Khoảng đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước, trên văn đàn miền Nam xuất hiện tên tuổi của một nhà thơ trẻ với các bài thơ tình mà bối cảnh là ở nước Pháp. Ông là Cung Trầm Tưởng, tác giả của những bài thơ nổi tiếng như Mùa Thu Paris, Chưa bao giờ buồn thế, Bên ni bên nớ; những thi phẩm này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành giai điệu được rất nhiều người ưa thích.

Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần, ông sinh năm 1932 ở Hà Nội và vào Sài Gòn năm 1949. Năm 1952, ông sang Pháp du học. Trong thời gian ở Pháp, ông trải qua cuộc tình với một người con gái Pháp, mối tình kéo dài được hơn 1 năm nhưng những yêu thương, quyến luyến đã trở thành cảm hứng cho nhà thơ sáng tác hai bài thơ được công chúng biết đến nhiều nhất, đó là Mùa Thu Paris và Chưa bao giời buồn thế.

Khi đọc bài thơ Mùa thu Paris, nhà văn Phạm Công Thiện rất xúc động, ông đã so sánh nó với những sáng tác của thi hào người Pháp Apollinaire (1880-1918) trong tác phẩm Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của ông:

“Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu…

Tôi ngạc nhiên. Tim tôi máy động. Cung Trầm Tưởng là ai mà làm thơ tài hoa vậy? Tôi mơ màng. Tôi hình dung những chiếc lá rơi. Tôi nhìn thấy dòng sông Seine lững lờ trôi chảy…

Cung Trầm Tưởng làm tôi nhớ đến Apollinaire. Ừ, chỉ có Apollinaire mới có những dòng thơ bất tuyệt để làm sống lại Paris. Nói đến Paris là nói Kỷ niệm, là nói đến Nghệ sỹ, là nói đến tình yêu và tuổi trẻ…

Cũng vào mùa thu, Cung Trầm Tưởng ngóng chờ người yêu “kiên khổ phút giờ”và “chín đỏ trái sầu”, ngóng chờ mong đợi giữa hương thời gian và mùi lá cỏ.:

Odeur du temps brin de bryère
Et souviens – toi que ye t’attends…”

Gần đây, trả lời phỏng vấn trên một tờ báo xuất bản ở Hải ngoại, nhà thơ Cung Trầm Tưởng cho biết hoàn cảnh sáng tác của bài thơ này như sau:

“Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt nâu là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó là những kỷ niệm đầu đời của mình…

Lúc bấy giờ, tâm hồn mình thật là lạ, trong trắng, ngây thơ, nhìn đời qua lăng kính lý tưởng, thành ra, mối tình với người con gái tóc vàng sợi nhỏ đó là một kỷ niệm khôn nguôi. Ðôi lúc, tôi cũng không hiểu được là làm sao mà mình lại làm được một vần thơ ‘thơ’ đến như vậy…”.

Không lâu sau khi bài thơ Mùa thu Paris được phổ biến, bài thứ hai có tựa “Chưa bao giờ buồn thế” ra đời cũng đề cập về mối tình của ông với cô gái “tóc vàng sợi nhỏ”. Khi phổ nhạc tác phẩm này, với sự đồng ý của tác giả, nhạc sĩ Phạm Duy đã đổi tựa thành“Tiễn em”. Tám câu đầu của bài hát được nhạc sĩ giữ nguyên câu chữ của bài thơ nguyên thủy, không sửa một chữ nào, mô tả cuộc chia ly giữa 2 người “dị chủng”: Một sinh viên ở miền viễn Đông và một cô gái tóc vàng bản xứ. Họ tiễn nhau trên một sân ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp lạnh lẽo, đó là “ga Lyon đèn vàng” giữa “tuyết rơi buồn mênh mang”. Ga Lyon này không phải là ở thành phố Lyon như nhiều người tưởng, mà có tên chính thức là Paris Gare de Lyon, là một trong sáu ga xe lửa tuyến chính lớn ở Paris; thủ đô nước Pháp:

Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…

Vì sao ánh đèn sân ga lại màu vàng? Điều này cũng được Cung Trầm Tưởng giải thích; đó là vào một buổi chiều mùa đông Paris lạnh giá, qua làn sương mù lạnh lẽo thì ánh đèn sân ga đã trở thành vàng vọt, gợi hình tượng lãng mạn nhưng cũng thật buồn, buồn như là tâm trạng của đôi tình nhân đang quyến luyến nhau không rời trước giờ phút phân ly. Người con gái tóc vàng rời Paris tròn 3 tháng để về Marseille; là thành phố miền Nam nhìn ra Địa Trung Hải có nắng ấm, có biển muối mặn, tốt hơn cho sức khỏe của nàng. 3 tháng được được nhà thơ làm tròn thành “100 ngày xa cách”.

Sân ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp đã từng chứng kiến biết bao cuộc chia tay trước đó, lại một lần nữa nhìn ngắm mối tình giữa một chàng trai châu Á và một cô gái tóc vàng, đại diện cho văn hóa và nếp sống phương Tây. Kỷ niệm đầu đời, cùng với mối tình tóc vàng mắt nâu ấy đã là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nên bài thơ bất hủ này.

Dễ nhận thấy rằng, ngôn ngữ trong bài thơ không phải là mới lạ hay phá cách để nổi tiếng. Bài thơ được giới trẻ đón nhận một cách thích thú vì người tình trong thơ hình như chưa chưa bao giờ xảy ra, đó là: một chàng thanh niên Việt Nam du học có người yêu bên Pháp với tóc vàng mắt nâu, hai người yêu nhau và chính cuộc chia tay trên ga vắng lặng đã thi vị hóa câu chuyện để nó trở thành một mode mới trong đời sống thanh niên thời bấy giờ. Bài thơ như một trang sách mới, cùng những con đường lạ lẫm bên trời Tây mở ra cho giới trẻ và đâu đó, người đọc cảm thấy phần nào bớt đi sự tự ty, bù đắp lòng tự ái dân tộc đã bị mất mát khá nhiều dưới gót giày được gọi là “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly.
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…

Có thể nói rằng, đã hơn nửa thế kỷ qua, có rất nhiều người Việt yêu thơ ca đã hơn một lần mong mỏi được tận mắt nhìn thấy “ga Lyon đèn vàng”, hay được đắm mình trong một mùa thu Paris xa xôi, mơ ước được sánh đôi cùng tình nhân bước qua vườn Lục Xâm Bảo để nghe hương vị của ái ân tràn trề như trong âm nhạc của Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu hay của Ngô Thụy Miên…

GA LYON

Những người đi du học như các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu, thi sĩ Nguyên Sa hay Cung Trầm Tưởng trở về và mang theo cả hồn phách của nước Pháp trữ tình lãng mạn qua thơ và nhạc là những tác phẩm nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của giới thanh niên, trí thức miền Nam thời đó.

Cho dù người Pháp đã rời khỏi Việt Nam từ 1954 sau gần trăm năm hiện diện, thế nhưng những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật như điện ảnh, tiểu thuyết hay hội họa Tây phương nói chung, của Pháp nói riêng vẫn là những lĩnh vực được đông đảo công chúng hâm mộ. Từ đó có thể hiểu vì sao những bản Tình ca Paris của Cung Trầm Tưởng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc đã trở thành bất tử trong hơn 60 năm qua…