Cư xá Chu Mạnh Trinh từng là nơi cư ngụ của những gia đình nghệ sĩ nổi tiếng nhất Sài Gòn: Năm Châu, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Thúy Hằng, Mộc Lan, Lê Mộng Hoàng…

Cư xá Chu Mạnh Trinh trước kia có tên là cư xá Ngân hàng Đông Dương, nằm trong hẻm số 215 Chi Lăng, ấp Đông Nhất, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, ngoại vi Sài Gòn. Đây là một con hẻm có quy hoạch cho khu cư xá, gồm một hẻm trục lớn và các hẻm nhỏ tỏa nhánh thẳng góc hai bên, đánh số 215 A, B, C, D, E, F cho tới G. Khoảng năm 1962 hay 1963, Trường Chu Mạnh Trinh được lập ở phía đầu hẻm nên dân quanh vùng gọi là cư xá Chu Mạnh Trinh.

Năm 1957, gia đình nghệ sĩ Năm Châu mua căn nhà ở đây khi sinh cậu con trai thứ sáu tên Long. Lúc đó, đạo diễn Hồng Dung, con gái của ông, vừa lên hai tuổi. Lớn lên một chút, chị Dung còn nhớ xung quanh là các vila song lập hình chữ L chỉ có tầng trệt không có tầng lầu, cùng kiểu giống nhau, ngang khoảng 8 m, không sâu lắm, khoảng 12, 13 m. Trước kia, cư xá này dành cho các công chức Pháp của ngân hàng. Sau 1954, người Pháp dần rút về nước và người Việt trung lưu, công chức tìm đến mua để ở.

Nghệ sĩ Năm Châu trước ngôi nhà của mình

Gia đình nghệ sĩ Năm Châu có lẽ là gia đình nghệ sĩ đầu tiên đến ở, còn nhận giấy chủ quyền bằng tiếng Pháp. Dần dà có nhiều gia đình trong giới nghệ sĩ tìm đến. Trong số đó, gia đình nhạc sĩ và danh ca Dương Thiệu Tước, Minh Trang ở cùng với con gái là danh ca Quỳnh Giao ngay tại nhà ông Năm Châu trong hẻm D. Hẻm C đối diện là nhà nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Hẻm E có nhà nhạc sĩ Phạm Duy ở ngay đầu hẻm cùng với danh ca Thái Hằng, Thái Thanh, Duy Quang, Thái Hiền… bên trong là nhà của nghệ sĩ cải lương Kim Thoa. Hẻm F đối diện có nhà của đôi vợ chồng nhà báo – nhà văn Hồng Tiêu và Bà Tùng Long. Sau này, qua từng thời kỳ có lúc cư xá là nơi tá túc của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, nữ danh ca Mộc Lan, danh ca Anh Ngọc, nhạc sĩ Lê Dinh, đạo diễn Lê Mộng Hoàng…

Những năm đầu thập niên 1960 là những năm tháng rất vui với bầy trẻ hẻm D cư xá Chu Mạnh Trinh. Các con nhà đôi nghệ sĩ danh tiếng Năm Châu – Kim Cúc vốn là con nhà nòi nên dẫn dắt trẻ nít hẻm D trong các trò vui, chủ yếu là diễn tuồng. Lúc đó cả xóm từ người lớn đến trẻ nít đều mê sân khấu, đều hâm mộ các vở diễn của nghệ sĩ Năm Châu dàn dựng và diễn. Xóm thành lập một gánh hát trẻ con, do chị em nhà Hồng Dung đứng đầu. Sân khấu là bộ ván ngựa của nhà bà Hai Mùi nhà gần bên. Cứ mỗi buổi chiều, lũ trẻ được người lớn lùa đi học bài sau khi ăn cơm chiều. Sau đó mới đến thời gian dành cho “sân khấu” cho tới 9 giờ tối mới tan. Đến thời kỳ điện ảnh Ấn Độ phổ biến sang Sài Gòn sau đó một chút, lũ trẻ cũng nhanh chóng chuyển sang múa Ấn Độ trên sân khấu của mình. Ngày tết là lúc bận rộn với nghệ sĩ vì lịch diễn kín mít, nhưng sau tết một chút là có thể rảnh rỗi tiếp khách ăn tết muộn. Các nghệ sĩ Duy Lân, Năm Nở là bạn thân thiết với ông Năm Châu thường đến chơi nhà. Thời gian đó, hai nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thành Được còn là vợ chồng rất thương các con của ông bà Năm Châu – Kim Cúc. Hai nghệ sĩ này không có con nên cứ đến dịp Noel, Tết Nguyên đán là đi chiếc xe mui trần chở đầy đồ chơi đến để làm quà cho lũ trẻ.

Con hẻm trước nhà nghệ sĩ Năm Châu

Căn nhà của nghệ sĩ Năm Châu đến nay vẫn còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh sau gần 60 năm ấp ủ một gia đình an vui. Con hẻm chính đã có tên mới là đường Đoàn Thị Điểm thuộc quận Phú Nhuận. Các biệt thự xây từ thời kỳ đầu trong cư xá đã thay đổi thành nhà đúc, lầu cao. Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi địa chỉ mới. Nhà không xây lại, vẫn còn mái ngói cũ lấp ló trên cao. Buổi sáng mùa hè có tiếng dương cầm vẳng ra từ phần nhà bên phải.

Chị Hồng Dung pha ly cà phê tiếp khách. Mùi hương gợi nhớ những buổi sáng xa xưa, cuối thập niên 1960 khi ba chị còn khỏe, thức dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để pha cho mình một tách cà phê xong rồi lần lượt pha thêm mười tách nữa cho các con uống trước khi đi làm hay đi học và xem đó là niềm vui. Những âm thanh, mùi hương cũ của một thời vẫn còn đâu đây, như khi sân khấu cải lương Sài Gòn và danh tiếng nghệ sĩ lão thành Năm Châu đang là thời kỳ vàng son nhất.

Tác giả Phạm Công Luận cho biết: “Vật đổi sao dời, người ta tụ lại rồi tản đi là chuyện bình thường. Tôi chỉ luôn tự hỏi điều gì đã khiến nhiều nghệ sĩ danh tiếng của Sài Gòn một thời lại tụ về cư xá này. Có lẽ là do môi trường sống yên tĩnh, tách biệt của cư xá cũng như nhu cầu về sự chia sẻ, đồng cảm, bao bọc nhau của giới nghệ sĩ Sài Gòn xưa. Nếu không có thay đổi về thời cuộc, có lẽ không ít người vẫn còn sống ở đó lâu dài…”.