“Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng” chính là thể hiện của tính cứng rắn. “Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật” lại là thể hiện của tính ôn nhu. Còn “trời đất yên bình”, “nước dập được lửa” là sự kết hợp của cương và nhu, trạng thái âm dương cân bằng. Đó cũng chính là Đạo chung sống giữa người vợ và người chồng trong gia đình.

Khái niệm âm dương trong văn hóa truyền thống được nhắc đến rất nhiều, ở mọi phương diện như trong Thái Cực, Chu Dịch, Trung y…Hầu hết những gì thuộc về truyền thống đều lấy âm dương làm nền tảng lý luận. Trong lý luận âm dương thì âm dương hòa hợp, kết hợp cương nhu lại được cho là trạng thái tốt nhất.

Đối nhân xử thế của người xưa - Kỳ 3: Nguyên tắc đối đãi giữa người chồng và người vợ
(Hình minh họa: Qua Kknews.cc)

Trong gia đình, người vợ và người chồng là hai người giữ vị trí chủ đạo nhất. Họ, bên trên thì phụng dưỡng cha mẹ, bên dưới thì dưỡng dục con cái. Nếu như mối quan hệ giữa vợ – chồng mà rạn nứt thì cha mẹ không được phụng dưỡng, con cái không được dưỡng dục, gia đình ngay lập tức bị tan vỡ. Nếu mối quan hệ giữa vợ – chồng mà không hòa thuận thì trên sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với cha mẹ, dưới làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với con cái, ngang hàng thì ảnh hưởng đến mối quan hệ với anh em. Cho nên, mối quan hệ giữa vợ và chồng một khi xuất hiện vấn đề thì gia đình sẽ bất hòa, tiến đến là ảnh hưởng đến toàn xã hội. Vậy, vợ và chồng phải đối đãi với nhau như thế nào?

Nguyên tắc đối đãi giữa người chồng và người vợ

Trong  “Đằng văn công thượng”, Mạnh Tử viết: “Phu phụ hữu biệt”, ý nói vợ chồng có sự khác biệt, bất đồng. Vì sao có sự khác biệt? Chính là giữa nam và nữ, từ sinh lý đến tâm lý, từ tư duy đến tập quán, từ tính cách đến hành vi, thậm chí là trách nhiệm gánh vác đều là khác nhau. Nam và nữ có sự khác biệt cho nên vợ và chồng chính là có sự khác biệt.

“Phu phụ hữu biệt” được ghi chép sớm nhất trong “Dịch kinh”. Trong “Dịch Kinh” viết: “Gia nhân, nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã.” Ý tứ rằng: Người vợ đóng vai trò làm người lo việc nội trợ, phải lo săn sóc, dạy dỗ con cái, trong khi người chồng có bổn phận phải đi ra ngoài, để lo sinh kế. Sự phân chia vai trò của người chồng và người vợ như vậy được cho là phù hợp với đại Đạo của Thiên địa âm dương.

Trong “Dịch Kinh” cũng viết: “Âm tuy hữu mỹ, hàm chi dĩ tòng vương sự, phất cảm thành dã. Địa đạo dã, thê đạo dã, thần đạo dã”. Ý nói, “Âm” mềm là người dưới, mặc dù có đức đẹp chỉ nên cất giữ không để lộ mà nên lấy nó để giúp cho sự nghiệp của đấng Quân vương, không dám nhận sự thành công là của mình. Đó là đạo lý thuận trời, đạo lý theo chồng, đạo lý tôi trung với vua.

Đối nhân xử thế của người xưa - Kỳ 3: Nguyên tắc đối đãi giữa người chồng và người vợ
(Hình minh họa: Qua Kknews.cc)

Âm dương ngũ hành là đại đạo vận hành của vạn vật Trời đất. Trong gia đình, người chồng là dương, người vợ là âm, âm chỉ có thể phụ giúp dương mà không nên áp chế dương để hiển lộ mình, nếu không sẽ là nghịch Thiên.

Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có tồn tại thuộc tính âm dương. Cho nên, con người và sự vật nếu như đều có thể thuận theo sự an bài sẵn theo thuộc tính của mình thì mới có thể cân bằng, hài hòa và yên ổn. Còn nếu như cậy mạnh lấn yếu, bên dưới lại mạo phạm bên trên thì sẽ sinh ra biến dị, nghiêng lệch, không hài hòa. Âm dương đảo ngược, âm thịnh dương suy…đều là biểu hiện của sự biến dị.

“Kết hợp nhu và cương” chính là Đạo vợ chồng. Người chồng là thuộc tính dương, là cương, mạnh mẽ. Người vợ là thuộc tính âm, là nhu mềm. Trong gia đình, người chồng cương trực, vững chãi, khoan dung, độ lượng làm chủ, làm người bao bọc bên ngoài gia đình. Ngược lại, người vợ có tính ôn nhu, nhún nhường, mềm mại làm phụ, làm người quán xuyến mọi việc bên trong gia đình. Đây cũng chính là sự an bài theo đặc tính của người nam và người nữ.

Người chồng trong gia đình được xưng là chủ nhà, là trụ cột, là người đứng đầu, là chỗ dựa vững chắc cho mọi người trong gia đình, nên phải đảm đương trách nhiệm của một nam tử hán. Còn người vợ có nghĩa vụ phụ giúp chồng, dạy con, nghe theo lời đề xướng hợp quy phạm đạo đức của người chồng, cân bằng mối quan hệ của cả gia đình, là nơi bến cảng để mọi người nghỉ ngơi. Vợ chồng có chủ, có phụ, có trong có ngoài, có ân có tình cùng hỗ trợ cho nhau thì sẽ xây dựng được một gia đình hòa thuận, đầm ấm.

Cho nên, trong gia đình, vợ chồng phải yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, kính trọng nhau như khách, có việc thì cùng bàn bạc để làm. Lúc đó gia đình sẽ hòa thuận, sự nghiệp hưng thịnh và tự nhiên sẽ được “bách niên giai lão”.

Câu chuyện vợ chồng “tương kính như tân”

Đối nhân xử thế của người xưa - Kỳ 3: Nguyên tắc đối đãi giữa người chồng và người vợ
(Hình minh họa: Qua Kknews.cc)

Vào thời đại nhà Hán, gia đình họ Mạnh sinh được một cô con gái tên là Mạnh Quang. Cô gái từ khi sinh ra đã có tướng mạo xấu xí nhưng lại khỏe mạnh, hiền thục, thông minh và hiểu biết lễ nghĩa.

Gia cảnh nhà Mạnh gia cực kỳ giàu có, số người đến xin cầu hôn Mạnh Quang cũng không phải ít, nhưng mỗi lần có người đến cầu hôn, cô đều không ưng ý. Dung mạo của Mạnh Quang mặc dù xấu xí nhưng cô cũng không vì thế mà cảm thấy tự ti và cũng không vì giàu có mà kiêu căng. Cô không muốn truy cầu một cuộc sống danh lợi phú quý. Trong nội tâm của cô chỉ coi trọng việc tu dưỡng đạo đức. Mặc dù tuổi đã lớn mà vẫn chưa thành thân nhưng cô cũng không vì thế mà lo lắng, hàng ngày đều hiếu kính cha mẹ, an phận với cuộc sống.

Mạnh Quang có tín niệm kiên định như vậy nên cha mẹ cô rất lo lắng, thấy con gái mỗi năm một nhiều tuổi hơn, cha mẹ sốt ruột mà hỏi cô: “Đã nhiều năm như vậy, cũng có nhiều người đến cầu hôn như thế, trong đó người giàu cũng có, người khôi ngô tuấn tú cũng có, người có địa vị cũng có, người tài hoa cũng có, nhưng con đều không ưng ý, rốt cuộc là con muốn một người như thế nào?” Mạnh Quang liền trả lời: “Con hy vọng người đó có tiết tháo như Lương Hồng!” (Lương Hồng là một hiền sĩ thời Đông Hán)

Lương Hồng là một vị thư sinh hiếu học, gia cảnh bần hàn, cha mẹ sớm đã qua đời. Lúc ấy, Lương Hồng tuy tuổi còn trẻ nhưng  rất kiên nghị, chăm chỉ học hành và còn được đưa đến trường cao nhất thời đó để học tập. Bởi vì ông thông minh hiếu học, tinh thông kinh sử lại có đức hạnh khiến cho ai trong thời đó cũng đều kính nể ông.

Sau này khi Lương Hồng trở về quê quán, tiếp tục học tập để tự nâng cao bản thân mình. Ở quê nhiều người gặp Lương Hồng tuấn tú lịch sự, khí chất nho nhã, lại có học vấn cao nên rất ngưỡng mộ thậm chí đều muốn gả con gái cho ông. Người đến xin thành thân cũng rất nhiều, trong đó không thiếu những cô gái con nhà cao quý, giàu có và xinh đẹp, nhưng đều bị Lương Hồng từ chối một cách khéo léo. Trong lòng Lương Hồng, từ trước đến nay chỉ tôn sùng đạo đức chứ không ham danh lợi tài sắc. Ông hy vọng có thể tìm được một người cùng chung chí hướng với mình.

Sau khi Lương Hồng được biết Mạnh Quang là người phẩm đức hiền lương, ông có chút ngạc nhiên nhưng cũng cảm thấy bội phục trong lòng liền mời người đến cầu hôn. Mạnh Quang cũng ưng ý mà chấp thuận.

Đến ngày kết hôn, Mạnh Quang ăn mặc và trang điểm vô cùng xinh đẹp, ai nấy đều vô cùng bất ngờ và vui vẻ, duy chỉ có Lương Hồng là không thèm nhìn ngắm vợ. Nguyên do là vì điều Lương Hồng kỳ vọng chính là một người vợ có thể cùng ông sống một cuộc sống “áo vải” đơn giản. Hôm nay, Mạnh Quang ăn mặc diêm dúa, tô son đánh phấn vẽ lông mày khiến Lương Hồng có chút hồ nghi thất vọng.

Hiểu ý chồng, Mạnh Quang quay trở lại phòng thay một bộ trang phục vải thô bước ra, Lương Hồng biết rõ vợ có cùng chí hướng với mình nên vui mừng nói: “Đây mới thực sự là vợ của Lương Hồng chứ!” Cũng từ đó ông đặt cho vợ một tên chữ là Đức Diệu.

Đối nhân xử thế của người xưa - Kỳ 3: Nguyên tắc đối đãi giữa người chồng và người vợ
(Hình minh họa: Qua Kknews.cc)

Về sau, hai người cùng nhau đến núi Bá Lăng sinh sống ẩn cư, sống một cuộc sống đồng ruộng. Lương Hồng hàng ngày ra ruộng cày cấy còn Mạnh Quang ở nhà dệt vải, làm nội trợ, rất chăm chỉ. Những lúc nhàn rỗi, hai vợ chồng lại cùng nhau đọc sách, đánh đàn, học tập đạo đức. Cuộc sống của họ tuy rất đơn giản nhưng lại vô cùng vui vẻ hạnh phúc.

Sau này,  Lương Hồng và Mạnh Quang dọn đến nhà Phụ Bá Thông ở, dựa vào giã gạo thuê cho người khác để kiếm sống.

Mỗi lần Lương Hồng trở về nhà thì Mạnh Quang đã chuẩn bị xong cơm canh đầy đủ. Hơn nữa mỗi lần đưa cơm canh cho chồng, Mạnh Quang thường giơ cao mâm cơm lên ngang lông mày và cúi đầu xuống một cách cung kính. Lương Hồng cũng cúi người và cung kính nhận lấy, hai vợ chồng họ tương kính như tân, dùng lễ mà đối đãi với nhau.

Có một lần Cao Bá nhìn thấy cảnh này, ông cảm thấy vô cùng ngạc nhiên nói: “Vị này thật biết “đào tạo” người, có thể khiến cho vợ của mình tôn trọng mình như vậy, nhất định không phải là một người bình thường. Đây nhất định là hai vị quân tử ẩn cư rồi!”

Lương Hồng sau này mắc bệnh mà qua đời. Người đời sau nghe được câu chuyện này, cho rằng vợ của Lương Hồng không truy cầu phú quý, có thể sinh sống một cuộc sống nghèo khó, coi trọng nhân nghĩa đạo đức của người phụ nữ, thật là người tài đức sáng suốt. Còn Lương Hồng chú trọng tu dưỡng phẩm đức bản thân, không tham tài sắc, không ham danh lợi, vui với việc học tập nâng cao đạo đức bản thân khiến cho mọi người kính nể. Câu chuyện này chính là nguồn gốc của câu “Cử án tề mi” (tạm dịch: Nâng mâm lên ngang lông mày).

Kết luận

Vợ – chồng: Người chồng là người chủ trong gia đình, phải chú trọng tu dưỡng đạo đức, là người gương mẫu, đảm nhận trách nhiệm của người làm chồng đối với gia đình. Người vợ phải trợ giúp chồng thành đức, nghe theo lời đề xướng hợp quy phạm đạo đức của người chồng. Hai người phải tận hiếu đạo, giáo dưỡng con cái, gia đình có việc phải cùng nhau bàn bạc.

Vợ chồng nếu có thể tiếp thu được lời khuyên can của đối phương, suy nghĩ nhiều cho đối phương, đồng thời giúp đỡ và yêu thương lẫn nhau, thông cảm cho nhau thì gia đình sẽ được êm ấm và sự nghiệp sẽ hưng thịnh.

An Hòa