Rất nhiều án mạng đã xảy ra chỉ vì thói quen mở nhạc, hát karaoke thiếu ý thức. Đó là một dạng bạo hành tinh thần công khai, bất chấp luật pháp và tôn trọng cộng đồng.
“Thằng Tèo bị đánh bể đầu rồi”, tiếng hét thất thanh làm cả nhà tôi giật mình, buông đũa bỏ ngang bữa tối.
Cả nhà lật đật chạy ra xem có chuyện gì. Tôi loay hoay gọi xe cứu thương. Hai hôm nay, con anh Tèo bị sốt, đứa nhỏ mới ba tuổi cứ giật mình bởi tiếng hát của dàn nhạc sống nhà chú Hai đang có đám giỗ. Tôi cũng đau đầu vì nhà chú Hai đã để nhạc xập xình rất lớn từ trưa đến tận tám giờ tối. Anh Tèo qua nhờ chú tắt nhạc để con anh ngủ, lời qua tiếng lại với nhau một lúc thì hai bên ẩu đả. Anh Tèo chảy máu đầu, phải đi bệnh viện.
Ánh mắt cả xóm nhìn nhau ngao ngán, đây không phải lần đầu xảy ra va chạm vì dàn âm thanh. Dì Tư bảo: “Từ hồi có mấy cái dàn âm thanh, người già tụi tui sống khó quá, mỗi khi nghe nhạc đánh xập xình lại sợ lên máu”. Bà tôi cũng lắc đầu vì xóm miền Tây êm đềm của chúng tôi giờ cứ ba ngày thì rầy cãi, năm hôm thì ẩu đả vì nhậu say rồi ca hát hò hét, người này kích động, người kia giận hờn. “Bà con sáng đi chợ đã dùng ánh mắt nghi kỵ thay cho nụ cười tươi rói như xưa. Sống với nhau mà cứ tỵ hiềm, ngoại thấy mất tình nghĩa xóm làng hết”, bà bảo.
Đó là câu chuyện của những năm trước nhưng tôi nhớ lại vào những ngày này, khi lòng người như lửa giữa diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tôi cũng phải làm việc tại nhà. Tuy đôi chân đã cuồng lên vì nhiều ngày hạn chế đi lại, nhưng điều đó đã là gì đâu so với bốn bên hàng xóm mở nhạc ầm ĩ, đánh con, chửi chồng, mắng vợ, từ sáng đến tối mịt. Đầu hẻm các ông chồng bày sòng nhậu, thêm cái thùng loa di động, inh ỏi cả khu phố. Họ nhậu nhẹt, nói chuyện lớn tiếng, hò hét và ca hát. Các bà thì bày chiếu ra đánh bài, mọi thứ rầm rộ, rối loạn âm thanh. Tôi gần như phát điên với mớ công việc đang chờ mà không thể tập trung. Tôi thấy bất lực thực sự.
Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn hiện quy định ngưỡng tiếng ồn ở khu vực dân cư là không quá 70 decibel vào ban ngày, từ 6 tới 21 giờ; và không quá 55 decibel vào ban đêm, từ 21 tới 6 giờ. Ở những khu vực cần yên tĩnh khác như cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học… giới hạn ngưỡng tiếng ồn còn thấp hơn nhiều. Nhưng tôi chưa thấy những quy định trên phát huy hiệu quả bảo vệ con người khỏi việc bị “xâm hại tinh thần”, “tra tấn đầu óc” với tình trạng tiếng ồn tràn lan bất kể giờ giấc, nơi chốn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nếu phải thường xuyên ở trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì con người không chỉ bị tâm thần, suy giảm phản xạ tự nhiên mà còn bị tổn thương phần tai trong; mắc bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh. Tiếng ồn gián tiếp gây ra bệnh tim mạch, căng thẳng, đãng trí, thậm chí là điếc không thể phục hồi. Với trẻ em, tiếng ồn còn là nguyên nhân gây ra biểu hiện xấu về tâm, sinh lý, ảnh hưởng đến vấn đề học hỏi của trẻ.
Bạn tôi mới gửi vài dòng trạng thái và bảo là đọc đi, vui lắm, kiểu như: “Có cái vùng lá me bay mà từ trưa đến nửa đêm vẫn chưa bay hết lá; ngày nào cũng ‘đắp mộ cuộc tình’, ngày đắp 3, 4 lần mà nửa tháng rồi vẫn chưa chịu xong; đã ba đời chồng mà cứ ‘phận làm con gái, chưa một lần yêu ai”. Tôi không thể cười nổi. Chúng ta đều đang bức bối vì hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, trẻ con không đi học, người lớn làm việc ở nhà, vậy mà phải ở trong tình trạng đinh tai nhức óc.
Theo quy định, người có hành vi gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến cộng đồng vượt quá ngưỡng cho phép sẽ bị phạt vi phạm hành chính lên tới 160 triệu Đồng hoặc bị khởi kiện. Người bị ảnh hưởng có thể gửi đơn khiếu nại đến ủy ban nhân dân phường hoặc kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Cán bộ xã, phường là những người trực tiếp quản lý tiếng ồn và ô nhiễm âm thanh của các khu vực, nhưng tôi chưa thấy đội ngũ này thực sự phát huy hiệu quả. Nhớ lại cái tết năm 2015, bắt đầu rộ lên phong trào dàn loa di động. Nhiều nhà xóm tôi thuê loa về mở nhạc, hát từ sáng đến tối. Rất nhiều loa thùng cùng phát inh ỏi, mở các loại nhạc sàn đến tận 2, 3 giờ sáng, đôi tai tôi cứ bập bùng. Bà tôi, tuổi cao lại bị tai biến đã lên cơn mệt tim. Tôi phải chạy đến nhà đang phát loa, thiếu điều phải van xin họ dừng thứ âm thanh đùng đùng ấy lại vì bà tôi rất nguy kịch, hãy vặn nhỏ lại để tránh kích động đến sức khỏe của bà. Họ mặc kệ. Gia đình tôi gọi cán bộ phường nhưng không ai xuống giải quyết. Cán bộ chỉ trả lời qua điện thoại “đang tết nhất mà”.
Nhiều lần, hàng xóm tôi tại Sài Gòn gọi đến công an phường báo với họ rằng hơn 11 giờ đêm rồi mà dàn loa karaoke vẫn không chịu tắt cho bà con ngủ, cán bộ trực điện thoại trả lời, nhắc rồi mà họ không nghe. Thế thì công dân chúng tôi biết trông chờ vào đâu để thoát khỏi nạn ô nhiễm tiếng ồn? Các điện thoại thông minh hiện nay đều có thể dễ dàng tải các app đo xem tiếng ồn ở ngưỡng nào. Tuy nhiên, công an phường nào sẽ có mặt để đo đếm tiếng ồn và dẹp nạn âm thanh cho bà con được sống bình thường?
Lỗ hổng hành pháp này cũng là lý do khiến rất nhiều án mạng đã xảy ra chỉ vì thói quen mở nhạc, hát karaoke thiếu ý thức. Bởi đó là một dạng bạo hành tinh thần công khai, bất chấp luật pháp và tôn trọng cộng đồng.