Nghề chài lưới đã xuất hiện từ rất lâu trong suốt chiều dài lịch sử và phát triển của dân tộc Việt Nam, được coi là một trong ba làng nghề đặc thù ở nước ta, cùng với nghề trồng lúa nước và nghề rừng. Ở đó, thuyền, bè, ghe, thúng không chỉ là những phương tiện đi lại, vận chuyển hữu ích, mà nó còn là sản phẩm của một nền văn hóa sông nước đi kèm với những lễ nghi và phong tục tập quán vô cùng độc đáo.

Người đi sông, đi biển luôn coi con thuyền, con ghe là những linh hồn sống, là những tạo vật mang tính tâm linh bảo trợ cho chuyến đi suôn sẻ, chính vì vậy, nghề vẽ mắt cho thuyền đã gắn liền với đời sống của người chài lưới, lâu dần trở thành một tục lệ lúc nào không hay biết…

Tục này bắt nguồn từ những quan niệm thuận phát mang đậm tính huyền thoại được các cư dân sống vùng sông nước truyền miệng nhau. Không chỉ riêng Việt Nam, khắp mọi nơi trên thế giới đã ghi nhận hình tượng mắt thuyền từ ngàn xưa. Tiêu biểu như người Ai Cập cổ đại đã từng vẽ mắt thần Osiris (vị thần của thế giới bên kia) lên mũi thuyền, người Bắc u trang trí đầu rồng lên thuyền hay người Hải Nam (Trung Quốc) vẽ mắt tròn to, màu trắng, tròng đen, chạm nổi.

Riêng ở Việt Nam, cái tục độc đáo này đã xuất hiện từ thời vua Hùng, được cho là gắn liền với tục xăm mình nổi tiếng của dân chài lưới. Như bao cư dân miền biển khắp nơi trên thế giới, giữa cái vĩ đại như muốn nuốt trọn con người của biển khơi, ước vọng đầu tiên là ước vọng về sự yên bình, về những đi xuôi chèo mát mái.

Lưu bản nháp tự động

Theo “Lĩnh Nam chích quái”, dân sống dưới chân núi làm nghề chài lưới thường bị các loài thủy tộc hãm hại, mới thưa lên với Hùng Vương. Hùng Vương cho rằng loài thủy tộc, giao long thường ghét dị loại, nên phải lấy mực xăm mình thành hình thủy quái, từ đấy dân ta không còn bị thủy tộc hãm hại nữa. Cũng trong suốt những bối cảnh chài lưới lúc bấy giờ, vua Thủy Tề cũng hiện lên khuyên bảo dân ta nên vẽ mắt lên mạn thuyền thì loài thủy quái sẽ không tác ai tác quái.

Kể từ đó, cư dân biển cứ truyền nhau nghề vẽ mắt thuyền và hình thành nên một nét văn hóa đặc trưng gắn liền với đời sống sông nước đến sau này. Trong đó, mỗi con thuyền, con ghe chở theo biết bao hoài bão, ước vọng của con người về sự chinh phục cái rộng lớn, rợn ngợp của thiên nhiên, đem về những mẻ cá nuôi sống gia đình và chính những con mắt ấy đã soi sáng con đường về những hoài bão ước vọng.

Mắt thuyền muôn hình vạn trạng, nhưng nhìn chung ở nước ta, mắt thường trông rất hiền lành. Căn cứ vào màu sắc, hình dáng của mắt, ta có thể xác định rõ phạm vi hoạt động hay khu vực hoạt động của thuyền bè từng vùng. Ví dụ như mắt ghe từ vùng Bà Rịa đổ ra ngoài Bắc có điểm chung là mắt nhỏ, đuôi mắt dài, tròng sơn đen trên nhãn cầu màu trắng, trong khi đó ghe ở Bình Thuận mắt rất dẹt, bầu, hơi cong và nổi bật.

Lưu bản nháp tự động

Thợ cả: Người có biệt quyền “khai quang điểm nhãn” cho mắt ghe

Ở Phan Rang lại trang trí mắt thuyền to hơn hẳn ở Bình Thuận, mắt dẹt và dài hơn rất nhiều. Đặc biệt ở Cửa Lò, mắt ghe lại được vẽ tròn, tròng mắt tròn đồng tâm với mắt hoặc có hình elip. Hầu như, mắt thuyền được dựa trên những đôi mắt của những loài sinh vật có thật ngoài đời, nhằm trấn yểm, mang tính bảo vệ, soi lối cho ngư dân trong quá trình đánh bắt cá. Mắt thuyền có thể là mắt chim ó, loài chim hay săn cá thường xuất hiện khi có sóng lớn, hay mắt của con cú thường sống về đêm, phù hợp với thời gian hoạt động thường nhật của người dân chài.

Hình ảnh mắt chim cũng đã được ghi nhận từ thời vua Hùng, thể hiện rõ nhất khi dân ta khai quật được thạp Đào Thịnh (tạo vật bằng đồng, tựa cái chum ngày xưa nhưng lớn hơn, được phát hiện năm 1961). Thạp Đào Thịnh được trang trí với nhiều hình ảnh khác nhau, trong đó có hình thuyền đáng chú ý khi đầu thuyền được vẽ con mắt chim to, tròn với tròng đen. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho dấu vết đầu tiên về hình dáng mắt chim được chạm khắc trên thuyền, bè của người dân chài lưới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mắt thuyền còn là mắt người hoặc là mắt cá, mà phổ biến nhất là cá Ông.

Cá Ông là cách gọi của người dân chài Việt Nam về loài cá voi. Trong quan niệm của họ, cá voi là loài cá phù trợ, tính tình hiền lành, luôn giúp đỡ người dân chài lưới lùa cá, cứu giúp khi thuyền gặp sóng lớn. Trong một vài ghi chép của của các thư tịch thời Nguyễn, cá Ông (cá voi) là loài linh thiêng, được tôn kính từ triều đình cho đến người dân. Loài cá này phù hộ độ trì cho ngư dân ra khơi đánh cá, buôn bán, sinh sống trên biển, đồng thời mỡ cá còn là loại thuốc quý, có thể cứu người. Có lẽ vì lý do đó, mỗi khi thấy xác cá Ông trôi dạt vào biển, ngư dân ta lại cùng nhau chôn cất kỹ lưỡng, thờ cúng cẩn thận và lập cả đền thờ nơi xác cá được phát hiện.

Có nhiều nghi thức, văn hóa ứng xử độc đáo xoay quanh tục vẽ mắt cho thuyền này. Chính bởi họ coi con thuyền như một linh vật sống, các nghi lễ từ khi đóng thuyền đến lúc hạ thủy đều được tiến hành rất trang nghiêm và mang đậm tính duy tâm như lễ phạt mộc, lễ đưa dăm, lễ cúng ghim lô, lễ khai nhãn và lễ hạ thủy. Sau khi làm vỏ thuyền thì chủ thuyền mới tiến hành cúng lễ để vẽ mắt cho thuyền. Khi vẽ xong, họ đặt “phong nhãn”, hay còn gọi là che mắt thuyền. Điều này thường được thực hiện bởi chủ thuyền hoặc ngư dân nhiều tuổi, dày dạn kinh nghiệm. Trước khi gắn bó với biển cả bao la, gắn liền với một phần cuộc sống của những ngư dân, con thuyền phải được khai nhãn, phải được thổi hồn vào từng thớ gỗ đắp lên nó.

Đặc biệt, lễ khai nhãn (khai quang điểm nhãn) được xem như là một nghi thức khai tâm. “Khai” là mở, “tâm” là bên trong, khai tâm là nghi lễ thổi hồn cho thuyền, biến thuyền thành một vật sống, che chở, bảo hộ cho họ được bội thu những mẻ cá, được an toàn khi ra khơi cũng như là thể hiện hiện lòng biết ơn của mình đến với những thế lực thần linh đã khiến những ước nguyện đó thành sự thật. Mắt thuyền cũng từ đấy mà lênh đênh trên biển theo ngư dân, trở thành một trong những nét văn hóa độc đáo, là cầu nối linh thiêng kết nối linh hồn của người dân chài với con thuyền bám biển. Đồng thời, có thể thấy mắt thuyền còn là hình tượng nghệ thuật thị giác độc đáo, là nét chấm phá đặc biệt trong nghệ thuật hoa văn trang trí của dân tộc Việt Nam.

Lưu bản nháp tự động

Ảnh Võ Việt

Cùng với sự phát triển của xã hội và thế giới, công nghệ đóng thuyền ngày nay đã phát triển hơn trước rất nhiều, song, cùng với đó là sự mai một những nét văn hóa truyền thống như vẽ mắt thuyền được nêu ở trên. Công nghệ có thể thay đổi cách thức, đẩy nhanh quá trình xây dựng, nhưng những tín ngưỡng văn hóa mang đậm đà truyền thống làng chài, định hình nên bản sắc người ngư dân thì cần được giữ gìn và phát triển. Về góc độ nghệ thuật dân gian, tâm linh tín ngưỡng, tục vẽ mắt cho thuyền nên được nghiên cứu kỹ và phổ cập nhiều hơn đến với giới trẻ, đặc biệt là khi chúng ta có thể tận dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để lan truyền những giá trị văn hóa trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau, lưu trữ và phát triển để người đời sau còn nhớ mãi.