Công chúa Huyền Trân là con gái yêu của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Huyền Trân chào đời trong khung cảnh đất nước mới trải qua cơn binh biến tàn khốc do nạn ngoại xâm. Giặc Nguyên thất bại thảm hại qua 3 lần rắp tâm thôn tính Đại Việt không thành, nhưng vẫn rắp tâm tìm cách báo thù. Nhiều lần nhà Nguyên cho sứ sang hoạnh họe, bắt bẻ, dọa nạt vua Trần.
Do vậy, triều đình không thể không đề phòng ngày đêm lo lắng đối phó với kẻ thù. Phía Tây và phía Nam nhiều lần bị giặc quấy phá làm cho nhân dân điêu đứng, lầm than khiến vương triều nhất là Thượng hoàng Trần Nhân Tông không thể yên tâm. Người đi du hóa nhiều nơi trong nước hoằng pháp giáo lý, đến cả Chiêm Thành tỏ tình hòa hảo, được vua Chiêm Chế Mân trân trọng, các vị tu hành đất phật Thệ này cảm phục. Và qua bảy, tám tháng sống ở đất Chiêm, Thượng hoàng yêu mến, đồng cảm với trăm dân nơi đây có nền văn hóa cổ sơ, có biệt tài xây dựng đền đài chùa tháp. Người càng yêu quý Chế Mân, vị vua trẻ anh hùng từng đánh bại đội quân xâm lược nhà Nguyên, khi chúng tới đây tạo gọng kìm tấn công Đại Việt, Người muốn xóa đi mối hận thù, mặc cảm từ bao đời Chiêm – Việt, khiến dân lành vô tội chết chóc lầm than nên hứa gả con gái yêu Huyền Trân cho Chế Mân và hẹn sau 4 năm sau khi công chúa 18 tuổi, được phép mang sính lễ sang cầu hôn.
Khi về nước, Trần Nhân Tông bận rộn việc đạo, tại núi rừng Yên Tử và trở thành Trúc Lâm Đại đầu đà, lấy đời tu của đức Phật soi sáng nội tâm mình, nguyện trọn đời với đạo. Nhưng Người không thể quên nhiệm vụ hi sinh cái nhỏ bản thân, tìm cái được lớn lao cho dân tộc nên đã kể về chuyến du hành phương Nam, kể về ông vua trẻ Chế Mân văn, võ song toàn cho con gái Huyền Trân… Người bảo Huyền Trân giơ bàn tay lên và nói: “Con có thấy trên bàn tay con có hình bóng của phụ hoàng và Thái Hậu không? Trên bàn tay con không những có ta, có mẹ con mà còn có cả giống nòi đất nước”.
Câu nói đầy ý nghĩa khiến Công chúa Huyền Trân suy tưởng trọng trách mà Phụ hoàng giao phó, tin tưởng đặt gánh nặng trên đôi vai con gái bé nhỏ để tránh cho hai dân tộc khỏi thảm cảnh binh đao..
Công chúa hiểu và linh cảm lời dạy bất di bất dịch của Phụ hoàng nên mọi thắc mắc, âu lo cho bản thân cũng như dư luận bàn tán đều tiêu tan. Nàng thầm hứa sẽ làm tròn phận sự mà Thượng hoàng cùng đất nước giao phó.
Tháng sáu năm Bính Ngọ (1306) lễ rước dâu được cử hành trọng thể. Huyền Trân vái lạy Phụ Hoàng, Thái Hậu cùng vua Anh Tông lên kiệu hoa về nhà chồng ở phương Nam xa lạ.
Chế Mân cho mở hội 3 ngày cả nước đón mừng cô dâu. Đây cũng là ngầy lễ đăng quang Hoàng Hậu, còn cho khắc bia đá ghi sự kiện lịch sử này..
Sống trên đất Chăm, Hoàng hậu Huyền Trân được vua yêu quý cho đi du hành, kinh lý vãn cảnh, đồng thời tìm hiểu cuộc sống, hoàn cảnh của dân. Những thực tại đói khát, vất vả, bệnh tật nơi thôn dã khiến Hoàng hậu không vui. Bà tâu bày với vua quan tâm đến dân, chi ra những tồn tại yếu kém của bộ máy quan lại nhũng nhiễu dân cần được khắc phục… Chế Mân cảm phục tấm lòng từ bi, bác ái của Huyền Trân đã có những chấn chỉnh, có phương sách thân dân. Nhưng việc làm của ông lại động chạm đến thế lực cai trị. Hơn nữa, thám mã nhà Nguyên dưới hình thức sứ giả, nhà buôn, hòa thượng câu kết với bọn quan lại bất đồng chính kiến cải tổ đất nước, nên gây không ít khó khăn, thậm chí còn âm mưu lật đổ, dã tâm phá hoại mối bang giao Chiêm – Việt. Và vua Chiêm bất ngờ bị hại, sau gần một năm nghĩa tình đằm thắm với công chúa Đại Việt.
Huyền Trân xót xa nỗi đau mất chồng, lại thương đứa con trong bụng phải mất cha, rồi khi con ra đời tất lâm cảnh mất mẹ, sống côi cút. Theo lệ người Chăm khi vua mất, Hoàng hậu, phi tần phải lên giàn hỏa chết theo.Việc này sẽ đến với Huyền Trân ngay sau khi bà sinh con, điều này Huyền Trân hiểu và chấp nhận.
Nhưng ngày lên giàn lửa ở bên bờ biển, lại là ngày phái bộ lập kế cướp người. Còn Huyền Trân thì như xác không hồn, khi tỉnh mới rõ cơ sự, nhưng biết làm sao.
Bà cho việc làm tày trời này Phụ hoàng không biết. Bà hiểu Phụ hoàng! Nếu có bị lên giàn lửa để mối tình Việt – Chiêm bền vững không còn chuyện binh đao thì Người sẵn sàng chịu đau xót mất con, để đổi lấy ước nguyện hòa bình. Huyền Trân khẳng định đây là hành vi bồng bột, nếu Phụ hoàng biết chuyện thì sẽ không cho hành sự.
Sau khi về nước Huyền Trân lên Yên Tử sơn thăm Phụ hoàng, rồi về Am Nộm Sơn ở núi Hổ, xã Liên Minh (Vụ Bản – Nam Định) lập cảnh tu Thiền, lấy hiệu Hương Tràng. Tại đây ni sư Hương Tràng phụng đạo đúng nghĩa chân tu: Thương chúng sinh, giúp người cơ nhỡ, để lại tiếng thơm trên quê hương Nam Định. Khi bà mất, dân trong thôn tạc tượng tôn thờ.
Bảy trăm năm qua. Bụi thời gian làm mai một cổ am, nhưng đền thờ bà ở Nam Định, Thái Bình, Huế… chắc vẫn còn ngào ngạt hương thơm, bởi tấm lòng công chúa, cũng như lòng từ của ni sư, khác nào sứ giả hòa bình, mong cho nhân loại hết cảnh chiến tranh, cuộc sống dân lành yên vui hạnh phúc.