Cửu Long Giang hóa thành sông lệ
Đất phương Nam lưu mãi lòng trung

Ngày cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết (4/8/1867). Đối với dân Lục tỉnh, 2 tiếng “cụ Phan” thân thương vừa là niềm tự hào muôn đời nhưng cũng vừa là nỗi oan khuất ngàn thuở.

Phan Thanh Giản thờ 3 vua trải hơn 40 năm, trong chừng ấy năm, cụ luôn theo đuổi 4 chữ tận trung báo quốc. Mọi vinh nhục của cụ ở chốn quan trường đều là vì nước vì dân, và cũng chính vì yêu nước yêu dân mà ở mà cụ lắm phen thăng giáng.

phanthanhgian

Dân chúng thương cụ Phan vì sự thanh liêm, cần mẫn, giàu lòng nhân ái. Chính vì nhân cách cao đẹp này mà cụ được vua ban 4 chữ Liêm-Cần-Cẫn-Cán, xứng đáng là tấm gương cho các quan noi theo.

Tiếc thay, tài năng và nhân cách của cụ vẫn là không đủ để cứu vãn ”một bàn cờ thế phút sa tay” của nước Nam bấy giờ. Cụ đã làm tất cả để bảo vệ giang sơn, bảo vệ con dân.

Đánh chết bỏ để thành nhân hay hòa hoãn nỗ lực canh tân đất nước chờ ngày quật khởi? Làm thế nào vừa không nhục quốc thể nhưng cũng vừa không đưa con dân vào cối xay thịt là nỗi ưu tư của cụ vào cuối đời.

Cụ Phan đã đứng về phía chủ hòa, hòa mà không quỵ lụy, tận dụng hòa bình canh tân đất nước mới là kế sách lâu dài.

Phan Thanh Giản tấu trình việc cải cách, cử người đi học các nước văn minh, tổ chức nội trị như người Tây, tóm lại làm cho dân chúng có học thức hơn để đất nước cường thịnh. Tiếc thay, Tự Đức khác xa Minh Trị. Cụ chỉ có thể tiếc nuối mà làm những vần thơ bày tỏ nỗi trăn trở cho vận mệnh nước nhà:

“Từ ngày đi sứ tới Tây Kinh
Thấy việc Âu Châu phải giật mình
Kêu gọi đồng bang mau kịp bước
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.”

Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, biết khó chống cự, cụ đã giao thành cho Pháp với điều kiện đảm bảo an toàn cho người dân. Phan Thanh Giản tuyệt thực 17 ngày rồi uống thuốc độc tự tử, để lại lời tuyệt mệnh bất hủ: ”Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”.

Chết để cứu dân, còn gì nhân hơn; tuẫn tiết theo thành, còn gì dũng hơn; dặn con cháu không được theo Pháp, còn gì trung hơn.

SGK ở miền Nam trước 1975 đã dành hẳn 1 trang nói về một Phan Thanh Giản “chết để cứu dân”. Một trang tuy không dài nhưng là đủ để các thế hệ học sinh biết tri ân vị lão thần trọn đời làm quan một lòng vì nước và treo một gương hy sinh cao cả cho hậu thế.

Tuy nhiên, sự đời vần vũ như mưa gió, nó thay đổi thời thế lẫn định kiến. Về sau, các sử gia Marxist đã phũ phàng kết tội cụ Phan “hàng giặc, bán nước cầu vinh, phản cách mạng, tự tử vì hèn nhát….”

Sau 1975, tượng Phan Thanh Giản bị đục bỏ, tên đường và trường học cũng bị thay thế. Thật không may là những khái niệm ấu trĩ đó lại bị áp đặt cho biết bao thế hệ học sinh sau này đến nỗi thật khó nghĩ khác đi.

Thực tế, lòng yêu nước mà được hình thành bằng việc xem những người không yêu nước theo cách của mình là bán nước thì hàm hồ, nông cạn và cũng gây họa như sự phản quốc vậy.

Phàm người ta mãi quốc cầu vinh chứ có ai lại mãi quốc cầu vong bao giờ? Cụ không hề nhận bất kỳ phần thưởng nào của Pháp, cũng như 2 con trai Phan Tôn, Phan Liêm về sau để khởi binh chống Pháp. Như thế thì chỗ nào là bán nước?

Sự bất tòng tâm của cụ, cho đến hôm nay, khi đề cập đến, thay vì chỉ trích cho sướng miệng, đáng lẽ thế hệ chúng ta nên dành cho cụ 2 chữ: cảm thông.

Chỉ qua vài nét mực, người ta đã dễ dàng xóa sạch hình tượng Phan Thanh Giản, nhưng có lẽ hàng thế kỷ nữa Việt Nam cũng chưa thể tìm ra một nhân cách cao quý như thế.

Gần đây, vấn đề Phan Thanh Giản đã được đặt lại nhưng vẫn chưa có tác động đáng kể. Những lời chỉ trích vẫn còn đó, giáo trình cũ vẫn chưa được thay thế, quan niệm cũ vẫn còn thắng thế.

Một số nhận định về cụ Phan:

“Mình trong sạch trải thờ ba chúa, không ông ai che chở cho dân lành” – Nguyễn Đình Chiểu

“Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân nhưng không làm tròn bổn phận, cụ đã tự chọn bản án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế.” – Võ Văn Kiệt

“Trên bình diện chính trị, ông không thể chống lại Pháp, nhưng trên bình diện đạo lý, ông là người cao quý, có tất cả những phẩm chất, đức tính được người Việt ngưỡng mộ” – Yoshiharu Tsuboi (Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa)

Người Pháp kể về phút lâm chung của Phan Thanh Giản như sau: “Sau khi lạy năm lạy hướng về hoàng cung, ông xếp bằng, uống thuốc độc và quay nhìn tất cả những gì nhắc ông nhớ quê hương, ông rơi nước mắt, lòng đau như cắt khi nghĩ đến tổ quốc và nhà vua của mình”.

Cụ Phan đã khóc cho vận mệnh của đất nước, nhưng ai sẽ khóc cho cụ Phan?