Vấn đề chữ viết thời Hùng Vương

Cách đây hơn mười năm, vấn đề chữ viết của người Việt cổ đã được nêu ra trong các cuộc hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương. Nhưng bấy giờ, vẫn chưa có một lời giải đáp tích cực. Trong một số báo cáo của Hội nghị lần thứ tư, năm 1971, chúng ta đã gặp những dòng sau:

“Cuối thời Hùng Vương, một thứ chữ viết thực sự nào đó đã xuất hiện chưa? Đây là điều băn khoăn chính đáng của nhiều người và gần đây đã trở thành đề tài nghiên cứu của một vài người. Tài liệu hiện nay chưa cho phép chúng ta trả lời câu hỏi đó” (1).

Hoặc:

“Về những thành tựu khoa học của người xưa, chúng ta đã chú ý và còn đang tiếp tục tìm tòi về chữ viết, luật lệ, lịch pháp, v.v… Song cho đến nay, chưa thể kết luận được gì nhiều về các vấn đề đó” (2).

Luận điểm phổ biến bấy giờ cho rằng một nhà nước ra đời không nhất thiết phải có chữ viết. Những người Inca, chủ nhân một nền văn minh cao ở Peru, thường được viện dẫn đến, cùng với hình thức kết nút của họ (3). Nhưng chúng ta biết rằng, năm 1973, Victoria de la Jara ở Lima, đã phát hiện và đọc được, văn tự của người Inca. Đó là những ký hiệu trên vải liệm người chết và các chén gỗ mà trước đây người ta coi là hoa văn trang trí (4).

Ngay trong Hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương lần thứ tư, cũng đã có người cho rằng: “có một số hình, trên một số đồ đồng được thể hiện tương đối có hệ thống, mà lâu nay nhiều nhà khảo cổ học gọi là hoa văn, có lẽ là một loại chữ viết cổ. Nó khá phù hợp với hệ thống chữ viết trên lá cọ và sách bằng giấy hiện còn lưu lại ở vùng người Thái trên đất nước ta. Những đồ đồng nói trên đều thuộc nền văn hóa Đông Sơn – giai đoạn phát triển cực thịnh của thời Hùng Vương. Như vậy, phải chăng đây là những tài liệu đáng quan tâm trước hết để tìm và nghiên cứu chữ viết của người Việt dưới thời Hùng Vương” (5).

Nhưng ý kiến này chưa đủ sức thuyết phục vì hai lẽ:

1. Hệ thống chữ viết của người Thái ở Việt Nam xuất hiện muộn dưới ảnh hưởng của những hệ thống chữ viết khác, cũng có niên đại muộn, không thể đã tồn tại trong thời kỳ Đông Sơn.
2. Những hình được coi là chữ viết trên các đồ đồng, chưa được chứng minh không phải là hình trang trí (6).

Tuy vậy, việc đi tìm dấu vết chữ viết trên đồ đồng Đông Sơn vàn là một phương hướng tích cực. Một số người cũng đã nghĩ ràng: “Chúng ta có thể đi tìm gốc tích của văn tự trên các tàn tích vật chất có độ bền cao, chẳng hạn như đồ đồng. Cũng như nếu ấn đồng được xem là có trước thời Hán thì có khả năng tìm chữ tượng hình trên loại di vật này” (7).

Trên những chiếc ấn đồng của các Lạc tướng – mà Giao Châu ngoại vực ký chép rõ là có giấy tua xanh – hẳn phải có hình thức mang tính chất ký hiệu. Những hình đó có thể không phải là chữ viết nhưng cũng có nhiều khả năng là chữ viết, và đã là chữ viết thì không nhất thiết chỉ là chữ tượng hình. Đáng tiếc là đến nay các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm được một chiếc ấn nào của thời này.

Trong các di vật của văn hóa Tấn Ninh ở Vân Nam (Trung Quốc), một văn hóa có quan hệ gần gũi với văn hóa Đông Sơn, người ta đã tìm thấy một tấm đồng khắc nhiều hình mà một số học giả đã cho là một loại chữ viết hình vẽ (hay văn tự đồ họa, pictorgammes) (8). Chữ viết hình vẽ nằm ở một giai đoạn thấp của quá trình phát triển chữ viết, nhưng dù sao, cũng đã là chữ viết. Chẳng lẽ, trong một nền văn minh rực rỡ như Đông Sơn, lại chẳng có dấu vết gì của chữ viết?

Từ hai ký hiệu trên một lưỡi cày đồng Đông Sơn

Tháng 7 năm 1978, tôi có dịp khảo sát một số di vật khảo cổ, do O. Janse khai quật được ở Thanh Hóa, hiện trưng bày ở Bảo tàng Guimet tại Pari. Trên một công cụ bằng đồng thau, mà ta quen gọi là lưỡi cày hình cánh bướm, tôi thấy có hai hình đáng chú ý. Hai hình này cùng nằm trên một mặt của lưỡi, ở hai cánh, gần như cách đều trục họng (hình 1).

Công cụ đồng này, không nghi ngờ gì nữa, là vật phẩm của văn hóa Đông Sơn, đặc trưng cho loại hình sông Mã. Nó chỉ khác các công cụ cùng loại ở hai hình khắc độc đáo kia thôi. Hai hình đó có nghĩa gì?

Chúng ta có thể thấy ngay rằng do hai hình hoàn toàn khác nhau nên giữa chúng không có một quan hệ đối xứng nào cả. Và vì vậy, chúng không tạo ra sự lặp lại, hay nhịp điệu, là đặc trưng cơ bản của hoa văn trang trí. Những hình này cũng không có mối liên hệ dễ nhận biết với các hình tượng hiện thực. Do đó, hai hình này không phải là hoa văn trang trí hay hình trang trí. Nếu quả thực chúng có mang ý nghĩa trang trí – tức làm đẹp cho công cụ – thì ý nghĩa đó cũng ở hàng thứ hai. Hai hình này, trước hết, phải có chức năng là hai ký hiệu biểu hiện những ý niệm nào đó. Đó là điều có thể khẳng định. Còn những ký hiệu này đã là chữ viết hay chưa thì chưa thể nói dứt khoát được. Chỉ có thể nói rằng chúng có nhiều khả nắng là chữ viết.

Kí hiệu bên trái (hình 4a) giống với chữ nghệ (hình 4c) của văn tự Hán viết theo lối tiểu triện Tần Hán, nhưng hẳn đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không thể dùng tiểu triện để đọc ký hiệu thứ hai.

Có thể những ký hiệu này là chữ của một hệ thống văn tự riêng biệt của cư dân Đông Sơn, nhưng muốn chứng minh được điều đó, chúng ta phải tìm ra nhiều ký hiệu hơn nữa trên các di vật Đông Sơn mà trong số đó, có hai ký hiệu trên.

Dầu chưa thể khẳng định, nhưng hai ký hiệu trên chiếc lưỡi cày đồng này đã mang cho tôi niềm tin về sự tồn tại của chữ viết thời Đông Sơn. Nếu quả chúng là những chữ, thì rõ ràng hệ thống văn tự này đã vượt qua giai đoạn đồ họa, tiến đến giai đoạn biểu ý (idéogrammes). Theo tôi, một loại chữ viết tiến bộ như vậy đã có mặt trên một chiếc qua đồng tìm được ở Thanh Hóa.

Đến dòng chữ trên một chiếc qua đồng ở Thanh Hóa

Ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, có một chiếc qua đồng, mang số hiệu cũ là 1.22.180, và số hiệu mới là LSb1609. Dựa vào số danh mục của Bảo tàng (9) có thể biết chiếc qua này vốn là của sưu tập D’Argence, được nhập vào Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ ngày 20-1-1927. Theo ghi chú ở danh mục này, hiện vật tìm được ở Bắc Trung Bộ (Nord – Annam). Dựa vào khái niệm Bắc Trung Bộ thường dùng thời đó, cũng như khả năng về nơi xuất hiện của hiện vật, tôi cho rằng chiếc qua này được tìm thấy ở Thanh Hóa. Người đăng ký, có lẽ không biết đây là một chiếc qua, nên đã ghi là giống chiếc Kriss ở Java (một loại dao găm Inđônêxia), nhưng đã không bỏ qua một chi tiết quan trọng: trên một mặt có năm chữ cổ (5 caracteres antiques). Chữ gì thì người ta không nói. Chi tiết này hấp dẫn chúng ta.

Chiếc qua nay (hình 2a) có phần nội bị gãy, phần hồ dài và có ba lỗ. Theo cách phân loại của người Trung Quốc, loại qua có hồ dài ba lỗ (tam xuyên) này đã ở vào giai đoạn cuối cùng của sự phát triển loại hình qua, có từ thời Chiến Quốc về sau (10). Sau đây ta sẽ có thêm chứng cứ để nói rằng chiếc qua này có niên đại Chiến Quốc. Hai bên lỗ ở phần nội bị gãy, còn dấu vết những đường trang trí. Nhưng trên toàn bộ phần viện và phần hồ không có một hình trang trí nào khác, ngoài năm ký hiệu khắc chìm dọc theo hồ trên một mặt. Ký hiệu cuối cùng hơi mờ, khó phân biệt các nét, còn bốn ký hiệu trên khá rõ (hình 2b). Năm ký hiệu hoàn toàn khác nhau, không có ký hiệu nào được lặp lại. Những ký hiệu này rõ ràng không phải là hoa văn, và ít có khả năng là hình trang trí. Và nếu chúng có thêm tính chất trang trí thì trước hết, vẫn phải là những ký hiệu biểu đạt các ý niệm. Do năm ký hiệu xếp thành một dòng, và không có ký hiệu nào là hình vẽ trực tiếp sự vật thực tế, nói cách khác là không có ký hiệu – hình vẽ (signe – dessin), tôi nghiêng về phía cho rằng đây đã là một thứ chữ viết hình tuyến (écriture linéaừe) và biểu ý (idéographique). Người đăng ký danh mục bảo tàng đã có lý khi cho đây năm chữ viết cổ.

Khi mới nhìn thấy chiếc qua lần đầu, tôi đã tưởng gặp một dòng chữ Hán. Có thể dễ dàng đọc chữ thứ tư, từ phía viện xuống thành chữ lâm nghĩa là rừng (hình 4d) viết đúng quy cách tiểu triện Tần Hán. Nhưng chỉ có thế thôi! Chữ thứ hai mới xem qua, cũng ngỡ là chữ mãng, viết lối tiểu triện được Hứa Thận đời Hán chép trong quyển Từ điển Thuyết văn giải tự (11). Nhưng thực ra, chữ mãng gồm hai chữ thảo chồng lên nhau (hình 4e), không có hai nét dọc kéo suốt từ trên xuống dưới như chữ thứ hai ở trên qua. Các chữ khác ở trên qua cũng không phải là chữ Hán. Để rút ra nhận xét này, tôi đã không dừng lại ở loại hình tiểu triện, mà đã so sánh các chữ trên qua với các kiểu văn tự Hán sớm hơn, đặc biệt là với văn tự trên đồ đồng Trung Quốc từ Tây Chu đến Chiến Quốc, thứ chữ viết được gọi là Kim văn.

Các bộ tự điển Kim văn lớn (12) cho tôi biết rằng trong văn tự Hán, trước khi Tần thống nhất Trung Quốc, không có những chữ như đã thấy ở trên chiếc qua này. Trong Kim Văn biên của Dung Canh, có nhưng phụ lục ghi lại những chữ Kim văn mà học giả hiện nay chưa đọc được, trong số đó cũng không tìm thấy những chữ trên qua (13). Tôi cũng đã mở rộng việc so sánh với Văn tự giáp cốt (chữ trên xương và mai rùa thời Ân Chu) (14) nhưng kết quả không có gì khác, vẫn không tìm được những chữ tương tự các ký hiệu trên qua.

Như vậy, cho đến nay, đã có thể kết luận rằng dòng chữ trên chiếc qua Thanh Hóa không phải là chữ Hán. Thế đối với chữ thứ tư trên qua, có thể đọc là lâm theo văn tự Hán, thì giải thích như thế nào? Theo tôi, đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng nếu chỉ dựa vào chỗ các chữ khác trên qua không phải là chữ Hán thì chưa đủ để chứng minh chữ thứ tư không phải là chữ Hán. Ấy là vì trong một dòng chữ viết bằng một thứ văn tự khác, người ta có thể mượn một từ Hán, ghi bằng văn tự Hán. Trong văn tự của các dân tộc khác Hán sống gần dân tộc Hán, thường xảy ra hiện tượng như vậy.

Ở đây, chúng ta có thể chứng minh chữ thứ tư (hình 4d) không phải là chữ Hán mà chỉ giống một cách ngẫu nhiên, do bản thân của kết cấu chữ viết trên qua. Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy ngay rằng trừ chữ cuối cùng, bốn chữ trên đều được cấu tạo cùng một cách, gồm hai vạch thẳng chạy dọc và các đoạn cong vắt ngang qua hai vạch thẳng đó. Tùy theo đoạn cong hướng trở lên hay trở xuống mà ta có các ký hiệu khác nhau. Nếu tất cả các đoạn đều cong xuống, ta có chữ thứ hai. Nếu tất cả đều cong lên, ta có chữ thứ ba. Nếu hai đoạn trên cong xuống và hai đoạn dưới cong lên, ta có chữ thứ tư. Chữ thứ nhất chỉ khác chữ thứ tư ở chỗ trong các đoạn cong phía trên, có thêm hai nhánh nhỏ ở trong. Sau đây, chúng ta sẽ trở lại với cái đoạn cong có nhánh đặc biệt này. Như vậy, chữ thứ tư là cùng chung một cách cấu tạo với các chữ trên, nói cách khác, nó là ký hiệu được tạo ra theo một nguyên lý tạo chữ của thứ văn tự này, không phải là được vay mượn từ hệ thống khác. Vì vậy, chữ thứ tư không phải là chữ Hán mà chỉ giống chữ Hán một cách ngẫu nhiên. Chữ cuối cùng, tuy hơi mờ, nhưng cũng có một đoạn cong vắt qua một nét thẳng dọc, như vậy là cùng chung cách cấu tạo với bốn chữ kia.

Nhận ra cách cấu tạo chữ của dòng chữ trên qua, ta càng có thêm chứng cứ để nói rằng đấy không phải là chữ Hán, vì xác suất để một số chữ Hán có cách cấu tạo gần giống các chữ trên đứng cạnh nhau và làm thành câu có nghĩa là rất thấp, nếu không phải là bằng không.

Tóm lại, có hai kết luận được rút ra:

1. Những ký hiệu trên chiếc qua Thanh Hóa là chữ viết.
2. Những chữ viết này thuộc một hệ thống văn tự khác Hán.

Điều đáng ngạc nhiên là tuy sưu tập của D’Argence đã được nhiều người nghiên cứu, chiếc qua có dòng chữ kỳ lạ này vẫn không được chú ý. Umehara Sueji, nhà khảo cổ học nổi tiếng của Nhật Bản, đã từng đến Việt Nam, trong bài “về các qua đồng phát hiện được ở Bắc Đông Dương”, cũng không đề cập đến chiếc qua có chữ này (15). Các tác giả quyển Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam thì coi chiếc qua này (tức chiếc qua mang số 1.22.180) không phải là qua bản địa và xếp vào loại IV của qua Trung Quốc. Dòng chữ trên qua hoàn toàn không được nhắc đến (16).

Chiếc qua này không được chú ý có thể là vì hai lý do:

1. Trên qua không có hoa văn gì đặc sắc.
2. Dòng chữ đã bị tưởng lầm là chữ Hán.

Qua thường được coi là thứ vũ khí có nguồn gốc Hán. Thực ra, nhận định này cần được phân tích đầy đủ hơn. Nhưng dù vậy thì một sự thực khác cũng khá rõ ràng: qua đã được đúc ra ở các trung tâm khác nhau của các văn hóa – dân tộc khác nhau. Bằng chứng là đã tìm thấy những chiếc qua được trang trí theo phong cách văn hóa bản địa ở Mông Cổ, Việt Nam, Thái Lan, Vân Nam… Chính do đặc điểm địa phương của nó, gần đây, qua đã được Magdalene von Dewall ở Đại học Heidelberg dùng làm một trong ba loại di vật cơ bản để xác định các trung tâm chế tác kim loại bản địa trong khu vực phía Bắc Đông Nam Á (17).

Rõ ràng qua không phải là thứ vũ khí xa lạ với cư dân Đông Sơn. Người Đông Sơn đã tự mình đúc nên những chiếc qua đẹp. Trên một số lưỡi qua, chúng ta đã gặp những hình trang trí đậm đà phong cách Đông Sơn. Đó là hình chim, voi, thú đuôi dài quen thuộc. Đã nhiều người nói tới những chiếc qua này. Nhưng một khi thừa nhận rằng cư dân Đông Sơn biết đúc qua, thì lại không thể dùng hình trang trí có phong cách Đông Sơn làm tiêu chuẩn để phân biệt qua bản địa và qua ngoại lai, vì không phải lúc nào người xưa cũng trang trí các chế phẩm của mình. Chúng ta biết rõ điều này qua các loại di vật như rìu, giáo, dao găm… Không có lý do gì để nói rằng chiếc qua có hình voi mới là qua nội còn chiếc qua có hình dạng giống như vậy, nhưng không trang trí gì lại là qua ngoại. Để xác định qua nội (qua Đông Sơn) hay qua ngoại (không chỉ là qua Hán mà kể cả qua Tấn Ninh, qua Thái Lan…), các nhà khảo cổ học chúng ta cần nghiên cứu chu đáo hơn nữa về các tiêu chuẩn phân biệt.

Như vậy là trong tình hình hiểu biết hiện nay, chưa có thể coi chiếc qua có chữ nói trên là qua Trung Quốc, nhất là khi đã biết dòng chữ trên qua không phải là chữ Hán.

Thế thì chiếc qua này có phải là của Đông Sơn không? Cũng không thể trả lời dứt khoát câu hỏi này. Đó là vì qua được phát hiện ngẫu nhiên, khong qua khai quật, nên không thể thiết lập chắc chắn mối quan hệ giữa nó với văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, qua được phát hiện ở Việt Nam, mà trường hợp này có khả năng là ở Thanh Hóa, lại có niên đại Chiến Quốc – điều này sẽ được chứng minh thêm – nghĩa là vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì vẫn có hai khả năng: một là cư dân Đông Sơn đã sử dụng chiếc qua này, và hai là chính bản thân họ đã tạo ra nó.

Nếu qua do cư dân Đông Sơn chế tác ra, thì dòng chữ trên qua hiển nhiên là văn tự của họ. Vả lại, chúng ta đã biết đến hai ký hiệu, có khả năng là chữ viết, trên chiếc lưỡi cày chắc chắn thuộc văn hóa Đông Sơn. Như vậy, việc người Đông Sơn ghi dòng chữ trên chiếc qua không phải không thể xảy ra.

Nhưng vấn đề càng rắc rối, khi chúng ta biết rằng ở miền Nam Trung Quốc cũng có những chiếc qua mang các dòng chữ thuộc hệ thống văn tự nói trên.

Lại thêm ba chiếc qua trên đất Sở

Để xác định tính chất của dòng chữ lạ lùng trên chiếc qua đồng Thanh Hóa, ngoài việc tra cứu các loại chữ Hán cổ, tôi không thể không tìm đọc các minh văn trên qua đồng Trung Quốc. Tôi muốn tìm những quy luật ghi chữ trên qua của người Hán, hy vọng có thể từ đó liên hệ được với quy luật của thứ chữ viết bí ẩn vừa phát hiện.

Kết quả cuộc tìm kiếm các dòng chữ trên qua Trung Quốc thật bất ngờ với tôi: có ba chiếc qua trong mộ Sở ở Hồ Nam có cùng một loại chữ viết như chiếc qua Thanh Hóa.

Chiếc qua thứ nhất nằm trong một ngôi mộ Sở ở Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc) mà sau đây, tôi sẽ gọi là qua Trường Sa 1. Chúng ta biết về nó qua tấm ảnh trong bài “Mộ Sở ở Trường Sa” của Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, đáng trong Khảo cổ học báo, số 1,1959 (18). Trong bài báo có tính chất tổng hợp này, người ta chỉ cho biết là đến thời điểm đó, trong các mộ Sở ở Trường Sa, đã tìm được 12 chiếc qua đồng, chứ không miêu tả riêng biệt từng chiếc một. May mắn là ảnh của cả 12 chiếc qua này đều được công bố. Ảnh chiếc qua nói trên nằm trong số đó. Theo ghi chú dưới ảnh, ngôi mộ chứa chiếc qua có số hiệu 52, Trường Nghiên mộ 784. Nhưng niên đại của ngôi mộ này không được nói rõ trong bài, chỉ biết rằng các mộ Sở ở Trường Sa sớm nhất có thể đến cuối thời Xuân Thu, muộn nhất có thể đến đầu thời Tây Hán. Không một di vật nào khác của ngói mộ được công bố. Dựa vào tấm ảnh, chúng ta biết chiếc qua này thuộc loại hồ dài có ba lỗ (lỗ trên cùng bị sứt) (hình 3a), có từ thời Chiến Quốc, giống với chiếc qua Thanh Hóa.

Nhờ tấm ảnh in rõ, chúng ta có thể thấy dòng chữ dọc theo hồ của qua. Giữa những chiếc qua khác, mà một số có minh văn rõ ràng là chữ Hán, chiếc qua mang dòng chữ lạ này làm tôi chú ý, nhất là sau khi đã khảo sát chiếc qua Thanh Hóa. Tôi chép lại đây dòng chữ đó (hình 3b). Có bao nhiêu chữ trong dòng này? Sau ký hiệu thứ nhất (hình 4g), ta gặp ba ký hiệu (hình 4h) chồng lên nhau, hãy tạm coi cả ba hình này chỉ thuộc một ký hiệu hay một chữ. Và nếu vậy, dòng này có sáu chữ. Điểm đặc biệt đáng chú ý là chữ thứ năm (hình 4k) chính là chữ thứ nhất trên chiếc qua Thanh Hóa. Một ký hiệu được lặp lại ở hai nơi khác nhau, trên hai chiếc qua đồng tìm được cách xa nhau, và nằm ở vị trí khác nhau trén qua, đấy là một chứng cứ nữa để nói rằng những ký hiệu này là chữ viết. Khi nói về dòng chữ trên qua Thanh Hóa, tôi đã lưu ý đoạn cong có hai nhánh nhỏ bên trong ở ký hiệu thứ nhất (hình 4l). Giờ đây, chúng ta không chì gặp những đoạn cong đặc biệt đó ở chữ thứ năm trên qua Trường Sa 1) ở hai đoạn cong ở giữa thân chữ (hình 4g). Chữ thứ tư trên qua Trường Sa 1 (hình 4m) cũng có nhiều hơn chữ thứ hai trên qua Thanh Hóa (hiifnh 4n) hai đoạn cong.

Như vậy chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng nguyên tắc cấu tạo chữ trên chiếc qua Trường Sa 1 là giống với nguyên tắc cấu tạo chữ trên chiếc qua Thanh Hóa, hay nói cách khác, hai dòng chữ trên hai chiếc qua này có chung một cách cấu tạo. Trong dòng chữ trên qua Truờng Sa 1, có một ký hiệu lặp lại hai lần (chữ thứ nhất và thứ ba), và một ký hiệu (chữ thứ năm) giống với qua Thanh Hóa.

Tóm lại, có thể đi đến kết luận rằng dòng chữ trên chiếc qua Trường Sa 1 và dòng chữ trên chiếc qua Thanh Hóa là cùng một hệ thống chữ viết. Những chữ trên chiếc qua Trường Sa 1 cũng không tìm thấy trong các hệ thống chữ viết của người Hán. Do đó, lần nữa, chúng ta lại thấy rằng hệ thống chữ viết này là không phải Hán, khác Hán.

Chiếc qua thứ hai tìm được trong một ngôi mộ Sở ở trấn Đức Sơn, huyện Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Theo báo cáo khai quật của Bảo tàng Hồ Nam, ở Đức Sơn có 84 ngôi mộ Sở, được chia làm ba giai đoạn: sớm, giữa và muộn. Ngôi mộ chứa chiếc qua này mang số 26, thuộc giai đoạn giữa, có niên đại thời kỳ đầu của Chiến Quốc (Chiến Quốc tiền kỳ). Tuy có được nhắc đến trong báo cáo khai quật, chiếc qua này – mà sau đây tôi gọi là qua Đức Sơn – không được tác giả báo cáo miêu tả, chúng ta biết đến nó nhờ hai hình vẽ hai mặt qua và một tấm ảnh (19).

Chiếc qua Đức Sơn cũng thuộc loại hồ dài có ba lộ (hình 5) như qua Trường Sa 1 và qua Thanh Hóa. Đặc biệt là viền quanh nội của qua Đức Sơn, co đường trang trí giống hệt với đường trang trí ở qua Trường Sa 1. Bên cạnh lỗ ở nội, trên qua Đức Sơn còn có những hình trang trí, khác nhau giữa hai mặt.

Dọc theo hồ, trên mỗi mặt, có một dòng chữ. Như vậy là qua Đức Sơn có đến hai dòng chữ. Đáng tiếc là ảnh của chiếc qua này quá mờ, nên không thể dùng để kiểm tra tính chính xác của bản vẽ. Tôi ngờ là người ta đã chép lại không đúng mọi chi tiết các dòng chữ, nhưng cũng đành phải sử dụng các bản vẽ này vì không còn cách nào khác.

Bây giờ chúng ta hãy xem dòng chữ thứ nhất, mà tôi sẽ gọi là dòng a (hình 5a). Dòng này có sáu ký hiệu. Hai ký hiệu cuối cùng không rõ, nhưng chỉ chữ thứ sáu là khác kiểu, còn chữ thứ năm xem ra vẫn cùng cách cấu tạo với bốn chữ trên. Bốn chữ trên có những chi tiết khác nhau, nhưng tôi chắc đó là do nét chữ trên qua bị mờ, hoặc là do người ta không nắm được kiểu chữ này mà sao chép lại không đúng. Theo tôi cả bốn chữ này, có thể chỉ là một ký hiệu (hình 4u). Ký hiệu này cũng có những đoạn cong có hai nhánh bên trong đặt trên đầu như ở chữ thứ nhất của qua Thanh Hóa và ở chữ thứ nhất, chữ thứ ba, chữ thứ năm của qua Trường Sa 1. Ký hiệu đó chỉ hơi khác ở chỗ vạch dọc không nối liền các đoạn cong ngang mà để hở giữa đoạn cong thứ nhất và đoạn cong thứ hai, kể từ trên xuống. Giữa đoạn cong thứ hai và đoạn cong thứ ba còn thêm một cái móc nửa đoạn cong. Hai móc từ hai phần hướng về phía giữa chữ. Nếu bốn – và có thể là năm – ký hiệu đều giống nhau, thì một câu hỏi được đặt ra là liệu các ký hiệu ở đây có phải là những chữ biểu hiện các từ ở trong câu nữa không? Bởi vì, một câu 6 từ mà có đến 4 hoặc 5 từ lặp lại thì không thể tưởng tượng nổi! Và do đó, phải chăng những ký hiệu này không phải là chữ viết, mà chỉ là hình trang trí? Tôi không nghĩ như vậy. Ký hiệu này không tách rời hệ thống ký hiệu chữ đã trình bày ở trên. Nguyên tắc cấu tạo chúng nói rõ mối liên hệ đó. Có thể ký hiệu này là một từ đặc biệt nào đó mà ở đây, người ta lặp lại nhiều lần để thực hiện một chức năng đặc biệt nào đó, ngoài khả năng của ngôn ngữ thông thường. Vả lại, chữ khắc trên qua không nhất thiết phải là một câu, một mệnh đề. Và tuy là chữ, chúng có thể đồng thời được dùng để trang trí. Ngay chữ Hán trên qua đồng thời Xuân Thu – Chiến Quốc, trong nhiều trường hợp cũng mang tính chất trang trí. Vấn đề này sẽ trở lại sau đây.

Trong khi đó, ở dòng chữ thứ hai, trên một mặt khác của qua Đức Sơn, mà tôi sẽ gọi là dòng b (hình 5b), sáu ký hiệu hoàn toàn khác nhau. Mới xem qua, chúng ta có cảm giác là các ký hiệu này xa lạ với hệ thống ký hiệu – chữ đã biết trên qua Thanh Hóa qua Trường Sa 1, và cả dòng a của qua này. Nhưng nếu nhìn kỹ ký hiệu thứ hai và thứ tư của dòng b, ta lại thấy cái đoạn cong có nhánh (hình 41) đặt phía trên. Các dấu đặc trưng đó cho phép chúng ta xếp các ký hiệu này vào hệ thống chữ viết đã biết. Như vậy, trên hai mặt qua, người ta dùng một thứ chữ viết. Điều đó dễ hiểu hơn so với trường hợp ở hai mặt qua, có hai thứ văn tự khác nhau.

Nhưng một khi đưa các ký hiệu ở dòng b qua Đức Sơn vào hệ thống chữ viết đang nói tới, thì đồng thời, phải ghi nhận thêm một đặc điểm: trong hệ thống chữ viết này có những chữ mang tính chất tượng hình. Ký hiệu thứ năm của dòng b, hẳn là hình mặt trời. Ký hiệu thứ nhất của dòng này được chép lại không rõ ràng, nhưng chắc cũng có tính chất tượng hình, vì ta thấy có hai hình mặt trời nhỏ ở phía trên. Các hình mặt trời này đều có tia, làm ta nhớ đến hình mặt trời giữa trống Đông Sơn. Trong một số văn tự tượng hình, ký hiệu hình mặt trời thường chỉ từ “mặt trời” hay từ “ngày”. Trong văn tự Hán, chữ nhật (hình 4p) cũng là một hình vẽ mặt trời và có ý nghĩa như vậy, nhưng trong Kim văn Trung Quốc, chữ nhật chưa bao giờ được viết với hình mặt trời có nhiều tia như ở đây. Đó cũng là một yếu tố phân biệt hệ thống này với văn tự Hán.

Ký hiệu thứ sáu của dòng b cũng có thể là một chữ tuợng hình (hình chiếc cốc có chân cao hay hình đầu con thú sơ đồ hóa?).

Với hai dòng chữ trên qua Đức Sơn, chúng ta biết thêm về tính đa dạng của hệ thống văn tự này. Những chữ tượng hình và không tượng hình của hệ thống này còn được gặp trên chiếc qua thứ ba ở vùng đất Sở.

Chiếc qua thứ ba, sẽ được gọi là qua Trường Sa 2 vì cũng tìm được ở Trường Sa, được biết đến nhờ một bản thông báo ngắn (giản lấn) từ năm 1958 (20). Không hiểu vì sao bài “Mộ Sở ở Trường Sa” công bố năm 1959 (21), không nhắc gì đến chiếc qua này, có lẽ vì bài này chỉ tổng kết các tài liệu được phát hiện từ 1956 về trước, trong khi chiếc qua này được tìm thấy năm 1957. Qua nằm trong một ngôi mộ Chiến Quốc ở Công viên Liệt Sĩ góc Đông Bắc thành Trường Sa (mang số hiệu 57, Trường Liệt M003). Chu Thế Vinh, tác giả bài thông báo, có mô tả sơ lược chiếc qua. Qua có hồ, dài ba lỗ, giống các qua đã nói tới ở trước (hình 6a). Nhờ tấm ảnh, ta còn thấy các trang trí ở phần nội rất giống qua Đức Sơn. Chu Thế Vinh cũng chép lại dòng chữ trên hồ của qua và gọi là “minh văn”, tức đã thừa nhận đó là chữ viết, nhưng không khảo thích và bình luận gì cả.

Dòng minh văn trên qua Trường Sa 2 có năm chữ (hình 6b). Ba chữ giữa chỉ là một ký hiệu lặp lại ba lần (hình 4q). Ký hiệu này có cách cấu tạo khá quen thuộc. Điểm khác biệt đang chú ý ở đây là trong các đoạn cong đặt ở phía trên, các nhánh đan chéo vào nhau, và đoạn cong ở giữa chữ biến thành nét thẳng ngang. Từ được lập lại ba lần phải chăng cũng là để thực hiện một chức năng như ở dòng a qua Đức Sơn. Chữ thứ nhất và chữ thứ năm trên qua Trường Sa 2 đều là tượng hình.

Chữ thứ nhất là hình hai nửa mặt trời chồng lên nhau. Mặt trời trên được cắt bởi một đường thẳng, mặt trời dưới được cắt bởi một đường cong. Các mặt trời đều có tia sáng tỏa ra, như các mặt trời trên dòng b qua Đức Sơn. Chữ thứ năm hình như là vẽ một cái nồi trên bếp đang bốc hơi. Cũng có thể hai vạch ở dưới không tượng trưng cho bếp mà là chân đế của đồ đựng.

Thế là chúng ta đã lướt qua các dòng chữ trên ba chiếc qua đồng tìm được trong các mộ Sở ở Hồ Nam và nhận ở đây một hệ thống chữ viết khác Hán giống với hệ thống đã dùng để ghi dòng chữ trên chiếc qua Thanh Hóa.

Ba chiếc qua trong mộ Sở ở Hồ Nam là do người Trung Quốc thông báo, vậy các học giả Trung Quốc có biết rằng những dòng chữ này là thuộc một hệ thống chữ viết khác Hán hay không? Không có chứng cứ nào để nói rằng họ đã nhận ra hệ thống chữ viết này. Như trên đã nói, Chu Thế Vinh chỉ chép lại, tức vẽ lại, dòng chữ trên qua Trường Sa 2 mà không có nhận xét gì. Dương Hoa, người chấp bút viết bản báo cáo khai quật mộ Sở ở Đức Sơn, huyện Thường Đức, thậm chí lại không nhắc gì đến minh văn trên qua Đức Sơn, ngoài việc công bố hai bản vẽ. Chỉ có Văn Đạo Nghĩa, người chấp bút bài “Mộ Sở ở Trường Sa”, đã dành đoạn cuối cùng để nói về các loại văn tự trên các di vật tìm thấy trong mộ Sở:

“Ngoài chữ viết trên thẻ tre (trúc giản), trên các con dấu và vũ khí cũng có không ít minh văn, về kiểu chữ của chúng thì đại thể có tỉ văn, Điểu triện, Đại triện và chữ viết thông dụng của sáu nước. Tỉ văn phần lớn dùng trên các con dấu, do ở thời cổ, con dấu đều phải giữ bí mật, nên dạng chữ thường có kết cấu ly kỳ, không dễ đọc ra. Điểu triệnĐại triện đều dùng trên qua, giáo, kiếm, đặc biệt là Điểu triện chỉ phát hiện ở trên qua đồng, có lẽ còn có ý nghĩa trang sức. Trong các kiểu chữ viết nói trên, trừ một bộ phận trên vũ khí và thẻ tre, số còn lại thật khó nhận ra. Chúng tôi hy vọng các chuyên gia nghiên cứu cổ văn tự học, nhanh chóng sử dụng loại tài liệu này, đẩy mạnh công việc khảo thích, để chúng ta có thể nhận thức và hiểu rõ bộ mặt văn hóa Sở thêm bước nữa” (22).

Như vậy, đối với Văn Đạo Nghĩa, dù còn nhiều chữ trên các di vật Sở chưa đọc ra, chúng vẫn thuộc ba loại chữ: Tỉ văn, Đại triệnĐiểu triện.

Tỉ văn là chữ trên các con dấu. Nhìn vào các con dấu thấy trong những mộ Sở ở Trường Sa, chúng ta thấy tuy khó đọc, nhưng đều có thể nhận ra chúng là chữ Hán.

Đại triện, còn gọi theo truyền thống là Lựu văn (vì tương truyền là do Thái sử Lựu (hay Trựu) tạo ra), chỉ chung lối viết chữ Hán trước Tần, phân biệt với Tiểu triện từ khi Tần thống nhất Trung Quốc. Kim văn Ân Chu, trước Tần Hán, mà chúng ta nói tới ở phần trước, chính là Đại triện.

Điểu triện, cũng gọi là Điểu thư, tức chữ viết hình chim, một lối chữ viết có tính chất trang trí, phổ biến thời Chiến Quốc, nhất là ở các nước vùng Dương Tử như Ngô, Việt, Sở, Thái…(23). Ở lối chữ viết này, các chữ hoặc có nét biến thành hình chim, hoặc được vẽ thêm hình chim bên cạnh. Hình chim có thể vẽ khác nhau, do đó, một chữ thường được viết bằng nhiều kiểu. Hãy lấy một ví dụ: trong bài “Mộ Sở ở Trường Sa” đang nói tới, bên cạnh ảnh chiếc qua có dòng chữ lạ đã miêu tả ở trên, là ảnh một chiếc qua gẫy, mà ở hồ còn thấy rõ một chữ Điểu triện (24). Theo tôi, đó là chữ dụng (nghĩa là dùng) (hình 7a). Chữ dụng trên chiếc qua này rõ ràng có phần khác với chữ dụng trên chiếc qua Vương tôn Ngư nước Sở (hình 7b) (25) và chữ dụng trên chiếc qua Công tử Quả nước Thái (hình 7c) (26), cũng như chữ dụng trên lưỡi giáo của Vua Việt hiện giữ ở Bảo tàng Anh (British Museum) mà tôi đã được xem (hình 7d) (27), và nhất là khác với chữ dụng trên đốc kiếm vua Việt được công bố trong Thương Chu kim văn lục di (hình 7e) (28).

Nếu bỏ hình chim và các chi tiết trang trí trong năm chữ dụng viết theo lối Điểu triện trên đây, ta sẽ còn lại chữ dụng viết theo lối Đại triện (Tiểu triện trong trường hợp này cũng viết như vậy). Nói cách khác, Điểu triện chỉ là một lối Đại triện cách điệu hóa. Như vậy, Điểu triện tuy có vẻ rắc rối, nguyên tắc cấu tạo của nó không phức tạp lắm, nên đọc được nó không phải là việc quá khó khăn.

Tôi dừng lâu một chút ở Điểu triện vì đây là lối chữ Hán thường gặp trên qua đồng Chiến Quốc, như Văn Đạo Nghĩa nói, đồng thời cũng là để nhấn mạnh rằng dòng chữ trên chiếc qua Trường Sa 1 hoàn toàn không phải là Đại triện hay Điểu triện của văn tự Hán. Khi không đọc được dòng chữ trên qua Trường Sa 1, Văn Đạo Nghĩa vẫn tưởng rằng các chữ này cũng chỉ là Điểu triện hay Điểu triện, tức các kiểu văn tự Hán mà thôi, do đó đã không thể phát hiện được một hệ thống chữ viết mới.

Dấu vết của một hệ thống chữ viết khác Hán trên các di vật Sở, cho đến nay đã không được các học giả Trung Quốc và các nhà Trung Quốc học nước ngoài phát hiện một phần là do giữa họ đã phổ biến một quan điểm cho rằng cư dân nước Sở, một quốc gia bị Hán hóa mạnh nhất trong khu vực Trường Giang, đến thời Chiến Quốc, không thể có ngôn ngữ riêng, nói chi đến văn tự riêng, về vấn đề văn tự Sở, chúng ta sẽ trở lại sau đây. Ở đây, chỉ nói rằng, dù có tài liệu trong tay, các học giả Trung Quốc đã không chú ý, nên không có sự tổng hợp so sánh, và do đó, không nhận ra được một hệ thống chữ viết khác Hán.

Tính chất của hệ thống chữ viết vừa phát hiện

Năm dòng trên bốn chiếc qua, gồm tất cả 28 chữ. Nhưng thực ra chỉ có 20 ký hiệu. Một số ký hiệu được lặp lại nhiều lần. Để tiện theo dõi, tôi đưa 20 ký hiệu đó vào bảng sau:

Các ký hiệu mang số thứ tự từ 1 đến 11 có cùng một nguyên tắc cấu tạo, trong số đó, các ký hiệu từ 6 đến 11 mang đoạn cong có nhánh trên đầu.

Các ký hiệu từ 12 đến 16 mang tính chất tượng hình, trong đó, các ký hiệu 12, 13, 14 có hình mặt trời, ký hiệu 15, 16 có thể liên quan đến đồ đựng. Các ký hiệu 13, 18, 20 không rõ trên các qua, nên không được chép lại chính xác.

Hai ký hiệu trên lưỡi cày Đông Sơn chưa được chứng minh là thuộc hệ thống này nên không đưa vào bảng.

Chúng ta biết còn quá ít các ký hiệu và văn cảnh của chúng, nên chưa thể giải mã được, nhưng như vậy, cũng đã đủ để xác nhận tồn tại một hệ thống chữ viết.

Hiện nay, có nhiều định nghĩa về chữ viết. Theo V. A. Istrin, một chuyên gia Liên Xô nghiên cứu lịch sử chữ viết, “chữ viết có thể được định nghĩa là phương tiện giao tế bổ sung cho tiếng nói âm thanh, nảy sinh trên cơ sở ngôn ngữ, phục vụ chủ yếu cho việc truyền đạt tiếng nói trên khoảng cách lớn và cho việc cố định tiếng nói qua thời gian, được thực hiện bằng những ký hiệu hay những hình tượng và thông thường, chúng truyền đạt những yếu tố này hay khác của tiếng nói, những thông báo riêng biệt đơn giản nhất, từ, hình vị, âm tiết hay âm vị” (29).

Trong khi đó, một số học giả khác đã đòi hỏi nhiều hơn trong định nghĩa về chữ viết. Theo họ chữ viết không phải là mọi truyền đạt tiếng nói bằng ký hiệu và hình tượng vẽ mà chỉ thứ truyền đạt nào phản ánh được hình thức ngôn ngữ. Chẳng hạn I. M. Diakonov, chuyên gia về văn tự Lưỡng Hà cổ đại, đã viết “Chữ viết chân chính chỉ nảy sinh ở nơi nào mà ở đó… mỗi từ trong lời nói và tất cả quan hệ ngữ pháp giữa từ đều được tái hiện trong các ký hiệu vẽ, và như vậy, cái được tái hiện không những chỉ là ý nghĩa chung của thông báo mà còn là nội dung từng từ của nó” (30)’. Định nghĩa này đã gạt bỏ văn tự hình vẽ (pictogramme) ra khỏi phạm trù chữ viết – theo tôi, thế là không đúng – nhưng cho dù như vậy, hệ thống ký hiệu vừa phát hiện vẫn có khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe đó. Mỗi ký hiệu của hệ thống này có khả năng tương ứng với một từ. Trong các ký hiệu có cùng nguyên tắc cấu tạo (số 1 đến 11 trong bảng), sự thay đổi cách sắp xếp các nét hẳn phản ánh sự thay đổi ý nghĩa của các từ. Trong một dòng, có những ký hiệu giống nhau đứng ở vị trí khác nhau (như trên qua Trường Sa 1) hoặc trong hai dòng, cũng có những ký hiệu giống nhau nhưng đứng ở vị trí khác nhau (như trên qua Thanh Hóa và qua Trường Sa 1). Sự thay đổi trật tự các ký hiệu, mà cũng là trật tự các từ, chắc chắn là biểu hiện quan hệ ngữ pháp nào đó. Như vậy, dù theo định nghĩa nào, hệ thống ký hiệu trên vẫn rõ ràng là một hệ thống chữ viết.

Tùy theo các ký hiệu và hình tượng truyền đạt đơn vị yếu tố nào của tiếng nói mà chúng ta có các loại hình chữ viết khác nhau.

Theo cách phân chia truyền thống, có ba loại hình chữ viết:

1. Chữ viết hình, vẽ (hay văn tự đồ họa) (pictogramme, écriture pictographique).
2. Chữ viết ghi ý (hay biểu ý) (idéogramme, écriture idéographique).
3. Chữ viết ghi âm (écriture phonétique). Loại này lại chia ra chữ viết âm tiết và chữ viết âm vị.

Chữ viết hình vẽ (pictogramme) thường được coi là thứ chữ viết không phải truyền đạt lời nói mà truyền đạt trực tiếp nội dung của tư duy, nó không phản ánh hình thức của ngôn ngữ, và phương tiện của nó thường là các hình vẽ cụ thể chứ không phải là ký hiệu quy ước. Chữ viết hình vẽ được coi là thuộc giai đoạn sớm nhất của lịch sử văn tự. Người ta thường nhắc đến các bức thư hình vẽ của người Anh-điêng và người Ex-ki-mô. Gần với chúng ta, thứ văn tự thấy ở văn hóa Tấn Ninh (Vân Nam), như đã nói ở trên, cũng thuộc loại chữ viết hình vẽ.

Hệ thống chữ viết vừa phát hiện rõ ràng đã vượt qua giai đoạn chữ viết hình vẽ, nằm vào một giai đoạn cao hơn của lịch sử văn tự, có nhiều khả năng là một loại chữ viết ghi ý (idéogramme). Theo quan niệm phổ biến, trong chữ viết ghi ý, mỗi ký hiệu biểu đạt một khái niệm. Trong các văn tự ghi ý, có thể gặp những ký hiệu là những hình vẽ hiện thực hay sơ đồ truyền đạt trực tiếp khái niệm các vật thể hay hiện tượng mà chúng ghi lại (như nhà, người, chó…), nhưng cũng gặp những ký hiệu là hình hiện thực dùng truyền đạt những khái niệm trừu tượng hơn, như hình mặt trời chỉ khái niệm ngày, hình cái chân chỉ khái niệm đi. Ở dạng phát triển hơn, ta thường gặp sự kết hợp trong một ký hiệu các hình hiện thực cụ thể để biểu đạt một khái niệm trừu tượng. Như hình con mắt cạnh cung, chỉ khái niệm ngắm, hình con mắt cạnh con chó chỉ khái niệm dữ trong văn tự Xu-me, hình mặt trời cạnh hình mặt trăng chỉ khái niệm sáng trong văn tự Hán. Trong hệ thống chữ viết vừa phát hiện, cũng có những ký hiệu kiểu đó. Hình hai nửa mặt trời (ký hiệu số 14 trong bảng trên) là một trong số đó. Hình nửa mặt trời ở trên có lẽ là mặt trời mới mọc buổi sáng, nhô lên trên đường chân trời phẳng ngang, hay mặt biển phía Đông. Hình nửa mặt trời ở dưới có lẽ là mặt trời sắp lặn buổi chiều, đường cong như dáng núi phía Tây. Ký hiệu này biểu đạt khái niệm gì đây? Phải chăng là ngày từ rạng đông đến hoàng hôn? Hay là đêm, từ hoàng hôn đến rạng đông? Hay là gì khác? Chưa thể biết được, nhưng rõ ràng trước mắt chúng ta là một ký hiệu – khái niệm. Hình nồi nước bốc hơi cũng thế, là cơm, sôi, hơi, hay nóng?

Điểm đáng chú ý là trong hệ thống chữ viết này, các ký hiệu quy ước không liên quan đến các vật thể hiện thực chiếm một tỉ lệ lớn. Những ký hiệu này được tạo nên bằng những yếu tố nhất định, đó là những đoạn thẳng và đoạn cong được sắp xếp theo một trật tự nào đó. Có thể coi đoạn thẳng dọc và đoạn cong ngang là ký hiệu cơ bản (signe de base) của hệ thống này. Như đã nói ở trên, tùy theo cách sắp xếp của chúng, ta có thể có các từ khác nhau, có ý nghĩa khác nhau. Như vậy, các ký hiệu này cũng là các ký hiệu – khái niệm của chữ viết ghi ý.

Tuy nhiên những ký hiệu cấu tạo bằng những đoạn cong và đoạn thẳng nói trên đã làm cho chữ viết có tính chất hình tuyến (linéarie), mà như ta thấy, những ký hiệu hình tuyến, phân biệt nhau ở cách sắp xếp các vạch, thường hay gặp trong các hệ thống chữ viết ghi âm (31). Như vậy, khi chưa giải mã hệ thống chữ viết này, chúng ta không thể gạt bỏ hoàn toàn khả năng ghi âm của nó, mặc dù tôi nghiêng về phái cho rằng đấy là một hệ thống chữ viết ghi ý.

Nhưng hiện nay, cách phân loại truyền thống của chữ viết thành ba loại hình như trên đã bị nhiều học giả phê phán. Các định nghĩa hiện có về các loại hình chữ viết nói trên quả thực là không chặt chẽ. Do đó, đã xuất hiện một số cách phân loại mới.

Theo V. A. Istrin, chữ viết phải được chia thành năm loại hình:

1. Chữ viết ghi câu (Phrasogramme): Ký hiệu hay hình tượng (trong đó có cả những ký hiệu tượng trưng hay quy ước) truyền đạt toàn bộ thông báo, hầu như không phân chia thành các từ riêng biệt.
2. Chữ viết ghi từ (Logogramme): ký hiệu (kể cả tượng hình) truyền đạt từng từ riêng rẽ.
3. Chữ viết ghi hình vị (Morphèmogramme): Ký hiệu (kể cả tượng hình) truyền đạt bộ phận nghĩa nhỏ nhất của từ là hình vị (morpheme).
4. Chữ viết ghi âm tiết (Syllabogramme).
5. Chữ viết ghi âm vị (Phonogramme hay Phonemogramme). (32)

Nếu theo cách phần loại của Istrin hệ thống chữ vừ phát hiện có khả năng thuộc loại hình chữ viết ghi từ. Vì như đã nói ở trên, ký hiệu trong những dòng chữ trên các qua có thể là biểu đạt các từ. Đó là các ký hiệu – từ (signes – mots) như cách nói của M. Cohen (33) hay chữ – từ (Wortschrift) như cách nói của A. Falkenstein (34).

Tuy vậy, vẫn không loại bỏ hoàn toàn khả năng là chữ viết ghi âm tiết của hệ thống này, khi chưa đọc được nó.

Thêm một nhận xét nữa về đặc điểm của hệ thống chữ viết này: Trừ một số nhìn không rõ, tất cả các ký hiệu đã biết đều có cấu trúc đối xứng gương qua trục dọc chính giữa ký hiệu. Đáng chú ý đây cũng là đặc điểm chung cho cả hai ký hiệu trên chiếc lưỡi cày Đông Sơn mà chúng ta chưa chứng minh được là cùng một hệ thống với chữ viết trên qua đồng.

Niên đại và chủ nhân

Niên đại của hệ thống chữ viết này đã khá rõ. Qua Trường Sa 2 và qua Đức Sơn đều tìm được trong các ngôi mộ ở Hồ Nam thời Chiến Quốc. Các qua này đều thuộc loại hình có từ Chiến Quốc về sau, nhưng vì được chôn trong mộ Chiến Quốc, nên chúng phải được đúc trong thời Chiến Quốc chữ không thể muộn hơn. Riêng qua Đức Sơn còn được biết rõ hơn là tìm thấy trong một thời kỳ đầu (tiền kỳ) của Chiến Quốc. Thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc được coi là bắt đầu từ năm 403 – 221 tr.Cn, lúc Hàn, Ngụy, Triệu chia ba nước Tấn cho đến khi Tần diệt xong sáu nước. Không rõ khái niệm thời kỳ đầu Chiến Quốc là chỉ khoảng nào, nhưng tất nhiên phải là trước thế kỉ III tr.Cn… Qua Đức Sơn lại rất giống qua Trường Sa 2, kể cả hình dạng lẫn hoa văn trang trí. Như vậy, qua Trường Sa 2 hẳn cũng có niên đại trước thế kỉ III. Còn qua Trường Sa 1 thì tìm được trong một ngôi mộ, cũng ở Hồ Nam, mà niên đại không được thông báo chứ không được xác định. Chỉ biết ngôi mộ này ở trong số mộ có niên đại từ cuối Xuân Thu đến đầu Tây Hán. Nhưng bản thân chiếc qua Trường Sa 1 rất giống qua Trường Sa 2 và qua Đức Sơn, kể cả đường trang trí ở phần nội. Do đó, theo tôi, qua Trường Sa 1 cũng là qua Chiến Quốc, nếu không nói là tiền kỳ Chiến Quốc. Chiếc qua Thanh Hóa gãy mất một phần nội nhưng cũng giống ba chiếc qua Hồ Nam, nên theo tôi, cũng có niên đại tương đương.

Hệ thống chữ viết trên qua xuất hiện từ bao giờ thì ta không rõ, nhưng nó vẫn được ghi trên các qua thời Chiến Quốc, như vậy, hệ thống chữ viết này rõ ràng đã tồn tại trước khi Tần thống nhất Trung Quốc. Đối với Việt Nam, đó là thời kỳ trước khi người Hán xâm nhập, thời kỳ của văn hóa Đông Sơn. Và nếu chiếc qua Thanh Hóa, cũng như ba chiếc qua Hồ Nam, có niên đại đầu thời Chiến Quốc, vào thế kỉ IV tr.Cn., thì đó là thời kỳ quốc gia Văn Lang của các vua Hùng và thời kỳ văn hóa Đông Sơn đang phát triển rực rỡ.

Vấn đề chủ nhân của hệ thống chữ viết này thì phức tạp hơn nhiều. Cư dân nào đã sáng tạo ra hệ thống chữ viết này? Thứ ngôn ngữ mà hệ thống chữ viết này truyền đạt là của dân tộc nào? Hệ thống chữ viết này chỉ dùng cho một ngôn ngữ hay dùng cho một số ngôn ngữ? Hiện nay, chưa thể trả lời dứt khoát các câu hỏi đó.

Khi mới phát hiện dòng chữ trên chiếc qua Thanh Hóa, ta có thể đặt giả thiết rằng hệ thống chữ viết này là của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Nhưng sau khi phát hiện ba chiếc qua trong mộ Sở cũng có thứ chữ viết đó thì giả thiết trên còn có thể giữ được nữa không? Một câu hỏi sẽ được đặt ra là hệ thống chữ viết này phải chăng là của người Sở?

Như đã nói ở phần trước, các học giả càng ngày càng có khuynh hướng phủ nhận sự tồn tại của ngôn ngữ Sở và văn tự Sở. Ngôn ngữ Sở và văn tự Sở thực ra chỉ là ngôn ngữ Hán và văn tự Hán với sắc thái địa phương nào đấy thôi. Có thể dẫn ra đây ý kiến của Trương Quang Trực ở Đại học Yale, về văn hóa Sở, để thấy các luận chứng của quan điểm này:

“Văn hóa này (tức văn hóa Sở – HVT) dựa trên cùng một cơ sở truyền thuyết với văn minh phương Bắc, và xem ra cũng sử dụng cùng một tiếng nói. Đã biết đến hai văn bản chủ yếu viết bằng tiếng Sở, đó là Sở từ và Bản thảo Lụa Sở (35) phát hiện ở Trường Sa. Về ngữ pháp cũng như từ vựng, những văn bản này cũng là Hán (Chinese) như vất cứ văn bản đời Chu nào phát hiện được ở phương Bắc.

Minh văn thấy trên đồ đồng và thẻ tre rõ ràng cũng thuộc thứ ngôn ngữ đồng nhất đó. Có thể nói rằng điều đó chỉ chứng minh cư dân Sở đã bị người Hán phương Bắc đồng hóa về mặt ngôn ngữ, chừng nào chứng cứ về một ngôn ngữ có trước đó được phát hiện, thế nhưng lại chăng có căn cứ nào để chứng minh được sự tồn tại của thứ ngôn ngữ đó cả. Quả thực như Mạnh Tử đã nói, tiếng nói ở Sở có khác với tiếng nói ở Tề, và một số từ Sở được ghi trong Tả truyện (Tuyên Công năm thứ 4) và trong Sở từ có khác với các từ tương đương ở phương Bắc, nhưng những khác biệt như vậy khá nhỏ nhặt, chúng chỉ có thể là những khác biệt của phương ngữ, chẳng chứng minh được nó là một ngôn ngữ khác và riêng rẽ. Những minh văn tìm thấy trên các di vật Sở đều đồng nhất về phong cách với minh văn các nơi khác ở Trung Quốc thời bấy giờ, và chỉ có sự thịnh hành lối chữ hình chim (Điểu triện) là đặc điểm Sở thôi. Tóm lại, chẳng có chứng cứ khảo cổ nào đáng tin cậy để cho rằng cư dân Sở là một nhóm tộc người (ethnic group) khác với người Hán cùng thời ở phương Bắc” (36).

Noel Barnard, Đại học Quốc gia Úc, người đã nghiên cứu và công bố Bản thảo Lụa trong mộ Sở thời Chiến Quốc, cũng cho rằng chẳng có sự khác biệt nào giữa văn tự Sở và văn tự Hán Trung Nguyên. Thậm chí, ông còn cho rằng chữ viết có tính chất trang trí như Điểu triện cũng không phải là đặc trưng của Sở. Yếu tố này thực ra chỉ là đặc điểm của vùng biên giới cực Bắc của Sở và của hai quốc gia vùng duyên hải (chỉ Ngô và Việt -H.V.T), còn chính bản thân Sở thì số hiện vật tìm được trang trí ít phức tạp hơn. Một loạt lớn minh văn Sở là không trang trí trong đó từ ngữ và nội dung có thể so sánh với minh văn ở các quốc gia Trung Nguyên. Như vậy rõ ràng là trước thời Hán, Trung Quốc đã tồn tại một hình thức chữ viết và ngôn ngữ văn học khá chuẩn” (37).

Vấn đề tộc thuộc của cư dân Sở vô cùng phức tạp. Nguồn gốc của cư dân Sở – dân Kinh Man dưới mắt người Hán – theo tôi, rõ ràng không phải Hán. Nhưng với những chứng tích Hán hóa khai quật được ngày càng nhiều, chúng ta khó có thể nghĩ rằng đến thời Chiến Quốc, người Sở vẫn còn giữ được ngôn ngữ riêng và văn tự riêng. Những chiếc qua đồng nói trên lại được chôn trong các ngôi mộ giàu có, hẳn là của tầng lớp quý tộc, mà tầng lớp này, nếu chưa phải là Hán thì cũng Hán hóa mạnh hơn cả. Do đó, mặc dù các chiếc qua nói trên nằm trong các ngôi mộ Sở, những vẫn chưa thể nói rằng hệ thống chữ viết này là của người Sở.

Vào thời Chiến Quốc, Sở đã có mối quan hệ giao lưu văn hóa rất rộng rãi với nhiều vùng khác. Khảo sát các di vật trong mộ Sở, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Thế thì phải chăng những chiếc qua đồng này đã được đưa đến đất Sở từ các quốc gia không phải Hán ở vùng Trường Giang?

Từ nước Ngô chăng? Ngô cũng là một quốc gia mà cư dân có nguồn gốc không phải Hán, nhưng sau Sở, Ngô là nước bị Hán hóa khá mạnh. Không có chứng tích gì về văn tự và ngôn ngữ riêng của nước Ngô thời Chiến Quốc.

Hay là nước Việt? Qua và kiếm Việt vẫn thường được tìm thấy trong các quốc gia lân cận. Trong mộ nước Thái ở An Huy đã tìm được đến hai chiếc qua của Vua Việt (38). Trong mộ Sở ở Giang Lăng, Hồ Bắc, đã tìm thấy thanh kiếm có đề tên Việt Vương Câu Tiễn (39). Nhưng chữ trên các vũ khí này đều là chữ Hán, thường là Điếu triện. Tuy nhiên, cư dân nước Việt vẫn có ngôn ngữ riêng, Lưu Hướng thời Hán còn chép được một bài hát tiếng Việt, phiên âm bằng chữ Hán, trong Thuyết uyển. Nhà ngôn ngữ học Nhật Bản, Izui Hisanosuke, đã khôi phục lại âm của bài hát đó. Và thật bất ngờ đối với chúng ta, bài hát gần giống tiếng Chàm, một ngôn ngữ Malayo – Polynésie (40). Gần đây, Vi Khánh Ổn lại khôi phục bài hát Việt này thành tiếng Choang cổ (41). Dù các cách khôi phục đúng hay sai, thì tiếng Việt cũng không phải là tiếng Hán. Người Việt có ngôn ngữ riêng, thế thì có chữ viết riêng không? Không biết, nhưng có thể có. Tại nhiều nơi ở Phúc Kiến, đã tìm được một loại văn tự khắc trên vách đá (42). Có người cho đó là chữ của dân tộc Xa, có người cho đó là chữ của người Đông Việt trước khi người Hán xâm nhập. Nhưng loại văn tự này có tính chất của chữ viết hình vẽ (pictogramme), không phải là loại chữ viết trên các qua đồng mà chúng ta đang bàn đến.

Nước Điền ờ Văn Nam cũng có quan hệ với Sở, hay như người ta vẫn nói, do chính Trang Kiểu người Sở lập nên. Nhưng trong văn hóa Tấn Ninh, như ta đã thấy, văn tự mới xuất hiện ở trình độ chữ viết hình vẽ.

Còn một quốc gia không phải Hán nữa cũng có quan hệ giao lưu văn hóa với Sở, đó là nước Ba ở Tứ Xuyên. Ngày nay, một số học giả cho rằng cư dân Ba đã có chữ viết (43). Loại chữ viết này được gọi là văn tự Ba Thục hay Ba văn, gặp trên nhiều di vật trong các mộ thời Chiến Quốc – Hán ở Tứ Xuyên như ở khu mộ huyệt đất Tiểu Điền Khê (44), hay khu mộ quan tài hình thuyền ở Đông Duẩn Bá và Bảo Luân Viện (45). Theo Từ Trung Thư, người ta đã sưu tập được hơn 200 ký hiệu của thứ văn tự này (46). Các ký hiệu phần lớn là hình vẽ hiện thực, một số ít hơn có tính quy ước. Thứ văn tự này chưa đọc được nhưng rõ ràng khác hẳn hệ thống chữ viết trên các qua đồng nói trên (47).

Tóm lại, cư dân tât cả các quốc gia không phải Hán có quan hệ với Sở ở Nam Trung Quốc đều ít có khả năng là tác giả hệ thống chữ viết vừa phát hiện.

Một điểm đáng chú ý là trên miền đất mênh mông của nước Sở, trải rộng từ Hà Nam, An Huy, qua Hồ Bắc, Hồ Nam, chúng ta chỉ gặp những chiếc qua có thứ chữ bí ẩn nói trên ở vùng Trường Sa, Thường Đức, tức trong lưu vực sông Nguyên, sông Tương ở phía Nam. Nếu những chiếc qua này từ ngoài đưa vào đất Sở thì ắt hẳn từ phương Nam đến. Phía Nam của Sở, thông với lưu vực Nguyên, Tương, là đất tỉnh Quảng Đông. Nhưng trên đất Quảng Đông, không có một quốc gia nào sớm hơn nước Nam Việt của Triệu Đà thời Hán. Trong khu vực này, lại cũng không có một trung tâm văn hóa cao khả dĩ tạo ra một hệ thống văn tự độc lập. Trong khi đó, càng ngày chúng ta càng có thêm chứng cứ để nói rằng con đường từ Quảng Đông đến Trường Sa, đã chuyên chở ảnh hưởng văn hóa Đông Sơn đến đất Sở. Trước đây, chúng ta đã biết đến chiếc thạp đồng, rõ ràng là của văn hóa Đông Sơn, nằm trong ngôi mộ Chiến Quốc ở Triệu Khánh tỉnh Quảng Đông (48). Cuối năm 1980, chúng ta lại biết thêm những di vật văn hóa Đông Sơn ngay trên đất Hồ Nam. Đặc biệt thú vị là trong ngôi mộ số 1 ở Thụ Mộc Lĩnh thuộc Trường Sa, đã tìm được một chiếc dao găm có cán hình người bằng đồng, rất giống những chiếc dao găm đã phát hiện ở Việt Nam (49). Người công bố những di vật này cho rằng chúng có phong cách của tộc Việt. Có thể nói dứt khoát rằng đó là những sản phẩm của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam.

Ở Trường Sa, nơi đã tìm thấy những chiếc qua mang các dòng chữ giống như chiếc qua Thanh Hóa, ngày này đã tìm thấy cả những di vật văn hóa Đông Sơn. Như vậy tại sao không thể nghĩ rằng những chiếc qua nói trên đã được chủ nhân văn hóa Đông Sơn tạo ra, rồi đưa vào đất Sở cùng với những sản phẩm khác của họ?

Do đó, theo tôi, giả thiết cho rằng cư dân Đông Sơn là người sáng tạo ra hệ thống chữ viết đã tìm thấy trên các qua đồng, và cả trên lưỡi cày đồng, vẫn giữ nguyên ý nghĩa.

Nhưng giả thiết thì vẫn là giả thiết, muốn chứng minh hay bác bỏ, đều cần có nhiều tài liệu hơn nữa.

Nói gọn lại trong mấy dòng:

A. Những điều khẳng định:

1. Dấu vết của một hệ thống chữ viết từ trước chưa được nói đến đã tìm thấy trong khu vực từ phía Nam sông Dương Tử đến sông Mã.
2. Hệ thống chữ viết này đã ở một trình độ cao hơn loại hình chữ viết hình vẽ (pictogramme).
3. Hệ thống chữ viết này khác Hán, không phải Hán.
4. Hệ thống chữ viết này có trước khi Tần thống nhất Trung Quốc, và trước khi người Hán xâm lược Việt Nam.

B. Những điều giả thiết:

1. Hệ thống chữ viết này có khả năng thuộc loại hình chữ viết ghi ý, hoặc theo một cách phân loại khác, là chữ viết ghi từ. Cũng không loại bỏ khả năng có yếu tố ghi âm.
2. Hệ thống chữ viết này là do cư dân chủ nhân văn hóa Đông Sơn sáng tạo. Họ đã ghi thứ chữ của họ lên vũ khí, cũng như lên công cụ sản xuất. Đó là chữ viết thời Hùng Vương. Cùng với văn hóa Đông Sơn, những sản phẩm Đông Sơn có ghi chữ đã được đưa đến các vùng khác.

C. Những việc cần tiếp tục:

1. Tìm kiếm tất cả các ký hiệu, hình tượng hay quy ước, trên di vật Đông Sơn, mà trước hết là trên đồ đồng và đồ gốm.
2. Tìm dấu vết ký hiệu tương tự trên các di vật cùng thời hay gần cùng thời ở vùng Hoa Nam và Đông Nam Á.
3. Làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các ký hiệu trên lưỡi cày đồng và trên qua đồng.
4. Cuối cùng, và cần thiết nhất, giải mã hệ thống chữ viết đã phát hiện.

Trên thế giới, nhiều hệ thống chữ viết cổ, từ khi phát hiện cho đến khi có người đọc được phải trải qua một khoảng thời gian rất dài, có khi đến mấy thế kỷ. Nhưng sự chú ý của nhiều người cũng là một yếu tố để rút ngắn khoảng thời gian đó.


Chú thích: 

(1) Phan Huy Lê và Chử Văn Tần: “Xã hội thời Hùng Vương”, trong Hùng Vương dựng nước, tạp IV, Hà Nội, 1974, tr. 256.

(2) Lê Văn Lan và Văn Trọng: “Đời sống vật chất và tinh thần thời Hùng Vương”, trong Hùng Vương dựng nước, tập IV, Hà Nội, 1974, tr. 306.

(3) Phan Huy Lê và Chử Văn Tần: “Phát triển và tổ chức xã hội”, trong Hùng Vương dựng nước, tập III, Hà Nội, 1973, tr. 322.

(4) Victoria de la Jana: “Giải mã chữ viết của người Inca” (chữ Pháp), trong Khảo cổ học số 62, 1973.

(5) Lê Trọng Khánh Vấn đề lực lượng vũ trang nhà nước và chữ viết thời Hùng Vương” trong Hùng Vương dựng nước, tập IV, Hà Nội, 1974, trang 301.

(6) Trong buổi thuyết trình tại Ủy ban Khoa học Xã hội ngày 23-10-1970, Lê Trọng Khánh đã coi hình người chèo thuyền, hình hươu và chó trên một số rìu đồng đều là chữ viết. Ông đã đọc bằng cách tách các hình đó thành các bộ phận mà ông coi là tương ứng với các chữ cái Thái hay chữ số Thai. Chẳng hạn, hình những người trên chiếc rìu ờ Bảo tàng Lịch sử có số hiệu là 1.22235, được đọc thành một chữ số Thái là 3777.

(7) Phan Huy Lê và Chử Văn Tần: “Phát triển và tổ chức xã hội”. Đã dẫn.

(8) Lâm Thanh: “Thử giải thích văn tự đồ họa trên tấm đồng đào được ớ Thạch Trại Sơm, Tấn Ninh, Vân Nam” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 5, 1961, tr. 33-40.
R. C. Rudolph: “Một di chỉ Đông Sơn quan trọng ở Vân Nam” (chữ Anh) trong Viễn cảnh châu Á, tập IV, 1961, tr.41-49.

(9) Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ: Danh mục các hiện vật sưu tầm (chữ Pháp), bản đánh máy, tập V, tr. 122.

(10) Quách Bảo Quần: “Vũ khí đồng thau thời Ân Chu” (chữ Trung Quốc), trong Khảo cổ, số 2, 1961, tr. 112.

(11) Hứa Thận, Thuyết văn giải tự (chữ Trung Quốc), quyển I, Trung Hoa Thư cục, Bắc Kinh, 19333, tr 27. Mãng, theo Hứa Thận, là nhiều cỏ (chúng thảo dã).

(12) Dung Canh, Kim vân biên (chữ Trung Quốc), Bắc Kinh 1959.

Uông Nhân Thọ, Kim thạch đợi tự điển (chữ Trung Quốc), bản in ảnh của Cầu Cổ Trai”, Thượng Hải, 1926.

Cũng có thể tra cứu bằng các tuyển tập minh văn trên đồ đồng Ân Chu, chẳng hạn, La Chấn Ngọc, Tam đại cát kim văn tồn (chữ Trung Quốc), Thượng Hải, 1937; Vu Tỉnh Ngô, Thương Chu kim văn lục di (chữ Trung Quốc), Bắc Kinh, 1957…

(13) Dung Canh, Kim văn biên (chữ Trung Quốc), Bắc Kinh, 1959, “Phụ lục thượng” (từ tr. 791) và “Phụ lục hạ” (từ tr.923).

Tham khảo thêm Hayashi Minao: “Kí hiệu hình vẽ thời đại Ân Chu” (chữ Nhật) trong Đông phương học báo, số 39,1968, tr. 1-117.

(14) Thương Thừa Tộ, Ân khư vân tự loại biên (chữ Trung Quốc), Thượng Hải, 1923.
Tôn Hải Ba, Giáp cốt vân biên (chữ Trung Quốc), xuất bản lần thứ 2, Bắc Kinh, 1965.

(15) Umehara Sueji: “Về các qua đồng phát hiện được ở Bắc Đông Sơn” (chữ Nhật), trong Đông Dương sử luận tùng, Kyoto, 1950.

(16) Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh, Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam, Hà Nội, 1963, tr. 171.

(17) Magdalene von De wall: “Các trung tâm chế tác địa phương trong hậu kỳ thời đại đồng thau ở vùng cao Đông Nam Á” (chữ Anh), trong Đông Nam Á cổ xưa, New York – Kuala Laumpur, 1979, tr. 137 – 166.

(18) Bảo tàng Hồ Nam: “Mộ Sở ở Trưởng Sa” (chữ Trung Quốc), trong Khảo cố học báo, số 1, 1959, bản ảnh 10, hình 6.

(19) Bảo tàng Hồ Nam: “Báo cáo khai quật mộ Sở ở Đức Sơn, Thường Đức, Hồ Nam” (chữ Trung Quốc), trong Khảo cổ, số 9, 1963, tr. 465, hình vẽ 10, bản ảnh 2, hình 6.

(20) Chu Thế Vinh: “Mộ táng chiến Quốc được thanh lý ở Công viên Liệt Sĩ, Trường Sa (chữ Trung Quốc), trong Khảo cổ thông tấn, số 6,1958, tr. 47-49, hình 4.

(21) Bảo tàng tỉnh Hồ Nam: Mộ sở ở Trường Sa. Đã dẫn.

(22) Bảo tàng tỉnh Hồ Nam: Mộ sở ở Trường Sa. Đã dẫn, tr. 58.

(23) Ve điếu triện, có thể xem Dung Canh: “Điếu thư khảo” (chữ Trung Quốc), trong
Trung Sơn đợi học học báo, (Triễt học, Xã hội khoa học), sô 1,1964, tr. 75-91.

(24) Bảo tàng tỉnh Hồ Nam: “Một Sở ở Trường Sa”. Đã dẫn, bản ảnh 11 hình 3.

(25) Thạch Chí Liêm: “Qua đồng Sở Vương Tôn Ngư” (chữ Trung Quốc) trong Văn vật, số 3,1963, tr. 46-47.

(26) Trí Hợp: “Qua Thái công tử Quả” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 7,1964, tr. 33.

(27) Có thế xem toàn bộ dòng chữ trên lưỡi giáo này trong William Watson: “Phong cách trong nghệ thuật Trung Quốc” (Chữ Anh), Sách Penguin, 1974, tr. 99.

(28) Vu Tỉnh Ngộ, Thương Chu kim văn lục di (chữ Trung Quốc), Bắc Kinh, 1957, hình 598.

(29) V. A. Istrin, Sự phát sinh và phát triển của chữ viết (chữ Nga), Moscow, 1965, tr. 13.

(30) I. M. Diakonov, Bàn về chữ viết, trong D. Euringer, Chữ cái (chữ Nga), Moscow, 1963, tr. 9.

(31) Chẳng hạn trong chữ viết hình tuyến B (ecriture lineaire B) vào thiên niên kỷ thứ II tr. CN, phát hiện ở đảo Cret, co các ký hiệu như (ro), (pa), (te)… Hoặc trong chữ viết đảo Sip (ecriture Cypriote) vào thiên niên kỷ I tr.Cn, có các ký hiệu như (ti), (ka), (te), (si)… Các văn tự này đều là chữ viết ghi âm tiết.

(32) V. A. Istrin: Đã dẫn, tr. 36.

(33) M. Cohen, Phát minh lớn về chữ viết và sự tiến hóa (chữ Pháp), Paris, 1958, tr. 38-67.

(34) A. Falkenstein, văn bản cổ tìm được ở Ưruk (chữ Đức), Berlin, 1936.

(35) Bản thảo Lụa mà Trương Quang Trực nói ở đây chỉ là một tài liệu chữ viết trên lụa phát hiện trong một ngôi mộ Sở ở Trường Sa từ thời Tưởng, sau đó bị đưa về Mỹ. Người Trung Quốc gọi tài liệu này là Tăng thư hay Bạch thư, tức Sách lụa.

Về Bản thảo Lụa hay Sách Lụa Sở, có thể xem An Chí Mẫn và Trần Công Nhu: “Sách lụa Chiến Quốc ở Trường Sa và các vấn đề có liên quan” (chữ Trung Quốc), trong Văn Vật, số 9, 1963. Cũng xem Trương Thừa Tộ: “Trình bày sơ lược về sách lụa Sở thời Chiến Quốc” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 9, 1964, tr 8-20.

(36) Trương Quang Trực: “Các mặt chủ yếu trong khảo cổ học Sở” (Chữ Anh) trong Nghệ thuật Trung Quốc xưa và ảnh hưởng trong lòng chảo Thái Bình Dương, Đài Loan, 1974, tr. 29.

(37) Noel Barnard: “Bản thảo Lụa Sở và các tài liệu khảo cổ học khác của Trung Quốc cổ đại” (chữ Anh), trong Nghệ thuật Trung Quốc xưa và ảnh hưởng trong lòng chảo Thái Bình Dương, Đài Loan, 1974, tr. 85.

(38) Trần Mộng Gia: “Ba ghi chép về đồ vật nước Thái” (chữ Trung Quốc), trong Khảo cổ, số 7,1963, tr. 381-382.

(39) Đội công tác văn hóa Cục văn hóa tỉnh Hồ Bắc: “Một loạt văn vật quan trọng tìm được trong ba ngôi mộ sở ở Giang Lăng, Hồ Bắc” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 5,1966?

(40) lzui Hisanosuke: “Về bài hát Việt trong “Thuyết uyển”, quyển thứ nhất, của Lưu Hướng” (chữ Nhật), trong Ngôn ngữ nghiên cứu, số 22-23,1953, tr. 41-45.

(41) Vi Khánh Ổn: “Thử tìm mối quan hệ giữa “Bài hát người Việt” và tiếng Choang” (chữ Trung Quốc), trong Tập luận văn về ngữ văn dân tộc, Bắc Kinh, 1981, tr. 23-46.

(42) Hoằng Lễ: “Chữ viết trên vách đá của dân tộc thiểu số Phúc Kiến” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 6,1960, tr. 67-68.

(43) Du Vi Siêu: “Ghi chép tiếp theo về chiếc thích có hình điệu múa “Đại vũ” (chữ Trung Quốc), trong Khảo cổ, số 1, 1964, tr 54-55. Từ Trung Thư: “Chiếc thuần vu có núm hình hổ đào được ở Tiểu Khê Điền, Bồi Lăng, Tứ Xuyên” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 5, 1974, tr. 79.

(44) Bảo tàng tỉnh Tứ Xuyên: “Báo cáo sơ lược việc thanh lý mộ huyệt đất thời Chiến Quốc ở Tiểu Khê Điền, địa khu Bồi Lăng, Tứ Xuyên” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 5, tr. 79.

(45) Bảo tàng tỉnh Tứ Xuyên: “”Báo cáo khai quật mộ quan tài hình thuyền ở Tứ Xuyên” (chữ Trung Quốc), Bắc Kinh, 1960, tr. 62.

(46) Từ Trung Thư: Đã dẫn, tr. 81.

(47) Cũng có người không thừa nhận các ký hiệu trên đồ đồng Tứ Xuyên này là chữ viết, chẳng hạn, Uông Ninh Sinh: “Từ ký sự nguyên thủy đến phát minh chữ viết” (chữ Trung Quốc), trong Khảo cổ học báo, số 1, 1981, tr. 34.

(48) Bảo tàng tỉnh Quảng Đông và Tiểu tổ khai quật Cục Văn hóa thị trấn Triệu Khánh: “Báo cáo sơ lược khai quật mộ cổ ở Tùng Sơn, Bắc Lĩnh, thị trấn Triệu Khánh tỉnh Quảng Đông” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 11, 1974, hình 8 (tr. 71) và hình 28 (tr. 78).

(49) Cao Chí Hỉ: “Mấy văn vật mang phong cách tộc Việt phát hiện được ở Hồ Nam” (chữ Trung Quốc), trong Văn vật, số 12,1980, hình 8 (tr. 49) và hình 11 (tr. 50).