Nói đến Tả quân Lê Văn Duyệt, hẳn đa phần đều oai danh. Xuất thân từ vị trí mặt trắng, mà làm nên công nghiệp lớn lao, giúp vua Gia Long trung hưng vận nước. Uy quyền lan tận ngoại bang. Ấy thế mà sau khi chết đi, lại bị án oan buộc mình, kể cũng nghiệt lắm.
Mộ phần vợ chồng Tả quân Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn.
Xuất thân của Tổng trấn họ Lê, được “Điếu cổ hạ kim thi tập” cho hay, là con của ông Toại bà Toại, gốc người Quảng Ngãi, tổ tiên sau dời vào Mỹ Tho. Ngay từ nhỏ, hình dung của Lê Văn Duyệt đã nhỏ thó, người thấp, có sức mạnh, tính nết nhanh nhẹn thông minh, gan dạ khí khái, rất thích chọi gà.
Ngay từ nhỏ, Lê Văn Duyệt đã được thầy dạy dỗ “truyền trao nghề văn nghiệp võ cho ngài, ngài học ít biết nhiều”. 17 tuổi thì vị Tổng trấn tương lai ra hầu Nguyễn Ánh, làm chức Thái giám nội đình. Kể từ đây, Lê Văn Duyệt ngày càng trở nên một tôi thần đắc lực của chúa Nguyễn Ánh.
Công thần hạng nhất
Nói về công lao giúp rập của Lê Văn Duyệt với Gia Long Nguyễn Ánh, thật không kể xiết, mà “Đại Nam liệt truyện” thì đã ghi tường tận, đủ đầy lắm rồi. Xem “Việt Nam danh tướng yếu mục”, ta có thể tạm biết “từ ngày tiên sanh theo giúp đức Nguyễn Ánh” để lo khôi phục giang san nhà Nguyễn; khi đánh Bắc, lúc dẹp Nam, oai võ tiên sanh đến đầu thế như chẻ tre, làm cho phe nghịch hễ nghe tên tiên sanh thì giựt mình; lại cũng nhờ trận Thị Nại (trận đánh quân chúa Nguyễn thắng quân Tây Sơn-Người dẫn chú) mà oai sấm tiên sanh lừng lẫy vang trời. Nếu lấy bảng các đức công thần, thì tiên sanh thứ nhứt” (ghi nguyên văn theo lối chính tả xưa).
Lại như trong “Hát Đông thư dị” (Chuyện lạ viết ở phía Đông sông Hát) viết về ông có câu “Cờ hiệu của ông tới đâu quân giặc phần nhiều thua chạy, không cần phải đánh”. Chỉ vài dòng ngắn gọn thôi, đã tỏ được đôi phần tầm quan trọng của vị Tả quân trong cuộc trung hưng nhà Nguyễn.
Nhưng nào chỉ thế, khi quốc thái dân an, đất nước nối liền một dải từ Đồng Văn cho đến chót mũi Cà Mau, thì công thần họ Lê, vẫn tiếp tục thi thố tài năng của mình ở thời trị bình. Bởi thế, trong “Quốc sử ngâm” có ghi:
Đặt quan tổng trấn hai miền,
Bắc Thành, Gia Định thay quyền giúp vua.
Ấy là nói về hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành của Lê Văn Duyệt góp phần yên cõi đất phương Nam, mà danh tiếng của ông, đến Chân Lạp còn mãi sợ oai. Khi cai trị nơi đất này, Tổng trấn Lê Văn Duyệt, theo Trương Vĩnh Ký ghi trong “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận”, còn được gọi là Ông Lớn Thượng, đã “cai trị xứ này một cách thanh bình dưới triều đại Gia Long và phần đầu triều đại Minh Mạng, tuy thỉnh thoảng ông có đi hành quân sang dẹp những người Miên nổi loạn.
Người Miên rất kinh hãi ông; đối với dân Nam thì ông tỏ ra tốt bụng, công bằng và cũng không khoan nhượng. Ông toàn quyền, được trao phó đặc nhiệm, là nhà cai trị bất khả xâm phạm, được miễn trừ tội chết”.
Bởi công đức nơi Gia Định thành của Tổng trấn Lê Văn Duyệt lớn lao đến vậy, nên cũng theo “Việt Nam danh tướng yếu mục”, sau này khi ông mất, lăng Ông Bà Chiểu được lập nên thờ ông, gồm cả phần mộ, và tỏ ra hết sức linh thiêng với dân nơi đây: “Hằng năm hằng cúng tế, hằng bữa hằng khói nhang, dân sự kính thờ, quan quân sùng bái.
Lại có nhiều khi, người mình có ức hiếp điều chi, thì thường thách nhau vô lăng ông thề; ấy là lăng của quan Tả quân vậy; bởi lúc ngài còn sống là một vị trung quân ái quốc, đến chết thì hiển thánh thành thần”. Hậu thế ngưỡng vọng là vậy, nhưng biết đâu sau khi Tả quân mất, thì lại chịu bao án oan buộc mình nghiệt ngã.
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên cớ sâu xa cho cái án hậu tử của vị Tả quân họ Lê, được “Định Tường xưa và nay” ghi lại khi nói về ông. Ấy là, khi vua Gia Long chọn người kế vị, Tả quân Lê Văn Duyệt với vị trí của mình, đã góp lời bàn riêng. Theo đó “Ngài cùng một nhóm quan khác, xin tôn hoàng tử Đán là con trai lớn của Đông cung Cảnh đã từ trần, trái ý vua muốn lập hoàng tử Đảm là con dòng thứ sanh trong Gia Định”.
Chính bởi thế mà khi hoàng tử Đảm lên ngôi, tức vua Minh Mạng, mới lấy làm thù chuyện này, chỉ chờ dịp để thỏa mối hận trong lòng. Nhưng tìm đâu ra cớ, vả lại, quyền uy của vị Tổng trấn họ Lê lớn lắm, như “Đại Nam liệt truyện” còn ghi “Duyệt tính nghiêm thẳng trị quân nghiêm ngặt, tướng lại không ai dám trông mặt, các đại thần huân cựu lúc bấy giờ cũng sợ”.
Thế rồi, ngày 30/7 năm Nhâm Thìn (1832), Lê Văn Duyệt mất, thọ 69 tuổi. Lúc này, Gia Định được vua Minh Mạng đổi làm thành Phiên An, các chức quan được đặt lại. Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh cho biết, có tên Bố chánh Bạch Xuân Nguyên “với mật lịnh mở cuộc điều tra về cách cai trị của Tổng trấn Lê Văn Duyệt kiếm cớ buộc cho có tang tích ngõ hầu bắt tội và làm nhục Ngài cho bõ ghét”. Bởi việc này, nhóm võ quan tâm phúc của Tổng trấn là Lê Văn Khôi (dưỡng tử) nổi lên giết Bạch Xuân Nguyên, chiếm thành Phiên An, gây nên sự biến thành Phiên An kéo dài đến Ất Mùi (1835) mới vãn hồi.
Thế là nhân đó, vua Minh Mạng hạch tội của vị Tổng trấn quá cố. “Cận đại Việt sử diễn ca” nhân việc này, mà rằng:
Lê Văn Duyệt gánh tội con,
Thêm bài quẻ thẻ vong hồn đảo điên.
Một thời gian sau, tội trạng của Lê Văn Duyệt được các quan trong Nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Quỳnh dâng sớ lên vua với 6 chứng cứ bội nghịch, được “Việt sử tân biên” ghi lại, có thể tóm lược gồm: tự tiện sai thủ túc là Phan Đạt mạo danh đi do thám đi thuyền sang Miến Điện; có ý riêng trong quan hệ ngoại giao với Miến Điện, ảnh hưởng đến việc quốc gia; tự nhận bản thân có quyền để áp đặt quan hệ với thuyền buôn Anh-Cát-Lợi (Anh quốc); có tình riêng yêu thương quân, mà ép vua để xin giết Thị vệ Trần Văn Tình đã tố cáo sai trái của thuộc hạ; Trần Nhật Vĩnh được bổ làm Ký lục, Lê Đại Cương có chỉ triệu hồi mà cố xin cho lưu lại; xin tăng thọ trái phép cho Lê Chất.
Án chồng án
Sau khi những cáo buộc kia được dâng lên, thì đến lúc đình thần nghị án đối với công thần họ Lê, các nhà làm sử cho là nghiệt quá với công lao trung hưng họ Nguyễn của ông. Thế nên “Quốc sử ngâm” mới có đôi lời:
Lê Văn Duyệt công thần thuở trước,
Đã khuất rồi làm nhuốc nhau chi.
Khi nghị tội người quá cố, trong “Việt Nam nhân thần giám” ghi: “Các quan nghị tội ông ấy có bảy điều, chiếu luật mưu phản thì phải xử tội lăng trì, nhưng vì ông ấy đã thác rồi, thì giao cho quan tỉnh Gia Định, cuốc bằng cái mả ông ấy đi, mà chôn một cái bia đá lên trên, khắc tám chữ rằng: Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử, nghĩa là tỏ ra cái nơi ông Lê Văn Duyệt chịu phép nhà nước xử trị vậy”.
Cụ thể cho 7 tội nên trảm của Lê Văn Duyệt, trong “Việt Nam sử lược” có kê ra đủ. Cụ thể là: “1. Sai người đi riêng sang Diến Điện, âm kết ngoại giao; 2. Xin giao tàu Anh-Cát-Lợi đến thành, để tỏ có quyền; 3. Xin giết Thị vệ Trần Văn Tình, để khóa miệng người ta; 4. Kháng sớ xin lưu quan viên bổ đi chỗ khác; 5. Lập đảng mà xin tăng thọ cho Lê Chất; 6. Giấu chứa giấy ngự bảo; 7. Mộ cha, tiếm gọi là lăng, đối với người ta, tự xưng là cô”.
Đồng thời, lại có hai tội nên xử giảo: “1. Cố xin dung nạp Diến Điện để che chở cái lỗi của mình; 2. Nói chuyện với người ta xin được quẻ thẻ có câu thơ hoàng bào”. Lại thêm tội nên phát quân “Tự tiện sai biền binh tự tạo tàu thuyền”.
Sự biến thành Phiên An ông dù đã chết cũng bị đình thần kết tội mưu phản, phải tru di, nhưng do đã chết nên truy đoạt cáo sắc, bỏ quan quách giết thây; tằng tổ, tổ phụ được phong cáo sắc thì truy đoạt lại. Vụ án ấy, không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của người đã nằm dưới ba tấc đất, mà thân thích cũng bị liên lụy nghiệt ngã, con, cháu, vợ, thân thích đều phân biệt mà nghị tội.
“Việt Nam nhân thần giám” cho biết, Lê Văn Duyệt không có con, nên “có nuôi hai con người em, tên là Yên, Tề, cũng đều phải giết cả”. Cháu của ông là Hán, cũng bị theo luật mưu phản mà nghị tội…