Từ thế kỷ 19, dưới thời Minh Mạng, gạo Nàng Thơm chợ Đào đã được xếp vào danh mục những đặc sản phương Nam để tiến vua. “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Chợ Đào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh xóm Bồ chảy qua xã Long Mỹ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ở Long An, riêng loại lúa có tên “Nàng” kể cũng đến hàng chục: Nàng Tri, Nàng Rừng, Nàng Chò, Nàng Quất, Nàng Co, Nàng Minh, Nàng Hương, Nàng Rẫy, Nàng Sóc… Nhưng không có “Nàng” nào vượt nổi “Nàng Thơm” về mặt chất lượng.
Toàn xã Long Mỹ có trên hàng chục nghìn hecta đất trồng lúa, nhưng diện tích để trồng loại lúa khó tính này cũng chỉ có hơn 5.000 hecta. Giống lúa này đem trồng nơi khác thì hương vị, độ dẻo và ngon của nó sẽ giảm đi một phần đáng kể. Những người có kinh nghiệm phân biệt được Nàng Thơm chợ Đào với các loại gạo Nàng Thơm trồng ở nơi khác: Hạt gạo Nàng Thơm chợ Đào có một khối trắng đục, hơi có ánh hồng nằm ở giữa, mà người địa phương gọi là “hột lựu”, và chỉ có gạo vùng này mới có “hột lựu” ấy.
Gạo Nàng Thơm quý và hiếm, bởi lẽ sản xuất ra nó đòi hỏi công phu nhiều. Nó mang đặc tính sinh lý khá ngặt nghèo: kén đất, đúng thời vụ và nhất là kỹ thuật chăm sóc. Năng xuất Nàng Thơm thường thấp so với các giống lúa khác, chỉ khoảng trên 3 tấn/ha.
Gạo nàng thơm nấu ăn thơm cả nhà, có mùi thơm thiên nhiên. Gạo thơm (Aromatic rice): gạo Thailan thêm chất thơm bông lài vào họ gọi là “ Jasmin Rice “ hay Hom Mali.
Hiện nay Việt Nam có hàng trăm giống lúa,ví dụ : giống lúa Ải Hòa Thành, giống lúa 269-65, 79-1, Ải Lùn, Mai Hương, Bắc Thơm, Bắc Ưu 64, BU 501, C70, C71-2035, CM1, CN2, CR01, CR 203, D21- D27 …, Hương Chiêm, IR 17494, IR 1820, IR 29723, IR 42, IR 64, IR 74, IV1, Jasmine 85, Khâm Dục 3, Khao Dwak Mali, Kim cương, Lưỡng Quãng, Ó M90, Giống lúa Quá Dạ Hương,VN10, VND 95, VX 83, X20, Giống lúa Xuân 11 ….
Trước năm 1975 thì miền Nam chúng ta đang trồng loại lúa Thần Nông. Lúc đó nông dân trồng lúa Thần Nông IR-8, nông dân gieo gặt ngắn hạn hơn, bán không lời lắm, vì gạo chín thường khô cơm, hạt lại cứng…không thơm ngon..Rồi họ cho ra giống Thần Nông IR- 20, IR 24… Nghĩa là nhà nông tại miền Nam Hậu Giang có thể một năm trồng đựoc 3 mùa lúa… đất không được ngày nào nghĩ ngơi vì nhờ phân bón rất tốt và lại rẽ…
Thời gian 5 năm sau…thì tại Miền nam Việt Nam hay tại Á Châu như Thái lan, loại lúa Thần Nông IR 8 bị giống sâu rầy (nấm trắng) làm gãy ngang đọt khi lúa trổ “ đòng đòng “ (ngậm sữa)…nên người ta gây ra loại lúa mới IR 36. Giống này không phãi là thứ 36 đâu…mà là gồm 13 loại lúa trên thế giới do Viên Nghiên cứu Mễ Cốc tại Phi gây trồng tạo nên. Giống lúa IR 36 nầy chống được 4 loại sâu rầy nguy hiễm nhất mà nhà nông khi gặp là trắng tay trắng cả cánh đồng…
Gạo Tám
Từ đời này qua đời khác, người dân vùng đồng bằng Bắc bộ đều gọi loại gạo đặc sản của đồng ruộng hai bên bờ sông Ninh Cơ với cái tên giản dị, mộc mạc đáng yêu như cô thôn nữ, đằm thắm, dịu dàng – gạo tám.
Cái tên chứa đựng nhiều ý nghĩa, vừa gợi nhớ đến tình làng nghĩa xóm, vừa khẳng định đã là gạo tám thì phải thơm, phải ngọt, dẻo.
Gạo tám có hai loại, tuy cùng hình dáng, hương vị giống nhau nhưng chất lượng chênh lệch. Chỉ những người sành sỏi mới phân biệt được đâu là tám cổ ngỗng, đâu là tám xoan.
Tám cổ ngỗng trồng không kén đất, trên cánh đồng lúa mùa ta có thể thấy những mảnh ruộng cấy tám cổ ngỗng trải dài, những ngọn lúa vàng vươn cao, đu đưa cổ con ngỗng đang vươn ra ngúc ngoắc, loại gạo này dùng để kinh doanh và bán cho các nhà hàng cơm vì sản lượng nhiều, nhưng vị thơm và dẻo không bằng tám xoan.
Gạo tám xoan phải trồng ở những nơi ruộng bùn pha cát, kề bên bờ sông, khi mưa dầm không úng, nắng hạn không khô. Loại gạo này để dành cho ngày tết, ngày giỗ hay để chiêu đãi những thượng khách, bạn bè thân hoặc đong năm, ba cân làm quà biếu… hạt gạo tám xoan thon, dài mỏng mình, mầu trắng xanh như cô con gái “mỏng mày hay hạt”. Chỉ cần một vốc gạo nhỏ cũng đã toả mùa thơm ngát. Nồi cơm vừa chín tới, hé mở nắp vung là trong nhà, ngoài ngõ đã ngửi thấy mùi thơm lừng. Nấu tám xoan muốn ngon phải nấu bằng niêu đất hay nồi gang đun lửa rơm. Cơm tám xoan nếu ăn cùng thức ăn xào hay chan canh sẽ mất hết vị ngon, dẻo của gạo; hợp nhất với gạo tám xoan là ăn với giò lụa, chả quế, rưới thêm ít nước mắm nhĩ, rắc chút hạt tiêu.
Sau một ngày lao động mệt mỏi, được nâng bát cơm nóng hổi, thơm lừng ăn kèm cá bống, cá quả kho khô, cá rô rán giòn… hoặc tôm, thịt rim thì ngon biết mấy. Bát cơm tám thơm ăn cùng con cá đồng do bàn tay mẹ kho, mùi thơm của gạo, vị ngọt của cá, mùi cay nồng của hạt tiêu… hòa quyện vào nhau ấm áp tình quê đã khắc sâu nỗi nhớ, nỗi mong của những ai xa xứ, mỗi buổi chiều ngóng về quê hương như nhìn thấy những làn khói lam chiều toả trên nóc bếp xóm làng.
Gạo lúa trời Đồng tháp mười
Cơm gạo lúa trời, đã từng có một thời được xếp vào loại nông sản quý hiếm cao cấp được Nguyễn Ánh (triều Nguyễn 1802 – 1945) đưa vào cung đình dùng trong những ngày đại lễ, cúng tế và làm thực phẩm đặc sản đãi các đại sứ vua chúa nước Xiêm thời ấy. Với dân gian, gạo lúa trời có thêm cái tên huyền thoại đó là “lúa ma”.
Sở dĩ lúa trời rất hiếm và có những giai thoại kể trên, bởi lúa trời là một loại lúa thiên nhiên mọc trên cánh đồng mênh mông nước từ năm này sang năm khác. Cọng lúa bò dài ra, mọc trồi vượt lên trên mặt nước để trổ bông. Bông lúa trời có hạt thóc to hơn lúa thường và hạt rất thưa, mỗi ngày một bông chín đôi ba hạt.
Muốn hái lúa trời phải làm một cái sào ngắn cắm giữa then xuồng cột hai sợi dây thòng xuống, cuối sợi dây vừa tầm của người ngồi, cột thêm hai khúc cây khoảng 1 m. Cầm hai cây đã treo trên sợi dây, vừa gom ngọn lúa vừa đập cho lúa rơi xuống lòng xuồng, khi đó phải có một người ngồi chống xuồng vào đám lúa, mỗi bông lúa chỉ rụng một hoặc hai hạt trên xuồng, từ khuya đến sáng mới đầy xuồng. Lúa trời có một đặc điểm muốn hái phải đi thật khuya, nếu sớm quá lúa chưa chín và hễ mặt trời mọc lên thì hạt lúa rụng hết, nên mới có cái tên là “Lúa ma”.
Sau khi thu hoạch xong, giã giống như lúa thường, nhưng không giã gạo quá trắng. Khi nấu, đổ gạo và nước vào nồi đất, úp một lá sen vào nồi trước khi đậy vung, đun bằng củi hoặc rơm, nếu dùng chất khác để đun sẽ làm giảm hương vị lúa trời. Sau khi chín, lúa trời sẽ cho ta một món cơm tuyệt vời với mùi hương thơm lừng không loại gạo nào có thể sánh được, kể cả gạo Nàng Thơm chợ Ðào nổi tiếng. Gạo lúa trời có hương vị ngọt, béo độc đáo, khó diễn tả hết, chỉ có thưởng thức mới cảm nhận đủ. Gạo lúa trời ngoài dùng để làm cơm trắng, còn được chế biến làm bột tinh lọc đổ bánh xèo rất là tuyệt. Hiện nay bánh xèo Ðồng Tháp làm bằng bột gạo lúa trời bọc nhân thập cẩm được xem là món ăn nhiều người ưa thích nhất ở Ðồng Tháp và cũng là của khách du lịch thích thưởng thức ẩm thực đặc thù của miền quê hương sông nước.
Nếu có dịp về đồng bằng sông Cửu Long tham quan du lịch Ðồng Tháp, ngoài việc chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của miền quê hương sông nước, du khách sẽ được thưởng thức thứ gạo độc đáo mà thiên nhiên đãi ngộ cho riêng vùng đất này, đó là cơm gạo lúa trời. Tin chắc món ăn này sẽ để lại cho du khách những kỷ niệm khó phai.