Khoa cử kén người ra làm quan hỏi về thuật trị nước, an dân của đạo Nho. Nho giáo manh nha từ thời thượng cổ (Nghiêu, Thuấn). Nho sĩ là hạng người cần thiết, chờ đợi người ta cần đến mình thì đem tài trí, sở học ra làm những việc hữu ích cho nhân quần xã hội (chữ Nho gồm hai chữ : Nhân = người, và Nhu cầndùng, lại có nghĩa là chờ đợi). Nho sĩ là hạng người tích cực nhập thế, ra làm quan là mong có cơ hội thực hành cái đạo học của mình.

Người đời thường lẫn lộn đạo Nho với đạo Khổng là một, coi Khổng Tử là thủy tổ của đạo Nho. Sự thật, Khổng giáo thoát thai từ Nho giáo, Khổng Tử chỉ khôi phục lại cái học Tu Tề Bình Trị, Nhân Nghĩa Lễ Nhạc… sắp xếp lại thành một học thuyết có hệ thống, tôn chỉ rõ rệt, nhấn mạnh vào chữ Ðức.

Nho giáo, nguồn gốc ở Trung quốc, được truyền sang Việt-Nam cùng một lúc với Hán học.

I – NHO GIÁO Ở TRUNG QUỐC

1 – Thời Thượng cổ đã áp dụng chính sách coi dân là trọng và thuận theo Trời mà hành động.

– Phục Hi (4486-4365 tr.TL) vạch ra 8 quẻ (= Bát quái, tức là : Càn = trời, Khôn = đất, Tốn = gió, Khảm = nước, Ly = lửa, Chấn = sấm, Cấn = núi, Ðoài = đầm) tượng trưng cho thiên hạ thái bình. Lại đặt ra các nghi thức hôn lễ : nạp thái, vấn danh vv. (1).

– Hoàng Ðế (2698-2597 tr.TL) là người khởi xướng nghĩa trật tự trên dưới trong xã hội : giữa vua tôi có nghĩa, giữa cha con có thân ái, giữa vợ chồng có phân biệt, anh em có thứ tự, bằng hữu có lòng tin (ngũ luân).

– Vua Nghiêu (2357-2257 tr.TL), tức nhà Ðào Ðường, trọng “đức trị”, coi vua chỉ là công bộc, có nghĩa vụ chăm sóc cho dân. Vua Nghiêu theo chính sách “truyền hiền” chứ không “truyền tử”, nhường ngôi cho Thuấn vì thấy Thuấn là người hiền, chứ không nhường cho con.

– Vua Thuấn (2256-2208 tr.TL), họ Ngu, lấy đức hạnh làm gương mẫu cho dân noi theo nên “không làm gì” mà nước cũng được trị, thiên hạ thái bìnhLại định âm nhạc, đặt ra quan chế, dùng người tài giỏi. Vua Thuấn truyền ngôi cho vua Vũ cũng là người hiền, lập ra nhà Hạ.

2 – Thời Tam Ðại gồm :

a – Nhà Hạ (Hạ Vũ/ Ðại Vũ) (2205-1786 tr.TL) đặt ra Cửu trù, định rõ các mối luân thường ; chính trị thì lấy trọng dân, khoan hồng với dân, yên dân làm gốc ; lại thuận theo lẽ Trời mà thi hành mệnh lệnh : tháng nào nên làm gì, hay không nên làm gì đều quy định sẵn, cưỡng lại là Trời ra tai. Nhà Minh đường là chỗ Thiên tử ở, ban chính lệnh và tế tự tổ tông (2).

Nhà Hạ truyền đến vua Kiệt thì mất.

b – Nhà Thương (1766-1401 tr.TL), sau vì nước lụt phải thiên đô sang Ân mới đổi quốc hiệu thành nhà Ân (1401-1123 tr.TL). Vua Kiệt nhà Hạ bạo ngược nên Thượng đế không tựa, cho vua Thành Thang (1783-1754 tr.TL) trừng phạt, diệt nhà Hạ, lập ra nhà Thương. Thành Thang chủ trương dùng đức trị dân, ngôi vua chẳng dành riêng cho ai : kính đạo Trời thì giữ mãi được mệnh Trời. Thuyết “tri và hành ” bắt đầu từ đời này (3).

Y Doãn dậy vua Thái Giáp, con Thành Thang, đạo Tu Tề : yêu người thân, kính người trưởng phải bắt đầu từ nhà rồi đến nước, cuối cùng mới tới thiên hạ. Phải coi dân là trọng, vua không có dân thì làm chúa với ai ? Trời chỉ giúp kẻ có đức, dân chỉ về với kẻ có đức, có đức thì trị, không có đức thì loạn. Kén quan phải kén người hiền tài (4).

Nhà Thương truyền đến vua Trụ thì mất.

– Nhà Chu (1122-221 tr. TL) : Vua Trụ nhà Ân tàn bạo, bị Vũ Vương truất ngôi, lập ra nhà Chu. Vũ Vương (1134-1116) dậy phép trị nước phải trọng nhân tâm thì ngôi vị mới vững bền, dân muốn là Trời muốn, thất nhân tâm là sẽ mất nước. “Ðừng soi ở nước, nên soi ở nhân tâm”.

Chu Công Ðán, em Vũ Vương, châm chước chế độ các đời Nghiêu, Thuấn, Thương/Ân, đặt ra lễ nghi, định rõ phép tắc, nghi thức quan hôn tang tế vv. để giữ trật tự trong xã hội. Ðời sau lấy đó làm chuẩn tắc cho việc trị nước, giáo hóa dân, tức là mối đầu của Nho giáo.

3 – Thời Xuân Thu (722-481 tr.TL) cùng với thời Chiến quốc (479-221 tr.TL) thuộc nhà Ðông Chu, nối tiếp nhà Tây Chu (1134-770 tr.TL).

Nhà Chu suy, thiên hạ rối loạn, dân tình khổ ải nên không thiết đến nhân nghĩa, chỉ vụ danh lợi, tranh giành quyền thế. Khổng Tử (551-479 tr. TL) sinh vào thời Xuân Thu, thấy người ta bỏ đạo xưa, không còn kỷ cương luân thường nên muốn biến cái thời vô đạo ra hữu đạo, lấy đức trị dân cho vững bền, lấy cương thường kiềm chế lòng người, lấy lễ nhạc gìn giữ trật tự xã hội, bèn nghiên cứu chế độ thời Nghiêu, Thuấn (được coi là thời đại Hoàng kim, thiên hạ thái bình, thịnh trị, đáng làm gương mẫu) để dậy.

Khổng giáo chia làm hai phần :

– Hình Nhi Thượng bàn về những nguyên lý cao siêu của vũ trụ, những mối tương quan giữa Trời và người ;

– Hình Nhi Hạ là phần thiết dụng ở đời, được nhắc tới nhiều hơn, bàn về phép trị nước và giáo hóa dân.

Khổng giáo sau chia ra hai phái :

– Mạnh Tử (372-289 tr.TL). Khổng Tử truyền cho Tăng Tử, Tăng Tử truyền đến Khổng Cấp (tức Tử Tư, cháu Khổng Tử), rồi Khổng Cấp truyền đến Mạnh Tử. Mạnh Tử chủ trương con người vốn tính thiện.

– Tuân Tử (330-227 tr.TL) ngược lại, chủ trương tính con người vốn ác, cần phải giáo hóa.

4 – Ðời Tần (221-206 tr. TL) : Tần Thủy Hoàng muốn thống nhất thiên hạ, nghe Lý Tư, áp dụng chính sách của Hàn Phi (cả hai đều là học trò của Tuân Tử) cho rằng “đức trị” (= dùng nhân nghĩa mà trị) không hữu hiệu, thiên hạ vẫn loạn, phải dùng hình pháp nghiêm ngặt thì mới trị được dân, lại cho là các Nho sĩ dùng kinh sách thuyết minh, chỉ trích chính phủ, làm rối loạn phép nước, nên đốt hết sách vở (trừ sách bói toán, dậy trồng trọt, Cửu kinh chỉ giữ lại mỗi thứ một pho để trong Thư viện ở Kinh đô), chôn 460 người học trò, lập ra chế độ quân chủ chuyên chế của Pháp gia.

5 – Ðời Hán (206/202 tr.TL-220) : Thời Hán sơ, Nho giáo chưa chiếm địa vị độc tôn. Lúc đầu Hán Cao Tổ (202-195 tr.TL) coi thường đạo Nho :”Ta ngồi trên yên ngựa mà được thiên hạ, cần gì phải họcThi, Thư ? “. Sau mới nhận ra ngồi trên yên ngựa “được thiên hạ” nhưng “không trị được thiên hạ”, vẫn phải nhờ Nho gia giúp sức.

Cuối thế kỷ thứ 2 tr. TL, Hán Vũ Ðế (140-87 tr.TL) nghe Ðổng Trọng Thư, đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo vì thấy chính sách dùng hình pháp không công hiệu lâu bền, phải nhờ các nhà Nho dậy dân đạo trung quân, củng cố chế độ quân chủ. Từ đấy đạo Nho mới chiếm địa vị độc tôn.

Thời Ðông Hán (thế kỷ 1), Nho giáo cực thịnh nhưng bề trong lại kém vì thiên về cái học huấn hỗ, các học giả chỉ hiệu đính, chú thích kinh sách, chú trọng ở từng câu từng chữ, bỏ mất cái nghĩa hoằng đại.

6 – Ðời Ngụy (220-264), Tấn (255-419), Lục Triều (Lưỡng Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần 420-589 : Trung quốc lại loạn, Nho giáo suy, lòng người chán nản không thiết đạo đức, chỉ ưa duy mỹ, thanh đàm, bàn về huyền học, nghĩa lý cao siêu của Lão, Trang. Nhóm Trúc Lâm Thất Hiền sống rất phóng khoáng, không ưa bị ràng buộc.

Văn miếu thờ Khổng Tử?! | BÁO TỔ QUỐC

Văn miếu thờ Khổng Tử

Nhà Tùy(581-618) thống nhất, đặt ra Khoa cử để kén người. Từ đấy kẻ sĩ chỉ cốt học sao cho thi đỗ, nên đạo lý suy đồi. Tuy vậy, Nho giáo vẫn được truyền dậy, Mạnh Tử, Tuân Tử đều được trọng ngang nhau.

7 – Ðời Ðường (618-907) : Trung quốc yên ổn trong ba thế kỷ, Nho giáo lại được suy tôn vì thích hợp với chế độ quân chủ. Cái học vẫn thiên về Khoa cử và từ chương, vụ lấy nhớ cho nhiều, phần tư tưởng, suy xét rất kém sút. Lại chỉ chú trọng mặt thực dụng, bỏ phần Hình Nhi Thượng, nên trình độ triết học kém hẳn Lão giáo và Phật giáo. Song nhờ có tiếp xúc với Phật giáo nên thêm phần sinh khí, mở đường cho Tống nho sau này, mặc dầu Hàn Dũ (768-823) bài xích Phật giáo : đi tu là làm tuyệt tự nòi giống, bỏ đạo hiếu, là trái luân thường, xây nhiều chùa chiền chỉ làm khổ dân vv.

8 – Ðời Tống (960-1279) : Nhờ có ba thế kỷ yên ổn, văn học, nghệ thuật đều phát triển. Nho giáo được phục hưng : vì muốn đả kích Phật giáo và Lão giáo, các Tống nho (Chu Hy, Trình Hạo vv.) nghiên cứu, đi sâu vào đạo lý huyền nhiệm của Phật, Lão, rút cục thành ra chịu ảnh hưởng, đi đến chỗ dung hòa, khiến Nho học khác các đời trước, có những kiến giải mới, phát huy được cái học cao siêu của phần Hình Nhi Thượng, lập ra những học phái mới. Các nhà Nho đua nhau tranh biện về nguồn gốc của vũ trụ, bản thể của Thái cực, của Lý và Khí, tính Thiện và Ác…

Vi Tống nho bàn luận về Huyền học, bỏ lãnh vực chính trị, kém phần thực dụng, nên thường bị chê là không phải đạo của Khổng Mạnh. Thực ra Tống nho cố suy diễn những ý nghĩa trong di ngôn của Khổng giáo. Thí dụ có tới 7, 80 thuyết tranh biện về câu “Cách vật trí tri” trong Ðại học. Chu Hy, tức Chu tử (1130-1200), cho rằng mỗi vật đều có cái  của nó, cần tìm hiểu cái “cùng lý” của sự vật để “minh tâm”, bởi cái tâm có “lý” nhưng bị “khí” che lấp, tự nó không thể làm sáng cái “lý” bên trong nên phải “cách vật trí trí” thì cái “lý” bên trong mới sáng được, tức là phải tìm hiểu cái tính của vạn vật, của con người, để tu dưỡng, trở về với cái tính bản thiện. Phái Tâm học chê Chu Hy chi li, phân biệt đạo tâm và nhân tâm trong khi thiên lý với nhân tâm là một. Vương Thủ Nhân (1472-1528) phát huy Tâm học đến cực điểm, tin rằng tu dưỡng không cần “cách vật” cho nhiềubởi có sống 100 năm cũng không đủ thì giờ xét cả mọi vật, như thế là tìm đạo ở ngọn chứ không phải ở gốc. Cái tâm của ta chính là vật lý, cứ sửa cho tâm sáng suốt khắc hiểu rõ đạo lý, lẽ Thiện Ác, không cần tỉ mỉ tìm lẽ sinh tồn của từng vật. “Cách vật” là làm điều hợp thiên lý, bỏ điều ác.

9 – Ðời Minh (1368-1660), tựa như Tống, chỉ bàn nhiều về huyền lý.

10 – Ðời Thanh (1616-1911) : Dân Trung Hoa bị mất chủ quyền về tay người Mãn Thanh nên bỏ huyền học, quay về thực tế. Ðầu đời Thanh vẫn còn hai phái :

– phái học từ chương, trọng Khoa cử ;

– phái học nghĩa lý, phát huy mặt đạo đức của Khổng giáo.

Thời Thanh mạt, phong trào Duy tân nổi lên, dung hòa Tây học. Khang Hữu Vi (1858-1927), Lương Khải Siêu (1873-1929) đã giúp vua Quang Tự (1874-1916) cải cách, biến chính năm 1898 (Mậu Tuất) nhưng không thành công vì Từ Hy Thái Hậu chận lại.

11 – Thời Dân quốc : Ðạo Khổng ngày một suy, đặc biệt thời Mao Trạch Ðông lại càng bị coi rẻ, gần đây tuy Nho giáo được nghiên cứu trở lại nhưng không còn được suy tôn là “chính đạo” như xưa.

PRINCIPAL CHU VAN AN AND VAN MIEU-QUOC TU GIAM IN THANG LONG | Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám

II – HỌC THUYẾT CỦA KHỔNG GIÁO

Ðạo Khổng khác đạo Nho ở chỗ ít bàn đến phần Hình Nhi Thượng, Khổng Tử cho là thiên hạ phần nhiều chỉ hiểu những điều giản dị, lợi ích trước mắt, còn những nghĩa lý cao siêu, huyền diệu dẫu có giảng cũng không hiểu rõ, lại có thể hiểu lầm, rối loạn tinh thần, không ích gì cho sự sinh hoạt ở đời (5).

Khổng Tử (551-479 tr. TL) sinh vào thời Xuân Thu, ngũ bá tranh hùng, xã hội rối loạn, dân tình khổ sở, phong tục đồi bại nên muốn lập lại trật tự cũ, đem nhân nghĩa dậy người ta ăn ở hài hòa với nhau, vì thế chú trọng đến phần Hình Nhi Hạ là phần thực dụng, đặc biệt nhấn mạnh vào đạo đức và giáo hóa.

Sau đây là những điểm chính yếu của Khổng học :

A – CON NGƯỜI – Thuyết “Thiên nhân tương quan”

a – Thiên lý : Vũ trụ thoạt đầu là một khối hỗn độn, trong ấy có một cái “lý” linh diệu, vô hình, gọi là Thái cực, “lý” ấy tuy vô hình nhưng vẫn có thể nhận ra qua sự biến hóa của vạn vật như bốn mùa qua lại. Bốn mùa qua lại là thể động (dương) của cái lý Thái cực ; hết chu kỳ lại quay về lập lại như cũ, bất di bất dịch, là thể tĩnh (âm) của lý Thái cực. Do âm dương xung khắc xô đẩy nhau rồi nhờ cái lý Thái cực điều hòa mà sinh ra vạn vật.

b – Minh đức : Con người sinh ra ai cũng được Trời phú cho một phần thiên lý, tức là cái sáng suốt tự nhiên ở trong lòng, hiểu thấu ngay phần sâu xa, u uẩn của mọi sự mọi vật, không cần dùng lý trí để phân tích. Cái sáng suốt sẵn có ấy gọi là minh đức, cũng gọi trực giác, lương tri hay tâm. Bởi nó là một phần của thiên lý nên mới nói Trời với người cùng một thể (“Thiên hạ vạn vật nhất thể “), tương cảm tương ứng với nhau. Cái hiểu biết của trực giác mới là hiểu biết xác thực, còn cái hiểu biết của lý trí dễ bị sai lầm bởi lý trí biết ngụy biện, biến trái thành phải được.

Muốn cho cái trực giác ấy mẫn nhuệ thì phải giữ nó thuần túy như khi mới được Trời phú cho, như đứa trẻ sơ sinh chưa bị vật chất cám dỗ, tức là phải giữ được thái độ điều hòa, không thiên lệch. Nếu để lòng tư dục dấy lên, thất tình sai khiến, chìm đắm ở chỗ vật chất, dùng lý trí tính toán hơn thiệt thì trực giác bị che mờ, tinh thần rối loạn, dù mắt thấy tai nghe cũng không hiểu, dẫu trực giác có linh ứng cũng không nhận ra, nên hành động trái lẽ, thiên lệch. Người tu dưỡng nhằm mục đích giữ cho trực giác sáng suốt, mẫn nhuệ.

c – Thiên đạo là nhân đạo : Thiên lý lưu hành khắp nơi, chủ ở sự sinh hóa vạn vật. Ðạo Trời chí thiện, chí mỹ, người nên noi theo đạo Thái hòa của vũ trụ mà hành động, cố gắng làm những điều chí thiện, chí mỹ. Khổng Tử chủ trương nên theo thiên lý, dùng trực giác, tùy cảm mà ứng theo lẽ tự nhiên, trên dưới hòa mục, cầu lấy cái ung dung thư thái ở đời.

– Ðạo nhân là đạo của người đối với người. Tùy theo trình độ, nhân cách của mỗi người, Khổng Tử đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau : nhân là yêu người, khoan dung với người, là bổn phận đối với người và đối với mình vv. Nhân bao gồm cả ái, kính, trung, hòa, thứ, lễ, trí. Ai có lương tâm, hành động hợp đạo Thái hòa, trong lòng thư thái đều có thể gọi là nhân được. Nhân là cái gốc của đạo người quân tử.

Người bất nhân thì ham phú quý, hành động vì tư lợi, bị danh lợi che khiến trực giác mờ tối, phải dùng lý trí để phân tích, song lý trí mất cái trung hòa thành dễ sai lầm, chỉ hiểu được cái bên ngoài của sự vật. Bởi thiên lương đã mất, tình cảm đơn bạc nên dửng dưng trước cái đau khổ của kẻ khác, và vì hành động trái với lương tâm nên lòng không lúc nào an vui.

d – Tính Thiện và tính Ác : “Tính tương cận, tập tương viễn” . Khổng Tử lấy sự sinh hoạt ở đời làm vui thú, tự nó là mục đích của Tạo hóa. Hợp với đức sinh là Thiện, trái với đức sinh là Ác. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” nghĩa là con người bẩm sinh vốn tính thiện vì nhờ có một phần thiên lý ; do hoàn cảnh, tập quán (tập = công phu dậy dỗ), phong tục khác nhau mà thành kẻ tốt người xấu nên cần phải được giáo hóa để sửa xấu thành tốt, đấy là mục đích của nhà cầm quyền, của các tôn sư.

B – XÃ HỘI

Khổng giáo trọng sự hành động mà trong hành động thì chính trị quan hệ đến sự hay hay dở của nhân quần, sự trị loạn thiên hạ, cho nên trong đạo người thì chính trị là hơn nhất. Chính trị là thuật trị nước theo con đường ngay chính, hợp đạo lý. Tư tưởng chính trị của Khổng giáo có ba điểm căn bản :

– Trật tự xã hội – Muốn cho nước được thái bình thì phải duy trì chế độ chính trị, lễ chế của Chu Công Ðán (tòng Chu ) đặt ra : Xã hội ổn định là nhờ có trật tự, trong nước thì vua làm chủ, trong gia đình thì người cha làm chủ. Dân cũng chia ra mười đẳng cấp vv.

– Ðức trị là lấy nhân nghĩa mà trị dân thì mới bền vững, đưa đến thịnh trịÐấy là vương đạo, khác với bá đạo là dùng sức mạnh để chiếm quyền hành, khác với pháp trị là thi hành luật pháp “bất cận nhân tình”, không bền lâu.

– Chính danh : “Chính danh” là hành động phải xứng với danh, với chức vị mình nắm giữ, để minh phận. Một nước thịnh trị, có kỷ cương thì vua phải ra vua, tôi phải ra tôi (“quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”). Vua có địa vị mà không làm tròn nhiệm vụ chỉ là “hữu danh vô thực”, không phải chính danh. Vua ăn ở không phải đạo thì Trời ra tai (bão, lụt, hạn hán) hoặc những điềm bất thường như nhật thực, sao chổi vv. để cảnh tỉnh. Khi ấy vua phải tu tỉnh, ăn chay, sửa mình, phóng xá tội nhân, phát chẩn, để tỏ ý hối cải, hòng giải tai.

Thuyết này biểu dương nghĩa tôn quân, chủ trương trung ương tập quyền để mưu việc thống nhất quốc gia, song vua quan không phải chỉ ngồi không mà hưởng tước vị : vua có bổn phận của vua, quan có bổn phận của quan.

a – Ðạo làm Vua

– Thuyết “thiên mệnh, dân tâm”. Người ta thường cho rằng vua chỉ là người ngồi không hưởng thụ, lại độc tài mà không có gì kiềm chế quyền uy, các quan chỉ dám can ngăn hay từ chức là cùng. Sự thực, Khổng Tử tuy có nói tới “đạo trung quân” nhưng còn kèm theo thuyết “thiên mệnh, dân tâm” .

Thời xưa, quân là người có thế lực, giữ được chỗ nào thì làm chủ chỗ ấy. Thời Khổng Tử, vua chúa nắm chủ quyền nên Khổng Tử nhận “đế, vương” là “quân”, song Khổng Tử chỉ nói “trung quân” chứ không nói “trung đế, trung vương”, hiểu theo nghĩa rộng là phải tôn trọng người nắm chủ quyền, không nhất định là phải tôn trọng vua, chúa. Bề tôi một mực tuân theo mệnh lệnh vua không phân phải trái chưa hẳn đã là tôi trung. Khổng Tử tôn quân quyền nhưng cũng đưa ra thuyết “thiên mệnh, dân tâm” để chế ngự quyền vua. “Quân quyền” có được là do mệnh Trời, nhưng Trời không thân riêng với ai, không cho riêng và vĩnh viễn một người hay một dòng họ nào. Nước vững bền hay không là do nhân tâm có thuận hay không. “Thiên ý với dân tâm là một ” nên muốn biết ý Trời cứ xem ở lòng dân. Lấy nhân nghĩa mà trị thì dân yên, lấy bạo lực mà trị thì dân loạn. Ðạo làm vua phải yêu cái yêu của dân, ghét cái ghét của dân, theo lòng dân mà định chính sự. Trời sinh ra vua không phải vì vua mà là vì dân, để vua thay Trời chăm lo cho dân, dẫu vua làm đầy đủ bổn phận cũng không có công. Cổ thi nói :”Trong triều có một vị được tôn sùng nhất lại là người khó nhọc nhất”.

 

– Giáo hóaMối biến loạn trong xã hội đều có căn nguyên, không phải một sớm một chiều bỗng nhiên nẩy sinh. Tính dân vốn thiện, do tập quán, phong tục dần dần biến thành kẻ thiện, người ác. Người trị nước phải biết nhìn xa, tìm cách sửa đổi phong tục, cải tâm tính dân thì cuộc loạn sẽ trở thành cuộc trị. Kinh Thư :”Dân phạm tội không có lỗi, lỗi ở vua không dậy dân từ chỗ khinh bạc thành thuần phác”. Không dậy mà đem kẻ phạm tội ra trừng trị là “bạo”, không răn mà đòi dân ăn ở hợp đạo lý là “ngược”. Bạo và ngược là hai tội ác lớn của người trị dân.

Muốn cải hóa dân, Khổng giáo trọng lễ hơn trọng hình. Dậy cho dân hiểu lễ nghĩa, hiểu lẽ phải thì dân biết hổ thẹn, tự tránh điều ác, làm điều lành, lễ ngăn chặn được việc ác từ khi mới chớm nở, hình pháp chỉ trừng trị sau khi việc ác đã xẩy ra mà kẻ phạm tội tuy bị trừng phạt vẫn không biết mình làm sai trái, không hổ thẹn.

– Ðạo của người quân tử : “Chính giáo hợp nhất”, “Tiến vi quan, thoái vi sư”

Thời nhà Chu, quân tử, trỏ vào hạng quý tộc nắm địa vị thống trị trong xã hội, tiểu nhân là người không có địa vị, khác với nghĩa ngày nay.

Khổng Tử nhận thấy trong xã hội kẻ ngu thì nhiều nên lấy tài đức mà phân biệt trên dưới, đào tạo ra hạng hiền nhân quân tử để giao phó việc chính trị và giáo hóa phong tục vì biết vận nước thịnh hay suy là ở tư cách của vua quan. Khổng Tử nghiên cứu chế độ “đức trị” của thời Thượng cổ, dựa theo lẽ điều hòa của trời đất mà hành sự, lập ra cái đạo người quân tử, chủ ở sự hành động hợp với thiên lý, theo lẽ phải, đem sở năng phụng sự nhân quần xã hội, hành sự uyển chuyển hơn chế độ pháp trị, tuy theo quy tắc là kinh, nhưng vẫn được tùy nghi quyết định, tức là quyền.

 Chính : “Tiến vi quan” . Giúp vua trị nước là sứ mạng của kẻ sĩ. Người quân tử có bổn phận phải hướng dẫn vua theo con đường đức trị, vua phạm lỗi thì can ngăn, nếu gập vua chuyên chế không nghe lời can thì nên từ chức vì ở lại tất bị giết, còn ham tước lộc, hùa theo vua làm điều ác thì là phản bội đạo Thánh. Ðối với dân như với con, phải chăm lo nuôi dưỡng đầy đủ, dậy dỗ đi vào đường ngay.

– Giáo : “Thoái vi sư”. Người quân tử gập thời đỗ đạt, gập vua hiền thì ra làm quan, nếu gập bạo chúa nên từ quan lui về dậy học, truyền bá đạo Thánh, đào tạo thế hệ mai sau.

Giáo hóa là sửa tâm tính con người cho ngay chính, bồi dưỡng tình cảm cho trọng hậu, tức là lấy công việc của người bổ sung cho phần thiên nhiên, đưa người đến bậc nhân. Khổng Tử chủ trương con người không phải cầm thú, không thể đối xử với nhau như loài vật nên đặt ra lễ nghĩa dậy cho dân biết phải trái, sống hài hòa với nhau, khiến xã hội có trật tự, yên ổn. Dùng hình pháp là trị nước ở ngọn, chỉ có hiệu lực một thời, không bền vững, phép trị nước từ gốc là giáo hóa. Dân ngu phạm tội là lỗi ở người cầm quyền không dậy.

613 Temple Of Literature Stock Photos, Pictures & Royalty-Free Images - iStock

“Thuần dụng lễ nhạc, giáo hóa đại hành” . Khổng Tử dậy dân bằng lễ và nhạc.

Lễ thoạt đầu có nghĩa là cúng tế, nghĩa rộng gồm cả phong tục, pháp luật, cách tiết chế hành động của dân chúng. Khổng Tử đặt ra lễ để phân biệt tôn ti trật tự, có trật tự phân minh mới không rối loạn. Trong một nước thì có vua làm chủ, trong gia đình thì người cha làm chủ.

Nhạc : Bởi lễ phân tôn ti trật tự khiến người ta xa cách nhau nên phải dùng đến nhạc để hòa đồng, khiến người gần nhau hơn. Nhạc tốt lành thì vua tôi thuận hòa, cha con tương thân, già trẻ tương nhượng, mở đường cho thông cảm là giềng mối của sự trung hòa.

Lễ, nhạc dung hòa, hỗ trợ nhau. Có lễ không có nhạc thì nhân tình bất thông, có nhạc không có lễ thì dễ sinh nhờn. Lễ để sửa bên ngoài, thường không bền lâu, nhạc sửa bên trong thấm thía, bền vững hơn. Lễ, nhạc đưa đến tâm lý quân bình.

III – NHO GIÁO Ở VIỆT – NAM

Vì tôn Nho giáo là Chính đạo cho nên nước ta từ phong tục, luân lý đến chính trị đều lấy Nho giáo làm gốc.

A – NHO GIÁO THỜI BẮC THUỘC (111 tr.TL – 938)

a – Sử chép rằng Hán Vũ Ðế thấy nước ta chưa biết văn hóa, sai các quan Thái thú sang cai trị phải dậy bảo. Trong số ấy có ba người nổi tiếng :

Tích Quang, Thái thú quận Giao-chỉ, mở trường học, dậy dân biết lễ nghĩa ;

Nhâm Diên, Thái thú quận Cửu-chânxây trường họcdậy dân luân lý, phép giá thú, sinh con biết họ và nòi giống ;

Sĩ Nhiếp, Thái thú Giao-châumở học đường, giảng Kinh truyện, được suy tôn là Nam bang học tổ.

Như vậy là nước ta bắt đầu học chữ Hán và Nho giáo từ thời Bắc thuộc.

b – Song có thuyết cho rằng “sử” đây là chép theo sử Trung quốc, có nhiều chỗ không ổn :

– Bằng vào chuyện Lý Ông Trọng sang Trung quốc học rồi làm quan Tư Lệ Hiệu Úy với Tần Thủy Hoàng (thế kỷ 3 tr. TL) thì người Nam đã biết chữ Nho từ trước, thời Bắc thuộc chỉ đưa chữ Nho lên địa vị chính thức, truyền bá rộng rãi qua các học đường.

– Triệu Ðà (207-137 tr. TL) gửi thư cho Hán Vũ Ðế, lời lẽ tỏ ra người có học. Triệu Ðà làm chúa tể phương Nam chẳng lẽ lại không nghĩ đến chuyện dậy dân học chữ Hán mà phải đợi đến các quan Thái thú ? Trong thư của Triệu Ðà có nhắc đến Phan Nội sử, “Nội sử” có nhiệm vụ ghi chép sử, tất phải biết chữ Hán (trừ phi người Việt cổ có thứ chữ riêng).

– Năm 1007, Lê Ngọa Triều sai em là Minh Sưởng sang nhà Tống xin Kinh Ðịa Tạng (kinh Phật) và Cửu kinh (6). Thế thì đến thời Lê Ngọa Triều tamới biết đủ 9 kinh của đạo Nho, có thể hiểu là Tích Quang, Nhâm Diên chỉ dựng nhà học cấp thấp, Sĩ Nhiếp chỉ dậy Thi, Thư chứ chưa dậy đầy đủ đạo Nho.

c – Có công truyền bá Hán học và đạo Nho, ngoài các Thái thú còn :

– những người Trung Hoa sang tị nạn khi Vương Mãng tiếm ngôi (8-23) nhà Hán, hay sau khi Hán Linh Ðế (184-5) mất, Trung quốc bị rối loạn ;

– những kẻ có tội bị đầy sang phương Nam ;

– các nhà sư Trung Hoa, đều giỏi chữ Hán ;

– những du học sinh người Nam sang Trung quốc học rồi trở về dậy lại người mình.

B – NHO GIÁO THỜI TỰ TRỊ

1 – Các triều Ngô, Ðinh, Tiền Lê, Trưng vương. Thời này tam giáo (Nho, Phật, Lão) đều được trọng nhưng thịnh hành nhất là Phật giáo. Các nhà sư nhân học đạo Phật mà thành giỏi chữ Hán, chính là từng lớp học thức, có uy tín, vì thế những người học chữ thường đến chùa để học.

Vì nền tự chủ chưa vững, nhà cầm quyền đặt trọng tâm vào tổ chức chống ngoại xâm nên việc học theo lối học huấn hỗ của nhà Ðường, chỉ cốt làm sáng tỏ nghĩa Kinh Truyện nhưng không phát minh điều gì mới lạ.

2 – Nhà Lý : Ðạo Phật vẫn được trọng nhất. Thời Lý sơ, hễ giao tiếp với Trung quốc đều dùng tăng lữ viết thư. Ðến Nhân Tông mới bắt đầu trọng đạo Nho : năm 1070, dựng Văn miếu ; năm 1075, mở khoa thi đầu tiên ; năm 1076, xây Quốc tử giám. Vẫn theo lối học nhà Ðường.

3 – Nhà Trần : Mặc dầu các vua Trần rất sùng đạo Phật nhưng Nho giáo tiếp tục bành trướng. Phật giáo không đắc sủng như thời nhà Lý, tăng lữ không còn được dự chính sự. Tuy bị Nho giáo lấn lướt, Phật giáo và Lão giáo vẫn còn được trọng, các Nho gia không thiên hẳn về cái học từ chương, tức là chỉ vụ lấy nhớ cho nhiều và mài rũa câu văn cho hoa mỹ chứ không tìm ý nghĩa sâu xa của đạo học (7).

4 – Nhà Hồ : Hồ Quý Ly chủ trương cải tổ giáo dục theo tinh thần độc lập bằng cách nâng cao địa vị chữ Nôm. Năm 1387, Thượng Hoàng Nghệ Tông cho Quý Ly làm Ðồng Bình Chương Sự (như Tể tướng), lại ban cho cờ biển đề chữ Văn võ toàn tài, Quân thần đồng đức, Quý Ly làm thơ bằng Nôm để tạ ơn. Năm 1395, Quý Ly dịch thiên “Vô Dật” trong sách Thượng Thư ra Nôm để dậy vua Thuận Tông, sách dâng lên được Thượng Hoàng khen nhưng bị Ðoàn Xuân Lôi, trợ giáo Quốc tử giám chê. Năm 1396, Quý Ly làm sách Quốc Ngữ Thi Nghĩa, chú thích Kinh Thi bằng quốc âm để cho nữ sư dậy các hậu phi và cung tần, bài Tựa phần nhiều theo ý kiến riêng chứ không theo chú thích của Chu Tử (Chu Hy). Ðặc biệt là năm 1393, làm sách Minh Ðạo, cho Chu Công Ðán mới là Tiên Thánh, Khổng Tử chỉ là Tiên Sư, trong Văn miếu đặt Chu Công ngồi chính giữa, ngoảnh mặt về Nam, Khổng Tử ngồi bên, ngoảnh mặt về phương Tây.

Quý Ly còn cho sách Luận Ngữ có 4 chỗ đáng ngờ :

a – Khổng Tử đến nước Vệ, nàng Nam tử (vợ Vệ Linh Công, có tiếng lẳng lơ) thỉnh đến thăm mình, Khổng Tử không từ tạ được phải đến, vì phong tục nước Vệ ai ra làm quan cũng phải đến ra mắt vợ vua. Tử Lộ, học trò Khổng Tử, không biết tục lệ ấy, trách Khổng Tử. Khổng Tử phải thề :”Ta có làm điều gì chẳng phải thì Trời hại ta”. Chuyện không ổn ở chỗ tại sao lần đầu Khổng Tử đến nước Vệ nàng Nam tử không mời ? Tại sao phải thề độc, Tử Lộ học Khổng Tử lâu năm há lại không biết phẩm hạnh của Thầy hay sao mà ngờ có hành vi mờ ám ? (8)

b – Khi ở nước Trần, hết lương, Khổng Tử đặt câu hỏi :”Ta có nên về chăng ?” vì Khổng Tử đi khắp nơi truyền đạo, thấy chẳng ai thực hành, muốn trở về nước Lỗ, quê của Khổng Tử, còn có thể dậy học trò (9).

c – Công Sơn Phất Nhiễu, là gia thần họ Quý, cùng với Dương Hổ làm phản, chiếm quyền cai trị, mời Khổng Tử giúp. Khổng Tử muốn đến, Tử Lộ không bằng lòng, ngăn cản, nhưng Khổng Tử cho Phất Nhiễu chỉ phản họ Quý chứ không phản vua nước Lỗ. Lúc ấy chính quyền nước Lỗ do ba họ Mạnh, Thúc, Quý nắm giữ. Khổng Tử muốn giúp vua nước Lỗ giành lại chính quyền, phục hưng Ðạo ở nước Lỗ. Sau xét lại thấy không được nên không đến gập Phất Nhiễu (10). Lương Khải Siêu cũng cho thái độ Khổng Tử khó hiểu, đã cương quyết không hợp tác với Dương Hổ sao lại muốn giúp Phất Nhiễu ?

Có chỗ chép không phải là Phất Nhiễu mà là Phật Bật/Bột hay Bật Hật : Phật Bật là gia thần Phạm Trọng Hành, quan Ðại phu nước Tấn. Triệu Giản Tử cầm quyền nước Tấn đánh Phạm Trọng Hành, Bật Hật làm phản rồi phái người mời Khổng Tử giúp. Khổng Tử định nhận lời, Tử Lộ bất bình ngăn cản. Khổng Tử đáp :”Ta đâu phải trái bầu khô, treo mà không ăn được ?”. Lương Khải Siêu cũng tỏ ý hoài nghi chuyện này (11).

d – Quý Ly chê các danh nho đời Ðường, Tống, học rộng mà viển vông, cái học bác tạp, chỉ “chuyên trộm cắp ý nghĩa của người xưa mà không quan thiết đến sự tình”.

Quý Ly có những sáng kiến táo bạo, bị người đương thời và cả người đời sau chê bai. Ngô Thì Sĩ cho vì Quý Ly trước đỗ thi Hương, sau trúng khoa Hoành từ hóa sinh tự phụ, nên đã lên án Quý Ly nghiêm khắc :”Lại có kẻ truất Phu tử (Khổng Tử) xuống làm trung hiền, giáng làm tiên sư, thật là mù chê mặt trời, mặt trăng không ánh sáng, có làm tổn hại gì được các vì sáng đó ? Còn bảo Xương Lê (Hàn Dũ) là “đạo” nho, Liêm, Lạc (Chu Tử và Trình Tử) là “trộm cắp” đạo học thì các vị này khi ở Bắc đã bị khuất thời bấy giờ, sang đến Nam lại cũng bị đời sau bài bác, các ông thật gập ách vận (…) Quý Ly sính thông minh, đã biết thế nào được cái chí của thánh hiền, tự nghĩ ra Thi Nghĩa, bốn điều đáng ngờ trong Luận Ngữ, thật là con ếch ngồi trong giếng nước, không thể nói chuyện biển cả được”.

Ngô Tất Tố cũng viết :”Ðến ở Trung quốc, trừ bọn Thanh nho sinh sau Quý Ly ba, bốn thế kỷ cũng chưa ai dám nói những điều trên” (12).

5 – Nội thuộc nhà Minh (1414-27) : Ðể thi hành chính sách đồng hóa, Trương Phụ vâng lệnh Minh Thành Tổ, thu hết sách vở của ta đốt hoặc đem về Kim-lăng, rồi phát Kinh sách do Tống nho (tức Chu Tử, Trình Tử) chú giải bắt học. Từ đấy người mình mới theo cái học của Chu-Trình, thiên về phép tắc, khắc kỷ… Ðời sau nhiều người chê cái học của Tống nho chỉ là chê cái học câu nệ tiểu tiết, quá cẩn lễ, sự thực “thủ lễ” không biểu dương tất cả học thuyết của Chu-Trình, và hai vị này cũng không đại diện cho toàn thể Tống nho.

– Thời Hậu Lê : Nho giáo được tôn sùng triệt để : Lê Thánh Tông mở rộng Quốc tử giám, xây nhà cho sinh viên trọ học, lập kho Bí thư để chứa ván khắc Kinh sách. Tuy vẫn là cái học của Chu Trình nhưng chưa câu nệ như thời Trung Hưng.

7 – Ðàng Trong : Các chúa Nguyễn ở Ðàng Trong tuy có tổ chức thi Xuân Thiên Quận Thí, Thu Vi Hội Thí, Chính đồ vv. nhưng trình độ Nho học không được bằng Ðàng Ngoài.

8 – Nhà Tây Sơn là võ tướng xuất thân song cũng trọng Nho gia. Nguyễn Nhạc muốn đem theo mấy ông Nghè về Nam để dậy học, Quang-Trung thì trọng dụng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích vv. khen Ngô Thì Nhậm biết dùng “ngọn bút thay giáp binh”, nhờ văn tài khéo léo của nhà Nho mà lui được quân Thanh. Quang-Trung tuy trọng Nho học nhưng cũng giữ tinh thần độc lập bằng cách nâng cao địa vị chữ Nôm, thay thế chữ Nôm cho chữ Hán trong công văn cũng như Khoa cử.

9 – Nhà Nguyễn, ngược lại, tiếp tục trọng cái học Chu-Trình, và chữ Hán lại được đưa lên địa vị chính thức.

Xét chung thì các Việt nho có óc tự ty, tin rằng tất cả những gì đáng nói đều đã có trong Kinh Truyện, phải là bậc Thánh mới được viết sách cho nên chỉ nhai đi nhai lại Cửu Kinh, chỉ dám viết sách chú giải Kinh đìển là cùng chứ không tìm tòi, nghiền ngẫm, phát minh ra điều gì mới lạ. Hễ có ai lập luận khác thường, như Hồ Quý Ly, thì lập tức bị bài bác.

o O o

Trải qua mấy nghìn năm, Nho giáo được tôn sùng là “Chính đạo”, song không phải là chưa từng bị chê bai. Những điểm thường bị nêu ra chỉ trích là :

a – Về chính trị :

– “Tôn quân, ức dân” : chế độ quân chủ của Nho giáo chỉ được áp dụng một chiều, sản xuất ra những ông vua ích kỷ chỉ biết hưởng thụ, lạm dụng uy quyền, độc tài. Sự thực Khổng giáo tuy trọng quân quyền nhưng còn có thuyết “thiên mệnh” kiềm chế vua. Hàn Dũ mới là người nói :”Vua không tròn trách nhiệm không có tội, dân không tròn bổn phận thì đáng giết”.

– Ðạo nhân nghĩa là lý tưởng, trên thực tế vô hiệu. Nghiêu, Thuấn cả đời sống khổ, mà Kiệt, Trụ thì thỏa chí. Hàn Phi nói :”Ðạo nhân nghĩa thực hành mấy nghìn năm mà thiên hạ vẫn loạn”.

Huống chi những gì Khổng giáo đề cao chưa chắc đã đúng sự thật :

– Thời đại Hoàng kim : Khổng Tử đề cao thời đại Nghiêu, Thuấn, Tam Ðại là thời đại Hoàng kim, bình trị, dân chúng yên ổn, sung sướng. Nhưng Kinh Thi lại kể chuyện dân đời Thượng cổ bị hà hiếp, đi săn được con lợn nào to thì phải dâng địa chủ. Phải hái dâu, nhuộm vải, lấy da chồn may áo cho công tử, còn bản thân thì tháng chạp cũng không có manh áo che thân. Tháng 10, nông nghiệp xong là phải chuẩn bị lương tiền đi chữa nhà cho chủ, còn gia đình mình chui rúc trong lều tranh. Phụ nữ nào vừa mắt là công tử bắt lấy, dân dù mất vợ mất con cũng không dám nói… (13).

– Chu công. Khổng giáo cho là Chu công đem lễ giáo dậy khiến cho dân sống hòa mục với nhau. Nguyên Vũ Vương diệt nhà Thương/Ân, con cháu nhà Thương/Ân mất ngôi nhưng vẫn được làm chúa đất cũ. Vũ Canh, dòng dõi nhà Thương, làm phản nên bị Chu công giết. Thành Vương phong cho hai người dòng dõi nhà Ân là Vi Tử, làm vua nước Tống, Cơ Tử làm vua nước Cao-ly, còn đất nhà Ân thì nhập vào đất nhà Chu. Nhượng Tống lên án Chu công :”Cái lối chia mà trị” ấy là một mánh khoé chính trị khôn ngoan mà giảo quyệt (…) Ta chẳng hiểu Khổng Tử thường chiêm bao thấy Chu công để làm gì ? Nếu vì cái đạo đức của lão thì Thầy lầm to. Ở con người ấy có công, có danh, có đủ ngón xỏ xiên của những hạng chính khách gian hùng, nhưng đạo đức quyết là đánh bẩy ngày cũng không nẩy ra. Những câu “nhà vua nói” đều là của Chu công nói thay Thành Vương (con Vũ Vương) tuyên cáo khi cất quân đi đánh Vũ Canh, lợi dụng lòng tin Trời, tin mệnh của dân để “tuyên truyền” cho kẻ cầm quyền (…) cái khoé ấy đã có từ trên 2000 năm ! Có điều lạ là khoé đó lại lừa nổi một người thông minh như Thầy Khổng !” (14).

b – Về giáo hóa :

– Cẩn lễ :Học thuyết của Chu-Trình có khía cạnh khắc kỷ, câu nệ tiểu tiết, khiến người ta mất tinh thần tự do phát huy tư tưởng, làm ngăn trở sự tiến hóa, lại sinh ra hạng Ngụy nho, giả đạo đức, chỉ tôn trọng hình thức lễ giáo bên ngoài. Sang đến Việt-Nam còn trầm trọng hơn một bậc.

– Lỗi thời : người xưa tin rằng Vạn sự xuất ư Nho và Sĩ khả bách vi, một khi đãhiểu rõ đạo Thánh, được chỉ đạo, thì lâm sự khắc biết cách ứng xử bởi đó chỉ là phần thực hành, sẽ có với thời gian và kinh nghiệm. Vì chỉ tôn một đạo Nho nên ít chú trọng đến những cái học chuyên môn. Tuy Kinh Dịch, Ðại Học (cách vật trí tri) … có những chỗ tương cận với khoa học, vật lý học vv. nhưng khác với cái học của Tây phương nghiên cứu cái gì cũng đến nơi đến chốn, cái học của Ðông phương chỉ đặt trọng tâm ở thuật tu tâm dưỡng tính, thiên về đời sống nội tâm.

Công bình mà nói thì Nho giáo là một đạo trị nước khá thực tế và cao minh nên mới lưu truyền được trên mấy nghìn năm. Cái dở thật ra không ở đạo Nho, đạo Khổng, mà là ở những người áp dụng nó không biết theo Khổng Tử “thuật nhi bất tác” tức là tuy không lập ra một học thuyết nào hoàn toàn mới, nhưng tiếp tục phát triển cái cổ để cải tiến, hoàn thiện nó, biến hóa, thay đổi nó cho hợp thời. Kinh Lễ nói :”Những lễ cũ đã hết chỗ dùng mà vẫn dùng tất nhiên xẩy ra mối lo loạn lạc” (15).

Trước kia Nho gia nước ta coi đạo Nho là Chính đạo nên hết sức bài bác đạo Phật, đạo Lão. Ngô Thì Sĩ nhìn nhận các vua nhà Lý là những ông vua tốt, có độ lượng đế vương, “duy đáng tiếc là chưa tôn Chính học (…) đáng chê trách vì tôn sùng đạo Phật ” (…) và chê “các danh nho thời cổ họcrộng cả bách gia, xuất nhập cả Phật Lão, học vấn không thuần nhất, tâm đã tạp, không chuyên nhất thì có ích gì cho việc đời mà cũng được xuất thân ?” (16).

Khi thấy Chính đạo và thuật nhân nghĩa đều bất lực trước súng ống của Tây phương thì phần đông đổ lỗi cho Nho giáo ngăn trở tiến bộ, muốn vứt bỏ hết Hán học để hoàn toàn theo Âu học, nhưng ngày nay Âu châu lại bị chê là hủ lậu so với văn minh Mỹ… Sau này lác đác có những người nghiên cứu Nho học trở lại, đặc biệt khi Thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố rằng Tân gia ba phú cường chính là nhờ ở đạo Nho đào luyện ý chí thì một số người mới quay ra nghiêm chỉnh tìm hiểu Nho giáo.

Học thuật Ðông phương chú ý đến những hiện tượng trong vũ trụ để tìm hiểu huyền nghĩa của những hiện tượng ấy, đưa ra những thuyết như “thiên nhân tương quan”, tin rằng hạnh phúc con người là sống hòa hợp với thiên nhiên nên không tìm cách khắc phục thiên nhiên, cho rằng dẫu thắng được ngoại vật, vị tất ngoại vật đã bị trị mà thân mình khổ cực, còn như khéo trị nội tâm thì ngoại vật vị tất đã loạn mà lòng mình thanh thản.

Tây phương ít thắc mắc đến những liên hệ siêu hình của các hiện tượng, lại chủ trương vũ trụ với người đối lập nên tìm cách khắc phục thiên nhiên để phụng sự con người. Tây phương lấy sự tiến bộ, mở mang trí tuệ, phát triển khoa học vv… làm trọng, tạo dựng được một đời sống vật chất đầy đủ tiện nghi, mỹ lệ, nhưng trọng trí dục hơn đức dục, quá tôn tự do cá nhân, người trong xã hội ngày càng trí xảo, thiên về tư lợi. Ðồi sống văn minh sung túc nhưng phải cạnh tranh vất vả, cách sinh hoạt phiền toái nên nhiều người lại quay về với văn minh Ðông phương tìm một đời sống tinh thần thanh thản. Song Ðông phương quá chú trọng đến đời sống tinh thần, khinh thường vật chất, để dân sống trong thiếu thốn, lầm than, cũng không tạo được cho dân một đời sống hạnh phúc thực sự.

Dung hòa, tùy nghi vẫn là giải pháp thích hợp nhất cho cả đôi bên.

CHÚ THÍCH

1 – Thượng Thư, tr. 9 – 10. Sách của các đế vương đời trước gồm : sách của Phục Hi, Hoàng Ðế, Thần Nông gọi là Tam Phần (“phần” = đạo Cả) ; sách của Thiếu Hiệu, Chuyên Húc, Cao Tân và Ðường, Ngu gọi là Ngũ Ðiển (“điển” = đạo Thường) ; Bát Sách (“sách” = tìm) thuyết minh về 8 quẻ, tìm ý nghĩa của nó ; Cửu Khâu ghi chép về 9 châu của Trung quốc xưa.

2 – Thượng Thư, tr. 32-3, 55 – Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương, tr. 13.

3 – Thượng Thư, tr. 64-5, 91.

4 – Thượng Thư, tr. 72, 75-6.

5 – Trần Trọng Kim, Nho Giáo, I, tr. 75, 137.

6 – Cương Mục, III, tr. 33.

7 – Ngô Tất Tố, Văn Học Ðời Trần, tr. 16-8.

8 – Luận Ngữ, tr. 97 – Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, tr. 62.

9 – Luận Ngữ, tr. 79.

10 – Luận Ngữ, tr. 273.

11 – Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, tr. 66.

12 – Ngô Thì Sĩ,Việt Sử Tiêu Án, tr. 269-72 – Ngô Tất Tố, Văn Học Ðời Trần, tr. 7.

13 – Ðào Trinh Nhất, Trung Bắc Chủ Nhật, số 183, 14/11/1943.

14 – Nhượng Tống, Thượng Thư, tr. 151-2.

15 – N.H. Lê, Triết Học, I, 34 – Kinh Lễ, tr. 216.

16 – Ngô Thì Sĩ,Việt Sử Tiêu Án, tr. 106, 126-8, 158.

VĂN MIẾU

Văn Miếu là nơi thờ cúng Khổng Tử cùng các môn đệ và danh nho có công truyền bá đạo Thánh như Chu văn An, Trương Hán Siêu vv. Văn Miếu được xây ở các tỉnh.

Ở làng thì kiến trúc đơn giản hơn, gọi làVăn Từ (có lợp ngói) hoặcVăn Chỉ : đắp một cái nền cao, xây bàn thờ bằng gạch làm chỗ tế lễ lộ thiên. Bàn thờ giữa dành cho những người đỗ Ðại khoa (Tiến-sĩ) hoặc làm quan to từ tam, tứ phẩm trở lên ; bàn thờ bên hữu dành cho những người đỗ Trung khoa (Cử-nhân) hoặc làm quan từ lục, thất phẩm trở lên ; bàn thờ bên tả dành cho những người đỗ Tiểu khoa (Tú-tài) hoặc làm quan bát, cửu phẩm.

– Văn Miếu Hà-nội :

Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu đầu tiên ở phía nam thành Thăng-long, đặt tượng Chu công, Khổng Tử, Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư), vẽ hình 72 người học trò giỏi của Khổng Tử để thờ.

Năm 1076, Lý Nhân Tông cho xây Quốc tử giám ở cạnh Văn Miếu làm chỗ cho các Hoàng tử và con đại thần đến học. Về sau mở rộng cho cả những con em nhà thường dân, người nào tuấn tú, cũng được vào học.

Năm 1483-4, Lê Thánh Tông cho xây điện Ðại thành, điện Canh phục, đông tây Giải vũ, kho chứa ván in sách, kho chứa đồ té lễ, xây nhà Minh luân giảng đường, mở nhà Thái học sau Văn Miếu, hai bên nhà Thái học dựng bia Tiến sĩ, làm 150 gian nhà chứa được 300 sinh viên trọ học.

Năm 1802, Gia-Long sai dỡ Quốc tử giám đem về Phú-xuân dựng, chỉ để lại các bia Tiến-sĩ, rồi cho xây Khuê Văn Các đền bù.