2019 là năm nhiều nơi trên thế giới kỷ niệm lần thứ 210 ngày sinh của Charles Darwin (1809-1882) và lần thứ 160 ngày ông xuất bản tác phẩm “Nguồn gốc các loài sinh vật” (“The Origin of species”). Trong cuốn sách này ông đã khẳng định thuyết tiến hóa với các lý giải và bằng chứng rất thuyết phục, qua các dữ kiện và kiến thức mà phần lớn ông đã quan sát và thâu thập được trong chuyến du hành dài 4 năm đi nhiều nơi trên thế giới trên con tàu HMS Beagle.
Trong bài này tôi sẽ trình bày và phân tách hoàn cảnh xã hội, lịch sử, và sự liên hệ giữa hàng hải, thám hiểm và khoa học trong cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học trẻ năng động đổi mới với tầng lớp bảo thủ mà đa số là trong giới cầm quyền và lãnh đạo tôn giáo; cuối cùng dẫn đến sự chiến thắng của thuyết tiến hóa và sự phổ biến rộng rãi khoa học rộng rãi ở Anh trong thời kỳ Victoria. Điển hình của trào lưu này là sự ra đời của tạp chí khoa học Nature do Joseph Hooker và Thomas Huxley, hai người bạn ủng hộ thuyết tiến hóa, của Darwin, thành lập. Tờ Nature cho đến ngày nay vẫn tồn tại, có tiếng và có trọng lượng lớn trong giới khoa học.
Hàng hải và thám hiểm khảo sát
Hàng hải là mạch sống của nền kinh tế và phát triển xã hội ở Anh trong suốt các thế kỷ từ 15 đến 20. Thịnh vượng và phát triển nhất là trong thời Victoria, thế kỷ 19. Hải quân anh có một bộ phận quan trọng gọi là Phòng Thủy văn (Hydrographic Office) trong đó có nhóm đo đạc địa hình (Surveying Service) có nhiệm vụ chuyên khảo sát, khám phá, đo đạc các địa hình, đường hàng hải, và vẽ bản đồ cho hải quân và các tàu thương mại. Bộ phận này thường tập trung những người có tài trong hải quân như A. Dalrymple (người vẽ rất nhiều bản đồ hàng hải và đưa ra thuyết có một lục địa lớn chưa biết đến ở phía nam đến tận Nam cực, gây ra sự chú ý của hải quân để sau này thuyền trưởng Cook đi tìm nhưng lại khám phá ra bờ biển phía đông của Australia năm 1770), G. Vancouver (thám hiểm bờ biển Alaska, British Columbia, Oregon), F. Beaufort (người lập ra vận tốc gió chuẩn gọi là Beaufort scale), M. Flinder (nhà thám hiểm bờ biển nam Australia), J. Franklin (nhà thám hiểm vùng biển Arctic, bắc Canada).
Đầu thế kỷ 19, ở nam Mỹ các quốc gia mới thành lập sau khi giành độc lập từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đã ký các hiệp ước thương mại với Anh. Trong các thập niên đầu thế kỷ 19, hải quân Anh có trạm căn cứ ở Rio de Janeiros và các thương thuyền có mặt ở khắp bờ biển Nam Mỹ. Vì thế khảo sát hải trình và vẽ bản đồ bờ biển Patagonia và nhất là ở vùng đất cực nam Mỹ, quần đảo Tierra del Fuego nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương là cần thiết cho thương mại hàng hải.
(a) Tàu Beagle và chuyến đi của Darwin
Hình 1: Mô hình tàu HMS Beagle
(Australian National Maritime Museum of Sydney, 2009, ảnh Nguyễn Đức Hiệp)
Tàu HMS Beagle, do thuyền trưởng Pringle Stokes điều khiển, tham dự chuyến khảo sát đầu tiên năm 1826 do thuyền trưởng người Australia, ông Phillip Parker King trên tàu HMS Adventure cầm đầu. Sự khảo sát đo đạc trong thời gian lâu dài (trong vài năm là thường tình) rất cô đơn ở các vùng xa xôi hẻo lánh dễ ảnh hưởng đến tâm thần, là lý do mà thuyền trưởng Stokes tự sát.
Robert Fitzroy thay thế Stokes điều khiển tàu HMS Beagle và sau khi trở về Anh sửa soạn cho chuyến đi thứ hai năm 1831. Thuyền trưởng Fitzroy lo sợ số phận như vị tiền nhiệm (và cũng giống như cậu của Fitzroy là chủ tịch quốc hội, Lord Castlereagh, trước đây cũng tự tử) nên đã nhờ cấp trên của mình trong Phòng Thủy văn là F. Beaufort tìm một người có cùng trình độ và sở thích nghiên cứu khoa học, có thể tự túc được, đi theo làm bạn hàn huyên ăn uống bên cạnh ông và được đối xử như ngườI cùng vai vế. Người đó là Charles Darwin, một nhà khoa học tự nhiên trẻ tuổi, được giáo sư thực vật học J. Henslow ở đại học Cambridge giới thiệu.
Fitzroy là một thuyền trưởng giỏi của hải quân. Ngoài tài hàng hải, ông cũng rất hiểu biết về khí hậu học, địa chất và sinh vật học. Sau này khi xong nhiệm vụ làm thống đốc ở New Zealand, trở về Anh ông đã thiết lập Cục khí tượng (Meteorological Office). Trong chuyến đi này, ông cũng được Beaufort nhờ ghi lại tất cả các quan sát gió ở nhiều nơi dùng chuẩn mà Beaufort đề nghị (nay được gọi là chuẩn tốc độ gió Beaufort scale).
Hình 2: Phòng (tái tạo theo kích thước sơ đồ tàu và nhật ký) của Darwin trên tàu HMS Beagle. Để ý vì phòng ngắn và hẹp nên một hộc tủ chứa sách của ông phải được lấy ra để ông có thể để chân khi nằm trên võng. Phòng ông cạnh phòng thuyền trưởng Robert Fitzroy nơi ông và thuyền trưởng gặp nhau và ăn tối. (Australian National Maritime Museum, 2009, ảnh chụp Nguyễn Đức Hiệp)
Chuyến đi này không những chỉ khảo sát đo đạc hải trình, tìm nguồn nước ngọt, thực phẩm… Darwin còn được quyền thâu thập bất cứ dữ kiện địa chất, động vật, thực vật, nào mà ông muốn ở khắp nơi trên chuyến hải trình. Các giáo sư và các nhà khoa học ở Cambridge, Hội hoàng gia (Royal Society) và ở nhiều nơi khác đều đặt kỳ vọng vào Darwin thu thập và gởi về để nghiên cứu các dữ kiện và hiện vật mới. Thuyền trưởng Fitzroy xuất thân từ gia đình quí tộc trí thức, trước khi đi đã tặng Darwin quyển sách ‘Nguyên lý địa chất học‘ (Principles of Geology) của giáo sư Charles Lyell mà Fitzroy đã đọc và được chính giáo sư Lyell nhờ Fitzroy quan sát và lấy các dữ kiện địa chất ở các nơi khảo sát. Trong lúc ở Cambridge, ngoài J. Henslow, Darwin được giáo sư địa chất A. Sedgwick hướng dẫn về địa chất nên ông hiểu về tuổi địa chất rất lâu đời. Theo Lyell thì trái đất có tuổi rất lâu đời và sự biến chuyển địa chất là quá trình từ từ rất lâu dài đưa đến các hệ quả to lớn mà ta thấy ở các tầng địa chất chứ không phải là xảy ra đột ngột qua các biến cố mà ta tưởng.
Trước chuyến đi đầy tính cách khoa học của tàu Beagle cũng đã có các chuyến đi nổi tiếng khác, đó là chuyến đi của thuyền trưởng James Cook với các nhà thực vật Joseph Banks và D. Solander ở nam Thái bình Dương và Australia năm 1770 và chuyến đi nam Mỹ của nhà khoa học Đức A. von Humboldt và Pháp A. Bonpland năm 1799.
Hình 3: Hải trình của tàu HMS Beagle 1831-1836
(Nguồn: http://www.darwinday.org/englishL/life/beagle.html)
Trên đường từ cảng Devonport, Plymouth, đến Nam Mỹ, tàu HMS Beagle ghé quần đảo Cape Verde, tại đây Darwin thấy, rất cao trên mực nước biển hiện thời, có một tầng địa chất đất bồi phù sa chứa các vỏ sò nằm dưới một tầng dung nham (lava) từ các núi lửa đã không còn hoạt động từ lâu trước cả lịch sử con người ở đảo. Darwin cho đây là bằng chứng rất rõ cho thấy tuổi của trái đất rất xưa, không giống như trong kinh thánh nói.
Ở Punta Alta, gần Bahia Blanca (Argentinia), trên các vách đá gần biển ông tìm thấy nhiều hóa thạch của các loài thú to lớn đã tuyệt chủng và chúng có một số điểm chung là tất cả đều có liên hệ đến các loài thú nhỏ hơn hiện còn trong vùng (như các loài thú “áo giáp” armadillo).
Khi đi khảo sát trên dãy núi Andes, ở đèo Uspallata Pass, ngày 30/3/1835 ông khám phá các cây cổ xưa đã thành hóa thạch. Các cây này sinh sống ban đầu ở gần bờ biển Đại Tây Dương, nhưng qua biến động địa chất chúng bị vùi sâu dưới biển cả ngàn trượng sau đó bị ép với áp suất khổng lồ để trở thành đá và cuối cùng được nâng lên vị trí mà ông thấy cách xa bờ biển hiện nay 700 dặm về hướng đông, cao trên mặt biển vài ngàn trượng. Ông không cho rằng các sự kiện trên lại có thể xảy ra đột ngột bởi một biến cố to lớn (2) mà phải qua một quá trình rất lâu dài và từ từ như nhà địa chất C. Lyell đã cho thấy. Tuổi của trái đất rất lớn, lâu đời, những gì chúng ta thấy có vẻ đứt đoạn không liên tục cho ta có cảm tưởng là sự kiện xảy ra là do đột ngột từ một sự kiến tạo thình lình của một bậc thần linh nào đó. Nhưng không phải vậy mà thật ra tất cả là do một quá trình xảy ra có tính cách liên tục qua một thời gian lâu dài khổng lồ so với đời sống con người.
Hình 4: Một số mẫu các loài cua mà Darwin đã
thâu thập trong chuyến đi 1831-1836
(Australian National Maritime Museum, 2009, ảnh chụp Nguyễn Đức Hiệp)
Trong những chuyến đi khảo sát trên lục địa Nam Mỹ, ông cũng gặp những cảnh tượng và cuộc sống vô cùng khổ sở của nô lệ da đen ở Ba Tây, gặp tại Argentinia cuộc sống không kỷ cương văn minh và hành động tàn bạo của binh lính và người dân đến lập nghiệp trong những trận xô xát với người thổ dân Nam Mỹ. Ngoài những quan sát thâu thập dữ kiện, gởi các mẫu sinh vật và hóa thạch được ông ghi chú cẩn thận về cho các nhà khoa học, các thầy ông đang mong đợi ở Anh, ông cũng đã viết kể lại rất sống động những vấn đề xã hội, những mạo hiểm mà ông trải qua hay chứng kiến.
Gây ấn tượng nhất cho nhà khoa học trẻ tuổi là vấn đề nô lệ. Tháng 3 năm 1831, tàu Beagle đến thành phố Salvador (Bahia) ở Ba Tây. Sau khi đi dạo thành phố và rất bất bình chứng kiến cảnh tượng nô lệ, lúc trở về tàu ông và thuyền trưởng Fitzroy có cuộc tranh cãi và bất đồng ý kiến.
“Chúng tôi có vài cuộc cãi nhau; khi ông ấy giận mất bình tĩnh, ông ấy hoàn toàn vô lý không biết điều. Thí dụ, trong khoảng thời gian đầu của chuyến khảo sát tại Bahia ở Ba Tây, ông ấy bảo vệ và khen chế độ nô lệ mà tôi hoàn toàn ghét tởm, và kể lại cho tôi là ông ấy vừa viếng một trang trại lớn tại đó người chủ trại có gọi các nô lệ ra và hỏi họ có hài lòng và họ muốn được tự do không, tất cả đều trả lời là ‘không muốn‘. Tôi hỏi ngược lại, có thể lúc đó tôi cũng hơi sẵng giọng, rằng ông ta có nghĩ là những câu trả lời của các người nô lệ trước mặt người chủ có đáng giá gì không. Điều này làm ông ấy rất giận dữ…” (3)
Hình 5: Trừng phạt nô lệ da đen ở Cathabouco [Calobouco], Rio de Janiero (1821-24)
(Nguồn: National Library of Australia, họa sĩ Augustus Earle vẽ ở Ba Tây trước khi Earle tham dự sau này chuyến khảo sát trên tàu HMS Beagle với Darwin)
Nghe Darwin vặn hỏi như vậy, thuyền trưởng Fitzroy rất giận, mất bình tĩnh; và trước khi bỏ ra ngoài, Fitzroy nói với Darwin là nếu Darwin không tin những gì ông nói thì hai người sẽ không thể sống cạnh nhau được nữa, có nghĩa là coi như không cho Darwin cùng ăn tối nữa. Tuy vậy tối hôm đó, Fitzroy hết giận, viết giấy và sai người đưa đến phòng Darwin nói là ông thật lòng xin lỗi Darwin và mong Darwin sẽ tiếp tục ăn uống và đàm đạo với ông trở lại.
Gia đình dòng họ bên ngoại ông, Wedgwood, mẹ, dì và ông nội (Joshia Wedgwood, người thành lập công ty gốm men với một biểu hiện một người nô lệ quỳ gối nói: “tôi không phải là một con người hay một anh em sao ?”) đều tham gia phong trào giải phóng nô lệ. Năm 1807, quốc hội Anh ra đạo luật cấm buôn bán nô lệ trong thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Âu châu, Phi châu và Mỹ châu. Qua luật mới, chính phủ ra lệnh cho hải quân chặn bắt những tàu buôn nô lệ (tàu buôn nô lệ được xem như tàu hải tặc, sẽ bị phá hủy, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn bị bắt và có thể bị tử hình) và năm 1833 bãi bỏ chế độ nô lệ, giải phóng hết nô lệ ở các thuộc địa Anh.
Trong chuyến đi khảo sát trên tàu HMS Beagle năm 1832, ở Ba Tây ông đã chứng kiến tận mắt mặt trái của buôn bán nô lệ:
“Tôi cám ơn thượng đế, tôi sẽ không bao giờ viếng trở lại một nước còn có chế độ nô lệ. Cho tới ngày hôm nay, nếu tôi có nghe một tiếng gào thét nào từ xa, nó sẽ gợi lại trong tôi cảm nghĩ đau đớn vẫn còn rõ rệt khi đi ngang một ngôi nhà gần Pernamabuco. Tôi đã nghe những tiếng rên rỉ đau lòng nhất và không thể nào nghi ngờ đó không phải là từ một người nô lệ nào đó đang bị tra tấn ngược đãi, trong khi biết rằng chính mình hoàn toàn bó tay không làm gì được như một đứa trẻ bất lực, ngay cả lên tiếng khuyên can khiển trách người tra tấn gây ra sự đau thương này. Tôi nghi là những tiếng rên này là từ một người nô lệ bị hành hạ bởi vì tôi đã được cho biết đúng như vậy trong một trường hợp khác tương tự. Gần thành phố Rio de Janeiro, tôi sống đối diện với một bà lớn tuổi, bà ấy có các đinh xoắn ốc để làm xoắn vỡ các xương ngón tay của những người nô lệ nữ của bà ấy. Tôi ở trong một nhà trong đó có một người giúp việc trẻ lai da đen, suốt ngày giờ bị chưởi rủa, đánh đập, ngược đãi đủ để bẻ gãy tinh thần ngay cả của một con vật thấp nhất. Tôi đã thấy một đứa trẻ trai, sáu hoặc bảy tuổi, bị đánh ba lần bằng roi ngựa trên đầu (trước khi tôi có thể ngăn được) bởi vì đã đưa tôi một ly không được sạch lắm; tôi thấy ba của đứa trẻ ấy run rẩy chỉ trước một cái liếc nhìn từ ông chủ của mình…
Có người cho rằng tư lợi sẽ ngăn được sự tàn ác quá mức; cũng như cho là tư lợi đã bảo vệ được các gia súc, mà thật ra thì các gia súc rất ít khi làm chủ của chúng nổi giận hơn là những người nô lệ bị ngược đãi. Lối giải biện này đã được bác bỏ từ lâu qua tình cảm cao cả và thể hiện rõ ràng xuất sắc bởi nhà khoa học tên tuổi Humboldt. Rất thông thường, để biện hộ cho chế độ nô lệ, người ta mang ra so sánh tình cảnh của các nô lệ với tình cảnh của những người đồng hương nghèo khổ của chúng ta: nếu vậy thì sự cùng cực của người nghèo không phải là do tự nhiên mà do các cơ chế hệ thống của chúng ta, vậy tội của chúng ta rất lớn…”
Những người nào không phản đối, dị ứng với những chủ nô lệ, và lãnh cảm với tình trạng của người nô lệ, hình như chưa bao giờ thử tự đặt vào tình cảnh của các nô lệ; — một tương lai u ám biết bao, ngay cả không có một hy vọng thay đổi! Hãy tưởng tượng lúc nào cũng có thể xảy ra, luôn luôn quanh anh, là vợ và các con nhỏ của anh – những sinh thể mà tạo hóa thúc đẩy ngay cả người nô lệ cũng gọi là của mình – bị giựt lấy ra khỏi anh và bị bán như thú vật cho người đầu tiên trả giá! Và những hành động này được thực hiện và chấp nhận bởi những người cho rằng mình yêu hàng xóm như chính mình, tin vào thượng đế và cầu nguyện lời dạy và ước nguyện của thượng đế sẽ được thực hiện ở thế gian!. Điều làm cho máu sôi lên và con tim rúng động là khi nghĩ rằng chính người Anh chúng ta và hậu duệ chúng ta ở Mỹ, với tiếng kêu tự do khoe khoang, thật sự đã và đang có tội: nhưng có một an ủi để suy tư là ít nhất chúng ta đã làm một sự hy sinh lớn hơn bất cứ một quốc gia khác nào đã làm để xóa bỏ tội lỗi của chúng ta” (2)
(Ở đây Darwin đề cập đến luật cấm buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương năm 1807, ngăn chặn và bắt các tàu buôn nô lệ và bãi bỏ chế độ nô lệ ở Anh và khắp các thuộc địa năm 1883)
Ý tưởng các chủng tộc đều là con người và sự chống đối của ông và dòng họ ông về nạn nô lệ cũng là hạt nhân sinh thành ra thuyết tiến hóa của ông. Trong đó không những tất cả chúng ta đều có liên hệ dòng dõi với nhau mà lại còn có liên hệ đến tất cả các sinh vật khác sống chung quanh ta. Một sự thật cách mạng làm đảo lộn ảo tưởng của nhân loại ở thế kỷ 19.
So với những nhà khoa học lớn của các thế kỷ như Isaac Newton (thế kỷ 17), một người ít nói và hay khó chịu hay Albert Einstein (thế kỷ 20) rất lạ lùng, tuyệt thông minh và ăn mặt xuề xòa thì Darwin trái lại rất bình thường như mọi người. Ông tự học, không giỏi xuất chúng nhưng chăm chỉ chuyên tâm và nhờ đó khám phá ra được cái lớn. Ông hiền hòa, tính tình nhân từ với vợ con và mọi người. Qua các hình ông để lại, khi nhìn ông, chúng cho ta có cảm tưởng ông như là một người cậu, một ông nội của mọi người, thương yêu con cháu.
(b) Tàu HMS Erebus, HMS Terror và chuyến đi của Joseph Dalton Hooker
Chuyến đi khảo sát của tàu HMS Beagle mang về nhiều dữ kiện khoa học quý giá cho nhiều nhà khoa học, Darwin (mặc dầu còn trẻ) sau chuyến đi được nhiều người biết qua các công trình được công bố đồ sộ của các nhà khoa học và một số sách, bài viết của chính ông. Sự thành công của chuyến đi đã làm nhiều nhà khoa học trẻ khác nức lòng, mong muốn sẽ có được cơ hội thám hiểm tìm những cái mới như Darwin; không những để thỏa mãn trí tò mò mà còn là cơ hội để thăng tiến nghề nghiệp và thanh danh.
Một trong số những nhà khoa học trẻ đó là Joseph Dalton Hooker (1817-1911), sau này trở thành người bạn thân của Charles Darwin. Hooker tham gia chuyến thám hiểm vùng Nam cực phía nam Tân Tây Lan (New Zealand) và Tasmania (Australia) do thuyền trưởng James Clark Ross chỉ huy trên hai con tàu HMS Erebus và HMS Terror vào năm 1839.
Hooker đã thâu thập, ghi lại các dữ kiện mà ông đã đi trong chuyến thám hiểm và cuối cùng công bố chi tiết kết quả nghiên cứu của ông trong 3 bộ sách quan trọng dưới tựa đề “The Botany of the Antarctic Voyage” (Thực vật học của chuyến hải trình Nam cực), bộ Flora Antarctica (1844-47), Flora Novae-Zelandiae (1853-55) và bộ Flora Tasmaniae (1855-60).
Các quyển sách này (trừ toàn tập bộ Flora Tasmaniae) ra đời không lâu trước khi Darwin và Wallace công bố báo cáo khoa học về thuyết tiến hóa năm 1858 ở Hội Linnean ở Luân Đôn (Linnean Society). Bài báo cáo này là do chính Hooker và nhà địa chất Charles Lyell đọc ở Hội Linnean thay thế cho Darwin và Wallace. Và năm sau (1859), Darwin công bố cuốn sách nổi tiếng về thuyết tiến hóa “Nguồn gốc các loài qua sự chọn lựa tự nhiên” (The Origin of Species by Means of Natural Selection). Hooker là bạn thường tiếp xúc trao đổi với Darwin và vì thế quan điểm của Darwin về tiến hóa đã được ông biết từ lâu. Tuy vậy chỉ sau khi Darwin công bố thuyết tiến hóa thì Hooker mới viết một bài trong phần dẫn nhập của quyển sách Flora Tasmaniae, ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin, dựa vào các nghiên cứu của ông về thảo mộc và sự phân phối địa lý của chúng.
Đoàn tàu hai chiếc HMS Erebus và HMS Terror rời Anh ngày 30/09/1839. Trên đường đến Antarctica, trong thời gian dừng lại ở các nơi như các đảo Madeira, Tenerife, Santiago và Quail trong quần đảo Cape Verde, St Paul Rocks, Trinidade (đông Ba Tây), St Helena, và mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) ở Nam Phi, Hooker khảo sát và thu thập các mẫu thực vật ở mỗi nơi, vẽ các rong biển, vi thực vật và động vật từ các lưới kéo theo tàu (5).
Từ mũi Hảo vọng, đoàn thám hiểm vào nam đại dương. Chặng nghỉ đầu tiên là quần đảo Crozet, đoàn xuống đảo Possession để đưa cà phê cho các đoàn săn hải cẩu ở đảo này. Sau đó đi đến quần đảo Kerguelen. Nơi đây, Hooker xác định được 18 loài cây có hoa, các loài cỏ rêu, tảo trên đá, kể cả một số loài mà bác sĩ William Anderson chưa mô tả khi Anderson cùng với thuyền trưởng James Cook trước đó đã viếng quần đảo này vào năm 1772. Các nhà khoa học khác trong đoàn cũng đo từ trường xác định vị trí gần nam cực và quan sát thiên văn.
Từ quần đảo Kerguelen, đoàn tàu gặp giông bão và mặc dầu gặp nhiều tảng băng đá làm cho chuyến đi có phần nguy hiểm nhưng mọi người bắt đầu phấn khởi nô nức. Trước khi đi xuống lục địa nam cực, đoàn thám hiểm dừng nghỉ, lấy tiếp liệu ở thành phố Hobart (nay thuộc tiểu bang Tasmania, Australia). Thuyền trưởng Ross cũng xây một đài quan sát từ trường với sự trợ giúp của thống đốc đảo Tasmania qua hơn 200 lao động tù biệt xứ được mang đến từ đất liền. Cũng thời gian này có hai đoàn khảo sát thám hiểm vùng nam cực khác, của Mỹ do thuyền trưởng Wilkes đảm nhận, và của Pháp dưới sự điều khiển của thuyền trưởng Dumont d’Urville.
Rời Hobart, Ross quyết định dẫn đoàn tàu đi xa về hướng đông hơn hải trình của Wilkes trước khi quẹo ngoặc xuống nam cực. Sau khi gặp tảng băng và cá voi, đoàn vượt vĩ tuyến nam cực (Antartic circle) đúng ngày đầu năm 1841 và đối diện với các tảng băng đá trải dài khắp chân trời. Mặc dầu thời tiết xấu nhưng thuyền trưởng Ross quyết vượt qua các tảng băng tiến về hướng nam cực bằng mọi cách. Sau khoảng 1 giờ khó nhọc qua va chạm, hai tàu Erebus và Terror qua khỏi đoàn băng lớn dày đặc đến vùng có băng nhỏ và ít băng hơn. Vẫn tiếp tục tiến và đôi khi đụng mạnh các băng mà chỉ có tàu có thân rất cứng rắn như hai tàu Erebus và Terror mới có thể chịu được, họ rất gian nan vượt thoát mà không bị đắm tàu (6).
Ngày 9/1/1841, đoàn tàu gặp biển không còn băng đá, họ đã khám phá ra biển mà ngày nay ta gọi là Biển Ross (Ross Sea, tên biển đặt theo tên thuyền trưởng Ross) và từ đó trực chỉ về hướng nam cực từ trường, nơi mà la bàn không còn dùng được nữa. Để ý là nam cực từ trường (magnetic pole) khác với nam cực của trục quay trái đất (south pole). Ngày 11/1/1841, họ thấy đất liền với núi phủ đầy tuyết và vì thế đường đến nam cực từ trường bị chặn lại (theo tính toán của Ross thì chỉ còn khoảng 500 dặm nữa). Ross đặt tên cho dãy núi là rặng Admiralty (Admiralty Range). Đi về hướng Tây, họ khám phá đảo Possession gần bờ và cắm cờ trên đảo. Ross đặt tên cho vùng đất liền mới khám này là Victoria Land. Ngày 28/1, đoàn thám hiểm ngạc nhiên khám phá một ngọn núi lửa cao sừng sững trên đất liền vẫn còn hoạt động.
Hooker lúc đó lập tức tìm cuốn sổ tay và ghi ngay cảm tưởng của mình khi ông thấy ngọn núi lửa:
“Dọc bờ biển, một khối lượng gồm các đỉnh núi phủ tuyết đẹp rực rỡ hiện ra trước mắt, và khi mặt trời đến gần chân trời, phản chiếu các màu vàng và tím rực rỡ nhất, và ngay lúc ấy lại thấy cụm khói mây đen, trộn với các tia lửa, bốc lên từ miệng núi làm thành cột khói hoàn toàn liên tục không bị ngắt, một bên thì đen kịt, bên kia phản chiếu các màu của ánh sáng mặt trời… Đây là một hình ảnh hơn tất cả những gì mà ta có thể tưởng tượng được… đến nỗi nó thật sự xâm nhập bất thình vào tâm hồn, tạo ra trong chúng tôi một cảm tưởng kính sợ khi thấy rằng chúng ta quá nhỏ bé, không đáng kể, bơ vơ không làm gì được so với thiên nhiên, và đồng thời mọi người đều có một cảm tưởng không thể diễn tả được về sự vĩ đại của đấng tạo hóa trong những công trình từ bàn tay Người” (6).
Hình 6: Đảo Beaufort và núi lửa Erebus ở lục địa nam cực (Antarctica)
(nguồn: Wikipedia)
Đỉnh núi này cao 3750m trên mặt nước biển đang phun lửa và khói. Đây là núi lửa ở phía cực nam nhất trái đất và cho đến ngày nay vẫn còn hoạt động. Ross đặt tên núi lửa này là núi Erebus và ngọn núi lửa đã tắt cạnh bên núi Erebus là núi Terror. Đoàn tàu tiếp tục xuống phía nam và gặp phải một dải băng đá cao từ 50m đến 60m dài bất tận. Sau một thời gian đi dọc dải băng đá hơn 200 dặm nhưng không thể tìm khe hở để vượt qua bức tường băng đá này (ngày nay gọi là dãy băng đá Ross, “Ross ice shelf”), Ross ra lệnh trở về Hobart vì mùa hè (cuối tháng 2) sắp hết. Chuyến đi này rất thành công không mất người nào và sau khi trú ở Hobart hơn 6 tháng, đoàn tàu trở lại Antarctica hy vọng vượt qua bức tường băng đá Ross, nhưng cũng không thành công. Erebus và Terror sau đó đi qua mũi Hảo vọng đến đảo Falklands tiếp tục thám hiểm lục địa Antartica trước khi trở về Anh.
Đoàn tàu trở về Anh ngày 4 tháng 9 1843 sau 4 năm và năm tháng đi thám hiểm. Chuyến đi của Ross thành công vì đây là lần đầu khẳng định là lục địa phía nam (Antartica) là có và bờ biển của lục địa này đa số đã được vẽ trong chuyến thám hiểm này của Ross.
Chuyến đi của hai tàu Erebus và Terror đã gây tiếng vang lớn trong giới hàng hải và khoa học ở Âu châu. Như đã đề cập ở trên, sau chuyến đi, Hooker đã xuất bản 3 bộ sách đồ sộ Flora Antarctica (1844-47), Flora Novae-Zelandiae (1853-55) và Flora Tasmaniae (1855-60). Tiếng tăm và kết quả của nhà khoa học trẻ tuổi Hooker đã làm thuận lợi cho việc ông gia nhập các hội, tổ chức khoa học, và từ đó tiếp xúc với nhiều nhân vật có thế trong xã hội. Ông được bầu làm hội viên cao quý (fellow) của hội hoàng gia (Royal Society) năm 1847. Năm 1855, ông được bổ làm chức trợ tá giám đốc Royal Botanic Gardens ở Kew và năm 1865 làm giám đốc thay thế cha ông.
Với đầu óc thoáng và mở rộng, Hooker đã dần dần thay đổi cách nhìn và tiếp cận về thuyết tiến hóa của Darwin-Wallace trong giới khoa học và quần chúng trong cương vị là chủ tịch Hội Hoàng Gia từ năm 1873 đến năm 1878. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra tạp chí khoa học Nature.
Trước đó, năm 1858, thuyết tiến hóa của Darwin và Wallace đã được Hooker và nhà địa chất học Charles Lyell lần đầu tiên giới thiệu tại buổi họp của Hội Linnean Society khi Wallace còn ở quần đảo Malay và Darwin phải dự đám tang con ông vừa bị bệnh mất. Nhờ Hooker và Lyell, bài báo cáo về sự hình thành các loài qua sự lựa chọn tự nhiên của Darwin và Wallace sau đó được đăng trong tạp chí Hội Linnean Society. Đây là tạp chí duy nhất có thể đăng bài có ý tưởng quá mới và cách mạng như vậy vì lúc đó tạp chí Royal Geological Society không đăng các bài về lý thuyết và tạp chí Royal Zoological Society bị ảnh hưởng quá mạnh bởi nhóm của nhà sinh học Richard Owen, người nghiên cứu và cho rằng con người hoàn toàn đặc biệt không có liên hệ với các loài linh trưởng khác.
Owen cũng là nhà khoa học sau này chống lại thuyết tiến hóa của Darwin. Ngược lại Sir Charles Lyell là một nhà khoa học, một con người đúng thực phong nhã của thời Victoria. Thuộc thế hệ trước Darwin, Lyell đã có tiếng trong xã hội và vì thế giúp Darwin dễ dàng. Ông giúp vì ông không muốn có sự bất công cho Darwin, một nhà khoa học trẻ đã dùng kiến thức và dữ kiện địa chất và hóa thạch trong sách ông để dẫn chứng cho thuyết tiến hóa mặc dù chính Lyell lúc đầu chỉ tin vào sự bất biến của các loài.
Hooker sau này cùng với Huxley đã kiên trì ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin trong nhiều cuộc tranh luận trên báo chí, công luận, ở các buổi họp khoa học, các hội thảo ở mọi nơi. Không có sự trợ giúp, ủng hộ, thúc đẩy của người bạn như Hooker thì một con người trầm lặng nhân từ như Darwin khó mà có thể xuất bản công khai thuyết tiến hóa của ông trong một môi trường xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng mạnh bởi niềm tin tôn giáo và sự cạnh tranh tư tưởng rất căng thẳng trong giới khoa học trong hoàn cảnh thay đổi kinh tế, biến đổi trong xã hội rất nhanh ở cuối thế kỷ 19 sau cuộc cách mạng kỹ nghệ.
(c) Tàu HMS Rattlesnake và chuyến đi của Thomas Huxley
Một trong những nhà khoa học thông thái về nhiều ngành là Thomas Huxley (1825-1895). Ông thông hiểu y học, sinh học, khảo cổ, nhân chủng học, văn chương và cả ngôn ngữ. Huxley sau này trở thành người ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin rất mạnh mẽ và có thái độ cương quyết nhất bảo vệ thuyết của Darwin khi có sự chỉ trích trong mọi tình huống. Huxley còn được mệnh danh là “con chó dữ của Darwin” (“Darwin’s bulldog”).
Xuất thân từ một gia đình trung lưu nhưng gặp khó khăn khi cha của Huxley, giáo viên dạy toán không còn đi dạy được. Từ thuở nhỏ, mặc dầu khó khăn sống trong những vùng nghèo khó ở London, nhưng Huxley đã cố gắng tự mình học văn chương, ngôn ngữ, động thực vật học… và sau này ông cũng tự học luôn cả y khoa và được nhận vào học ở trường Đại học London.
Để sinh sống thoát cảnh khó khăn tài chánh, ông xin gia nhập vào hải quân và được cho làm phụ tá bác sĩ trưởng trên con tàu HMS Rattlesnake sửa soạn đi khảo sát và thám hiểm Australia và New Guinea năm 1846. Ông vui mừng khi được bổ nhiệm trên tàu HMS Rattlesnake. Ở tuổi 21, Huxley với óc mạo hiểm sau khi đã có dịp đọc quyển sách của Darwin (Voyage of the Beagle) và của Humboldt (Personal Narratives) nay lại được đi xa tìm hiểu nên ông rất hồ hởi lạc quan và tin tưởng rằng với óc quan sát và khả năng của mình sẽ trở thành một nhà khoa học như Darwin và những người thám hiểm trước đây. Ông đặt hết kỳ vọng vào chuyến đi này để thăng tiến cuộc đời nghề nghiệp của mình. Chuyến đi khảo sát này do thuyền trưởng Owen Stanley đảm nhận. Trước khi đi, thuyền trưởng Stanley có giới thiệu Huxley với các nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng là Edward Forbes và Richard Owen.
Tàu HMS Rattlesnake lúc trước là tàu chiến có tham dự vào chiến tranh nha phiến giữa Anh-Trung Hoa thời nhà Thanh (Opium War, 1839-1842). Sau này vào năm 1845, HMS Rattlesnake được chuyển thành tàu khảo sát, đo đạc, nghiên cứu cho hải quân Anh. Mục đích của chuyến khảo sát này là vẽ bản đồ và nghiên cứu khoa học vùng biển hoang vắng chưa được biết nhiều ở phía bắc Australia và Papua Guinea thuộc eo biển Torres Strait để giúp cho sự thông thương buôn bán được thuận lợi. Đây là vùng mà các tàu thường đi qua trên con đường hàng hải giữa bờ biển đông lục địa Australia và Âu châu.
Hình 7: Tàu HMS Rattlesnake (Voyage of the H.M.S. Rattlesnake, 1846-1849 / Owen Stanley, View of a ship: H.M.S. Rattlesnake, nguồn: State Library of NSW)
Hình 8: Đoàn khảo sát đang làm việc (Surveying
party at work, nguồn: State Library of NSW).
Điều kiện sống trên con tàu khảo cứu được Huxley ghi trong nhật ký như sau (7):
“Tôi tự hỏi là có thể nào mà đầu óc con người có ý niệm về bất cứ gì tồi tệ hơn tình trạng của chúng tôi 150 người, nhét trong một hộp gỗ, bị ướt đẫm bởi nước không mát chút nào, như chúng tôi lúc này.. Thời tiết quá nóng để ngủ được, và giải trí duy nhất của tôi là nhìn những con dán, chúng đang ở trong tình trạng thích thú và hạnh phúc. “
Cũng có thế vì kinh nghiệm trên mà sau này khi ông ủng hộ đọc Thánh kinh (khi đã được biên tập loại ra các dữ kiện sai không đúng với khoa học) trong trường học nhưng chống lại tổ chức tôn giáo vì ông cho rằng những điều dạy luân lý và ngôn ngữ trong thánh kinh vẫn còn có ích cho đời sống xã hội ở Anh, ông đã nói “Tôi không khuyến khích đốt tàu của anh để diệt hết các con dán” (“I do not advocate burning your ship to get rid of the cockroaches”) (8), ý chỉ thánh kinh là con tàu và các con dán là những dữ kiện sai trái trong thánh kinh không đúng với thực tế.
Trong thời gian tàu HMS Rattlesnake cập bến nghỉ ở Sydney, Huxley đã gặp người yêu và sau này là vợ của ông, nhà thơ Henrietta Heathorn. Trong 4 năm ở vùng biển Australia và New Guinea, ông đã thâu thập, xếp loại và nghiên cứu các loài động vật biển không xương. Khi dừng lại ở mỗi cảng, ông gởi về Anh qua thuyền trưởng Stanley những bài nghiên cứu của ông. Thuyền trưởng Stanley gởi thẳng về cho cha của Stanley là chủ tịch Hội Linnean, từ đó đến Hội Hoàng gia và được đăng trên tạp chí Philosophical Transactions của Hội. Qua những kết quả này, nhất là về loài sứa biển Medusae, khi ông trở về tháng 10 năm 1850, Huxley đã thành danh trong giới khoa học. Chẳng bao lâu sau đó, Huxley tiếp cận, quen biết và sau này thân cận với các nhà khoa học như nhà địa chất Charles Lyell, nhà thực vật Joseph Hooker, triết gia Herbert Spencer (người mang thuyết tiến hóa vào lãnh vực xã hội học và tâm lý), và Charles Darwin.
Sau khi Huxley rời hải quân, ông vào hẳn lãnh vực khoa học. Năm 1854, ông được bổ nhiệm làm giáo sư môn khảo sát tự nhiên (natural history)(*), môn này sau đuợc gọi là khoa học tự nhiên (natural science) ở Trường Hầm mỏ ở Luân Đôn. Ông bắt đầu chuyên sâu về cổ sinh học và địa chất. Sau khi có được một công việc chắc chắn, Huxley viết thư cho người yêu ở Sydney Henrietta Heathorn và năm sau Heathorn qua Anh và trở thành vợ của Huxley.
Là một người xuất thân từ giai cấp nghèo khó, Huxley muốn mở rộng cơ hội giáo dục đến những công dân thường không có cơ hội đi học hay tiếp cận với kiến thức mới. Năm 1885, ông bắt đầu các buổi thuyết trình về khoa học cho công chúng, mà ông gọi là các bài thuyết trình cho những người lao động. Những bài nói chuyện của ông về sinh học và nhiều khía cạnh khác trong khoa học được đông đảo quần chúng nô nức đến nghe ông. Thời đó thường chỉ những người giàu có mới chuyên tâm vào khoa học, nhưng Huxley có thể sống được là nhờ lương giáo sư, lương hưu từ hải quân và những bài viết của ông trên báo chí về khoa học phổ thông (7). Các bài thuyết giảng của ông sau đó thường được đăng lại trong các báo chí hay tuần báo mà quần chúng đều có thể mua đọc.
Lúc đầu Huxley tin vào sự bất biến của các loài nhưng khi đọc xong quyển sách “Nguồn gốc các loài” của Darwin, Huxley rất ấn tượng, hoàn toàn đồng ý và trở thành người ủng hộ thuyết tiến hóa tích cực nhất. Phản ứng của ông sau khi đọc Darwin về sự chuyển hóa các loài: “Tôi thật là ngu khi không nghĩ đến điều này” (“How stupid of me not to have thought of that”). Thuyết tiến hóa của Darwin trở thành vũ khí để Huxley dùng trong sự tranh cãi với nhà sinh học Richard Owen. Sự tranh cãi lúc đầu là về sự liên hệ giữa các loài khủng long hóa thạch vừa khám phá. Owen cho là chúng liên hệ với các loài có vú trong khi Huxley cho là chúng liên hệ với loài bò sát. Sự tranh cãi sau đó lan sang lãnh vực khác về sự liên hệ giữa con người và các loài linh trưởng (primates). Owen là nhà sinh học có thế và tăm tiếng thời đó, ảnh hưởng bởi nhà sinh học Pháp Georges Cuvier, và là người thiết lập Viện bảo tàng khảo sát tự nhiên (Natural History Museum) ở Luân Đôn, thuộc thế hệ trước Huxley.
Owen cho rằng con người là một sinh vật đặc biệt, có những cảm quan, suy nghĩ mà các loài linh trưởng không có và bộ óc của người và các loài linh trưởng cấu tạo khác, vì thế hoàn toàn con người không có liên hệ đến chúng. Ngược lại Huxley cho rằng con người và các loài linh trưởng có quan hệ mật thiết với nhau qua tiến hóa và qua sự tương tự về cấu tạo và thành phần của bộ óc. Không lạ gì, mà trong sự tranh luận nổi tiếng ở Đại học Oxford năm 1860 về thuyết tiến hóa, Owen đã đứng về phía giám mục Wilberforce chống lại thuyết tiến hóa của Darwin-Wallace trong khi Huxley ủng hộ thuyết tiến hóa (xem (9) về cuộc tranh luận nổi tiếng ở Oxford).
Tranh đấu tư tưởng và sự ra đời của tạp chí Nature
Cũng như Darwin, Wallace và Hooker, Huxley đã trải qua cuộc thám hiểm cam go và trực tiếp đối diện với cuộc sống khổ cực, chạm trán với thực tế và tích luỹ nhiều kinh nghiệm sống trong các môi trường đầy bất trắc ở nhiều nơi; không như trong hoàn cảnh môi trường văn hóa truyền thống định sẵn ở Anh và Âu châu từ xưa cho đến thời Victoria của thế kỷ 19.
Sự gặp gỡ những phong cảnh, môi trường sống, con người ở vùng đất mới như Nam Mỹ, Australia, New Zealand, New Guinea, Đông nam Á, Nam cực lục địa đã nhào nặn đầu óc của những nhà hàng hải trẻ trên, giúp họ thay đổi và kết tạo những ý tưởng khoa học mới của họ (4).
Những điều này đã tạo trong họ những cái nhìn rộng và thoáng, đặt những câu hỏi cơ bản về các niềm tin định sẵn, những định kiến trong xã hội và đưa ra những ý tưởng mới, nhìn sự kiện dưới những góc cạnh khác. Đây là điểm chung của các nhà khoa học trẻ này.
Trong 40 năm tiếp theo từ giữa thế kỷ 19, nhóm nhỏ này trở thành đội tiên phong trong cuộc chiến tư tưởng và cách mạng văn hoá mà thuyết tiến hóa của Darwin-Wallace đã mang đến. Họ đã thách thức các tổ chức tôn giáo bảo thủ và trở thành những nhà khoa học nổi tiếng và thành tựu nhất ở Anh và phương Tây. Sự thăng tiến của Darwin, Wallace, Hooker và Huxley qua những cố gắng truyền thông các sự kiện, ý tưởng và các công trình của họ trong giới trí thức và học thuật và cuối cùng sự chiếm lĩnh của Hooker và nhất là Huxley ở các vị trí chủ chốt trong các Hội và viện thông thái nhất trong nước Anh đã làm thuận lợi sự phát triển, truyền bá của lý thuyết tiến hóa mặc dù có sự chống đối và gây tranh cãi trong toàn xã hội. Không lâu sau đó, “Nguồn gốc các loài sinh vật” và thuyết tiến hóa đã lan truyền đến Bắc Mỹ, Âu châu lục địa và các nơi khác trên thế giới.
Điều này cho thấy sự thành công của cách mạng tư tưởng tiến hóa là một công trình hợp sức của một tập thể nhỏ chứ không phải một mình Darwin và có nguồn gốc từ các cuộc thám hiểm ở vùng biển phía nam (4).
Hooker, Huxley và triết gia Herbert Spencer là sáng lập viên của Câu lạc bộ X (X Club) tụ tập những đầu óc khoa học cao nhất ở các học viện và có thế trong xã hội như nhà vật lý John Tyndal, nhà toán học William Spottiswoode. Mục đích của Câu lạc bộ là cải cách Hội Hoàng gia cho thật chuyên nghiệp về khoa học, không bị cản trở bởi giáo điều tôn giáo và phổ biến kiến thức rộng rãi. Câu lạc bộ ủng hộ phong trào Anh giáo tiến bộ lúc đó đang bắt đầu nở rộ trong xã hội. Và Câu lạc bộ X đã tiên phong xuất bản tạp chí khoa học Nature, kết hợp kết quả khoa học của mọi ngành, phổ biến tiếp cận với quần chúng xã hội thay vì chỉ trong giới hàn lâm trong các hội, học viện, đại học.
Cùng với Joseph Hooker, Thomas Huxley là một trong những sáng lập viên của tạp chí khoa học Nature. Tạp chí này xuất bản số đầu tiên ngày 4 tháng 11 1869. Trong số đầu tiên của tạp chí có bài của Huxley về các hóa thạch khủng long thời Triassic. Năm 2009 là 140 năm kỷ niêm thành lập tạp chí khoa học Nature, được coi là tạp chí có uy tín hàng đầu thế giới hiện nay. Để kỷ niệm, tạp chí Nature đã có mang lên mạng toàn bộ số đầu tiên tại địa chỉ http://www.nature.com/nature/about/first/.
Từ trang web của tạp chí Nature về lịch sử của tạp chí này, cho ta thấy bối cảnh ra đời của tập san Nature cách đây 140 năm:
“Những người làm khoa học nổi tiếng (‘men of science’, từ nhà khoa học ‘scientist’ lúc đó chưa được dùng phổ cập), hội viên của Hội Hoàng gia (Royal Society), trao đổi thông tin và nghiên cứu qua tập san, Philosophical Transactions of the Royal Society, của Hội. Nhưng tập san này không đáp ứng được cho những người ngoài hội cơ hội học hỏi và chia sẻ những cố gắng tìm hiểu khoa học. Những tập san khác tương tự của các hội khác như Hội Thiên văn hoàng gia (Royal Astronomical Society) và Hội Linnae, Hội Động vật học (Linnaean and Zoological societies) làm cho người quan sát từ ngoài có cảm tưởng là khoa học càng trở thành chia tách ra. Joseph Hooker, lúc đó là trợ tá giám đốc vườn bách thảo hoàng gia, Royal Botanic Kew Gardens, đã than phiền với T. H. Huxley vào năm 1856 là “Nếu không có một nơi hội đủ các điều kiện để làm nơi gặp gỡ của chúng ta.. thì chúng ta sẽ luôn luôn không biết lẫn nhau mỗi người ở đâu và viết những gì”. Đấy là bối cảnh trong đó tạp chí Nature đã xuất hiện để tụ họp những cái hay và tốt nhất của khoa học và phổ biến chúng thật sâu rộng đến nhiều độc giả ở mọi nơi.”
Năm 2009 là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh Darwin, 150 năm ngày xuất bản sách “Nguồn gốc các loài”, nền tảng của thuyết tiến hóa qua sự chọn lựa tự nhiên, và 140 năm ngày ra đời của tạp chí Nature. Đó là những sự kiện quan trọng trong lịch sử khoa học. Chúng đánh dấu cuộc cách mạng tư tưởng của con người về vị trí của chính mình trong thiên nhiên và đặt nền tảng cho sự phát triển khoa học khách quan, không giáo điều, không cho là con người là trung tâm của muôn loài và sự phổ biến khoa học thật dân chủ và phổ quát cho mọi tầng lớp trong xã hội. Những bước tiến này nối tiếp thành quả của cuộc cách mạng lý trí của thời Khai sáng ở thế kỷ trước và chúng đã được tạo ra bởi những nhà khoa học trẻ, có ý tưởng độc lập cởi mở thoát khỏi khuôn mẫu và là một bài học cho tất cả chúng ta.
(*) chú thích của người biên tập (Hàn Thuỷ) ; chữ history trong natural history rất hay bị hiểu nhầm. Gốc Hy Lạp historia của nó có nghĩa là ‘khảo sát’, về sau history mới chuyển nghĩa thành ‘lịch sử’ (trong nghĩa khảo sát và viết ra văn bản về quá khứ). Trong tên của bộ môn khoa học natural history thì đó là môn khảo sát tự nhiên, (đồng nghĩa với ‘natural science’). Chính vì nghĩa chữ history đã đổi nên tên bộ môn cũng được đổi để tránh hiểu lầm chứ còn công việc của bộ môn khoa học này không đổi. Trước khi có thuyết tiến hoá thì tự nhiên do Thượng đế sáng tạo và không biến đổi, do đó không thể có lịch sử. Chỉ sau Lyell và Darwin thì tự nhiên mới có lịch sử. Do đó điều này không mâu thuẫn với việc Richard Owen, người chống thuyết tiến hoá, lại là chủ nhiệm bộ môn natural history trong British Museum trước khi được tách riêng thành Viện bảo tàng khảo sát tự nhiên (Natural History Museum), mà giám đốc sáng lập cũng là Richard Owen. Và dĩ nhiên các bảo tàng khảo sát tự nhiên hiện nay đều trình bày các hiện vật theo quan điểm lịch sử.