Chắc hẳn chả mấy ai xa lạ với chuyện cổ tích Tấm Cám, vốn kể về nàng Tấm chân thật, xinh đẹp, nhưng luôn bị hãm hại bởi mẹ con nhà Cám.

Tuy nhiên, câu chuyện Tấm Cám mà ngày nay chúng ta được biết đến đại chúng nhất lại không phải là bản đầu tiên và cũng không phải là bản được lưu truyền rộng rãi nhất vào thời xưa. Bản Tấm Cám mà chúng ta biết đến hiện này là do sự lựa chọn của Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn, quyết định ấn hành. Và câu truyện này với sự phát triển của truyền thông, báo chí cũng như sự kết nối của thế giới hiện đại đã giúp cho bản Tấm Cám hiện nay trở nên thịnh hành nhất, được xem là bản chính.

Tuy nhiên, trên thực tế trong xã hội Việt Nam trước đây lại tồn tại từ 01-02 dị bản khác nhau vè câu truyện Tấm Cám này. Mình xin giới thiệu 04 dị bản nổi tiếng nhất đến nay còn lưu truyền, mà ít ai biết. Điều đặc biệt đa số các dị bản thì vị trí của Tấm-Cám đều bị đổi cho nhau.

1. CÔ TẤM LÀNG MAI

Quê hương của 2 chị em Tấm Cám trong truyện cổ tích được nhắc đến là làng Mai. Ngày nay có rất nhiều lời bài hát hoặc thơ ca khen ngợi những người con gái hiền lành đảm đang được ví như “Cô Tấm Làng Mai”. Làng Mai thuộc xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội ngày nay. Làng Mai hiện còn lưu truyền một dị bản về câu chuyện Tấm Cám như sau: chuyện kể rằng một lần Hoàng từ nhà Đinh về Hội làng Mai, tình cờ nhặt được một chiếc hài gấm rất đẹp. Hoàng tử đã tìm được người con gái đánh rơi hài, cho là duyên kỳ ngộ nên cưới làm Hoàng tử phi. Đó là cô Tấm làng Mai. Trong Hội làng Mai bây giờ, khi các bà người làng Mai vào dâng rượu, dâng hương lên Đinh Tiên Hoàng, đều đội khăn xếp màu vàng, mặc áo lụa vàng, chân đi hài gấm, mô phỏng cô Tấm ngày xưa.

2. PHIÊN BẢN THẦN TÍCH Ỷ LAN PHU NHÂN

Ở vùng Bắc Ninh, thì truyện Tấm Cám được truyền tụng như là lịch sử Thái phi Ỷ Lan. Quyển Lý triều đệ tam hoàng hậu sự tích đã chép truyện bà Ỷ Lan gắn liền với nhân vật Cám (khác với truyện trên, ở đây gọi ngược lại Tấm là Cám và Cám là Tấm. Ỷ Lan thái phi là Cám) và tước bỏ đi nhiều chi tiết của truyện dân gian: Ở làng Thổ Lỗi (hay Siêu Loại), huyện Gia Lâm, có ông Lê Công Thiết và vợ là Vũ Thị Tinh chuyên trồng dâu nuôi tằm. Một đêm vợ nằm chiêm bao thấy mình nuốt mặt trăng, sau đó sinh một cô gái tên là Cám (hoặc Khiết Nương). Vợ chết, chồng lấy vợ kế là Chu Thị, sinh một gái khác là Tấm. Thế rồi, câu chuyện cũng diễn ra với đủ các tình tiết bắt cá, nuôi bống và nhặt xương bống chôn chân giường đúng như truyện trên vừa kể, chỉ có khác ở chỗ Bụt lại là nhà sư Đại Liên, tu ở chùa Linh-nhân. Và điều khác thứ hai đáng lưu ý là xương bống chôn một trăm ngày đào lên được một đôi hài quý, nhưng khi Cám phơi đôi hài, thì một con quạ thần trông thấy, cắp lấy một chiếc bay đến kinh đô rồi thả xuống sân điện. Vua bấy giờ là Lý Thánh Tông chưa có con, cho đấy là điềm lành, bèn loan báo cho đàn bà con gái khắp nơi đi ướm hài. Từ đây truyện phát triển hoàn toàn khác với cổ tích nói trên. Vua đi cầu tự ở chùa, xa giá đến đâu mọi người đua nhau đi xem đến đấy. Chỉ có Cám vẫn chăm chỉ hái dâu.

Một ông hàng dầu thấy một đám mây che trên đầu Cám, bèn mách cho quan quân biết. Vua cho gọi Cám đến hỏi tại sao không đi xem vua trẩy? Cám tâu là vì dì bắt đi hái dâu. Vua cho ướm chân vào hài thì vừa như in. Vua bèn lấy làm vợ, gọi là Ỷ Lan. Ỷ Lan làm vợ vua lâu ngày vẫn chưa có con. Đại Điên gặp Nguyễn Bông (là người vua sai đến chùa) hỏi: “Có muốn làm hoàng tử không?”. Bông đáp: “Muốn”. Đại Điên dặn Bông lẻn vào buồng tắm của hoàng hậu trong lúc Ỷ Lan đang tắm. Kết quả, việc làm của Bông bại lộ, Bông bị án chém. Tối hôm ấy, Thánh Tông mộng thấy một tiên ông đưa đến cho một đứa con trai.

Quả nhiên Ỷ Lan có mang đẻ ra một hoàng tử. Nhưng hoàng hậu họ Dương lại bắt trộm mất hoàng tử, nói dối là con do mình đẻ ra, và thay vào một con mèo nói là con của Ỷ Lan. Lớn lên, hoàng tử nhận ra mẹ đẻ của mình và giết chết hoàng hậu họ Dương cùng bảy mươi mốt cung nữ. Ở Bắc Ninh còn có người kể xen vào những tình tiết khác. Ví dụ: “một trong bốn cái lọ đào được có một lọ nước thần, Nhờ lọ nước, Cám tắm vào, da dẻ trở nên trắng trẻo, người đẹp tuyệt trần”. Hay là: “do Đại Điên bày vẽ, Bông lẻn vào trước buồng tắm của Ỷ Lan, bới cát nằm xuống tự vùi mình, khi Ỷ Lan dội nước, cát trôi, Bông lộ nguyên hình”.

3. PHIÊN BẢN CỦA G. JEANNEAU

Sau đây là nội dung truyện kể ở miền Nam mà G. Jeanneau, người sưu tầm truyện cổ Việt Nam sớm nhất đã ghi được ở Mỹ Tho năm 1886. Có hai vợ chồng sinh hai cô gái Tấm và Cám, là con sinh đôi. Tấm được bố mẹ chăm nom chiều chuộng rất mực, còn Cám thì bị đối đãi như tôi đòi. Một hôm người cha cũng giao cho mỗi con một cái giỏ, bảo đi bắt cá, ai bắt được nhiều hơn thì được gọi bằng chị. Cám được nhiều hơn, nhưng Tấm bảo đưa giỏ cho mình giữ hộ để đi hái rau thơm về kho cá.

Cám trở về thì bao nhiêu cá đã bị Tấm lấy mất chỉ còn một con bống mú. Do đó Tấm được làm chị. Cũng như truyện kể ở miền Bắc, Cám được thần hiện lên bày cho cách nuôi cá bống mú, nhưng nuôi được ít lâu cá cũng bị Tấm tìm cách bắt ăn thịt. Thần hiện lên bày cách bỏ xương cá vào hũ chôn xuống đất, sau sẽ được nhiều vật quý. Một con gà cũng mách cho Cám chỗ vùi xương bống. Sau ba tháng mười ngày, Cám đào lên quả được áo quần đẹp và một đôi giày. Một hôm Cám đem giày đi ra đồng bị ướt, phải đem phơi, bỗng một con quạ cắp mất một chiếc đem bỏ vào cung vua.

Hoàng tử bắt được cho rao mời đàn bà con gái mọi nơi về thử, ai đi vừa sẽ lấy làm vợ. Tấm được bố mẹ cho ăn mặc đẹp trẩy kinh, còn Cám thì phải ngồi nhặt một mớ đậu và vừng trộn lẫn. Thần cho bồ câu đến giúp (có người kể con quạ lần trước tha giày đến bày cho Cám cách sàng để nhặt được nhanh). Sau đó Cám đến kinh thử giày, và trở thành vợ Hoàng tử. Một hôm, Cám nghe tin bố đau nặng bèn về thăm. Thật ra Cám bị lừa, dưới giường chỗ bố nằm có để nhiều tấm bánh đa nướng để khi trở mình nghe tiếng răng rắc. Cám tưởng bố gãy xương thương lắm, khóc rưng rức.

Rồi Cám cởi áo trèo cau theo lời bố. Cây cau bị Tấm chặt gãy, Cám rơi vào hố nước sôi chết. Nhờ có mặt mũi giống Cám, Tấm mặc áo quần rồi vào cung mà không ai biết, kể cả hoàng tử, nhưng hoàng tử ngày một nguội lạnh với Tấm. Cám hóa thành chim quành quạch, và cũng như truyện kể ở miền Bắc, chim bay vào cung gặp Tấm đang giặt áo. Chim cũng nói câu: “Phơi áo chồng tao…” và sau đó cũng được hoàng tử đem về nuôi ở lồng. Tấm cũng bắt chim ăn thịt và nói rằng mình có mang thèm ăn thịt chim. Chỗ vứt lông chim mọc lên một măng tre, sau đó bị Tấm chặt làm thức ăn. Vỏ măng hóa thành một cây thị chỉ có mỗi một quả, mỗi lần hoàng tử ở nhà thì cành lá xòa xuống thấp, nhưng khi đi vắng thì cây vươn lên cao vút, vì thế Tấm muốn hái thị ăn mà không được.

Sau đó thị rơi vào bị một bà lão ăn mày. Tiên nữ trong quả thị cũng nhiều lần hiện ra giúp bà lão, sau cùng bà lão cũng rình bắt được, bèn xé nát vỏ thị. Một hôm, Cám hóa phép làm cỗ bàn rất linh đình để dọn cúng chồng bà lão, nhưng lại ép nài bà đi mời hoàng tử tới dự. Hoàng tử đòi phải có thảm trải từ cung đến nhà mới chịu đi. Quả có thảm trải thật, lại có cả miếng trầu têm rất đẹp làm hoàng tử chú ý, hỏi thì bà lão nói dối là mình têm. Hoàng tử bảo bà thử têm cho mình xem. Cám hóa làm con ruồi vẽ cho bà cách têm, nhưng khi hoàng tử đuổi ruồi thì bà lão lại không têm được, đành phải thú thật là do con gái mình têm. Nhờ đó hoàng tử gặp lại vợ cũ. Đoạn kết, Cô Tấm hỏi Cám làm sao lại đẹp. Cám thật thà nói nhờ việc ngã vào hố nước sôi. Tấm nghe theo, nhảy vào nước sôi mà chết. Cám liền làm mắm gửi cho dì ghẻ, dì ghẻ cũng khen ngon, rồi cũng có con quạ đến mách và bị đuổi. Khi ăn gần hết, thấy đầu lâu con gái mẹ Cám lăn ra chết.

4. PHIÊN BẢN CỦA DUMOUTIER

Học giả Dumoutier có sưu tầm được một dị bản, cũng ở Bắc Ninh, có lẽ xuất phát từ nguồn gốc thần tích về Ỷ Lan. Vào cuối thời Hùng Vương, có một người tên là Đào Chí Phẩm ở làng Lãm-sơn, huyện Quế Dương (Bắc Ninh), vợ sinh được một con gái là Tấm rồi mất. Đào Chí Phẩm lấy vợ sau là Thị Cao sinh được Cám. Khi chồng chết, Thị Cao bạc đãi con ghẻ. Các tình tiết bắt cá, nuôi bống, ăn thịt bống, nhặt xương bống chôn dưới gầm giường, và đổ lẫn các giống hạt bắt nhặt (ở đây là các giống đỗ) v.v… đều đại khái giống với các truyện Tấm Cám đã kể. Khi Bụt mách cho Tấm đào những lọ dưới chân giường, Tấm đào được trong lọ một cô gái hầu, các lọ kia là áo giày và ngựa (nhưng về sau không thấy cô gái hầu xuất hiện trong các tình tiết kế tiếp). Do chiếc giày của Tấm đánh rơi khi đi xem hội, mà hoàng tử tìm được Tấm.

Thấy nàng đẹp, hoàng tử muốn lấy làm vợ, Tấm bảo về hỏi người mẹ ghẻ. Hoàng tử phái quan đến hỏi, Thị Cao thuận gả nhưng đến ngày cưới lại bảo Tấm đi chơi xa, rồi lấy áo quần Tấm mặc cho Cám, đưa Cám vào cung. Tấm về thất vọng nhảy xuống giếng chết. Hồn Tấm hóa thành chim vàng anh bay vào cung. Thấy Cám giặt áo cho hoàng tử, chim cũng dặn không được phơi bờ rào “rách áo chồng tao”. Nghe nói thế, hoàng tử biết mẹ con Thị Cao lừa gạt, bèn hỏi chim: – “Có phải vợ anh chui vào tay áo”. Chim bay ngay vào tay áo. Truyện không nói đến những hành vi độc ác của Cám và mấy lần tái sinh của Tấm mà cho rằng Cám thấy chim, biết đó là chị nó thì sinh ra hối hận, bèn nhảy xuống giếng chết. Dumoutier còn cho biết, người ta thờ chung cả hai cô vào một đền ở Lãm Sơn. Những lúc có hạn hán, dân làng đến đây cầu đảo thường nghiệm.

Kết Như đã nêu đầu bài, truyện cổ tích Tấm Cám là một câu chuyện đã có từ thời xa xưa và được truyền miệng, do đó sẽ xuất hiện nhiều dị bản sao cho phù hợp với thời đại. Bạn có thể tin hay không tin những gì được viết ở trên, nhưng xét cho cùng mục đích của cổ tích là giúp con người có thể hy vọng vào những gì tốt đẹp, đem lại những bài học mang giá trị đạo đức cao đẹp. Hãy tin vào phiên bản nào phù hợp nhất với hình ảnh “Cô Tấm” trong lòng bạn, vậy là đủ.

Nguồn: Tổng hợp, Karin Schmidt: Cinderella in Vietnam