Leo núi trong nhà là bộ môn thể thao cực kỳ thú vị để giải tỏa căng thẳng và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.

Nếu bạn đã quá chán với các bài tập như nhảy dây, chạy bộ… thì hãy thử sang bộ môn leo núi trong nhà. Đây là một cách vận động tuyệt vời, đồng thời rèn luyện sức bền, xây dựng sức mạnh và củng cố khả năng giữ thăng bằng.

Môn thể thao thú vị này không hề giới hạn đối tượng tham gia, phù hợp với gần như tất cả mọi người ở mọi độ tuổi. Bạn hãy cùng Hello Bacsi khám phá lợi ích mà leo núi trong nhà mang đến cho sức khỏe thông qua bài viết sau nhé.

1. Giúp bạn vận động toàn cơ thể

Một trong những lợi ích tuyệt vời của leo núi trong nhà là bộ môn này sẽ làm cho bạn phải vận dụng cả cơ bắp trên và dưới cơ thể. Cơ bắp ở lưng và cánh tay dần sẽ được rèn luyện khi bạn tự kéo mình lên. Bên cạnh đó, bạn sẽ buộc phải sử dụng tất cả các cơ bắp, cơ tứ đầu đùi và bắp chân để ổn định cơ thể trong khi leo núi.

Việc tập luyện tất cả các cơ bắp này trong một lần tập giúp tối ưu hóa thời gian của bạn ở phòng tập. Ngoài ra, đây còn là một giải pháp tuyệt vời cho những người không có thời gian đến phòng tập thể dục nhiều lần một tuần để tập luyện các nhóm cơ khác nhau.

Để ngăn ngừa thương tích tiềm ẩn trong khi leo núi nhân tạo, hãy đảm bảo rằng bạn đã khởi động kỹ lưỡng với các bài tập kéo giãn trước khi vận động nhé.

2. Tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt

leo núi trong nhà

Việc tăng phạm vi chuyển động cho mọi khớp là rất quan trọng để cơ thể có thể di chuyển một cách tự do mà không gặp phải chấn thương. Yếu tố này sẽ được cải thiện thông qua việc tăng tính linh hoạt của cơ thể và tham gia leo núi thường xuyên có thể giúp bạn đạt được mục tiêu này.

Thay vì chỉ di chuyển theo cùng một hướng như trong các bài tập khác như chạy, nhảy dây thì leo núi trong nhà đòi hỏi bạn phải vận động cơ thể lên, xuống và sang hai bên. Sự thay đổi liên tục về hướng di chuyển này đòi hỏi cơ thể bạn phải thích nghi và học cách phối hợp tứ chi một cách hiệu quả để leo lên được đỉnh núi.

Ngoài việc tăng tính linh hoạt của bạn, các động tác khi leo núi cũng sẽ rèn luyện, nâng cao khả năng di chuyển hiệu quả và tăng sức bền trong những hoạt động hàng ngày.

3. Leo núi trong nhà cải thiện sức khỏe tim mạch

Thay vì lựa chọn giữa tập trung vào các bài tập cardio và cải thiện sức mạnh trong một buổi tập gym, leo núi trong nhà cho phép bạn thực hiện cả hai cùng một lúc.

Việc di chuyển liên tục sẽ giúp nhịp tim của bạn tăng cao, từ đó phép cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn. Một buổi leo núi trong nhà trung bình có thể đốt cháy từ 500 đến 900 calo, nên môn thể thao này trở thành một hình thức lập tuyện vượt trội hơn nhiều so với luyện tập trên máy chạy bộ.

Ngoài việc cải thiện thể lực tim mạch của bạn, leo núi trong nhà cũng cho phép bạn xây dựng khối cơ bắp vì về cơ bản, bạn phải nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể từ vị trí này sang vị trí tiếp theo.

4. Leo núi trong nhà cải thiện sức mạnh cầm nắm

leo núi trong nhà

Một lợi ích khác của bộ môn leo núi trong nhà là cải thiện sức mạnh cầm nắm do tường nhân tạo không có độ bám mạnh, bạn sẽ phải cố hết sức để có thể giữ cơ thể bám lên tường. Việc cải thiện sức mạnh cầm nắm không chỉ giúp bạn chơi thể thao tốt hơn mà còn có lợi cho bạn trong các lĩnh vực tập luyện và cuộc sống, chẳng hạn như nâng tạ nặng hơn tại phòng tập thể dục, xách các túi đồ dễ dàng mà không còn gặp khó khăn như trước.

5. Tăng cường chức năng não

Leo núi trong nhà không những tốt cho sức khỏe vật lý mà còn có lợi cho sức khỏe não bộ. Hình thức luyện tập này liên quan đến rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như giải quyết vấn đề và nhận thức tình huống.

Ví dụ: Mỗi khi leo lên một vị trí mới trên tường, bạn cần quyết định vị trí tốt nhất cho tay và chân để tránh bị ngã. Bạn cũng cần chọn thời điểm tốt nhất để chuyển trọng lượng của cơ thể sang một vị trí mới.

Những tình huống này là một cách tuyệt vời để cải thiện khả năng xử lý của não bộ. Leo núi trong nhà cũng đòi hỏi bạn phải hoàn toàn tập trung khi vận động, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể và cũng làm giảm căng thẳng.

Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.