Không chỉ là trung tâm học vấn của nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám ở Huế từng được coi là thắng cảnh thứ 18 trong 20 thắng cảnh của Cố đô Huế.
Được thành lập từ năm 1803,trường Quốc Tử Giám ở Huế là học phủ tối cao của triều Nguyễn. Đây chính là nơi đã đào tạo ra nhiều quan chức ưu tú và sĩ phu yêu nước trong lịch sử Việt Nam.
Ban đầu, trường Quốc Tử Giám nằm cạnh Văn Miếu ở Tây kinh thành Huế. Năm 1908, thời Duy Tân, trường được dời vào trong thành (vị trí hiện nay, đường 23 Tháng 8) để tiện đi lại. Ngày nay, kiến trúc Quốc Tử Giám còn khá nguyên vẹn, được dùng làm Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Sau khoảng sân là cổng tam quan, đánh dấu khu vực chính của Quốc Tử Giám. Công trình trung tâm của Quốc Tử Giám là Di Luân Đường, nằm sau cổng.
Di Luân Đường là một một dạng khá đặc biệt của kiến trúc cung đình Huế: Kiểu “đường” là chính nhưng pha trộn cả kiểu “các”, gần tương tự kiến trúc tòa Thái Bình Lâu ở bên trong Tử Cấm Thành. Tuy nhiên, Di Luân Đường có quy mô lớn hơn và hình thức phức tạp hơn nhiều.
Về tổng thể, đây là một tòa nhà hai tầng, tầng dưới kiểu nhà kép gồm một căn nhà ba gian hai chái nối với một căn nhà một gian. Tầng hai là một căn nhà vuông kiểu một gian bốn chái.
Bốn mặt công trình đều có ba hệ thống bậc cấp, mỗi hệ thống gồm 5 bậc. Riêng ở phía Nam và phía Bắc, hệ thống bậc chính giữa rộng hơn và hai bên chạm hình rồng thành bậc. Các hệ thống bậc cấp còn lại chạm hình giao khá đơn giản.
Tầng một của Di Luân Đường hiện nay được dùng làm không gian trưng bày các chuyên đề không cố định. Tầng hai dành cho việc thờ tự, ở chính giữa đặt toàn bộ bài vị Khổng Tử và đồ đệ của ông.
Mái Di Luân Đường chia làm hai tầng, phần lớn được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng. Riêng mặt Đông, Tây và phần mái lưa chạy bao quanh bên dưới của mái hạ lợp bằng ngói liệt chiếu.
Toàn bộ hệ thống cổ diêm của mái hạ và bờ nóc đều được chia thành các ô hộc để trang trí. Các mô típ trang trí đều là các mô típ truyền thống Huế, chủ yếu là bát bửu, hoa lá.
Vật liệu trang trí là mảnh sành sứ và màu nước. Màu sắc phần nền các ô hộc liền kề nhau dùng nguyên tắc tương phản để làm nổi bật.
Hai bên Di Luân Đường có hai dãy nhà dài dùng làm phòng học của học sinh trường Quốc Tử Giám, được xây dựng sau khi trường dời về vị trí hiện tại. Cả hai khu nhà này được xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa khá phổ biến ở các công trình kiến trúc Pháp, có trang trí thêm các họa tiết Việt.
Mặt trước công trình có ba hệ thống bậc cấp dẫn lên nền, trổ 5 cửa vòm dẫn vào phần hành lang, trong đó có ba cửa vòm lớn được đặt ở giữa, hai cửa vòm nhỏ hơn đặt ở gần hai đầu hồi. Phía trên đầu ba cửa vòm giữa được tạo hình ba chiếc cuốn thư, ở giữa đề ba chữ Hán: Quốc Tử Giám.
Nhìn chung, đây là các công trình có sự pha trộn phong cách Đông – Tây khá độc đáo. Hiện nay, hay dãy nhà này đang được sử dụng làm nhà trưng bày về lịch sử địa phương.
Vuông góc với hai tòa nhà trưng bày là hai dãy nhà kho. Giữa nhà kho và nhà trưng bày còn có nhà cầu kiểu 3 gian nối liền hai công trình.
Trong các cổ vật quý của Quốc Tử Giám, có tấm bia Huỳnh Tự Thư Thanh đặt trước tòa Di Luân Đường. Bia khắc bài thơ Huỳnh tự thư thanh (Nghe tiếng đọc sách ở trường) của vua Thiệu Trị ca ngơi vẻ đẹp Quốc Tử Giám khi trường còn ở bên bờ sông Hương. Ngôi trường này chính là thắng cảnh thứ 18 trong 20 thắng cảnh của Cố đô.
Trên mặt bia lỗ chỗ vết đạn do chiến tranh, nhưng vể tổng thể bia vẫn còn giữ được nét đẹp mỹ thuật sau hơn một thế kỷ tồn tại.
Đối diện Quốc Tử Giám ở bên kia đường 23 Tháng 8 còn có tấm bia Thị Học. Bia vốn đặt trong phạm vi trường Quốc Tử Giám khi trường còn tọa lạc bên bờ sông, năm 1908 được dời về vị trí hiện tại.
Nội dung bia ghi lại 4 bài thơ vua Tự Đức khuyên răn các giám sinh phải biết cần mẫn, trung thực trong việc học để có thể đặt đến sự tinh xảo trong nghiệp vụ cũng như thành đạt trên hoạn lộ. Các bài thơ được vua viết trong một lần ngự giá đến Quốc Tử Giám năm 1854.
Ở khu vực phía sau Quốc Tử Giám có tòa Tân Thư Viện, là thư viện của học sinh trường Quốc Tử Giám từ năm 1909-1923. Trước năm 1909, Tân Thư Viện là điện Long An trong cung Bảo Định của triều Nguyễn. Từ năm 1923, công trình trở thành Bảo tàng Khải Định và nay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.
Từ năm 1993, Quốc Tử Giám đã trở thành một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. (Bài có tham khảo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế).