Những người yêu nhạc vàng và thích nghe loại thu âm hồi trước năm 1975 đánh giá rất cao những băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh thực hiện được khoảng trên 30 số từ năm 1969 đến 1975. Đến nay đã hơn 40 năm kể từ ngày cuốn băng Shotguns cuối cùng được phát hành, nhưng giới thưởng ngoạn âm nhạc vẫn đang tìm nghe lại những băng nhạc này, như là tìm lại những giá trị xưa cũ không bị phai mở theo thời gian.
Năm 1969, cùng với việc lập ra ban nhạc Shotguns biểu diễn tại các club Mỹ trên khắp miền Nam, rồi sau đó là đóng đô hàng đêm ở vũ trường Queen’s Bee, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn thành lập ra trung tâm băng nhạc Shotguns. Đây không phải là trung tâm băng nhạc đầu tiên của Sài Gòn, nhưng cái tên Shotguns đã là thương hiệu bảo chứng cho giá trị nghệ thuật cao của loại băng nhạc có các bài hát và bản thu âm được chọn lọc kỹ lưỡng. Mỗi sản phẩm của Shotguns là một kiệt tác cả về mặt nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Báo chí đương thời gọi những băng nhạc do Shotguns thực hiện là món ăn tinh thần dự phần quan trọng trong đời sống con người chứa đầy buồn vui hờn giận.
Với chất lượng âm thanh 4 chiều chuyển động, tiền thân của surround sound sau này, các băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh thực thiện đã đi tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm âm nhạc có chất lượng tốt nhất thời bấy giờ.
Tuy nhiên ít người biết rằng vào năm 1969, những băng nhạc Shotguns đầu tiên đã gặp phải thất bại lớn. Băng nhạc Shotguns số 1 phát hành ngày 22 tháng 7 năm 1969 gồm 2 cuốn là Shotguns 1 nhạc Việt Nam và Shotguns 1 nhạc Mỹ, được thu âm ở phòng thu đường Bùi Hữu Nghĩa của một chuyên viên từng làm ở đài phát thanh Sài Gòn với phần hoà âm và ban nhạc do chính Ngọc Chánh đảm trách.
Đối với cuốn băng Shotguns 1 nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Ngọc Chánh chọn bản Một Trăm Phần Trăm (nhạc sĩ Tuấn Hải – Ngọc Sơn) để mở đầu cuốn băng. Đây là ca khúc nhạc lính lúc đó đang rất nổi tiếng với giọng ca số 1 thị trường là Hùng Cường đang làm mưa làm gió trên đài truyền hình và đài phát thanh. nên ông Ngọc Chánh rất tin tưởng vào sự thành công của băng Shotguns 1.
Tuy nhiên thực tế hoàn toàn khác, nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết là cuốn này bán được rất ít. Ông kể lại rằng trong một lần khi đi công tác ở Ban Mê Thuột và mang theo 20 cuốn băng Shotguns 1 nhạc Việt Nam. Ông vào một club dành cho quân đội và gửi số băng này nhờ bán giùm. Bà chủ club này có chồng là Thiếu tá, ông này nghe xong cuốn băng liền nói bà vợ đem trả lại tất cả số băng cho Ngọc Chánh với lý do là không chấp nhận bài Một Trăm Phần Trăm do Hùng Cường ca.
Ngoài ra thì cuốn Shotguns 1 Nhạc Mỹ cũng không bán được bao nhiêu. Kết quả là 2 cuốn băng Shotguns 1 bị lỗ mười mấy ngàn đồng.
Thất bại này được nhà báo Nguyễn Việt giải thích là do trường ban Shotguns không tìm hiểu kỹ thị hiếu người mua băng nhạc. Trong cùng 1 băng lại cho xuất hiện cùng lúc 2 trường phái âm nhạc khác nhau: Hùng Cường, Duy Khánh… xuất hiện cùng lúc với Thanh Lan, Khánh Ly, Elvis Phương… nên không được thính giả đón nhận.
Từ kinh nghiệm này, ở các chương trình sau đó nhạc sĩ Ngọc Chánh đã rất thận trọng khi chọn bài hát, ca sĩ. Ông tiếp tục cuốn Shotguns 4 (không có cuốn số 2 và số 3 vì muốn tránh xa cuốn số 1 thất bại) và bắt đầu bán được nhiều, có lợi nhuận để đầu tư tiếp. Cho đến cuốn Shotguns số 6 là Băng Vàng Shotguns 1970 thì thành công rực rỡ. Một tờ nhật báo bán chạy nhất lúc bấy giờ đưa tin về kỹ thuật thu âm tiên tiến của ban nhạc lần đầu có mặt ở Việt Nam, giới nghe âm nhạc bắt đầu chú ý và từ đó Shotguns trở thành nhãn hiệu băng được mọi người tin cậy, bán chạy nhất bấy giờ.
Bên cạnh đó thì vào năm 1971, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn cộng tác với ca sĩ Thanh Thúy để thực hiện một số băng nhạc cho trung tâm Thanh Thúy. Băng nhạc Thanh Thuý trước năm 1975 cũng bán rất chạy, quy tụ hầu hết ca sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam. Thanh Thuý phụ trách chọn bài và mời ca sĩ với sự trợ giúp của Ngọc Chánh. Còn phần ban nhạc thì do Ngọc Chánh thực hiện, lợi nhuận chia đôi.
Cũng nói thêm rằng vào năm 1966, khi ca sĩ Thanh Thuý lấy chồng là phi công Ôn Văn Tài, cô đã giải nghệ, xa ánh đèn sân khấu trong 5 năm. Chính nhạc sĩ Ngọc Chánh là người đã thuyết phục ca sĩ Thanh Thuý trở lại với thị trường âm nhạc.
Bên cạnh băng Shotguns thì nhạc sĩ Ngọc Chánh ra mắt thêm nhãn hiệu băng Siêu Âm – Super Sound vào khoảng năm 1972. Ngoài ra ông còn sản xuất dòng nhạc trẻ với các băng mang nhãn hiệu Nhạc Trẻ do Kỳ Phát phụ trách chọn bài và mời các ca sĩ. Băng nhạc này có sự tham gia của hầu hết các ca sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc trẻ là Elvis Phương, Thanh Lan, Minh Phúc & Minh Xuân, Bích Loan và CBC, Julie Quang, Cathy Huệ, Thúy Hà Tú, Vy Vân, Thái Hiền, Duy Quang và ban Dreamers, Tuấn Dũng, Cao Giảng, Trung Hành, Paolo Tuấn, Tuấn Ngọc, Thanh Mai…
Cuốn băng cuối cùng của trung tâm Shotguns là Shotguns số 36, mang chủ đề Hòa Bình Ơi Việt Nam Ơi được thực hiện đầu năm 1975, gồm những ca khúc mang ước mơ hòa bình của nhiều nhạc sĩ.
Người hoà âm chính cho các băng Shotguns cũng chính là nhạc sĩ Ngọc Chánh, đôi khi là nhạc sĩ Lê Văn Thiện. Về tên gọi của ban nhạc là Shotguns, theo lời nhạc sĩ Ngọc Chánh giải thích trong buổi trò chuyện với ký giả Trịnh Minh Thủy như sau:
“Ban đầu tên ban nhạc của chúng tôi mang tên anh Pat Lâm, nhưng sau khi chúng tôi bàn bạc, tôi và Hoàng Liêm chọn tên Shotguns để đặt cho ban nhạc. Thực ra Shotguns chỉ là một cái tên một bài hát của Mỹ, nói về một cây súnɡ Shotguns. Bài hát này hay, cái tên cũng hay, lại vào thời điểm ᴄhiến tɾanh nên với người quân nhân nó có ý nghĩa, do đó chúng tôi chọn”.
Ban nhạc Shotguns được thành lập vào khoảng năm 1968, ban đầu là chuyên hát nhạc tiếng Anh tại các club Mỹ ở khắp miền Nam. Vì vậy ban nhạc đã quyết định chọn cái tên Shotguns, là tên một bài nhạc tiếng Anh đang nổi tiếng lúc đó. Thông tin thêm về bài hát Shotguns này như sau:
“Shotgun” là tên một dĩa đơn do Junior Walker & All Stars phát hành năm 1965; sáng tác do Walker viết lời và nhạc, sản xuất bởi Berry Gordy Jr. và Lawrence Horn. Trong bốn tuần liên tiếp, dĩa “Shotgun” đứng đầu danh sách các dĩa nhạc R&B Singles ở Hoa Kỳ và đứng hàng thứ tư trên Billboard Hot 100 vào cuối tuần 3 tháng 4 năm 1965. Nhạc sĩ guitar Jimi Hendrix từng trình diễn bản này trên sân khấu với ban All Stars.
Nhìn lại những năm tháng ở Sài Gòn với những cuốn băng Shotguns đã thực hiện từ năm 1969 tới đầu năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh nói rằng ông hãnh diện đã đóng góp một phần vào dòng sinh hoạt ca nhạc của Miền Nam trước năm 1975.