Là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, thành Cổ Loa là tòa thành cổ nhất Việt Nam. Hiện tại, Cổ Loa còn dấu tích các vòng thành cùng những công trình độc đáo đền thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều Di Quy, am Mị Châu…
Dấu tích một đoạn tường thành đất của thành Cổ Loa xưa. Theo truyền thuyết, tòa thành cổ này có 9 vòng xoáy trôn ốc.
Căn cứ trên các vết tích, giới khoa học xác định thành có 3 vòng. Vòng ngoài chu vi 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km. Trong đó, vòng thành nội có thể đã được làm về sau, thời Ngô Quyền.
Ở thành nội có đền thờ đền thờ vua An Dương Vương hay đền Cổ Loa, tương truyền được xây trên nền nội cung của vua An Dương Vương ngày trước. Chưa rõ đền được xây từ bao giờ, chỉ biết công trình đã được sửa chữa lại vào các năm 1687, 1893 và gần đây đã được đại trùng tu.
Các công trình chính của đền là tam quan, nhà tiền đường, thượng điện, nhà bia và hai chiếc giếng cổ. Các đường nét kiến trúc của đền toát lên nét rêu phong, cổ kính.
Trong cùng của thượng điện đền Cổ Loa là hậu cung, nơi có một khám lớn bằng gỗ đặt ban thờ vua An Dương Vương. Trên ban thờ đặt tượng vua An Dương Vương bằng đồng được đúc năm 1897, nặng 255kg.
Phía trước đền Cổ Loa có một hồ hình bán nguyệt, giữa đắp bờ tròn tạo thành giếng Ngọc. Tương truyền, đây là nơi Trọng Thủy tự tử sau khi phản bội Mỵ Châu.
Một công trình quan trọng khác trong thành nội là đình Cổ Loa, tương truyền được dựng ở nơi vua thượng triều tại kinh đô Cổ Loa nên còn có tên gọi là đình Ngự Triều Di Quy. Đình có lịch sử lâu đời, được xây dựng lại vào năm 1907.
Đình có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung, nằm trong một khuôn viên rộng rãi. Đại đình gồm gian, hai chái, kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài, với bốn góc đao cong vút.
Tòa đình được chống đỡ bằng 6 hàng chân cột, các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường” với quy mô bề thế.
Hậu cung của đình Cổ Loa có ban thờ vua An Dương Vương và tướng Cao Lỗ.
Sau đình Cổ Loa có chùa Bảo Sơn, còn gọi là chùa Cổ Loa, một ngôi chùa có lịch sử nhiều thế kỷ. Các công trình chính của chùa gồm chính điện, hậu cung, hành lang và nhà Mẫu.
Chùa còn giữ được nhiều cổ vật giá trị như những bức cốn tứ linh thế kỷ 19, 134 pho tượng, 5 tấm bia đá từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, hai đại hồng chung đúc vào năm 1803, một khánh đồng và nhiều pháp khí có giá trị khác.
Bên trái đình Cổ Loa là am Mỵ Châu, nơi thờ nàng Mỵ Châu, vị công chúa bị vua An Dương Vương chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa. Am có mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung.
Hậu cung của am là nơi thờ một phiến đá có hình dáng của một người cụt đầu ngồi theo thế xếp bằng, hai tay đặt song song và bàn tay đặt lên đầu gối, tương truyền là di thể không đầu của nàng Mỵ Châu.
Trước am Mỵ Châu có một gốc đa lớn, tuổi đời hàng trăm năm.
Nằm ở giữa đền Cổ Loa và đình Cổ Loa có đền thờ Cao Lỗ, một vị tướng tài dưới trướng vua An Dương Vương.
Theo sử sách, tướng Cao Lỗ là người sáng tạo ra nỏ liên châu bắn nhiều mũi tên cùng lúc. Ông cũng là người chỉ huy xây dựng thành Cổ Loa lịch sử.
Bên cạnh các di tích lịch sử, một địa điểm không thể bỏ qua ở thành Cổ Loa là Nhà trưng bày cổ vật Cổ Loa. Công trình này nằm đối diện với đền Cao Lỗ.
Đây là nơi lưu giữ các hiện vật khảo cổ quý giá được tìm thấy ở Cổ Loa. Các hiện vật này góp phần tái hiện lại cuộc sống và nét văn hóa của người Việt dưới thời đại An Dương Vương.
Ngoài các địa điểm trên, thành Cổ Loa còn nhiều khu đền, miếu, khung cảnh thiên nhiên, sinh hoạt điển hình của một ngôi làng ở miền quê Bắc Bộ… mời gọi khách phương xa đến khám phá.