Trên Kiến thức ngày nay, số 214, ông có trả lời câu hỏi “gác mái lúc nào?” và khẳng định rằng trong thực tế chẳng làm gì có chuyện “gác mái ngư ông về viễn phổ”. Ông quên rằng “viễn phổ” chưa hẳn là bến xa mà “gác mái” đâu hẳn đã lênh đênh. Về câu này ông có thể hỏi lại ông Vũ Đức Sao Biển khi ông ta giăng lưới bén ở Cà Mau như thế nào. Xin thưa ngư ông đã dự tính đường về và khi nước triều thường có gió thổi và dân ca Nam Bộ có nói rõ chuyện ấy:

Gió lên rồi căng buồm cho khoái. Gác chèo lên ta nướng khô khoai…”. Vàng, trời chiều, thuận nước thuận gió, hai ghe cặp lại căng buồm, nướng khô lai rai một xị đế thì đúng là đệ nhất ẩn nhân vậy.

Trong Hán tự, ít nhất cũng có bốn chữ phố khác nhau nhưng đều chỉ nơi chốn hoặc hiện tượng địa lý:

phố 1. 圃 = vườn trồng cây, trồng rau hoặc trồng hoa;

phố 2. 舖, cũng viết 鋪 = 1. tiệm bán hàng; 2. trạm bưu dịch;

phố 3. 浦 = 1. bến sông, bến nước; 2. ngã ba giữa sông lớn với chi lưu; 3. vùng mặt nước ở ao, đầm; sông, hồ; 4. kênh hoặc ngòi chảy vào sông;

phố 4. 埔 = địa danh.

Trong 8 nghĩa của 4 chữ phố trên đây, chỉ có nghĩa 1 của phố 3 là thích hợp. Đối với câu thơ đang xét mà đem phố 1 vào để giảng đã là không ổn rồi, nói gì đến phố 2 là nơi buôn bán! Lý lịch trích ngang của nhân vật thực ra cũng đã được Bà Huyện Thanh Quan “khai” rõ ngay trong câu thơ: nghề nghiệp = ngư ông; quê quán = viễn phố. Chi tiết hoàn toàn nhất quán: làm nghề đánh cá và cư ngụ tại một bến sông. Nếu bỗng dưng cao hứng mà khai rằng mình trú ngụ tại một tiệm bán hàng hay một vườn trồng cây xa xôi nào đó thì thế nào ông lão đánh cá cũng bị chính quyền địa phương quy là khai man lý lịch. Một người từng giảng về thơ Bà Huyện Thanh Quan là Hà Như Chi đã nhận xét rất đúng về nghệ thuật trong thơ của bà rằng nó đẹp ở chỗ đồng nhất (nhất quán – AC), trước sau không tương-phản, trong ngoài hoà-hợp (…)”. (Việt-Nam thi-văn giảng-luận, tập II, Tần Việt, in lần thứ hai, không ghi năm, tr. 236.) Nếu giảng rằng phố ở đây là vườn trồng cây, thậm chí tiệm bán hàng, thì làm sao giữ lại được tính nhất quán về nghệ thuật và nội của bài thơ? Ở chỗ này, chúng tôi nhất trí với Trương Văn Quang khi tác giả này viết rằng “Hình ảnh ngư ông mà đi liền với phố thị được thì mục tử cũng không cần thiết phải về cô thôn (mà cứ về đại một khách sạn hay một sân bay nào đó cũng xong!)”. (“Gác mái ngư ông về đâu?”, Kiến thức ngày nay, số 201, tr. 34.) Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai là không khí mà 56 tiếng của bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” đã gợi lên đâu có dung nạp chuyện “gác chèo lên ta nướng khô khoai” trong lúc “hai ghe cặp lại căng buồm” mà “lai rai một xị để. Tuy đây có thể là “đệ nhất ẩn nhân” như ông đã viết nhưng dù sao đó cũng là “ở ẩn” tập thể và nhộn nhịp. Còn ngư ông thì lại chỉ là một nhân vật đơn độc và thầm lặng đang hối hả trở về viễn phố vì tiếng ốc và tiếng trống buổi chiều tà đang giục giã. Vả lại, ngay đến con thuyền của ông ta cũng vô hình trong bài thơ. Chỉ có đơn độc cái mái chèo thôi nhưng cũng không được “biểu niệm” một cách riêng biệt và trực tiếp mà còn phải giấu lẫn vào trong từ tổ động-bổ (động từ + bổ ngữ) “gác mái” thì nói chi đến chuyện căng buồm lên để đón gió! Cứ theo đề tài và phong cách thơ của Bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi cho rằng chiếc thuyền ngư ông ở đây, tuy không bé tẻo teo như chiếc thuyền trong ao thu lạnh lẽo của Nguyễn Khuyến, nhưng cũng chỉ là một chiếc thuyền câu nhỏ hoạt động ở trên sông mà thôi. Vậy đối với người khác cảnh khác thì “gác mái đâu hẳn đã lênh đênh” nhưng đối với ông lão đánh cá của Bà Huyện mà gác mái nửa chừng thì tránh sao cho khỏi nổi trôi vô định trên dòng nước?