Nhiều hạng mục tại chùa Huê Nghiêm đã thay đổi diện mạo sau gần 300 năm xây dựng.

 

Toạ lạc trên đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức, Sài Gòn), chùa Huê Nghiêm (còn gọi là Huê Nghiêm cổ tự) được xây dựng năm 1721.

Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Ban đầu, nơi đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ xây cất trên vùng đất thấp, cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100 m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên (pháp danh Liễu Đạo) đã hiến đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như vị trí hiện nay.

“Diện mạo ngày nay của chùa đã đổi thay nhưng dấu ấn lịch sử trên vùng đất xưa vẫn đậm nét”, sư thầy Thích Lệ Phú, Trụ trì chùa, cho biết.

 

Cũng theo trụ trì, kiến trúc và cảnh trí chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu. Trong đó, lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu tổ chức.

 

Mái ngói chùa được thiết kế theo lối cổ truyền với các đầu đao cong vút, bờ nóc mái trang trí hình hoa sen, bánh xe luân hồi cách điệu.

 

Ban Tam bảo trong chùa được bài trí tôn nghiêm với nhiều tượng gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

 

“Dấu ấn cổ xưa trong chùa là bàn thờ bằng gỗ mít đặt tượng Chuẩn Đề, vị bồ tát trong trường phái Đại thừa”, Thượng toạ Thích Minh Đạo, Viện chủ của chùa, cho biết.

 

Trên chánh điện chùa đặt bàn thờ linh vị chư Tổ Thiệt Thụy – Tánh Tường (1681-1757), người đã có công xây dựng chùa từ những ngày đầu.

Theo lệ, cứ vào lễ húy kỵ Tổ khai sơn (ngày 6 tháng 10 âm lịch) và húy kỵ Tổ Huệ Lưu (ngày 12 tháng Giêng âm lịch) hàng năm, đông đảo tăng ni, phật tử lại về đây để thăm viếng, lễ chùa và cầu mong những điều tốt lành.

 

Một góc chùa bài trí những pho tượng tái hiện hình ảnh Đức Phật Thích Ca hành đạo bên gốc cây bồ đề với nhiều cám dỗ.

 

Khu vườn tháp của chùa tràn ngập các loại cây xanh cùng màu sắc rực rỡ của bia mộ.

 

Hoạt cảnh Thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc xuất gia, biểu tượng của Từ bi, Trí tuệ và Dũng lực được tái hiện trong khuôn viên chùa.

 

Khu tháp thờ tự Bồ tát Quan Thế Âm. Mỗi ngày, nhiều phật tử, người dân qua đường thường ghé vào khu tháp để thắp nhang, cầu nguyện.

 

Trong chùa còn có khu để tro cốt những người đã khuất với tên gọi “Nạp cốt đường”.