Vĩnh Long là một tỉnh  nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 140km. Như một món quà của thiên nhiên ban tặng, mảnh đất Vĩnh Long không những được nhiều người biết đến bởi cây lành, trái ngọt, mà gần hai thế kỷ qua, người dân Vĩnh Long còn tự hào với nghề gốm đỏ. Dòng Cửu Long đã không những bồi đắp cho những cánh đồng lúa, những miệt vườn bốn mùa hoa trái bằng hàng triệu mét khối phù sa, mà những hạt phù sa đỏ ối tụ lại này còn góp phần hình thành những mỏ đất sét nguyên sinh quý giá. Với nguồn tài nguyên này, người Vĩnh Long đã nhào nặn và thổi hồn để biến chúng thành những sản phẩm tinh túy của làng nghề gốm đỏ. 

Hệ thống lò gạch, gốm ở Vĩnh Long có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Làng nghề nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai và các tuyến đường huyết mạch, trải nhựa thẳng tắp thuộc huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ngay từ đầu làng đã có thể thấy những lò nung đỏ au, trên nền xanh đất trời tạo nên một bức tranh rất đỗi thân thương. 

Ban đầu, người dân Vĩnh Long khai thác mỏ đất sét bên bờ sông Cổ Chiên để hình thành nên những làng nghề làm gạch ngói. Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, người dân bắt đầu chuyển sang làm gốm dân dụng và gốm mỹ thuật. Từ cầu Mỹ Thuận, nơi con sông Cổ Chiên tách dòng khỏi sông Tiền, kéo dài khoảng 30 cây số đến vàm sông Mang Thít, hơn 1.000 lò gốm mọc lên san sát, thu hút hàng chục ngàn lao động. Khoảng năm 1960, làng gạch bắt đầu cơ giới hóa, sản xuất bằng máy gạch ống, gạch tàu, gạch thẻ. Cho đến năm 1980 có một công ty người Đức đến vùng này sản xuất gốm để xuất khẩu thì các chủ lò tại địa phương mới cho người đi Bình Dương, Biên Hòa học làm nghề gốm. Về kỹ thuật thì giống nhau nhưng về sản phẩm thì gốm đỏ Vĩnh Long là loại đặc trưng mà các tỉnh miền Đông không sản xuất được vì sự đặc biệt của nguyên liệu. Với kinh nghiệm làm gạch từ bao thế hệ sáng tạo, người Vĩnh Long đã đúc kết thành kỹ thuật nung đất tuyệt vời. Nhiên liệu nung cũng từ sản phẩm đặc trưng của vùng lúa nước, đó là trấu. Màu đặc trưng của gốm Vĩnh Long là màu của rơm rạ. Một điều đặc biệt thú vị là duy nhất gốm Vĩnh Long mới có những sản phẩm gốm thô không men màu nhưng vẫn ánh lên sắc đỏ, nâu pha mốc trắng nguyên thủy. Chính điều này đã tạo cho gốm Vĩnh Long vẻ đẹp riêng rất ấn tượng mà không sản phẩm gốm nào có được. Thật kỳ lạ, hay nói đúng hơn là nhờ thiên nhiên ban tặng và nhờ những phát minh thầm lặng của bao thế hệ lò gạch Vĩnh Long.

Nghề sản xuất gốm ở Vĩnh Long mang nét đặc trưng riêng có, không lẫn với những nghề truyền thống khác. Mỗi gia đình cũng có thể là một tổ hợp, một xưởng sản xuất tách biệt. Có những xưởng thuê tới mấy chục lao động. Ngày nay, người dân Vĩnh Long không còn nung gốm bằng lò than thủ công như trước. Họ nung gốm bằng lò gas, sấy sản phẩm gốm bằng điện. Do các lò gốm nằm cạnh bờ sông nên việc vận chuyển đất sét thường bằng ghe thuyền, một loại phương tiện rất phổ biến ở vùng sông nước Vĩnh Long. Các công đoạn sản xuất ra một sản phẩm cũng theo một trình tự đặc biệt như sau: 

Pha đất

Công đoạn pha đất rất quan trọng bởi nó quyết định đến sự thành công của mẻ gốm. Độ nhót (co giãn giữa sản phẩm mộc và thành phẩm), độ cứng, màu sắc đều phụ thuộc vào công đoạn pha đất. Tương tự như quy trình xay bột làm bánh, người ta cũng phải ngâm đất sét thô trong nước cho nó tơi ra và quá trình ngâm này rất lâu, khoảng vài tháng. Ngâm xong rồi khuấy đều lên, rồi lắng, lọc, lắng, lọc… Càng lắng lọc nhiều, lớp đất sau cùng càng tinh thì chất lượng gốm sẽ càng cao. Pha xong phải nhào nặn nhiều lần cho thật mịn, đến nỗi sờ tay vào không dính thì mới đạt. Từ đây người ta chở từng khối lên cho công nhân in. 

Tạo mẫu

Công đoạn này là công việc của những nghệ nhân hay những người thiết kế. Người nghệ nhân có thể phác thảo hình dáng, hoa văn mà mình muốn. Phần lớn vẫn là làm theo mẫu của khách hàng nước ngoài. Các mẫu gốm của khách hàng nước ngoài thường đặt theo catalogue. Từ catalogue, hay các bản vẽ tự phác thảo, người thiết kế sẽ tạo ra một mẫu bằng thạch cao y như mẫu thật. Thực ra, mẫu này thường lớn hơn sản phẩm; lớn hơn tỉ lệ bao nhiêu phải tính toán theo độ nhót của đất sau khi nung, khoảng 5- 6%.   

Làm khuôn in và xu

Có mẫu rồi thì đổ khung thạch cao làm khuôn. Thợ in dùng đất pha sẵn ép vào khuôn. Khuôn có thể có nhiều mảnh ghép lại. Người thợ phải ép đất vào từng mảnh, cuối cùng ghép lại thành một tổng thể sản phẩm. Sản phẩm thường rỗng ruột, người thợ in phải dùng nề cắt đất ra thành một miếng “bánh da lợn” dày cỡ một vài phân tùy yêu cầu, trước khi ép khuôn. Người mới vào nghề cắt “bánh” dính tay nên phải dùng một cái bao để di chuyển “bánh”, nhưng thợ lành nghề họ cắt một miếng cỡ nửa mét vuông cầm không dính tay. Ép xong để cho ráo mới dỡ khuôn ra cho người xu. Thợ xu làm láng sản phẩm bằng cách nhúng nước cái “bông đá” học trò lau bảng chà lên sản phẩm, chỉnh lại các họa tiết cho sắc sảo. 

Nung

Ba yếu tố sống còn của sản phẩm gốm: kích cỡ lò, pha đất và kỹ thuật nung. Thợ lửa xưa nay vẫn là nghề bí truyền. Vô lò cũng là kỹ thuật, người vô lò biết vị trí nào “lửa hỗn”, chỗ nào lửa yếu, chỗ nào nhiệt độ lò ổn định mà bố trí từng loại sản phẩm lớn nhỏ khác nhau. Chỗ “lửa hỗn” quá thì chèn thêm gạch, ngói che lại… Quy trình nung gốm diễn ra trong 7 ngày. Bốn ngày đầu đốt lò từ từ, chủ yếu là hun nóng nhẹ cho hơi nước chứa trong sản phẩm bay ra khỏi lò, nói nôm na là làm khô sản phẩm thôi, nhiệt độ từ 100 – 200 độ C là được. Ngày thứ năm và thứ sáu tăng tốc để ngày cuối cùng đạt 900 độ C. Đối với những sản phẩm đặc biệt cần nâng cao nhiệt độ hơn thì người ta dùng samốt rải trên sản phẩm trong lò. Khi đạt đến nhiệt độ cần thiết, sản phẩm gốm thường là 9000 độ C thì sản phẩm kết khối, đất chuyển sang đá, người ta gọi đó là nhiệt độ kết khối, lúc này ngưng đốt, bít lò bằng đất sét, để cho lò nguội dần, rồi ra lò. Cái bí quyết của người thợ lửa là ở chỗ họ gạt lửa theo tần suất nào, ta chỉ thấy lâu lâu họ gạt than để khêu cho lửa cháy. Họ làm theo thói quen mà chẳng cần đo nhiệt kế. 

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 2.800 miệng lò của 1.326 cơ sở sản xuất gạch ngói và gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Riêng nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800 miệng lò của 126 cơ sở, với các loại hình: một công ty cổ phần, một công ty TNHH, 56 doanh nghiệp tư nhân và 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung tại huyện Măng Thít, Long Hồ và thị xã Vĩnh Long. Làng gốm nơi đây là  công trình kiến trúc đặc sắc gần như có một không hai ở Việt Nam, đó là nhà gốm. Toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, những bức phù điêu, tường, cho đến cả những vật dụng trong nhà như bàn ghế, đi-văng… đều làm hoàn toàn bằng gốm đỏ. Hiện nay, ngoài các sản phẩm dân dụng như chum, vại, nồi, niêu… các doanh nghiệp gốm ở Vĩnh Long còn sản xuất nhiều dòng gốm nghệ thuật như tranh, tượng, phù điêu, chậu hoa, đôn, lọ cắm hoa… Sản phẩm gốm nghệ thuật của Vĩnh Long có giá thành khá cao, từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Tuy vậy, gốm Vĩnh Long vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi vẻ đẹp tinh tế và sắc đỏ độc đáo riêng có của mình. Ngoài thị trường trong nước, gốm Vĩnh Long cũng đã có mặt tại nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tuy nhiên, cũng như những làng nghề thủ công truyền thống khác, qua thời gian cũng có những thăng trầm. Ông Nguyễn Văn Ngon, chủ cơ sở gốm Vĩnh Hiệp cho biết, khủng hoảng kinh tế từ năm 2007 khiến nhu cầu trang trí cũng ít dần, thế nên nhu cầu về các sản phẩm này cũng giảm đi. Có khoảng thời gian hàng nghìn lò nung ở Vĩnh Long nguội lạnh. Thêm một lý do nữa là quy định hạn chế các lò nung thủ công, đốt nguyên vật liệu gây khói, bụi, ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích sử dụng các vật liệu không nung trong xây dựng. Cùng với đó, tiêu chí để các lò nung hoạt động cũng được thắt chặt, khiến chi phí vật liệu tăng cao đẩy giá sản phẩm cao hơn, nên không thể cạnh tranh được sản phẩm từ các vật liệu khác có giá thành rẻ hơn. Có nhiều người đã bỏ nghề vất vả này để làm những việc khác. Cho đến vài năm gần đây, thị trường gốm mới khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập mà làng nghề gốm Vĩnh Long phải phấn đấu vượt qua. Chẳng hạn như vấn đề thương hiệu: gốm Vĩnh Long chưa có thương hiệu mạnh. Công nghệ nào cho đất là vấn đề nóng hổi hiện nay cho làng gốm Vĩnh Long; vì công nghệ sản xuất “chỉ thường thường bậc trung” và không đồng đều ở các doanh nghiệp, nên khi xuất ra nước ngoài, giá bán rất thấp, trong khi nguyên liệu tương đương nhau. Vấn đề xúc tiến thương mại, thị trường gốm chủ yếu là xuất khẩu, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất có rất ít thông tin về thị trường, chưa có hệ thống tiếp thị, quảng bá sản phẩm tốt… Vấn đề xuất khẩu trực tiếp, hầu hết doanh nghiệp gốm Vĩnh Long chỉ xuất khẩu qua trung gian nên không biết sản phẩm của mình bán ở đâu, hiệu quả kinh tế rất thấp. 

Đi đôi với quá trình phát triển sản phẩm và thị trường, ngày nay ngành du lịch Vĩnh Long cũng tận dụng thế mạnh của mình. Ngành Du lịch tỉnh đang có đề án biến các lò nung này thành địa điểm du lịch làng nghề kết hợp. Theo đó, các lò nung gốm đỏ ở Mang Thít, Long Hồ có lợi thế lâu đời, lại rất nổi tiếng. Đặc biệt, so với các tour du lịch làng nghề khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang thì việc du khách đi ghe thuyền ven sông ngắm các lò gốm sẽ độc đáo và thú vị hơn nhiều. Ngoài ra, các lò nung gốm cũng sẽ có thêm một lượng khách hàng rất tiềm năng, bởi mua sắm các sản phẩm trực tiếp tại làng nghề đang là xu hướng mà khách du lịch chọn lựa. Nếu thành công, đây sẽ là hướng đi thích hợp vừa bảo tồn, vừa phát triển làng nghề nung gốm đỏ lâu đời ở Vĩnh Long một cách bền vững nhất…

Nhãn hiệu tập thể Gốm đỏ Vĩnh Long được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận ngày 08-6-2011 là một tin vui cho các nhà sản xuất gốm. Để có kết quả này, ngành gốm đỏ Vĩnh Long đã trải qua một quá trình phát triển dài. Nhãn hiệu tập thể Gốm đỏ Vĩnh Long là tiền đề để giúp cho ngành gốm đỏ đi xa hơn trong thời gian tới. Trong tương lai không xa, làng nghề gốm đỏ Vĩnh Long sẽ sánh vai với các làng gốm trong cả nước sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế.  

Dòng Cửu Long trĩu nặng phù sa, đổ về hạ lưu bằng hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và chảy ra biển với 9 cửa sông, hàng năm mang về cho Nam Bộ lượng phù sa rất lớn. Những hạt phù sa đỏ ối, đã mang về biết bao điều kỳ diệu trong đó có ngành gốm đỏ. Người dân nơi đây luôn tự hào và cố công nuôi dưỡng tình yêu với nghề. Mỗi một hoa văn trên sản phẩm đều mang hồn cốt của quê hương Chín Rồng. Hơn lúc nào hết, Làng gốm đỏ Cổ Chiên muốn mang nét tài hoa, mang tâm hồn Việt, mang nét văn hóa phương Đông đến với bạn bè trên thế giới.