Năm Giáp Tuất (1814) khi dịch bệnh vua “lệnh cho lập đàn tế cầu đảo”; năm Bính Tuất (1826) có dịch bệnh vua đã “lập đàn tế tại Kinh, các trấn đều lập đàn tế cả”…
Đám tang ở nước Việt xưa.
Đời người ta quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” dường như chẳng quên một ai cả. Mà riêng cái đường dẫn đến chữ “tử” là cái chữ “bệnh”, khiến người đời luôn hoảng sợ. Thì đã hẳn, mấy ai mà không sợ bệnh tật cơ chứ. Bệnh tật với cá nhân thì chính khổ chủ biết và sợ riêng mình, nhưng đã là dịch bệnh, thì chẳng cứ một, mà toàn xã hội phải điêu đứng lo đối phó.
Chẳng nhìn đâu xa, cứ xem dịch bệnh do virus corona đang làm cả thế giới phải bận tâm, hẳn rõ. Nếu nhìn xa nữa, thì bệnh dịch hạch thời trung đại nơi cựu lục địa, hay dịch SARS thời hiện đại… đã gây nên bao hậu quả kinh hoàng. Nhân dịch bệnh thời nay, xem lại thời xưa ở nước Việt ta, trong những ghi chép vụn vặt để lại, không hiếm lần dịch bệnh hoành hành.
Dịch bệnh chẳng kể thời thịnh hay suy
Thời xưa khoa học kỹ thuật kém phát triển, trình độ y học hạn chế, do đó khi ghi chép về bệnh tật, ngoài những bệnh có thể bắt mạch, kê đơn thì những bệnh tật gây nên nạn dịch lớn lại không được sử ghi chép cụ thể là bệnh gì.
Ngay từ dạo Bắc thuộc, Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi việc năm Mậu Dần (138) quân phương Bắc khi đến nước ta “Nam Châu ([Giao Châu] thì trời nắng nực, ẩm thấp lại thêm lam chướng dịch lệ, 10 phần phải chết đến 4, 5 phần”. Dịch bệnh này được xem xuất phát từ thời tiết nhiệt đới mà ra.
Sau này ở thời nhà Lý, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay năm Canh Thìn (1100) và năm Ất Dậu (1165) trong nước phát bệnh dịch lớn. Sang thời Trần, theo Toàn thư, tháng 8 năm Nhâm Thìn (1232) “gió lớn, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết”. Đến tháng 9 năm Quý Hợi (1263) lại phát sinh bệnh dịch trong dân. Rồi tháng 9 năm Nhâm Dần (1362) dịch bệnh diễn ra ở phủ Thiên Trường. Điểm dễ nhận thấy lại dịch bệnh toàn vào thời điểm mùa thu.
Có dạo dịch bệnh gây hại rất lớn như năm Đinh Hợi (1407) lúc nước ta rơi vào tay nhà Minh: “Năm ấy đói và dịch bệnh, nhân dân không cày cấy được, người chết gối lên nhau”. Không lâu sau năm Kỷ Sửu (1409) “Năm này đói và dịch bệnh nặng hơn năm trước”.
Khi nhà Lê sơ trị nước, dẫu quốc gia thái bình, thịnh trị nhưng bệnh tật thì đâu có tránh thời vua hiền, tôi sáng. Bởi vậy như ghi chép trong Cương mục, năm Ất Mão (1435) thời vua Lê Thái Tông, lộ Lạng Sơn và lộ Nam Sách bệnh dịch phát sinh. Cũng năm ấy sử còn ghi lại việc đoàn đi sứ phương Bắc phó sứ Phan Ninh, hành nhân Nguyễn Cát Phú và người đi theo, gồm 7 người bị bệnh dịch chết ở đất Trung Hoa. Dạo vua Lê Thánh Tông ở ngôi, năm Đinh Hợi (1467) phủ Quốc Oai, Tam Đới có dịch bệnh. Thời vua Lê Tương Dực quân dân khi tham gia xây điện trăm nóc, Cửu trùng đài nhiều người bị bệnh dịch, chết mất khá nhiều.
Có thể thấy hầu như thời nào không ít thì nhiều, đều có sự hoành hành của dịch bệnh khi thì trong phạm vi hẹp là phủ huyện hay một vùng, khi thì bệnh dịch lan ra cả nước. Năm Nhâm Thân (1572), đất Nghệ An sau nhiều phen binh đao lại bị dịch lệ (bệnh nguy hiểm) dẫn đến cảnh thảm thương mà Cương mục còn ghi lại “người chết đến quá nửa. Nhân dân xiêu giạt, hoặc tan tác vào Nam, ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh”. Thời Lê trung hưng dịch bệnh còn diễn ra năm Canh Tuất (1670), Bính Thìn (1736)…
Sau này thời nhà Nguyễn, sử cũng nhiều lần ghi chép dịch bệnh diễn ra. Quốc triều chánh biên toát yếu dù ghi đại thể, nhưng cũng cho thấy năm Giáp Tuất (1814) có dịch bệnh từ Thanh Nghệ trở ra Bắc. Năm Canh Thìn (1820) có dịch trong cả nước, năm Bính Tuất (1826) dịch bệnh từ Quảng Bình trở vào. Rồi các đời vua sau cũng không hiếm như năm Canh Tuất (1850) dịch bệnh trong cả nước, năm Bính Tý (1876) phủ Thừa Thiên bị dịch bệnh…
Hậu quả dịch bệnh và cứu chữa
Khi bệnh đã thành dịch lớn mà lan ra hẹp thì trong địa phương hay một vùng, nghiêm trọng hơn là cả nước, hậu quả của những đợt dịch bệnh càn quét thật vô cùng to lớn. Dẫu việc ghi chép về vấn đề này trong sử cũ không được kỹ lưỡng, nhưng ta cũng có thể thấy được di hại nặng nề của nó.
Cái hại có thể thấy được là về kinh tế, dịch bệnh tàn hại sinh mạng con người thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất đối với nền nông nghiệp lúa nước cần nhân lực. Tỉ như năm Ất Dậu (1165) khi dịch bệnh phát ra đã dẫn đến cảnh giá gạo cao vọt, hoặc năm Đinh Hợi (1407) dịch bệnh đi kèm với nạn đói làm cho việc cày cấy đình trệ.
Cái hại về nhân mạng là cái hại nhìn thấy ngay được vì nó hiện hữu. Như năm Ất Dậu (1407) dịch bệnh, đói kém làm người chết gối lên nhau, hay tháng 10 năm Đinh Sửu (1757) ở trấn Sơn Tây có 11 huyện dân bị đói, lại phát bệnh dịch làm cho người chết, dân xiêu tán rất nhiều dẫn đến thảm trạng dân số giảm khi “dân cư chỉ còn độ một hai phần mười”.
Các thời khi viết về hậu quả của dịch bệnh làm hại sinh mạng, thường đưa ra con số chung chung như vừa dẫn ở trên. Chỉ có thời Nguyễn sử ghi lại số liệu cụ thể. Chẳng hạn năm Canh Thìn (1820) dịch bệnh làm “số dân chết đến 206.835 người, đó là không kể trai, gái, già, trẻ ở ngoại tịch”; năm Bính Tuất (1826) dịch bệnh ở Gia Định thành làm “binh và dân chết đến 18.000 người”; năm Canh Tuất (1850) bộ Hộ thống kê cả nước dịch bệnh làm người bị bệnh tới 589.460…
Nguồn gốc dịch bệnh đa phần được ghi nhận do thời tiết mà phát sinh. Nhưng cũng có dịch bệnh liên đới tới động vật khi năm Ất Dậu (1165) dịch bệnh làm cả người và trâu bò bị chết, năm Bính Thìn (1736) bệnh dịch khiến cả người và súc vật chết. Có dịch bệnh lại có nguồn gốc ngoại lai như năm Canh Thìn (1820) bệnh dịch diễn ra từ mùa thu qua mùa đông, phát từ Hà Tiên mà lan đến Bắc thành. Dù không ghi rõ bệnh gì nhưng Toát yếu còn để lại chi tiết “đồn rằng bệnh dịch ấy từ bên Thái tây lây qua”. Điều này có cơ sở vì Hà Tiên là nơi phát triển hải thương.
Có bệnh ắt phải chữa bệnh. Các triều đại đều xem việc cứu dân khỏi dịch bệnh hoành hành là việc làm cần kíp, nên sử dụng nhiều biện pháp khác nhau.
Việc cấp thuốc cho dân chữa bệnh có thể xem là việc làm thiết thực nhất. Năm Nhâm Dần (1362) khi phủ Thiên Trường có bệnh dịch, vua Trần “bèn xuống chiếu phát cho nhà nghèo mỗi người: thuốc hai viên, tiền hai tiền và gạo hai thưng”. Năm Đinh Hợi (1467) khi phủ Quốc Oai, Tam Đới có dịch bệnh, Toàn thư cho hay vua đã “Dụ cho quan lưu thủ là Lê Niệm phát 50 quan tiền kho nhà nước, sai Tế sinh đường mua thuốc, sai người chữa chạy cho những người mắc bệnh dịch ở các phủ Quốc Oai, Tam Đới và dụ rằng: “Từ nay về sau, phủ nào có bệnh dịch thì cho phép các quan địa phương đó dùng tiền thuế mua thuốc chữa cho dân”.
Ngoài biện pháp ý nghĩa sát thực ở trên thì cũng do tin vào thần linh, cho là do âm khí quá thịnh, hoặc có việc trái đạo, hoặc làm trời giận… mà các vị vua mỗi khi có dịch bệnh, ngoài việc giảm ăn uống, xuống chiếu tự trách mình… đa phần đều tiến hành lập đàn tế cầu đảo để xin trời gia ân hay xua ma đuổi quỷ gây bệnh. Điểm này có thể thấy xuyên suốt các triều đại đều có làm mà ở đây có thể lấy vài dẫn chứng. Thời Lê trung hưng, Tục biên chép việc năm Canh Tuất (1670) “trời không mưa, nhân dân nhiều người mắc dịch bệnh. Vương thượng [chúa Trịnh] thành tâm tạ đảo cầu trời mưa”; năm Nhâm Ngọ (1762) “nhân dân nhiều người bị bệnh dịch. Triều đình hạ lệnh cho quan các lộ lập đàn cầu đảo”. Thời Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu cho hay năm Giáp Tuất (1814) khi dịch bệnh “lệnh cho lập đàn tế cầu đảo”; năm Bính Tuất (1826) có dịch bệnh vua đã “lập đàn tế tại Kinh, các trấn đều lập đàn tế cả”…
Chẳng biết việc cầu đảo có làm cho vua quan và bách tính dạo ấy yên tâm hơn hay chăng trong niềm tin tâm linh, nhưng cứ theo cái lý khoa học thì phải có thuốc thì mới xong, bởi cha ông đã dạy rồi “Đói ăn rau, đau uống thuốc”.