Khi trưởng thành, mỗi người đều tự mình phải nhẫn chịu nhiều thứ. Rất nhiều điều đều phải là tự bản thân vượt qua.
Trước hết mời bạn đọc câu chuyện sau và suy ngẫm:
Ở một trang trại nọ có chú trâu mệt mỏi sau ngày dài cày ruộng. Chú chó trong sân thấy anh trâu mệt liền đến hỏi thăm. Trâu nói một cách yếu ớt rằng hôm nay đã làm quá nhiều việc, mong rằng mai được nghỉ một chút.
Chó khuyên trâu hãy nghỉ ngơi. Sau đó nó đi ra cổng thì gặp mèo, chó nói với mèo: “Anh trâu mệt đến mức hôm sau chỉ muốn được nghỉ ngơi”.
Mèo lát sau chạy đi gặp cừu và “thêm chút gia vị” vào câu chuyện: “Trâu phàn nàn rằng chủ nhân giao quá nhiều việc nên ngày mai không muốn đi cày”.
Và rồi cừu lại quay sang gà “Trâu không muốn làm việc cho chủ vì quá mệt mỏi. Chẳng biết những chủ nhân khác có như vậy không?”.
Thế là gà đi vài bước gặp lợn, gà bảo: “Trâu sẽ không làm việc cho ông chủ nữa. Anh ta ở đây mệt đến nỗi muốn đi tìm một ông chủ khác”.
Cuối cùng khi bà chủ cho lợn ăn, lợn nói: “Bà chủ tôi muốn nói với bà điều này. Trâu không thích làm việc ở đây. Anh ta nói ông chủ không tốt, rất mệt mỏi, muốn đi tìm chủ nhân khác”.
Bà chủ lúc ăn tối nói với chồng, trâu muốn phản bội chúng ta, nó muốn tìm chủ nhân khác, ông xem làm thế nào bây giờ.
Ông chủ tức giận: “Đồ ăn cháo đá bát, loại này giết không tha”.
Cuối cùng trâu bị ông chủ làm thịt. Dù nó có làm việc cần củ chăm chỉ, cũng không tránh khỏi cái chết.
Phàn nàn là vô ích
Câu chuyện trên chắc hẳn khiến bạn liên tưởng đến câu nói quen thuộc “tam sao thất bản”. Một câu chuyện trải qua nhiều người, nói đi nói lại, rất có thể nội dung và phong vị đã bị thay đổi rồi.
Dù bạn là ai và ở đâu, bạn chắc chắn sẽ có lúc gặp phải điều khó chịu không vừa lòng, cảm thấy người khác dường như không thoả đáng, cuộc sống dường như không công bằng với mình.
Vài ngày trước tôi gọi điện cho người bạn cùng lớp, khi hỏi đến công việc, cô ấy nói trong cả giờ đồng hồ. Nào là sếp keo kiệt, tiêu chuẩn thì quá cao, lương lại thấp, đồng nghiệp chẳng giúp đỡ gì, mỗi ngày đều phải làm việc đến căng thẳng kiệt sức.
Tôi nói với cô bạn: “Cậu có thể kể chuyện này với tớ, nhưng tuyệt đối đừng phàn nàn những điều tương tự với đồng nghiệp, kể cả có thân thiết với họ đến mấy. Bởi vì qua một người, hai người, đến tai sếp có khi nó đã là câu chuyện khác rồi”.
Nếu như quá mệt mỏi, có thể tìm người bạn tri kỷ giãi bày tâm sự, điều đó không thể nói là sai. Nhưng nếu dành quá nhiều thời gian vào phàn nàn thì tâm chúng ta sẽ trở nên nhỏ bé, hẹp hòi và ích kỷ. Cả ngày chỉ nghĩ đến những thiệt thòi của bản thân, thì còn thời gian và sức lực đâu để quan tâm những người khác và vấn đề của họ?
Chẳng hạn nếu thực sự bị đối xử bất công, thì nói chuyện trực tiếp và chia sẻ thẳng thắn sẽ tốt hơn nhiều so với phàn nàn sau lưng. Trên thực tế, khi bạn phàn nàn, vấn đề vừa không được giải quyết, trái lại, lại mang đến cho bản thân cảm giác bất lực và tiêu cực.
Ngay cả đối với bạn bè, người thân, sẽ không ai muốn ở bên cạnh một người tiêu cực và suốt ngày than vãn. Họ có thể lắng nghe bạn, nhưng đó là vì họ coi trọng và yêu mến bạn, chứ không bởi họ thích nghe những lời phàn nàn. Khi trưởng thành, mỗi người đều tự mình phải gánh chịu nhiều thứ. Rất nhiều điều đều phải là tự mình vượt qua.
Thay vì phàn nàn, hãy bắt tay thực hiện công việc
Gary Vaynerchuk, giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty triệu đô VaynerMedia đưa ra lời khuyên cho những ai muốn thành công:
“Nếu bạn muốn cải thiện sự nghiệp của mình hay vẫn còn tin vào một điều gì đó thì đừng phàn nàn, đừng nói nhiều, hãy tiếp tục cố gắng. Chớ để tương lai của bạn bị cản bước bởi bóng tối của quá khứ. Phàn nàn về ngày hôm qua không làm cho ngày mai của bạn tươi sáng hơn. Hãy bắt tay vào hành động, làm việc để cải thiện cuộc sống và thành công!”.
Trong cuốn sách bán chạy The 7 habits of highly effective people (7 thói quen hiệu quả), tác giả Stephen R Covey cũng nhấn mạnh thói quen đầu tiên là mọi người cần có thể làm chủ chính mình. Nói cách khác, cần chủ động tập trung và thực hiện những gì có thể kiểm soát, thay vì nỗ lực dành tâm huyết vào những điều không thể.
Phàn nàn chính là điều bản thân “không thể kiểm soát”, bạn không thể thay đổi những yếu tố ngoại cảnh như sếp nóng tính, đồng nghiệp khó chịu. Chỉ khi tập trung vào bản thân, bạn mới có đủ năng lượng để làm việc hiệu quả và nhanh hơn.
Trong cuộc sống, mọi người chắc chắn sẽ gặp rất rất nhiều việc không ưng ý. Nếu như cứ mỗi lần gặp việc không vừa lòng, chúng ta lại phàn nàn, chán nản rồi từ bỏ; vậy khi bắt đầu một việc mới, thì chúng ta vẫn sẽ dễ dàng từ bỏ bởi vì vấn đề chưa được giải quyết tận gốc.
Chỉ khi người ta dám nhìn thẳng vấn đề của bản thân, không đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho người khác, thì rắc rối dù giải quyết được hay không, người đó cũng đã chiến thắng chính mình.