Nhật là quốc gia nơi rất nhiều em học sinh tự bắt tàu, xe bus đến trường và về nhà khi mới chỉ 5-6 tuổi…

Trẻ em Nhật Bản đã thắng ngay từ điểm xuất phát - Trí Thức VN

Một ngày mùa thu ở căn nhà ngoại ô Tokyo, Nhật Bản, cô bé Mari Ando 6 tuổi đang chuẩn bị đồ đạc đến trường.

Em tự tắm, đánh răng, buộc tóc, mặc quần áo, sắp xếp cặp sách, ăn sáng, rửa chén bát, chuẩn bị sách vở rồi chào bố mẹ và ra ga tự bắt tàu đến trường học, mà không cần bố mẹ đi cùng.

Chuyện thường ở Nhật

Trường của Mari Ando cách nhà khá xa. Cô bé phải đi tàu đến ga Shinjuku, sau đó chuyển tàu một lần ở ga này để đến trường. Nhà ga Shinjuku có mật độ người qua lại đông đúc nhất trên thế giới, ước tính mỗi năm có đến cả triệu lượt người đi qua ga này.

Không chỉ riêng Mari, mà rất nhiều trẻ em Nhật khác cũng tự đi đến trường hàng ngày như vậy.

Các em bắt đầu được bố mẹ dậy cho cách đến trường một mình bằng tàu, bằng xe bus sớm nhất có khi từ lúc 5 tuổi. Bố mẹ dậy cho các em cách nhìn bảng giờ tàu, cách hỏi đường, hỏi chuyến tàu để đến được trường học đúng giờ.

Bất kỳ ai đi dọc các bến tàu, nhà ga của Nhật cũng sẽ thấy rất nhiều học sinh lớp 1, lớp 2 tự đi học, tự tìm tàu và xếp hàng chờ lên tàu rất có trật tự. Khi không tìm được đúng chuyến tàu, các em sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc các nhân viên nhà ga, bến xe bus.

Bên kia bờ đại dương, tháng 3 năm nay, tờ USAToday đưa tin cặp vợ chồng Danielle và Alexander bang Maryland, Mỹ, đã bị phạt và cảnh cáo vì cảnh sát phát hiện ra họ đã để con đi bộ từ công viên về nhà, quãng đường dài khoảng 1,6 km.

Dù cặp vợ chồng này đã hết sức giải thích rằng họ âm thầm đi theo các con và rằng họ làm như vậy để dạy cho chúng tính tự lập, nhưng cảnh sát đã không chấp nhận lý do đó.

Còn ở Sydney, Úc, cô bé Sophia Loren dù đã 12 tuổi, trường học cách nhà chỉ khoảng 2 cây số và trường cũng ở trong cùng một thành phố, nhưng luôn được bố mẹ đưa đón khi đi học. Sophia chưa bao giờ tự đi đến trường. Đối với bố mẹ của Sophia, xã hội này quá nguy hiểm để họ có thể chấp nhận con mình tự đến trường mỗi ngày.

Không đi cùng con suốt đời

Việc để con tự đi học như người Nhật, theo chia sẻ của rất nhiều bậc cha mẹ đến từ các nước khác, là điều mà họ không thể tưởng tượng ra được.

Thế nhưng, người Nhật cũng có cách lý giải của riêng mình. 

Bà mẹ Nhật Noriko 34 tuổi cảm thấy rằng việc đứa con 7 tuổi của mình hàng ngày tự bắt tàu và taxi đi học là điều hết sức bình thường. Dẫn một câu ngạn ngữ của Nhật “Kawaii ko ni wa tabi o saseyo” (trong tiếng Việt đại ý là “Hãy để con yêu tự đi một chặng đường dài”), Noriko chia sẻ quan điểm của cô cũng như nhiều bà mẹ Nhật khác là cha mẹ sẽ không thể đi cùng con suốt cuộc đời, chính vì thế các cô cậu bé cần phải học cách tự tìm đường đi, tự giải quyết tình huống trong trường hợp bị lạc.

Đó là những kỹ năng giải quyết vấn đề tối thiểu, mà theo Noriko cũng như nhiều bà mẹ Nhật khác, là rất hữu ích cho cuộc sống tự lập sau này.

Noriko nói, nếu cảm thấy đi học một mình buồn, con của cô sẽ phải học cách rủ thêm bạn đi cùng, cháu sẽ phải biết cách hỏi để tìm được đường về nhà hoặc trong trường hợp không thể làm được, phải biết làm sao để liên lạc được về gia đình. Cho dù suốt 3 năm qua tự đi học, chưa bao giờ cháu phải nhờ đến gia đình.

Việc trẻ phải tự giải quyết các vấn đề của bản thân ở Nhật đã trở nên rất bình thường, trên sóng truyền hình nước này thậm chí có nhiều chương trình trò chơi trong đó hai đứa trẻ trong một gia đình cùng nhau đi tìm mua một mặt hàng hoặc đi sử dụng một dịch vụ nào đó theo yêu cầu ở một địa điểm rất xa, và hai bé sẽ phải tìm được đúng đường về nhà.

Với sự đào tạo từ trong gia đình như trên, cũng không có gì ngạc nhiên khi học sinh Nhật nằm trong nhóm nước có học sinh nắm kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất thế giới theo khảo sát và công bố của PISA năm 2014.

Sự hỗ trợ từ văn hóa cộng đồng và an ninh

Ngoài yếu tố gia đình, theo các chuyên gia xã hội học cũng như các nhà báo am hiểu về Nhật Bản, khi ra ngoài đường, trẻ em Nhật thực ra không hề cô đơn, đó là nhờ vào văn hóa cộng đồng rất mạnh của Nhật.

Khác với giáo dục của Mỹ, Úc hay nhiều nước khác trên thế giới, nhiều bậc cha mẹ dậy con rằng người lạ có thể mang đến những mối hiểm nguy thì ở Nhật, trẻ em có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của người lạ. Một đứa trẻ ở Nhật nhận được sự giúp đỡ của cả cộng đồng khi em ở ngoài đường.

Nhà báo người Mỹ Jake AdelStein kể, anh đã từng rất sốc bởi khi mới đến Nhật, anh thường thấy trẻ con đi học một mình và không có người lớn đi kèm. Thế nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu, anh nhìn thấy sự hợp lý. Trước hết, Nhật là nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Nếu so với Úc, dân số Nhật đông gấp 5 lần nhưng tỷ lệ tội phạm thấp hơn 4 lần.

Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng cũng như hạ tầng của Nhật được thiết kế rất thân thiện với trẻ nhỏ. Ví như việc ở một số khu vực đô thị, có những lối đi an toàn được thiết kế trong phạm vi 20 phút đi bộ tính từ khu vực trường học.

Ngoài ra, các trường học cũng đưa ra chính sách để giúp các em tự đi đến trường, ví dụ như những em nhỏ ở gần nhà nhau sẽ cùng gặp nhau ở một địa điểm nào đó để cùng đi đến trường.

Nhật cũng có rất nhiều quy định để bảo vệ trẻ em. Ngoại trừ tỉnh Nagano, còn lại mỗi tỉnh của Nhật đều có quy định cấm trẻ em ra đường vào ban đêm nếu không có lý do đặc biệt và không có bố mẹ đi kèm.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, trong năm 2014, cảnh sát đã đưa 429 nghìn trẻ em về bảo vệ tại đồn cảnh sát để gọi bố mẹ đến. Ngoài ra, 1.210 bố mẹ đã bị cảnh sát “sờ gáy” vì đưa con ra đường sau lúc nửa đêm, tỷ lệ cao gấp 4 lần so với cách đây 10 năm.