Trên báo Sài Gòn tiếp thị số 38 (11-4-2011), nhân chuyện Ban Biên tập của Oxford English Dictionary (OED) vừa thông báo đã bổ sung vào quyển từ điển một số từ của ngôn ngữ thời @, GS.TS. Nguyễn Đức Dân đã có bài “Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt!” với đoạn kết:

“Có những từ ngữ chat nghiêm chỉnh không chỉ tồn tại trong thế giới online mà đang thâm nhập cả vào đời sống hàng ngày, được nhiều người chấp nhận. Xã hội cũng đã dần “thích nghi” với chúng. Ý thức được điều này, có không ít những từ viết tắt, tiếng lóng được dùng phổ biến trong các dịch vụ chat hay tin nhắn đã chính thức có mặt trong Từ điển OED. Tiếng Việt không là ngoại lệ. Chỉ cần hai luận án tiến sĩ về đề tài này – ngôn ngữ chat và tiếng lóng – chúng ta có thể xác định được những từ ngữ chat thông dụng cần được coi là những đơn vị của tiếng Việt hiện nay và tương lai, để chính thức đưa vào từ điển tiếng Việt.”

Trước những lời kết luận chắc như đinh đóng cột của GS. Dân, chúng tôi đâm ra băn khoăn. Tiếng Việt không là ngoại lệ ư? Dĩ nhiên là đối với những phổ niệm ngữ học (linguistic universal) thì các thứ tiếng đều không là ngoại lệ. Nhưng trong việc đưa ngôn ngữ chat vào từ điển, tiếng Việt có đang là ngoại lệ hay không, thì chúng tôi cho là việc phải bàn một cách nghiêm cẩn và tỉnh táo chứ không thể chủ trương “hội nhập cấp tốc” được. Huống chi, chuyện mà OED đã làm và GS. Dân muốn chạy theo đâu đã phải là chuyện hữu ích bức bách cho mọi thứ tiếng trên đời. Bài viết cũng cho ta thấy Giáo sư quá sùng bái OED, một thứ từ điển cho đến bây giờ vẫn còn ăn theo cái hơi hám xa xưa của đế quốc Hồng Mao mà được cái tiếng là từ điển tiếng Anh loại xịn.

Vâng, xịn thì có xịn đấy nhưng đâu có toàn bích! Chúng tôi cũng đã đôi ba lần có vinh dự nói về nó khi còn phụ trách “Chuyện Đông chuyện Tây” trên Kiến thức Ngày nay. Và đã từng nhận xét trên số 143 (15-7-1994) về một lời giảng của nó:

“Cuốn Oxford Advanced Learners Dictionary 1992 đã giảng danh từ canary như sau: “chim hót hay, nhỏ, màu vàng, thường nuôi trong lồng làm cảnh”. Nhưng ai có chơi yến hót cũng có thể thấy đây là một định nghĩa không chính xác vì ngoài những con yến màu vàng, ta còn có những con màu trắng, những con màu saumon, những con màu ardoise, những con màu agate, những con màu isabelle, những con màu ve (xanh lục), những con màu rouge intensif, v.v…; thậm chí bây giờ người ta còn muốn tạo ra những con yến màu đen! Phó từ “thường” trong định nghĩa trên đây cũng thừa vì chẳng có con yến nào mà lại không được nuôi trong lồng, vì người ta chẳng bao giờ thả yến như thả bồ câu hoặc thả sáo, thả cưỡng”

Cho đến Sixth edition 2000 (4th impression, 2002) thì vẫn là nội dung này: “A small yellow bird with a beautiful song, often kept in a cage as a pet.” Lúc đó (còn chơi chim), chúng tôi có đem lời giảng này đến mấy câu lạc bộ yến hót để làm đề tài cho mấy buổi cà phê. Ở đây, chẳng ai đòi hỏi một định nghĩa bác học hoàn chỉnh về điều học. Anh em chơi chim chỉ cần một lời giảng thích hợp mà thôi. Rồi trên số 232 (1-1-1997), chúng tôi còn mạn phép chế thêm máy định nghĩa nữa của Oxford để đi đến kết luận:

“Đối với các mục từ cardamom, coca, cashew, cod trong Oxford, dù có hình minh họa rõ ràng và sắc sảo đến mấy thì bản thân những lời giảng đã thấy vẫn cứ là những lời giảng “có vấn đề”: nó chưa theo kịp sự phát triển của ngữ nghĩa học và từ điển học hiện nay. Xét về mặt này thì nhiều định nghĩa của Oxford rất lạc hậu. Lời nhận xét thẳng thắn này có thể làm cho người hâm mộ Oxford không hài lòng nhưng không thể nào nói khác được. Nếu Oxford cứ giữ mãi những định nghĩa kiểu ấy thì chắc chắn là uy tín của nó sẽ bị lung lay, mặc dù chẳng có ai lại đòi hỏi nó phải giảng các từ đang xét y hệt như những quyển từ điển chuyên ngành.”

Đấy, Oxford đấy! Vậy thì đâu có phải hễ cái gì Ban Biên tập Oxford làm thì ta cũng phải làm theo. Nếu cứ nhất nhất làm theo Oxford thì tâm lý dân tộc ta để ở đâu và nhu cầu riêng của tiếng Việt ta để chỗ nào? Đó là còn chưa nói đến việc, với tư cách của một nhà giáo trong lĩnh vực ngữ học, GS. Dân còn cung cấp cho người đọc những khái niệm chẳng lấy gì làm minh bạch, chính xác. Ông gọi acronym là “từ tắt”. Đây là một cách dịch hoàn toàn hời hợt và mơ hồ. Trong Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu (Nxb. Khoa học Xã hội, 2005), Cao Xuân Hạo và Hoàng Dũng dịch acronym “tên gọi tắt (bằng chữ đầu)”, còn chúng tôi thì mạn phép dịch thành “đỉnh danh” (acro- = đỉnh; -nym = danh). Đỉnh danh là từ tắt chứ từ tắt không nhất thiết là đỉnh danh. Expo là từ tắt của exposition nhưng không phải là acronym. PATRIOT (Act) là acronym vì đây là một đỉnh danh mà chính quyền. của G.W. Bush đặt ra để ràng buộc dân Mỹ, mà ngữ đoạn đầy đủ là Providing Appropriate Tools Required to Intercept and Obstruct Terrorism [Ad] (Cung cấp (những) Phương tiện Thích hợp Cần có để Chặn đánh và Ngăn ngừa Khủng bố), Nó có vấn đề ở chỗ tuy hạn chế tối đa những quyền dân chủ của công dân Hoa Kỳ nhưng tên của đạo luật này thì lại đồng âm với tính từ patriot, có nghĩa là… “yêu nước”

1. TS. Nguyễn Đức Dân cũng phạm sai lầm khi dịch khái niệm “ngôn ngữ hòa kết” bằng tiếng Anh “blending, rồi lại cho một số thí dụ như: “ebook (> electronic + book); 2moro (→ tomorrow); 2nite (→ tonight); B4 (→ before); B2B (→ Business to Business), B2C (→ Business to Customer)”. Trước nhất, ở đây, ông đã phạm một sai lầm sơ đẳng là dùng dấu ngược: lẽ ra phải là “ß” thì ông lại dùng “→” nên đã biến gốc thành ngọn. Thứ hai, ông lại sai khi dùng hai tiếng “ngôn ngữ”, là danh từ tương đương với language, để chỉ những thí dụ trên đây, trong khi chúng chỉ là những từ, ngữ (word, phrase). Thứ ba, “ngôn ngữ hòa kết” không phải là “blendings”, mà là fusional language(s). Và thứ tư, cái mà ông gọi là “blendings”, thực chất chỉ là blend(s), cũng gọi là portmanteau(s).

Trở lại với chuyện chat, chúng tôi thấy tuy ông Nguyễn Đức Dân có khẳng định rằng cái mà mình chủ trương đưa vào từ điển là những từ ngữ chat nghiêm chỉnh nhưng tiếc rằng những cái tích cực và thực sự tốt lành cho tiếng Việt ở đâu thì chẳng thấy; chỉ thấy có đến 8/10 những thí dụ mà ông đưa ra thì lại có tính chất tiêu cực về từ ngữ, văn phong hoặc nội dung; hoặc khá nhất thì cũng chẳng lợi lộc gì cho tiếng Việt. Chẳng hạn: “Hum ni là sn of e và là ngày kỷ niệm 4 ty of chúng mình. A còn nhớ không à (Hôm nay là sinh nhật của em và là ngày kỷ niệm cho tình yêu của chúng mình. Anh còn nhớ không anh?)” Rồi: “Pùn nhủ mún chít mà zẫn fải học (Buồn ngủ muốn chết mà vẫn phải học) Hoặc: “dc gì hit” (Tuần này hồng có gì đáng kể… hồng làm được gì hết). V.v.. và v.v…

Dĩ nhiên là đối với những kẻ đã viết những câu này thì đây là của thơm, của quý để hít hít, hửi hửi chứ đối với tiếng Việt, văn Việt và người Việt thì đây chỉ là cỏ úa, hoa rữa mà thôi. Vì vậy cho nên, theo chúng tôi, dù cho những cuộc chat sản sinh ra những câu đó có riêng tư đến đâu thì xã hội, học đường và gia đình cũng phải phối hợp với nhau mà giúp cho những sự riêng tư như thế được sạch sẽ và lành mạnh. Đây là một lời kiến nghị chung; còn cụ thể thì xin gợi ý rằng trong giờ vi tính, học sinh phải được học đạo đức về vi tính, trong đó có việc lên án mạnh mẽ hành động tin tặc và lối hành văn “cà chớn”.

Lối hành văn “cà chớn” này sẽ “bung” từ máy tính đến lớp học và xã hội một cách không khó khăn gì, thậm chí một cách “đại trà” nữa là đằng khác. Vì thế cho nên, thay vì chăm chăm chú chú đi tìm những lối nói chat được cho là thích hợp, ta hãy đồng tâm hiệp lực xóa bỏ cái lối hành văn rất kém văn minh đó trước đã.

Cuối cùng thì cái cảm giác bao quát của chúng tôi về bài của GS.TS. Nguyễn Đức Dân là có vẻ như ông cũng tỏ ra thích thú với cách hành văn rất kém văn minh kia nên đã mô tả nó một cách khá tỉ mỉ bằng một giọng văn không mang tính chất phê phán hiển ngôn. Thậm chí chúng tôi còn có cảm giác rằng hình như chính ông cũng muốn phổ biến những đặc điểm của nó cho người đọc nữa là đằng khác. Thì đây, ta hãy đọc:

“Lạ hóa theo cách dùng từ ngữ 3T (Ta – Tàu – Tây) lẫn lộn: “Say rượu rồi lại Livophun (Liverpool) ra đấy hả?” (Say rượu rồi lại phun ra đấy hả?); “Còn nói nữa à, hôm nay tạo phiu chờ” (future) mày “đầu lâu” quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị liptông (Lipton) một phát vẫn chưa hết cay “chim cú” đây này” (Hôm nay tao chờ mày lâu quá nên đi học vội vội vàng vàng, bị tông một phát vẫn chưa hết cay cú đây này). Với những thông tin riêng tư cần giữ bí mật đặc biệt, trước hết với bố mẹ, người chat phải dùng tiếng lóng. Nếu là tiếng lóng dùng trong một nhóm xã hội như thế hệ 8X hoặc 9X thì vẫn có “mật mã” của nó. Thứ tiếng lóng riêng cho hai người thì không có quy luật, và dẫn tới những quái dị ngôn từ, rất khó phát hiện nội dung”

Tiếc nhất là GS.TS. Nguyễn Đức Dân chỉ mô tả chi tiết những khía cạnh tiêu cực của văn phong chat chứ không hề nêu cụ thể và phân tích một thí dụ nào mà ông cho là tích cực “để chính thức đưa vào từ điển tiếng Việt”.

Với những gì đã trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng hiện nay ta chưa cần vội đưa ngôn ngữ chat vào tiếng Việt như ông đã gợi ý.