Các bậc phụ huynh, hãy thử nghĩ về câu hỏi: Loại từ vựng nào đang được cha mẹ sử dụng thường xuyên nhất trong quá trình giáo dục con cái?

Mọi người thử nhớ lại một ngày của gia đình bạn đã diễn ra như thế nào, sẽ không khó để nhận ra những câu nói “kinh điển” mà bạn đã nói với con:

Buổi sáng thức dậy: “Đừng nằm ỳ nữa, mau dậy đi!”.

Trong bữa cơm: “Không được ngậm, ăn nhanh lên!”.

Khi bạn làm bài tập về nhà vào buổi tối: “Không xem TV nữa, mau đi làm bài tập”.

Đến giờ ngủ: “Không chơi điện thoại nữa, nhanh đi ngủ sớm đi!”.

Quan sát một chút những câu thoại này, bạn sẽ thấy rằng từ vựng xuất hiện thường xuyên nhất là những từ mang tính cấm đoán: Không, đừng, không được…

Trên thực tế, điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi cha mẹ gánh vác trách nhiệm giáo dục con cái, vì vậy những gì họ nói với con là vì muốn giáo dục đứa trẻ. Bình thường cha mẹ có thể ít trò chuyện cùng con cái, nhưng khi đứa trẻ có hành vi xấu, chắc chắn họ sẽ tiến đến giáo huấn con. Trong khi giáo dục con trẻ, điều cha mẹ thường làm là ngăn chặn những hành động sai trái của con, vì vậy những từ được sử dụng phổ biến nhất là những từ có tính cấm đoán.

Nhưng cách cấm đoán này có thể đạt được hiệu quả giáo dục mà cha mẹ mong muốn không? Rõ ràng là không lý tưởng.

Bởi vì cách giáo dục này về cơ bản là từ chối, chỉ trích và đổ lỗi cho con trẻ, nói rằng con không thể, điều đó không tốt. Thử hỏi, có ai muốn bị người khác chỉ trích và nói mình không tốt không? Nếu là bạn, bạn có cảm thấy vui vẻ không? Ngay cả khi bạn biết mình đã làm sai, bạn cũng sẽ không thích người khác chỉ trích và buộc tội rằng bạn không tốt. Trẻ em cũng như vậy, đây là bản tính của con người, không phân biệt tuổi tác già trẻ. Do đó, khi cha mẹ giáo dục con cái theo cách cấm đoán, không phải là đứa trẻ sẽ ngoan ngoãn và ngay lập tức làm theo, mà chúng sẽ tự biện minh và nói rằng mình đúng. Xác định kết quả sẽ là như vậy!

Do đó, mặc dù cấm đoán có thể ngăn chặn hành vi của trẻ, nhưng rất khó để có được sự tán phục từ bên trong nội tâm của chúng.

Vậy có cách nào tốt hơn và thuận lợi hơn để giáo dục con trẻ không? Có, đó chính thay vì cấm con trẻ phạm sai lầm, hãy dẫn dắt con tiến bước.

Hình thức giáo dục có hướng dẫn

Cấm đoán là một hình thức giáo dục khiến trẻ em cư xử phù hợp với mong đợi của cha mẹ bằng cách cấm hành vi xấu của trẻ. Bản chất của phương pháp giáo dục này là cha mẹ không tin tưởng con. Họ cảm thấy rằng trẻ em phải thể hiện hành vi tốt dưới sự giám sát của cha mẹ. Do đó, cha mẹ phải thiết lập một khuôn khổ cho con cái, nếu vượt ra ngoài khuôn khổ này thì được coi những hành vi xấu, cần phải kiên quyết dừng lại. Mục đích của giáo dục cấm đoán là nói cho trẻ phạm vi và quy mô của khuôn khổ này.

Giáo dục có hướng dẫn khác với cách giáo dục cấm đoán này. Bản chất của nó là tin tưởng vào trẻ em. Người ta tin rằng lý do trẻ em cư xử không tốt chỉ là vì chúng không hiểu. Và cũng tin rằng chỉ cần thông qua giáo dục có hướng dẫn, đứa trẻ có thể tự tìm ra vấn đề và sửa chữa sai lầm của chúng.

Lấy một đứa trẻ lấy trộm đồ chơi của bạn làm ví dụ.

Kiểu cha mẹ cấm đoán sẽ ngay lập tức ngăn chặn hành vi của con, sau đó la mắng và đổ lỗi cho trẻ, phê bình đứa trẻ làm như vậy là không tốt, cứ thế nói đi nói lại mãi. Lý do là cha mẹ không tin tưởng con, vì vậy họ dùng cách này để đứa trẻ có thể nhớ lâu, nhớ kỹ rằng “lấy đồ của người khác là không tốt. Đây là một quy định, không được vi phạm”.

Kiểu cha mẹ hướng dẫn mặc dù cũng sẽ ngăn chặn hành vi xấu này của con trẻ, nhưng họ tin rằng đứa trẻ làm như vậy là bởi vì chúng không biết cách giải quyết vấn đề. Vì vậy, cha mẹ không tập trung vào việc chỉ trích và phê bình con cái, mà hướng dẫn con tìm đúng cách.

Họ giúp cho đứa trẻ nhận ra rằng làm theo cách của chúng là vô ích, lần sau phải chú ý làm theo cách đúng. Vì vậy, các bậc cha mẹ kiểu giáo dục có hướng dẫn sẽ dạy con như thế này: “Ba/mẹ biết con rất thích món đồ chơi này, nên con mới lấy nó. Nhưng cách này sẽ làm tổn thương người khác, như vậy là không tốt. Tại sao con không mượn hoặc chơi cùng bạn, như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao?”

Qua so sánh, chúng ta sẽ thấy rằng điểm khởi đầu của phương pháp giáo dục có hướng dẫn là tin tưởng con trẻ, nghĩ rằng đứa trẻ là tốt, chỉ là không hiểu phương pháp, vì vậy tập trung vào việc hướng dẫn trẻ tìm ra giải pháp, thay vì tập trung trách mắng và phủ nhận đứa trẻ. Bởi vậy, loại hình giáo dục này dễ được trẻ tiếp nhận. Đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng cha mẹ đang giúp đỡ chúng, chứ không phải đang đứng trên cao mà rao giảng đạo đức và phê bình chúng.

Cha mẹ hướng dẫn như thế nào?

Để trở thành một phụ huynh biết hướng dẫn, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là chuyển biến tư duy, thay đổi thái độ. Nếu tư tưởng không chuyển biến, thì cho dù có sử dụng bao nhiêu phương cách, bạn vẫn sẽ cảm thấy lúng túng. Khi tư duy của cha mẹ chuyển biến rồi, hành vi cụ thể sẽ tự nhiên thay đổi. Do đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi suy nghĩ của bạn.

Cha mẹ nên học cách nhìn nhận hành vi của con mình từ góc độ tích cực, học cách tin tưởng đứa trẻ. Không nên lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của con, không tin tưởng con và cảm thấy rằng nếu không có sự giám sát của cha mẹ, đứa trẻ sẽ gây rắc rối ở mọi nơi.

Sau khi thay đổi suy nghĩ, cha mẹ có thể bắt đầu từ những khía cạnh cụ thể như sau:

Tích cực khẳng định trẻ bằng ngôn ngữ

Ngôn ngữ rất quan trọng để cha mẹ giao tiếp với con cái. Vì vậy, nếu muốn làm một bậc cha mẹ biết hướng dẫn, bạn phải thay đổi phương thức ngôn ngữ.

Cha mẹ nên học cách dùng ít ngôn ngữ cấm đoán đi và áp dụng ngôn ngữ tích cực nhiều hơn để hướng dẫn con cái.

Ví dụ:

“Con không ăn thì đi ra ngoài chơi”, đổi thành “Con ăn xong có thể ra ngoài chơi”; “Đừng nói bé như vậy chứ?, hãy đổi thành “Mẹ thích con nói to hơn một chút”; Đừng chơi điện thoại di động nữa”, đổi thành “Giờ nghỉ ngơi đã, chơi sau nhé! Hãy bảo vệ đôi mắt của con”.

Đừng nghĩ rằng muốn giáo dục con trẻ thì phải bằng cách cấm đoán chúng. Cha mẹ hãy suy nghĩ nhiều hơn đến những ngôn ngữ tích cực để nói với con mỗi ngày.

Học cách buông tay

Tin tưởng con trẻ, không chỉ bằng lời nói, mà còn được thể hiện bằng những việc làm nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.

Giáo dục cấm đoán dựa trên việc không tin tưởng con trẻ, vì vậy họ sẽ làm mọi cách có thể để giám sát, kiểm soát và ngăn trẻ thực hiện hành vi xấu.

Giáo dục có hướng dẫn dựa trên sự tin tưởng trẻ, vì vậy cha mẹ cần học cách buông tay.

Tất nhiên, buông tay cũng không phải là hoàn toàn mặc kệ, mà cha mẹ học cách trao thêm sức mạnh cho con và khiến đứa trẻ có trách nhiệm với chính mình.

Ví dụ, cha mẹ cấm đoán sẽ luôn giám sát bài tập về nhà của con cái và nhìn chằm chằm vào hành động của con, bởi vì họ cảm thấy rằng nếu không “dán mắt” vào đứa trẻ, chúng sẽ không chịu làm bài tập.

Tất nhiên, các bậc cha mẹ hướng dẫn cũng để ý đến bài tập về nhà của con, nhưng họ không nhìn chằm chằm vào đứa trẻ, họ cho con tự do lựa chọn, và để chúng quyết định khi nào nên làm bài. Nếu trẻ không hoàn thành, thì cha mẹ sẽ phân tích với trẻ tại sao chưa hoàn thành, tìm lý do và khuyến khích trẻ lần sau hoàn thành một cách tốt nhất.

Họ sẽ dạy con các kỹ năng liên quan, từng bước trao thêm quyền tự chủ cho đứa trẻ, giúp con trở thành một đứa trẻ biết tự lập và tự bước đi bằng đôi chân của chính mình.

***

Hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay đang áp dụng phương cách giáo dục cấm đoán, bởi vì họ cũng đã từng được giáo dục theo cách này. Tuy nhiên, kiểu giáo dục này là đang phủ nhận con trẻ, càng không được đứa trẻ đồng thuận, thậm chí còn khiến chúng phản kháng.

Bởi vậy, nếu là một bậc cha mẹ thông minh, thay vì cấm đoán con phạm sai lầm, hãy là người dẫn đường, tích cực dẫn dắt con tiến bước.

Quỳnh Chi biên dịchTheo bannedbook.org