Mê tín dị đoan tồn tại nơi những dân tộc kém văn minh do chưa hiểu biết về những sự dữ dội của thiên nhiên như sấm sét, mưa bão, lũ lụt… gây ra tàn phá, chết chóc làm người ta lo sợ và tin rằng đó là do các vị thần linh giận dữ ra tay trừng phạt hay ma quỷ quấy rầy, hãm hại để đòi lễ lạt, cúng bái.

Sấm sét là do trời nổi cơn thịnh nộ. Tàu bè bị đắm, người chết là do thần sông muốn lấy vợ (*), ốm đau là do thánh phạt hay ma trêu, quỷ ám. Dịch tả, dịch hạch, đậu mùa… gây chết chóc hàng loạt, người ta bảo dưới âm phủ đi bắt lính. Hổ báo, rắn rết… trong rừng, trong các bụi rậm luôn luôn rình rập cướp đi mạng sống cũng là những vị thần: Thần hổ, thần xà (rắn thần). Đất đai, núi, rừng nơi nào cũng có thần cai quản:

Ngăn chặn tình trạng mê tín, dị đoan trong lễ hội đầu xuân -

– Đất có thổ công, sông có hà bá.

Ngay cả gò đống, cây cối âm u nơi nào thần không ở thì ma quái chiếm giữ:

– Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề.

Do đó, đủ mọi thứ thần được thờ: Thần sông (hà bá), thần núi (sơn thần), thần đất (thổ công), thần rừng (bà chúa ngàn), thần gió, thần mưa… và cả thần tài giúp cho buôn may bán đắt.

Ngày nay người ta biết sấm sét gây ra do tích điện từ các đám mây khi bay chạm vào đỉnh núi, ngọn cây, nóc nhà tạo ra sấm sét. Người ta cũng biết bệnh tật là do vi trùng gây ra nên phổ biến những phương pháp giữ gìn vệ sinh và tìm ra thuốc chữa trị, chủng ngừa nên những bệnh dịch tễ gây chết người như rạ hai, ba trăm năm trước như dịch tả, dịch hạch, đậu mùa… đã biến mất. Hổ báo, rắn rết đang lo bị diệt chủng vì sự săn bắt của con người.

Dân tộc chúng ta cũng trải qua giai đoạn kém văn minh với những mê tín dị đoan được ghi lại trong tục ngữ ca dao.

Người ta tin có những điềm hên, xui:

– Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu.

– Chim sa, cá nhảy (là những vật đem lại xui xẻo cho người bắt gặp).

– Ra ngõ gặp gái (sẽ không gặp may).

– Ra ngõ gặp trai (sẽ gặp may).

– Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng,
Một là sát chồng, hai là hại con.

Có những ngày, giờ đem lại xui xẻo:

– Mồng Năm, Mười Bốn, Hăm Ba,
Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn.
– Trai (sinh) Mồng Một, gái hôm Rằm,
Nuôi thì nuôi vậy còn căm dạ này.

Trong tử vi, xem cung mệnh biết người tử tế hay bất nhân:

– Trai bất nhân phá quân thìn tuất,
Gái bạc tình tham sát nhân cung.

Lấy vợ, làm nhà phải xem tuổi có hợp không:

– Lấy vợ kiêng tuổi đàn bà, làm nhà kiêng tuổi đàn ông.

Ngoài ra, người ta tin thuyết định mệnh, tức số phận mỗi người khi sinh ra đã được định sẵn. Những người ăn nên làm ra là vì có số giàu chứ không phải do có tài, biết tính toán, chịu thương chịu khó làm việc:

– Số giàu đem đến dửng dưng,
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.

Còn người nghèo là tại số nghèo, không phải do vụng tính, lười biếng, phung phá, bài bạc, nghiện hút:

– Số giàu tay trắng cũng giàu,
Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo.
– Cây khô tưới nước cũng khô,
Vận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo.

Người ta còn tin có tuổi vận hạn, ốm đau:

– Bốn chín chưa qua, năm ba lại tới.

Y khoa hiện đại tìm ra những người ở tuổi 49 và 53 bị bệnh là do cơ thể chuyển hoá sang tuổi già cũng như những đứa trẻ 13, 14 chuyển hoá sang tuổi trưởng thành.

Ngày xưa, để thoát khỏi vận hạn, bệnh tật người ta tìm ông đồng bà cốt, thầy bói, thầy tử vi, thầy địa lý… chỉ dạy phải đem lễ vật cúng nơi này, tiền bạc cầu nơi kia tốn kém nhưng thực tế phần nhiều là “Tiền mất, tật mang”.

Do đó từ ngàn xưa người Việt đã bài bác mê tín dị đoan. Dưới đây là những lời lẽ dành cho ông tơ bà nguyệt, những người được tin tưởng là xe dây tơ hồng cho trai gái lấy nhau:

– Bắc thang lên tới tận trời,
Bắt ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay.
Đánh thôi lại trói vào đây,
Hỏi ông Nguyệt lão nào dây tơ hồng?!

Và dành cho thầy địa lý lấy thế đất, hướng đất làm nhà cửa và cải táng mồ mả:

– Hòn đất mà biết nói năng,
Thì thầy địa lý cái răng không còn.

Thầy bói, ông đồng bà cốt cũng được nhắc đến:

– Tay cầm tiền quý bo bo,
Đưa cho thầy bói thêm lo vào mình.

– Chấp chới như thầy bói cúng thánh.

– Lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng.

– Miệng bà đồng như lồng chim khiếu.

– Ông thầy khoe ông thầy tốt, bà cốt nói bà cốt hay.

Từ chuyện cùng một việc mà hỏi thầy thầy nói thế này, hỏi bà bà nói thế kia người ta suy ra chẳng qua họ chỉ nói mò, nói dựa, bày đặt:

– Thầy bói nói mò.

– Thầy bói nói dựa.

Và:

– Xem bói ra ma, quét nhà ra rác.

Họ lừa bịp rằng có thể dùng bùa ngải, tàn hương nước thải, cúng sao, cùng thần… chữa bệnh nhưng khi bị đau ốm thì họ lén lút uống thuốc:

– Im ỉm như bà cốt uống thuốc.

Do đó, người ta nhận thấy tất cả thầy bà đều bịa đặt để kiếm ăn:

– Thầy bùa thầy bèn,
Oản lèn cạp khố.
 Chập chập rồi lại cheng, cheng,
Con gà sống thiến để riêng cho thầy.
Đơm xôi thì đơm cho đầy,
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa.

Từ xưa tới nay có biết bao nhiêu người chết oan uổng vì bị bệnh không uống thuốc lại đi tìm đồng cốt xin uống tàn hương nước thải; cha mẹ và con cái ghét bỏ nhau vì thầy bảo không hợp tuổi; những cặp trai gái yêu nhau nhưng vì cha mẹ nghe lời bói toán nói không hợp tuổi nên ngăn cản phải xa lìa mang lòng oán hận:

– Ta thương mình lắm, mình ôi!
Cá chết vì mồi, khốn nạn đôi ta.
Ngồi buồn trách mẹ, trách cha,
Trách anh thầy bói rẽ ra đôi đường…

Mê tín dị đoan là một hìện tượng trên bước đường tiến hóa của nhân loại. Khi con người tiến tới văn minh thì mê tín dị đoan dần dần giảm đi và chấm dứt.

Phạm Hy Sơn

(Trích trong Khảo Sơ về Tục Ngữ Ca Dao)

Ghi Chú: (*) Vào thời nhà Chu bên Tàu, cách nay trên 2.000 năm, Tây Môn Báo được cử làm quan huyện Đất Nghiệp. Vùng đất này nằm này bên bờ sông Hoàng – người Tàu gọi là Hoàng Hà, một trong những con sông lớn nhất thế giới. Tây Môn Báo thấy dân ở đó mỗi năm bắt một người con gái trong vùng ném xuống sông dâng làm vợ Hà Bá để được sống yên ổn, không bị lũ lụt tàn phá, gây chết chóc.

Một hôm biết dân làng đang cúng tế làm lễ lấy vợ cho Hà Bá, Tây Môn Báo đến nơi hỏi ai là cô dâu, ai là Đình Trưởng sở tại. Khi cô dâu trình diện, Tây Môn Báo nói:

– Cô dâu hơi kém nhan sắc, không biết Hà Bá có chịu không. Nhờ bà cốt xuống làm mai trước, nếu chịu mới đưa cô dâu xuống. Nói xong Tây Môn Báo sai lính quăng bà cốt xuống sông.

Một lúc không thấy bà lên, Tây Môn Báo nói:

– Sao lâu quá không thấy tin tức gì, nhờ cụ Đình Trưởng xuống hỏi giùm xem Hà Bá có chịu cô dâu không?

Lính liệng Đình Trưởng xuống cũng biệt tăm. Chờ một lúc không thấy Đình Trưởng lên, Tây Môn Báo lại nói:

– Nhờ các Trưởng Lão xuống hỏi giùm xem sao.

Lính lôi tất cả các Trưởng Lão ra bờ sông, dân làng sợ hãi van xin mãi mới thôi.

Từ đó chấm dứt chuyện lấy vợ cho Hà Bá. Dân chúng trong vùng thoát nạn nhũng nhiễu, không còn phải đóng tiền tổ chức cưới vợ cho Hà Bá và những nhà có con gái không phải đút lót cho những kẻ quyền thế ở địa phương để con gái khỏi bị bắt nén xuống sông.