định thứ bậc.

Khoa này có 2 người viết bài phú giống nhau, phạt 50 roi. Tuần sát không chu đáo, phạt 40 roi (14).

1869 Ðịnh lệ Phúc thí (thi Ðình) những người thi Hội Trúng cách : từ 3 phân trở lên, chờ chỉ chuẩn bậc đỗ ; được 1, 2 phân mà không tỳ tích, sai lầm nhiều, để dưới hạng Tam giáp, tức đỗ Phó bảng.

1871 4 viên Thứ Trúng cách và viên lấy thêm khi vào Phúc thí đều bị đánh hỏng (15).

1877 Thứ Trúng cách không được thi Ðình, song vì số Trúng cách quá ít, lại cho thi. Từ 3 phân trở lên cho đỗ Chính bảng / Giáp bảng ; từ 2 phân trở xuống, cho đỗ Phó bảng (16).

1879 Trúng cách 17 người, có 3 người chữ viết sai lầm, văn lại vụng kém, bị truất, còn đỗ Tiến sĩ 6 người và Phó bảng 8 người (17).

1884 Chuẩn định cho lấy đỗ :

Trạng nguyên = 10 phân

Bảng nhãn = 8-9 phân

Thám hoa = 6-7 phân

Hoàng giáp = 4-5 phân

Tam giáp = 3 phân trở xuống.

Quyển nào duyệt phê trúng, họp duyệt kiểm ra nên bỏ cũng tâu xin truất (18).

1907 Trúng cách 4 người, Thứ Trúng cách 6 người. Nguyễn Thạc Tính ba kỳ được 6 phân cùng 2 người đỗ Thứ Trúng cách khoa trước đều được vào thi Ðình. Khoa này không lấy ai đỗ nhất giáp, cho 4 người đỗ Nhị giáp, 3 người đỗ Tam giáp (19).

1910 Không chấm phân số, đổi ra phê điểm từ 0 đến 20. Vì thi Ðình khó hơn thi Hội nên đặc cách gia hậu 1 điểm thêm 1 thành 2 (1+1 = 2), 2 điểm thêm 2 thành 4 (2+2 = 4) v.v.

Tính thông cả các kỳ Hội và kỳ thi Ðình cộng lại rồi chia làm 6 thành :

Viên nào mỗi thành được 20 điểm thì cho trúng Ðệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) ;

Viên nào mỗi thành được 18, 19 điểm thì cho đỗ Ðệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) ;

Mỗi thành được 16 -17 điểm thì cho đỗ Ðệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa) ;

Mỗi thành được 13 – 15 điểm, cho đỗ Ðệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) ;

Mỗi thành được 10 – 12 điểm, cho đỗ Ðệ tam giáp Ðồng Tiến sĩ xuất thân (Tam giáp) ;

Mỗi thành được 7 – 9 điểm đặt vào hạng Phó bảng (20).

1919 Ðây là khoa cuối cùng, tùy văn lý cho điểm, chứ không căn cứ vào số điểm thi Hội như cũ.

II – NGẠCH LẤY ĐỖ

Số người lấy đỗ không hạn định trước như thi Hương.

A – NGẠCH THỜI LÊ

Trung bình mỗi khoa có khoảng 2000, 3000 người dự thí, lấy đỗ từ 20 đến 40 người. Số người đỗ không căn cứ vào số người thi : Khoa 1442 có 450 người thi mà lấy đỗ 33 người, khoa 1640 trên 6000 người thi, lấy đỗ 22 người.

1442 Thi Hội 450 người, 33 lọt Tứ trường ; thi Ðình lấy đỗ 3 Nhất giáp Tiến sĩ, 7 Nhị giáp Tiến sĩ và 23 Phụ bảng, tức Tam giáp Tiến sĩ.

1448 750 người thi, 27 người Trúng cách : 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, 12 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, 12 người đỗ Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1463 Theo Bi ký, khoa này có 1400 (KMC ghi là 4400 người) người thi, 44 Trúng cách : 3 Tiến sĩ cập đệ, 15 Tiến sĩ xuất thân, 26 Ðồng Tiến sĩ xuất thân (21).

1467 1100 người thi, 27 người đỗ Trúng cách : 8 Tiến sĩ xuất thân, 19 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1475 Trên 3000 người thi, 43 người đỗ : 3 Tiến sĩ cập đệ, 13 Tiến sĩ xuất thân, 27 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1481 Trên 2000 người thi, 40 người đỗ : 3 Tiến sĩ cập đệ, 8 Tiến sĩ xuất thân, 29 Ðồng Tiến sĩ xuất thân (22).

1499 Trên 5000 người thi, 55 người đỗ.

1502 5000 người thi, 61 người đỗ : 3 Tiến sĩ cập đệ, 24 Tiến sĩ xuất thân, 3 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1514 5400 người thi (5700, theo Văn bia) người thi, 43 người đỗ : 3 Tiến sĩ cập đệ, 20 Tiến sĩ xuất thân, 20 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1529 (Mặc Ðăng Dung) Trên 4000 người thi, 26 người đỗ.: 3 Tiến sĩ cập đệ, 8 Tiến sĩ xuất thân, 15 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1595 Thi ở Trung đô, khoa thứ 5 : trên 3000 người thi, 6 người đỗ : 2 Tiến sĩ xuất thân, 4 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1619 Ðề điệu là Trịnh Sâm : trên 2000 người thi, 7 người đỗ : 1 Nhị giáp, 6 Tam giáp Tiến sĩ.

1623 Trên 3000 người thi, 7 người đỗ. Vì có biến, thi Ðình chưa kịp xướng danh, bảng thi Hội yết ở Ðình Quảng Văn.

1640 Trên 6000 người thi, 22 người đỗ : 2 Tiến sĩ xuất thân, 20 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1643 Trên 2000 người thi, 9 người đỗ : 2 Tiến sĩ xuất thân, 7 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1652 Trên 2000 người thi, 9 người đỗ : 2 Nhị giáp, 7 Tam giáp Tiến sĩ.

1656 Khoảng 3000 người thi, 6 người đỗ Tam giáp Tiến sĩ.

1661 Dưới 3000 người thi, 13 người đỗ : 3 Tiến sĩ cập đệ, 2 Tiến sĩ xuất thân, 8 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1670 Trên 2000 người thi, 31 người đỗ : 2 Tiến sĩ cập đệ, 2 Tiến sĩ xuất thân, 27 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1673 Trên 3000 người thi, 5 người đỗ Tam giáp Tiến sĩ.

1676 Gần 3000 người thi, 20 người đỗ : 1 Tiến sĩ cập đệ, 3 Tiến sĩ xuất thân, 16 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1680 Trên 2000 người thi, 19 người đỗ : 2 Tiến sĩ xuất thân, 17 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1683 3000 người thi, 18 người đỗ : 3 Tiến sĩ cập đệ, 1 Tiến sĩ xuất thân, 14 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1685 2800 người thi, 13 người đỗ : 1 Tiến sĩ cập đệ, 1 Tiến sĩ xuất thân, 11 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1691 3000 người thi, 11 người đỗ : 3 Nhị giáp, 8 Tam giáp Tiến sĩ.

1694 Trên 2000 người thi, 5 người đỗ ÐồngTiến sĩ xuất thân.

1697 3000 người thi, 10 người đỗ : 2 Tiến sĩ xuất thân, 8 Ðồng Tiến sĩ xuất thân.

1700 Trên 2000 người thi, 19 người đỗ : 1 Nhất giáp, 3 Nhị giáp, 15 Tam giáp Tiến sĩ.

1703 3000 người thi, 6 người đỗ : 1 Nhị giáp, 5 Tam giáp Tiến sĩ.

1724 Dưới 3000 người thi, 17 người đỗ : 1 Ðệ nhất giáp, đệ nhị danh, 2 Ðệ nhị giáp, 14 Tam giáp.

1787 Có 1212 người thi, 14 người đỗ kể cả nhị giáp song nguyên Bùi Dương Lịch (23).

B – NGẠCH THỜI NGUYỄN

Số người thi thời Nguyễn thưòng không quá 100, 200 người ; số người đỗ, nếu không kể Phó bảng, không vượt quá vài chục. Không tính ngạch lấy đỗ thời Nguyễn được vì sách sử chỉ ghi số người đỗ mỗi khoa mà không chép số người dự thí trừ vài trường hợp đặc biệt :

1822 Tháng 3 có 164 người dự thi Hội, lấy đỗ 5 người, vua cho là ít, lấy thêm 3 thành 8 Trúng cách. Tháng 4 thi Ðình ở điện Cần chính cho Nguyễn Ý đỗ Hoàng giáp, 7 người kia đỗ Tam giáp Tiến sĩ.

1826 Vua trách khảo quan thi Hội chấm nghiệt quá, có trên 200 người thi chỉ lấy 9 người đỗ mà đều hạng thứ và toàn là người Bắc, bắt lựa thêm 1, 2 người từ Thừa thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong. Quan trường lấy thêm Phan Thanh Giản, thành đủ 10 người (thi Ðình Phan Thanh Giản đỗ đầu Tam giáp).

1874 Vua sắc cho bộ Lễ :”Quốc triều ta về khoa Tiến sĩ trước kia mỗi khoa lấy đỗ nhiều thì hơn 10 người, ít cũng 7, 8 người. Gần đây người đỗ ít thậm chí có khoa chỉ có 3, 4 người, có lẽ học nghiệp không bằng trước hay là câu nệ về mực thước quá mà thế chăng ?”.

III – DANH HIỆU

1232 Bắt đầu chia ra Giáp đệ, tức Ðệ nhất giáp, đệ nhị giáp và đệ tam giáp.

1374 Nhất giáp gọi là Tiến sĩ cập đệ, Nhị giáp là Ðồng Tiến sĩ cập đệ, Tam giáp là Tiến sĩ xuất thân.

* Tiến sĩ cập đệ – Cập đệ nghĩa là thi đỗ. Theo Lê Quý Ðôn, đời Ðường lấy khoa Minh Kinh, Tiến sĩ làm cập đệ. Tuy có tên trong sổ người đỗ ở vương phủ nhưng chưa vào sổ Sĩ hoạn (ra làm quan) còn phải do bộ Lại xét một lần nữa, hay các châu huyện tiến cử mới được làm quan. Có làm cũng chỉ làm quận dư yến (thư ký bút thiếp ở quận) hay huyện tá, lâu năm mới được bổ dụng.

Ðời Tống Thái Tổ (976-7) mới chia Giáp đệ :

– Ðệ Nhất giáp gọi là Tứ Tiến sĩ cập đệ, có khi lấy đến 30, 40 người nhưng chưa ưu đãi 3 người đỗ trên hết ;

– Ðệ Nhị giáp gọi là Ðồng Tiến sĩ cập đệ ;

– Ðệ Tam, đệ Tứ giáp gọi là Tiến sĩ xuất thân ;

– Ðệ Ngũ giáp là Ðồng Tiến sĩ xuất thân (24).

* Tiến sĩ xuất thân – (Xuất thân = từ đó mà ra) Vẫn theo Lê Quý Ðôn, đời Ðường Chế khoa trọng hơn khoa Tiến sĩ và “xuất thân” trọng hơn “cập đệ”. “Cập đệ” chưa vào sổ sĩ hoạn còn “xuất thân” được ghi ngay tên vào quan bản, đi làm quan ngay. Làm ở Ngự sử quán, điện đài, đường xuất sĩ rất cao vượt. (25).

1433 Ðổi chia ra Chính bảng và Phụ bảng.

a- Chính bảng gồm Nhất giáp và Nhị giáp.:

* Nhất giáp ba người đỗ đầu gọi là Tam khôi, theo thứ tự từ cao xuống thấp là :

1- Trạng nguyên – Danh hiệu này có từ đời Ðường. Lê Quý Ðôn cho biết nhà Ðường gọi là Trạng nguyên hay Trạng đầu vì nhà Ðường thi bằng bảng (Trạng = bảng, nguyên = đầu), Trạng nguyên chỉ để gọi người đỗ đầu bảng mà thôi.

Vua cho 3 người đỗ Trạng nguyên ăn cơm, ban cho 5 chén rượu, những người khác thì cho ăn no. 3 người trước dâng một bài thơ tạ ơn, 10 ngày sau vào chầu bái tạ, lại vài ngày nữa làm lễ “Bái hoàng giáp” và “Tự đồng niên” : trải thảm trên thềm Ðông, Tây đối nhau, những người từ 40 tuổi trở lên đứng ở bên Ðông, những người dưới 40 đứng ở hành lang bên Tây, đều lạy 2 lạy. Lại chọn người nhiều tuổi nhất trong bảng để Trạng nguyên lạy, chọn người trẻ nhất lạy Trạng nguyên. Lễ “Tự đồng niên” là những người cùng một bảng vái lẫn nhau (26).

Thời Trần có lúc đặc biệt lấy hai bảng đỗ : “Kinh Trạng nguyên” (kinh đô) “Trại Trạng nguyên” (Thanh, Nghệ).

2- Bảng nhãn – Bảng nhãn nghĩa là mắt bảng. Danh hiệu có từ đời Nguyên, Minh (27).

3- Thám hoa – Theo Vân Ðài Loại Ngữ thi nhà Ðường khi ăn yến ở Khúc giang, vua chọn một người trẻ tuổi cho đi hái danh hoa để bầy tiệc ăn mừng các Tiến sĩ mới. Sau vua bỏ bữa yến Thám hoa e người ta hiểu lầm người đỗ thứ ba gọi là Thám hoa (28).

R. de Rotours trong Courtisanes chinoises à la fin des T’ang cũng viết rằng Thám hoa là những người đỗ trẻ nhất được cử đi hái các hoa lạ trong những vườn danh tiếng ở Kinh đô về bầy trên bàn tiệc đầu tiên mừng các Tân khoa.

Sách Ðông Hiên Bút Lục chỉ chép là chọn 3 người trẻ tuổi làm Thám hoa.

Trần văn Giáp cũng chỉ nói tục có từ đời Ðường, chọn 2 người trẻ nhất làm Thám hoa lang (29).

* Nhị giáp đứng đầu là Hoàng giáp – (Hoàng là hoàng bảng, bảng vàng, tên viết ở cuối quyển giấy vàng ; giáp làkhoa giáp). “Hoàng giáp” là người có tên trên bảng vàng, giáp liền với tên các Tiến sĩ hạng nhất (30). Danh hiệu này đến đời Tống mới xuất hiện (31).

b- Phụ bảng là Tam giáp Tiến sĩ – Những người đỗ Nhất giáp hay Nhị giáp vì đỗ cao người ta nên tuy cũng là Tiến sĩ nhưng người ta gọi theo danh vị thứ bậc : Trang nguyên, Bãng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, còn Tiến sĩ thường để trỏ những người đỗ Ðệ Tam giáp mà thôi.

* Phụ bảng thời Lê là những người đỗ Tiến sĩ hạng ba, không thuộc Chính bảng, khác với Phó bảng thời Nguyễn là những người không đỗ Tiến sĩ, nhưng điểm cao trong số những người thi hỏng (như Tú tài thi Hương).

Tiến sĩ : Tiến sĩ là người được “tiến” lên vua, đời Tống, trỏ người đỗ giáp bảng.

Danh hiệu Tiến sĩ có từ đời Chu nhưng chưa phải trỏ người đỗ thi Hội. Ðời Ðường, người thi gọi là Cử Tiến sĩ, người đỗ gọi là Thành Tiến sĩ.

Lê Quý Ðôn chép rằng thời Lê Kính Tông (Duy Tân) vì kỵ húy nên Tân Tiến sĩ đổi gọi là Thủy Tiến sĩ. (32).

* “Ông Nghè” trỏ ông Tiến sĩ. Có rất nhiều cách giải thích khác nhau :

– Trong điện vua, điện nào cũng có mái chạy dài ra hẳn quá sân để khi mưa nắng che cho các đại thần. Mái ấy gọi là Nghè. Các Tiến sĩ vào Ðình đối đứng ở đấy, là người đã “tiến” lên vua rồi, nên gọi là “ông Nghè” (33).

– Nghè thời Lê là chỗ phòng làm việc trong điện các, chỉ các Tiến sĩ mới được làm việc ở đấy (34). Thời Nguyễn, dù không đỗ Tiến sĩ mà làm việc trong điện cũng gọi là “ông Nghè”.

– Vũ văn Lập, trong Nam Sử Tạp Biên, nói rằng thời Nguyễn, những miếu thờ thần thánh, nơi tôn nghiêm đều gọi là Nghè. Các Tiến sĩ chầu hầu lăng miếu là ông Nghè, danh hiệu mới bắt đầu dùng từ đời Nguyễn nhưng xét theo điển cố có lẽ bắt đầu từ đời Lê Trung Hưng, “nghè” là dinh thự công dân phải làm cho các Tiến sĩ (35).

Thắng tích xứ Thanh viết : “Nghè Vẹt là nơi thờ 12 chúa Trịnh, “nghè” làm bằng gỗ, lợp ngói, có gian chính và các gian tả hữu gồm 12 gian. Gian chính còn giữ được nhiều cột gỗ lim lớn, mỗi cột nghè có một con giống. Nghè vẹt còn giữ được 2 con vẹt bằng gỗ, “vẹt” là vật linh biểu tượng nhà Trịnh : nhờ thấy vẹt bay lượn trên thi hài bà mẹ Trịnh Kiểm (bị nhà Mạc giết) mà người nhà mới tìm ra được thi thể (36).

Ðôi câu đối sau đây cũng cho thấy “nghè” cùng một ý nghĩa ấy :

Ðá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên,
Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới.

CHÚ THÍCH

1- Trần Tiến, tr 27 – Công Dư Tiệp Ký, I I, 101-2 – Song theo Khoa Mục Chí thì Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1508) vẫn là Nguyễn Giản Thanh (Xem chú thích số 10, chương 1).
2- Lều Chõng, 254-5 – R. de la Susse, 17-8.

3- Tứ bất lập là không lập Tể tướng, không lấy Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu, không lập Ðông cung Thái tử, do vua Minh Mệnh đặt ra. Có người cho là do Gia Long song không đúng vì Gia Long có lập Hoàng hậu và Ðông cung Thái tử (Xem “Ðông cung nhựt trình”, “Lối Xưa Xe Ngựa…”, I I, của Nguyễn Thị Chân Quỳnh).

4- Công Dư Tiệp Ký, I, 94-5 – Trần Tiến, 13, XVi i i –

5- Bút Nghiên, 227.

6- Châu bản triều Gia Long, XVI.

7- Cương Mục, V, 11.

8- Trần Tiến, XVi.

9-Kiến Văn Tiểu Lục, 84.

10- CM, XI I, 51 – KVTL, 92 :”hỏng 11 chứ không phải 13″.

11- Tục Biên, 448. Có lẽ Giáp, Ất ở đây trỏ “Chính bảng, Phụ bảng”, không phải như “Giáp, Ất” đời Trần.

12- Thực Lục, VI, 33-5, 52-4.

13- Ðăng Khoa Lục, 142.

14- TL, XXVI I I, 219-20.

15- ÐKL, 182.

16- ÐKL, 189.

17- TL, XXXIV, 214-5.

18- TL, XXXVI, 101-3.

19- ÐKL, 245.

20- ÐKL, 250-3.

21- Bi Ký, q.1, 42 – KMC, tr 10, chép là có 4400 người thi.

22- Bi Ký, q.1, 102 ghi là 31 người đỗ là sai vì cộng số người đỗ là 40 chứ không phải 31.

23- Lê Quý Dật Sử, 78.

24- Vân Ðài Loại Ngữ, 214-5, 220-1.

25- VÐLN, 214-5. Sách sử Việt-Nam thường ghi ngược lại : Tiến sĩ cập đệ bao giờ cũng là Nhất giáp

26- VÐLN, 221.

27- Hương Khoa Lục, 49-50.

28- VÐLN, 220.

29-Khai Trí, 50.

Tiến sĩ, cao hơn Tiến sĩ xuất thân (là Nhị giáp hay Tam giáp).

30- VÐLN, 221.

31- HKL, 49 – Khai Trí, 50.

32- Kiến Văn Tiểu Lục, 128 – Khai Trí, 50.

33- Bút Nghiên, 216, 239.

34- Khai Trí, 50 – Học chế Quan chế, 143.

35-Khai Trí, 50 – Nam Sử Tạp Biên, I I I, 41.

36- Thắng tích xứ Thanh, 64- 6.

Ông Nghè tháng Tám (1)

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai (2),
Cũng gọi ông Nghè có kém ai ?
Mảnh giấy làm nên khoa Giáp bảng (3),
Nét son điểm rõ mặt văn khôi (4).
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời !
Ghế tréo, lọng xanh, ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi (5)!

Nguyễn Khuyến (*)
Trích Ôn Như Nguyễn văn Ngọc, Nam Thi Hợp Tuyển

1- Thời xưa, đến Tết Trung thu cha mẹ thường mua “Ông Tiến sĩ giấy” cho con chơi, một cách để khuyến học, mong con sau này cũng thi đỗ bảng vàng.
2- Cân đai : “cân” là cái khăn, nghĩa rộng trỏ mũ đội đầu ; “đai” thắt lưng áo chầu.
3- Giáp bảng : “giáp” là “khoa giáp” ngụ ý đỗ cao, “bảng” là bảng đề tên những người thi đỗ. Ai đỗ Tiến sĩ. có tên trên “bảng Giáp” là đỗ hạng cao, có tên trên “Ất bảng” là đỗ hạng dưới.
4- Văn khôi : “văn” là văn chương ; “khôi” là ở trên hết. Ngụ ý nét son tô điểm, tỏ rõ ra con người giỏi văn chương (“Văn” phải hiểu theo nghĩa rộng gồm cả triết lý, thiên văn, thao lược…).
5- Ông Tiến sĩ thực rất được trọng vọng vì đã đạt đến mức cao nhất của Khoa cử. Ông Tiến sĩ giấy cũng có cờ biển, cân đai như ông Nghè thật, nhưng khác ở chỗ cái “khoa bảng” của ông không do công phu học hành mà là do mảnh giấy, nét vẽ tác thành, ông chỉ là đồ chơi cho con trẻ. Nguyễn Khuyến mượn ông Tiến sĩ giấy để bóng gió châm biếm những người đi học chí với mục đích thi đỗ, làm quan, “vinh thân, phì gia”, đối với xã hội có hơn gì ông Nghè giấy ?

* Nguyễn Khuyến ( 1835-1909) tên là Nguyễn văn Thắng, người làng Yên-đổ (Hà-nam), ba lần thi đều đỗ đầu nên gọi là “Tam Nguyên Yên-đổ”. Làm quan đến Tuần phủ, sau vì thời cuộc, mượn cớ đau mắt, từ quan. Rất nổi tiếng về văn thơ, câu đối, trào phúng, đặc biệt là văn thơ chữ Nôm.

Tiến sĩ Trung thu

Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào (1) ?
Thế mà hoa hốt với trâm bào (2).
Một năm, một tiết Trung thu đến,
Tôi vẫn quen ông, chẳng muốn chào (3) !
Trần Kế Xương (*)
Trích Ôn Như Nguyễn văn Ngọc (**), Nam Thi Hợp Tuyển

* Trần Kế Xương, sau đổi ra Trần Tế Xương, có lúc đổi ra Trần Cao Xưong, thường được gọi tắt là Tú Xương (1870-1907) người làng Vị-xuyên, huyện Mỹ-lộc, Nam-định, đi thi tám lần mà chỉ đỗ Tú tài hạng bét có một lần, nhưng lại rất nổi tiếng về thơ Nôm, có khuynh hướng mỉa mai, châm chọc.

** Nguyễn văn Ngọc (1890-1942) hiệu là Ôn Như, sinh tại Hà-nội, tốt nghiệp trường Thông ngôn năm 17 tuổi. Ðã dậy học ở trường Bưởi, trường Sĩ hoạn (Hậu bổ), trường Sư phạm, là một nhà nghiên cứu, sưu tầm, phụ trách Tu thư cục cho Nha Học chính… Những tác phẩm nổi tiếng : Cổ Học Tinh Hoa, (1926), Nam Thi Hợp Tuyển ((1927), Ðông Tây ngụ ngôn (1927), Tục ngữ phong dao (1928), Câu đối (1931), Truyện cổ nước Nam (1934) v.v.

1- “Tiến sĩ Trung thu” là ông Tiến sĩ giấy, chỉ bán vào dịp Tết Trung thu cho trẻ con chơi. Ðã là Tiến sĩ thì thì đỗ khoa nào, quê quán ở đâu đã có văn bằng, sổ sách, tất phải rõ ràng, thế mà ông Tiến sĩ Trung thu quê ở đâu, đỗ khoa nào lại không ai hay biết, quả nhiên ông chỉ là một ông Nghè giả !
2- Hoa hốt với trâm bào đều là những thứ bằng vàng, bạc, vua ban cho các ông Tiến sĩ mới thi đỗ, còn ông Tiến sĩ Trung thu tuy cũng có đầy đủ hoa trâm nhưng dĩ nhiên toàn là của giả.
3- Tác giả ngụ ý :”Hàng năm đến Tết Trung thu tôi lại gập ông, tôi quen mặt ông thật nhưng chẳng muốn chào ông vì ông chỉ là đồ chơi, nào phải người đem cái học “kinh bang, tế thế” ra giúp dân, trị nước khiến tôi phải kính trọng ?”