Thực ra, muốn làm rể của trường Gia Long cũng trầy vi, tróc vẩy chứ không phải chơi. Số là, tôi thuộc loại văn dở, chữ xấu, nhưng cũng học đòi lãng mạn. Với tuổi hai mươi, dù chưa có người yêu, mà tim tôi cũng tê tái mỗi khi nghe “Ngày xưa Hoàng Thị” qua giọng hát Thái Thanh.

Và tôi mơ… một người con gái dáng gầy với mái tóc thề óng ả, tay ôm nghiêng tập vở, bước chậm trong những chiều tan học. Tôi sẽ lẽo đẽo theo nàng, rồi đến một ngày nào đó, nàng quay lại mỉm cười và tôi mạnh dạn bước tới… Không biết lúc đó tôi sẽ làm gì nhỉ? Trao cho nàng một cành hoa hái vội đâu đó hay tặng em một bài thơ. Khi về nhà, nàng sẽ đọc với trái tim xôn xao nhịp đập, và… chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Ôi thôi, chỉ nghĩ đến mà hồn tôi lâng lâng khó tả.

Tôi quyết chí phải tìm cho được “Ngọ” của tôi. Chiều nào, tan học tôi cũng cong lưng đạp xe từ Phú Thọ ra Saigon, hết Phan Thanh Giản lại đến Bà Huyện Thanh Quan, mà cũng không gặp được người trong mộng. Tôi thấy mình giống Nguyên Sa, chỉ khác là đi ngược đường.

Anh vẫn đạp xe từ Saigon ra trường đua Phú Thọ
Hết cả tiền uống ly nước mía
Mà cũng không gặp em
Nên khát đắng linh hồn.

Nhưng trời cũng không phụ kẻ có lòng, nên định mệnh đã bắt đầu vào buổi trưa nhạt nắng. Khi ấy, tôi đang đạp xe trên đường Lê Văn Duyệt, thì bất ngờ nhìn thấy một người con gái với mái tóc ngang lưng, dáng thon gầy trong chiếc áo dài màu trắng, đang chầm chậm bước. Tôi vọt nhanh ra phía trước, quay lại để nhìn mặt nàng. Bất chợt, nàng mỉm cười. Một nụ cười duyên dáng với má lúm đồng tiền trên khuôn mặt xinh xắn.

Tôi bối rối tay chân, không kịp cười đáp lại – mãi đến mười năm sau tôi mới vỡ lẽ, hôm đó nàng không hề cười với tôi mà với cô bạn đang đi ngược chiều. Dù sao, sự hiểu lầm nầy cũng giúp tôi có đủ niềm tin để theo nàng hàng ngày, ròng rã hơn sáu tháng.

Tôi biết rõ mình không bảnh trai mà có phần hơi tệ là đằng khác. Nước da không sáng sủa, thêm cái mũi cà chua, điểm thêm năm mười hạt mụn trên khuôn mặt, nhìn vào gương thấy phát ghét. Chưa bao giờ nghe ai khen tôi, trừ người chị họ: “Em có miệng cười duyên lắm, nhờ hai cái răng khểnh”. Tôi thường đứng trước gương, nhe răng cười xem có duyên chỗ nào, nhưng chỉ thấy hàm răng mất trật tự. Bởi vậy, hai mươi tuổi, vào đại học mà chưa có người yêu. Chính vì thế nên khi được người đẹp cười với mình, làm sao tôi không bối rối.

“Quân sư” của tôi có nói, khi một cô gái lạ nhìn mình cười, có nghĩa là chịu đèn rồi. Tôi lẹ làng xuống xe dẫn bộ, lẽo đẽo theo nàng. Hình như, nàng không hề biết có người bám sát ở phía sau, nên thong thả quẹo vào con hẻm nhỏ và bước vào căn nhà có cửa màu xanh. Thế là suốt buổi chiều hôm ấy, tôi đạp xe qua lại mấy lượt trước căn nhà nhỏ xinh xinh mà lòng xao xuyến, bâng khuâng.

Lân la, hỏi thăm mấy đứa trẻ trong xóm mới biết nàng tên Dần. Nghe xong, tôi hơi chột dạ. Tiếc quá, sao nàng không có cái tên thơ mộng hơn nhỉ? Nhưng nghĩ lại mình, tên Tý nghe cũng chẳng thanh tao gì, ở nhà còn bị gọi là Cu Tý, mặc dù tôi đã là sinh viên đại học.

Nhớ năm rồi, cũng vì tên Cu Tý mà tôi quê chết được. Lúc ấy, tôi có quen một cô nàng trong dịp đi Sở Thú, và giới thiệu mình tên Trung. Một hôm, cô nàng tìm đến nhà. Ðang học bài trên gác, tôi chợt nghe tiếng chị Tư:

– Chắc em lộn rồi, nhà nầy đâu có ai tên Trung.

Có tiếng con gái phân bua:

– Sao lạ vậy. Ảnh viết rõ ràng số nhà đây nè.

– Ô! Ðúng là chữ của thằng Cu Tý.

Rồi chị cất giọng gọi to:

– Cu Tý ơi! có cô nào kiếm em nè.

“Quê một cục”, tôi lặn thật nhanh. Thế là từ đó không dám sửa tên nữa, cứ là Tý cho đỡ trớ trêu. Vả lại, dù Dần hay Hợi cũng không sao, miễn đẹp là được. Tôi nhớ, tên Ngọ đã đi vào thi nhạc tình tứ, còn Tý cũng trùng tên với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Biết đâu sau nầy, Tý Dần sẽ viết nên trang tình sử lừng danh thiên hạ.

Trường nữ Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai)

Biết nàng học trường Gia Long, nhà gần nên đi bộ. Thế là, mỗi ngày tôi đến chờ ở cổng trường và đi theo sau, âm thầm đưa nàng về. Lần lựa sáu tháng trôi qua mà chưa có cơ hội làm quen. Tôi bắt đầu làm thơ vì những đêm nhớ nhung vời vợi, nắn nót từng chữ, để ngày nào đó trao vội cho nàng những bài thơ mà tôi cho là hay tuyệt cú mèo. Tôi phục mình sát đất. Bài thơ đắc ý nhất của tôi có đoạn:

Ðêm qua mơ thấy dáng Dần
Ngồi bên cửa sổ mặt trắng ngần
Hồn Tý rung động sầu lâng lâng
Thoảng tiếng tiêu buồn vọng ngoài sân.

Cũng may, bài thơ dở tệ nầy chưa bao giờ đến tay Dần. Sáu tháng trôi qua, mùa hè đã gần kề làm tôi càng quýnh quáng. Làm sao để Dần hiểu được mối tình câm lặng ngày đêm vẫn rộn ràng trong trái tim tôi? Cuối cùng, tôi vẽ ra một kế hoạch tỏ tình thật thơ mộng.

Ðể xem…

Vào giờ tan học, tôi sẽ đợi Dần ngay góc đường Phan Thanh Giản và Lê Văn Duyệt (nay là Điện Biên Phú – CMT8). Khi Dần đến gần, tôi sẽ bước ra với nụ cười thân mật, nhẹ nhàng cúi đầu chào và nói “Xin lỗi, tôi muốn nói với Dần một chuyện quan trọng”. Dần sẽ dừng lại, nhìn tôi ngạc nhiên. Có thể, Dần đoán biết tôi muốn nói gì, nên hai má ửng hồng, bối rối trả lời “Dạ… anh… cần chi?” với môi cười e thẹn, má lúm đồng tiền. Tôi sẽ từ tốn rót vào tai nàng lời êm ái nhất: “Dần có biết là Dần đẹp lắm không? Từ sáu tháng nay, Tý đã âm thầm đi theo Dần và chợt biết rằng Tý đã yêu Dần”. Dần cúi đầu bối rối, hai má đỏ hồng, tay mân mê tập vở. Tôi sẽ bước tới trao cho nàng những bài thơ do chính tôi sáng tác. Sau đó thì… Ôi! nói làm sao hết nỗi sung sướng.

Tôi chép ra giấy và tập đi, tập lại từng điệu bộ cho đến lúc thuộc lòng.

Thứ sáu… O bế lại mái tóc, tôi nôn nao chờ đến giờ trưa. Diện bộ quần áo kẻng nhất, thoa một chút “brillantine” cho mái tóc nằm ngay ngắn, tôi chạy xe đến chỗ “hẹn”, lòng hân hoan như mở hội.

Dựng xe trên lề đường, mắt tôi đăm đăm nhìn về hướng trường Gia Long, chờ đợi những cô học trò xinh xắn, hồn nhiên túa ra trong giờ tan học, trong đó có Dần của tôi. Tôi đi tới, đi lui, lẩm nhẩm lại câu tỏ tình tuyệt diệu với lòng đầy tự tin.

Ô kìa! Dần đang thong thả bước đi vô tư giữa những tà áo trắng. Tôi sửa bộ điệu, nhìn quanh xem có ai đứng gần không? May quá, chỉ một mình tôi. Tôi thì thầm từng câu, từng chữ và hồi hộp lạ khi Dần càng đến gần. Hai “mét”, rồi một “mét”. Hai bàn tay tôi bỗng luống cuống, chân muốn sụm xuống, tim đập muốn vỡ tung lồng ngực. Khi Dần bước tới ngã rẽ, tôi bước ra. Dần thoáng giật mình, đứng lại nhìn tôi. Lúc đó, lỗ tai tôi lùng bùng, bao nhiêu câu nói đã sắp đặt trước bỗng nhiên biến mất. Không biết làm gì, tôi gãi đầu, miệng lắp bắp:

– Dần… Dần… đi học về hả? Dần không đi xe… đi bộ hả?

Dần liếc xéo tôi:

– Hỏi vô duyên!

Rồi quay bước đi thẳng. Tôi cảm thấy hai tai nóng bừng, mắt như mờ đi và loáng thoáng tà áo dài trắng nhởn nhơ xa dần. Vừa tức tối, vừa xấu hổ, tôi chỉ muốn chui xuống đất cho đỡ “nhục”. Trong phút chốc, tôi muốn tát vào mặt mình mấy cái cho đỡ tức. Làm sao tôi có dịp để trao cho Dần những bài thơ gói trọn tình cảm tha thiết, nồng nàn mà tôi đã từng thức trắng đêm trau chuốt. Tôi xé nát những trang giấy mỏng và lên xe đạp một mạch về nhà, buồn bực không nguôi. Tôi biết, tôi sẽ không bao giờ có can đảm tỏ tình lần thứ hai, dẫu có chờ đợi trước cổng trường, có chạy xe hàng trăm lần ngang căn nhà màu xanh cũng vô ích.

Nữ sinh Gia Long ngày ấy

Sau lần tỏ tình thất bại não nề, với trái tim tan nát, tôi không còn thiết tha đến chuyện học hành, nên quyết định “Trả lại em yêu khung trời mùa hạ, ngọn đèn thủ đô tưng bừng phố xá…”, lên đường tòng quân nhập ngũ. Suốt một năm thao luyện nhọc nhằn trong kỹ luật thép của quân trường, trái tim rướm máu của tôi hình như tạm ổn định. Cái lạnh của Ðà Lạt trong mùa đông buổi sáng sương mù, trộn lẫn mồ hôi trên đoạn đường chiến binh trên triền dốc đã làm tan biến mấy dãy mụn trên làn da xanh xao ngày nào. Khi nhìn vào gương, tôi thấy mình oai phong lẫm liệt với bộ lễ phục uy nghi.

Trong một lần bị phạt tám ngày trọng cấm, không được phép ra phố cuối tuần, không biết làm gì tôi bèn đến thư viện đọc sách. Ngồi vào bàn có tờ báo Công Luận đang mở sẵn, tôi liếc mắt đọc một bài tùy bút với dòng văn nhẹ nhàng, lãng mạn với tên Nguyệt Diễm thật dễ thương. Cuối bài là phần nhắn tin cho một người bạn thơ đã mất liên lạc với địa chỉ rõ ràng. Bỗng dưng, tôi nảy ý “Tại sao không viết thư cho ‘cô văn sĩ học trò’ này để làm quen?”. Nhưng ý nghĩ khác lại đến “Lỡ gặp cô nàng xấu xí thì sao? Nhưng… chỉ viết thư chứ có gặp mặt đâu mà sợ”. Thế là định mệnh rong ruổi từ đó.

Một buổi chiều, sau khi tập quân sự về, tôi nhận được hồi âm của Nguyệt Diễm. Còn nỗi vui mừng nào hơn khi chợt nghĩ rằng, trong những ngày sắp tới tôi sẽ không còn cô đơn, không còn thèm thuồng nhìn bạn bè nhận thư tình mà âm thầm ao ước. Thư qua, thư lại, hết chuyện học hành, đến chuyện quá khứ, tương lai. Từ một trang, lên bốn trang. Giấy viết thư từ màu trắng, ngả sang màu xanh, rồi màu hồng. Hàng chục lá thư dễ thương, ngọt ngào của “cô văn sĩ học trò” đã làm tôi cảm mến lúc nào không hay, dù chưa hề biết dung nhan của nàng. Nhất định tôi phải gặp mặt Diễm, dù một lần rồi vĩnh biệt cũng cam.

Một buổi trưa đẹp trời, được phép thường niên, tôi rời Ðà Lạt trên chuyến bay Hàng Không VN, với mười hai đóa hồng nhung và mảnh gỗ thông xinh xắn với hàng tên Nguyệt Diễm rồng bay phượng múa.

Tôi tìm đến nhà Diễm, được mẹ nàng đón tiếp niềm nở và cho biết cô đi làm sắp về. Trong lúc thấp thỏm chờ đợi trong khi mẹ Diễm xuống bếp nấu bữa cơm chiều, tôi nhìn quanh quẩn khắp nơi. Và… tôi hồi hộp lạ thường khi nhìn thấy bức ảnh dựng sát góc bàn. Một cô gái khoảng mười tám tuổi, đứng dưới một tàn cây lớn, mái tóc dài ngang vai, nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt xinh xắn, ngoan hiền. Sao khuôn mặt nầy giống một người nào đó. Tôi tự hỏi, hay là mình đã có gặp ở đâu? Nhớ mãi vẫn không ra, nhưng dầu sao tôi cũng cảm thấy trong lòng dấy lên một niềm vui bất chợt. Tôi vui, vì Nguyệt Diễm không phải là cháu của bà “Chung Vô Diệm”!!!.

Không thể diễn tả được nỗi ngạc nhiên tột cùng khi tôi đối diện với Diễm. Bởi vì, khuôn mặt nàng thấp thoáng nét đáng yêu của người con gái đã từng là người trong mộng của tôi. Tuy mái tóc không dài theo “tiêu chuẩn” tôi mong ước, nhưng Diễm cũng có hai lúm đồng tiền trên má. Phần Diễm cũng bối rối không kém vì sự hiện diện bất ngờ của tôi. Tôi trao nàng bó hoa đã héo bởi nắng Saigon. Diễm mỉm cười, hai má ửng hồng e thẹn. Mãi một lúc sau nàng mới ngước nhìn tôi, giọng êm ái:

– Anh về hồi nào, sao không báo cho em biết?

Tôi cười:

– Báo trước để Diễm dán trước cổng nhà tấm bảng “không tiếp khách” à?

Diễm liếc nhẹ tôi, đôi mắt lung linh, sáng ngời:

– Chưa chi anh đã nghĩ xấu cho người ta!

Suốt một tiếng đồng hồ của buổi gặp gỡ ban đầu, chúng tôi chỉ nói chuyện bâng quơ, nhưng dường như khoảng không gian bao quanh nồng nàn, ấm áp vô cùng. Tôi mải mê nhìn đôi môi xinh, duyên dáng mà tưởng mình đang chìm trong giấc mơ hoa.

Một tuần sau, trước khi trở lại quân trường, tôi mời Diễm đi chơi vào buổi tối. Chúng tôi ngồi bên nhau giữa tiếng nhạc dìu dặt, êm ái trong quán kem. Diễm liếng thoắng kể những mẩu chuyện vui buồn tuổi học trò. Tôi lắng nghe một cách thích thú và không quên trêu nàng:

– Vậy, sau mỗi buổi tan trường có bao nhiêu anh chàng theo sau để hộ tống Diễm về nhà?

Diễm chợt đổi giọng, hóm hỉnh kể cho tôi nghe, lúc còn học ở trường Gia Long, hôm nào đi bộ về cũng có một cây si lẽo đẽo theo sau. Cây si đó có đón đường một lần, hỏi một câu lãng xẹt rồi biến mất luôn.

Tim đập liên hồi, tôi hồi hộp hỏi:

– Diễm… có nhớ mặt anh chàng đó không?

Diễm cười ngặt nghẽo:

– Em không nhìn kỹ nên không nhớ rõ, chỉ biết là hơi cù lần.

“Sao giống mình… không lẽ…”. Tôi bỗng thấy sượng sùng, nên nói lảng chuyện khác, không dám để nàng bình luận thêm về “dung nhan cù lần” nào đó.

– Nhà xa quá, sao Diễm đi bộ được?

– Lúc đó, nhà em ở đường Lê Văn Duyệt.

Tôi hỏi thêm để có câu trả lời chắc chắn cho nỗi nghi ngờ của mình:

– Có phải nhà có cửa sơn màu xanh, ở phía sau Ðình Phú Thạnh?

Diễm tròn mắt ngạc nhiên:

– Ðúng rồi. Sao anh biết?

Tạ ơn trời! đúng là Dần của tôi. Dần lấy tên Nguyệt Diễm để viết báo, nên tôi không nhận ra. Có phải là một sự sắp đặt kỳ diệu của định mệnh để chúng tôi tìm đến nhau? Tôi vui mừng nắm lấy bàn tay Diễm siết nhẹ. Cùng lúc đó, như có một động lực vô hình thúc đẩy từ trái tim đang rung động tột cùng, thoát ra thành lời mà tôi không làm sao kềm chế được, bởi nỗi lòng hân hoan vì một hạnh phúc bất ngờ.

– Diễm, anh yêu em!

Câu nói vừa thoát khỏi bờ môi thì mồ hôi tôi cũng toát ra. Tôi nín thở chờ đợi. Chờ đợi một câu nói phũ phàng như ngày xưa nàng đã tàn nhẫn tặng cho tôi, mà không hề biết rằng mình đã vô tình bóp nát một trái tim. Tim tôi đập thình thịch. Tay tôi run rẩy. Tôi tự nhủ thầm “Hãy cố gắng bình tĩnh, dù nàng có nói “Anh vô duyên quá!”.

Diễm sững sờ vì bất ngờ. Tôi bấn loạn vì lo sợ. Nếu bàn tay Diễm rút khỏi tay tôi, thì có thể… tôi sẽ ăn một cái tát. Nhưng không, bàn tay nhỏ nhắn, trắng muốt, vẫn nằm yên trong tay tôi, Diễm im lặng trong một thoáng bồi hồi. Tôi khép nhẹ đôi mắt, cố giữ hơi thở cho thật đều, lòng tràn ngập niềm vui, vì biết… lần này, chắc mẩm mình đã “tóm” được người trong mộng.

Ðó là buổi tối tuyệt vời nhất trong cuộc tình của chúng tôi.

Tôi trở về Ðà Lạt, suốt cả tháng sau vẫn còn say sưa trong niềm hạnh phúc tưởng rằng không bao giờ có được.

Rồi tôi tốt nghiệp và đáo nhậm đơn vị trong vùng tuyến đầu lửa đạn. Tôi đi trong chiến tranh hoang tàn, với nỗi dằn vặt giữa con tim và lý trí. Yêu Dần. Nhưng làm sao mang đến hạnh phúc cho nàng khi cuộc đời lính chiến cứ bôn ba, biết ngày về có toàn vẹn? Mỗi năm, chúng tôi gặp nhau một lần, đi chơi vài ba buổi, rồi lại chia tay trong nghẹn ngào, nước mắt. Dần vẫn ở đó, trong cư xá đìu hiu, mỏi mòn mong nhớ với mơ ước bình thường, được ngồi bên người yêu, hay nắm tay nhau đi dạo một vòng phố tưng bừng vào những ngày cuối tuần, mà cũng không có được. Tôi vẫn biền biệt giữa chiến chinh chất ngất. Ai biết được sẽ ra sao ngày sau?

Hai mươi ba tuổi, tôi bước vào trại tù cải tạo để bị thiêu rụi tất cả mộng ước đong đầy cho tình yêu và tương lai. Tôi không muốn liên lạc để Dần yên tâm mà bước đi. Khoảng hơn một năm sau, tôi được tin Dần đã gắng sức tìm kiếm gia đình tôi. Vì yêu thương, nàng đã dẹp bỏ tự ái, thành kiến, để đến thăm mẹ tôi, dù chưa một lần nào biết nhau. Dần cũng xin gia đình đến thăm tôi trong trại cải tạo với lời hứa sắt son, sẽ chờ đợi tôi, dù từng mùa xuân có phai tàn trên mái tóc và phải sống trong mòn mỏi, tuyệt vọng. Cứ mỗi lần nhìn người yêu lủi thủi ra về, tim tôi như thắt nghẹn.

Qua biết bao nhiêu gian truân, tưởng chừng như vĩnh biệt, không thể kể hết. Vậy mà, hơn ba mươi năm qua, Dần đã là mẹ của hai đứa con tôi.

Sau thời gian dài chung sống trong tình nghĩa vợ chồng, tôi mới khám phá và khẳng định rằng “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề” là sai bét. Dĩ nhiên, trong mỗi giai đoạn, tình yêu có những nét đẹp riêng không thể phủ nhận và so sánh được. Bởi vì, những ngày theo nhau lẽo đẽo thì tình yêu chỉ là thỏa mãn cảm xúc. Còn tình yêu hôn nhân, đầy những thương yêu, săn sóc, lo lắng cho nhau bằng trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ hy sinh. Nói như thế, không có nghĩa là trong mấy mươi năm mặn nồng tình ái, con thuyền tình lúc nào cũng êm như mơ mà vẫn có những cơn sóng vỗ chập chùng vì những lý do không đâu.

Dần của tôi tuổi con cọp, nên đôi lúc cũng hay “cắn”. Dần dễ nổi cáu vì tính cẩu thả của tôi. Chẳng hạn, giày, bóp, chìa khóa xe tôi hay vứt bừa bãi, đôi khi tìm không ra. Thế là cãi nhau. Dần đổ tội tôi không ngăn nắp, tôi đổ tội nàng khó như bà già. Ðôi khi, Dần nhờ tôi ghé chợ mua vài trái chanh, tôi rất vui lòng, nhưng khi ra đến chợ, gặp người quen nói dăm ba câu chuyện lại quên mất, nên thay vì mua chanh, tôi lại mua dưa leo. Thế là bị càu nhàu.

Có lần, sau bữa ăn tối, hai đứa nằm nghe nhạc, có lẽ vì âm hưởng du dương, Dần mơ màng nhắc lại kỷ niệm thời son trẻ, những hẹn hò nơi công trường Duy Tân, bến Bạch Ðằng. Dần nhớ vanh vách từng con đường, quán cà phê, những bộ phim hai đứa xem ở Rex, Eden. Tiếng Dần êm ái, ngọt ngào ”Anh còn nhớ không…”. Ðang say sưa nhắc nhở kỷ niệm, quay lại thấy tôi ngáy khò khò, Dần nổi tam bành, dựng tôi dậy hỏi tội và giận không nói chuyện hai ba ngày. Từ đó, tôi có hai câu thơ “chế biến” như thế nầy:

Giấc Nam Kha chợt bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình cãi nhau.

Ngoài những chuyện vặt vãnh đó, Dần là một người đàn bà tuyệt vời. Một cô dâu thảo. Một người vợ đảm đang. Tôi xin mượn bốn câu thơ của Thảo Nguyên để kết thúc nơi đây, như tâm tình của tôi dành cho người con gái Gia Long đang hiện diện và gắn bó không thể thiếu trong cuộc đời tôi:

Xin một phút giây trong dĩ vãng
Ðể nhìn mái tóc mượt nhung xưa
Xin viết ngàn câu thơ lãng mạn
Ðể thương mái tóc bạc bây giờ.

Đặng Hiếu Sinh