Vùng văn hóa miền nam với tên gọi Deep South (bản đồ 7) có thể được xem như một hỗn hợp địa lý của các tôn giáo, các quan điểm, các phong cách sống, các thói quen và các tập quán có từ lâu đời. Rất nhiều hình mẫu trước đây cũng như những thay đổi hiện nay rõ ràng là mang tính chất địa lý và còn nhiều đặc điểm khác – tất cả đều là hệ quả của yếu tố địa lý.

Những khác biệt lớn tồn tại ngay trong lòng miền Nam. Gulf Coast (Vùng bờ Vịnh), vùng đất cao nguyên phía nam, Georgia – Carolinas Piedmont, và nhiều vùng thuộc nội địa phía bắc của miền Nam, mỗi nơi đều có những phiên bản văn hóa riêng của mình. Nhưng mỗi miền đều hiểu rất rõ về “tính cách phương Nam” mà họ cùng chia sẻ.

worm's eye view photography of USA flag on pole

Di sản

Quá trình xâm chiếm thuộc địa sớm nhất của người châu Âu ở Mỹ là mang tính chất thương mại và khai thác. Đồng bằng ven biển phía nam Vịnh Delaware, đặc biệt là phía nam Vịnh Chesapeake chứa đựng nhiều vùng đất tỏ ra lý tưởng cho khai thác nông nghiệp. Những mùa hè dài và nóng, thường xuyên mưa, những mùa đông ấm áp đã cho phép những người định cư có được một sưu tập các loại cây trồng bổ sung cho những loại cây ở Bắc Âu. Số lượng lớn các con sông chảy qua vùng đồng bằng này, ít nhất cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các thuyền nhỏ, cho phép việc định cư mở rộng một cách tự do hơn giữa hai con sông James ở Virginia và Altamaha ở Georgia.

Mật độ dân số vẫn ở mức thấp trên hầu hết khu vực này với sự tập trung phần lớn vào các đô thị hơn là các làng nhỏ nằm trên ranh giới với các thành phố cảng (Norfolk ở Virginia, Wilmington ở Bắc Carolina, Charleston ở Nam Carolina, Savannah ở Georgia) hay các đầu mối giao thông đường thủy trên các con sông chính (Richmond ở Virginia, và sau này là Columbia thuộc Nam Carolina, và Augusta thuộc Georgia). Những đặc trưng nông thôn và đất đai mạnh mẽ của nền văn hóa miền Nam đã tạo nên một cách sống được duy trì khá lâu cho đến tận nửa cuối thế kỷ thứ 20.

Thành quả lớn nhất thu được từ nỗ lực của những người châu Âu trong quá trình định cư tại vùng đất thấp phía nam Đại Tây Dương này đều nhờ nền nông nghiệp với cơ cấu các loại cây có tính thương mại cao. Các tổ chức dạng đồn điền dần dần chiếm ưu thế trong nền kinh tế thuộc địa phía nam từ rất sớm. Ngành sản xuất thuốc lá dọc theo dòng sông James cho đến miền Nam thuộc đông bắc Bắc Carolina, ngành sản xuất gạo và thuốc nhuộm màu chàm ở trong và xung quanh những đầm lầy ven biển ở Carolina và Georgia đã trở nên quan trọng kể từ năm 1695 đến nay. Ngành sản xuất bông tăng trưởng không đáng kể xét trên phương diện tầm quan trọng cho mãi tới khoảng năm 1800. Nhưng sau đó, từ sự tập trung ban đầu vào những Vùng đảo ngoài khơi giữa Charleston và Florida thuộc quyền kiểm soát của Tây Ban Nha, ngành này đã mở rộng rất nhanh trong đất liền. Mặc dù những nông trại nhỏ do tư nhân nắm giữ rất nhiều, nhưng hình thức đồn điền cũng cho thấy những thành công đủ để lan sang phía tây với việc sản xuất bông và đạt tới hình thức phổ biến nhất tại Georgia, Alabama, Mississippi, và Louisiana trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ thứ 19. Thuốc lá cũng được phát triển về hướng tây sang Kentucky và Tennessee bởi những người định cư đến từ Virginia và Bắc Carolina.

Cách quy hoạch không gian của miền Nam phát triển rất yếu với các khu chợ trung tâm dịch vụ nhỏ làm các điểm thu nhận và chuyển giao hàng hoá; những thành phố lớn hơn chứa đựng nhiều hoạt động kinh tế chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Mạng lưới giao thông đi đôi với đặc trưng này là một hệ thống cho phép các sản phẩm trong đất liền được vận chuyển trực tiếp đến các trung tâm xuất khẩu ven biển; các mối liên kết giữa các khu vực thị trường nhỏ hơn vẫn rất ít ỏi. Hệ quả chủ yếu của tình trạng này chính là sự tách biệt nông thôn với hầu hết cư dân sống trong khu vực.

Nền nông nghiệp đồn điền quy mô lớn cần một lượng đầu tư hàng năm hợp lý, và hầu hết khoản đầu tư này đều dưới hình thức lao động nô lệ từ châu Phi. Khi thực trạng này xuất hiện, nó đã hạn chế sự nhập cư của người dân bởi vì những người định cư tiềm năng và những lao động đô thị tìm thấy nhiều cơ hội tự do hơn ở miền Bắc. Vì thế, kể từ đầu thế kỷ thứ 19, tỷ lệ người sinh ra ở nước ngoài tại miền Nam đã thấp hơn bất kỳ một khu vực nào khác trong đất nước này. Và bởi vì sự nhập cư đáng kể vào Mỹ từ các nước không phải là nước Anh cho mãi đến những năm 1840 mới xuất hiện nên đa số dân da trắng miền Nam đều có gốc Anh.

Hai loại người định cư dài hạn không mang dòng máu Anh cũng như không phải gốc Phi là những người Cajun thuộc Nam Louisiana và một số cộng đồng người Mỹ bản địa. Những người Cajun theo Thiên chúa giáo nói tiếng Pháp này có tổ tiên là những người Pháp sống ly hương đến từ Canada. Những người dân Cajun nông thôn đã đến định cư tại Nam Louisiana và vẫn giữ được bản sắc văn hoá, mặc dù những khu vực còn lại trong bang đã dần dần có sự hòa nhập vào nền văn hóa của Deep South. Hầu hết các cộng đồng người Mỹ bản địa đều bị di chuyển từ miền Nam tới, theo một cách thức cũng tàn nhẫn không kém và cùng thời điểm với cuộc di chuyển tại Midwest, tuy nhiên, một số cộng đồng đáng kể vẫn trụ lại được như là một ngoại lệ. Lớn nhất trong số này là cộng đồng Lumbee ở đông nam Bắc Carolina; một số ít người còn sót lại của bộ lạc Cherokee một thời đầy quyền lực ở phía tây nam của Bắc Carolina, cộng đồng người Choctaw ở trung tâm Mississippi, và người Seminos ở Nam Florida.

Một yếu tố mạnh mẽ khác của văn hóa Deep South bắt nguồn từ các cộng đồng ruộng đất và trang ấp. Người dân miền Nam từ lâu đã được đặc trưng hóa bởi sự gắn bó với đạo Tin lành. Những nhà thờ nhỏ, khiêm tốn vẫn nằm rải rác ở các vùng nông thôn, thu hút các giáo dân từ những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn tới đây vào mỗi ngày Chủ nhật. Các giáo dân thuộc Hội Giám lý, Tân giáo, và những dòng đạo Tin lành khác cũng sinh sống phổ biến trên khu vực này, nhưng chiếm đa số ở đây lại là những người theo dòng Rửa tội.

Việc sử dụng mạnh nô lệ ở các thuộc địa phía nam là điểm then chốt của cả hai yếu tố cấu thành nên nền văn hóa phương Nam. Một trong những nhân tố tác động chính là sự lan truyền nhiều đặc điểm của các nền văn hóa châu Phi sang khu vực này và sự pha trộn của các yếu tố này với các yếu tố văn hóa khác của người da trắng. Những người châu Phi đầu tiên đã tới Virginia vào năm 1619, chỉ 10 năm sau khi khu định cư đầu tiên được thiết lập tại sông James. Mặc dù mãi tới đầu thế kỷ XVIII, nô lệ mới được nhập khẩu với số lượng lớn vào khu vực này, nhưng người da đen đã có mặt ở đây và là một phần của tổ chức và môi trường xã hội của khu vực từ những thời kỳ đầu. Tác động đối với các hình mẫu giao tiếp, ăn uống và âm nhạc của miền Nam là không phải bàn cãi.

Các hậu quả về phương diện văn hóa cũng không thể bác bỏ nhưng kém tính tích cực hơn. Để biện minh cho việc bắt người khác làm nô lệ, người ta cần phải coi nhóm người bị bắt làm nô lệ là loại hạ đẳng. Việc người da trắng chấp nhận quan điểm kỳ thị người da đen này cũng không khác mấy với quan điểm cơ bản tồn tại cho đến tận cuối thế kỷ XVIII của người châu Âu. Tuy nhiên, cho đến ngưỡng cửa của thế kỷ XIX, sự phản đối chế độ nô lệ đã có được sức mạnh ở những nơi mà chế độ nô lệ ít có ý nghĩa hơn. Việc bào chữa cho chế độ buôn bán và nắm giữ nô lệ trở nên mạnh mẽ và tự thị hơn trong khu vực khi áp lực xoá bỏ chế độ này phát sinh từ bên ngoài.

Cho đến khi bùng nổ Nội chiến vào những năm 1860, trong đó chế độ nô lệ là một nguyên nhân sâu xa kích động cuộc chiến Bắc – Nam, thì hình mẫu địa lý về sự định cư và tổ chức kinh tế của miền Nam đã thay đổi nhanh chóng so với những giai đoạn đầu của chế độ thuộc địa. Tuy nhiên khu vực này vẫn mang tính nông thôn rất mạnh – phát triển đô thị bị hạn chế trong một số làng và thị trấn nhỏ, các thành phố lớn hơn hầu hết nằm ở bên bờ biển hoặc tại các điểm trung chuyển chính dọc theo các tuyến đường thủy nội địa, còn mạng lưới giao thông và truyền thông rất thưa thớt.

Sản xuất của những đồn điền bông đã thành công đến mức nền kinh tế khu vực bị chi phối bởi chỉ một loại cây này. Những loại cây khác như thuốc lá, gạo, mía, và cây gai dầu cũng được trồng ở đây nhưng chủ yếu được xem như là nguồn cung cấp thực phẩm địa phương hay như một lựa chọn thương mại thứ yếu. Vào năm 1860, bông đã ảnh hưởng lớn không chỉ tới nền kinh tế miền Nam mà còn tới toàn bộ nền kinh tế đất nước, ít nhất là trong thu nhập từ xuất khẩu; hơn 60% tổng giá trị hàng xuất khẩu từ Hoa Kỳ trong năm đó là thu từ xuất khẩu bông. Hiện nay bông vẫn được sản xuất với số lượng lớn bên ngoài miền Nam, và đứng hàng thứ năm trong tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ vào năm 1996.

Với hậu quả của Nội chiến, nền tảng kinh tế miền Nam bị tàn phá nặng nề. Các tuyến đường sắt bị phá hỏng và các thiết bị bị tịch thu, mạng lưới tàu bè bị rối loạn và hầu hết các cơ sở công nghiệp nằm rải rác đều bị phá huỷ. Đồng tiền Liên bang và các trái phiếu trở nên vô giá trị. Lượng bông tích trữ dự định bán sau Nội chiến nằm trong các nhà xưởng, các cảng bị phá huỷ bởi quân miền Bắc. Nông trại và các cánh đồng không được khôi phục lại, nông cụ và gia súc hoặc bị lấy cắp hoặc đánh mất. Nguồn cung cấp nô lệ chính thức bị xoá bỏ và quyền sở hữu đất đai bị tước bỏ hoặc bị đánh thuế nặng.

Hậu quả

Nửa thế kỷ đầu sau Nội chiến là giai đoạn tái điều chỉnh cho miền Nam. Người da trắng có những phản ứng khác nhau đối với địa vị được giải phóng của phần lớn người da đen trước khi họ được định cư thành từng nhóm có tổ chức. Về phần mình, người da đen đã trải qua những thay đổi về mặt cơ hội mà phần lớn là nằm ngoài sự kiểm soát của họ, cho đến hơn một nửa thế kỷ sau chiến tranh. Đây cũng là giai đoạn mà thái độ và cảm nhận của người phương Nam đối với sự biệt lập với phần còn lại của đất nước càng trở nên cứng nhắc.

Tình trạng phân rã của cơ cấu kinh tế thời tiền chiến đã khiến hầu hết cư dân miền Nam phải chịu những thời kỳ khó khăn cho trong giai đoạn 12 năm xây dựng lại (1865-1877) sau Nội chiến. Ngoại trừ sự phá huỷ giao thông và năng lực sản xuất, nền kinh tế đồn điền đã đi đến chỗ xơ cứng và quá phụ thuộc vào lao động nô lệ. Sau chiến tranh, việc tiếp tục các hoạt động khai thác mạnh mẽ là điều cần thiết để đối phó với tình trạng thuế và các chi phí khác cho xây dựng lại quá cao. Nguồn lực sẵn có nhất để khai thác vẫn là đất đai, do vậy sản xuất bông vẫn chiếm ưu thế trong nền kinh tế khu vực.

Những yếu tố khác cần cho sản xuất lại rất thiếu. Vốn địa phương khan hiếm, hầu hết đã chi tiêu cho cuộc chiến hoặc bị miền Bắc rút lại thông qua thuế má sau chiến tranh. Lãi suất tăng mạnh và nông dân thấy mình chìm trong nợ nần. Điều này có xu hướng làm cho miền Nam phụ thuộc vào nông nghiệp.

Với rất ít việc làm mới ở các thị trấn nhỏ, hầu hết người da đen ở nông thôn bắt buộc phải chấp nhận bất kỳ một sự dàn xếp nào có thể với các chủ đất da trắng còn lại. Việc lĩnh canh – theo đó người da đen được cấp tín dụng để mua công cụ, hạt giống, nơi cư trú và thực phẩm, và phải trả lại bằng một phần các sản phẩm cây trồng được trồng trên đất của người khác – đã trở thành phương tiện để sinh tồn, và là con đường sống, cũng giống như đối với nhiều người da trắng nghèo bị mất đất. Một khi đã được thiết lập, thông lệ này được thực thi bằng “Luật về người da đen’’ nhằm hạn chế sự di chuyển của người da đen bên ngoài khu vực nông nghiệp, và bằng việc duy trì những cơ hội học hành ít ỏi. Thậm chí, khi họ được làm chủ ruộng đất, người nông dân da đen vẫn bị cản trở bởi họ ít có khả năng được vay vốn, diện tích nông trại lại quá nhỏ bé nên khó có thể có năng suất cao, cùng những yếu tố chống lại người da đen của nền văn hóa khu vực này.

Khoảng năm 1880, môi trường cho các cơ hội kinh tế ở miền Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Trong thập niên này, ngành chế tạo đã phát triển nhanh chóng bởi có sự tăng trưởng của ngành công nghiệp dệt sợi bông. Cho đến năm 1929, 57% số các con suốt trong cả nước là thuộc về miền Nam, gấp hơn hai lần so với năm 1890.

Các ngành sản xuất sợi tự nhiên và sợi tổng hợp bắt đầu xuất hiện trong khu vực để sản xuất nguyên liệu cho các cơ sở dệt vải bông và vải tổng hợp, cũng giống như các ngành dệt lại cung cấp nguyên liệu cho ngành may mặc. Tận dụng lợi thế về khoảng cách gần, sự tăng trưởng trong ngành dệt và may mặc trên toàn vùng Carolina Piedmont và phía bắc Georgia đã kéo theo tăng trưởng về số lượng các cơ sở và sản lượng của công nghiệp sợi tổng hợp.

Sản xuất vải sợi bông không phải là nguồn mới duy nhất tạo cơ hội sản xuất công nghiệp. Việc xây dựng lại các tuyến đường sắt và việc nâng cấp những công trình công cộng khác trong khu vực đã khuyến khích các dòng tiền và sự phát triển các thị trấn đường sắt. Sản xuất thuốc lá bắt đầu được tập trung tại các khu vực trồng cây thuốc lá của Bắc Carolina và Virginia. Với sự ra đời của một chính sách đất đai liên bang mới và một mạng lưới đường sắt được tăng cường, các nguồn tài nguyên gỗ lớn của miền Nam bắt đầu được khai thác. Hầu hết gỗ được khai thác làm nguyên liệu, nhưng ngành chế tạo đồ nội thất Bắc Carolina và Virginia và (sau năm 1936) ngành sản xuất bột giấy và các sản phẩm giấy trên toàn miền Nam cũng là một kết quả tất nhiên của việc khai thác này. Những ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục duy trì được tầm quan trọng của chúng.

Hơn nữa, trong một phần tư cuối cùng của thế kỷ XIX, những cải tiến công nghệ trong sản xuất sắt đã khiến cho Chattanooga thuộc Tennessee trỗi dậy như một trung tâm sản xuất sắt quan trọng. Đồng thời, một mỏ than cốc chất lượng cao cũng được phát hiện ở gần Birmingham thuộc Alabama, và việc khai thác mỏ than này được bắt đầu trước khi khép lại thập kỷ. Những công ty sản xuất sắt và các ngành công nghiệp sử dụng sắt thép đã tập trung ở Birmingham và Chattanooga cũng như xung quanh đó. Cho đến cuối thế kỷ, hai thành phố này, kết hợp với trung tâm giao thông vận tải và các ngành công nghiệp phụ trợ ở Atlanta, Georgia, đã hình thành nên một tam giác công nghiệp quan trọng vào cuối thế kỷ.

Sự phát triển này có tầm quan trọng đáng kể về địa lý kinh tế ở miền Nam nhờ cái cách thức mà theo đó, sản xuất thép có xu hướng thu hút những nhà sản xuất khác phụ thuộc vào thép – những ngành công nghiệp mà kỹ năng cũng như tiền công không thấp như ở ngành sản xuất sản phẩm dệt và thuốc lá. Hơn nữa, khu vực phát triển kinh tế phi nông nghiệp được bố trí tập trung này lẽ ra đã có thể trở thành một trung tâm công nghiệp của toàn miền Nam, kích thích việc tăng thêm các kỹ năng lao động, mức thu nhập, và phúc lợi kinh tế chung thông qua sự nối liền từng thành phố với những trung tâm đô thị lớn khác.

Điều này, ở một mức độ nào đó, quả đã diễn ra, nhưng mức cước phí vận tải bằng tàu thủy áp dụng có phân biệt đối với các sản phẩm được chế tạo tại Birmingham đã cản trở những hiệu quả về lợi ích một cách đáng kể. Cho dù thông lệ định giá này cuối cùng đã bị coi là bất hợp pháp và đã được chấm dứt, chính sách đó đã hạn chế nghiêm trọng lợi thế cạnh tranh về chi phí của thép Alabama trong những thập niên mở rộng kinh tế nhanh chóng đầu thế kỷ XX, và góp phần giảm tốc độ tăng trưởng của công nghiệp miền Nam.

Vào cuối những năm 1880 và 1890, các bộ luật hạn chế được thông qua trong mỗi bang phía nam đòi hỏi phải có sự phân biệt chủng tộc ở ngày càng nhiều khía cạnh của đời sống phương Nam. Phân biệt đối xử mang tính chất chính thức có nhiều biểu hiện về phương diện địa lý. Hai hệ thống trường học được hoạt động. Hai hệ thống nhà hàng, khu vui chơi giải trí, ghế dài trong công viên, các loại đồ uống, các phòng nghỉ, và các điểm tiếp xúc khi cần thiết giữa người da trắng và người da đen phải được thiết lập và duy trì. Nhà ở được tách thành khu vực dành cho người da trắng và khu vực dành cho người da đen. Việc gia nhập vào những ngành nghề nhất định bị hạn chế, và những nỗ lực của người da đen đòi quyền bỏ phiếu cũng bị áp đặt những hạn chế ngầm hoặc công khai.

Trong gần 50 năm sau khi kết thúc Nội chiến, dòng chảy chậm chạp của người di cư da đen rời khỏi miền Nam tăng rất ít. Do vậy, vào năm 1870, 91,5% toàn bộ dân da đen nước Mỹ định cư tại miền Nam và 89% vào năm 1910. Trong một thập kỷ tiếp theo đó, làn sóng di cư của người da đen đột ngột tăng vọt do chịu áp lực từ các bộ luật hà khắc, bạo lực và các điều kiện kinh tế khắc nghiệt. Hơn nữa, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã khiến ngành công nghiệp phía bắc nỗ lực “lôi kéo” dân da đen (và dân da trắng nghèo) ra khỏi miền Nam.

Trước năm 1914, việc mở rộng nền công nghiệp quốc gia phụ thuộc vào hàng triệu dân nhập cư châu Âu trong việc đáp ứng nhu cầu lớn về lao động. Vào năm 1910, hơn 1/3 dân số Hoa Kỳ được sinh ra ở nước ngoài hoặc ít nhất có bố hoặc mẹ sinh ra ở nước ngoài.

Khi chiến tranh cắt đứt nguồn cung cấp này, người ta đã tìm ra một hướng đi khác, đó là lực lượng lao động thất nghiệp và bán thất nghiệp ở phía nam.

Nền kinh tế phía nam có thể đã không phải chịu tổn thất từ sự ra đi đồng loạt của người da đen nếu số dân di cư không mang tính lựa chọn cao độ. Hầu hết những người da đen rời khỏi nơi này ở độ tuổi từ 18 đến 35. Lớn lên ở miền Nam nhưng những năm tháng có hiệu quả nhất về mặt kinh tế của họ lại được cống hiến cho khu vực khác. Số người ở lại thì phần lớn ở cuối độ tuổi sản xuất, đã nghỉ hưu, hoặc chưa đến tuổi lao động. Những giới hạn mang tính phân biệt chủng tộc đối với các cơ hội, trong những nghề nghiệp chuyên môn, cũng dẫn đến tình trạng khu vực này mất đi rất nhiều thanh niên được đào tạo kỹ càng.

Một hậu quả khác của cuộc Nội chiến là sự phát triển ngày càng tăng của chủ nghĩa cục bộ địa phương mà người ta có thể cảm nhận từ trước ở khu vực này. Miền Nam là phần duy nhất của Hoa Kỳ phải gánh chịu sự chiếm đóng của một đội quân viễn chinh, và phải mất hơn một thế kỷ cũng như cần đến một mức độ tăng trưởng kinh tế rất lớn để có thể làm dịu đi nỗi đắng cay sau chiến tranh.

Cuộc Nội chiến và việc xây dựng lại cũng chỉ là phương tiện để thống nhất những người da trắng miền Nam. “Miền Nam Cứng Đầu” là một cách nói cho thấy rằng toàn bộ khu vực này thường bỏ phiếu như một liên minh và thường đi ngược lại với các xu hướng quốc gia khác. Cuộc chiến tranh và xây dựng lại này gắn với miền Bắc và đảng Cộng hoà, vì vậy người da trắng miền Nam trở thành những người cứng đầu theo phái Dân chủ. Khi những người da trắng miền Nam không còn chấp nhận mối liên kết tư tưởng với đảng Dân chủ, thì cái mác cục bộ “Phái Dân chủ miền Nam” trở nên phổ biến. Ngày nay, những thay đổi chính trị quốc gia và những biến đổi trong nền văn hóa miền Nam đã làm cho khu vực này không còn mang tính dân chủ cứng nhắc nữa. Toàn bộ các sắc thái chính trị này được thể hiện trong hàng ngũ các quan chức được bầu chọn ở miền Nam, mặc dù nhiều người trong số đó có xu hướng tiếp tục một số định hướng truyền thống.

Bước đầu thay đổi

Các đặc trưng về không gian và khu vực của Miền Nam Mới (New South) được thiết lập trên các hình mẫu đã phát triển qua nhiều thập niên, và về một số phương diện, qua nhiều thế kỷ. Điều then chốt trong những thay đổi gần đây là sự mất dần đi tính biệt lập của khu vực này.

Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, hầu hết người dân miền Nam, dĩ nhiên là cả tầng lớp lãnh đạo, đã phản ứng trước các sự kiện theo một cách thức dường như miền Nam là một quốc gia riêng biệt, họ miễn cưỡng phải hợp tác với người láng giềng phía bắc. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1930, đặc biệt là từ cuối những năm 1940, các xu thế và áp lực bên ngoài đối với miền Nam đã bắt đầu thâm nhập vào khu vực này và phá vỡ tính biệt lập của nó.

Nền kinh tế của miền Nam trong những năm 1930 hầu như không khác biệt bao nhiêu so với năm 1870: đất đai là chủ đạo, các sản phẩm nông nghiệp sơ chế được sản xuất chủ yếu là để xuất khẩu, thiếu vốn, được hỗ trợ bởi việc sử dụng nhiều lao động thủ công và sức súc vật, và được vận hành thông qua những thỏa thuận lĩnh canh và qua sự canh tác của tá điền, cùng với một chế độ xiết nợ bằng các vụ mùa rất đặc trưng cho khu vực này. Ngành công nghiệp tồn tại chủ yếu là những ngành có mức tiền công thấp hoặc được định hướng vào những thị trường địa phương nhỏ hẹp. Cơ cấu đô thị của khu vực tiếp tục phản ánh sự định hướng này, với những trung tâm thị trường nhỏ bé, những thị trấn ven đường sắt, những thị trấn dệt, và những chức vụ trong quận huyện thể hiện hình thái đô thị thịnh hành ở miền Nam.

Trải qua nửa thế kỷ tiếp theo, những thay đổi to lớn đã diễn ra. Đầu những năm 1950, hơn một nửa lực lượng lao động của khu vực đã có việc làm phi nông nghiệp ở đô thị, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp tiếp tục giảm. Điều này diễn ra song song với sự gia tăng sử dụng nhân công trong khu vực chế tạo và trong các hoạt động dịch vụ. Hơn nữa, sự pha trộn trong công nghiệp ở miền Nam cho thấy một xu thế đa dạng hóa đã phát triển mạnh, hoạt động chế tạo ở phía nam không còn bị giới hạn trong những giai đoạn đầu chuyên chế biến nguyên liệu thô nữa.

Trong nông nghiệp cũng diễn ra quá trình đa dạng hoá. Bông vẫn là loại cây trồng thương mại quan trọng nhất trong khu vực, tiếp theo là các cây khác như thuốc lá, mía đường, lạc, và lúa gạo. Nhưng khu vực sản xuất bông ngày nay chỉ còn là chiếc bóng của chính nó xưa kia, xét về phương diện quy mô. Sự giảm sút này một phần là do sự huỷ bỏ các xưởng tách bông trong những khu vực sản xuất trước đây.

Trong khi sự thống trị của ngành bông giảm sút thì các ngành chăn nuôi gia súc ở trang trại và các loại cây trồng khác như đỗ tương lại tăng mạnh. Chăn nuôi bò thịt được phát triển nhanh chóng khi các nông dân cải tạo các đồng cỏ và các loại cây cho thức ăn gia súc, đồng thời áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong nhân giống. Đồng thời, các loại gia súc mới cũng được phát triển ở đây và là phương cách để tồn tại cũng như phát triển của khu vực này trong mùa hè nóng bức và ẩm ướt. Trong 30 năm qua, việc chăn nuôi gà đã được công nghiệp hóa và tập trung ở miền Nam.

Sự thay đổi trong các cách thức sản xuất ở nông trại còn mạnh mẽ hơn. Máy móc đã được áp dụng vào những lĩnh vực có thể trong tiến trình sản xuất, và nền kinh tế nông nghiệp khu vực đã có hiệu quả hơn nhiều so với trước đây. Hệ thống lĩnh canh truyền thống từ giữa những năm 1930 hầu như không còn, quy mô trung bình của toàn bộ trang trại ở miền Nam đã tăng mạnh.

Sự di cư từ nông thôn đến các đô thị ở miền Nam phát triển nhanh chóng khi nền kinh tế khu vực tham gia vào quá trình mở rộng sau thời kỳ Đại suy thoái vào cuối những năm 1930. Năm 1940 chỉ có 35 thành phố với dân số hơn 50.000 ở miền Nam. Vào năm 1950 con số này là 42 thành phố và vào năm 1980 là 75 thành phố. Nhiều khu vực nhỏ khác ở miền Nam đã phát triển mạnh mẽ thành các trung tâm lớn hơn.

Việc di cư về thành phố được khuyến khích bởi sự phát triển công nghiệp và sự đa dạng hóa các ngành nghề hứa hẹn đáp ứng được sự tăng trưởng nông nghiệp phía nam và tạo ra một tập hợp các ngành nghề. Tỷ lệ lực lượng lao động phi nông nghiệp tăng mạnh, và gần như trong mỗi lĩnh vực sản xuất của vùng, tỷ lệ này đều tăng. Các ngành công nghiệp truyền thống như thép, thuốc lá và hàng dệt vẫn quan trọng trong khu vực nhưng không còn giữ vị thế thống trị khi một số ngành sản xuất khác xuất hiện. Các ngành dệt tổng hợp và may mặc trước đây chỉ phát triển ở Carolina và sau đó ở phía bắc Georgia, đã mở rộng hoạt động trong lòng lĩnh vực công nghiệp rộng lớn này. Ngành công nghiệp hóa chất cũng mở rộng nhanh chóng ở Vùng bờ Vịnh (Gulf Coast). Ngành sản xuất đồ dùng nội thất ở trung tâm Carolina Piedmont gia tăng và các ngành trồng cây lấy gỗ khác trở nên nổi bật ở miền Đông và các vùng đồng bằng miền biển ở vùng Vịnh. Ngành đóng tàu vẫn phát triển ở Norfolk, Virginia, và bắt đầu phát triển nhiều nơi ở Gulf Coast; ngành công nghiệp sản xuất máy bay phát triển ở Marietta, Georgia, đã thu hút các lao động có tay nghề với mức lương cao hơn đến làm việc tại khu vực Atlanta.

Điều đáng chú ý nhất là khi mức lương trung bình của người tiêu dùng miền Nam cao hơn, thì thị trường khu vực lại phát triển đủ để thu hút nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng vào miền Nam. Điều này làm tăng mức cầu về lực lượng lao động phi nông nghiệp, tăng thu nhập và tăng cường thị trường địa phương.

Sự phát triển công nghiệp nhanh chóng ở miền Nam là kết quả của sự phát triển thị trường khu vực, mức cầu về hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng. Nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi: Tại sao thị trường mở rộng được? Một quan sát viên cho rằng Luật Điều chỉnh Nông nghiệp (1935 và sau đó) của Chính phủ Liên bang đã tạo động lực cho thị trường phát triển.

Trước khi Luật đó có hiệu lực, giá cả mà các sản phẩm của những nông trại có thể đòi hỏi được thiết lập ở một mức độ lớn là theo cung – cầu trên thị trường quốc tế. Đối với miền Nam, điều này có nghĩa là giá của mặt hàng bông của miền Nam chẳng hạn, sẽ lên xuống một phần tuỳ thuộc vào sự thành công hay thất bại của các khu vực trồng bông khác trên thế giới. Quan trọng hơn là, người lao động trồng bông ở miền Nam phải cạnh tranh với các nhà sản xuất bông ở những vùng mà chủ yếu vẫn đang là một nền kinh tế thế giới thuộc địa hoá. Khi tiền công và giá cả trong nông nghiệp được điều chỉnh tăng lên theo Luật Điều chỉnh Nông nghiệp để phản ánh những khác biệt về tiền công trong công nghiệp ở tầm quốc gia, thì thị trường những mặt hàng chế tạo được cải thiện rõ rệt ở miền Nam đã khởi đầu cho dòng xoáy phát triển đi lên đang tác động tới khu vực này.

Trong một đạo luật về sự can thiệp của liên bang, mà được thừa nhận rộng rãi là có ý nghĩa đối với cơ cấu xã hội của miền Nam, Toà án Tối cao Hoa Kỳ, năm 1954, đã đánh gục học thuyết “Phân tách nhưng bình đẳng’’ của những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, được chấp nhận từ 70 năm trước. Những thay đổi trong địa lý xã hội của miền Nam được khởi đầu bởi quyết định này, những thay đổi đã vang dội đến mọi miền của đất nước, nơi mà màu da ảnh hưởng tới cơ hội, với những dư âm còn chưa tắt cho tới ngày nay.

Xuyên suốt những thay đổi của miền Nam kể từ giữa những năm 1930 tới nay là sự giảm sút dần dần của bản sắc khu vực của nó. Tính đa dạng kinh tế đang thay thế sự phụ thuộc đơn giản vào nông nghiệp. Có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung lao động tiền công thấp của khu vực này gần như đã cạn kiệt, các hoạt động công nghiệp và dịch vụ mới sẽ phải cạnh tranh tích cực hơn và có thể tiếp tục buộc tiền công tăng lên chậm. Khối lượng đáng kể người di cư từ phía bắc, đặc biệt là tới các trung tâm tăng trưởng siêu đô thị của khu vực, đã khiến một số thành phố ở đây ít mang bản sắc phương Nam hơn về mặt văn hoá, và mang tính chất đô thị rõ ràng hơn.