Theo phép khoa cử: thi Hương thì trường nhất kinh nghĩa, trường nhì thi phú, trường ba văn sách, như tôi có nói ở đoạn trước rồi. Thí sanh nào đậu trường này mới được vào trường khác. Thí sanh nào đậu cả ba trường mà trường nào cũng chỉ được phê “thứ”, thế là sẽ liệt vào hạng tú tài. Còn ai, trong ba trường mà có một giở lên được phê “bình” hay “ưu” thì mới được vào trường tư, gọi là “phúc hạch”. Trường phúc hạch họa mới có người rớt; còn đỗ thì là cử nhân. Văn thể của trường tư gọi là “lược bị”, nghĩa là đủ mỗi thứ một chút: một bài kinh nghĩa, một bài phú ngắn, một bài văn sách ngắn.

Thi Hương ở thành Nam: Trong trường thi

Bởi thí thức như thế cho nên các trường tư cũng cứ theo như thế mà luyện tập cho sĩ tử. Đại để trường nào cũng tập làm bài một tháng ba kỳ, có ngày nhất định. Như trường tôi thì luôn mười năm lấy những ngày mồng một, mười một, hâm mốt mỗi tháng, không hề thay đổi. Ngày mồng một thì tập trường nhất: đề ra bảy bài kinh nghĩa, năm kinh hai truyện, nhưng mỗi quyển chỉ làm một kinh một truyện là đủ; còn ai có sức dư làm nhiều hơn, gọi là “kiêm trị”, càng hay. Sự đó cũng là chiếu theo thể thức ở trường thi. Ngày mười một thì tập trường nhì: đề ra một bài thi thất ngôn luật, một bài phú sáu vận, phải làm cả hai. Ngày hâm mốt thì tập trường ba: đề ra một bài văn sách dài, phần trước hỏi trong kinh sử, gọi là phần “cổ”; phần sau hỏi về thời sự, gọi là phần “kim”. Tiếng là thời sự, chứ kỳ thực, người ra đề không hề dám đả động một tý gì đến việc chánh trị triều đình cả; lúc trong trường thi đã vậy mà lúc ở nhà tập cũng vậy, người ta chỉ chiếu lệ ca tụng nhà vua mà thôi. Đại khái một trăm cái đề văn sách, cái nào về phần kinh cũng hỏi: “Hoàng thượng ta có tư bẩm thông minh, có đức tánh hiếu đễ; từ ngày lên ngôi đến nay, mọi việc đều sửa trị, muôn dân được an vui; bây giờ muốn trong nước càng thái bình hơn, thì nên làm thế nào cho được?”

Tôi còn nhớ vào những năm Đinh Dậu, Mậu Tuất, Thành Thái cửu và thập niên, mấy tỉnh chặng giữa Trung Kỳ mất mùa, đói kém, người ta chết đầy đường. Ngay ở Huế, quan phải làm trại kề chợ Đông Ba, nấu cháo mà phát chẩn hàng năm sáu tháng. Thế mà trong hai bài văn sách cả khoa Hương, khoa Hội hai năm ấy, người ta cũng cứ nói cái giọng “mọi việc đều sửa trị, trăm họ được an vui” mới nực cười cho! Nhờ cách học và thi ấy mà lúc bấy giờ có những ông cử ông tú không biết người Tây đến ở xứ ta làm gì, cũng không hay rằng nước ta bị bảo hộ nữa, dù trong đám họ có kẻ đã chính mắt trông thấy cuộc Kinh thành thất thủ!

Mỗi một kỳ bài nghỉ hai ngày. Rồi đến những ngày mồng ba, mười ba, hâm ba, mỗi trò phải nộp bài mình và lại bắt đầu nghe sách. Như thế, tính ra mỗi tháng được nghỉ sáu ngày, nhưng nghỉ để làm bài vậy.

Làm bài như thế gọi là “bài kỳ”, được đem về nhà thong thả. Còn có làm ngay ở trường trọn một ngày thì gọi là “tịch thượng” hay “nhựt lực”. Sự nầy tùy mỗi trường mà khác. Trường tôi thì cứ ba tháng làm nhựt lực một lần, mà một lần chiếm trọn ba ngày bài kỳ đã định trong một tháng. Nghĩa là trọn ngày mồng một làm trường nhất, trọn ngày mười một làm trường nhì, trọn ngày hâm mốt làm trường ba, mà đều làm tại trường cả. Có khi vì cớ học trò đông quá, trường không đủ chỗ cho họ ngồi, thầy cũng có cho phép đem về nhà trọ mà làm.

Trong thời kỳ còn đi học, tôi không lấy gì làm vui bằng gặp ngày “tịch thượng”.

Sáng sớm, ai nấy đều đã tới trường đông đủ cả. Mỗi người mang viết, mực, giấy nháp, quyển vở và yên, trắp theo. Yên, trắp dùng để đặt quyển lên mà viết trong khi làm bài xong. Cây viết họ thường giắt bên tai, một đầu lọt trong nép khăn, một đầu thọc ra ngay má.

Bữa nay thì kẻ đứng người ngồi, lộn xộn, không được tịnh túc như ngày thường nghe sách. Vì trước khi ra đề, ai ai cũng dộn dực muốn biết là đề gì, nên đi lại, xầm xì bán tán với nhau.

Đề viết trên một tờ giấy bạch mà thứ giấy đại, bằng chữ chơn phương hàng sáu, rồi dán trên một tấm bảng cót nho nhỏ. Một người trong nhà thầy cầm tấm bảng đi ra, đứng lên ván, treo vào cái đinh đầu cột cao quá với. Tức thì người ta bu lại như kiến, đứng dưới nhìn lên mà chép theo vào trong tờ giấy nháp của mình.

Thường thường, những ngày “nhựt lực”, thầy không ra mặt, như có ý để học trò được tự do đứng ngồi, khỏi phải thấy mình mà ké né.

Rồi thì trên các dãy ván, đến ngoài hè, ngoài vườn, bên những bụi chuối, đâu đâu cũng có người ngồi. Họ bắt đầu cùng nhau bàn luận về cái đề mục cho thật chín, rồi mới khởi sự làm bài.

Nhiều anh trong miệng thì hầm hầm, hừ hừ, cái đầu thì lắc qua lắc lại hay gục lên gục xuống, ấy là có thói quen mỗi khi nghĩ bài thì làm như thế. Trong lúc ấy họ cũng hay hút thuốc, hoặc thuốc quấn giấy, hoặc thuốc quấn nguyên lá như điếu xì gà. Một người xuống nhà dưới, kiếm một khúc dây dừa đứt, đem vô bếp đốt một đầu, rồi đem lên để dành thắp thuốc, vì bấy giờ còn hiếm diêm.

Nếu trong khi ấy mà có người ở một nước nào xa lạ đến xem, họ sẽ thấy mà không hiểu làm cái gì lạ thế: hàng mấy trăm người ngồi chung một chỗ mà người nào cũng cằm cằm cùng cục, tịnh không nói một tiếng nào!

Trưa rồi. Người nào ở gần thì chạy về ăn cơm. Còn ở xa thì có kẻ mang cơm đến. Một số người muốn cho tiện, lúc sáng ăn cơm đi, có ép mang theo một gói, bây giờ mở ra ăn. Giữa bữa ăn, người ta vẫn không chịu bỏ dở câu văn đương nghĩ, quăng đũa, cầm viết, thảo lia thảo lịa cho xong.

Xế qua, ai nấy khởi sự viết tinh vào quyển mình cho đến chiều thì đem nộp. Đến tối, ăn cơm hôm rồi mới đem nộp, tức là “ngoại hạn”, thầy không thâu nữa. Nhưng qua trường ba, bài văn sách khi nào cũng dài, thì được phép đốt đèn lên mà viết; có lúc thầy rộng lượng cho kéo dài cái kỳ hạn nộp quyển đến sáng hôm sau.

Ba kỳ nhựt lực xong ba trường, cũng có định một ngày nữa làm lược bị, tức là trường tư. Thế rồi xâu bốn kỳ lại mà chia thứ lớp ai đứng cao, ai đứng thấp và dán tên trên bảng, sau khi thầy chấm đi chấm lại hai lần.

Bài kỳ vậy mà nhựt lực cũng vậy, hễ thầy chấm xong, đến ngày phát quyển ra cho học trò là có bình văn. Cuộc bình văn cũng vui lắm.

Sáng hôm ấy, khi học trò tới đã đông, thầy giao ra những quyển được phê “ưu, bình” cho xem. Những người học còn kém, thường đem bút giấy theo mà biên những quyển ấy. Bài nào được trọn thì họ biên trọn; còn bài được một vài đoạn hoặc dăm ba câu, họ cũng không bỏ qua. Những bài biên lấy đó, họ đem về để dành, phòng sau có gặp những đề trùng hay tương tợ thì họ sẽ “ăn cắp”.

Hôm bình văn, thầy ra ngồi đàng hoàng như những ngày nghe sách. Trong những quyển bình ưu ấy, thầy chọn một vài quyển trổi hơn rồi bảo trò nào tốt giọng đọc lên. Dứt một đoạn, thầy cắt nghĩa cho nghe đoạn ấy tại sao mà được; và trong đó có điều gì đáng nói, thầy cũng nói nhân thể. Có khi thầy cho phép học trò chỉ trích những bài mà chính thầy đã phê “bình” phê “ưu”. Người nào có bài được đọc thì tự nhiên là ngày ấy không khỏi làm ra hãnh diện với anh em.

Một trường tư thục lớn như trường thầy tôi, xong bốn kỳ nhựt lực rồi mà ai đậu đầu, thật cũng có danh giá lớn lắm, không kém chi đứng đầu một kỳ hạch ở tỉnh mà người ta thường gọi là “đỗ đầu xứ”. Tôi học trong mười năm mà chỉ được đậu đầu có một lần vào năm tôi 24 tuổi. Tôi lấy nhà tôi cũng tại lần đậu đầu ấy; vì sau khi ấy ông nhạc tôi kêu tôi mà gả con gái cho liền, tức là người vợ tôi bây giờ.

Cụ Thượng Phạm Liệu, bấy giờ giỏi nhất trường, hay đậu đầu lắm. Tiếng dậy cả một vùng, đến nỗi trong dân truyền nhau câu hát:

Nhất là Phạm Liệu Trừng Giang;

Nhì là lão Tuấn La Nang nhiều tiền.

Làng La Nang ở kế cận làng Nông Sơn. Lão Tuấn người ở làng ấy mà chẳng phải giàu gì cho lắm, vốn liếng chừng đôi ba ngàn quan tiền mà thôi. Chẳng biết người đặt ra câu ấy do tình thật hay là có ý nhạo ngầm!