Ngày nay người ta thường sử dụng câu: “ngựa quen đường cũ” để chỉ những người chứng nào tật nấy. Dù có hứa cải thiện cỡ nào cũng vẫn sa vào những hành vi xấu xa như cũ. Ít ai biết được rằng, ngày xưa câu này được dùng với nghĩa khác hoàn toàn.

Thành ngữ Ngựa quen đường cũ bắt nguồn từ đâu

Thạc sĩ Nguyễn Đức Bá, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo đã chỉ ra rằng: Nguồn gốc của “ngựa quen đường cũ” là từ một điển tích thời Xuân Thu. Bấy giờ có viên tướng tên Quản Trọng. Chuyên gia chăm sóc ngựa. Ông có khả năng hiểu được tiếng nói của loài vật này và thường xuyên trò chuyện với chúng.

Có lần Quản Trọng cưỡi một con ngựa quý đi thăm bạn. Trong lúc ông và bạn đang hàn huyên tâm sự. Thì con ngựa này cũng đi tìm ngựa của gia chủ để làm quen kết thân. Về sau ngựa quý nhớ được đường rồi cứ thế tự ý đến thăm ngựa của bạn ông. Quản Trọng biết vậy không giận mà chỉ khen ngựa giỏi.

Sau này Quản Trọng phò Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Lúc xuất quân là mùa hè. Khi thắng trận lại là mùa đông. Tuyết rơi phủ kín mặt đất làm Quản Trọng không nhớ lối về. Chợt nhớ chuyện ngày xưa ngựa mình tìm sang thăm bạn. Quản Trọng mới ra lệnh cho con vật dẫn đường. Quả thực con ngựa nhớ chính xác đường đi. Sau khi vượt bao đèo cao, núi sâu, ba quân đã trở về bình an vô sự. Từ đó, người ta dùng câu “ngựa quen đường cũ” để chỉ người có trí nhớ tốt, giàu kinh nghiệm.

Không hiểu sao câu thành ngữ lại chuyển nghĩa thành nghĩa xấu. Chỉ những đối tượng quen thói làm chuyện xấu như bây giờ. Rất có thể vì trong dân gian, hình ảnh ngựa đã gắn với một số từ không mấy tích cực lắm. Tương truyền tại trại nuôi ngựa của Hoàng gia ở cửa Thượng Tứ, Huế. Những con ngựa khi động dục thường lồng lộn lên. Nên người ta ví von người con gái dữ là “ngựa Thượng Tứ”. Sau trở thành khởi điểm cho những cách nói tiêu cực liên quan đến ngựa. Nhiều khả năng sắc thái này đã ảnh hưởng tới câu “ngựa quen đường cũ”. Tạo nên nghĩa mới như ngày nay.

(Theo Huyền Vũ và Sài Gòn xưa)