I. MỘT SĨ PHU LÃO LUYỆN CỦA PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG

Thân Bá Phức (1822-1898), sinh trưởng trong một gia đình hào phú, thuộc hạng danh gia vọng tộc của thôn Làng Trũng, xã Ngọc Nham, tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh.

Từ ông nội Thân Bá Chỉnh, phụ thân Thân Bá Nghị đến Thân Bá Phức đều nối đời làm Cai tổng Ngọc Cục. Ngoài việc lắm ruộng nhiều tiền, vị nào cũng đầy thê thiếp. Nếu cụ Cai Nghị – còn gọi là Cai Bờm có 4 cụ bà thì tới Cai Phức – còn gọi là Cai Thương có tới 5 bà – trong đó bà Ba Ngọng và bà Năm Trẻ Tít là hai chị em ruột, những nữ lưu danh giá ở tổng Vân Cầu, huyện Yên Thế. Đề Thám hồi thơ bé cùng họ hàng lưu lạc đến Vân Cầu, được Cai Nghị đón về làm đày tớ trong nhà, lớn lên được Cai Phức nhận làm cha nuôi, dựng vợ rồi dẫn dắt làm nhiều việc nghĩa.

Thông thường, các nguồn sử liệu, sắc phong và trong thư từ gửi cho Lê Hoan sau này, tên đệm của Cai Phức đều ghi là Văn nhưng trong gia phả, mấy đời liên tục đều ghi là , đến nay dòng chính của ông vẫn giữ nguyên tên đệm là Bá. Do vậy, nếu các tài liệu gọi hoặc viết Bá Phức chưa hẳn là ông được triều đình phong là Bá hộ như ta vẫn đoán định.

Về thời điểm ra đời và tạ thế, gia phả (phần lớn được viết lại gần đây) căn cứ vào mộ chí ghi ông mất năm 1912, thọ 77 tuổi để suy ngược trở lại năm sinh là 1835 (đúng ra là 1836 – bằng tuổi Đề Thám). Claude Gendre trong Le Đê Thám (1846-1913). Un Résistant Vietnamien à la colonisation Francaise [Đề Thám (1846-1913). Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp] căn cứ vào Hồ sơ số 9 – RST, Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ ghi Bá Phức mất hồi tháng 1-1901. Chúng tôi căn cứ vào tấm bia chữ Hán Tế chi dĩ lễ (Lấy lễ để kính tế) dựng ngày 10 tháng Mười năm Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (11-1898) trên đất từ đường cũ của gia đình ông tại xã Sơn Quang, tổng Dĩnh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để khẳng định ông mất vào ngày 23-2 năm Mậu Tuất tức là tháng 3-1898. Do việc Thân Bá Phức vẫn được truyền ngôn thọ tới 77 tuổi nên suy ra, ông sinh vào năm 1822. Trong tác phẩm Hoàng Hoa Thám (1836-1913) do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2014 và bài viết Mấy phát lộ mới về Đề Thám, khởi nghĩa Yên Thế và một vài kiến nghị, căn cứ vào tài liệu của người Pháp như Frey trong Pirates et rebelles au Tongkin cho biết, vào năm 1890 Bá Phức là “một ông già 65 tuổi, nổi tiếng là tàn ác và căm thù người Pháp” và Paul Chack trong Hoang-Tham pirate chỉ rõ vào năm 1892, Bá Phức khoảng 67 tuổi để đoán định ông sinh vào các năm 1825-1826 gì đó. Nhân đây tác giả xin được đính chính.

Làng Trũng là tên thôn, không phải tên làng, sau gọi là thôn Ngọc Châu, xã Ngọc Nham. Trong thời gian hòa hoãn, người Pháp mở đường chạy qua giữa thôn, chia thành thôn Trũng Trong (Quang Châu) và Trũng Ngoài (Tân Châu). Toàn bộ cơ ngơi và thổ cư của Thân Bá Phức nằm ở Trũng Ngoài, Pháp giao cho dân bên đạo đến ở, dựng nhà thờ. Nay hai thôn trên thuộc xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Có một chi tiết cần lưu ý nữa là, trước khi tỉnh Bắc Giang được thành lập, tổng Ngọc Cục đem 4 xã Ngọc Cục, Ngọc Lý, Ngọc Nham, Bằng Cục nhập vào huyện Yên Thế; đưa xã Mỏ Thổ sang tổng Thiết Nham, huyện Việt Yên.

Về chi tiết Bá Phức là cha nuôi của Đề Thám, chúng tôi từng ngờ ngợ. Tuy nhiên khi tiếp cận với bức thư của Đề Thám gửi cho Lê Hoan đề ngày 14 tháng Chạp năm Hàm Nghi thứ 9 (20-1-1894) với những đoạn dưới đây chúng tôi mới tin vào sự thật (sẽ công bố đầy đủ ở dưới):

“Tôi mấy năm nay là thuộc hạ của quan Tán tương họ Thân (tên là Phức) xướng nghĩa dấy quân, muốn lấy việc yên dân làm gốc […] Vả chăng quan Tán tương Thân Phức như là cha mà chúng tôi như là con. Ý cha như thế nào thì ý con như thế ấy. Việc hòa giải kia đâu dám sai trái”.

Những di ngôn truyền lại trong dân chúng đều cho rằng với vị thế trong xã hội nên mọi cuộc tao loạn xảy ra ở địa phương, từ đầu thế kỷ XIX cho tới những năm 70 của thế kỷ này, trong đó có hai cuộc trỗi dậy lớn nhất do Quận Tường lãnh đạo nổ ra ở Ngô Xá (tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế) và Đại Trận cầm đầu xây dựng đồn lũy ở Ngọc Lý (tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng), hầu như các thế thứ trong gia đình và dòng tộc của ông đều không can dự. Tuy nhiên, đối với những cuộc cướp bóc, tàn sát dân lành, triệt hạ xóm làng của các đám Thanh phỉ hoặc khi Pháp gây ra sự biến ở Bắc Kỳ vào năm Quý Dậu (1873) và Nhâm Ngọ (1882) ông luôn là người đi đầu trong việc huy động dân chúng đào hào, đắp lũy, dựng làng chiến đấu hoặc mang dân binh về tận Gia Lâm hỗ trợ quân triều đình. Trung tá Péroz – người có mặt tại chiến trường Yên Thế những năm 90 của thế kỷ XIX thừa nhận: “Hầu hết những người ở đây đều đã chống kẻ xâm lược Tàu hoặc Pháp đôi khi không phải là không thắng lợi. Trong rất nhiều thôn làng vẫn tồn tại những kẻ già nua, những kẻ thoát khỏi vòng chiến, thường làm quân sư khuyên bảo dân chúng nhiều điều rắc rối, hễ có dịp lại sẵn sàng lấy ra khẩu súng bắn nhanh giấu trên xà nhà, trong một ống tre. Cho nên có một cái trái ngược đập vào mắt ta là, so với thái độ của người An Nam ở vùng đồng bằng thì người An Nam ở Yên Thế rất kiêu hãnh dưới cái vỏ lễ phép có suy tính mà ta thấy ngay được dưới những dấu hiệu của sự kính cẩn khoa trương kia có cái bản năng không sợ đánh nhau mà ta cần kể đến”[1].

Đề Thám và những người thân tín ở núi rừng Yên Thế. Ảnh

Bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của Thân Bá Phức xảy ra ngay sau khi quân Pháp vừa hạ xong thành Tỉnh Đạo đang trên đường tiến lên Thái Nguyên (16-3-1884). Số là một toán cướp trong vùng do Lãnh Tư cầm đầu, lợi dụng tình thế hỗn loạn đó đã đến cướp phá làng Nhã Nam. Hay tin, Thân Bá Phức đã nhanh chóng đem thủ hạ đến giải vây, đánh đuổi bọn cướp. Bouchét trong Au tonkin. La vie anventureuse de Hoang Hoa Tham, chef pirate (Ở Bắc Kỳ. Cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám, tướng giặc) xác nhận rằng, “nhưng Bá Phức – Chánh tổng Ngọc Cục cũng là một toán cướp, bởi những lần đi ăn cướp vào năm 1882 (chỉ những lần Bá Phức mang lực lượng về hỗ trợ quân đội triều đình ở Gia Lâm khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ). Một hôm vào năm 1884, người ta báo cho Bá Phức biết có cướp vào đốt nhà ở làng Nhã Nam. Phức cho là do tên tướng cướp Lãnh Tư cầm đầu. Phức tập hợp thủ hạ, trong đó có Giai Thiêm (tên gọi Hoàng Hoa Thám trước khi tham gia khởi nghĩa chống Pháp) đi đuổi bắt tên cầm đầu. Kết quả là Bá Phức đánh thắng được toán cướp của Lãnh Tư và trở thành người hùng của cả vùng Yên Thế mà Giai Thiêm là trợ thủ đắc lực”.

Căn cứ vào những chi tiết do Bouchét mô tả và những điều Nguyễn Duy Hinh viết trong Đề Thám, con hùm Yên Thế thì Bá Phức tham gia vào phong trào do Cai Kinh lãnh đạo từ năm 1882[2]. Sự kiện giết Lãnh Tư xảy ra khi Bá Phức cùng Đề Thám đang xây dựng lực lượng tại Yên Thế.

Trước khi trở thành “người hùng” như cách gọi của Bouchét, Thân Bá Phức đã suy nghĩ lao lung về bổn phận của trang nam tử trước vận nước đang thời rối ren, do đó Thân Bá Phức quyết định phải xông pha vào nơi trận mạc để thỏa chí tang bồng. Nghĩ là làm, ngay sau sự kiện tháng 4-1882 ông đã đem theo các chủ túc như con nuôi Giai Thiêm, em họ Thân Bá Gạo (còn gọi là Văn Tảo, con trai chú ruột Thân Bá Chinh), cháu họ Thân Đức Luận (con trai em ruột Thân Bá Chín) và một số chiến hữu như Nguyễn Văn An, Hoàng Đình Bảo (Đốc Thu), Hoàng Bá San (còn gọi là Vân Sơn, phụ thân của Hoàng Điển Ân), Dương Đình Sử (tức Đề Sử, phụ thân của Cả Dinh), Hoàng Văn Cạnh kéo lên lỵ sở Tân Sỏi, tổng Hữu Thượng, nơi Cai Kinh giữ chức Tri huyện Hữu Lũng, người đang rắp lòng dựng cờ đánh Pháp. Có thêm lực lượng, Cai Kinh quyết định mang tất cả binh tướng kéo về quê nhà thuộc tổng Vân Nham cùng huyện, chọn dãy Đồng Nai (sau đổi là núi Cai Kinh) làm căn cứ địa.

Theo tờ bẩm của Hoàng Đình Kinh lên Tuần phủ Lạng-Bình là Lã Xuân Oai thì năm 1884 nghĩa quân đã hoạt động mạnh, từng nhiều lần đón đánh địch ở ngay trước đồn của huyện, nơi ông làm việc; ngăn chặn các nơi hiểm yếu và án ngữ không cho giặc mở rộng chiếm đóng. Nhưng khó khăn của nghĩa quân không phải là ít, nhất là vấn đề lương thực. Trong tờ bẩm của Hoàng Đình Kinh có đoạn viết: “Ti chức vâng phái nghĩa dũng tới đóng đón giặc ở trước đồn của bản nha; ngăn chặn án ngữ chỗ hiểm yếu. Quân nhu rất khẩn thiết, trong hạt vét hết gạo, vay mượn rất khó; (TG nhấn mạnh) vậy dám phái lại mục Nguyễn Cận thuộc nha, đến trước thềm lạy đợi mong trên lượng xét, cấp cho một ngàn lạng bạc hoa ngân, giao cho Nguyễn Cận bãi lĩnh mang về quân cấp cho đinh dõng chi dùng”[3].

Trong thời gian tham gia cuộc khởi nghĩa do Cai Kinh lãnh đạo, Thân Bá Phức không chỉ xây dựng căn cứ địa ở Yên Thế mà còn đóng góp nhiều tâm lực để xây dựng các đồn Đồng Thể (thành Cai Kinh), khu căn cứ Đằng Yên và Đồng Câu, trực tiếp sát cánh với Cai Kinh ở Hữu Lũng.

Lúc này, sau khi chiếm được Bắc Ninh, thực dân Pháp muốn tiến lên chiếm nốt Lạng Sơn và chúng cho rằng trở ngại lớn nhất là lực lượng quân chính quy Mãn Thanh còn khá lớn ở khu vực này. Chúng có tính toán đến lực lượng nghĩa quân Cai Kinh, nhưng vẫn cho là không đáng kể.

Ngày 11-5-1884, đại diện Pháp là Trung tá hải quân Fournière và đại diện Trung Quốc là Lý Hồng Chương đã ký Quy ước Thiên Tân, quy định về việc rút quân chính quy Mãn Thanh ra khỏi Bắc Kỳ nhường lại cho quân Pháp tiến quân, trong đó có khu vực Lạng Sơn.

Thực hiện những điều đã được cam kết, triều đình Mãn Thanh ra lệnh cho binh sĩ rút khỏi Bắc Kỳ, đình chỉ mọi hoạt động vũ trang. Đây là một thời cơ tốt để nghĩa quân Cai Kinh đối mặt với quân thù.

Viên Đại tá Dugènne chỉ huy một lực lượng gồm nhiều sĩ quan, 1060 binh sĩ, 1.000 dân phu (lúc đầu chỉ có 375), 200 la và ngựa, 20 xe quân nhu tập kết ở Phủ Lạng Thương[4]. Cùng đi còn có viên Tri phủ Lạng Giang làm nhiệm vụ trông nom không cho dân phu bỏ trốn và một số thông ngôn người Tàu.

Ngày 13-6-1884, quân Pháp rời Phủ Lạng Thương, có hàng trăm vợ con lính khố đỏ đi theo. Từ ngày 16-6-1884, vừa thoát khỏi mưa bão, quân giặc lại vấp phải hầm chông, các trận phục kích của nghĩa quân Cai Kinh, khiến cho 3 lính lê dương đào ngũ, dân phu chạy trốn đến vài trăm người.

Những cánh nghĩa quân do Cai Kinh chỉ huy, trong ngày 23-6-1884 đã diệt 500 tên Pháp, trong đó có các Đại úy Jeannin, Pancé và Trung úy Delnote. Đây chính là trận Bắc Lệ nổi tiếng. Ngày hôm sau, giặc lại bị diệt 40 tên. Nhiều tên vì quá sợ hãi, trở nên hoảng loạn. Số dân phu mất đi 481 người.

Hay tin bị thất trận ở Bắc Lệ, Thiếu tướng Négrière vội đem quân từ Phủ Lạng Thương đến ứng cứu, cho pháo tuyền Éclair ngược sông Thương lên tận Cầu Sơn chở thương binh. Theo Dương Sự thủy mạt, trong trận cầu Quan Âm (23-6), quân Pháp bị bắt 1 quan tư, 2 quan hai, 200 lính, 100 mã tà, và trận Bắc Lệ (24-6) chúng lại bị bắt 2 sĩ quan, 7 lính và chết trận 50 tên[5].

Ngày 27-6-1884, quân Pháp từ Bắc Lệ lui về Phủ Lạng Thương. Chúng chưa hết bàng hoàng và cho rằng quân Thanh có hỗ trợ cho nghĩa quân Cai Kinh: “Chắc họ (tức quân Thanh) có tham gia vào trận đánh ngày 23-6 chứ không thể nào là bọn cướp của Cai Kinh lại có thể bắn hàng loạt đạn đều đặn như các loạt đạn đã nã vào chúng tôi. Vả lại, bọn cướp hồi ấy chỉ vũ trang những súng tồi nạp đạn bằng mồi còn loại đạn nã vào chúng tôi có tiếng rít của loại súng nạp đạn bằng quy lát, loại đạn của súng Remington và Sneyder. Cũng có khi bọn cướp Cai Kinh nổ súng trước nhưng quân Tàu ở gần đấy quá nên không ghìm được ý muốn tham chiến”.

Trong báo cáo gửi Trung tướng Millot, Đại tá Dugènne phải thừa nhận quân Pháp bị thiệt hại tới một nửa, tức là khoảng trên dưới 500 tên. Để cứu vãn tình thế, làm yên dư luận, Phó thủy sư Đô đốc Courbét được lệnh mở một đợt tấn công vào Trung Hoa để trả đũa bởi nếu không chúng sẽ mất thể diện vì bị thua đau tại Bắc Lệ. Ngày 23-8-1884, quân Pháp nổ súng tàn phá thành Phúc Châu, phá toàn bộ xưởng đóng tàu ở đó. Ngày 2-10-1884, chúng đánh chiếm Cơ Long, phong tỏa sông Dương Tử.

Sau sự kiện nổi dậy ở kinh thành Huế và Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương (7-1885), Thân Bá Phức cùng các thủ tức rời hẳn Hữu Lũng, trở lại quê hương mở rộng căn cứ Yên Thế xuống tận vùng Yên Dũng lập ra Quân thứ Song Yên tiếp tục sự nghiệp phò vua cứu nước như sau này Đề Thám đã khẳng định trong thư gửi cho người Pháp vào cuối năm 1890:

“Trước kia, Pháp và An Nam sống hòa thuận bởi những hòa ước mà hòa ước ấy chỉ nhằm đem lại cho người Pháp đi lại dễ dàng, thông thương thuận lợi. Các nhà truyền đạo được giảng đạo tự do. Các nhà cầm quyền địa phương mắc sai lầm, nước Pháp chớp cơ hội, đem quân xâm chiếm An Nam khi họ không có lòng tin, ân nghĩa. Chúng tôi trung thành với vua An Nam, gắn bó với tập tục của quốc gia mình, dù chết vì nước cũng không rời bỏ cuộc chiến. Tổ tiên sẽ phù hộ chúng tôi”[6].

Hay tin Bá Phức chính thức trở lại Yên Thế và Yên Dũng, thực dân Pháp bèn thành lập Đạo quân Tỉnh Đạo và giao cho Đại tá Dugènne phụ trách. Qua một số tin tức tình báo, chúng được biết nghĩa quân đã có những căn cứ xây dựng tại các khu rừng hoang vu và ngay tại các xóm làng, dọc đường hành quân. Ngày 5-12-1885, Dugènne mang theo 300 quân, 1 tiểu đội pháo binh, 1 đơn vị kị binh, mở cuộc càn quét có quy mô vào một số vùng của Yên Thế.

Mở đầu, quân Pháp tấn công vào làng Hữu Thượng Nam (Lèo Nam) rồi Hữu Thượng Bắc (Lèo Bắc). Hai bên giao chiến và săn đuổi nhau gần một tuần lễ, rồi nghĩa quân mới rút vào Khám Nghè. Ngày 16-12, quân Pháp lại bị nghĩa quân chặn đánh ở Tiên La. Ngày 18-12, nghĩa quân thiệt hại nặng ở Na Lương vì các thủ lĩnh đã cho tập trung một lực lượng khá đông “trên một cao nguyên trơ trụi, tựa lưng vào một ngọn đồi, cây cối rậm rạp, trước mặt được bảo vệ bằng một con suối hẹp chạy giữa hai bờ dốc đứng”[7] nên họ đã trở thành mục tiêu cho pháo binh nã đạn. Tuy nhiên, Dugènne không mò ra các cơ sở hậu cần và đồn lũy của nghĩa quân. Cũng trong tháng 12-1885, “ngay từ những ngày chinh phục đầu tiên, Đại tá Dugènne đã chạm trán với lão già Bá Phức rồi với Đề Thám”[8].

Trên tờ Journal dé Débats politiques et littéraires (Nhật báo Những bình luận về chính trị và văn học, số ra ngày thứ 2, 9-5-1892) ghi nhận rằng, vào cuối năm 1885, tại Quân thứ Song Yên, Thân Bá Phức có trong tay 3000 nghĩa binh và 20 khẩu pháo lớn.

Biết chưa thể tiêu diệt nghĩa quân và hệ thống căn cứ của họ, ngày 25-12-1885, Dugènne cho xây dựng đồn binh Tỉnh Đạo với hy vọng “do vị trí nằm giữa những khu rừng xứ Hữu Thượng và miền đồng bằng nó sẽ trở thành một mối đe dọa thường xuyên có hiệu quả cao đối với con đường giao thông của bọn giặc (tức nghĩa quân)”[9].

Miêu tả khu vực thượng Yên Thế và khu vực tiếp giác Hữu Thượng biến đổi sau đụng độ, Chabrol xác nhận: “Yên Thế đã bị các đạo quân của chúng ta quét đánh trong thời kỳ xâm chiếm. Vào thời gian sau khi ký hòa ước với Trung Quốc (5-1885), Yên Thế còn bị càn quét bởi nhiều đạo quân khác nữa, chủ yếu là đạo quân Tỉnh Đạo đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Dugènne và sau trận đánh Hữu Thượng (5 đến 13-12-1885), Tiên La (16-12), mỏ Na Lương (18-12), Dugènne cho xây dựng đồn binh Tỉnh Đạo, tại trung tâm Yên Thế”[10] hoặc như sự tổng kết của cuốn Annuaire de l’Indochine Francaise-1909 (Niên giám xứ Đông Pháp-1909): “Từ thời kỳ đó trở đi, duy chỉ còn các toán An Nam một mình làm chủ vùng Yên Thế dưới sự chỉ huy của nhiều thủ lĩnh hỗn hợp: Bá Phức, Đề Nắm, Đề Thám, Đề Huỳnh. Những toán này hợp nên, về nguyên tắc bởi dân cư địa phương đã cầm vũ khí chống lại quân Tàu xâm lược [trước đó]. Khi ấy chúng lại hành binh vì lợi ích bản thân rồi chẳng bao lâu đã quay ra chống chúng ta… Việc chiếm đánh Yên Thế đáng ra có thể tương đối dễ dàng nếu tiến hành có phương pháp nhưng lại diễn ra trong những điều kiện hết sức đáng tiếc và chẳng mạch lạc đầu cuối gì hết. Hơn nữa hồi ấy chúng ta lại chẳng ngờ các toán An Nam lại quan trọng và có giá trị đến như vậy. Những đạo quân đầu tiên của chúng ta (Brière de l’Isle, Reygasse, Dugènne) đã chỉ lướt qua xứ sở, không chiếm đóng nó và lại quá ư vô tình đem sắt lửa trút vào tất cả làng nào mà họ gặp phải đôi chút kháng cự”.

Bài học về sự thất bại ở Na Lương được nghĩa quân Yên Thế kịp thời rút kinh nghiệm “không chọn địa điểm để xây dựng căn cứ đóng quân trên những đồi trọc mà chuyển sang những vùng lầy lội, cây cỏ bao phủ rậm rạp, những chỗ khó vào nhất của rừng rú để tránh được luồng đạn trực tiếp của pháo binh”[11].

Kể từ đây, quân Pháp cảm thấy đối tượng tác chiến có vẻ biến mất. Qua tin tức tình báo và sàng lọc từ những kẻ chỉ điểm, chúng thấy nghĩa quân đã “hoạt động âm thầm trong thời gian xây dựng đồn binh Tỉnh Đạo (tức là từ đầu 1886 trở đi) và nó xuất hiện trở lại vào năm 1887 khi đạo quân Tỉnh Đạo được chuyển đi Bố Hạ, bên sông Thương, thì lúc đó trung tâm của bọn cướp (tức nghĩa quân), chuyển hoạt động về các đồn lũy Cao Thượng và Hố Chuối… Từ vài tháng nay, đã nhiều lần những toán quân đi theo có cả những nhà chức trách địa phương (như viên Án sát Bắc Ninh) đã hành quân khắp khu rừng vùng Hữu Thượng, lục soát những khu vực lân cận, một vài xóm làng hiếm hoi, theo tất cả mọi hướng nhưng đều không kết quả. Cho đến nay, không một người dân bản xứ nào dám dẫn đội quân đi tìm căn cứ của giặc (tức nghĩa quân) vì họ rất sợ những lời đe dọa của bọn chúng rằng nếu một người nào tiết lộ căn cứ của bọn chúng thì tất cả dân làng phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp”[12].

Đầu năm 1887, thực dân Pháp xây dựng thêm hai đồn binh Bỉ Nội và Hà Châu để đối phó với sự lớn mạnh của nghĩa quân. Đoán rằng địa bàn hoạt động và căn cứ của nghĩa quân Quân thứ Song Yên đã áp sát vùng Hữu Lũng, nhà cầm quyền Pháp còn giao cho Dugènne tổ chức một cuộc càn quét để chặn con đường đến Bình Gia, Hữu Lũng. Nhưng cuộc hành quân phải bỏ dở vì Dugènne bị đứt động mạch, chết ngay trên mình ngựa ở Đèo Ỉnh (10-1887). Từ sự kiện này, người Pháp phải thừa nhận các thực tế sau:

– Bá Phức và Cai Kinh vẫn “đoàn kết với nhau để chống lại người Pháp, và lòng yêu nước của một vài tên giặc An Nam như Bá Phức – Đề Thám chẳng mấy chốc mà bộc lộ thành một ý muốn đơn giản là độc lập tuyệt đối”[13].

– “Từ đó trở về sau này, Yên Thế chỉ còn lại những toán quân An Nam với những tên cầm đầu như Đề Thám, Bá Phức, Đề Nắm”[14].

– Lực lượng nghĩa quân càng thêm vững mạnh, “vẫn thiết lập những nơi ẩn nấp phụ ngay trong những làng thuộc những nơi tận cùng của châu thổ, nơi mà dân chúng đều hết lòng với họ: Cao Thượng, Luộc Ha”[15].

Trên tờ Le Temps (Thời gian) số ra ngày 26-2-1892 đã dành gần hai trang phụ trương đăng bài phóng sự dài Dans le Yên Thê (Trong vùng Yên Thế) mô tả về chiến sự diễn ra liên tục trong vòng 10 ngày (từ 21 đến 31-3-1892), mô tả khá kỹ về tình hình Yên Thế và hệ thống đồn lũy dưới sự chỉ huy của Thân Bá Phức Đề Nắm, Đề Thám và các thủ lĩnh khác được xây dựng từ vài năm trước. Dưới đây là một vài nét chính yếu của bài phóng sự đó:

“Vùng Yên Thế, căn cứ quân phiến loạn mà lực lượng quân sự của chúng ta ở Bắc Kỳ đã thực hiện cuộc hành quân tháng 3 vừa rồi (1892) là một vùng ở phía Bắc tỉnh Bắc Ninh, nằm giữa tam giác Bắc Ninh – Thái Nguyên – Lạng Sơn.

Vùng này gồm hai khu vực riêng biệt:

– Khu vực phía nam Nhã Nam tạo thành khu Yên Thế Hạ, thuộc về châu thổ Bắc Kỳ do đặc điểm địa chất. Vùng này có nhiều đồng bằng phì nhiêu với những cánh đồng và làng mạc rất đông dân.

– Trái lại, địa thế vùng Yên Thế Thượng gồ ghề với rừng rậm bao phủ. Tác động của địa chấn tạo nên những dải đất lõm và hẹp, rất khó qua lại, nhất là đối với những đạo binh: phải từng giờ từng phút cảnh giác sự phục kích của quân nổi loạn.

Vì vậy, Yên Thế là một trong những vùng rất khó thâm nhập. Điều này giải thích vì sao Yên Thế ở sát cạnh đồng bằng – Nhã Nam chỉ cách Bắc Ninh 40km – mà mãi đến nay vẫn là một sào huyệt đáng gờm của quân nổi loạn.

Bản đồ kèm theo đây chỉ phản ánh sơ lược địa hình Yên Thế, điều kiện in ấn không cho phép thể hiện rõ các độ cao. Tuy nhiên, dựa vào tỷ lệ xích, người ta cũng có thể hình dung được những khó khăn thực tế mà lực lượng quân sự dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền và tướng RESTE (chỉ huy đạo quân chiếm đóng) đã gặp phải trong việc cố gắng đánh bật các tướng của quân phiến loạn ở Yên Thế.

Nhưng phải thú nhận rằng quân phiến loạn không hề sợ hãi. Năm 1885 Thiếu tá DIGUET [đúng ra là Đại tá Dugènne] đã đưa một đạo binh nhỏ tới đây; ít lâu sau ông xây đồn Tỉnh Đạo hay đồn Nhã Nam, và đến năm 1889 thì đồn này chuyển về Bố Hạ. Năm đó, Đại úy GORCE đã truy đuổi Đội Văn tại đây, và khoảng năm 1890-1891 Đại tá FREY đã tiến hành vài cuộc hành quân ở bìa rừng rậm. Nhưng lực lượng của ông không đủ sức tiến thẳng vào sào huyệt quân nổi loạn, và phải đợi đến năm nay mới có thể đem một đạo binh 3.000 người để đối phó với chúng.

Đề Nắm và Bá Phức đã lợi dụng tình hình “bất động” của chúng ta để xây dựng ở giữa rừng Yên Thế núi cao rừng rậm này một loạt đồn vững chắc làm sào huyệt để tập hợp lực lượng sau mỗi lần chiến đấu trở về. Người An Nam cũng như người Trung Hoa rất thành thạo về thổ mộc, nhưng có lẽ chưa bao giờ họ từng thực hiện một khối lượng công trình lớn như vậy trong một không gian và thời gian hạn hẹp như vậy.

Sào huyệt của quân nổi loạn gồm nhiều đồn lũy rải ra trên 4-5km. hệ thống này gồm 4 cụm đặt dưới quyền chỉ huy của từng tướng lĩnh và tương đối độc lập với nhau. Cụm thứ nhất – cũng là cụm quan trọng nhất – là cụm đồn lũy của Đề Nắm.

Đề Nắm chỉ huy một lực lượng lớn. Y xây dựng ở vùng cửa sông Sỏi một tổng thể đồn lũy rất quan trọng. Trước hết là đồn trung tâm (fort central), hầu như là cả một làng chiến đấu với một pháo đài (số 1 trên bản đồ), tách biệt độc lập bằng một tuyến lũy dựa theo hai đồn số 2 và số 10.

Sát ngay cạnh đồn trung tâm là những đồn lũy phụ (các số 4, 8, 9 trên bản đồ). Nhằm bảo vệ mặt phía tây, Đề Nắm cho xây dựng một hệ thống phòng thủ gồm một đồn nhỏ (số 5 trên bản đồ) với những đồn phụ (số 6, 11) do Đề Dương trực tiếp phụ trách. Ở phía tây-bắc, Đề Truật đóng giữ đồn số 3, và cuối cùng xa hơn về phía bắc Bá Phức cho xây dựng một đồn (số 7) với những đồn lũy phụ ở mạn trên thung lũng sông Sỏi.

Tất cả những đồn lũy này đã được xây dựng trong 2 năm vừa qua và được tiếp tục củng cố vững chắc, nhất là sau khi đạo binh của Đại tá FREY đánh chiếm đồn Ho-Thuê (Hố Chuối) ngày 11-1-1891.

Đồ án và phương thức xây đắp tất cả các đồn lũy lớn nhỏ nói chung là không có gì thay đổi, cũng như mọi đồn lũy mà chúng ta phải đối phó từ ngày quân viễn chinh Pháp kéo ra Bắc Kỳ. Có thể nói từ 10 năm nay, người An Nam không có tiến bộ gì chủ yếu trong kỹ thuật xây đồn đắp lũy. Nhưng ngược lại, phải công bằng mà nói rằng khi thực hiện cụ thể thì họ đã có những cách vận dụng rất phong phú với những gia công chi tiết rất chu đáo, tỉ mỉ.

Đặc điểm của đồn An Nam là tạo ra một vật chướng ngại có hiệu quả cao, nhưng phải nhận rằng đó chỉ là một vật chướng ngại thụ động. Thực ra, người An Nam quan niệm đồn lũy chỉ là một công trình để trú ẩn; họ không quan tâm tạo thuận lợi cho việc bắn súng hoặc để thoát ra dễ dàng khi cần. Khác hẳn với người Âu, họ không chú trọng tạo ra một trường bắn ở phía trước tuyến lũy (ligne de parapets), họ cũng không chú trọng loại bỏ những góc chết. Nếu như đôi khi họ mở một khoảng ở phía trên để tạo thành những pháo đài từ trong các hào lũy, chẳng qua là họ muốn bắt chước những tòa thành cũ do các kỹ sư của chúng ta xây dựng hồi thế kỷ trước, nhằm ngăn cản có hiệu lực việc đối phương vượt tuyến hào lũy trước mặt thành.

Tóm lại, người An Nam tìm cách tạo ra tối đa những chướng ngại tự nhiên giữa họ với đối phương. Do vậy, đồn lũy tốt nhất đối với họ là phải được ẩn khuất giữa những dốc núi dựng đứng và những khu rừng rậm khó thâm nhập. Họ không quan tâm đến tầm nhìn ra vùng ngoại vi, vì họ rất ngại những khoảng không gian trống trải.

Để không gây trở ngại cho tầm bắn, họ đã bố trí theo cách của họ, nghĩa là họ ẩn nấp và bắn ra qua những khe hẹp chìm khuất vào giữa những hào lũy ngổn ngang. Các cao điểm trên tuyến lũy hầu như không có ụ súng. Việc bắn súng ở ngoài trời (sau ciel ouvert) hầu như bị cấm. Khỏi cần phải nói là cách bắn súng như vậy chỉ có hiệu quả rất hạn chế… Trái lại, có rất nhiều điểm ẩn nấp có khả năng tránh được đạn pháo. Dọc theo tuyến lũy là những hào sâu được gia cố vững chắc bằng lớp đất dày với những bó củi cành và những khúc gỗ tròn. Mối quan tâm duy nhất của người công trình sư Bắc Kỳ là phải tránh được đạn của đối phương bằng bất cứ giá nào.

Tại Yên Thế, quân nổi loạn quan tâm đặc biệt việc sử dụng những phương tiện phòng ngự hỗ trợ, đó là hào và lũy, cắm cọc tua tủa ở phía trên. Phía ngoài hào lũy là hai hoặc ba hàng rào bằng thân cây, được gia cố bằng những cây dây leo, tạo thành một chướng ngại chằng chịt, rối rắm, khó thâm nhập. Ở giữa các dãy hàng rào là những bãi chông vót bằng tre gộc, rải khắp rừng trên một địa bàn rộng hàng trăm mét. Cách bố trí này chỉ tập trung trước những lối ra vào đồn. Với cung cách đón đợi đối phương đến tấn công như vậy, chẳng khác nào buộc người đi săn rình mồi phải thăm dò kỹ lưỡng để tránh bị phục kích bất ngờ hoặc phải chịu sự đụng độ quyết liệt nếu không có dẫn đường. Trường hợp ở Yên Thế là như vậy: dân địa phương đã quy ước với nhau là không cung cấp cho chúng ta tin tức nào hết.

Các đồn lũy xây dựng trong rừng rậm đòi hỏi công sức lớn của hàng ngàn người, và cho đến khi các đạo quân của chúng ta bao vây quân nổi loạn, chúng ta chưa hề nhận được một tin tức nào phát hiện tình hình này. Cũng vì vậy ta có thể xác định số lượng và vị trí các đồn lũy này sau khi quân nổi loạn đã rút đi. Bởi vậy, phải mở một lối đi qua rừng rậm, rìu và mác cầm tay đề phòng bất cứ lúc nào cũng có thể đối diện với một địch thủ vô hình đang ẩn nấp trong một hào lũy chưa được phát hiện trước đó.

Đồn lũy của Đề Nắm nằm sâu trong rừng. Những khu rừng bao quanh đồn hết sức rậm rạp, không thể thâm nhập được; cũng có thể nói nó được dựng lên không phải để quan sát hay để bắn trả. Phía nam và phía đông có sông Sỏi chảy qua; một chi lưu của sông Sỏi – suối Ngao – có tác dụng như một con hào trước khi đổ nước vào sông lớn. Lòng sông Sỏi và chi lưu suối Ngao có bờ dốc đứng, tạo thành một chướng ngại quan trọng với độ sâu trung bình 6m.

Cấu trúc của đồn không đều đặn, khác với mọi quy cách thông thường, vừa có hình lăng trụ vừa theo quy cách của một thành quách với tuyến lũy cách quãng v.v… Những đỉnh lũy được bố trí tùy thuộc thế đất lồi lõm. Lũy cao 4m, dày trung bình 3m50, ở chân lũy với đường hào sâu 3m, rộng 4m50, đào dọc phía trước lũy.

Quân nổi loạn đã dựng một hàng rào tre trên mặt lũy, nghiêng ra phía ngoài, theo kiểu hàng cọc đóng quanh móng cầu (fraise) nhằm đối phó những cuộc tấn công. Những lỗ châu mai được bố trí thành hai tầng hoặc đôi khi ba tầng, xuyên qua thân lũy. Hình thù các lỗ châu mai rất đặc biệt, chỉ bố trí để bắn chúc xuống đất.

Trên phần lớn chiều dài của lũy, dọc theo chân lũy là một hành lang được gia cố bằng con hào bên trong sâu 2m và một bờ đất dày 0m50 – 0m60, có hai hàng rào bằng gỗ đan chéo nhau. Lòng hào phía ngoài – hoặc có nước hoặc không – cắm đầy chông nhọn. Phía trước hào có hai hàng rào được gia cố vững chắc bằng các loại cây dây leo và các xà gỗ. Khoảng đất giữa hai hàng rào cũng cắm đầy chông, kéo dài tận rừng sâu.

Trên hệ thống hào lũy tổng cộng khoảng 700-800m, người ta bố trí những pháo đài nhỏ và những “đầu cầu” (?) (caponnière), nhưng có thể khá nguy hiểm khi sử dụng vì tường lũy không đủ bảo đảm vững chắc. Ở chỗ hợp lưu sông Sỏi và suối Ngao có một pháo đài bên trong (xem hình vẽ) với ba tầng lỗ châu mai xuyên qua lũy. Nhờ sự thám sát kỹ lưỡng vị trí này, chúng ta đã tổ chức đánh tập hậu có kết quả đồn của Đề Nắm.

Phía trong đồn tựa như một làng xã An Nam với những “cái nhà” (nhà tranh), vườn tược, lối đi, nương ngô. Nhà cửa và kho tàng được xây dựng trên những khu đất bằng. Khi chiếm đồn, quân ta đã phát hiện rất nhiều gạo và ngô, gà, lợn, ngựa, đồ đạc trong nhà và đủ loại thực phẩm.

Do được bố trí như mô tả ở trên, đồn lũy của Đề Nắm nằm khuất hoàn toàn trong rừng rậm. Muốn phóng một tầm nhìn bao quát đồn lũy này thì phải đứng ở điểm A (xem hình đồn Đề Nắm); mà ngay cả tại điểm này, người ta cũng chỉ thấy một cụm nhà tranh mờ mờ, những lũy đất không rõ nét, chìm trong tán lá rậm rạp của rừng cây.

Đồn lũy của Bá Phức ở phía hữu ngạn sông Sỏi, có hình vuông, mỗi cạnh 90m. Các pháo đài nhỏ đặt ở góc lũy bảo vệ các hầm hào. Cũng như đồn lũy của Đề Nắm, đồn lũy của Bá Phức nằm giữa rừng sâu và cũng chỉ có thể phát hiện từ một điểm duy nhất ở phía đông, trên độ cao 800m. Hình dáng thì khác với đồn Đề Nắm, nhưng vật liệu xây đắp đồn lũy thì giống nhau nên không cần thiết mô tả nữa.

Viên tướng già Bá Phức chỉ huy đồn này không bắt chước cung cách của người Pháp trong việc phòng thủ. Y bố trí một trường bắn ở tả ngạn sông Sỏi rộng 150m cho đồng đảng tập bắn. Bia bắn rất thô sơ: chỉ là một cái vò bằng đất sét gắn hai vòng tròn đồng tâm cũng đắp bằng đất; phía trên là một mái tranh che mưa cho bia bắn. Phía trước bia là một cái hố khá sâu, có trần che, để lính đứng tập bắn.

Điều mà quân nổi loạn quan tâm nhất là sẵn sàng chuẩn bị chống trả một cuộc tấn công từ phía nam, vì chúng nghĩ rằng người Pháp sẽ kéo lên Yên Thế từ đồng bằng. Vì vậy, hàng loạt vật chướng ngại khó có thể vượt qua đều được bố trí theo hướng này. Thế nhưng cuộc hành quân lần này lại đánh từ phía bắc xuống, vì vậy những sào huyệt quan trọng bị ta chọc thủng trước tiên. Toàn bộ tuyến hào cũng bị đánh tập hậu hoặc chọc sườn và đã bị thất thủ (…)”[16].

Bước sang năm 1888, mọi hoạt động của nghĩa quân Yên Thế diễn ra rất sôi nổi và ở thế chủ động hoàn toàn. Ngày 10-1-1888, quân của Quản Ẩm tấn công vào thị xã Bắc Ninh, giao chiến với lính khố xanh của Trung úy Blansare, diệt 4 tên, nghĩa quân của Cai Biều – Tổng Bưởi tấn công vào Nghĩa Liệt (5-4), còn nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy, thắng lớn trong trận đánh vào đồn khố xanh Bỉ Nội (25-4). Một lực lượng đông tới 500 người do Đề Công – Đề Nguyên lãnh đạo rời Tam Đảo, làm náo động cả một vùng giữa Hà Nội và Bắc Ninh, và một lực lượng khác gồm 200 nghĩa quân quấy rối, uy hiếp đồn binh Hà Châu (4-7).

Đây cũng là thời kỳ vùng Yên Thế quy tụ nhiều lực lượng khởi nghĩa nhất. Ngoài lực lượng của Đề Công – Đề Nguyên ở Tam Đảo mới trở lại, còn có một số toán nghĩa quân từ Bãi Sậy lên, từ Cai Kinh sang do phong trào bị đàn áp dữ dội hoặc đã tan rã. Đó là chưa kể, toán của Cai Biều – Tổng Bưởi cũng áp dần đến sông Thương. Điều này đã tạo ra sự chồng chéo trong chỉ đạo, xuất hiện mầm mống tranh chấp bất hòa ở một số khu vực và giữa một số thủ lĩnh.

Việc thống nhất lực lượng vào sự chỉ đạo chung của Quân thứ Song Yên đã trở nên hết sức cấp thiết. Vào ngày rằm tháng Bảy năm Mậu Tý (22-8-1888), các thủ lĩnh và nghĩa quân đã tập hợp ở đình làng Dĩnh Thép để họp Đại hội, cử ra một Bộ chỉ huy tối cao cho Quân thứ Song Yên. Đại hội đã nhất trí bầu ra:

– Chánh tướng, Tổng thống quân vụ do Tán tương Quân vụ Đại thần Bá Phức nắm giữ.

– Phó tướng, Tá dực tướng quân, phụ trách hậu cần, quân nhu: Đề Nắm.

– Phó tướng, Hữu dực tướng quân, phụ trách quân đội: Đề Thám.

Ngoài ra, Bộ chỉ huy tối cao Quân thứ Song Yên còn phân định khá rạch ròi từng khu vực hoạt động, đại để như sau:

– Khu vực trung tâm của Quân thứ Song Yên (Yên Thế, Yên Dũng), do Bá Phức, Đề Nắm, Đề Thám tổ chức hoạt động và kiểm soát, là địa bàn chính của cuộc khởi nghĩa.

– Khu vực Việt Yên, Hiệp Hòa, Kim Anh, Đa Phúc và phía nam Thái Nguyên, vùng Tam Đảo do Thống Luận – Thống Ngò, Đề Công – Đề Nguyên chỉ đạo.

– Khu vực Bảo Lộc – Phượng Nhỡn nằm dưới sự kiểm soát của Cai Biều – Tổng Bưởi.

Ngay từ năm 1886, Quân thứ Song Yên đã được thừa nhận nằm trong phong trào Cần Vương. Sau khi Nguyễn Cao, Tạ Hiện qua đời còn Nguyễn Thiện Thuật lánh nạn ở Trung Quốc, Tán tương Quân vụ Tống Duy Tân vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Bá Phức. Theo một tư liệu mới tìm thấy, sau chiến thắng Nhân Kỷ (18-5-1892), Tống Duy Tân đã rất trân trọng gửi thư báo tin đến cho Quân thứ Song Yên do Thân Văn Phức chỉ đạo: “Chúng tôi khởi hành từ tháng Giêng đến tháng Tư mới đến xã Nhân Kỷ ở miền thượng du Thanh Hóa. Tên quan năm giặc Pháp theo sau chúng tôi truy kích bị toán binh đạo Hà-Ninh cùng chúng giao chiến, thu được thắng lợi lớn (bắn chết từ quan tư giặc trở xuống tám tên, lính tập 70 tên, đồ vật khí giới của giặc bỏ hết, chạy tán loạn vào rừng, đương trường thu được súng kiểu Tây 15 khẩu) còn bọn giặc ở Thanh Hóa phải rút về tỉnh lỵ để phòng thủ, không dám ló đầu ra nữa” (Tờ thư của Tống Duy Tân gửi Quân thứ Song Yên (ngày 29-5 năm Hàm Nghi thứ 8 – khoảng tháng 6-1892).

Vươn xa hơn nữa, Tống Duy Tân đã rất coi trọng và tin tưởng đối với phong trào này, tuy hai đội nghĩa quân Hùng Lĩnh và Song Yên chưa có điều kiện phối hợp lực lượng chiến đấu, nhưng đã có những mối liên hệ với nhau từ trước. Vào tháng 7-1892, Tống Duy Tân lấy danh nghĩa là Tán tương Quân vụ Bắc Kỳ thay mặt vua Hàm Nghi ban cho Thân Văn Phức chức Tán tương Quân vụ Bắc thứ, vì Phức đã có công “kiên trì một lòng giữ vững mệnh lệnh triều đình”, nhằm khích lệ Phức hợp sức “cùng các Thống đốc, Đề đốc giúp nhau làm việc”. Dưới đây là nội dung chi tiết văn bằng do Tống Duy Tân ban cấp:

“Hàn lâm Trực học sĩ, sung chức Tán tương Quân vụ Bắc Kỳ, họ là Tống xin làm việc ban cấp rằng:

Nay căn cứ vào tờ trình của các quý chức: quan Tán lý trên đường ra quân thứ Sơn-Bắc, người họ Tạ [tức Tạ Hiện] và quan Tán lý Ninh-Thái, người họ Nguyễn [tức Nguyễn Cao] trình rằng tại quân thứ Song-Yên có ông Thân Văn Phức (người xã Ngọc Cục, huyện Yên-Thế) là người hào hiệp, mẫn cán, lại am tường võ lược. năm vừa rồi [tức năm Ất Dậu – 1885] tại quân thú Song-Yên do ông chỉ huy đã đánh và gây cho giặc nhiều thiệt hại. Vì vậy quan cố Hiệp thống đại thần [tức Nguyễn Thiện Thuật] trước đây đã ban cấp cho ông thưởng thụ Viên ngoại lang sung chức Tham biện tại Bắc thứ. Từ đó đến nay đương sự chỉ kiên trì bảo thủ, một lòng tuân theo mệnh lệnh của triều đình, thời gian điều độ tiến lui thích nghi, các vị ấy đã trình lên tôi tiếp tục ban cấp cho đương sự giữ nguyên hàm chức Tán tương Quân vụ Bắc thứ, hợp sức cùng các Thống đốc, Đề đốc giúp nhau làm việc để xét thưởng.

Vậy xin ban cấp bằng này.

Văn bằng này ban cấp cho đúng theo hàm cũ là thưởng vụ Viên ngoại sung Bắc thứ Tán tương Quân vụ Thân quý chức chiếu theo thi hành.

Ngày 28 tháng 6 năm thứ 8 niên hiệu Hàm Nghi (21-7-1892)”.

Đây chính là tấm văn bằng mà Thân Bá Phức giao nộp cùng ấn tín cho Lê Hoan tại Cao Thượng vào khoảng tháng 12-1893. Tài liệu này được lưu tại Nha Văn khố Sài Gòn, nay là Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ hệ thống làng chiến đấu và hệ thống đồn lũy được bí mật xây dựng ở Hố Chuối và dọc sông Sỏi trong hai năm 1886-1887 và việc củng cố lại lực lượng trong năm 1888, Quân thứ Song Yên đã trở nên vô cùng vững mạnh. Trong 2 năm 1889-1890 nghĩa quân đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân Pháp tại Dương Sặt – Thế Lộc, thu hút được lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy do Đội Văn cầm đầu, tiếp tục giành chiến thắng ở Cao Thượng trước hai đạo quân Bắc Ninh và Thái Nguyên do Thiếu tướng Godin chỉ huy. Cuối năm 1890, đầu năm 1891, quân Pháp tổ chức 4 đợt tấn công vào Hố Chuối và đến tháng 3-1892 nhà cầm quyền Pháp giao cho Thiếu tướng Voyron đem 2800 binh lính, 31 sĩ quan, 14 đại bác được tập hợp từ các đạo quân Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh tấn công vào hệ thống phòng thủ sông Sỏi. Ngày 11-4-1892, Đề Nắm hy sinh. Ngày 19-12-1892, trước sự cáo chung của Quân thứ Song Yên và phong trào Cần Vương ở Yên Thế, Đề Thám làm lễ tế cờ ở đình làng Đông (Bích Động, Việt Yên), chính thức thay Thân Bá Phức, tiếp tục đưa sự nghiệp chống xâm lược Pháp của nhân dân địa phương sang một giai đoạn mới, ta quen gọi là Khởi nghĩa Yên Thế trong một tình thế có phần bế tắc. Nghĩa quân lại phải lui trở lại củng cố các căn cứ dọc sông Sỏi, Hố Chuối. Một thời gian sau, Đề Thám đưa toàn bộ lực lượng lên căn cứ Tràng Lang nằm cạnh căn cứ Tam Đảo (Đại Từ, Thái Nguyên) do Thống Luận xây dựng. Thân Bá Phức tìm cách liên hệ với lực lượng của Phùng Bá Phúc ở Chợ Mới (Bắc Cạn).

II. RỜI BỎ CUỘC CHIẾN VỚI MỘT KỊCH BẢN HOÀN HẢO NHƯNG GẶP NHIỀU HỆ LỤY VÀ KHÚC XẠ LỊCH SỬ

Tổng đốc Lê Hoan (ngoài cùng bên trái) và đoàn tùy tùng.

Với âm mưu dùng người Việt đánh người Việt và cho rằng đó là phương thức hiệu quả nhất để triệt tiêu tàn dư Quân thứ Song Yên, và mầm mống cuộc đấu tranh vũ trang mới trong Khởi nghĩa Yên Thế nhà cầm quyền Pháp đề nghị triều đình Huế cử một viên đại quan có kinh nghiệm cai trị và đánh dẹp làm việc này. Nhận được lệnh, Thành Thái đã “triệt chức Tổng đốc Bắc Ninh Vũ Quang Nhạ cho trở về Nha Kinh lược, lấy lãnh Tuần phủ Hưng Hóa Lê Hoan thay thế, chức Tuần phủ [Hưng Hóa] bị khuyết thì lấy Bố chánh Sơn Tây Bùi Tập bổ lãnh. Lúc bấy giờ việc thay đổi triệt bãi quan lại Bắc Kỳ từ Tổng đốc, Tuần phủ trở xuống đều do Kinh lược sứ bàn bạc với Thống sứ thi hành, rồi gửi điện văn tư cho Cơ mật viên tâu lên” (Đại Nam thực lục – chính biên, đệ lục kỷ phụ biên, Q.V). Ngay trong tháng 10-1893, Lê Hoan được lệnh đem 200 khố xanh, 600 lính cơ phối hợp với đạo quân của Thiếu tá Valance tiến lên Yên Thế nhưng viên Tổng đốc chỉ cho quân càn quét lấy lệ, bí mật nhờ thủ lĩnh Dũng đoàn Phùng Quý Phúc ở Chợ Mới (Bạch Thông, Bắc Cạn) móc nối với Bá Phức tìm cách nghị hòa bởi sau một thời gian, lực lượng của Thiếu tá Valance phải rời Yên Thế để tăng cường cho vùng biên giới. Dưới đây là Biên niên các sự kiện liên quan được căn cứ vào các thư từ trao đổi giữa các bên (những thư từ này lưu tại Nha Văn khố Sài Gòn, sau thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, thành phố Hồ Chí Minh).

Cuối tháng 11-1893

Phùng Quý Phúc đưa phái viên là Khâu Bảo Kế gặp gỡ Thân Văn Tảo, Hoàng Vân Sơn do Thân Bá Phức cử đến. Tiếp theo, đích thân Thân Bá Phức lên Chợ Mới gặp người của Lê Hoan để thương thuyết, chấp nhận thông qua người vợ của Phùng Quý Phúc cùng một tỳ tướng mang các văn bằng ấn tín về bái nạp cho Lê Hoan ở Yên Thế.

Theo thỏa thuận, đến xuân sau, tức là đầu năm Giáp Ngọ, Thân Văn Phức sẽ mang các thuộc hạ gồm Đề đốc Nguyễn Văn Trứ, Lãnh binh Nguyễn Văn Vi, Lãnh binh Nguyễn Văn Công (người xã Vân Cầu), Đề đốc Thân Văn Luận, Đề đốc Hoàng Đình Thám (người xã Ngọc Cục), Lãnh binh Nguyễn Văn Chiến (người xã Lam Quật) cùng khoảng 150 binh lính, 100 súng ống về cửa đồn Yên Thế đầu thú.

Nguồn: – Thư của Thân Bá Phức gửi Lê Hoan

ngày 18-11 năm Thành Thái thứ 5 (6-12-1893)

Căn cứ vào bản Thống kê danh sách do Thống sứ Bắc Kỳ Brière lập ngày 13-5-1891 gửi Toàn quyền Đông Dương được lưu tại Kho Lưu trữ Quốc gia Pháp thì trước sự kiện này khoảng vài ba năm, Bộ chỉ huy nghĩa quân gồm Chánh thống tướng Bá Phức, quê Ngọc Cục, hoạt động chủ yếu ở vùng Sông Ngao, Hữu Lũng; Tả quân Luận, cùng quê, hoạt động ở vùng Hữu Thượng, Hữu Lũng; Phó thống tướng Trứ (quê Vân Cầu); Đề Kiêm (quê Thế Lộc); Đề Khuê (quê Dương Sơn); Đề Huân (quê Hòa Mục); Hậu quân Truật (quê Nhã Nam); Hậu tướng Bùi (quê Trúc Tay); Tiền quân Thám (quê Hải Dương)… đều hoạt động ở vùng Đèo Mét, Hữu Lũng. So với danh sách trên, chỉ còn có Thống Trứ (Vân Cầu), Thân Văn Luận, Hoàng Đình Thám, Thân Văn Phức (Ngọc Cục).

Xin lưu ý danh sách do Bá Phức lập, tên đệm thường bị thay đổi còn danh sách của Brière, có vẻ như tên tuổi một số người cũng như quê quán không được chính xác hoặc là những tên gọi khác của Đề Nắm (Đề Kiêm?), Đề Sặt (Đề Huân?).

Ngày 6-12-1893.

Phùng Quý Phúc gửi thư tới Lê Hoan, nói rằng:

“Gần đây các vị phái viên của Ngài cùng đi với người nhà tôi là Khâu Bảo Kế về gặp bọn Hoàng Vân Sơn và Thân Văn Tảo theo các đồ vật, tôi đã kiểm kê, nhận lãnh, dùng làm đồ quý bên mình. Tôi thấy rõ lòng ưu ái của Ngài và đội ơn không bờ bến vậy.

Hôm trước đây, tôi đã mời các vị phái viên của Ngài cùng với ông Thân [Văn Phức] tề tựu tại công sở tôi gặp nhau đã thương nghị xong.

Trong khi tiếp chuyện, bọn họ nói rằng: – Hiện nay năm đã gần hết, mà việc thì thuộc về đại cục, đã xin lập đàn làm chay, nhưng chưa kịp cúng tế. Xin chờ xuân sang, trước tiên tôi sẽ báo gấp, rồi họ sẽ đưa thuộc hạ về cửa đồn yên Thế chờ lệnh. Nhân dịp, tôi ủy nhiệm vợ tôi đem theo 10 tên, 1 tỳ tướng và 5 tên lính Tàu của họ, vào cuối tháng này tới cửa Ngài bái bẩm. Nhưng đường họ đi qua là thuộc hạt khác, vậy xin Ngài thương lượng với quan Thống sứ cấp cho giấy thông hành, để khỏi bị trở ngại.

Việc này do tôi sắp đặt, quyết sao được vẹn toàn, không phụ lòng ủy thác, xin Ngài đừng ngờ”.

Nguồn: Thư của Phùng Quý Phúc gửi Lê Hoan cùng ngày

Ngày 15-12-1893.

Phùng Quý Phúc gửi thư tới Lê Hoan phản kháng việc binh lính ở đồn Chợ Mới chưa thấy di dời mà lực lượng tại Phố Đu (Phú Lương, Thái Nguyên) lại gia tăng khiến cho dân chúng sắp nhóm họp phải kinh hoàng di tản.

Nguồn: Thư của Phùng Quý Phúc gửi Lê Hoan

ngày 27-11 năm Thành Thái thứ 5 (15-12-1893)

Ngày 12-1-1894.

Phùng Quý Phúc và Thân Bá Phức cùng ký trong thư gửi tới Lê Hoan cho rằng, hiện đang trong thời gian quyết định lời giao ước mà tăng thêm lính tráng vây bủa sẽ chỉ có thêm phần hồ nghi bất lợi. Người quân tử chỉ nói một lời là quyết định. Nước trong đá tự hiện, lâu ngày biết lòng người. Mong được xét kỹ lưỡng giúp đỡ, người trên thi hành bằng chữ tín, kẻ dưới thờ bằng chữ thành.

Nguồn: Thư của Phùng Quý Phúc và Thân Bá Phức

gửi Lê Hoan ngày 6-12 năm Thành Thái thứ 5 (12-1-1894)

Ngày 20-1-1894.

Hoàng Hoa Thám gửi thư cho Lê Hoan, nói rằng:

“Tôi mấy năm nay là thuộc hạ của quan Tán tương họ Thân (tên là Phức) xướng nghĩa dấy quân, muốn lấy việc yên dân làm gốc.

Mới đây tôi đang đóng quân tại đồn Tràng Lang (Đại Từ, Thái Nguyên) thì tiếp lệnh của các ngài Thân, Phùng gọi về để thương thảo việc nghị hòa. Sau đó quan Tán tương đã từng đệ thư về tỉnh trình bẩm rõ ràng. Tôi tưởng việc binh hết điều lo ngại. Tháng trước tôi điều động 200 lính và súng đạn trở về địa phận Yên Thế trú đóng im lặng để được từ từ quan sát cuộc hòa đàm chứ không hề dám động binh. Ấy vậy mà không biết mấy ông quan Tây dụng ý làm sao mà cứ thường thường đem quân truy tầm tuần tiễu, tình hình thật là căng thẳng khiếp sợ. Tôi bất đắc dĩ phải đem quân ứng chiến. Hiện nay dân trong 2 hạt Yên Thế và Yên Dũng còn cất giấu súng đạn rất nhiều. Có kẻ mạo danh là súng ống của quân nghĩa, có người lại dùng súng ống để đi cướp bóc. Riêng số súng ống của tôi đang gửi cất tại các xã thôn có tới ba bốn chục cây, khi phái người đi đòi lại cũng có người chưa chịu đem nộp…

Vả chăng qua Tán tương Thân [Bá] Phức như là cha mà chúng tôi như là con. Ý cha như thế nào thì ý con như thế ấy. Việc hòa giải kia đâu dám sai trái.

Hiện chúng tôi đang trú tạm trong sơn phận 3 tổng Yên Thế, Hữu Thượng, Đức Lân, luôn bị quan Tây tuần tiễu. Nếu chúng tôi không đánh lại thì sợ mất quân cơ, mà đánh lại thì sợ sinh chuyện.

Trộm nghĩ rằng: kiên trì chiến đấu thì dân khổ vì nạn binh đao, chi bằng hướng hóa dùng hòa giải thì mọi người được an cư lạc nghiệp”.

Thư đề xuất 5 điều, trong đó đề nghị Lê Hoan chủ động đề ra các điều khoản nghị hòa, chấm dứt tuần tiễu, để nghĩa quân qua lại dễ dàng trên địa bàn Yên Thế và Yên Dũng (Song Yên), thả những người đang bị giam giữ ở đồn Lục Giới, Mục Sơn và nhà lao Bắc Ninh, ủy Thân Văn Tảo chờ lệnh.

Nguồn: Thư của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan

ngày 14-12 năm Hàm Nghi thứ 9 (20-1-1894).

Ngày 21-1-1894.

Hoàng Hoa Thám phúc đáp thư của Lê Hoan và Lê Hoan túc trình Hoàng Cao Khải.

Thư của Hoàng Hoa Thám có đoạn:

“Ty chức đã tiếp thư Ngài, sau khi đọc xong, hết sức vui mừng thân thiết như gặp mặt bàn bạc. Về cuộc nghị hòa, đã được Ngài xử trí thỏa đáng. Chúng tôi lòng phục và cảm tạ muôn phần.

Trộm nghĩ: quan văn quan võ đều là kẻ giúp việc triều đình, đâu có điều không hợp ý. Ty chức xin trú quân tại các tổng Yên Thế và Hữu Thượng, giữ yên lặng và chỉnh đốn binh lính, súng đạn, đợi tới xuân năm sau, sẽ tính cuộc nghị hòa”.

Tờ tấu trình của Lê Hoan gửi Hoàng Cao Khải có đoạn:

“Nếu ta xem xét các lá thư của bọn chúng gửi về trước đây nhiều lần thì nó mang nhiều ý nghĩa khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nay tên Phức đã phái người mang súng ống, văn bằng, ấn tín nộp trước để làm tin, tưởng cũng là một hành động thành thực. Chỉ có việc bọn chúng còn xin đợi đến trung tuần mùa xuân năm sau, thời gian là chậm. Mà Phức và Thám là hai lão khấu, lâu năm rất là kiệt hiệt, có hàng trăm mưu ma chước quỷ. Phương chi tình hình giặc khó dò, chưa rõ thật giả. Hãy chờ tới ngày bọn chúng xuất thú ra sao mới khỏi lo ngại”.

Nguồn:  – Thư của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan ngày 15-12 năm Hàm Nghi thứ 9 (21-1-1894)

– Túc trình của Lê Hoan lên Hoàng Cao Khải ngày 15-12 năm Thành Thái thứ 5 (21-1-1894)

Ngày 15-2-1894.

Thân Văn Phức mang 76 thủ hạ, 54 súng tới Cao Thượng “quy hàng”.

Nguồn: Histoire militaire de l’Indochine.

Bình luận về sự kiện này, Histoire militaire de l’Indochine viết: “Ông già Bá Phức đã từ lâu không còn sức tham gia chiến đấu, bằng lòng xin quy hàng một mình với vài người theo hầu và đòi được giữ chức quan thứ nhì vùng Yên Thế, còn người thầy học của ông ta sẽ giữ chức trưởng quan. Còn những tay thủ lĩnh khác như Đề Thám, Thống Luận, Thống Trứ hăng lên trước những lời đề xuất của viên Tổng đốc Bắc Ninh, và trước thái độ im ắng theo lệnh của các đồn binh vùng Yên Thế từ cuối tháng Giêng cốt để khỏi ảnh hưởng đến những cuộc thương lượng và lại được tăng cường lực lượng bởi những tên tẩu thoát của vùng Lũng Lạt, họ từ chối việc giao nộp súng, đặt cho việc quy hàng của họ những điều kiện vượt xa mọi dự định, chẳng hạn như các đội quân của ta phải rút khỏi các đồn bốt… Việc thương lượng vẫn tiếp tục trong tháng 3 và tháng 4. Trong lúc ấy, bọn giặc lợi dụng thời gian quân ta được lệnh ngừng hoạt động để hoàn thiện tổ chức của chúng”.

Tháng 3 và 4-1894.

Lê Hoan và Hoàng Hoa Thám tiếp tục thương thảo.

Nguồn: Histoire militaire de l’Indochine

Ngày 18-5-1894.

Công sứ Bắc Ninh đem 450 quân, được các đồn binh Nhã Nam và Bố Hạ tăng cường hơn 100 binh lính, 1 sơn pháo đánh chiếm làng Lèo, làng Mạc, phong tỏa đồn Hố Chuối. Lê Hoan đem 600 lính cơ chốt giữ Luộc Hạ, ngầm đưa thân Thân Bá Phức tiếp cận với Hoàng Hoa Thám.

Nguồn: Histoire militaire de l’Indochine

Ngày 19-5-1894.

Hoàng Hoa Thám gửi thư phản kháng tới Lê Hoan, nói rằng:

“Từ khi tôi được hiểu dụ đem đồ đảng quy thuận, thường được quan lớn lưu ý chu toàn, thế mà đêm hôm nay hồi 12 giờ chợt thấy quan Thượng tá họ Thân đem đạn đại bác đến để ở dinh thự của tôi, châm lửa xong bỏ chạy. Đạn đại bác nổ, làm tan nát hết nhà cửa của tôi. May thày trò tôi được an toàn. Việc làm thật ngạc nhiên, tôi lấy làm đáng sợ. Vậy kính bẩm quan lớn xét việc này thế nào, trả lời hiểu bảo, để tôi được an tâm tiếp nhận sự phủ dụ, mong được hoàn toàn”.

Nguồn: Thư của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan

đêm 13-4 năm Thành Thái thứ 6 (19-5-1894)

Ngày 20-5-1894.

Hoàng Hoa Thám phúc đáp thư của Lê Hoan, có đoạn nói rằng:

“Nay tôi nhận được giấy quan lớn trả lời, tôi đã lãnh hội được đại ý. Bản tâm tôi chỉ muốn an nghiệp làm ruộng nên đã 3-4 lần đến bái yết ở Viên môn, đều được quan lớn tỏ ý chu toàn, tôi tự nghĩ cũng lấy làm yên ủi một chút. Tôi vẫn thành tâm muốn mời quan lớn và quan Công sứ đến trụ sở của tôi để được tỏ bày tâm sự. Đợi đến khi công việc xong xuôi sẽ đến Viên môn giúp việc. Không ngờ đêm mới rồi, chủ nhân của tôi là ông Thân gây ra họa căn rồi ngầm bỏ chạy, trình tự như thế, thật đáng kinh sợ”.

Nguồn: Thư phúc đáp của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan

ngày 14-4 năm Thành Thái thứ 6 (20-5-1894)

Ngày 21-5-1894.

Lê Hoan gửi phúc trình tới Hoàng Cao Khải, có đoạn như sau:

“Chiều hôm qua, quan ba khố đỏ Nhã Nam về đồn, quan Phó sứ Lạng Giang đưa xác viên suất đội Tây bị chết trận về chôn ở đồn Cao Thượng. Quan sứ và quan ba khố xanh đều bị thương nhẹ, sáng nay về tỉnh điều trị. Lính tập các đạo đều lần lượt rút về.

Trộm nghĩ: quan quân tiến tiễu một trận phủ đầu, tuy chưa thu được thắng lợi nhưng đã phá được tiền đồn và các nơi sào huyệt, vận lương của địch, đảng nghịch chỉ chạy dài, đem nhau tụ ở các nơi hầm hố hiểm trở mà thôi. Trận này trước đã được mà sau bị thất lợi đôi chút, đấy là việc thường của binh gia”.

Nguồn: Thư của Tổng đốc quan phòng Ninh Thái gửi Khâm

sai đại thần ngày 15-4 năm Thành Thái thứ 6 (21-5-1894)

Nhờ một kịch bản khá hoàn hảo được cả hai bên dày công xây dựng cho cuộc “quy hàng” này, hình ảnh thật của hai nhân vật chính trong cuộc là Lê Hoan và Thân Bá Phức đã “được” khúc xạ một cách khôn lường.

Đối với Lê Hoan, sau sự kiện này trở thành một “Việt gian bán nước” thứ thiệt, mấy ai nghĩ rằng ngay lúc ông ta còn đang đương chức Tuần phủ Hưng Hóa đã thông qua vai trò trung gian của viên Cai tổng Trung Hà ngầm báo lịch trình tiến quân của Đại tá Pennequin giúp cho nghĩa quân Hùng Lĩnh ngày 18-5-1892 chủ động tấn công như tờ Le Courrier d’Haiphong số ra ngày 19-1-1897 tố cáo. Trong trận Niên Kỷ này, nghĩa quân “thu được thắng lợi lớn (bắn chết từ quan tư giặc trở xuống tám tên, lính tập 70 tên, đồ vật khí giới giặc bỏ hết, chạy tán loạn vào rừng, đương trường thu được súng kiểu Tây 15 khẩu), còn bọn giặc ở Thanh Hóa phải rút về tỉnh lỵ để phòng thủ không dám ló đầu ra nữa” như thư báo tiệp của Tống Duy Tân gửi cho Quân thứ Song Yên. Lại nữa, chính viên Đại tá bại trận trên, trong báo cáo gửi cho Tổng chỉ huy quân đội Pháp (CAUM – Indo GGI, hồ sơ số 19.243) tố cáo rằng, trong một lá thư gửi cho Đề Kiều, Lê Hoan đã rất nhấn mạnh: “Lúc này chống với quân Pháp phỏng có ích gì, vì họ mạnh hơn. Chúng ta hãy làm như đã từ bỏ sự nghiệp của người nước Nam, mà chỉ thân thiện với người Pháp thôi. Chúng ta phải kiên trì, rồi một ngày kia chúng ta sẽ tập hợp lại chống lại chúng và tống chúng ra biển. Thời cơ lúc này chưa đến. Tốt hơn hết là hãy ru ngủ chúng bằng tình bạn giả vờ của chúng ta”.

Vốn là một người vào lúc trai trẻ đã hăng hái tham gia lực lượng đánh Pháp để bị khép án khá nặng, vì thế Lê Hoan đã sớm tìm ra phương thức lâu dài cho việc tống cổ người Pháp ra biển. Căn cứ vào những diễn tiến của thời cuộc và hiểu biết của mình, ông cho rằng trước sau kẻ xâm lược cũng sẽ hoàn thành cuộc bình định ở Bắc Kỳ, khi ấy, để cai trị, họ không thể không bắt tay với quan lại bản xứ. Đây là lớp trí thức được đào tạo bài bản, luôn nuôi dưỡng quan niệm nước mất nhưng dân vẫn còn, mà dân còn thì họ nên gánh vác việc nước để giảm thiểu tai ách cho quốc gia.

Trung thành với lý tưởng trên, từ năm 1886 Lê Hoan từ xuất phát điểm của chức Thông phán đã nhanh chóng thăng lên Bố chánh Sơn Tây, Tuần phủ Hưng Hóa kiêm Tiễu phủ sứ Tam Tuyên, Tổng đốc Bắc Ninh. Đây là thời điểm nhiều cuộc đề kháng của phong trào Văn Thân lần lượt tan rã và bản thân phong trào Cần Vương Song Yên lâm vào thế đường cùng bên cạnh những hệ thống phòng ngự kiên cố ở Cao Thượng, Hố Chuối, Khám Nghè bị nhổ bật; Đề Nắm bị sát hại; nhiều thủ lĩnh từng vào sinh ra tử nếu không quy thuận thì cũng rã ngũ. Trong hoàn cảnh ấy, Thân Bá Phức – Hoàng Hoa Thám cố gượng dậy sau lễ tế cờ ở đình làng Đông (Việt Yên) dù luôn trong tình trạng bị truy lùng săn đuổi khắp vùng Yên Dũng, Yên Thế và khu vực phía nam Thái Nguyên.

Mùa đông năm 1893, theo yêu cầu của nhà đương cục Pháp, Lê Hoan đem quân trợ chiến cho các cuộc truy kích, săn tìm nghĩa quân Yên Thế. Rất nhanh chóng viên Tổng đốc Bắc Ninh đã tìm thấy phương thức hữu hiệu ngăn cản mọi hành động quân sự bùng phát trở lại thông qua việc tận dụng những khó khăn của binh lính Pháp tại biên giới Việt – Trung để đưa ra đề xuất nghị hòa với Thân Bá Phức – Hoàng Hoa Thám. Để tạo vỏ bọc mang tính khách quan cho những động thái của mình, Lê Hoan đã sử dụng triệt để vai trò trung gian của căn cứ Chợ Mới (Bạch Thông – Bắc Cạn) và thủ lĩnh Dũng đoàn Phùng Quý Phúc.

Thân Bá Phúc từng là Tổng chỉ huy lãnh chức Tổng thống Quân vụ của phong trào Cần Vương đất Bắc. Chính Hàn lâm Trực học sĩ sung chức Tham tán Bắc Kỳ Tống Duy Tân khẳng định rằng, Tán lý Sơn – Bắc Tạ Hiện, Tán lý Ninh – Thái Nguyễn Cao đã thừa nhận Thân Bá Phức tại Quân thứ Song Yên (Yên Dũng, Yên Thế) là người hào hiệp mẫn cán, khá thông võ thuật, từng được Hiệp thống Nguyễn Thiện Thuật khâm cấp thưởng thụ Viên ngoại lang sung chức Tham biện tại Bắc thứ, từ đó một lòng làm theo mệnh lệnh. Phùng Quý Phúc, trong một thư gửi tới Lê Hoan cũng thừa nhận Thân Bá Phức là linh hồn của phong trào Cần Vương ở địa phương, một phú gia có hạng trên đất Song Yên, lão luyện, có học thức, tập hợp được nhiều thủ lĩnh mẫn cán. Nếu Thân Bá Phức chấp nhận việc từ bỏ cuộc chiến thì tên tuổi của Tổng đốc sẽ nổi như cồn. Nếu sự vụ “quy hàng” giả tạo này thành công, Lê Hoan chẳng những tỏ ra là viên quan mẫn cán, được việc với nhà chức trách mà ông còn ngầm dấu được toan tính giúp cho phong trào lùi một bước hợp lý nhưng về cơ bản vẫn bảo tồn được lực lượng trước những diễn biến khốc liệt do giới quân sự Pháp tung ra trong thời gian tới.

Xung quanh những cuộc tiếp xúc giữa Đề Thám với Lê Hoan, sách vở và dân gian lưu truyền khá nhiều câu chuyện – Péroz trong Horo des chemin battus (Bên những nẻo đường bị giẫm nát) kể lại như sau: Ba Kỳ [có lẽ tác giả người Pháp nhầm Phùng Quý Phúc với Phùng Bá Chỉ – tức Ba Kỳ, đều là Hoa kiều], một thủ lĩnh nghĩa quân ở Bắc Kạn, người Hoa Kiều, đã hàng Pháp, được Lê Hoan sai mời Đề Thám đến dự một bữa tiệc. Trước khi vào bữa ăn, Ba Kỳ mời trà: “Đề Thám với lòng tạ ơn tri ngộ, thân thiết nâng tay phải ôm lấy lưng chủ nhân thân ái xiết vào mình, đưa cánh tay trái khuất dưới tà áo lụa mịn màng, từ từ kéo về phía mình cái chén của ông bạn thay vào đấy cái chén của mình. Uống xong Ba Kỳ bỗng kêu lên một tiếng nghẹn ngào, ngã vật ra phía sau, mắt trợn trừng như điên”.

Một lần khác, ở Luộc Hạ, Lê Hoan mở tiệc mời Đề Thám. Khi rót trà mời, Đề Thám bèn mời ngay viên quan nhỏ bên cạnh chén trà của mình. “Bối rối vì được cái vinh dự lớn ấy, viên quan nhỏ cúi rạp đầu và cầm lấy chén trà uống một hơi cạn. Ngay tối hôm ấy viên quan nhỏ dại dột kia chết trong một trận đau bụng kịch liệt”.

Trong dân gian cũng truyền tụng về các vụ đầu độc Đề Thám của Lê Hoan nhưng nhờ mưu trí và thông minh, ông đã thoát được, chẳng hạn như một lần, Lê Hoan định bắt Đề Thám, liền đề nghị Đồn trưởng đồn binh Nhã Nam mời ông đến sự tiệc. Giữa bữa tiệc, bọn lính khố xanh định xông ra trói thì ông “xuất hiện ngoài thềm 4 người An Nam ăn mặc rách rưới đứng sừng sững, súng cacbin trong tay”. Ở phía cửa sau cũng vậy. Đề Thám vẫn điềm nhiên, ngồi uống sâm banh trong khi mặt tên Đồn trưởng tái nhợt, ông bảo hắn: – Đấy là mấy người bạn dũng cảm của tôi đến xem chúng ta uống rượu đấy mà.

Cũng câu chuyện trên, Đinh Xuân Lâm và các tác giả trong Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế lại có cách kể khác: “Dụ hàng Đề Thám không được, giặc và tay sai Lê Hoan định dùng mưu sát hại. Đột nhập căn cứ nghĩa quân không xong, chúng bèn dùng mưu bắt cóc người cầm đầu phong trào. Một lần Lê Hoan đóng bản doanh ở Luộc Hạ cùng Đồn trưởng Pháp Courteix ở Cao Thượng, viết giấy mời Đề Thám ra chơi. Người ta tưởng không bao giờ Đề Thám dám rời căn cứ dấn thân vào hang cọp. Nhưng trái lại, với thái độ rất ung dung, Đề Thám đi cùng Cả Trọng, Cả Dinh [thực ra Cả Trong, Cả Dinh, Cả Huỳnh lúc này chưa xuất hiện, vì còn ít tuổi] và một số nghĩa quân ra Cao Thượng. Quân giặc bố trí thủ hạ định bắt sống cụ trong buổi tiệc nhưng trước thái độ hiên ngang của người anh hùng và nhất là chúng thấy bộ ba Dinh, Huỳnh, Trọng luôn luôn bám sát bọn Lê Hoan và Đồn trưởng để phòng xảy ra chuyện bất trắc, nên đành để Đề Thám ra về”.

Đậm chất truyền kỳ nhất là những câu chuyện xoay quanh cái trục Đề Thám – Bá Phức – Lê Hoan. Có lần chúng bày mưu cho Thương Phức vốn xưa kia là cha nuôi Đề Thám, nay đã là một tay sai đắc lực cho giặc, đến tìm cách bỏ thuốc độc vào nước uống để sát hại cụ. Nhưng gậy ông lại đập lưng ông, trong khi nói chuyện, cụ Đề Thám đã “kín đáo xoay chiếc khay đựng chén nước có thuốc độc về phía Thương Phức, khiến sau khi uống xong, y ngộ độc suýt chết phải đem đi nhà thương Bùi chữa” (Bouchet. Au Tonin. La vie aventureuse de Hoang Hoa Tham, chief pirate). “Được cha nuôi mời, Thám đi đến Luộc Hạ, Lê Hoan phái một quan tùy thuộc đến để cuộc đón tiếp được long trọng. Theo thường lệ, trước khi nói chuyện, người ta đã đưa nước chè Lục Nam mời khách uống, chè này là thứ chè nụ ướp hoa mùi rất thơm. Bá Phức tự tay mình đem cho khách một chén chè mà người đầy tớ đã mang đến để trong một cái khay sơn. Cái chén đựng nước chè bằng sứ đẹp. Thám cúi đầu kính cẩn nhận lấy chén chè. Nhưng lại đưa ngay cho người thư ký của Bá Phức. Anh này uống xong ngã ra chết. Và Đề Thám tỏ nỗi thương tiếc trước cái tai nạn không thể hiểu được ấy… Thế rồi người thì cho rằng Thám là người thông minh, là người không ai làm gì được, người thì đoán rằng có lẽ Bá Phức đã ra dấu thế nào, hoặc rùng mình một cái, hoặc nheo mắt một cái, mà người đại diện của Lê Hoan không trông thấy được, để Thám khỏi bị chết. Thế là Bá Phức vẫn thi hành mệnh lệnh của Lê Hoan mà cũng như không thi hành… Có lẽ Bá Phức cũng nghĩ Thám muốn chọn nạn nhân tốt hơn là tên thư ký khốn nạn này. Nhưng sao anh thư ký này lại uống chén nước chè có thuốc độc chết người ấy. Vì anh ta không biết là chè có thuốc độc. Chỉ có Bá Phức và tên quan lại nhỏ do Lê Hoan phái đến biết mà thôi…” [Paul Chack. Hoang Tham pirte (Giặc Hoàng Thám)]. “Lúc Bá Phức chán cái đời phiêu bạt đã đầu hàng trước ông De Lanéssan người ta tưởng rằng Đề Thám mấy lâu đã xây dựng được một lực lượng dưới quyền lãnh đạo của Bá Phức cũng sẽ đầu hàng theo. Nhưng không, mặc dầu Lê Hoan theo một chỉ dụ nhà vua, cầm đầu một đạo quân lính khố xanh, đã nhiều lần đề nghị với Thám. Lê Hoan muốn tránh một cuộc tiến công vào doanh trại Thám đã chỉ định một thời hạn để Thám thân hành đến đầu hàng. Khi thời hạn quá rồi, Lê Hoan mời Thám đến gặp ông ta ở Luộc Hạ. Đề Thám không thể từ chối được, nhưng đã đến gặp Lê Hoan với một số người tùy tùng quan trọng có vũ trang đi theo nên Lê Hoan không thể đánh bẫy Thám được; cuộc nói chuyện giữa hai người không làm cho tình hình thay đổi chút nào. Đề Thám luôn luôn kính cẩn, lắng nghe huấn thị của đặc phái viên của nhà vua, nhưng không bao giờ nói ra tiếng đầu hàng mà người ta chờ đợi. Lúc Thám từ biệt Lê Hoan ra rồi thì gặp ngay ông cha nuôi là Bá Phức, Bá Phức mời Thám uống nước; có hai chén nước, nhưng Thám đã uống chén mà người ta không mời, vì ở chén kia có mùi gì khác bay ra, đúng như thế, chén chè kia đã bị bỏ thuốc độc…” [Claude Bourrin. Le vieux Tonkin (Bắc Kỳ xưa)].

“Một hôm tên chủ tướng của giặc đưa thư tới đồn Tướng quân bày tỏ ý kiến giảng hòa như lần trước. Chọn một cái đình làng ở gần trung gian để làm nơi hội nghị, ước hẹn ngày gặp. Quân giặc và Tướng quân đều mỗi người mỗi ngựa và mang theo hai người tùy tùng đến hội nghị. Hai bên đều phải gọi người thân tín đến cho nhau để làm con tin, rồi sau mới họp bàn. Tướng quân nhận được thư, trả lời y hẹn. Đúng tới ngày quân giặc đến trước, rồi tướng quân cũng đến. Khi ngồi vào bàn rồi quân giặc sai bày tiệc cơm Âu. Tướng quân nghi có gian kế. Lúc đó đã vào tiệc, giả vờ làm điệu nhún nhường, xoay chiếc bàn ăn trôn ốc đi một vòng. Món ăn của Tướng quân lại về trước mặt tên Tùy viên. Chưa đầy một phút sau khi bắt đầu ăn, tên Tùy viên của giặc đã bị ngã lăn quay. Dao đĩa ngổn ngang, chủ khách đều mất vui, tiệc tan dở bữa, hai bên đều rút về. Vì bọn giặc đã ngầm sai người bỏ thuốc độc vào bát ăn ở trước mặt Tướng quân, nhưng Tướng quân đã xoay bàn, cho nên Tùy viên ăn nhầm phải mà bị chết. Tướng quân chẳng hề gì. Người thời bấy giờ lại càng thần phục Tướng quân. Than ôi! Thuê người ám sát, giả hòa đánh úp, mời hội nghị để đầu độc, kế của giặc gian hiểm đến thế là cùng mà vẫn không giết nổi Tướng quân, chỉ có trời phú cho chứ sức người không sao làm nổi. Mưu của giặc đã bị thất bại. Vả lại nghĩ rằng toàn quốc đã chiếm đoạt được thì một mảnh đất cỏn con này cũng chẳng đáng kể gì, nên bọn giặc muốn xếp việc của Tướng quân lại không đếm xỉa tới nữa. Nhưng vì các phủ huyện gần đó thường bị Tướng quân đánh phá, nên bọn giặc rất ngán. Lại còn công trình xây dựng đường sắt bị Tướng quân quấy rối luôn, nên không hoàn thành được nhanh chóng, đó cũng là nỗi lo của bọn chúng. Tránh sự nhọc mệt để tìm sự thảnh thơi. Không đánh kẻ đã khuất phục. Hai lần trước đề ra việc giảng hòa lừa dối, bỗng nhiên chuyện đùa nay hóa thành chuyện thật” (Phan Bội Châu. Chân tướng quân).

Ngay sau sự kiện Bá Phức đặt mìn, “tiếng vang dư luận” dữ dội bùng lên át cả tiếng bom đã nổ trong đồn Hố Chuối, tạo nên một hiệu ứng dây chuyền đáng sợ. Người ta ghi chép lại câu chuyện đó theo suy đoán riêng của mình. Người ta kể cho nhau nghe theo kiểu mỗi người một phách, mỗi ngày một ly kỳ và hấp dẫn hơn, thông qua các loại hình sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói hoặc thơ ca, tiểu thuyết lịch sử. Cứ như vậy, màn kịch về sự phản phúc, lừa thầy phản bạn, hèn nhát, thích hưởng thụ xa hoa phú quý mà Bá Phức phải tạm khoác vào ngày càng đậm nét còn sự thật xung quanh con người kiêu hùng, nặng lòng với nước của Bá Phức lại bị xóa nhòa, thậm chí bị tẩy sạch, không mảy may để lại bất kỳ dấu vết nào. Một nhân vật có liên quan là Lê Hoan cũng được “điển hình hóa” về sự đắc lực với các ông chủ người Pháp, cực kỳ nham hiểm, cực kỳ tàn bạo, không còn tính người. Sức mạnh của quá trình “sân khấu hóa”, “văn nghệ hóa” ấy đã khiến cho cái gì mà người ta muốn biến thành vết nhơ thì sẽ trở thành vết nhơ, đậm nét và khó gột rửa.

Đối với trường hợp Thân Bá Phức (Văn Phức, Tham Phức, Tán Phức, Thương Phức) đã đến lúc giải những nghi án tồn tại hơn một thế kỷ qua, kể từ cái tháng 2-1894 đầy nghiệt ngã ấy. Tiếc thay, điều mong mỏi giản đơn ấy mãi gần đây mới được giới sứ học nước nhà lục lại và bàn thảo.

Bằng những chứng lý khoa học, Thạc sĩ Sử học Nguyễn Quang Trung Tiến (Đại học Khoa học Huế) trong bài viết “Vai trò tổ chức chống Pháp của Thân Văn Phức ở Yên Thế trước năm 1893” công bố tại Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Họ Thân trong lịch sử Việt Nam (2004) tổ chức tại thành phố Huế, sau khi đã chứng minh Thân Bá Phức là một thủ lĩnh tài ba tại Quân thứ Song Yên có nhiều đóng góp cho phong trào Cần Vương, tác giả đã có nhiều lý giải khá thú vị xung quanh vụ đặt mìn ở Hố Chuối:

Thứ nhất, nếu Bá Phức là kẻ phản bội thực sự thì nghĩa quân sẽ vô cùng cảnh giác, tất cả mọi hành vi của ông cùng người hầu đều bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của nghĩa quân Đề Thám; nên thầy trò Bá Phức khó có thể đem mìn vào doanh trại, và cũng khó có cơ hội châm ngòi cháy chậm của quả mìn, rồi cùng nhau thoát thân mà không bị nghĩa quân phát hiện, bắt giữ.

Thứ hai, thái độ Đề Thám giả vờ như không biết âm mưu ám sát của Bá Phức, vẫn để cho Bá Phức cùng bộ hạ chạy trốn sau khi đã châm mìn, rồi tương kế tựu kế đem nghĩa quân mai phục để tiêu diệt địch tấn công căn cứ có thể là một sự sắp đặt từ trước của hai người, là mưu tính của Bá Phức – Đề Thám để vừa che mắt giặc vừa tiếp tục chống lại giặc. Bởi vì nếu Bá Phức thực sự phản bội, thì thời gian trước khi ông đến gặp Đề Thám, hoặc trong những năm tháng lâu dài về sau (cho đến năm 1912 – ý tác giả nói đến năm Bá Phức qua đời theo gia phả của họ tộc), ông đã phải nhận bản án tử hình của nghĩa quân. Chúng ta không quên Đề Thám đã từng tự tay xử tử Đề Sặt vào tháng 2-1893, bởi trước đó viên đầu lĩnh này phản bội Đề Nắm và về đầu thú giặc; và nếu Đề Thám vướng víu mối quan hệ nghĩa phụ – nghĩa tử, chắc hẳn những nghĩa quân khác hoặc nhân dân Yên Thế cũng không tha thứ cho Bá Phức!

Tóm lại, Thân Bá Phức từng giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thống nhất các nhóm khởi nghĩa, tổ chức lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế chống Pháp rất anh dũng giai đoạn 1888-1893, được cả phía thực dân Pháp lẫn quân Cần Vương thừa nhận là người đứng đầu phong trào. Lịch sử cần phải ghi nhận những cống hiến đó của ông cho sự nghiệp chung của nền độc lập dân tộc. Thân Bá Phức có phải là người trá hàng để phục vụ mục đích chống Pháp của Đề Thám hay không thì cần phải có chứng liệu chính xác để chứng minh; xong việc ông có nhiều đóng góp cho nhân dân Yên Thế trong việc cúng ruộng, tặng nhà, xây đình, mở đường, giúp dân định cư tăng gia sản xuất, và ngầm quyên góp tiền gạo cho nghĩa quân Đề Thám là chuyện đến bây giờ vẫn còn được lưu truyền tại địa phương.

Nguyễn Quang Ân khi viết về Thân Văn Phức trong ký ức người Yên Thế cũng công bố tại Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Họ Thân trong lịch sử Việt Nam cho rằng: “Trong lúc địch thay đổi sách lược, vừa tăng cường quân sự, vừa ra sức dụ hàng, Bộ chỉ huy nghĩa quân đã để Bá Phức trá hàng tìm cách nắm dân, củng cố cơ sở làm chỗ dựa cho nghĩa quân”.

Nguyễn Quang Ân đã thống kê những việc làm hết sức có ý nghĩa của Bá Phức với Đề Thám và nhân dân Yên Thế như sau:

– Tháng 5-1894, thực dân Pháp và Tổng đốc Bắc Ninh là Lê Hoan giao cho Bá Phức vào Hố Chuối gặp để dụ hàng và đặt mìn giết Đề Thám. Nhận nhiệm vụ, nhưng Bá Phức đã báo cho Đề Thám biết âm mưu của địch và thống nhất kế hoạch cứ để cho mìn nổ ở trong dinh Đề Thám rồi loan báo là đã giết được Đề Thám. Khi quân địch đến vây, nghĩa quân đã chủ động phục đánh, tiêu diệt được rất nhiều.

– Ngầm động viên nhân dân tăng gia sản xuất, đóng góp nhân lực, tiền gạo cho nghĩa quân.

– Lấy gỗ ở rừng Yên Thế về làm đình cho 7 làng ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Thế (số tiền, gạo và nhân lực kể trên chính là do các toán sơn tràng được Bá Phức xin phép nhà nước vào rừng Yên Thế hoặc Thái Nguyên khai thác gỗ để phục vụ cho việc làm hoặc tu sửa đình rồi bí mật tiếp tế cho Đề Thám những năm khó khăn – TG).

– Làm con đường đất rộng 4m, dài 4km từ huyện lỵ Việt Yên về Sơn Quang (tổng Dĩnh Sơn), nhân dân vẫn gọi là đường Quan Thương.

– Công đức cho nhân dân Sơn Quang 3,7 mẫu ruộng và 6 gian nhà ngói (gọi là Sinh từ). Hằng năm, nhân dân thôn Sơn Quang làm giỗ Thương Phức vào ngày 22-2, gọi là giỗ hậu.

Câu chuyện đặt mìn, gài bom đã phủ bóng lên sự thật lịch sử, nhất là khi nó được viết lại bởi các nhà văn, nhà thơ, những người làm sân khấu. Lúc này, sức mạnh vô biên của văn học đã phân định rạch ròi đôi ngả, giống như tên một bài thơ do ông Nguyễn Văn Từ làm năm 1943 tại nhà tù Sơn La, được in trong tờ Suối Reo, truyền khẩu rộng rãi trong dân chúng đến mức nhiều người coi đó là bài thơ do Đề Thám làm. Thực ra, chiến sĩ cách mạng đã mượn việc Đề Thám trả lời cha nuôi là Bá Phức dụ hàng Pháp để răn người em họ của mình lúc bấy giờ đã phản bội cách mạng. Bài thơ có nội dung như sau:

“Đọc những lời trong thư cha dụ dỗ/ Dòng lệ con hoen ố mảnh nhung y/ Nhớ ngày nào ôm chí lớn ra đi/ Trong quá khứ cha ghi nhiều kiêu hãnh/ Kìa mũi kiếm máu kẻ thù còn dính/ Bóng anh hùng tím lạnh bởi hư vinh/ Ngoài phong ba vùng vẫy bóng nghê kình/ Tham mồi béo nộp mình cho ngư phủ/ Trong rừng xanh tung hoành oai mãnh hổ/ Hám mồi ngon ủ rũ chốn chuồng con/ Bả vinh hoa làm chết cả tâm hồn/ Nhưng nào chuyển kẻ lòng son dạ sắt/ Mây Nùng Lĩnh còn mịt mờ u uất/ Sóng Nhị Hà còn chứa chất căm hờn/ Thì đời con là của cả giang sơn/ Dù thịt nát xương tan đâu dám kể/ Rồi những lúc cha vui vầy vị kỷ/ Là khi con rầu rĩ khóc non sông/ Đêm canh trường cha nệm gấm chăn bông/ Nơi rừng thẳm con nằm chông nếm mật/ Cha hít thở hương trầm bay bát ngát/ Pha lẫn mùi màu thịt của lê dân/ Thì mũi con ngạt thở, cổ khô khan/ Ai vẳng tiếng hồn oan trong thảm cảnh/ Cha ngực đầy mề đay, kim khánh/ Con bên sườn lóng lánh kiếm tiêm cừu/ Cha say mê bên thiếu nữ yêu kiều/ Con tận tụy với tình yêu Tổ quốc/ Nghĩa là cha đem tài năng trí óc/ Mưu vinh thân làm mục đích cuối cùng/ Thì con đem xương trắng máu hồng/ Để cứu vớt non sông làm chí nguyện/ Cha với con là hai trận tuyến/ Cha một đường, con tiến một đường/ Buổi điền viên cha đừng mơ ước/ Cuộc hội đàm là đại bác, thần công/ Bức thư đây là bức cuối cùng/ Mà cha chỉ là cha trong dĩ vãng/ Thôi hạ bút cho thâm tình gián đoạn/ Để nghe đời kết án kẻ gian phi/ Thanh kiếm thần ta tuốt sẵn chờ mi”. (Văn thơ yêu nước và cách mạng, tập 3B, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1959).

Bài thơ của một chiến sĩ cách mạng trên đây rõ ràng thuộc dòng Thơ Mới. Vậy mà đã không ít ngộ nhận cho rằng Hoàng Hoa Thám đã sáng tác và gửi gắm tâm can vào áng văn chương trên. Nhân đây một lần nữa xin đính chính cùng công luận.

Thân Bá Phức trước khi “quy hàng” chính thức đã được nhà cầm quyền Pháp phong cho chức Thương tá hay đây là chức vụ mà ông giữ trước khi đánh Pháp? Đây là một tồn nghi, vì trong thư gửi cho Lê Hoan ngày 18-11 năm Thành Thái thứ 5 (6-12-1893) ông đã tự xưng hoặc tự nhận thì đúng hơn mình là “nguyên Thương tá phân phủ Lạng Giang”. Đây là một dấu hỏi cần được tìm hiểu thêm để có lời giải đáp thỏa đáng. Lại nữa, những thứ ông giao nộp trước khi tới Cao Thượng gồm những gì? Theo phúc trình của Lê Hoan lên Hoàng Cao Khải ngày 15 tháng Chạp năm Thành Thái thứ năm (21-1-1894) thì đó là đạo bằng Tán tương Quân vụ do Tống Duy Tân khâm cấp, một ấn gỗ khắc 4 chữ Hán Tán tương Quân vụ, 20 cây súng Phúdi caladinh (fulsil carabine), 8 súng nạp hậu.

Ngoài một chức vụ chuyên chăm lo cho việc thu thuế má, Thân Bá Phức được phép đưa gia quyến về lập ấp, dựng làng tại hai xã Dương Huy và Sơn Quang thuộc tổng Dĩnh Sơn, huyện Việt Yên vì nhà cửa, ruộng vườn của ông tại thôn Làng Trũng đã bị tàn phá hoặc giao cho giáo dân (làng Sơn Quang cũng bị tàn phá hồi Thanh phỉ, lúc đó gần như hoang tàn). Theo những dấu tích còn lại ở Sơn Quang (nay thuộc xã Trung Sơn, huyện Việt Yên), cơ ngơi của ông được dựng nên khá bề thế. Quanh nơi ở có hào sâu lũy cao, đặt nhiều trạm gác và chỉ có một lối duy nhất ra vào.

Ngay sau khi “quy hàng”, Thân Bá Phức cảm thấy nhẹ lòng hơn khi Hoàng Hoa Thám đã khôn khéo buộc người Pháp phải hòa hoãn lần thứ nhất vào cuối năm 1894, vẫn còn quyền thu thuế và kiểm soát 4 tổng Mục Sơn, Yên Lễ, Nhã Nam và Hữu Thượng, tuy tiếng súng chỉ tạm ngừng giữa hai bên chưa đầy một năm. Từ ngoài cuộc chiến, ông hoàn toàn lo ngại khi thấy từ cuối năm 1895 người Pháp lại đưa quân đánh lên Yên Thế, Hoàng Hoa Thám phải đem lực lượng tá túc khắp nơi trong tình cảnh thiếu lương thực, vũ khí và mỏi mòn sức lực, nhất là trong hai năm 1895-1897. Thực thi đúng lời hẹn ước trước lúc ra hàng, Thân Bá Phức hối hả xin sửa và dựng đình chùa cho một vài thôn xã để có cớ đưa sơn tràng thâm nhập vào rừng sâu, tìm cách tiếp tế cho nghĩa quân. Mặc dù hết lòng và vô cùng tận tụy nhưng sự giúp đỡ đó chỉ giải quyết cho nghĩa quân vài khó khăn tức thời và trước mắt. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, ông vui mừng vì thấy người Pháp lại giảng hòa với Đề Thám vào hồi tháng Mười năm Đinh Dậu (11-1897). Mấy tháng sau, vào ngày 23 tháng Hai năm Mậu Tuất (4-1898) ông thanh thản từ biệt cõi đời. Trước lúc ông trở về cõi vĩnh hằng, gia đình dòng tộc khởi dựng tại Sơn Quang một khu Sinh từ, nhưng mãi đến tháng 10 năm Mậu Tuất mới được khánh thành. Thương nhớ và biết ơn ông, dân làng đã dựng tấm bia Tế chi dĩ lễ (Lấy lễ để kính tế) ghi lại và ấn định như sau[17]:

“Tại xã Sơn Quang, tổng Dĩnh Sơn, huyện Việt Yên, các bậc Hương lão, Thôn trưởng cùng lớn bé, trẻ già đồng lòng lập ghi nhân duyên việc được ơn nhờ công đức.

Trước đây dân xã chúng tôi phải trải qua hoạn nạn binh đao, tận cùng chết chóc chẳng biết xoay xở ra sao. May nhờ có quan Hàn lâm viện Biên tu được sung giữ chức Thương tá phủ vụ thuộc phủ Lạng Giang người họ Thân, quý ngài đã phụng mệnh triều đình đến đây lập ấp, vỗ về chiêu tập dân chúng khai hoang, mở đất. Thấy người trở về, mọi sự đổi thay nhanh chóng mới lại như xưa, dân xã cũng dần quy tụ lại. Đến nay được no ấm như vậy là nhờ có công lao vỗ về, phủ dụ của Thân quý công vậy! Người đã mang lại những sự tốt lành như thế, sao chúng dân chẳng nuôi lòng ghi nhớ quên lãng sao được? Người đã có công đức với dân tất được dân chúng phụng thờ, đạo làm người xưa nay vẫn thế. Cho nên một lòng thuận hứa:

Khi quý ngài đã đi xa, bà phu nhân [tiếp tục] thực hiện theo ý nguyện của ngài là xây dựng Sinh t ừ gồm hai ngôi nhà, mỗi ngôi nhà có 6 gian. Lại xuất ra 3 mẫu 7 sào ruộng tốt làm ruộng hương hỏa để đời đời hương nhang cúng lễ. Sợ rằng sự rồi quên lãng, ý tứ sai ngoa… bèn nhờ tư văn khắc lưu dấu tích.

1/ Hàng năm giỗ quan Thương tá Thân quý công, tên chữ là PHÚC LƯƠNG vào ngày 23 tháng 2.

2/ Hàng năm giỗ tôn phụ nhân, tên hiệu Diệu Hòa ngày….. tháng….. (vì khi lập bia bà còn sống nên để trống ngày tháng mất).

3/ Lệ là Quý công đã xuất 1 sào rưới ruộng tốt, giao cho ông Lý trưởng đương cai nhận để canh tác. Hàng năm vào ngày mồng 1 tháng Giêng (tức ngày 1 Tết) biện một mâm lễ đến Sinh từ để hành lễ.

4/ Lệ là hàng năm tế Thần vào vụ Xuân – Thu (mùa Xuân tế Chưng, mùa Thu tế Thường đều nhằm truy ân công đức và dâng cũng sản vật mùa màng lên chư vị Thần linh) hoặc các dịp có giết mổ trâu, bò, lợn của làng xã thì biện 1 mâm xôi, 1 khoanh thịt cổ, trước để dâng cúng Sinh từ, sau là để biếu Hậu chủ.

5/ Lệ là hàng năm vào các kỳ giỗ hậu tại Sinh từ, làng xã cũng và biếu Kỵ chủ lễ gồm 1 khoanh thịt cổ bò hoặc lợn, 1 cỗ xôi.

Phó khả bạ Tống Sơn (không rõ tên người soạn bài này).

Thành Thái năm thứ 10, Mậu Tuất niên (1898)

                                  Ngày mồng 10 tháng 10, bản Xã kính khắc

                                           Cựu Phó tổng Tống Văn Hưu ký

                                           Trưởng thôn Nguyễn Văn Ổi ký”

Tán tương Quân vụ Thân Bá Phức vĩnh biệt cói đời đã hơn một thế kỷ. Nỗi hàm oan mà ông phải gánh chịu tưởng sẽ nhạt dần theo năm tháng, nhưng đâu phải đã phai lạt trong ký ức của nhiều thế hệ. Không, quan Tán tương họ Thân trước hết là một người yêu nước nhiệt thành, một ngọn cờ tiêu biểu của phong trào Văn Thân chống  Pháp. Dưới sự lãnh đạo của ông, những chiến công vang dội nhất, những trận đánh gây cho kẻ thù nhiều nỗi khiếp đảm nhất đã diễn ra. Những tên làng, những đồn lũy vốn xa lạ với người Pháp như Nhã Nam, Dương Sặt, Thế Lộc, Luộc Hạ, Lèo Nam, Lèo Bắc, Cao Thượng, Hố Chuối, Khám Nghè, Khê Hạ… cứ dồn dập xuất hiện trong các bản báo cáo quân sự gửi về nước Pháp. Quân xâm lược đã vấp phải một đội quân áo vải nhưng hết sức kiên cường và thông minh, chiến đấu bền bỉ dưới sự lãnh đạo của một lão tướng áo vải, chưa hề qua bất kỳ một trường lớp quân sự nào, chỉ được rèn luyện bằng những cuộc chống lại sự cướp bóc của lũ Thanh phỉ từ phương Bắc tràn qua. Tên tuổi của ông, một thời hết thảy tướng tá người Pháp nhắc đến đều trong niềm kính phục và ngại ngần.

Lý giải về sự kiện quan Tán tương ra quy phục ở Cao Thượng, lớp con cháu cho rằng, người Pháp đã dùng thủ đoạn hèn hạ là đào lấy xương cốt của thân phụ ông khi đó được đặt tại làng Cầm, xã Yên Lễ, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế (nay thuộc xã An Dương, huyện Tân Yên) đem về phơi nắng ở đồn Bỉ Nội. Trước áp lực mạnh mẽ về tâm lý ấy, Thân Bá Phức phải ra hàng.

Thực ra, đó cũng là một cách dân gian hóa một kịch bản như đã nói ở trên. Và, đến nay; lớp con cháu chúng ta phải có trách nhiệm giải mã những bí mật được giấu kín đó, trả lại ánh hào quang cho một vị tướng tài, hết lòng vì nước, linh hồn của phong trào Cần Vương đất Bắc. Trước sau ông là một thủ lĩnh toàn tài, hiếu thuận vua tôi và luôn vì dân, vì nước.

Chú thích:

[1] Péroz. Hors des chemin battus (Bên những nẻo đường chiến trận)

[2] Nguyễn Duy Hinh trong Đề Thám, con hùm Yên Thế, tr.41 (Nhà sách Khai Trí, 62 Đại lộ Lê Lợi – Sài Gòn xuất bản) viết:

“Năm Tự Đức thứ 36 tức năm dương lịch là 1882, Cai Kinh đã phái cha nuôi của Thám là Bá Phức đến Yên Thế tổ chức khu này thành một chiến khu thứ ba sau Lũng Lạt (Cai Kinh) và Kê Thượng (Ba Kỳ).

Bá Phức vào Yên Thế, có Thám theo giúp rất đắc lực nên chẳng bao lâu đất Yên Thế trở thành một hiểm địa quan trọng bậc nhất đã chôn thây hàng vạn binh lĩnh trong đoàn quân viễn chinh thực dân lúc bấy giờ”.

[3] Trung – Pháp chiến tranh tư liệu, Q.11, bản dịch của Chu Thiên được Đặng Huy Vân – Nguyễn Đăng Duy dẫn trong bài viết “Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh (1883-1888)”, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 81-1965.

[4] Do pháo thuyền Ruri Mari, tàu kéo Trà Lý, Cửa Cấm đưa đến.

[5] Tài liệu này cũng xác nhận: “Hoàng Đình Kinh cùng với các quan viên lệ thuộc đốc nghĩa dũng đánh lấy Bắc Lệ”.

[6] Đây là bức thư thứ 2 do Thống lĩnh binh tướng Ninh- Thái, Phó Chỉ huy Tiền quân Đề Thám gửi cho nhà chức trách Pháp vào ngày14 tháng Một năm Hàm Nghi thứ 6 (26-12-1890).

[7] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[8] Ganiéni. Au Tonkin.

[9] Chabrol. Opérations militaires.

[10] Chabrol. Opérations militaires.

[11] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[12] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[13] Histoire militaire phụ thuộc l’Indochine.

[14] Chabrol, Opérations militaires.

[15] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[16] Bản dịch của Nguyễn Phan Quang, tài liệu do tác giả sưu tầm tại Kho lưu trữ Quốc gia Pháp, công bố trong Việt Nam cận đại – Những sử liệu mới, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, tr.70-79.

[17] Văn bia do Nguyễn Đức Thụ sưu tầm và dịch.