Vì sao các doanh nghiệp phải liên tục quảng cáo, trong khi thông điệp truyền tải dường như chẳng “xi nhê” đối với phần lớn khán giả?
Lý do quảng cáo trên ti vi được phát lại nhiều lần
Bạn đã bao giờ thắc mắc xem vì sao các nhà quảng cáo có vẻ kiên trì lặp lại một mẩu quảng cáo, trong khi bảng giá cho một phút quảng cáo trên truyền hình không hề rẻ chút nào?
Hơn nữa, nhiều lúc bạn có cảm thấy rằng những thông điệp được nêu dường như không có chút gì thuyết phục để ta phải bỏ tiền mua sản phẩm? Hãy đọc bài viết dưới đây để biết câu trả lời.
Lý do khiến các doanh nghiệp phải bỏ tiền để phát đi phát lại mẩu quảng cáo trên truyền hình là vì chúng… thực sự có “xi nhê” đối với người xem.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta sẽ không nhận ra điều này, vì đó chỉ là những tác động nhỏ, trong khi tâm lý chung của con người là hướng đến những sự khác biệt lớn, mang tầm vĩ mô.
Max Sutherland, nhà tâm lý học nổi tiếng người Canada đã đưa ra một dẫn chứng đơn giản về điều này trong cuốn sách Advertising and the Mind of the Consumer (Quảng cáo và tâm trí người tiêu dùng).
Những thông điệp được lặp đi lặp lại sẽ in sâu vào tiềm thức của chúng ta.
Đó là trong cuộc sống ta sẽ không nhận thấy được một đứa trẻ đang lớn lên hàng ngày. Nhưng sau một khoảng thời gian, chúng ta mới thấy sửng sốt nhận ra là đứa bé đã lớn.
Tác động của quảng cáo cũng giống như vậy, ta sẽ không thể nhận ra được tác động sau mỗi lần xem quảng cáo, dù chúng thực sự xảy ra. Những thay đổi này sẽ được tích tụ qua thời gian và đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng mình đang mua chính sản phẩm đang được quảng cáo trên TV.
Khi một sản phẩm được đầu tư phát đi phát lại quảng cáo, người xem dần sẽ có ấn tượng rằng sản phẩm này thực sự có tác dụng. Và từ đó, mỗi khi có nhu cầu mua sắm, họ sẽ có xu hướng cân nhắc lựa chọn loại sản phẩm đó.
Để giải thích cho điều này, chúng ta sẽ phải xét đến một hiện tượng mang tên “Hiệu ứng sự thật” – the truth effect.
Đây là hiệu ứng được đưa ra từ năm 1977. Theo đó, những thông điệp, ngắn gọn, dễ hiểu, có tính thuyết phục cao, khi được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ mặc nhiên trở thành sự thật. Thậm chí, ngay cả khi nội dung là sai, chúng ta sẽ có xu hướng tin vào nó nếu thông điệp được lặp đi lặp lại nhiều lần. Hiện tượng này được xem là bằng chứng cho sức mạnh của sự “lặp đi lặp lại” thông điệp. Chính vì thế, nó được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực, như chính trị và truyền thông tại nhiều nước trên thế giới.
Quảng cáo cũng vậy. Dù chúng ta luôn tâm niệm “đừng tin những gì quảng cáo nói”, nhưng chúng ta sẽ dần dần tin vào đó mà không hề nhận ra và rồi chúng ta sẽ có xu hướng lựa chọn thương hiệu thường xuyên xuất hiện.