CHƯƠNG VII. THIÊN NHIÊN THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC

Địa bàn phân bố của các trống đồng Đông Sơn cùng tất cả các tài liệu khác: tài liệu khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học và truyền thuyết dân gian… đều hoàn toàn nhất trí cho chúng ta biết: nơi sinh tụ chủ yếu của tổ tiên ta thời đại dựng nước, quê hương buổi đầu của dân tộc ta là miền đất bao gồm đồng bằng và trung du Bắc Bộ, đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên ngày nay.

Cương vực nước ta thời Hùng Vương, trong giai đoạn cực thịnh, về phía bắc vươn lên đến những miền giáp ranh với các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc); về phía nam, tới đèo Hải Vân; về phía tây bao gồm cả vùng Tây Bắc hiện nay dọc xuống miền tây đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên; về phía đông giáp biển Đông bao gồm những hải đảo.

Có đến 18 đời vua Hùng, tại sao chỉ giỗ vào 10/3?

THIÊN NHIÊN NƯỚC TA Ở BUỔI ĐẦU CỦA DÂN TỘC

Tổ tiên ta đã khéo chọn cho mình một miền đất độc đáo ở vào vị trí tiếp xúc của nhiều hệ thống địa lý:nước Văn Lang nằm trong vòng đai nhiệt đới mà lại không đơn thuần là một nước nhiệt đới. Từ ngàn xưa, gió mùa đã ảnh hưởng sâu sắc đến thiên nhiên nước ta, một thiên nhiên muôn màu muôn vẻ với nhiều rừng rậm núi cao, sông dài biển rộng, với vùng cao, vùng trung du và miền đồng bằng. Ngày nay rừng rậm đã lùi dần lên vùng cao về phía tây, sau một quá trình đấu tranh dài hàng nghìn năm giữa con người với thiên nhiên, nhưng ở thời đại dựng nước, rừng còn lan khắp vùng trung du và cả một phần lớn đồng bằng. Nhiều vùng gò đồi trọc hiện nay xưa kia đã phủ rừng dày đặc. Ngay tại đồng bằng còn giữ được nhiều di tích của rừng: mỏ than bùn thấy ở nhiều nơi như Thạch Thất (Hà Tây), Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội); rừng gỗ tứ thiết ở Sặt (Tráng Liệt, Bắc Giang), rừng Báng (Đình Bảng, Bắc Ninh), đồi Lim, làng Lim, phà Rừng… Trong các di tích khảo cổ ở đồng bằng, đã tìm thấy xương cốt nhiều loại thú rừng.

Cư dân nước Văn Lang sống tập trung trên những đồng bằng ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ; quá trình kiến tạo đồng bằng chưa hoàn thành thì bàn tay con người đã sớm dựng lên những công trình thủy lợi để khai thác trồng trọt trong những điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp với nghề trồng lúa nước. Chiến thắng của Sơn Tinh chính là chiến thắng lũ lụt của những người Việt cổ trị thủy tài giỏi, đã gây dựng nên những cánh đồng màu mỡ ven những dòng sông lớn.

Nhìn chung, mọi người đều nhất trí là tổ tiên ta đã dựng nước trong một khung cảnh thiên nhiên thích hợp, thuận lợi, trên một dải đất nhiều núi rừng, nhiều sông ngòi, hồ ao, đường giao thông thuận tiện, giàu khoáng sản, lâm sản, hải sản, trên những đồng bằng màu mỡ thích hợp với nghề nông. Những yếu tố thiên nhiên tích cực này đã góp phần đẩy mạnh quá trình tiến bộ kinh tế và văn hoá, đưa đến việc dựng nước Văn Lang, một nước có đủ sức chống ngoại xâm, có nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ ở vùng Đông Nam Á cổ đại.

THẾ GIỚI THỰC VẬT THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC

Nghề trồng trọt đã giữ một địa vị quan trọng trong đời sống kinh tế của cư dân Việt cổ từ buổi đầu dựng nước. Di tích thực vật thu thập được từ các địa điểm khảo cổ tuy chưa được nhiều lắm như cũng đủ cho thấy sự phát triển của nghề trồng trọt.

Con người thời đó đã quen với những loại cây dương xỉ, tùngbách…Trên nương rẫy, vườn ruộng của họ đã có mặt những loại cây thiết thân với các cư dân nông nghiệp cổ đại. Đó là những cây na, cây trám, cây đậu, cây dâu tằm, cây bầu, cây bí, cây cải cúc, cây tre, và nhất là cây lúa.

Ở di chỉ Đồng ĐẬu, đã tìm thấy những hạt thóc đã cháy thành than cách đây trên dưới 3300 năm. Ở di chỉ Gò Mun đã phát hiện được cả một hầm chứa ngũ cốc. Ở di chỉ Gò Chiền, dấu vết của những vỏ trấu, than trấu còn thấy khá rõ. Đặc biệt ở di chỉ Hoàng Ngô còn tìm thấy một hạt đậu nguyên vẹn. Người Việt cổ còn biết trồng khoai, trồng bông, trồng dưa, trồng trầu và cau. Các sách cổ của Trung Quốcnhư Nam Phương thảo mộc trạng, Giao châu ký, Tam đô phủ, Thuỷ kinh chú, Tề dân yếu thuật, Ngô lục địa lý chí…đều có ghi chép về việc người Lạc Việt biết trồng khoai, đậu, dưa, bông, trồng dâu nuôi tằm, mặc dù sách ghi chép những sự việc trong thời Bắc thuộc nhưng chắc chắn những loại cây trồng này đã có từ trước.

Truyền thuyết của nhân dân ta về thời đại Hùng Vương có nói đến một vài loại cây trồng như cây lúa trong truyện Bánh chưng bánh giầy, cây cau trong truyện Trầu cau, cây dưa dấu trong truyện An Tiêm. Hình ảnh sống động của cây lúa còn thấy ở nhiều truyền thuyết, cổ tích của các dân tộc anh em như truyện Nàng tiên trứng của đồng bào Tày, truyện Khả Sắc Sia của đồng bào Thái, truyện Nam A-lách của đồng bào Gia-rai, truyện Đum Đú với nàng tiên của đồng bào Ê-đê, truyện Cô gái thứ mười của đồng bào Hơ-rê, truyện Phu-man của đồng bào Ba-na…

Nông nghiệp thời đại Hùng Vương là nông nghiệp trồng lúa trong đó việc trồng lúa nước chiếm vị trí chủ đạo. Nghề trồng lúa xuất hiện ở nước ta khá sớm và có thể coi đó là một truyền thống cuả dân tộc ta. Cho đến nay nguồn gốc cây lúa còn là một vấn đề đang được tranh luận sôi nổi trên thế giới. Ý kiến của các nhà nghiên cứu rất khác nhau, trong đó có một số người cho cây lúa có nguồn gốc từ Việt Nam, ví dụ như Cô-xven (Liên Xô) trong tác phẩm Sơ yếu lịch sử văn hoá nguyên thuỷ hay như Tùng Vinh Hiếu Linh (Trung Quốc) trong công trình Nghiên cứu tổng hợp về cây lúa.

Các sách cổ của Trung Quốc và của ta đã nói đến nhiều giống lúa có ở Việt Nam. Đặc biệt là nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ 18, trong bộ bách khoa toàn thư Vân đài loại ngữ đã kê ra hơn 100 giống lúa tẻ và lúa nếp, đồng thời ông đã mô tả một cách tương đối chi tiết đặc tính của các giống lúa, những kinh nghiệm gieo trồng và năng suất. Không phải ngẫu nhiên mà có thể kể ra một số lượng phong phú các giống lúa và đặc tính của giống lúa như thế. Bởi vậy, rất có khả năng là từ thời Hùng Vương đã có một số giống lúa khác nhau. Điều này đã được phản ánh trong phong tục tập quán cổ ở vùng đất Tổ: Tại Đền Hùng, hàng năm vào ngày hội đều có giữ tục cúng các vua Hùng bằng xôi nhiều mầu: xôi trắng, xôi nhuộm đỏ, xôi nhuộm tím có ý nghĩa tượng trưng cho nhiều giống lúa khác nhau đã trồâng được ở thời đấy, đánh dấu những tiến bộ vượt bực của nền nông nghiệp Việt cổ.

Sách cổ của ta đều thống nhất ghi lại sự kiện trồng lúa hai vụ từ xưa ở nước ta: “Lúa ở Giao Chỉ chín hai mùa”. Dựa vào địa bàn phân bố của những nơi cư trú thời Hùng Vương, có thể nói cư dân thời này trồng lúa chủ yếu trên 3 loại ruộng: ruộng phù sa ven sông, ruộng trũng quanh các đầm hồ, ruộng rộc trên các gò đồi miền trung du. Kinh tế nông nghiệp đã trở thành một truyền thống của dân tộc ta. Chính truyền thống ấy đã ảnh hưởng và chi phối mọi hình thái ý thức, và ngay cả tâm tư tình cảm của dân tộc ta và đã là cơ sở cho sự phát triển của nông nghiệp sau này. Để trở thành những người nông dân trồng lúa giỏi, tổ tiên ta đã phải khai sơn phá thạch, đấu tranh gian khổ với cái thiên nhiên vừa thuận lợi vừa khắc nghiệt đã được hình tượng hoá trong câu chuyện Sơn Tinh-Thuỷ Tinh. Trong cuộc đấu tranh đó, phần thắng đã về phía tổ tiên ta.

THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT THỜI ĐẠI DỰNG NƯỚC

Trong các di chỉ khảo cổ thuộc thời đại dựng nước, chúng ta đã tìm thấy di tích của vài loại động vật không xương sống như cua đồng, ốc vặn, và của hàng chục loài động vật có xương sống từ những con cá chép, cá quả, rùa vàng, ba ba, những con gia súc bạn thân của người như gà, lợn, chó, trâu, bò, đến những thú rừng như: hươu, hươu sao, nai, hoẵng, khỉ, tê giác, voi, hổ, lợn rừng, nhím, cầy hương, rái cá… và nhiều loại chim (1)

Trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn chúng ta còn thấy hình ảnh của cóc, ếch, nhái, thằn lằn, cá sấu, cá nhám, cáo, sóc, hươu, bò u, voi, chó săn…

Trong giới động vật phong phú của thời đại dựng nước nổi bật lên các loài chim mà hình ảnh đã trở nên rất phổ biến trên các trống đồng, thạp đồng, những văn vật tiêu biểu cho văn minh thời đại. Ví dụ như:

Trên mặt và thân trống Ngọc Lũ có đến 50 hình chim.

“Trống Hoàng Hạ (Phú Xuyên, Hà Tây) 34”
“Trống Sông Đà (Khai Hóa, Hòa Bình) 24”
“Trống Miếu Môn (Mĩ Đức, Hà Tây) 32”
“Trống Vũ Bị (Bình Lục, Hà Nam) 22”
“Trống Pha Long (Mười Khương, Lào Cai) 19”
“Trống Duy Tiên (Hà Nam) 18” v.v…

Những con số trên đây nói lên sự quen thuộc của các loài chim đối với thế giới quan của người Việt cổ. Hình ảnh của chim trong thiên nhiên đã được nhào nặn qua tư duy mỹ thuật và trí tưởng tượng của ngưởi xưa và được thể hiện với những nét cách điệu cao. Từ những hình nét cách điệu đó chúng ta vẫn có thể tìm lại được bóng dáng hiện thực của các loài chim.

Dạng phổ biến nhất là những con chim bay có mỏ dài, nhọn, chân dài, cổ thanh và nhỏ, đầu có mào, lông xuôi về phía sau. Đây là những con chim thuộc loài cò, vạc, diệc…

Trên trống đồng, chúng ta còn gặp một dạng chim giống như loài cò thìa, đang đứng tư lự, chân cao, đôi cánh khép lại, chiếc mỏ dài mềm mại hơi cong xuống phía dưới và bè ra ở phần cuối mỏ thành một hình thoi. Loài cò thìa này ngày nay vẫn thấy ở một số vùng đồng bằng và trung du miền Bắc nước ta.

Một dạng chim khác cũng thường được trang trí trên trống đồng là loài bồ nông mỏ rất to, chân ngắn, đang trong tư thế bắt một con cá từ dưới nước lên. Những con chim bơi theo thuyền trên thạp Đào Thịnh là loài xít, mỏ tù, thân tròn, trên thân có điểm các chấm nhỏ, khi bơi chỉ thấy phần đầu và thân nổi lên mặt nước, loài này hiện nay vẫn thường sống ở những vùng đồng lầy và cửa sông.

Trên mái nhà sàn ở trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ thấy khắc những con gà lôi mỏ ngắn, mào nhỏ, chân ngắn, trên thân có những vạch nhỏ, ngắn; những con gà lôi lớn thì có bộ lông đuôi to và dài, đó là những con trống, còn con nhỏ trong mỗi đôi là con mái. Riêng trên mái nhà kho (nhà cầu mùa) ở trống Hoàng Hạ lại có một đôi gà: một trống một mái đang quay đầu vào nhau.

Trên trống Ngọc Lũ có một dạng chim khá đặc biệt đó là loài công, mỏ tù, dạng mỏ của loài ăn hạt, trên đầu có hai mào, lông khá lớn dựng đứng, đuôi dài, chân cao. Công là một loài chim quý có khắp nơi ở nước ta trước đây. Đền vua Thục An Dương Vương ở Diễn Châu (Nghệ An) được xây dựng cạnh một khu rừng có nhiều công gọi là rừng Cuông (tiếng địa phương đọc trại công thành cuông) và đền vua Thục quen được gọi là đền Cuông. Trên trống Ngọc Lũ còn có hình đôi chim công lớn nhỏ đang cõng nhau.

Trên một cán dao găm đồng tìm thấy ở di chỉ Đông Sơn có hình một con chim gõ kiến có mỏ to, chân đang bám chắc vào thân cây ở tư thế đặc biệt của những loài chim thuộc họ gõ kiến.

Trong những hình thú vật thể hiện trên trống đồng và đồ đồng, phổ biến hơn cả là hình hươu. Những đặc điểm của loài hươu được thể hiện khá đầy đủ ở những con đi đầu đàn trên mặt trống đồng với cặp sừng mỗi bên 4 nhánh và những đốm nhỏ rải rác trên thân. Đó là những con hươu sao đực. Trong đàn hươu đang thong thả nhịp bước, người nghệ sĩ Việt cổ đã cố ý sắp thanh từng cặp: một đực một cái, và hươu cái cũng có cặp sừng như hươu đực. Như chúng ta đã biết, trong họ hươu chỉ có những con đực mới có sừng, những con cái không có, phải chăng nghệ sĩ xưa đã cho mỗi con hươu cái thêm một cặp sừng để làm tăng thêm vẻ đẹp trang trí của tác phẩm?

Thêm các trống đồng Đồi Ro, Làng Vạc có hình những con bò nhà thuộc loại bò u (hay bò Ấn Độ) với thân hình cân đối, cặp sừng cong vút khỏe, cổ có yếm mỏng, trên lưng có một bướu nhô lên ở phần vai khá rõ. Loài bò u này có mặt ở Việt Nam từ 2000 đến 3000 năm trước đây.

Trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn có khắc nhiều dạng chó ở những tư thế và trạng thái khác nhau: đó là loài chó nhà, con thì đang đuổi theo con mồi (chó săn hươu, nai…), con thì đang cùng người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (như trên trống Ngọc Lũ). Trên nắp thạp Vạn Thắng (Chí Linh, Hải Dương), trên lưỡi đồng Sơn Tây, ta thấy hình hổ và báo trong tư thế đang vồ mồi. Ở một lưỡi qua đồng khác, dễ dàng nhận ra hình dáng một con voi với thân hình to khỏe, đặc biệt là chiếc vòi dài thả xuống phía dưới, đầu vòi cuộn tròn lại. Ở một lưỡi giáo đồng Đông Sơn có khắc hình hai con cáo đối xứng nhau, mõm dài, tai to, đuôi dài và cuộn tròn lại, toàn thân và 4 chân đều có vẻ hình rất linh hoạt. Trên thạp đồng Đào Thịnh có hai con cá sấu đang giao nhau.

NHỮNG KIẾN THỨC ĐẦU TIÊN VỀ THẾ GIỚI TỰ NHIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT CỔ

Nhìn ngắm những hình thú, hình chim khác nhau khắc trên đồ đồng Đông Sơn, chúng ta hẳn phải ngạc nhiên trước tài mô tả hiện thực của người xưa. Ví dụ, chim luôn luôn được thể hiện với nhiều hình dạng và tư thế khác nhau. Những con chim đang nối nhau lượn vòng trên mặt trống, trên thân thạp gợi cho ta cảm giác về đàn cò trắng đang thẳng cánh bay về những phương trời xa thẳm. Trên hình thuyền trang trí ở thạp Đào Thịnh có cả một bầy chim đang bay lượn: con đang lao vút từ mặt nước lên, con đang vùn vụt bay về phía trước, con đang đập cánh chơi vơi trên không, con đang từ từ đỗ nhẹ nhàng xuống khoang thuyền… chỉ trong một khoảng không gian nhỏ bé giới hạn trong một khoang thuyền mà chúng ta đã chứng kiến một cách đầy đủ những dáng bay cơ bản của loài chim. Những dạng chim đậu cũng được thể hiện công phu: con đang co ro chăm chú rình mồi dưới nước, con đậu trên nóc nhà, có chỗ thành từng đôi chụm đầu vào nhau như đôi bạn tri kỷ, con đậu trước mũi thuyền đang bập bềnh trên sóng nước. Chim còn được thể hiện linh hoạt trong lúc đang bắt mồi hay đang ghép đôi (2).

Chim được thể hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ trên bầu trời, trên mặt nước, chim sà vào đậu trên nóc nhà, đậu xuống khoang thuyền hay bay lượn bên người đang giã gạo, đánh chiêng… Chim và người, người và chim, cùng với nhiều sinh vật quen thuộc khác: chó, hươu, bò, voi, cóc, ếch nhái… nói lên cuộc sống gần gũi, hài hoà, gắn bó với thiên nhiên của tổ tiên ta. Hiểu biết được tự nhiên chính là nguồn sức mạnh to lớn khiến con người có thể chinh phục và tiến tới làm chủ tự nhiên. Người Việt cổ đã ghi lại sự hiểu biết về tự nhiên của mình một cách cụ thể sinh động và sự khái quát hoá nhận thức của mình bằng những hình tượng nghệ thuật tài tình. Tác phẩm nghệ thuật của người xưa giúp chúng ta sống lại với thiên nhiên từ buổi đầu dựng nước, một thiên nhiên giàu có và tươi đẹp trong đó thiên nhiên với con người, con người với thiên nhiên chan hoà làm một. Những kiến thức phong phú của tổ tiên ta về thiên nhiên, về giới thực vật và động vật là một phần trong toàn bộ kho tàng nhận thức về tự nhiên mà tổ tiên đã có được và đã tạo nên sức mạnh vĩ đại khiến người xưa viết nên những trang sử văn minh rực rỡ đầu tiên mà ngày nay chúng ta còn thắm thiết tự hào.

(1) Vũ Thế Long và Trịnh Cao Tưởng, Tìm hiểu những di tích động vật và thực vật thuộc thời kỳ Hùng Vương, trong Hùng Vương dựng nước tập IV. tr. 169-71.

(2) Vũ Thế Long , Hình và tượng động vật trên trống và các đồ đồng Đông Sơn, tạp chí Khảo cổ học, số 14 (1974) tr. 9-17.

CHƯƠNG VIII. THĂM LẠI LÀNG XƯA CHẠ CỔ CÁCH ĐÂY HÀNG NGHÌN NĂM

ĐI TÌM NHỮNG TÊN GỌI XA XƯA CỦA XÓM LÀNG VIỆT CỔ

Trước khi tìm thăm lại những làng xưa xóm cổ được lập lên từ cách đây hàng nghìn năm, chúng ta thử tìm hiểu những tên gọi xa xưa của những xóm làng ấy.

Ở Việt Nam ngày nay còn sót lại hai từ cổ để chỉ làng xóm ở miền đồng bằng: đó là kẻ và chạ.

Ví dụ ta có Kẻ Sét, (tên nôm của làng Thịnh Liệt), Kẻ Mơ (Hoàng Mai), Kẻ Trầu (Phù Lưu), Kẻ Báng (Đình Bảng), Kẻ Vẽ (Đông Ngạc) v.v… đó là tên gọi có từ rất lâu đời và gần gũi với từ kuel trong tiếng Mường dùng để chỉ bản Mường.

Còn chạ, có lẽ xưa hơn cả kẻ, cũng là từ cổ dùng để chỉ một cộng đồng cư dân thấp hơn kẻ.

Trong tiếng Việt hiện đại, chạ chỉ còn xuất hiện trong một vài từ kép, thành ngữ và địa danh như chung chạ, lăng chạ, ăn chung ở chạ, nằm lang ngủ chạ; chùa Ba chạ là ngôi chùa vốn là của ba làng Xép, Sằn và Mạch Tràng (ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội).

Môt vài trò hát chèo được Lương Thế Vinh ở thế kỷ XV ghi lại trong cuốn Hí phường phủ lục:

Trình làng trình chạ
Thượng hạ tây đông
Tư cảnh hoà trung
Nghe tôi giáo trống…

Trong các bài giáo trò cổ của nghệ thuật múa rối có trước đây nhiều thế kỷ cũng có câu:”Cầu cho chạ bằng an, được mùa”. Các cụ già ở Cổ Loa cũng còn gọi làng mình bằng cái tên cổ xưa nhất: chạ Chủ. Như vậy làng chạ cũng tức là làng xóm, và chung chạ, lang chạ, ăn chung ở chạ v.v… là những tàn dư ngôn ngữ cổ xưa để chỉ phương thức sinh hoạt chủ yếu của nhân dân Việt cổ thời đại dựng nước: sinh hoạt cộng đồng, tập thể trong khung cảnh làng chạ.

Cùng với từ kẻ gần với kuel trong tiếng Mường, chạ và làng chạ cho ta thấy sự gần gũi với những yếu tố văn hóa Việt – Mường qua một loạt từ ngữ đồng dạng: lang, làng, quan lang, nhà lang, nhà làng, ăn chung ở chạ, sống ở làng, sang ở nước…

Cộng đồng, tập thể thân quen nhất của người dân Việt cổ là làng chạ. Thuở ấy con ngươéi cá thể chưa xuất hiện rõ nét, trong khi đó, lối tụ cư, phong tục, hội hè, văn học, nghệ thuật, tư duy ở thời đại dựng nước đã được tạo ra, tồn tại chủ yếu ở làng, theo làng và nói về làng.

Sau khi đã tìm hiểu thiên nhiên Việt cổ, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước bằng một chuyến viếng thăm làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm. Trong khung cảnh đó, chúng ta sẽ tìm xem người Việt cổ tổ tiên ta đã ở và ăn ra sao, mặc và dùng những gì, gặp gỡ tụ hội giao thiệp với nhau theo những lề lối, phong tục nào, trình diễn cùng thưởng thức nhạc, múa, hát ra sao, sáng tạo hình chim, dáng nhà, kiểu thuyền, tượng người, truyện thần… với những ý nghĩ gì?

CHẠ CỔ SAU LŨY TRE XANH

Nền khảo cổ học trẻ trung đầy sức sống của chúng ta sau hơn 15 năm nhiệt tình lao động đã đào hoặc tìm được khoảng 200 làng chạ cổ trên một địa bàn rộng lớn từ Phú Thọ đến Bình-Trị-Thiên.

Đây là những ngôi làng đã mọc lên ở thời Hùng Vương, vừa là đơn vị xã hội vừa là tổ chức đời sống của xã hội, có một thời gian tồn tại lâu dài hàng trăm năm, cả đến hàng nghìn năm, như những ngôi làng đã đào được ở Minh Tân, Phùng Nguyên (Phú Thọ), Vinh Quang, Cam Thượng (Hà Tây), Đông Sơn, Thiệu Dương (Thanh Hoá)…

Nơi cắm đất xây làng là sườn đồi, chân núi, doi đất để được cao ráo, mát mẻ, tránh ẩm tháp, lụt lội, là ven sông suối, đầm hồ để tiện việc lấy nước dùng hằng ngày, việc đánh cá, đi lại bằng thuyền mảng, hay là gần những nơi có thể khai thác thành ruộng rẫy và nằm trên những đầu mối, trục giao thông để tiện đi lại làm ăn bảo vệ hoa màu.

Quy mô của làng trung bình khoảng một hai vạn mét vuông, ngang với quy mô một xóm hiện đại có 200, 300 nhân khẩu, có nơi như ở Đông Sơn, Thiệu Dương thì rộng hơn, bằng những thôn lớn hiện đại. Tất nhiên có làng lớn, chạ bé; vào cuối thời Hùng Vương, trên đất đai Văn Lang có khoảng 2000 nơi cư trú như thế rải ra khắp nơi, chủ yếu là nằm dọc các dòng sông. Các gia đình đều sống tập trung trên cùng một khu vực như kiểu buôn làng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chứ không lẻ tẻ thành từng chòm 5, 3 nhà như ở đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc ngày nay.

Lý do sống tập trung chủ yếu là vấn đề phòng thủ và truyền thống giúp đỡ lẫn nhau.

Để tự vệ chống lại kẻ thù bốn chân và hai chân, quanh làng có trồng những hàng rào cọc gỗ như trong chuyện Bánh chưng bánh giầy có gợi đến (1) hoặc trồng tre, hay đắp luỹ có trồng thêm tre, như ở các làng thời phong kiến. Tài liệu cổ của Trung Quốc có nói đến một đặc điểm của làng xóm phương Nam khác với ấp lý phương Bắc là loại ấp lý có thành quách:” Nước Việt Nam không phải là nơi ấp lý có thành quách, họ ở gần khe suối, ở giữa rừng tre” (2). Lũy tre đối với xóm làng Việt Nam ngày xưa rất quan trọng về mặt phòng thủ chống cướp, chống giặc.

Làng, nơi người sống gắn bó giúp đỡ nhau, cũng là nơi người sống và người chết gần gũi nhau: bên cạnh khu đất ở là khu đất mộ, như thấy ở Đông Sơn, Thiệu Dương, Luỹ Hoà, Thanh Đình… (3)

SỐNG LÂU LÊN LÃO LÀNG

Người Việt cổ coi trọng người sáng lập ra làng, truyền thống đó sẽ tồn tại lâu dài ở nhiều dân tộc sống trên đất nước Việt Nam: Thời phong kiến “ông khai canh”, “ông khai khẩn” sẽ được thờ làm thần thánh hoàng ở nhiều làng vùng đồng bằng. Ở Tây Nguyên, người có công lao, hay người đứng đầu nhóm lập buôn làng được gọi là “gốc làng”, một danh hiệu cha truyền con nối. Gốc làng sẽ cùng với các lão làng lập thành một hội đồng. Hội đồng này giải quyết mọi công việc, kể cả việc xử kiện; nếu có chiến tranh, lũ làng bầu thêm một “trai xung phong”, làm thủ lĩnh quân sự của làng buôn.

Quyền lực của người già (quyền trưởng lão) là một thực tế phổ biến ở các dân tộc thời đại. Trong thời Hùng Vương, cơ quan quyền lực cao nhất của làng chạ cũng là hội đồng bô lão gồm những ông bà già có uy tín trong dân chạ, uy tín ấy được xây dựng bằng những thành tích chiến đấu thời trẻ, bằng những hoạt động quan tâm đến tập thể, bằng số lượng của cải (đồ đồng, trâu bò…).

Hội đồng bô lão sẽ quyết định mọi việc lớn nhỏ, quyết định dời làng đi tìm vùng đất mới phì nhiêu hơn, quyết định chiến hay hoà, giải quyết những vụ giao thiệp hay tranh chấp, phân xử những vụ vi phạm tục lệ, quy định mức phạt vạ. Trong hội đồng có một người đứng đầu có uy tín hơn cả: đó là “trưởng lão”(4).

Người dân nào làm trái với tục lệ làng chạ sẽ bị phạt vạ nặng hay nhẹ; mỗi quyết định của hội đồng bô lão đều được mọi người tuân theo. Thời phong kiến, ở nông thôn ta còn có tục phạt vạ, và thường thường người bị xử trí bằng sư cô lập (không ai chịu ngồi với trong các cuộc hội họp) mà quan trên cũng không thể can thiệp được. Tập tục có sức mạnh này phải có nguồn gốc từ khá xưa; ngày ấy, nếu có một kẻ nào đó chống lại quyết nghị của hội đồng bô lão thì có nguy cơ hoặc bị giết hoặc bị thải trừ ra khỏi tập thể (5). Nói chung chế độ lão quyền là phổ biến ở thời Hùng Vương và là nguồn gốc của truyền thống tôn trọng tuổi Hồng, tục yến lão(6), lễ thượng thọ, và những câu tục ngữ quen thuộc: “Sống lâu lên lão làng”, “kính già, già để tuổi cho, “kính lão đắc thọ”…

TỪ NGÔI NHÀ LÀNG VIỆT CỔ ĐẾN NGÔI ĐÌNH VÀ NHÀ RÔNG TRUYỀN THỐNG

Ở thời Hùng Vương mỗi làng chạ đều có một ngôi nhà chung của cộng đồng với kiểu kiến trúc đặc biệt hơn các nhà ở thường. Những hậu thân của ngôi nhà đặc biệt này là: ngôi đình làng của người Việt (7) với những hàng cột lim, với cái mái ngói đồ sộ, với những đầu đao cong vút, ngôi nhà làng ở vùng Mường hay là ngôi nhà làng (nhà rông, nhà ual, nhà gỡn) ở số đông các dân tộc Tây nguyên, với chiếc mái tranh dày đặc, cao ngất và uốn cong (8).

Trên mặt các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ đã ghi lại hình ảnh rực rỡ và chính xác của ngôi nhà làng này với cái mái hình thuyền có trang trí bằng hình chim hay sừng trâu, rất giống những ngôi nhà làng của các dân tộc thiểu số Inđônêxia ngày nay.

Ngôi nhà làng thời Hùng Vương là nơi thờ thần, đồng thời là nơi hội hè, nơi tiếp khách lạ, nơi ngủ của “trai xung phong” và trai làng với khí giới sẵn sàng xuất kích khi có lệnh báo động ban đêm (9). Tất cả những chức năng xã hội – văn hóa của nhà làng cổ xưa sẽ được duy trì trong ngôi đình làng Việt Nam cận đại.

Quây quần chung quanh ngôi nhà làng là nhà ở của các gia đình dựng theo kiểu túp lều hay kiểu nhà sàn.

Trên một số trống đồng thấy khắc họa hình ảnh những chiếc lều có hai mái úp thẳng gần sát đất; trong một số di chỉ khảo cổ lại thấy những nền nhà thường có màu vàng quy mô nhỏ dễ dàng phân biệt với màu đất nâu xám. Những nền nhà trát đất cá thể này và những hố rác bếp trong nhiều di chỉ cho thấy rằng nhà phải được che trùm bởi những hình thức kiến trúc đơn sơ tương tự như lều, túp.

Một kiểu nhà rất thích hợp với điều kiện ở trên nền đất dốc, sống giữa cây rừng, nước lội của người thời Hùng Vương là nhà sàn. Nói về nhà cửa thời ấy, sách Lĩnh Nam chích quái chép : “(Dân Việt cổ) bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói”.

Cùng với công dụng chống thú dữ, cái thế cư trú theo sườn dốc của đồi gò, núi non cũng đòi hỏi đồng bào các dân tộc ở vùng Mường, vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hiện nay phải ở nhà sàn.

Sử thi Đẻ đất đẻ nước của đồng bào Mường kể về thời kỳ vua Dịt Dàng – tương đương với thời Hùng Vương (10) – cũng nhiều lần nói đến nhà sàn: có những nhà sàn của chúa Mường rất to lớn, quý giá.

Một sự tích rất hay của dân tộc Mường về nguồn gốc nhà sàn gắn liền với con rùa, con vật thiên thương gặp trong tín ngưỡng và thần thoại của nhiều dân tộc Việt Nam, kể rằng:

“… Tá Cần được nhân dân tin cậy mời ra cầm đầu bản Mường. Đã có người cầm đầu thì phải có nhà cho ông ta ở. Nhưng cả cộng đồng chưa ai biết cách làm nhà. Việc này phải nhờ người thợ săn Chi Bù Dút đi vào rừng gặp Rùa Vàng vui lòng bày cách cho dân bản Mường làm nhà: nhìn 4 chân rùa làm nên 4 cột cái, nhìn mai rùa làm nên mái nhà, nhìn xương sống, xương sườn dài, xương sườn cụt của rùa làm đòn nóc, làm rui, nhìn đuôi rùa mà làm chái, nhìn mắt rùa làm cửa sổ… Thế là dựng nên nhà nên cửa, nên bản nên mường” (11)

_______________________

(1) – Các buôn làng Tây Nguyên ngày nay cũng thường làm như thế
(2) – Thư của Hoài Nam Vương gtửi Hán Vũ Đế (thế kỷ 2 trước CN). Nam Việt đây là chỉ nước của Triệu Đà trong đó có Giao Chỉ.
(3) – Ở một số buôn làng Tây Nguyên ngày nay cũng thấy hiện tượng tương tự.
(4) – Theo Mã Đoan Lâm, tác giả sách Văn hiến thông khảo; Triệu Đà khi viết thư cho vua Hán có lần tự xưng mình là “Man di đại trưởng lão”
(5) – Ở nhiều dân tộc Tây Nguyên thời cận hiện đại cũng có tập tục tương tự.
(6) – Tức là làng nước mở tiệc khoảng đãi các cụ già lên 50,60,70 tuổi.
(7) – Ở một số đình làng còn thấy di tích kiến trúc theo lối nhà sàn cổ xưa: đình Tây Đằng, đình Chu Quyến ở Hà Tây, đình Đình Bảng ở Bắc Ninh v.v…
(8) – Hầu hết tất cả các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á từ Miến Điện, Thái Lan cho đến Inđônêxia và Nam Đảo đều có ngôi nhà làng này.
(9) – Như phong tục nhiều dân tộc ở Tây Nguyên ngày nay.
(10) – Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã chứng minh rằng vua Dịt Dàng (hay Yịt Yang, Gịt Giang) là một dạng cổ của Việt Vương theo Quách Điêu, tác giả cuốn Hoà Bình quan lang sử lược, người Mường thường hay đồng nhất vua Dịt Dàng với vua Hùng, vua Thục.
(11) – Xem Đẻ đất đẻ nước , sử thi dân tộc Mường, Ty Văn hóa Thông tin Thanh Hoá xuất bản, 1976 trang 64-71

CHƯƠNG IX

CUỘC SỐNG ĐẦM ẤM CỦA GIA ĐÌNH VIỆT CỔ

Từ làng chạ Việt cổ là đơn vị xã hội, chúng ta chuyển sang tìm hiểu gia đình nhỏ Việt cổ là tế bào của xã hội thời Hùng Vương.
Mỗi gia đình nhỏ có cuộc sống đầm ấm của mình trong một ngôi nhà sàn, giữa sự săn sóc giúp đỡ của cộng đồng làng chạ.

Căn cứ vào những hình chạm khắc trang trí trên trống đồng thì nhà sàn của nhân dân Việt cổ là kiểu nhà sàn chưa có vách, sàn thấp, mái cong hình thuyền đuôi mái gối sát nhà sàn, thang lên nhà đặt ở mặt trước.

Cạnh nhà ở có cả nhà kho cũng xây theo kiểu nhà sàn thấp, tròn, mái hình mui thuyền, nhỏ hơn nhà ở. Dấu vết của những ngôi nhà sàn lớn có cột gỗ to, dài đến 4 hay 5 mét với những lỗ mộng đục tinh tế, cùng với những gióng tre, những mảnh phên đan đã đào tìm được ở lớp đất dưới cùng di chỉ Đông Sơn (Thanh Hóa).

Gia đình nhỏ thời Hùng Vương là tế bào của xã hội. Gia đình nhỏ bao gồm vợ chồng và những đứa con, đứa cháu lúc này đã xuất hiện và phát triển bên cạnh những gia đình lớn đang trên quá trình suy tàn và sau khi những công xã thị tộc dòng mẹ bắt đầu tan rã, nhường chỗ cho chế độ quyền cha và gia đình dòng cha. Trước kia nông nghiệp dùng cuốc đá thô sơ làm cho người đàn bà thời nguyên thủy giữ vai trò trọng yếu trong sản xuất. Trồng trọt đã có nhưng chưa bảo đảm, chỉ có hái lượm mới cung cấp tương đối đầy đủ nhu cầu thực phẩm cho con người. Đến thời Hùng Vương, công cụ sản xuất, nhất là nông cụ bằng đồng, ngày càng sắc bén tiện lợi, làm cho nghề trồng trọt được đẩy mạnh. Lúa khoai sản xuất được bảo đảm phần lớn thức ăn của con người.

Lưỡi rìu, lưỡi cuốc, lưỡi cày, lưỡi hái bằng đồng đã đưa người đàn ông từ săn bắn về với nông nghiệp. Việc trao đổi thịnh hành, thúc đẩy sự phát triển các ngành sản xuất khác, chiến tranh tự vệ và bành trướng lãnh thổ làm cho người đàn ông giành lấy địa vị quan trong trong sản xuất, trong xã hội cũng như trong gia đình. Có một sự thay đổi ngôi từ chế độ quyền mẹ và dòng mẹ sang chế độ quyền cha, dòng cha, nhưng không đi đến cực đoan và nhanh chóng như ở xã hội và gia đình người Hán cùng thời.

Một tinh thần bình đẳng ngự trị trong quan hệ cũng như trong vị trí xã hội của người đàn ông và người đàn bà, người đàn ông tuy đã vươn lên nhưng chưa giành cho mình được ưu thế tuyệt đối; chế độ quyền mẹ, gia đình giòng mẹ còn để lại nhiều tàn dư sinh hoạt, trong phong tục và trong văn hoá tinh thần con người thời Hùng Vương cũng như thời phong kiến sau này.

Với những công cụ sản xuất sắc bén tiện lợi, mỗi gia đình nhỏ đã có khả năng sản xuất tự cấp tự túc và tất nhiên còn phải nhờ vả vào tập thể về nhiều mặt. Lãnh đạo gia đình là người chồng, đồng thời ý kiến của người vợ cũng có tác dụng quyết định. Cả hai vợ chồng cùng lao động nông nghiệp và trong những lúc rảnh rỗi, vợ có thể đi hái lượm, chồng săn bắn và đánh cá để cải thiện sinh hoạt như cách nói ngày nay. Với dải đất phì nhiêu nhiều rừng rú, sông ngòi đầm hồ và bờ biển thì sản phẩm thiên nhiên vẫn là nguồn bổ sung thức ăn phong phú và quý báu cho người dân Việt cổ, chủ nhân của những thửa ruộng nước (“ruộng Lạc”) đầu tiên.

Ruộng đất hồi ấy chưa phải là của riêng. Chưa có tình hình:

Trống làng ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng
như ở thời phong kiến sau này. Quan niệm để của cho con chỉ nhằm vào con trâu, cái cày, lưỡi rìu, thúng thóc mà chưa nhằm vào ruộng đất. Giữa con gái con trai, việc kế thừa trong gia đình mang tính chất bình đẳng (1).

CỞI TRẦN, ĐÓNG KHỐ, MẶC VÁY YẾM

Sống trong làng chạ, trong các gia đình nhỏ ấy, nam giới thường là đóng khố, cởi trần. Có kiểu khố dây, đuôi thả vừa chấm mông. Có kiểu khố quấn hai vòng quanh bụng thả múi phía trước và cả phía sau. Có kiểu khố chỉ thả đuôi dài ở phía sau (2).

Nữ giới thì mặc váy, cởi trần như các dân tộc ở Tây Nguyên, Ba-Li (Inđônêxia) và nhiều vùng rừng núi Đông Nam Á ngày nay. Có kiểu váy kín (váy chui), lại có kiểu váy mở (váy quấn), cả hai kiểu đều mặc ngắn đến đầu gối. Nhiều phụ nữ mặc thêm chiếc đệm váy có trang trí thả ở trước bụng và sau mông (3).

Nguyên liệu để làm khố, váy là vải dệt, có nhiều mẫu vải dệt tương đối mịn, đẹp, trên vải có trang trí bằng thêu, vẽ.

Ngày hội, ngày lễ, dân Việt cổ mặc những chiếc váy xòa làm bằng lông chim hay bằng lá cây kết lại, đội những chiếc mũ cũng làm bằng lông chim cắm cao trên đầu phía trước cài thêm những bông lau (4)

Truyền thống dùng lông chim và bông lau làm trang phục ngày hội còn được bảo lưu lâu dài về sau ở nhiều làng người Việt, người Mường, người Tây Nguyên.

Phụ nữ thuộc cấp bậc trên mặc đủ bộ xống áo trông rất sang trọng: ngoài chiếc khăn trùm vắt thành chóp nhọn trên đầu còn mặc yếm kín ngực ở trong, áo cánh xẻ ngực ở ngoài, thắt lưng có trang trí quấn ngang bụng, liền đó chiếc váy kín cũng có trang trí, buông chùng đến gót chân, chiếc đệm váy hình chữ nhật thả ở trước bụng và sau mông (5). Ðây là tiền thân kiểu áo yếm váy quen thuộc của người phụ nữ Việt cổ truyền, và gần như là kiểu mẫu của y phục phụ nữ Mường cận hiện đại.

Thủ lĩnh quân sự thời Hùng Vương có tấm đồng che ngực hình chữ nhật hay hình vuông có trang trí, có đai lưng với khóa đồng to bản có trang trí và đính thêm những chiếc nhạc đồng nhỏ.

Người thời Hùng Vương ưa dùng đồ trang sức. Nam cũng như nữ đều đeo vòng tai (6), đeo nhẫn, hạt chuỗi và phổ biến nhất là vòng tay.

Kiểu trang sức thật là nhiều mầu vẻ: vòng tai hình tròn, hình vành khăn; hạt chuỗi hình tròn, hình trụ, hình trái soan; nhẫn có tiết diện hình tròn, hình thừng bện; vòng tay có tiết diện hình tròn, hình bán nguyệt, hình chữ nhật, hình vuông, hình thang…

Hầu hết đồ trang sức làm bằng đá hiếm (màu vàng, màu xanh, nhiều màu), bằng đồng thau. Thỉnh thoảng có cả ngọc. Nhờ sự chăm chú gia công và khiếu thẩm mỹ tinh tế, kỹ thuật chế tác tinh xảo, người thợ khéo đã tạo ra những vật làm đẹp cho con người có giá trị lớn trong lịch sử nghệ thuật trang sức.

Người thời Hùng Vương có nhiều kiểu đầu tóc khác nhau. Phổ biến là lối cắt tóc ngắn và búi tóc. Sách Lĩnh Nam chích quái chép : (Dân Việt cổ) cắt tóc ngắn đề đi rừng cho tiện. Nam giới lẫn nữ giới cắt tóc ngang vai rồi để xõa, không tết buộc gì. Lõi búi tóc phổ biến cũng chung cho nam lẫn nữ là búi tròn sau gáy, thỉnh thoảng có người búi cao trên đỉnh đầu (7). Phụ nữ quý tộc – các mị nương (mệ nàng) – trùm khăn vắt thành chóp nhọn, ở ngoài búi tóc. Cũng có khi cả nam lẫn nữ kèm với búi tóc còn chít một dải khăn nhỏ ở giữa trán và chân tóc, thả đuôi khăn ra phía sau, hay không có đuôi khăn(8).

Phụ nữ thỉnh thoảng kết tóc thành một đuôi sam thả dài sau lưng, chít thêm một vành khăn nhỏ không thả múi (9)

Ðầu tóc, xống áo, đồ trang sức: đó là bộ trang phục của người thời Hùng Vương, qua đó thể hiện sự phát triển kinh tế, sự tiến bộ và phân hóa xã hội, trình độ tiến triển của tư duy và khiếu năng thẩm mỹ. Qua đó cũng thấy rõ một số đặc trưng về tộc hệ khác nhau mà về sau những tộc người khác nhau vẫn còn bảo lưu bên cạnh người Việt: người Thái, người Mường, người Mèo, người Dao … trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

NGUỒN THỨC ĂN PHONG PHÚ THỜI HÙNG VƯƠNG

Nguồn thức ăn chủ yếu của nhân dân Việt cổ là thóc gạo. Lĩnh Nam chích quái chép : (Ruộng Lạc) sản xuất được nhiều gạo nếp. Gạo nếp nay vẫn đang còn là nguồn thức ăn quan trọng của dân tộc Mường, Tày, Thái,  Lào …

Ở người Việt, trong cúng giỗ hội hè – với thực chất và ý nghĩa là gợi lại và bảo lưu truyền thống sinh hoạt cổ xưa – nhất thiết phải dùng gạo nếp (xôi, oản), điều này cho thấy thoạt đầu, thuở xưa, nếp là thức ăn quan trọng. Truyền thuyết dân gian nói nhiều về việc ăn và chế biến nếp ở thời Hùng Vương. Khảo cổ học cũng đã phát hiện được những chiếc chõ đồ xôi thời Hùng Vương.

Cùng ăn với thóc gạo còn có một số quả, hạt, rau, củ khác như bầu, bí, đậu, trám, na, cà, cau, củ kiệu, dưa hấu, bột báng, rau muống … Quả bầu là mô-típ của những thần thoại vào loại cổ nhất của nhiều dân tộc ở Việt Nam và Ðông Nam Á. Truyền thuyết dân gian về vua Hùng, về ông Dóng đã nhắc đến củ kiệu, quả cà. Bà mẹ và dân chạ đã dọn cho Dóng những bữa cơm cà đồ sộ; trước khi lên đường ra trận, Dóng ăn liền một lúc hết :

Bảy nong cơm, ba nong cà.
Lĩnh Nam chích quái chép truyện hai anh em Tân và Lang, truyện Mai An Tiêm đã nói đến trầu cau, dưa hấu và bột báng. Dân gian xưa đã có câu nói quen thuộc: “Giã ơn ông Búng bà Bang, dân chúng đói khát thiếu ăn, mong được gánh nặng đem về”.
Thức ăn có cá, gà, vịt, chim, chó, lợn rừng, lợn nhà, trâu rừng, trâu nhà, hươu nai, cầy cáo, nhím, rùa, ba ba, hổ, voi, rái cá, tê giác mà răng và xương vụn đã tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ, hay hình ảnh thấy trên các trống đồng, tượng đồng, tượng đất đào được trong các di chỉ. Sách sử cổ cũng nhắc đến dê, rắn. Ngoài ra cua, ốc là một nguồn thức ăn đáng kể. Người xưa đã từng nặn tượng ốc (10)  bên cạnh tượng gà, tượng chim, tượng bò, tượng chó, tượng cóc, tượng rùa. Xác cua đồng đã tìm thấy ở một vài di chỉ.

Người thời Hùng Vương đã biết dùng nhiều loại hương liệu, gia vị và thức uống đặc biệt. Ðó là rượu, gừng, muối, trầu cau, đất hun …

Lĩnh Nam chích quái chép : (Người Việt cổ) lấy cốt gạo làm rượu. Sử sách và truyền thuyết nói Hùng Vương say rượu để mất nước; vào thế kỷ 2 trước Công nguyên bọn vua quan nhà Triệu ở nước Nam Việt đã dâng nộp hàng ngàn vò rượu cho nhà Hán. Truyền thuyết về trầu cau gắn liền với sự tích thời Hùng Vương. Ăn trầu cau là tục lệ cổ truyền ở Việt Nam; và “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Còn đất hun, dân gian gọi là “bánh ngói”, món đất sét tinh được nung đốt bằng những cây cỏ khói thơm là một “món ăn” kỳ lạ nhưng được sản xuất và tiêu thụ ở nhiều vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ cho đến trước ngày cách mạng tháng Tám. Ở người Xá Tây Bắc, ở người Tây Nguyên và ở một số nơi ở Ðông Nam Á cũng có tục ăn đất hun . Lĩnh Nam chích quái chép : Việc hôn nhân giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu. Có thể thứ “bánh ngói” này đã là một món quà cưới quan trọng thời Hùng Vương. Nhà dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết đã chứng minh tục ăn đất và tục chế biến đất là một tục rất cổ của người Việt mà ý nghĩa thực chất của nó là thưởng thức hương liệu. “Bánh ngói” là một hòn đất chứa đựng chất khói thơm: ăn đất hun cũng tương tự như hút thuốc.

Các nguồn thức ăn được chế biến theo nhiều cách. Cách ăn tươi, ăn sống và thui nướng trên lửa, trên than đã có từ thời Nguyên Thủy, bây giờ vẫn tồn tại. Nhưng chắc chắn phần lớn thức ăn đã được chế biến với trình độ khá cao: nấu, luộc, hấp. Cũng theo ghi chép của Lĩnh Nam chích quái, người thời Hùng Vương thường ăn canh cá.

Khảo cổ học đã phát hiện nhiều nồi gốm các kiểu và cỡ khác nhau, còn nguyên lớp nhọ nồi cùng với những hố bếp. Ngày hai bữa, người xưa đã từng thổi chín cơm gạo bằng cách nấu trong nồi, đồ trong chõ hay lam trong ống tre. Lĩnh Nam chích quái chép: Họ lấy ống tre mà thổi cơm. Ở Vĩnh Phú đã tìm được chõ gốm. Cũng sách vừa dẫn cho biết họ lấy cầm thú, ba ba, cá làm mắm. Như vậy người xưa đã biết chế biến mắm, một hình thức chế biến cổ truyền và phổ cập ở khắp Việt Nam và Ðông Nam Á. Sử liệu Trung Quốc cho biết : Người Nam làm dưa muối, lấy gạo nếp giã thành bột hòa với nước vừng và muối rồi nén cho chín. Dưa đã ngon lại dẻo, nước lại chua, dễ ăn (11) .  Truyền thuyết và phong tục còn cho thấy người thời Hùng Vương đã biết chế biến một số bánh trái và lương khô như bánh chưng, bánh giầy, bánh ót, bánh ít, bánh uôi, bánh dằng, bánh lẳng, bánh tây, bánh mật, bánh bỏng, chè lam … Truyền thuyết và phong tục về bánh chưng, bánh giầy phổ biến cả ở người Việt lẫn người Mường từ thời gian rất xa xưa.

Thời Hùng Vương, việc dùng bát, đĩa, lon, chậu, mâm bồng đựng thức ăn, dùng gáo, bình, ống đựng nước, rượu, dùng lá để gói hay để lót cơm, bột, bánh … đã phổ biến. Thức ăn, đồ uống, cách chế biến và cách dựng cất, dọn bày như vậy là đã ổn định thành phong cách ăn uống của một cư dân nông nghiệp nhiệt đới. hành phần chính của bữa cơm là gạo, một khối lượng thức ăn phong phú, một số cách chế biến phát triển, bên cạnh một số cách chế biến còn thô sơ, cho thấy đời sống con người thời Hùng Vương đã chuyển sang giai đoạn đầu của xã hội văn minh nhưng vẫn còn mang ít nhiều dánh dấp của đời sống cổ sơ.

Ðặc biệt một số phong tục về ăn uống đã hình thành và ổn định vào thời ấy (bánh chưng, bánh giầy, cơm lam, mắm, trầu cau … ) vẫn còn được giữ gìn vững bền về sau này như những yếu tố đặc trưng của một phong cách dân tộc về mặt sinh hoạt.

BỘ ÐỒ DÙNG HỮU ÍCH VÀ THẨM MỸ

Ðồ dùng trong đời sống hàng ngày phần lớn là đồ đựng. Có loại đồ đựng làm bằng đất nung: nồi, chõ, vò, bình, lon, chậu, bát, đĩa, mâm các cỡ nhỏ lớn. Nhiều đồ đựng làm bằng đồng thau: lọ, bình, âu, ấm thố, thạp được chế tạo công phu, nhiều chiếc có quy mô lớn như thạp Ðào Thịnh.

Ngoài những đồ đựng bằng đất nung và đồng thau còn có những đồ đựng đan bằng tre nứa, cói, mây: gùi, sọt, bao, bồ, rổ, rá còn để lại tàn tích trong các di chỉ khảo cổ. Một số đồ đựng khác ít phổ biến hơn làm bằng gỗ, bằng da : tráp, rương, hòm, ngoài ra cũng đã tìm thấy vết tích của phên, liếp, chiếu, dây buộc (12) .

Gỗ là nguyên liệu quan trọng để chế tạo những đồ dùng lớn : cối giã chày tay hình trụ tròn, hình lòng máng mà hình ảnh đã được khắc họa rõ ràng trên những chiếc trống đồng cổ; quan tài hình thuyền có nắp, có chiếc rộng gần 1 m, dài tới hơn 4 m (13) ; và đặc biệt là những chiếc thuyền.

Người thời Hùng Vương biết chế tạo nhiều kiểu thuyền khác nhau: thuyền độc mộc mũi cong, đuôi én bơi bằng    giầm (14) , thuyền đi sông, đi biển cỡ lớn có lầu, sạp, bánh lái ở mũi và ở đuôi, chạy bằng bơi chèo và buồm(15) . Thuyền chắc chắn là phương thiện đi lại, chuyên chở chính của người thời Hùng Vương, con người của những làng chạ sống gần sông nước.

Trong những dịp hội, lễ , tang ma, xuất hiện những chiếc trống đồng, hiện vật tiêu biểu cho nền nghệ thuật và nền văn hóa của cả một thời đại. Hàng trăm trống đồng đã tìm thấy trong lòng đất từ Yên Bái, Phú Thọ đến Bình-Trị-Thiên chưa kể hàng ngàn trống khác bị tên tướng Mã Viện tịch thu để đúc ngựa dâng cho vua Hán, cho thấy trống đồng đã giữ vai trò trọng yếu trong đời sống xã hội và tinh thần của nhân dân Việt cổ.

Ðồ dùng của người thời Hùng Vương phong phú và đa dạng nhiều thứ được chế tạo với một kỹ thuật tinh xảo, nghệ thuật tinh vi như trống đồng, chứng tỏ trình độ sinh hoạt và nhu cầu của xã hội đã phát triển đến một mức độ cao.
Bộ đồ dùng gồm có nhiều đồ đựng, đồ gốm, đồ đồng lớn phản ánh rất rõ lối sống nông nghiệp định cư định canh. Không có nhiều đồ dùng chông chênh mà chỉ thấy những thứ có thể đặt đứng chắc chắn, điều đó phản ánh lối sống ở trên nhà sàn.

Ở bộ đồ dùng thời hùng vương, thấy rõ thị hiếu, sở thích của người xưa là ưa kết hợp thực dụng và thẩm mỹ : đồ gốm, đồ đồng đều luôn luôn được chú ý gia công và trang trí. Ở đó cũng thấy rõ sự phân hóa các thân phận xã hội: phân hóa giữa chủ nhân những đồ quý (trống, thạp) với chủ nhân những đồ dùng bình thường. Cùng với phong cách chung trong ăn ở, ăn uống, ăn mặc, phong cách chung của các đồ dùng thể hiện ở nguyên liệu, loại hình, kiểu dáng, công dụng và cách trang trí, tìm thấy ở khắp nơi từ các cương vực Bắc, Nam, Ðông, Tây của nước Văn Lang cho chúng ta thấy một sự thống nhất khá chặt chẽ về nhiều mặt của cộng đồng cư dân sống đầm ấm trong các làng chạ Việt cổ.

_______________________
(1) – Theo sự nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi, quyền trưởng nam chỉ mới bắt đầu thấy xuất hiện ở đời Lý.
(2) – Theo hình ảnh những pho tượng người tìm thấy ở Yên Bái, Hải Phòng, Thanh Hóa.
(3) – Theo hình ảnh những pho tượng người tìm thấy ở Hà Tây, Hải Phòng, Thanh Hóa, Yên Bái.
(4) – Theo hình ảnh khắc họa trên nhiều trống, rìu, thạp đồng.
(5) – Theo hình ảnh pho tượng người tìm thấy ở.
(6) – Giống như tục căng tai bằng vòng ở nhiều dân tộc Tây Nguyên.
(7) – Như ở phụ nữ Thái đã có chồng.
(8) – Theo hình ảnh những pho tượng người tìm thấy ở Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Thanh Hóa.
(9) – Tượng người tìm thấy ở Hà Tây, Hải Phòng, Thanh Hóa.
(10) – Tìm thấy ở Thanh Hóa.
(11) – Theo sách Kinh sử tuế thời ký.
(12) – Trong một số di chỉ ở Hải Phòng, Thanh Hóa …
(13) – Các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều chiếc quan tài còn nguyên vẹn ở Hải Phòng, Hải Hưng.
(14) – Giống như những con thuyền đuôi én của dân tộc Thái ngày nay trên sông Ðà.
(15) – Theo hình ảnh được khắc trên các trống đồng cổ.