Tôi nhớ có ai đó nói câu rằng, khi bạn hoài niệm những chuyện đã qua, tức là bạn đang bước vào tuổi già. Tuổi trẻ, người ta có xu hướng nhìn đến tương lai, còn những ai đã đi quá nửa đời người lại thường hay chiêm ngẫm những gì mình đã trải nghiệm. Tôi dù tuổi chưa già, nhưng lại cứ hay “lẩm cẩm” nhớ đến những chuyện ngày xửa ngày xưa…

Tôi sinh ra và lớn lên giữa cái thời kỳ người ta gọi là “đổi mới”, chính là khi những giá trị văn hóa ngoại lai du nhập vào ngày càng mạnh mẽ, văn hóa truyền thống dần bị coi là “cổ hủ lạc hậu”, là khi đô thị hóa dần dần thay thế nông thôn, là khi toàn cầu hóa và giao lưu quốc tế gần như xóa nhòa mọi ranh giới về khoảng cách…

Nhưng mà nhìn xem, tôi thấy những gì trong sự thay đổi đó?

Chẳng phải bi quan hay tiêu cực đâu, nhưng có đôi lúc giữa dòng xoáy cuộc đời tôi không thể nhận ra nổi cảnh quang trước mắt mình nữa. Tôi nhớ Hà Nội những ngày xa xưa. Tôi nhớ Hà Nội đẹp như một bức tranh yên bình tĩnh lặng đã bị năm tháng bào mòn đến không còn vết tích.

Này nhé, tôi nhớ miên man Hà Nội mùa thu, khi mùa cốm bắt đầu cũng là lúc mùa hoa sữa rộ lên thơm nồng nàn từng góc phố. Bầy chim sâm cầm lại về đầy ắp những bóng tươi vui trên Hồ Tây xanh ngắt. Hà Nội của tôi năm xưa, mặt hồ xanh, bầu trời xanh, và những bóng cây xanh… Điểm xuyết vào đó là sắc hoa sưa trắng muốt mùa xuân, sắc sen hồng mùa hạ, sắc hoa đào mỗi độ cuối năm…

Này nhé, tôi nhớ quay quắt những đêm hè với những tiếng rao bán đồ ăn khuya, những buổi sáng mùa thu trời vừa trong đến nỗi có thể nhìn xuyên thấu cả bầu trời, nhớ những ngày xuân mưa giăng mắc như những mảng tơ dày đan dệt kín không gian, hay nhớ những trưa mùa hạ đi hứng từng mảng nắng xuyên qua tán cây cổ thụ huyền ảo khôn cùng…

Này nhé, tôi nhớ cồn cào những phiên chợ hoa cuối năm, tấp nập những người đi sắm Tết. Hoa thược dược, hoa lay-ơn, hoa violet, hoa đồng tiền… những sắc hoa “nhà quê” mà đến giờ ít người còn yêu thích. Tôi còn nhớ cả những nồi bánh chưng chiều cuối năm, nhớ cái tinh thần tắm rửa bằng lá thơm cho gột sạch bụi trần để đón một năm mới nhiều may mắn. Khi đó, người ta đối đãi với nhau bằng tấm lòng rất thật, cười với nhau những nụ cười rất thật…

“Hà Nội muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”
(Tranh qua tranhsondauhanoi.com)

Còn quang cảnh Hà Nội ngày hôm nay, những ngày này, dù đã vào đông nhưng cái se lạnh đầu mùa chẳng đủ đánh thức được những xúc cảm giao thời ngủ vùi qua mùa cũ. Khắp nơi chỉ là bụi, mở cửa nhìn ra ngoài cứ ngỡ sương mù nhưng hóa ra là lớp bụi dày mù mịt khắp chốn. Bụi phủ khắp những mái nhà, bụi phủ khắp những con đường, bụi phủ kín những tán cây, bụi che mờ cả những khuôn mặt đi ngang qua trong tầm mắt. Phải chăng là bụi nhiều đến độ phủ kín cả tình người. Con người ta bị cuốn vào nhịp sống hối hả náo nhiệt ồn ào. Đô thị hóa, những tòa nhà cao tầng mọc lên khắp nơi chẳng theo quy hoạch nào, chỗ này thấp, chỗ kia cao… làm cho Hà Nội như những mảng màu vụn vỡ. Không còn thấy nắng vàng, không còn thấy trời xanh, chẳng nhìn được mây trắng! Than ôi đâu đâu cũng chỉ là bụi mịt mờ!

Những tán cây cổ thụ cứ đổ xuống, những nhà cao tầng, những đường sắt trên không, những công trình hiện đại mọc lên liên tiếp… Khi vật chất đủ đầy rồi, tôi tự hỏi liệu trong thẳm sâu tâm hồn con người ta có vơi được bớt những nỗi cô đơn?

Ai đó nói tôi lạc thời cũng được, chính tôi cũng cảm thấy mình như sinh ra trong một thế hệ bỏ đi, trong tiềm thức không hoàn toàn xa lạ với những thứ văn hóa Phương Tây, nhưng lại xa lạ với những giá trị đã gắn bó bao đời ông cha mình, và có lẽ đến một lúc nào đó sẽ không còn lại chút bản sắc nào hết.

Nếu như nói đến một thế hệ cô đơn, bạn sẽ nghĩ đến ai? Là một thế hệ đã mất giống như trong những tác phẩm của Ernest Hemingway, hay những người trẻ cô đơn đến mức độ muốn xóa đi sự tồn tại của chính mình trong Rừng Na-uy của Murakami. Không phải, tôi không thấy những hình ảnh xa xôi đó, mà là những điều bình dị đang diễn ra ngay xung quanh mình.

Những người trung tuổi đang không ngừng lăn xả mưu sinh, với hy vọng cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Họ bận rộn với những kế hoạch không ngừng nghỉ mà không biết chính vòng xoáy ấy tạo thành một cơn lốc “cô đơn” kéo họ vào và không thoát ra được. Bận rộn, căng thẳng, rồi cũng kiệm cả những lời hỏi han với các bậc sinh thành. Họ bỏ lại những người già cô đơn lạc lõng trong chính “tổ ấm” của mình, nếu như không phải là bị giam chân trong bốn bức tường của những căn hộ chung cư thì cũng là cả năm mỏi mòn chờ vài lời thăm hỏi của con cháu.

Những đứa trẻ lớn lên cũng không còn xếp ông bà hay cha mẹ ở vị trí tôn kính đầu tiên, mà coi các “oppa”, các “soái ca” là lẽ sống, có đôi khi thần tượng đến mức độ đánh mất cả tôn nghiêm của chính bản thân mình. Chúng lựa chọn giao tiếp với nhau bằng điện thoại, bằng máy tính, bằng mạng xã hội… hơn là gặp mặt. Cuộc sống ảo đó, cũng tràn ngập trong nó sự bi thương của cô đơn và khuyết thiếu những giá trị nhân sinh thực thụ.

Và còn, con cái của chúng tôi, những thế hệ sau đó nữa, rồi sẽ ra sao? Chúng phải chăng sẽ lại tiếp tục hát bài ca “cô đơn bất tận” mà không tự biết?

Thương hải tang điền, mới đó chưa có bao nhiêu năm mà cảnh mất, hồn người cũng mất. Tôi cứ tiếc nhớ những ngày xưa như vậy, nhưng vĩnh viễn chẳng thể nào mua nổi tấm vé quay ngược dòng thời gian nữa, chỉ là chút tản mạn thôi mà sao lòng không khỏi cảm thán: “Hà Nội muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”

Ngọc Anh