Trong tiếng Việt, A Di Đà Phật có 2 nghĩa:

1. Tên của Phật A Di Đà – vị giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc và là vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa, tượng trưng cho từ bi và trí huệ.

2. Câu niệm Phật trong Tịnh Độ Tông – một tông phái Phật giáo thực hành chủ yếu ở khu vực Đông Á.

Đức Phật A Di Đà là ai qua lăng kính khoa học

Về từ nguyên, A Di Đà là kí âm từ tiếng Sanskrit Amitābha. Chữ này thành lập từ tiền tố a- (không, dịch là ) và mita (đo lường, dịch là lượng) với phụ tố ābha (sáng, dịch là quang). Vì vậy, Amitābha dịch là Vô Lượng Quang (Phật). Tuy nhiên, Amita – cũng là thành phần đầu của chữ Amitāyus với ayus (đời sống dài, dịch là thọ), cho nên A Di Đà Phật còn có nghĩa là Vô Lượng Thọ (Phật).

Theo kinh điển Phật giáo Đại Thừa, Phật A Di Đà vốn là một vị vua trong quá khứ, người sau đó đã từ bỏ vương quốc của mình để trở thành một tu sĩ Phật giáo có tên là Dharmakara,  nghĩa là Kho Chứa Pháp. Được truyền cảm hứng bởi những lời dạy của Phật Lokesvaraja, Phật A Di Đà đã phát 48 lời thề nguyện, thiết lập cõi Tịnh Độ có tên gọi là Cực Lạc (Sukhāvatī) nhằm cứu độ tất cả chúng sanh. Trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, lời nguyện thứ 18 có nêu: “Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu A Di Đà Phật mà phát tâm tin tưởng, nguyện sanh về cõi Cực Lạc, nhất tâm niệm 10 niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc”.

Nam mô là hình thức phiên âm của tiếng Pāli namo (Sanskrit namaor namas) – thán từ thể hiện sự tôn kính, thường đặt trước tên của một đối tượng được sùng kính. Nam Mô A Di Đà Phật (namo-‘mitābhāya) hay được rút gọn thành hai chữ Mô Phật bao hàm ý nghĩa “Tôi xin thành kính đến Đức Phật A Di Đà”.

Hiện nay, giới Phật tử xuất gia hay cư sĩ tại gia thường dùng câu niệm Phật này để chào nhau.