Khai = mở, Tâm = tim, tức là cái đức sáng Trời phú cho để biết phân biệt phải trái, thiện ác, cũng gọi là minh đức, trực giác hay lương tri. Khai tâm là dậy cho đứa trẻ mở cái tâm cho thông, có giữ được cái tâm thông thì trực giác mới sáng suốt, mới nhìn ra lẽ phải trái của sự vật. Nếu để cho tư dục dấy lên, tình cảm phóng túng thì cái tâm loạn, dù mắt thấy tai nghe cũng không hiểu. Lý trí ít khi thấu tới phần cốt tủy của sự việc như trực giác, chỉ giúp ta tính toán điều hơn lẽ thiệt thiển cận, lại dễ ngụy biện, biến trái thành phải.

Khi đứa trẻ được 6, 7 tuổi (tuổi ta) người ta chọn ngày lành, tháng tốt để làm lễ Khai tâm cho nó. Lễ Khai tâm được coi trọng vì nó mở đầu cuộc đời mới của đứa trẻ, cuộc đời của một Nho sĩ học đạo Thánh hiền để thành người quân tử, noi theo con đường “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, giúp ích cho nhân quần xã hội. Vì đạo Nho lấy “tu thân” làm gốc nên phải Tiên học lễ, hậu học văn tức là trước hết dậy đứa trẻ cách cư xử đối với mọi người trong gia đình và xã hội (hiếu, đễ, nhân, tín), vun trồng cội gốc bằng đức hạnh rồi sau mới tới phần đào tạo tài năng bằng Thi, Thư .

I – LỀ KHAI TÂM TI GIA

Thời xưa học vỡ lòng không nhất thiết phải đến trường, có thể học ở nhà với cha anh hoặc với Thầy đồ được mời đến ở hẳn trong nhà để dậy học. Dù ớ trường hợp nào cũng phải thành kính làm lễ cáo Tiên sư và cáo gia tiên.

1 – Lễ cáo Tiên sư / Thánh sư (Khổng Tử) và lễ bái sư (Thầy đồ) :

Tùy gia cảnh, bàn thờ Thánh sư thường được thiết lập giản dị ở giữa nhà hay ở giữa sân, trên bầy đèn hương, hoa quả, bánh trái vv. Trước tiên Thầy đồ khăn đóng, áo dài, vào chiếu lễ, xin nhận đứa trẻ làm học trò và xin Thánh sư phù hộ cho đứa trẻ học hành sáng láng. Thầy lễ xong đến lượt người cha, sau cùng là đứa bé, đã tắm rửa sạch sẽ, khăn áo mới chỉnh tề.

Dưới đây là hồi ức của các nhà văn Ðặng Thái Mai, Sở Bảo và Lỗ Tấn :

“Một buổi sáng, trong một giờ tốt, trên cái sân nề trước nhà, quét rửa sạch bóng, ông chúng tôi cho dựng lên một cái bàn thờ (không bao giờ làm lễ Thánh hiền trong nhà thờ tổ) để cáo với tiên thánh, hậu hiền là từ hôm nay nhà này có mấy thằng nhóc bắt đầu … học vỡ lòng !” (1).

“Thầy đồ lên gối lễ 4 lễ mấy vái. Ðến lượt cha tôi rồi mới tới tôi lễ bàn thờ 4 lễ 4 vái, rồi lễ Thầy 4 lễ hai vái” (2).

“Nhà Thầy học tôi, bước qua cái ngõ tre sơn hắc ín đến gian thứ ba là phòng học. Chính giữa treo cái biển đề Tam Vị Thư Ốc, dưới biển là một bức tranh vẽ một chú nai đốm hoa mai, béo tròn, nằm dưới gốc cổ thụ. Không có bài vị Khổng Tử, chúng tôi hành lễ trước cái biển và chú nai đó. Lạy lần thứ nhất, kể cho là lạy Khổng Tử, lạy lần thứ hai là lạy Thầy học. Ông Thầy học đứng một bên vui vẻ đáp lễ” (3).

2 – Lễ cáo gia tiên

Muôn việc gốc ở Trời, con người gốc ở tổ “. Thời xưa tin rằng người chết tuy thể phách (phách = vía, một phần sự hiểu biết của con người) tan nát nhưng “tinh anh” vẫn còn, biến thành quỷ. Quỷ có thể can thiệp đến việc của người sống và phù hộ cho con cháu .

Bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, thắp đèn hương, bầy hoa quả, bánh trái. Người cha khăn áo chỉnh tề, bước vào chiếu quỳ khấn cáo tổ tiên hôm nay cho con đi học, cầu tổ tiên phù hộ cho con học giỏi. Ðứa trẻ cũng khăn áo mới theo cha vào quỳ lễ tổ tiên.

Sau lễ cáo Tiên sư, lễ cáo gia tiên và lễ bái sư (lễ sống Thầy đồ) mới bắt đầu buổi học đầu tiên, thường là học thuộc lòng mấy câu trong Tam tự kinh, học mặt chữ, học nghĩa và tập viết.

Vũ Ngọc Phan kể :

“Năm tôi lên 6 tuổi, mẹ tôi làm gà xôi đặt lên nóc tủ chè, thầy tôi khăn áo khấn Thánh sư. Tôi cũng mặc áo dài tử tế và lễ trước bàn thờ ông Thánh đạo Nho. Tôi học Tam tự kinh và viết tô lên những chiếc bảng gỗ… tô như thế đến 2, 3 tháng mới được tô lên chữ son” (4).

II – LỀ NHẬP MÔN TẠI TRƯỜNG TƯ THỤC

Thời xưa, làng nào cũng có trường tư thục do các Thầy đồ ngồi nhà dậy những lớp đồng ấu, tiểu học. Làng nào không có người văn học thì đón Thầy ở làng khác về “ngồi” tại một tư gia để dậy con em gia chủ, đồng thời Thầy có quyền thu nhận thêm học trò khác trong làng.

Cha mẹ muốn xin học cho con trước hết phải “sửa” một cái lễ (trầu cau, xôi gà, tùy tâm) đem đến nhà Thầy. Thầy đồ nào cẩn thận thì giắt học trò đến Văn Chỉ làm lễ Khổng Tử trước rồi mới cho học trò lễ sống mình, gọi là lễ nhập môn.

1 – Thầy đồ

Thầy đồ thường là một Hàn nho, tức là người chưa đỗ đạt, sinh nhai bằng nghề dậy học, viết mướn, có khi cả bốc thuốc chữa bệnh, khác với Hiển nho là người đã thi đỗ làm quan, hay Ẩn nho là người không thích làm quan bị bó buộc. Cả ba tuy danh vị khác nhau nhưng cùng một chí hướng là đem sở học, tài năng ra giúp đời, giữ gìn Chính đạo (đạo Nho), dậy dỗ bọn hậu sinh, truyền bá đạo Thánh, lại lấy phẩm hạnh làm mẫu mực cho người đời noi theo, nên dẫu chưa vinh hiển Thầy đồ vẫn được dân chúng nể vì, xã hội trọng vọng, kính mến.

Thầy tuy nghèo nhưng tiền học thường chỉ lấy tượng trưng và được thỏa thuận trước với cha mẹ học trò. Một thí dụ, hồi đầu thế kỷ XX :

“Ông Lý Cựu nuôi cơm Thầy đồ dậy 4 anh ấy (con ông Lý) một năm hai cái quần, hai cái áo dài, hai cái áo cộc. Còn học trò chúng ta mỗi đứa mỗi năm 4 quan tiền và mồng 5 ngày Tết tùy tâm, được thế nào hay thế ấy. Tiền công thì bắt đầu nghỉ mùa tháng 5 Thầy lấy một nửa tức là 2 quan, Thầy đã mặc cả trước rồi” (5).

– “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (= dậy học mà không nghiêm là do sự lười biếng của ông thầy) (Tam tự kinh)Bổn phận của Thầy không những dậy học chữ mà còn phải uốn nắn học trò để thành người có phẩm hạnh. Người xưa tin rằng “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn ” : “Thầy hay”không những phải giỏi mà còn phải dữ đòn thì học trò mới sợ mà chăm học, có học mới nên người, cho nên bên cạnh Thầy đồ, ngoài sách vở, nghiên bút, bao giờ cũng có một cái roi mây thật dài để thị uy. Tục ngữ ta còn có câu : “Yêu cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi “.

Vì trình độ học trò không đồng đều, một mình Thầy không chăm sóc xuể tất cả nên Thầy thường sai những học trò giỏi thay Thầy kèm những trò kém hoặc mới vỡ lòng. Học trò giỏi còn được vinh hạnh thay Thầy trừng phạt các trò lười biếng, dốt nát.

– “Quân Sư Phụ “- Trong xã hội Khổng giáo, địa vị ông Thầy cao hơn địa vị người cha vì cha chỉ có công sinh dưỡng, Thầy mới là người dậy dỗ, uốn nắn, đào tạo cho đứa trẻ thành người hữu ích cho xã hội, cho nên học Thầy thì phải trọng Thầy. Trong đám rước vinh quy, võng Thầy được xếp đi trước võng cha mẹ.

Bùi Huy Bích phàn nàn trong Lữ Trung Tạp Thuyết :”Trong đời Hồng-Ðức (1470-1497), Cảnh-thống (1498-1504) rất trọng Nho, ai đã được đứng trong hàng chầu đều phải giữ gìn thanh hạnh, cho nên khí tiết tốt không đời nào thịnh bằng “Tiền Lê” (…) Từ khi Trung Hưng, các việc giản lược (…) Ðến mấy năm gần đây thời thật tệ quá, nhà Quốc tử giám là nơi lễ nghĩa mà học trò ngồi cạnh các quan, giơ tay vạch đùi, cười đùa ầm ầm, chẳng còn lễ phép gì cả (…) Cụ Thân Trai nói : “Khi ta 15, 16 tuổi, vào nhà Quốc học, trông thấy học trò muốn hỏi Thầy điều gì phải quỳ dưới thềm, không như bây giờ kẻ đứng, người ngồi, thật là lộn xộn” (6).

– “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư  (=học một chữ cũng coi là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy). Học trò lớn lên dù có hiển đạt hơn Thầy đối với Thầy trước sau vẫn phải một niềm kính cẩn, dù làm quan to mà đến nhà Thầy cũng phải trụt dép ra đi đất để tỏ lòng kính trọng.

– “Sống Tết, chết giỗ” cũng là bổn phận của học trò đối với Thầy học. Phải tỏ lòng biết ơn Thầy bằng cách khi Thầy còn sống thì ngày Tết biếu xén quà cáp con gà, thúng gạo tùy gia cảnh ; khi Thầy chết, đặc biệt đối với những ông Thầy có công tác thành, học trò đích thân khiêng linh cữu Thầy ra đồng ; đến ngày giỗ thì họp ở nhà Thầy, nếu Thầy không có con thì họp ở nhà người Trưởng tràng, để làm giỗ Thầy cho đến hết đời. Nước ta có lệ hễ nhắc đến tên một người nào có danh vọng thường không quên nhắc đến tên ông thầy đã tác thành cho.

2 – Học trò

Trẻ con thời xưa, ai cũng phải học những câu khuyến học như :

Ngọc bất trác, bất thành khí,
Nhân bất học, bất tri lý.

dịch là :Ngọc kia chẳng dũa, chẳng mài,
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi,
Con người ta có khác gì…

Những câu giáo huấn có vần điệu tuy dễ học song ham chơi vốn là tính trẻ mà học đạo lý lại khô khan, khó hiểu, thứ nhất phải học bằng chữ Hán không phải là thứ ngôn ngữ thường dùng nên không biết ai đã tinh nghịch sửa đổi lời Thánh hiền thành :

Tam tự kinh là rình cơm nguội,
Tính bản thiện là miệng muốn ăn.

Cao hơn một bậc thì đặt ra những trò chơi để giúp thuộc mặt chữ như :”Hồ xách khố, cố đấm lưng, nhĩ bẹo tai, tu bẹo cầm, tâm bẹo lưng, mục bẹo mắt…”tức là trò chơi giở bất cứ quyển sách nào ra để trước mặt, hai người cùng đọc thật nhanh, hễ gập chữ “hồ” thì được phép cầm giây lưng bạn mà giật tuột ra, gập chữ “cố” thì được đấm thật mạnh vào lưng bạn, gập chữ “nhĩ” thì có quyền bẹo tai vv. Hễ “địch” chỉ đúng chỗ có chữ ấy thì cuộc tấn công phải ngừng ngay (7).

Cái tính ưa nghịch ngợm của học trò đã đi vào ca dao tục ngữ :”Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò“, thần đồng Lê Quý Ðôn (8) cũng không ra khỏi lệ đó. Tương truyền thuở nhỏ Lê Quý Ðôn rất ham chơi, cha mẹ đánh mắng thế nào cũng không chừa. Năm lên 7 tuổi, một hôm có người bạn của cha đến nhà gập lúc cậu bé Lê Quý Ðôn đang bị la rầy về tội trốn học đi chơi bèn trêu ghẹo, đồng thời cũng là để thử sức học, bắt làm một bài thơ mà đầu đề là “Rắn đầu biếng học”. Những tưởng nhạo chơi con trẻ, ai ngờ Lê Quý Ðôn vin ngay vào chữ “rắn” trong đầu đề, ứng khẩu làm một bài thơ 8 câu, câu nào cũng có tên rắn, ở trong để nhạo lại. Bài thơ đến nay còn truyền tụng :

Rắn đầu biếng học

Chẳng phải liu điu (9)cũng giống nhà,
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha.
Thẹn đèn, hổ lửa (10)đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm (11),rát cổ cha.
Ráo (12) mép chỉ quen lời lếu láo,
Lằn (13) lưng cam chịu vết roi tra (14).
Từ nay TrâuLỗ (15) xin siêng học,
Kẻo hổ mang (16) danh tiếng thế gia.
Lê Quý Ðôn, Vân Ðài Loại Ngữ

CHÚ THÍCH

1 – Ðặng Thái Mai, Hồi Ký, tr. 170.

2 – Sở Bảo, Trung Bắc Chủ Nhật, số 27, 1/9/1940.

3 – Lương Duy Thứ, Lỗ Tấn, tr. 49.

4 – Vũ Ngọc Phan, Những Năm Tháng Ấy, tr. 67.

5 – Chu Thiên, Bút Nghiên, tr. 21.

6 – Tuyết Trang Trần văn Ngoạn dịch Bùi Huy Bích, Bùi Huy Bích, Lữ trung tạp thuyết“, tập Hạ, tr. 162, 228 – Nam Phong số 19, 1/1919.

“Tiền Lê”, trỏ vào đầu thời “Hậu Lê”, ý muốn đối với nhà “Lê Trung Hưng”, đúng ra “Tiền Lê” trỏ vào thời Lê Ðại Hành.

Tuyết Trang chú là Thân Trai sinh năm 1713, đỗ Tiến sĩ năm 1754, có chỗ chép Thân Trai chính là Nguyễn Bá Trữ, thầy của Bùi Huy Bích, đỗ Tiến-sĩ năm 1754, song Trần văn Giáp trong Tìm hiểu Kho Hán Nôm lại ghi là Thận Trai Phan Huy Cận (1722-89) đỗ Hội nguyên rồi Ðồng Tiến sĩ khoa 1754, còn Danh nhân văn hóa Bùi Huy Bích thì nói họ Bùi là học trò Lê Quý Ðôn.

7 – Chu Thiên, Nhà Nho, tr. 3.

8 – Lê Quý Ðôn (1726-84), hiệu là Quế Ðường, người Thái-bình, tác giả nhiều sách biên khảo, văn thơ có giá trị : Kiến Văn Tiểu Lục, Vân Ðài Loại Ngữ, Ðại Việt Thông Sử, Tứ Thư Ước Giải, Toàn Việt Thi Lục, Quế Ðường Thi Tập… Ông nổi tiếng là thần đồng, mới 2 tuổi đã biết phân biệt chữ hữu (= có) với chữ vô (= không) ; 4 tuổi biết đọc thơ Ðường ; 5 tuổi thuộc lầu Kinh Thi ; 10 tuổi biết làm các loại văn bài ; 14 tuổi học hết “Bách gia chư tử”. Năm 1743, 17 tuổi, đỗ Hương nguyên ; năm 1756 đỗ đầu với danh vị Bảng-nhãn. Năm 1760, làm Phó sứ sang Trung quốc, đã gửi về chúa Trịnh bản phúc trình đầu tiên thuần bằng Nôm. Làm quan đến chức Thượng Thư, khi mất, triều đình bãi chầu mấy ngày để tỏ ý kính trọng.

9 – Liu điu = một loài rắn nhỏ và độc, dài độ một gang tay, mình bằng chiếc đũa, mầu vàng thẫm, còn gọi là Kim sà.

10 – Hổ lửa = một loài rắn độc thuộc dòng hổ mang, cổ bạnh ra khi xúc động, mình dài độ một thước, tròn ba phân, có vằn mầu đỏ như lửa.

Ðèn lửa chỉ công phu học tập dưới ánh đèn, ánh lửa.

11 – Mai gầm = cũng thuộc loài hổ mangMai gầm là tên gọi ở miền Trung và Nam, ở Bắc gọi là cạp nong, dài khoảng gần hai thước, thân có ba cạnh gồm những khoanh đen và vàng vòng quanh bụng. Rắn cạp nia dài độ 1 th 35, mầu đen xanh xanh hay nâu thẫm, có khoanh trắng hay vàng nhưng không vòng qua bụng, miền trong gọi là mai gầm bạc.

12 – Ráo = rắn nước, không độc, dài hơn 2 thước, còn gọi là Thanh sà.

13 – Lằn = thằn lằn.

14 – Vết roi tra = tra khảo. Có bản chép “vết roi cha”, không ổn vì trùng với chữ “cha” ở câu 4.

15 – Trâu = hổ trâu, một loài rắn độc da đen như da trâu, dài 2 thước, cổ có một hay hai điểm trắng nên gọi là rắn mang kính, miền Nam gọi là rắn hổ đất, cũng thuộc loài hổ mang.

Trâu là quê của Mạnh Tử, Lỗ là quê của Khổng Tử, hai ông Thánh (Khổng) và Á Thánh (Mạnh) của đạo Nho.

16 – Hổ mang = mình dài 1 th 80, hễ gập người thì sợ, bạnh cổ ra chực phun nọc độc để tự vệ.