Vào những năm 60, sinh viên Việt mới sang Pháp thường được dân Tây khuyên nên đi xem kịch, là cách học tiếng Pháp rất nhanh. Nhưng sinh viên thì tiền đâu mà “học” kiểu này. May lắm nơi trọ có truyền hình thì ôm mục Xem Kịch Tối Nay phát sóng vào mỗi tối thứ 6.
Từng chết đi sống lại, đặc biệt mấy năm gần đây Kịch đường phố hồi sinh mạnh mẽ. Đây là loại hài kịch khá hay, nó gây cười nhưng không mang tính dung tục, được xác nhận là tốt hơn các vở bí hiểm tối tăm và nhỏng nhảnh kiêu kỳ kiểu trí thức.

Bước đầu

Kịch đường phố, Théâtre de Boulevard, không phải là kịch ngoài đường.

Được phát triển vào nửa sau thế kỷ 18, Kịch đường phố là của giới tư sản bình dân, lúc bấy giờ hãy còn mang tên từng khu. Khởi đầu nằm dồn ở phố Temple, ranh giới chia cách quận 3 với quận 11, Paris. Dần dà, tinh thần kịch được định hình hơn bằng khiếu hài hước và sự xuất hiện rất nhiều vai xấu, giết người, cướp của, tình tiết xảo quyệt, mánh khóe tội ác…, nên đại lộ Temple được tặng thêm biệt danh Đại lộ tội phạm, rất được quần chúng yêu chuộng vì có thể thong thả dạo chơi cùng lúc tiêu khiển, giải trí, cà phê thuốc lá – vì yên trí, tội phạm đều… bận núp trong sân khấu cả rồi.

Theo chân giới trưởng giả, nó sải bước rộng ra, đến một lúc thì tên kịch từng khu bị quên lãng để nhường cho tên mới gọi chung là Kịch đường phố, từ nay khẳng định một thể loại văn học sân khấu. Vào năm 1862 thành phố Paris được quy hoạch lại, xây dựng Quảng trường Cộng hòa (Place de la République) ngày nay, nên tất cả các quán rượu, quán cà phê-nhạc, các nhà kịch đều bị phá bỏ – trừ nhà Folies-Mayer nằm phía bên kia đường thì thoát, để đến năm 1990 được ghi vào danh sách các Kiến trúc lịch sử.

Dần dà nó cũng là loại kịch nghệ kinh doanh, phần lợi nhuận mang về được xem là chính yếu, nên lề luật bắt đầu áp đặt, quy định cách thức trình bày, nội dung biết nịnh nọt khán giả, thay đổi cái đùa nhã thành kịch vui châm biếm tục lệ hay tình trạng xã hội, nhất là phải biết duy trì cái đẹp và phải thích hợp với đạo đức và chính trị đương thời.

Sau bao năm tung hoành, vốn tiết mục của thể loại kịch nghệ này khá dồi dào. Nhưng bắt đầu từ Thế chiến thứ nhất, nó bị thông tục hóa và xuống cấp, rơi vào quên lãng.

Thăng trầm

Nhưng nó đã từng sống lại. Vào những năm 60 cùng với đà phát triển máy truyền hình, rất nhiều chương trình Pháp nhập cư vào Bỉ. Nhờ vậy năm 1966, nhân vụ cạn chương trình do nhân viên kỹ thuật kéo dài cuộc đình công, các ông giám đốc truyền hình Pháp túng thế bèn đưa một vở duy nhất đã được thâu hình từ Bỉ ra trám chỗ. Thành công mỹ mãn. Đài truyền hình nhận rất nhiều thư, khán giả đòi được ngồi ở nhà rung đùi xem kịch trên màn ảnh nhỏ. Kết quả là đầu tháng 7 năm 1966, tiết mục Xem Kịch Tối Nay (Au théâtre ce soir) ra đời, dùng lại rất nhiều vở trong danh mục đã có từ thời năm nẵm. Đến tháng 9-1985 tiết mục này mới chấm dứt.

Rồi trong một thời gian dài thiên hạ hầu như quên bẵng nó, cho là thứ phụ, bị xem thường, rằng nó nhồi nhét cái hay và cái dở trong cùng một túi. Nhưng có vẻ nhờ khủng hoảng xã hội về nhiều mặt từ cuối thế kỷ 20, đã cho phép nó trở lại càng lúc càng huy hoàng. Rõ ràng là người ta muốn xem cái gì nhẹ nhàng, thích tiếng cười hơn tiếng khóc. Và dạng kịch này lý tưởng cho việc giải trí, nó giúp người ta khuây khỏa, nó tụ họp được mọi người, không phân biệt. Các chủ đề gái-trai, chủ-tớ, vợ-chồng-tình-nhân… muôn đời vẫn nóng hổi, thời thượng, không có tuổi, nên luôn luôn ăn khách. Gặp vở hay, từ lúc mở màn đến khi chấm dứt khán giả có thể cười thoải mái, hết lòng, mệt nghỉ.

Bởi vì Kịch đường phố chẳng còn mang một thông điệp gì đặc biệt ngoài kiểu mua vui, hiệu quả dễ dàng, thường là câu chuyện lăng quăng trời ơi, nên thành công chỉ nhờ tài diễn xuất. Khán gỉả có thể hài lòng với tất cả các nhân vật trên sân khấu, mỗi người một sắc thái riêng, một chín một mười, không ai dở cả. Sau đó khán giả ra về hỉ hả, thoải mái, cơn cười vẫn còn ấm ức đâu đó. Và vì diễn viên tài tình, tay nghề cao, tự tin, có khi nói với khán giả “Quý vị cứ tiếp tục vỗ tay đi cho tôi uống miếng nước”. Họ diễn và nhìn khán giả không chút e dè, giữa người diễn và người xem có sự “đồng lõa” nào đó, truyền thông, vui vẻ, hợp tác, thân thiện. Họ không đơn độc.


Quảng trường Cộng hòa, nơi người ta đặt hoa và nến tưởng niệm cuộc thảm sát ngày 13 tháng 11 năm 2015.

Kịch đường phố là nét phản chiếu của xã hội, của đời sống hằng ngày với sự lựa chọn là làm cho cười hơn là khóc. Đối với một số kịch tác gia, họ còn tạo tính phổ quát cô đọng tinh thần người Pháp, là các vai thường cực kỳ buồn cười, làm trò, nhưng không vai nào thực sự ác độc xấu xa. Ngược lại, nó luôn hé lộ một nét nhân bản tiềm ẩn. Người ta còn cho rằng các đạo diễn nên tiếp xúc với, nên “bước” qua Kịch đường phố trước khi hành nghề. Bởi vì đây là một loại có tính trực tiếp, không tâm lý sâu xa và rất khó dàn dựng.

Kịch đường phố là một nghệ thuật tinh vi. Khác với kịch tâm lý có phần nào kín đáo phức tạp, Đường phố thì lồ lộ ra cả đấy, khán giả bước vào “nhà” của họ, cười thỏa thích, trong khi họ vẫn phải tiếp tục diễn xuất và làm cho khán giả nghe được, họ không được chệch hướng, không được đánh mất sự chân thành, và tuyệt đối không bao giờ trở thành máy móc. Có diễn viên tài danh đã nói đây là loại kịch cũng khó diễn như bi kịch của Racine. Nó đòi hỏi một kỹ thuật chắc chắn, truyền cảm hứng với lòng tự trọng, chọc cười mà không gượng không thô, hướng đến mọi tuổi tác, mọi tầng lớp khán giả trong tinh thần lành mạnh. Các phòng kịch luôn đầy hết ghế.

Nếu ở nhiều nơi, diễn viên tính tình vui vẻ ưa giễu thường bị lôi kéo đóng kịch hài, thì ở Pháp từng có giáo sư đang dạy triết đã không ngần ngại bỏ nghề, để viết và đóng Kịch đường phố, nổi tiếng bắt đầu từ những năm 80.

Giới trẻ thường biểu diễn nhiều tiết mục trên đường đi bộ Nguyễn Huệ. Hy vọng ngày nào có một ban kịch nho nhỏ sẽ khai mào cho Kịch đường phố Việt Nam ?

Thông thường các rạp xi-nê hay kịch ở Paris, lối vào lối ra khác nhau. Nên sau khi xem một vở kịch khiến mình hoan hỉ, người ta còn có thể nhấm nháp cái thú vị bất ngờ là ra về trong một khu khác hoàn toàn tĩnh lặng của Paris, mà tiếng ồn duy nhất là âm vang tiếng cười vẫn còn trong cổ cùng tiếng giày lộp cộp trên đường phố vắng…