Hồi tốt nghiệp, một người bạn chép tặng tôi một bài thơ vào cuốn sổ nhỏ, tôi không biết tác giả là ai, lâu quá rồi, nay nghe cụm từ “tinh thần mã thượng” trong đầu tôi bỗng ngân nga lõm bõm mấy câu trong bài.
“Có những người
Trên đường đời
Cho ta niềm vui
Có những người
Trên đường đời
Cho ta cay đắng
Cho dù hạnh phúc
Cho dù khổ đau
Tim ta chấp nhận
Với bao nguyện cầu
…”
và cái kết thật ám ảnh:
“Có những người
Trên đường đời
Khi ta ngã ngựa
Vẫn còn vung roi.”
“Tinh thần mã thượng” là gì? Nghĩa đen, là cụm từ dùng để nói về tinh thần trách nhiệm, đức tin, lòng trung thành, can đảm và danh dự của các hiệp sĩ thời trung cổ ở Châu Âu. Thời hiện đại, cụm từ này dùng để chỉ những người không phải là hiệp sĩ nhưng có tinh thần của hiệp sĩ.
Người có tinh thần mã thượng coi trọng trách nhiệm nên họ thường tự nguyện đảm nhận những việc khó khăn, vất vả. Và nhờ vậy họ trở thành người can đảm.
Họ quý trọng danh dự hơn mạng sống nên họ không chấp nhận đánh đổi phẩm giá để cầu chén cơm. Họ luôn đề cao tính trung thành nên không bao giờ họ đâm lén người khác sau lưng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Họ nói lời giữ lời, nhất quán trước sau như một.
Họ không bao giờ hà hiếp người dưới ngựa, nghĩa là người yếu thế hơn mình. Khi bị người yếu thế hiểu sai, sỉ nhục kiếm chuyện… người có tinh thần mã thượng thường không chấp nhặt lấy làm tức tối trả đũa.
Việt Nam mình có một cụm từ khác, cũng rất hay và có liên quan, “giang hồ mã thượng”. Giang hồ là những người sống lang bạt rày đây mai đó. Họ thường có tinh thần hào hiệp, phong lưu, trượng nghĩa, hay giúp đỡ người yếu thế.
Hồi xưa, đàn bà Việt ít lo việc xã hội nên cụm từ “tinh thần mã thượng” được dùng riêng cho giới đàn ông. Thế nên mới có chuyện khi thấy đàn ông nào mà chấp nhặt, câu nệ tiểu tiết, bủn xỉn, ăn hiếp người yếu thế, thì ông bà ta sỉ nhục hắn là “thằng đàn bà!” Giờ, thời thế thay đổi, đàn bà nếu muốn cũng đường hoàng tinh thần mã thượng như ai.
Đời sống xã hội người Việt mình, hiện nay, hẳn vẫn còn những người có tinh thần mã thượng nhưng có vẻ họ dần trở nên lạc lòai.
Ngày xưa, thằng con trai đứa con gái chạy xe ở đường, bị người già chạy yếu quẹt phải, thì người trẻ không bắt lỗi bắt phải mà dành lòng quan tâm coi người già có bị đau bị thương ở đâu không. Đàn ông con trai không chấp, không bắt nạt, thậm chí luôn nhường nhịn đàn bà con gái kể cả khi có xung đột, mâu thuẫn, nói gì đến việc xuống tay đánh đập. Giờ, già trẻ trai gái gì không quan trọng, ai có nhiều sức mạnh, quyền, thế và tiền hơn thì thắng. Bất chấp.
Tinh thần mã thượng không còn được dạy dỗ trong gia đình. Nhà trường bây giờ có dạy không? Có lồng ghép vào các bài học đạo đức để dạy con người sống cao thượng hơn?
Nhan nhản cảnh kẻ cậy có quyền ăn hiếp áp bức người yếu thế. Quan trên ăn hiếp quan nhỏ, quan nhỏ ăn hiếp nhà buôn, cơ sở làm ăn. Giới chủ ăn hiếp công nhân. Người có tiền khi có cơ hội vung tiền sử dụng dịch vụ thì liền ăn hiếp người phục vụ.
Cách đây chưa lâu, hồi tôi thường giúp dân oan và viết về hoàn cảnh, mảnh đời, trường hợp của họ, tôi những tưởng họ sẽ nhận được nhiều đồng cảm. Tôi đã khá bất ngờ khi có rất nhiều người nghi ngờ dân oan và vu cho họ đủ thứ tội, chụp mũ, sỉ nhục đủ các kiểu. Hỏi ra đã tiếp xúc với dân oan chưa thì bảo chưa? Nếu có tinh thần mã thượng thì không ai làm cái điều tác tệ vậy.
Lên mạng xã hội thì càng khó tìm ra người có tinh thần mã thượng. Qua ứng xử, trao đổi, thảo luận… thấy lớn nhỏ, trong ngoài, cao thấp gì cũng đều ăn thua đủ từng chút, ngay với kẻ dưới mình. Khi người ta đã rơi vào thế không còn chống đỡ hoặc đã chịu thua, kẻ thừa thắng vẫn xông lên đạp bồi thêm vài cú, chỉ để cho hả. Thấy người ngã ngựa mà ta vẫn còn vung roi là thể hiện cái ác, tàn bạo và giết chết danh dự của chính mình. Cái đẹp chết thì cái không đẹp trỗi dậy.
Nếu chúng ta không còn nhắc nhau cố gắng giữ những điều tốt đẹp, dù ít ỏi, trong cái xã hội vốn đã quá nát quá chán này, thì mai mốt lấy hạt giống đâu mà gieo?!
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả