Tưởng là yêu, hóa ra là “hại” con. (Ảnh: Sina) |
1. Đối xử đặc biệt
Thói quen điển hình của các mẹ “cuồng” con. Con luôn được đối xử đặc biệt khi ở nhà, con luôn là trung tâm của sự chú ý và nhận được sự chăm sóc đặc biệt khác mọi người. Ví dụ trong bữa ăn, những đồ ăn ngon chỉ dành riêng cho con, hoặc con ngồi ăn một mình với thức ăn được chuẩn bị riêng, không những thế bố mẹ ông bà phải nịnh mà con còn không chịu ăn.
Coi trẻ là “trung tâm của vũ trụ” không khiến trẻ cảm nhận nhiều hơn tình yêu của bố mẹ, mà trẻ sẽ luôn nghĩ mình là số 1 và cao hơn người khác một bậc. Những đứa trẻ được đối xử đặc biệt theo cách này sẽ ngày càng ích kỷ, không biết đồng cảm, không biết quan tâm đến người khác.
2. Để ý con quá mức
Việc để ý con quá mức, không ngừng quan tâm, tập trung vào mỗi mình con cũng là thói quen không tốt của nhiều bà mẹ. Khi con làm được một điều gì đó lại tán thưởng thái quá khiến đứa trẻ nghĩ mình là trung tâm của mọi sự chú ý. Nếu cứ như vậy trẻ sẽ có thái độ thích thì làm không thích thì tỏ thái độ.
3. Dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của con
Nhiều cha mẹ nuông chiều con quá mức, trẻ muốn gì được nấy. Có nhiều bố mẹ dù con đang học mẫu giáo hay học cấp 1 còn cho con rất nhiều tiền tiêu vặt, trẻ muốn gì có thể tự mua khiến nhu cầu của trẻ càng dễ được đáp ứng. Những đứa trẻ này lâu dần sẽ bị hình thành thói quen không coi trọng tiền và đồ dùng, chỉ chú trọng việc hưởng thụ, tiêu tiền lãng phí, thậm chí còn không hiểu chuyện, không biết nhẫn nại và chịu khổ.
4. Cho phép con lười biếng
Những bố mẹ kiểu này thường xuyên cho con ăn uống vô tội vạ, thời gian chơi và học không rõ ràng, con muốn làm gì thì làm, thậm chí còn chơi quá khuya xong sáng dậy muộn, bỏ bữa. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ không có tham vọng, thiếu sự hiếu kỳ và làm việc mất tập trung.
5. Cha mẹ phải năn nỉ, ra điều kiện
Muốn đứa trẻ làm gì cha mẹ cũng phải có điều gì đó trao đổi thì trẻ mới chịu hợp tác. Ví dụ như muốn con ăn cơm thì phải kể chuyện cho con nghe, muốn con học phải mua đồ chơi cho con… Cha mẹ càng làm như vậy trẻ càng có tâm lý được lợi cho mình mới làm, trẻ không phân biệt được đúng sai, không có ý thức trách nhiệm, thậm chí bố mẹ cũng mất hết cả uy nghiêm khi dạy dỗ con.
6. Làm giúp con
Bố mẹ sợ con không làm được hoặc làm sẽ hỏng nên tâm lý sẽ làm luôn cho con cho nhanh và con không bị bẩn, không bị vấp ngã. Vì vậy mà rất nhiều đứa trẻ 3-4 tuổi còn chưa biết tự xúc cơm ăn, không biết mặc quần áo, nhiều trẻ 5-6 tuổi không biết làm việc nhà. Những đứa trẻ này thường không biết tự làm gì và không có niềm vui khi làm được một việc gì đó giúp bố mẹ. Nếu cứ như vậy đứa trẻ sẽ không yêu thích lao động và không biết cảm thông với người khác.
7. Lo lắng thái quá
Thói quen lo lắng thái quá của bố mẹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ. Điển hình nhất là việc trẻ chỉ ngã nhẹ một cái, là mẹ cuống cuồng cưng nựng. Thói quen này sẽ khiến trẻ hay ăn vạ, sau này lớn lên trẻ cũng khó đương đầu với thất bại, thử thách.
8. Tước quyền độc lập
Vì lo con ra ngoài gặp nguy hiểm, bị ốm mà cha mẹ luôn giữ con trong nhà, không được ra ngoài nô đùa chơi cùng các bạn. Thói quen này của bố mẹ nếu kéo dài sẽ khiến trẻ không dám tự chơi đùa, rời xa bố mẹ một bước là sợ. Càng như vậy đứa trẻ ngày càng nhát gan, mất tự tin, tâm lý luôn muốn dựa dẫm. Những đứa trẻ kiểu này thường có tính cách ương bướng khi ở nhà, nhưng khi ra ngoài lại ngại giao tiếp, sợ sệt.
9. Luôn đứng ra bảo vệ con
Nhiều bậc cha mẹ không thống nhất được cách dạy con, khi trẻ làm sai, bố dạy con thì mẹ lại bênh hoặc ngược lại. Thói quen này khiến đứa trẻ luôn nghĩ mình làm sai thì vẫn có người bảo vệ. Những đứa trẻ như này sẽ rất khó dạy vì con hoàn toàn không biết phân biệt đúng sai. Thậm chí nhiều gia đình bất hòa, cãi nhau vì bất đồng quan điểm trong việc dạy con. Vì vậy cha mẹ cần xem xét và có quan điểm rõ ràng trong vấn đề này.
Khôi Nguyên