CHƯƠNG XVI: BẢN ANH HÙNH CA DỰNG NƯỚC XÂY THÀNH CHỐNG NGOẠI XÂM CỦA VUA THỤC AN DƯƠNG

VỀ THĂM LẠI MẢNH ĐẤT CỔ LOA XƯA CŨ

Cách thủ đô Hà Nội không đầy 20 ki-lô-mét, mảnh đất Cổ Loa lịch sử hiện ra trước mắt ta với những ruộng lúa xanh rờn, những dải đồi đất màu son nhạt trồng trám, trẩu, mít, cau, chè, những khúc thành cổ bị thời gian phá huỷ, mưa nắng xói mòn, với cỏ dại, cây hoang thấp bé bao phủ.

Qua cầu Sa và ngôi miếu nhỏ thờ thần Rùa Vàng là đến chợ Sa họp một tháng sáu phiên đông vui rộn rịp. Quá cửa thành phía Nam và xóm Chợ là xóm Chùa. Không khí cổ kính bao trùm toàn bộ khu di tích lịch sử với mái đình Cổ Loa cong vút và am Mị Châu con gái vua Thục. Trong am thờ một hòn đá na ná như pho tượng cụt đầu, cách am không xa là đền Thượng thờ vua Thục xây dựng trên một gò đất, nhìn ra phía trước đền thấy hồ sâu hình bán nguyệt, giữa hồ là giếng Ngọc, nơi Trọng Thuỷ đã trầm mình vì đau khổ không tìm thấy Mị Châu và thấy sự giả dối của mình đã giết chết người vợ yêu.

Nhân dân Cổ Loa mở hội đền vào mồng 6 tháng giêng để tỏ lòng tôn kính vị anh hùng dựng nước Âu Lạc. Tục ngữ địa phương có câu : ” Chết bỏ con cháu, sống không bỏ mồng sáu tháng giêng “. Ngày xưa hội đền kéo dài từ mồng 6 đến 18 tháng giêng với sự tham gia của 7 xã quanh vùng. Nay hội đền không còn tấp nập như xưa nhưng khách tham quan Cổ Loa hầu như không ngày nào vắng. Từ già đến trẻ, từ em học sinh đến nhà nghiên cứu, từ khách trong nước đến khách nước ngoài ai ai cũng thích thú hành hương về mảnh đất cổ kính gợi lại những kỷ niệm bi đát mà hào hùng về một giai đoạn lịch sử đầy biến động, kỷ niệm về bi kịch mất nước đầu tiên của nhân dân Việt cổ, một trong những bi kịch mất nước xưa nhất trong lịch sử loài người.

Kiến Trúc Thành Cổ Loa

Các cụ già ở Cổ Loa gọi làng mình bằng cái tên cổ kính của nó là chạ Chủ, gọi cánh đồng Cổ Loa là cánh đồng Chủ, thành Cổ Loa là thành Chủ, vua Thục An Dương là vua Chủ, đền Thượng thờ vua là đền Chủ và ngày hội mồng 6 tháng giêng là hội đền Chủ. Cám ơn các vị bô lão ấy đã giúp chúng ta tìm ra được từ nguyên của địa danh Cổ Loa . Dựa trên phương pháp của ngữ âm học lịch sử, chúng ta biết rằng Chủ xưa đọc là Trủ, mà trước thế kỷ XVIII, âm tr trong tiếng Việt cũng đọc là bl hay kl. Vậy Chủ hay Trủ đã được đọc là Blủ hay Klủ, từ đó nó được phiên âm chữ Hán là Khả Lũ, rồi được đổi thành Kim Lũ, được đọc là Kẻ Chủ, Kẻ Lủ và cuối cùng là Cổ Loa (2) .

Cách đây khoảng hơn hai nghìn năm, khi nước Văn Lang còn đang cường thịnh ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ thì ở phía đông bắc nước đó nổi lên một liên minh bộ lạc của người Âu Việt mà điểm trung tâm là miền đồng bằng phì nhiêu Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng ngày nay). Nếu người Lạc Việt của nước Văn Lang là tổ tiên của nguời Việt, người Mường thì người Âu Việt chính là tổ tiên người Tày, người Nùng ngày nay. Vào buổi bình minh của lịch sử, sự phân hoá các tộc người còn chưa thật rành rẽ, và sự hợp nhất giữa các bộ tộc gần nhau về địa vực, dòng máu, trình độ phát triển văn hoá vật chất và tinh thần là một nhu cầu tất yếu, nhất là trước nguy cơ bành trướng và xâm lược đến từ phương Bắc. Đó là cơ sở của sự hợp nhất giữa hai liên minh bộ lạc Lạc Việt, Âu Việt và sự ra đời của nước Âu Lạc.

Âu và Lạc đều cùng nòi giống Việt, lãnh thổ của hai bộ tộc nằm cạnh nhau.Truyền thuyết Việt về bố Rồng ở miền biển cưới mẹ Âu ở miền núi hay truyền thuyết Mường về chàng cá lấy nàng hươu sao phản ảnh sự tiếp xúc và mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa người Lạc Việt với người Âu Việt. Âu giữ rừng vàng, Lạc coi bể bạc. Lạc giúp Âu sản phẩm miền xuôi : lúa, gạo, cá mú, ngọc trai, muối…Âu đổi cho Lạc sản phẩm của núi rừng : kim loại, ngà voi, sừng tê, gỗ quí…Âu cũng chế tạo đồ đồng thau, cũng canh tác nông nghiệp, cũng có tục cắt tóc, xăm mình, nhuộm răng, ăn trầu như Lạc. Giữa hai bộ tộc có giao lưu kinh tế, văn hoá, hôn nhân nhưng cũng không tránh khỏi xung đột, lấn át nhau. Vào nửa đầu thế kỷ III trước Công nguyên, Thục Phán được cử làm thủ lĩnh liên minh bộ tộc Âu Việt ở vùng Việt Bắc và tìm cách phát triển thế lực xuống miền nam và đông nam thuộc địa bàn thống trị của vua Hùng.

Việc Thục Phán cầu hôn với con gái vua Hùng thứ 18 có thể là một mưu mẹo để sát nhập nước Văn Lang vào địa bàn Âu Việt nhân sự suy yếu của vua Hùng. Cuối cùng, người thủ lĩnh trẻ tuổi và tài giỏi là Thục Phán đã phái nhiều đạo quân tiến đánh kinh đô nước Văn Lang, đánh đổ triều Hùng, dựng lên nước mới là Âu Lạc gồm đất đai người Âu ở phía Bắc và đất đai người Lạc ở phía Nam rồi dời đô từ vùng đồi núi xuống miền đồng bằng Cổ Loa, khẳng định ý chí, niềm tin và quyết tâm của nhân dân Âu Lạc giữ vững nền độc lập của mình.

Sự thống nhất giữa hai lãnh thổ và hai bộ tộc đã làm nên sức mạnh mới, đã nâng cao ý thức dân tộc của người Việt cổ. Âu Lạc ra đời là sự kế tục và phát triển trên một mức cao hơn quốc gia Việt Nam đầu tiên.

THÀNH CỔ LOA, MỘT KỲ CÔNG KỸ THUẬT QUỐC PHÒNG CỦA NHÂN DÂN ÂU LẠC

Truyền thuyết dân gian Cổ Loa kể rằng ban dầu vua Thục định đóng đô ở chạ Tó, nay là xã Uy Nỗ cách Cổ Loa một quả gò gọi là gò Vua. Nhưng bầy chó săn của vua cứ chạy mãi sang phần đất chạ Chủ, vua sang bên ấy thấy cả một phong cảnh kỳ thú hiện ra trước mắt : dòng Hoàng Giang uốn lượn, mạch đất cao ráo với nhiều sống đất tựa như những con rồng uốn khúc đổ dồn xuống trung tâm chạ Chủ. Vua bàn bạc với tướng Cao Lỗ rồi quyết định dời đô về chạ Chủ.

Ý đồ của vua là xây dựng nên một nơi đô hội giữa trung tâm đất nước, đồng thời là một pháo đài phòng ngự, một thành luỹ chống ngoại xâm. Quan sát nghiên cứu thành Chủ, người ta có thể khẳng định đây là một công trình kiến trúc quân sự vĩ đại, được thiết kế và qui hoạch rất chu đáo, hợp lý và sáng tạo trên cơ sở triệt để lợi dụng thế đất, đồi gò, sông đầm…Có lẽ hàng vạn dân công đã được huy động để xây thành.

Theo lời kể của dân gian, đền Thượng Cổ Loa được xây dựng ngay trên nền cung điện cũ của vua Thục, đình được xây dựng trên điện ngự triều, bên cạnh cung cấm có vườn thượng uyển và hồ sen, nay là khu vực xóm Lan Trì. Bao bọc khu cung cấm là một toà thành được gọi là thành nội cao 5 m, mặt trên rộng từ 6 đến 12 m, chân choãi rộng từ 20 đến 30 m, chung quanh có đào hào sâu và rộng cho thuyền lớn đi lại được. Ở bốn góc thành và rải rác trên mặt thành đắp những ụ hỏa hồi, từ đấy quân của vua Thục bắn xuống bọn giặc ngoại xâm.

Bên ngoài khu vực của vua và hoàng hậu là khu vực của các quan văn võ. Vua cho đắp một toà thành trung dài hơn 6 km. Quan lại và quân đội đóng trong khu đất giữa thành nội và thành trung, quanh thành cũng đào hào sâu rộng khơi nước Hoàng Giang và đầm Cỏ chảy vào. Ở xóm Vang ngày nay còn có một khu vực gọi là Vườn thuyền.

Khám phá thành Cổ Loa: Tòa thành cổ lớn nhất, độc đáo nhất Việt Nam | Di sản Tràng An

Ngoài thành trung là thành ngoại dài 8 km mở ra 4 cửa : cửa nam, cửa bắc, cửa tây nam và cửa đông. Trên 3 vòng thành khép kín có cả thảy 72 ụ hỏa hồi, những nơi vừa dùng để đốt lửa báo hiệu có giặc, vừa dùng để bắn tỉa. Truyền thuyết dân gian cho biết ban đầu có tiên giúp vua xây thành : đêm đêm khi bốn bề yên tĩnh, từ trên không trung xuất hiện hàng vạn nàng tiên đẹp như hoa, thướt tha như liễu tới tụ họp trên cánh đồng làng Tiên Hội cạnh kinh đô để cùng nhau gánh đất xây thành giúp vua. Nhung rồi tinh lợn sề, tinh gà trắng cứ quấy phá mãi, thành đắp rồi lại đổ, cứ thế trong 18 năm ròng.

Giữa lúc ấy thần Rùa Vàng xuất hiện giúp vua xây thành vững chắc, lại tặng vua chiếc móng kỳ diệu để chế chiếc nõ thần trăm phát trăm trúng. Thần thật ra là một người anh hùng văn hoá Việt cổ đã sáng suốt chỉ ra nguyên nhân thực sự của tai nạn đổ thành và cách thức để chấm dứt nó. Người Âu Lạc lần đầu tiên xây thành ở đồng bằng chưa có kinh nghiệm, thành đắp càng cao sức lún càng nhiều, vào mùa mưa lũ càng dễ sụt lở. Và thần Rùa Vàng chẳng qua là sự thần thánh hoá óc thông minh sáng tạo của con người lao động. Qua thực tế đắp thành, trải bao lần thất bại, người Âu Lạc phát hiện được rằng đắp thành trên nền đất úng lầy thì phải kè đá tảng mới chống được sụt lở. Vấn đề kỹ thuật xây thành đã được giải quyết, một kỹ thuật kiến trúc mới đã được phát minh (2). Đá tảng được đánh đống to như núi, đổ xuống các chân thành, rải thành hàng thành lớp, tạo nên những kè đá vững chắc dưới chân thành, kể cả những mảnh gạch, mảnh ngói, đầu ngói vỡ, mảnh khuôn giếng, phế phẩm của những lò gạch ngói, lò bát cũng được tận dụng để rải dưới chân thành và kè vào giữa các lớp đất đắp thành.

Cuối cùng thành đắp thành công, cao chót vót, đứng sừng sững hiên ngang trước giông tố bão lụt, thể hiện tài năng sáng tạo của người Âu Lạc về kỹ thuật quốc phòng, về khoa học và nghệ thuật quân sự. Thành là một công trình phòng ngự kiên cố, vừa là căn cứ bộ binh lợi hại vừa là căn cứ thuỷ quân quan trọng chung đúc hai truyền thống lớn về tài năng quân sự Việt cổ : truyền thống thạo cung nỏ, giỏi xây thành của người Âu Việt và truyền thống thạo thuỷ chiến, giỏi dùng thuyền của người Lạc Việt.

Truyền thuyết dân gian đã phần nào đồng hoá thần Rùa Vàng với tướng quân Cao Lỗ, một tướng giỏi, một công thần khai quốc của vua Thục. Dân gian kể rằng chính ông đã khuyên An Dương dời đô từ vùng trung du về xuôi, chính ông đã giúp vua chọn đất làng Chủ làm kinh đô, chính ông đã cùng vua thiết kế qui hoạch xây dựng thành Cổ Loa. Ông được vua tín nhiệm cử giữ cửa thành phía Bắc, nơi xung yếu vào bậc nhất của Cổ Loa. Cũng chính ông đã phát minh ra nỏ liên thanh bắn một lần hàng chục phát, ông đã sai dựng gò Đống bắn, gò Pháo đài dạy cho một vạn quân sĩ tập bắn nỏ. Vua An Dương thường đứng trên đài Ngự Xạ (góc đông bắc ngoài thành nội) xem Cao Lỗ huấn luyện quân sĩ bắn nỏ. Vua còn cử Lạc Hầu trấn giữ cửa Đông, chỉ huy đoàn thuyền chiến thường xuyên đậu trong khu vực Đầm Cả và Vườn Thuyền, từ đó có thể toả ra vận động khắp 3 vòng hào của thành nội, thành trung và thành ngoại phối hợp với quân sĩ đóng trên luỹ thành mà đánh địch. So sánh với những thành quách ở Đông Tây đương thời, thành vua Chủ thật là lợi hại vào bậc nhất, bố trí thật chu đáo và khoa học, niềm tự hào của lịch sử kiến trúc quân sự Việt Nam (3) .

CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI CHỐNG TẦN, CHỐNG TRIỆU CỦA NHÂN DÂN ÂU LẠC

Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thuỷ Hoàng, con người ” cứng rắn, khắc bạc, tự đắc ” (4), đầy tham vọng bành trướng đế quốc chủ nghĩa, sau khi đã thống nhất toàn Trung Quốc (năm 221 trước công nguyên) đã phát nửa triệu quân xâm lược phương Nam trong đó có nước Âu Lạc.

Cuộc xâm lược qui mô lớn của nhà Tần, và tiếp ngay sau đó cuộc xâm lược của nhà Triệu mà nhân dân Việt cổ đã anh dũng chống lại, cho thấy rằng sự xâm lược của phong kiến phương Bắc là có hệ thống.

Quân Tần tiến công ồ ạt, dần dần chiếm lấy hầu hết đất đai của các tộc Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu). Nhưng đến khi chúng đi sâu vào đất nước Âu Lạc thì bị chống cự mãnh liệt. Người Việt cổ, cùng nhân dân các tộc khác, tạm rút vào rừng, tổ chức lực lượng kháng chiến, cử người tài giỏi lên làm tướng và tiến hành đánh du kích ban đêm. Một trong những người tài giỏi đó chính là vua Thục An Dương, theo lời kể của truyền thuyết dân gian. Cuộc kháng chiến của người Việt cổ kéo dài hàng chục năm và đã làm tiêu hao hàng chục vạn quân Tần. Chủ tướng của giặc là Đồ Thư cũng phải đền tội ác. Chính nhà sử học Trung Quốc nổi tiếng Tư Mã Thiên cũng đã thừa nhận sự thất bại ê chề của quân xâm lược Tần :

” Lúc bấy giờ nhà Tần ở phía bắc thì mắc họa với người Hồ, ở phía nam thì mắc họa với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong. Trải hơn 10 năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi, người ta thắt cổ tự tử trên cây dọc đường, người chết trông nhau. Kịp khi Tần Thuỷ Hoàng mất thì cả thiên hạ nổi lên chống “(4)

Vào năm 207 trước công nguyên, một viên quan lại của Nhà Tần là Triệu Đà chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, lập nước Nam Việt, xưng vương rồi nhiều lần phát quân xâm lược hòng thôn tính nước Âu Lạc. Sử cũ cho biết, trong các cuộc xâm lược đầu tiên của Triệu Đà, toàn bộ những mũi tiến quân của y đến núi Tiên Du, đến vùng Vũ Ninh (nay thuộc các huyện Tiên Sơn, Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đều bị bẻ gãy.

Truyền thuyết dân gian kể chi tiết hơn : Trước hoạ xâm lăng, hàng vạn tráng sĩ Âu Lạc dưới sự chỉ huy tài giỏi của các tướng Cao Lỗ, Nồi Hầu, ông Đống và ông Vực (con của Nồi Hầu), tiến về phía núi Tiên Du nghênh chiến với quân xâm lược Triệu bằng cung nỏ khoẻ, tên đồng sắc tẩm thuốc độc, tên bắn ra như mưa, giặc chết lăn như rạ. Quân Triệu thua to và tên vua nước Nam Việt xảo trá quỉ quyệt là Triệu Đà biết không thể thắng nổi Âu Lạc bằng hành động quân sự nên giả vờ cầu hoà với vua Thục, và An Dương chủ quan nhẹ dạ đã chấp thuận lời cầu hoà của hắn. Người đời nay lấy làm khó hiểu tại sao vua Thục đã không phát huy chiến thắng và quét sạnh quân thù ra khỏi bờ cõi Âu Lạc mà lại tin tưởng một cách vội vã vào những lời lẽ hoà bình của Triệu Đà, cho phép y đóng quân ở lại vùng Vũ Ninh và nhường cho y một phần đất nước từ Vũ Ninh trở lên phía bắc. Ý chí xâm lược của Triệu Đà chưa bị bẻ gãy, tham vọng bành trướng của y sẽ không ngừng lại ở biên giới tạm thời đó. Sơ hở đầu tiên của vua Thục là ở tính hiếu hoà và sự khoan nhượng dễ dãi mà hậu quả khốc hại sẽ không thể nào lường nổi !

BI KỊCH MẤT NƯỚC VÀ BI KỊCH TÌNH YÊU

Lợi dụng sơ hở của vua Thục, Triệu Đà sai con trai là Trọng Thuỷ sang hàng phục An Dương, An Dương thiếu cảnh giác gả con gái là Mị Châu cho Thuỷ, được ở rể bên nước Âu Lạc, theo phong tục của người Việt cổ.

Theo truyền thuyết dân gian, tướng quân Cao Lỗ đã khẳng khái can ngăn vua Thục không nên gả con gái cho con trai kẻ thù. Cao Lỗ đã sáng suốt chỉ cho vua thấy Triệu Đà chỉ mượn cớ cầu hôn để dò xét tình hình, học cho được nghề cung nỏ của dân ta rồi thừa cơ hội cướp nước ta thôi. Nồi Hầu và hai con trai cũng khuyên can vua nhưng An Dương không nghe. Nồi Hầu bỏ về ở ẩn. Còn Cao Lỗ ngày càng bị vua đối xử bạc bẽo. Nghe lời đường mật xúc xiểm của Trọng Thuỷ, Mị Châu xin cha đuổi Cao Lỗ ra khỏi kinh thành. Người công thần, vị tướng tài giỏi bậc nhất của triều đình Âu Lạc bỏ đi, nhắn lại vua :

– Giữ được nỏ thần thì giữ được thiên hạ, mất nỏ thần thì mất thiên hạ.

Mị Châu bị ảo tưởng tình yêu, bị sự lừa phỉnh làm cho mù quáng. Nàng đã nhẹ dạ đến vô ý thức, đã tiết lộ bí mật quốc gia về vũ khí, hệ thống phòng thủ của thành Cổ Loa cho Trọng Thuỷ. Một vài lạc tướng ở các địa phương bị y mua chuộc. Trước khi trốn về nước, y còn lợi dụng tình cảm chân thật mà quá đổi ngây thơ của Mị Châu, đánh lừa nàng một lần nữa :

. Tình vợ chồng không thể quên nhau, nghĩa cha con cũng không nở bỏ. Tôi về thăm cha me,ï nếu hai nước có thất hảo khiến bắc nam cách biệt, tôi sang tìm nàng thì dùng vật gì làm tín hiệu

Mị Châu đáp :

– Thiếp là đàn bà, gặp cảnh chia ly, tình khôn kể xiết. Thiếp có áo lông ngỗng thường mặc trên mình. Đến lúc bấy giờ sẽ rắc lông ngỗng ở ngã ba đường đánh dấu những chỗ thiếp qua.

Trốn được về Nam Việt, Trọng Thuỷ báo cáo tình hình Âu Lạc cho Triệu Đà biết. Y dạy cho quân sĩ Nam Việt phép chế nỏ tài tình của Âu Lạc. Như thế là ưu thế kỹ thuật quân sự của Âu Lạc đã mất. Các tướng tài giỏi của Âu Lạc đã bỏ đi hay bị truất. Vua An Dương đã già yếu lại còn chủ quan, ỷ vào thành cao, nỏ quí.

Mùa xuân năm 179, quân Triệu ồ ạt tiến công Âu Lạc, bẻ gãy các mũi chống cự của quân Thục và cuối cùng chiếm được thành Chủ. Vua An Dương để Mị Châu ngồi sau mình ngựa cùng chạy về phía nam. Trọng Thuỷ nhận ra dấu lông ngỗng Mị Châu rắc trên đường, đuổi theo ráo riết. Vua chạy đến bờ biển vùng Diễn Châu (Nghệ An) thì cùng đường. Tiếng nói của nhân dân, qua sự phản ánh hư ảo của lời thần Rùa Vàng, như quát vào tai vua :

– Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy !

Vua quay lại thấy Mị Châu vẫn đang ngây thơ bứt lông ngỗng ở áo rắc xuống đường. Vua tuốt gươm toan chém. Mị Châu chỉ kịp nói :

– Vì nhẹ dạ cả tin, bị người đánh lừa chứ con không có lòng phản hại cha. Nếu có tội, chết đi, con sẽ biến thành tro bụi, nếu sau trước vẫn một lòng trung kính với cha thì con sẽ hoá đá, hoá ngọc để rửa sạch mối nhục thù !

Vua chém đầu Mị Châu. Rồi Rùa Vàng rẽ nước đưa vua xuống biển Đông. Cơ đồ nhà Thục đã ” đắm biển sâu ”  Ở Diễn Châu ngày nay, cạnh đường quốc lộ số một, một ngôi đền lớn thờ vua An Dương vẫn còn trên núi Mộ Dạ, xưa vốn là một khu rừng đầy chim công. Đó là đền Cuông (thổ ngữ vùng Nghệ An đọc côngthành cuông). Tương truyền đấy là nơi An Dương đi vào biển. Máu Mị Châu chảy xuống biển, trai sò ăn đều biến thành hạt châu. Quân Triệu kéo đến không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mị Châu mà thôi.

Ý NGHĨA CỦA TRUYỀN THUYẾT AN DƯƠNG – MỊ CHÂU

Qua truyền thuyết, nhân dân ta muốn ghi lại một giai đoạn oanh liệt, những kỳ công rực rỡ vào cuối thời dựng nước, muốn ca ngợi sức mạnh của tổ tiên, của non sông đất nước Việt cổ hào hùng bất khuất, ca ngợi những người dân Âu Lạc đã xây thành chế nỏ, anh dũng chống ngoại xâm. Và cũng qua truyền thuyết, nhân dân ta giải thích sự bại trận và lí do mất nước. Vua An Dương thất bại, cơ đồ nhà Thục chìm đáy biển không phải vì quân địch mạnh, có vũ khí lợi hại hơn ta ; An Dương thua chỉ vì nhẹ dạ, chủ quan, tự mãn.

An Dương và Mị Châu để lại cho đời sau một bài học lịch sử đau xót nhưng không bi luỵ. Để xây dựng nước nhà, đoàn kết nội bộ, chống ngoại xâm thắng lợi, không nên ỷ vào vũ khí, vào phòng ngự, dù là nỏ quí thành cao, mà phải luôn luôn cảnh giác với kẻ thù, phải nghe theo ý dân, lòng dân (mà tướng Cao Lỗ là tiêu biểu). An Dương đã mắc mưu kẻ địch vì quá hiếu hoà, cầu an. Ông đã không dựa vào dân, đã lấy thiên hạ làm của riêng, đã đặt tình gia đình và lợi ích dòng phái lên trên nghĩa quốc gia, lên trên lợi ích dân tộc, gây nên thảm cảnh nước mất nhà tan !

Cái chết của Mị Châu là một hình thức phê phán nghiêm khắc của nhân dân về tội lỗi tầy trời của nàng đối với Tổ quốc, với dân tộc, nhưng nhân dân dành cho Mị Châu lòng thương cảm sâu xa đối với bản chất ngây thơ, trong trắng, với những khát vọng yêu thương chính đáng của người con gái Việt cổ đã lỡ lầm…

Còn vua Thục vì chủ quan, mất cảnh giác nên thất bại, nhưng trước sau vua vẫn là một vị anh hùng dân tộc đã từng lãnh đạo nhân dân Việt cổ đánh Tần đuổi Triệu, lập nên những chiến công oanh liệt. Và trong quan niệm nhân dân, người anh hùng dân tộc không bao giờ chết ; Rùa Vàng đã rẽ nước đưa vua Thục xuống biển Đông nơi mà Bố Rồng, tổ tiên huyền thoại của dân tộc đã đến trước tự nghìn xưa…

1.Theo Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm
2.Theo sự nghiên cứu của nhà sử học Trần Quốc Vượng
3.Trần Quốc Vượng, Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, sở Văn hoá thông tin Hà Nội xb, 1970, trang 43 – 65
4.Theo Tư Mã Thiên, Sử Ký

CHƯƠNG XVIIBÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA, LẬP CHIẾN CÔNG OANH LIỆT NGÀN THU

NHỮNG CON CHÁU VUA HÙNG TRÊN ĐẤT MÊ LINH

Vào đầu Công nguyên, hai thế kỷ sau Thục An Dương, ở Mê Linh, thuộc vùng đất tổ Hùng Vương có hai người con gái, hai Bà Trưng, đã lãnh đạo toàn dân nước Âu Lạc cũ vùng dậy lật đổ nền đô hộ tàn bạo của phong kiến phương Bắc, giành lại tự do độc lập cho dân tộc, xây dựng một nhà nước do phụ nữ nắm chính quyền và tiến hành một cuộc kháng chiến chống xâm lăng, quyết liệt. Hai Bà Trưng là ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên làm rạng rỡ giống nòi Rồng Tiên.

Sự nghiệp của Hai Bà thật lớn lao, chiến công của nhân dân Việt cổ thời Hai Bà thật oanh liệt, những bài học Hai Bà để lại thật vô cùng quí giá. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn và sự nghiệp hai vị nữ anh hùng.

Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em, con gái lạc tướng Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Quê hương của Hai Bà là trang Cổ Lai, nay là xã Mê Linh, thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.

Hai Ba Trung temple festival | Warrior woman, Vietnam, Heroine

Mẹ của Hai Bà là bà Man Thiện, cháu bên ngoại Hùng Vương, goá chồng từ sớm, đảm đang việc nuôi dạy hai con gái theo tinh thần yêu nước và thượng võ. Bà Man Thiện đã giúp đỡ các con rất nhiều trong việc tổ chức lực lượng khởi nghĩa chống ngoại xâm. Hiện nay ở làng Nam Nguyễn, huyện Ba Vì thuộc vùng Sơn Tây cũ còn ngôi mộ của bà Man Thiện, dân gian gọi là mả Dạ (Dạlà tiếng Việt cồ chỉ một bà già được kính trọng).

Theo truyền thuyết vùng Mê Linh, hai Bà Trưng sinh vào năm 14 đầu Công nguyên, được cha mẹ đặt tên cho là nàng Chắc, nàng Nhì, theo tên gọi của hai lứa kén tằm, kén chắc và kén nhì, vùng Mê Linh vốn là một vùng có truyền thống tằm tơ. Thời đó nhà Hán đô hộ nước ta. Vua Hán cử Tô Định làm thái thú quận Giao Chỉ là bộ phận trung tâm của nước Âu Lạc cũ. Tô Định là một tên thái thú tham lam, tàn bạo nổi tiếng đã gây nên bao căm thù uất hận trong lòng nhân dân ta. Vài năm 31 đầu Công nguyên, lúc đó nàng Chắc và nàng Nhì mới ở tuổi mười bảy mười tám ; một hôm hai chị em đang ôn luyện võ nghệ chợt nghe tiếng la ó ngoài trang. Trưng Trắc bảo em chạy ra xem có chuyện gì xảy ra. Nhân dân cho biết Tô Định sai tên thuộc hạ Nguỵ Húc đến bắt dân cống nạp ngà voi, sừng tê giác và lông chim trả, dân không có nộp vì mất mùa, đói kém không đi săn được, hắn cho lính đánh đập dã man nhiều người bị đòn đau đến chết ngất. Trưng Nhị, lòng dạ đau xót như cào, về nói lại cho chị biết. Trưng Trắc bảo em :

– Trong cảnh nước mất nhà tan, giặc Hán đã và đang gieo rắc bao nỗi đau thương tang tóc cho dân ta. Chị chỉ muốn đập tan ngay mọi nỗi bất bằng, diệt hết loài giặc Hán để cứu lấy muôn dân ra khỏi cảnh lầm than chứ chị không thể ngồi yên chốn phòng the được.

Nghe chị nói, Trưng Nhị cũng bày tỏ ý chí của mình :

– Chị em ta cùng chung một giọt máu mẹ cha, nhìn thấy non sông nghiêng ngả, giống nòi đang phải chịu bao nỗi lầm than, lòng em cũng vô cùng căm giận, chí em cũng muốn đập tan tành những nỗi bất công tàn ác, đem vui sướng về với muôn dân.

Nói xong, hai chị em cùng đi đến chỗ Nguỵ Húc và tận mắt trông thấy nó cho quân lính đánh đập dân ta. Trưng Trắc liền chỉ thẳng vào mặt Nguỵ Húc thét mắng. Hắn thấy hai người con gái đều nhan sắc đẹp đẽ, bèn giở giọng giễu cợt. Trưng Nhị căm tức rút những mũi tiêu đeo bên mình lao bay qua đầu hắn. Nguỵ Húc mặt tái xanh van xin được tha tội. Trưng Trắc can em : ” Hãy tha tội chết cho nó vì nó chỉ là một tên tiểu tốt vô danh. Cho nó về nói lại với Tô Định phải ngừng tay gây tội ác, nếu tên thái thú ấy vẫn giữ lòng lang sói thì tội chúng sẽ bị trừng trị cũng không muộn “. Nghe lời can của chị, Trưng Nhị ngừng tay nhưng lòng căm giận vẫn bừng lên nét mặt và khoé mắt. Nguỵ Húc thì cuối đầu kéo quân chạy về Luy Lâu để tâu báo với Tô Định.

Định nổi giận quát mắng Nguỵ Húc sai quân đem chéùm đầu Húc cho hả cơn thịnh nộ, rồi sai Tích Lâm đem 300 quân đến vùng Phong Châu bắt dân chúng phải nộp đủ lễ vật, nếu thiếu, Tích Lâm được phép chém đầu. Nó cũng ra lệnh cho Lâm bắt hai người con gái đất Mê Linh về thành Luy Lâu trừng trị.

Tích Lâm vâng lệnh đem quân ra đi nhưng lòng rất e sợ bởi những lời kể lại của Nguỵ Húc về hai người con gái vùng Phong Châu. Đến nơi Tích Lâm giương oai bắt một số dân đến đánh đập hỏi việc cống nạp lễ vật, nhân dân vẫn kêu khất xin nộp dần, hắn nổi giận ra lệnh chém đầu một số người để thị uy. Dân làng hoảng sợ, một số chạy thoát nơi nguy hiểm kia về báo cho hai chị em Bà Trưng biết sự việc thảm khốc đang xảy ra. Nghe xong, nét mặt hai chị em bừng bừng căm giận, liền nai nịt gọn gàng cùng một đoàn tuỳ tùng gồm vài trăm người khoẻ mạnh mang vũ khí đi thẳng đến chỗ tên tướng giặc Tích Lâm đang gây tội ác. Tích Lâm nhìn thấy hai chị em Bà Trưng xinh đẹp cho là phụ nữ yếu ớt không làm gì nổi liền buông lời chọc ghẹo láo xược. Trưng Trắc thét lớn vào mặt Tích Lâm : ” Quân khốn nạn ! Bay sẽ phải đền tội trước nhân dân ta ! ” rồi đưa mắt ra hiệu cho em và đoàn tuỳ tùng nhằm vào lũ quân của Tích Lâm mà đánh, còn Tích Lâm thì trong nháy mắt đã bị Trưng Trắc chém chết. Quân lính Hán sống sót cố tìm đường chạy thoát thân. Mọi người kính chào, biết ơn và vui mừng vô hạn trước hành động anh dũng của hai chị em Bà Trưng. Tiếng tăm hai chị em bay xa đến huyện Chu Diên.

Thi Sách, con trai lạc tướng Chu Diên (vùng Hà Tây ngày nay) cũng là một người yêu nước và có ý chí quật cường. Thấy nhân dân sống trong cảnh lầm than cơ cực, Thi Sách đi chu du khắp các vùng của đất nước Âu Lạc cũ tìm bạn hào kiệt để mưu sự cứu nước. Đến trang Cổ Lai thuộc huyện Mê Linh, được nghe kể về sự tàn ác của Tô Định và tài ba cùng lòng dũng cảm của hai người con gái của quan Lạc tướng Mê Linh, Thi Sách rất khâm phục. Hai chị em Bà Trưng vốn đã biết ít nhiều về Thi Sách đón tiếp chàng niềm nở long trọng và mời chàng dự một cuộc đi săn để diệt trừ một con hổ dữ trong rừng Thanh lâm đã từng bắt mất nhiều súc vật và ăn thịt nhiều người trong vùng. Đến tận sào huyệt con thú dữ, Thi Sách xông vào đánh nhau ác liệt với nó; lừa lúc hổ mải vờn Thi Sách đang mệt lử, Trưng Trắc nhanh tay bắn một mũi tên xuyên nát một bên mắt cọp. Chúa rừng vừa khựng lại giữa đà nhảy dữ dội của nó thì Thi Sách bồi tiếp luôn cho nó hai mũi lao hiểm. Nhưng Trưng Trắc chạy tới bên thú dữ trước tiên và kín đáo nhổ biến ngay mũi tên lợi hại của mình giữa lúc con vật khổng lồ còn đang vật vã giãy giụa…Tin Thi Sách giết được con hổ dữ rừng Thanh Lâm làm cho uy tín chàng thêm lừng lẫy.

Năm 39, Trưng Trắc và Thi Sách kết nghĩa vợ chồng. Hôn lễ vẫn theo như lệ cũ của người Việt : vợ chồng tuy đã thành thân, nhưng người nào vẫn ở lại đất của người ấy. Nhưng cuộc hôn nhân giữa con gái Lạc tướng Mê Linh và con trai Lạc tướng Chu Diên, mỗi người làm chủ một phương, thì liên kết được thế lực hai miền đất lớn của nguời Việt cổ và nhân lên gấp bội sức mạnh chống ách đô hộ hà khắc của ngoại bang, bão táp sẽ từ đây bùng ra (5).

Giữa lúc hai gia đình Lạc tướng, với sự ủng hộ của nhân dân đang cùng nhau mưu toan sự nghiệp lớn thìTô Định mời Thi Sách đến toà Thái thú dự yến tiệc. Thiếu cảnh giác truớc âm mưu điệu hổ ly sơn của kẻ thù, Thi Sách đã bị ám hại.

Hành vi bạo ngược hèn nhát của Tô Định không làm Trưng Trắc sờn lòng, trái lại chí căm thù của Bà càng bốc cao như lửa, và quyết tâm đền nợ nước trả thù nhà của hai chị em Bà càng thêm sắt đá.

CUỘC KHỞI NGHĨA RUNG TRỜI CHUYỂN ĐẤT TRỜI CỬA SÔNG HÁT

Trưng Trắc đặt nợ nước lên trên thù chồng. Trước giờ khởi nghĩa, trong đám cừ suý có người xin nữ chủ tướng cử tang Thi Sách và mặc tang phục. Trưng Trắc nói :

– Việc chiến trận phải quyền biến. Nếu ta tự làm tiều tuỵ thì nhuệ khí ắt tan theo. Ta sẽ mặc giáp phục đẹp đẽ uy nghi để dân trông thấy thì phấn khích, mà giặc trông thấy thì kinh hoàng. (Đại Việt Sử Ký toàn thư, ngoại kỷ, quyển 3).

Đúng như lời Trưng Trắc nói, dân Mê Linh thấy Trưng Trắc Trưng Nhị xuất hiện nhanh nhẹn, lộng lẫy, đầy khí thế hùng dũng bước lên mình voi chiến thì tất cả mọi người reo hò rung trời chuyển đất.

Đó là vào một ngày đẹp trời tháng 3, mùa xuân năm 40, Trưng Trắc lúc ấy mới 26 tuổi, hạ lệnh phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát. Hịch khởi nghĩa được thảo ra kể tội ác giặc Hán, nổi thống khổ của nhân dân ta và hô hào nhân dân, nghĩa sĩ các nơi mau mau đứng dậy cùng Hai Bà đuổi giặc cứu nước. Lời hiệu triệu đưa ra chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân yêu nước ở khắp nơi đã rầm rập kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh.

Tìm lại sự thật về cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng (Đỗ Hoàng Ý) — Bức Tranh Vân Cẩu

Từ Mê Linh nghĩa quân tiến về xuôi, tấn công Luy Lâu (thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ. Sau đó nhiều cuộc khởi nghĩa khác liên tiếp nổ ra hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, ở khắp 4 quận : Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (Trung Trung Bộ) và Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc).

Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, tất cả các cuộc khởi nghĩa địa phương đó được thống nhất lại thành một phong trào đồng khởi giải phóng dân tộc rộng khắp quần chúng, từ miền núi đến miền xuôi của nước Âu Lạc cũ. Trong hàng tướng lĩnh của Hai Bà, đa số là tướng nữ như :

– Bà Thánh Thiên, chỉ huy miền Hải Đông
– Bà Lê Chân, nữ tướng vùng An Biên
– Bà Bát Nàn, chỉ huy đội tiền quân
– Bà Thiều Hoa, tướng tiên phong
– Bà Phật Nguyệt, chỉ huy thuỷ quân
– Bà Lê Ngọc Trinh, đại tướng v.v… (6) .

Vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay thờ 35 tướng nữ, vùng Hà Tây, Hoà Bình, vùng Bắc Ninh thờ hơn 30 tướng nữ…Và cả nhân dân Tày Nùng ở Việt Bắc, nhân dân Choang ở Quảng Tây (Trung Quốc) cũng còn giữ nhiều truyền thuyết và kỷ niệm về tổ tiên xưa tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

BÀ TRƯNG XƯNG VƯƠNG, HIÊN NGANG PHỦ ĐỊNH UY QUYỀN CỦA ĐẾ CHẾ HÁN

Cuộc khởi nghĩa dấy lên như vũ bảo, Tô Định và bọn quan quân đô hộ chạy tháo thân về nước một cách nhục nhã. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng và nhân dân Việt cổ đã thu hồi 65 huyện, thành nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Âu Lạc cũ. Nền độc lập dân tộc lại được phục hồi. Bà Trưng Trắc được nhân dân suy tôn làm vua lấy hiệu là Vua Trưngđóng đô ở ngay đất Mê Linh, Bà Trưng Nhị được phong làm công chúa Bình Khôi, phó quốc vương nội chính. Trưng nữ vương xá thuế cho nhân dân hai năm liền và chia các tướng đi giữ các vùng hiểm yếu. Bà Thánh Thiên đóng quân ở Hợp Phố phòng mạn bắc, tướng Đô Dương giữ Cửu Chân, phòng mặt nam, bà Lê Chân phụ trách ” chưởng quản binh quyền nội bộ “, còn bà Trưng Nhị thì trấn giữ thành Đền, một vị trí quân sự xung yếu được xây dựng từ những ngày chuẩn bị khởi nghĩa của Hai Bà, phối hợp với thành Mê Linh, nơi Trưng Vương đóng đô, thành một hệ thống phòng ngự rất kiên cố.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi của Hai Bà Trưng là một trang sử bất diệt của dân tộc ta vào đầu Công nguyên trong lúc đế chế Hán đang bước vào thời kỳ thịnh đạt của nó. Thắng lợi của nhân dân Việt cổ, với việc Trưng Trắc lên làm vua nước Âu Lạc cũ đã hiên ngang phủ định cái uy quyền ” bình thiên hạ ” của đế chế Hán, đế chế mạnh nhất ở phương Đông, sánh với đế chế La Mã mạnh nhất ở phương Tây thời đó. Phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc của Hai Bà là sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc Việt cổ, là sự nổi dậy bất khuất của toàn dân Việt cổ vừa qui tụ vào cuộc khởi nghĩa Mê Linh, vừa toả rộng trên toàn lãnh thổ nước Âu Lạc cũ. Hai Bà Trưng cùng toàn dân giữ vững độc lập, tự chủ trong 3 năm (40 – 43) : đó là chiến thắng của một dân tộc vốn có nền văn hoá lâu dài, có đất nước riêng, có lịch sử anh dũng bất khuất, có khả năng đánh bại mưu đồ thôn tính và đồng hoá của đế chế Hán lớnnhất châu Á trong thời kỳ đang hưng thịnh của nó.

” Đứng đầu khởi nghĩa là phụ nữ. Rất quang vinh cho phụ nữ Việt Nam mà phẩm chất cao quý tương xứng với câu chuyện truyền thuyết về dòng giống Tiên Rồng mà ngày nay loài người tiến bộ ví khí phách ấy với chim phượng hoàng bay trên đỉnh núi cao ngất ” (7) .

Bà Trưng Trắc lên ngôi vua chưa đầy hai năm thì nền độc lập của đất nước lại bị đe doạ. Tháng 4 năm 42, Hán Quang Vũ phong Mã Viện, tên tướng già đã từng đàn áp đẫm máu nhiều dân tộc thiểu số và nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc, làm tổng chỉ huy, đem 2 vạn quân và 2 nghìn thuyền xe sang xâm lược nước ta.

Trên đường từ biên giới vào, Mã Viện đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của các nữ tướng : Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân…Đến đất Lãng Bạc, (huyện Yên Phong, Hà Bắc) gặp Trưng Vương cùng các tướng lĩnh Việt cổ phát quân từ Mê Linh xuống, Mã Viện phải đánh nhau dai dẳng nhiều trận và hao tổn rất nhiều quân, phải xin thêm viện binh : Hán Quang Vũ cấp tốc gửi thêm cho Mã hai vạn quân thiện chiến. Quân Trưng Vương chiến đấu rất dũng cảm nhưng vì lực lượng chênh lệch nên sau trận đánh lớn ở Lãng Bạc đã rút về Cấm Khê, vùng Suối Vàng và núi Vua Bà (thuộc huyện Thạch Thất, Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày nay). Sau một thời gian anh dũng chống địch ở Cấm Khê, Trưng Vương và quân ta rút lui về giữ thành Mê Linh, Trưng Nhị về giữ thành Dền. Mã Viện đem quân đuổi nhưng đã vấp phải sự chống cự quyết liệt của các nữ tướng Bát Nàn, Thánh Thiên, Hồ Đề…trong nhiều trận đánh ác liệt, còn để lại âm vang trong nhiều tên đất của vùng Mê Linh.

NHỮNG CÁNH ĐỒNG MANG TÊN CHIẾN CÔNG

Quân Mã Viện vây thành Mê Linh bị quân của Trưng Vương từ trong thành và các đạo quân chung quanh xông ra đánh rất dữ, làm cho giặc Hán chết nhiều phải lui quân ra xa. Nhưng ít lâu sau, giặc lại kéo vào vây thành kéo dài hàng mấy tháng giằng co dai dẳng, hai bên đều thiệt hại mà không phân thắng bại. Nơi đó sau này, nhân dân địa phương gọi lên là cánh đồng Dai.

Có một trận đánh, quân ta đào hố sâu giữa cánh đồng và lợi dụng đêm tối, rút từ trong thành ra nấp kín dưới hố rồi một số quân nhỏ đến gần nơi đóng quân của giặc khiêu chiến. Thấy quân ta ít, giặc liền cho số quân đông gấp bội đuổi theo định bắt sống. Quân ta giả vờ thua chạy về phía cánh đồng bố trí sẵn, giặc bị rơi vào đúng vòng vây, từ dưới hầm kín quân ta xông lên đánh bất ngờ, giặc hoảng hốt chạy đổ xô nhau bị ta chém chết, xác chất cao thành đống. Nơi diễn ra trận đánh đó sau này được đặt tên là cánh đồng Đống.

Lại một trận khác. Mã Viện dùng mưu lừa quân ta ra khỏi thành để đánh, nó cũng cho đào hố và dùng các bụi cây cho quân nấp kín nguỵ trang đánh lừa quân ta. Trưng Vương biết trước mưu giặc liền mật báo cho các đạo quân bên ngoài bố trí đánh theo kế ” dùng mưu giặc quật lại giặc “. Đạo quân của nữ tướng Hùng Lự Nương bí mật đến sau lưng địch, mặt trước trận địa quân ta từ trong thành Mê Linh cũng ra ứng chiến vờ như không biết gì, giặc tưởng ta trúng kế liền cho quân toả ra vây bắt. Lập tức quân của Hùng Lự Nương đánh tập hậu rất hăng một cách bất ngờ, giặc bị đánh mạnh cả hai mặt, lúng túng, bỏ chạy tán loạn, hàng ngũ chúng bị tan vỡ, rất nhiều tên phải đền tội ác. Nơi xảy ra trận đánh, sau này được đặt tên là cánh đồng Vỡ.

Bí mật chuyện tình nữ tướng Việt “đi guốc ngà” cưỡi voi xung trận

Sau trận này, bà Trưng Nhị được tin Mã Viện tiếp tục vây hãm thành Mê Linh, liền ra lệnh cho các tướng Lũ Luỹ và Hùng Thiên Bảo đưa quân về đánh giải vây. Trưng Nhị cũng chia đường tiến quân theo các đạo và hẹn nơi hội quân. Quân ta từ ba phía thẳng tiến về thành Mê Linh ; đạo quân của tướng Lũ Luỹ từ đồn Văn Lôi tiến về, đạo quân của Trưng Nhị từ thành Dền kéo đến theo đường chính lộ. Cả ba đạo quân dưới quyền chỉ huy của Trưng Nhị kéo đến gần thành Mê Linh thì được tin giặc Hán đã bị quân của Trưng Vương từ trong thành đánh ra và quân của nữ tướng Hùng Lự Nương đánh từ sau lưng, giặc thua to và đã chạy xa. Bà Trưng Nhị liền hội quân ngay giữa cánh đồng để cho quân nghỉ ngơi rồi cùng hai tướng Lũ Luỹ và Hùng Thiên Bảo và một số tướng lĩnh khác vào thành Mê Linh bái yết Trưng Vương. Trưng Vương mở đại tiệc mừng khoản đãi em và các tướng rồi ra lệnh cho họ rút quân trở về trấn giữ đồn trại cũ. Thế là ba đạo quân nói trên không đánh mà giặc đã tan. Nơi đóng quân nghỉ lại đó sau này được đặt tên là cánh đồng Đỗi (nghĩa là bị đỗi, không được đánh) (5).

Giữ thành Mê Linh đến tháng 5 năm 43, quân ta thua trận. Trưng Vương cùng em về Hát Môn rồi tuẫn tiết giữa dòng sông Hát. Đến đây cuộc kháng chiến do Hai Bà Trưng lãnh đạo về cơ bản đã thất bại, nhưng ở nhiều nơi, nghĩa quân và nhân dân Việt cổ vẫn tiếp tục chống giặc. Bà Thánh Thiên chiến đấu ở vùng Việt bắc, bà Bát Nàn đem quân chặn các cửa rừng hóc núi, bà Lê Chân ra sức lấp suối ngăn sông chặn đánh thuỷ binh địch. Lực tuy kém nhưng tinh thần chiến đấu của nhân dân và các nữ tướng không kém bề hăng hái. Đến tháng 11 năm 43, Mã Viện mới tiến quân được vào đến Cửu Chân, nơi tướng Dô Dương vẫn cầm cự. Các thủ lĩnh địa phương và nhân dân Cửu Chân tiếp tục chiến đấu, Mã Viện tàn sát hàng nghìn nghĩa quân, hàng trăm tướng lĩnh của ta, hơn 300 thủ lĩnh bị bắt và bị đày sang Trung Quốc. Sau gần 20 tháng chiến đấu anh dũng từ tháng 4 năm 42 đến tháng 11 năm 43, cuộc kháng chiến chống giặc Hán và Mã Viện của nhân dân ta mới tạm chấm dứt. Đất nước ta lại mất quyền độc lập.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40 của Công nguyên đã mở đầu cho truyền thống xuân chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Mùa xuân năm 40 sẽ sống lại với những mùa xuân, oanh liệt vẻ vang khác của dân tộc : xuân năm 248 Triệu Thị Trinh chiến thắng giặc Ngô, xuân năm 542 Lý Bí chiến thắng giặc Lương, dựng nước Vạn Xuân độc lập, xuân 939 Ngô Quyền, người anh hùng của chiến thắng Bạch Đằng thứ nhất xưng vương, dựng nền độc lập lâu dài sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, xuân 981, Lê Hoàn chiến thắng giặc Tống, tái tạo một Bạch Đằng thứ hai, xuân 1077 Lý Thường Kiệt lại chiến thắng giặc Tống trên bờ Như Nguyệt, xuân năm 1288, Trần Hưng Đạo làm nên đại thắng Bạch Đằng lần nữa. Xuân 1789, Quang Trung đại phá giặc Thanh…lịch sử cứ lặp đi lặp lại như một quy luật đối với truyền thống Xuân Việt Nam chiến thắng, khởi đầu từ Hai Bà Trưng. Bản anh hùng ca của Hai Bà Trưng tuy ngắn ngủi nhưng tiếng vang của nó đời đời bất diệt, tiêu biểu cho ý chí vươn lên và tinh thần quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

1. Theo Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm
2. Theo sự nghiên cứu của nhà sử học Trần Quốc Vượng
3. Trần Quốc Vượng, Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, sở Văn hoá thông tin Hà Nội xb, 1970, trang 43 – 65
4. Theo Tư Mã Thiên, Sử Ký
5. Truyền thuyết Trưng Vương, 1975, tr. 10 – 17
6. Nguyễn Khắc Xương, Nữ tướng thời Trưng Vương, 1976
7. Lịch sử Việt Nam, 1971, tr. 83

CHƯƠNG XVIII: LỜI TẠM KẾT

Các bạn đọc trẻ thân mến,

Chúng ta vừa cùng nhau vẽ phác bức tranh tổng quát về thời bình minh của lịch sử dân tộc. Từ sương mù của quá khứ xa thẳm đã bắt đầu hiện lên một số nét chủ yếu nhất của cuộc sống Việt cổ, hiện lên diện mạo cơ bản của văn minh nước ta thời dựng nước đầu tiên. Về cơ bản, chúng ta đã chứng minh được, với cơ sở khoa học cần thiết, rằng có một thời đại Hùng Vương trong lịch sử, khi đó tổ tiên ta, ước triệu con người quần tụ quanh đất Phong Châu, chuyển mình thành dân tộc, dựng nước. Tổ tiên ta đã đi từ giai đoạn Phùng Nguyên, thời gian mà văn minh Việt cổ mới chớm nụ đã xứng đáng được biểu dương cái hay cái đẹp cái độc đáo, chứng minh dân tộc ta quả là danh bất hư truyền có hàng nghìn năm văn hiến, đến giai đoạn Đông Sơn, thời gian mà văn minh Việt cổ tiến đến đỉnh cao và biểu lộ những sắc thái địa phương đa dạng trong cùng một phong cách : đây là quá trình phát triển sinh động của một nền văn minh sắc sảo, của tộc người Việt cổ đầy sức sống và sức sáng tạo.

Chúng ta đã tiến hành có kết quả một đợt nghiên cứu khoa học đầu tiên về sự nghiệp dựng nước đầu tiên của dân tộc. Nhưng thật ra văn minh Việt cổ cao đẹp tràn đầy sức sống Phùng Nguyên – Đông Sơn, từ xưa vẫn để lại trong lòng những thế hệ Việt Nam một luồng ánh sáng không lúc nào phai mờ : đó là kỷ niệm da diết về truyền thống văn hiến mấy nghìn năm, về sự tạo tác thành công một nền văn minh độc đáo của nòi giống Tiên – Rồng ở ngọn nguồn lịch sử dân tộc

Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu thời đại Hùng Vương bởi vì lúc này đúng là lúc có những kẻ muốn gieo hoang mang, vẫn cứ lặp lại mãi những luận điệu sai trái đã vừa bị khoa học bác bỏ. Họ không phủ nhận được nữa rằngb trên đất nước ta đã từng nảy nở, ở thời gian hàng nghìn năm trước Công nguyên, một nền văn hoá đặc sắc, phát triển cao, sinh ra từ bản địa thì xoay sang đặt câu hỏi : ” những tên gọi đối với ta xiết mấy thân thương : ” vua Hùng ” ” dân Lạc “, ” nước Văn Lang ” thật ra có ý nghĩa chân thực nào không ? Hoặc họ đặt câu hỏi khác : văn minh Đông Sơn rực rỡ thật đấy, nảy nở từ lưu vực sông Hồng thật đấy, thế nhưng trong chừng mực nào người Việt Nam ngày nay là con cháu cư dân đất nước các vua Hùng xưa ? Nước Sở bên hai bờ sông Dương Tử cũng có vua mang hiệu là Hùng…phải chăng là có sự lẫn lộn giữa tên Văn Lang và tên một nước khác là Dạ Lang ? Hoặc họ đặt câu hỏi : Phải chăng chỉ có người Mường là di duệ thật sự của người Việt cổ ? Còn dân tộc Việt, người nước Đại Cồ Việt – Đại Việt tổ tiên trực tiếp của chúng ta, phải chăng chỉ mới xuất hiện dần từ thế kỷ X song song với quá trình dựng nước lúc bấy giờ mà sử sách đã có ghi chép ? Vả lại nói đến ” dân tộc ” lúc này phải chăng cũng đã là gượng ép : đã có thể nói đến dân tộc được chăng ở những ngày kinh tế nông nghiệp tận dụng tàn dư của tổ chức công xã nguyên thuỷ, vả gần 10 thế kỷ vừa qua ? vân vân và vân vân….

Không phải ngẫu nhiên mà, song song với niềm vui trong nước, ngoài nước trước thành tựu của khoa học lịch sử Việt Nam, nghiên cứu về những trang mở đầu lịch sử dân tộc ta, đồng thời góp được phần soi sáng quá khứ anh em chung của cư dân cả một vùng Đông Nam Á này, thì lại cũng nổi lên đây đó những ý kiến bàn qua bàn lại ngang trái, không có cơ sở khoa học về nguồn gốc dân tộc Việt Nam ta.

Công cuộc nghiên cứu của chúng ta sẽ gạt bỏ dứt khoát hơn nữa những luận điệu hồ đồ, xuyên tạc. Đó là đẩy mạnh khoa học tiến tới khai thác sâu thêm vốn di sản tinh thần của dân tộc.

Trong bản anh hùng ca dựng nước và giữ nước trường kỳ, vĩ đại – thời đại Hùng Vương, thời đại của con người Việt cổ, văn minh Việt cổ là chương đầu tiên mà vô cùng quan trọng.

Những truyền thống tinh thần lớn lao nhất của dân tộc đã bắt đầu từ đấy và được phát huy lên mãi, những phẩm chất cao quý nhất của con người đã hình thành từ đấy và tiếp tục nảy nở qua thử thách của thời gian, của lịch sử.

Tinh thần khai sơn phá thạch, chế ngự thiên nhiên, sáng tạo văn hoá, quyết thắng kẻ thù của Mẹ Âu Bố Rồng, Ông Dóng, Ông Tản, Vua Hùng, Vua Thục, Bà Trưng vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta trước đây, ngày nay và mai sau.

Ý chí đoàn kết quật khởi trong đấu tranh chống thiên tai địch hoạ, mối tình trung với nước, hiếu với dân, đại nghĩa trả ơn dân đền nợ nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, mối tình gắn bó nước với nhà, làng với nước, đức tính cần cù thông minh sáng tạo mềm mỏng mà quật cường, bất khuất trước bất cứ nghịch cảnh nào. Tất cả những nét đặc sắc đó đã xuất hiện nơi con người Việt cổ, những người làm ruộng nước, đúc trống đồng và chống ngoại xâm quyết liệt.

Chính nhờ đó mà cách đây hàng nghìn năm, ngay trên giải đất ngày nay chúng ta đang lao động, chiến đấu để gìn giữ, điểm tô cho thêm đẹp giàu và vững mạnh, đã xuất hiện nền văn minh Việt cổ, nền văn minh sông Hồng ở trình độ khá cao, một đóng góp đáng kể vào nền văn minh xa xưa của loài người, một niềm tự hào chính đáng của dân tộc Việt nam văn hiến.

Nền văn minh ấy nói lên thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt cổ chống thiên nhiên và ngoại xâm, ổn định nếp sống của mình, nói lên thành quả tốt đẹp của lao động và tư duy sáng tạo ở một cộng đồng người đã khá đông biết đoàn kết lại với nhau trong một gia đình lớn gồm nhiều thành phần dân tôc, cùng là người của đất Việt, cùng chung một sự nghiệp, một Tổ quốc thiêng liêng. Khi chúng ta khẳng định : ” Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Dao, Gia Rai hay Ê-Đê, Xê-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau ” thì đó chính là tiếng nói của Tổ quốc thiêng liêng từ ngàn xưa vọng lại. Tính đa dạng muôn màu muôn vẻ của nền văn minh Việt cổ được phản ánh lại ít nhiều trong mỗi một nền văn hoá của các dân tộc anh em đang sống trên đất nước Việt Nam ngày nay là một bằng chứng hùng hồn về truyền thống đoàn kết thống nhất vĩ đại của nhân dân Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh Việt cổ ấy.

Tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc đã hình thành và nảy nở rất sớm trong hoàn cảnh chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi, chan hoà với nhau giữa người Việt cổ, cùng nhau trưởng thành nhanh chóng vượt bậc trước gian lao, thử thách. Tình yêu nước và chủ nghĩa anh hùng là sản phẩm tất yếu của tinh thần đoàn kết, tập thể, cộng đồng được hun đúc trong cuộc sống tương thân tương ái giữa các làng chạ, bộ tộc Việt cổ trên mảnh đất quê hương giàu đẹp, khắc nghiệt và quật cường.

Con người Việt cổ khẩn trương trong sản xuất và chiến đấu, sử dụng nhiều nghị lực để chiến thắng thiên nhiên và giặc giã, cũng là con người nhởn nhơ, vui chơi múa hát trong ngày hội mùa, ung dung thư thái ngồi thổi khèn, hay phấn chấn nhiệt tình ngồi tham gia vào cuộc đua thuyền rộn rịp trên sông nước bao la. Sau những tháng ngày vất vả làm ăn và đánh giặc, người Việt cổ tự ru mình trong giấc mơ thanh bình, trong ước vọng gió thuận mưa hoà, con đàn cháu đống, trong niềm khát khao về cái đẹp. NgườiViệt cổ yêu cái đẹp, cần cái đẹp trong nghệ thuật và ngay trong cuộc sống hàng ngày, như là một yêu cầu về sự hài hoà, tế nhị, về sự tròn trặn, vuông vức, cân phân, đối xứng, gọn mắt, vừa tay, vừa tầm con người. Từ cái đuôi thuyền, cái mái nhà sàn cong cong đến dáng hình khỏe mà thanh của ngọn giáo, mũi dao, dáng hình hài hoà cân đối của chiếc trống, chiếc thạp…sắc thái dântộc toả ra tươi mát, vừa mềm mại uyển chuyển lại vừa rắn rỏi, vững vàng, như muốn phản ánh tâm hồn Việt cổ tao nhã mà hăng say, thành khẩn mà thong dong, bình dị.

Người đời sau ngạc nhiên về trình độ tư duy của những con người đã sáng tạo ra nền văn minh Việt cổ : một tư duy thiết thực cụ thể, biết chủ động hướng vào những vấn đề thực tiễn nhất như làm ăn sinh sống, yêu nước thương nòi, hoà hợp bộ tộc, đoàn kết dân tộc, đồng thời cũng là một tư duy khoa học, một tư duy thẩm mỹ hướng về trừu tượng đã quen thuộc với những khái niệm về đối xứng và cách điệu, những hình tượng thần thoại và anh hùng ca hào hùng, mỹ lệ, những đồ án nghệ thuật tạo hình hiện thực, cô đúc, gãy gọn và sống động.

Qua tiến bộ kỹ thuật và sáng tạo văn nghệ, qua phong tục tập quán, tín ngưỡng và tư duy, con người thời đại dựng nước quả đã đạt đến một trình độ văn minh cao đẹp với tất cả những gì là lành mạnh, tươi mát, hồn hậu, tế nhị, lạc quan phơi phới.

Hai nghìn năm văn hiến đầu tiên ấy đã xây dựng cho dân tộc Việt nam một nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, kiên cố. Những cuộc chạm trán ác liệt giữa ý chí độc lập tự do Việt Nam và chủ nghĩa bành trướng đế quốc, thực dân chỉ làm cho dân tộc Việt Nam khẳng định lại bản lĩnh và phong cách của mình, đồng thời tiếp thu một số ảnh hưởng bên ngoài làm giàu thêm bản lĩnh và phong cách ấy. Đó là một qui luật lớn của lịch sử Việt Nam từ thời đại các vua Hùng đến ngày nay.

Đành rằng văn minh Việt cổ không để lại những nhà hiền triết, những nhà bác học, những áng văn lớn, như ở Hi Lạp, Ai cập, Trung Quốc, Ấn Độ cùng thời, không để lại những công trình kiến trúc vĩ đại như Tháp Chữ Kim, Trường thành Vạn Lý, Đế Thiên Đế Thích…Nền văn minh được tiêu biểu bằng những chiếc trống đồng hình như có vẻ khiêm tốn quá, thiếu hẳn mặt lộng lẫy đồ sộ nguy nga so với các thành tựu to lớn mà một số nền văn minh cổ đại thế giới đã để lại.

Phải chăng chúng ta có một lịch sử chống ngoại xâm thành công bên cạnh một nền văn hoá thanh nhã nhưng không lấy gì làm to lớn lắm ?

Phải chăng vì nước ta không rộng, dân ta không đông, từ xưa vốn nghèo lại luôn luôn bị chiến tranh tàn phá, hay là vì dân ta không cần cù, dân ta thiếu tài năng để xây dựng những công trình bề thế vĩ đại ?

Thực ra tiêu chuẩn chân chính của một nền văn minh không phải ở kích thước to lớn, khối lượng nhiều, vật chất phong phú thừa thãi. Một nền văn minh thật sự lớn là ở những giá trị tinh thần, ở những bài học về phẩm chất con người, ở chủ nghĩa nhân văn truyền lại cho đời sau.

Chủ nghĩa nhân văn thời dựng nước đã để lại cho chúng ta nhưng bài học tốt đẹp về ý nghĩa cuộc sống về giá trị con người ở chỗ nền văn minh mà tổ tiên ta xây dựng nên trong trường kỳ chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, chống áp bức, là một nền văn minh có chú trọng đến vật chất, đến sản xuất nhưng chủ yếu đi vào chiều sâu của tâm hồn, tình cảm, ý chí và phẩm chất con người. Tổ tiên ta không vì hư danh, vì hưởng thụ mà xây dựng nên những công trình tốn công tốn của đến nỗi phải hy sinh nhiều tính mạng người để chiều theo ước vọng ngông cuồng của những tên bạo chúa. Tổ tiên ta chỉ muốn phát huy cái thông minh, sáng tạo, cái khéo léo, tài hoa để phục vụ cuộc sống phục vụ cộng đồng.

Tinh hoa của nền văn minh Việt cổ chính là tấm lòng yêu nước thương dân, vì hạnh phúc con người mà lao động hăng say, mà chiến đấu anh dũng, mà mơ tưởng hoà hợp, thanh bình. Tinh hoa ấy là ở những nét tinh vi, tế nhị, hài hoà, tao nhã tô điểm cho cuộc sống hàng ngày, là ở những giá trị nhân văn thiết thực gần gũi con người chứ không phải những ý tưởng cao xa, diệu vợi đối với con người.

Thân ái chào các bạn!
Hà Nội – Paris – 1982 – 2000