Gia Cát Lượng, quân sư nước thục thời Hậu Hán, không chỉ nổi tiếng ở tài năng mà còn ở tấm lòng trung trinh phò tá nhà Thục “cúc cung tận tụy đến chết mới thôi”. Trong sử Việt cũng có bậc hiền thần trung thành phò tá Triều đình, dù có thể không có tài năng như Gia Cát Lượng, nhưng về tấm lòng tận tụy thì cũng được ca ngợi là “Sau Gia Cát Vũ hầu chỉ có một người ấy thôi” (Việt sử thông giám cương mục).

Tô Hiến Thành người làng Hạ Mỗ, huyện Ô Diên (nay thuộc thôn Hạ Mỗ, xã Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ông phụng sự nhà Lý qua 2 đời Vua là Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Hai vị Vua này không bằng những vị Vua khai quốc, vì thế mà Xã Tắc rối ren, “giặc cướp nổi lên, giềng mối rối loạn, không thể nói xiết” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Trong chính sử, Tô Hiến Thành được đề cập lần đầu tiên với vai trò trong việc bình định nổi loạn Thân Lợi. Theo đó, năm 1140 diễn ra cuộc nổi loạn của Thân Lợi, Triều đình 2 lần cử quân đi đánh nhưng đều thất bại. Thân Lợi đưa quân tiến đánh vào Thăng Long nhưng bị quân của Đỗ Anh Vũ và Tô Hiến Thành đánh tan. Tô Hiến Thành cho quân truy đuổi và bắt được Thân Lợi giải về Triều đình.

Khi được phong làm Thái úy, Tô Hiến Thành tận tụy phục vụ, ông cùng vua Lý Anh Tông đi dẹp loạn các nơi, mở mang bờ cõi về phía tây bắc. Ông cũng nhiều lần đánh bại Chân Lạp xâm lược, tiến quân đánh Chiêm Thành.

Tô Hiến Thành
Tượng Tô Hiến Thành. (Ảnh từ thuvienlichsu.com)

Năm 1159, Ai Lao (Lào ngày nay) và Ngư Hống (Vương quốc của người Thái Đen ở Điện Biên Phủ và Sơn La ngày nay) tiến đánh Đại Việt. Tô Hiến Thành đưa quân đi đánh dẹp và giành được chiến thắng, thu được nhiều chiến lợi phẩm đưa về Triều đình.

Tô Hiến Thành là người văn võ song toàn. Vào thời bình, ông cùng dân tổ chức khai hoang vùng đất thuộc Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay.

Vua Lý Anh Tông trao ngôi Thái tử cho con trưởng là Lý Long Xưởng, tuy nhiên Long Xưởng hư hỏng nên bị phế ngôi. Vua truyền ngôi Thái tử cho Long Trát lúc này chỉ mới 3 tuổi.

Tháng 4/1175, thấy mình không khỏe, biết không qua khỏi, Vua trao quyền nhiếp chính cho Tô Hiến Thành và nhờ ông phò tá Thái tử. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép rằng:

Mùa thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thuỵ Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: “Làm con bất hiếu còn trị dân sao được”. Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh Tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”. Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu”. Việc bèn thôi.

Thấy không ép được Tô Hiến Thành, Chiêu Linh thái hậu định làm cuộc binh biến, triệu gấp con là Long Xưởng vào cung bàn kế. Tô Hiến Thành nhận được tin mật báo liền gia tăng quân canh phòng nghiêm ngặt không cho Long Xưởng vào cung. Long Xưởng không vào cung được đành trở lui, Chiêu Linh thái hậu từ đó cũng không còn nghĩ đến chuyện cướp ngôi cho con trai nữa.

Khi Vua được 7 tuổi thì Tô Hiến Thành lâm trọng bệnh, công việc Triều đình lúc này giao cả cho quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá. Trong khi đó quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm túc trực tỏ vẻ lo lắng cho bệnh tình của Tô Hiến Thành, lo cơm nước thuốc thang cho ông.

Tô Hiến Thành
Đền thờ Tô Hiến Thành. (Ảnh từ wikipedia.org)

Nhận thấy Tô Hiến Thành khó qua khỏi, Đỗ thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) tới thăm và hỏi rằng nếu ông có mệnh hệ gì thì ai có thể thay ông được. Tô Hiến Thành đáp rằng: “Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!”

Thái hậu ngạc nhiên, hỏi: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?”

Ông nói rành rẽ: “Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!”

Dẫu vậy Triều đình sau đó đã không nghe theo lời Tô Hiến Thành, mà cho Trần Trung Tá làm Thái phó phụ chính cho vua, dẫn đến sau này vua Cao Tông không được dạy bảo chỉ lo ăn chơi, nhà Lý đi vào suy vong.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định về Tố Hiến Thành như sau: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy.”