Từng là người trẻ (tất nhiên giờ vẫn còn trẻ), cũng đã và đang làm việc với nhiều người trẻ, tôi nhận thấy nhiều người trong số đó, họ không thực sự đang làm việc.

Có thời điểm, tôi có những đồng nghiệp chỉ mong sếp đi vắng, để không bị giao việc. Họ cho rằng, đi làm mà nhàn hạ như đi chơi mới gọi là công việc đáng mơ ước, chúng ta không khó để bắt gặp tư tưởng đó ngay trong cách dạy con của một số cha mẹ. Vậy nên, mới có chuyện bố mẹ xin nhờ cho con, vào làm chỗ này chỗ khác để con được “sướng”. Đó cũng không phải điều gì xấu, chỉ có điều người trẻ sẽ không bao giờ biết mình có thể làm được gì, chấp nhận sống một cuộc đời do người khác sắp xếp, công việc vì thế cũng nhạt nhoà, nhàm chán, dĩ nhiên thật khó để thấy điều gì đó tích cực ở những người trẻ như vậy.

Một nhóm người trẻ khác sẽ làm đúng những gì mà người khác trả công cho họ. Công sức họ bỏ ra sẽ tương xứng với chế độ đãi ngộ họ nhận được. Đó đúng nghĩa như một cuộc trao đổi. Họ có lòng tự trọng và nỗ lực hơn để tìm kiếm cơ hội, giữ được cơ hội việc làm hiện có và luôn trong trạng thái làm tròn vai. Nhưng như thế, họ cũng rất khó để thành công, bởi họ luôn bị ghim tiềm thức là những người làm để được trả công, họ không bao giờ nghĩ sẽ làm hơn những thứ nhận được. Họ có thể trở thành những người làm công xuất sắc nhưng sẽ rất khó để làm chủ, bởi họ mưu cầu sự an toàn.

An nhàn tuổi trẻ là chính tay bạn đã tự đào hố chôn tương lai!

Số rất ít những người trẻ trong xã hội hiện nay chấp nhận dấn thân, làm nhiều hơn những thứ người khác mong đợi. Họ luôn nghĩ những công việc đó là cơ hội để họ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân. Thứ họ tìm kiếm là chính con người mình, họ khao khát tìm thấy năng lực thực sự của chính mình. Giá trị của bản thân mới là điều những người trẻ này muốn khẳng định, họ hiểu rằng khi giá trị được nâng lên thì đồng nghĩa với việc thu nhập, thành tựu sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Người trẻ thuộc nhóm này có xu hướng làm chủ, trách nhiệm rất cao trong đời sống và luôn hướng tới những giá trị bền vững.

Thành đạt lớn nhất của tuổi trẻ không phải là tiền bạc, chức vụ hay danh tiếng. Mà thành đạt vĩ đại nhất của tuổi trẻ là tìm được mình là ai, nhận ra cái tài (năng lực thực sự). Muốn thành công thì nhất định phải tìm được thứ mình đam mê, mà muốn vậy thì phải mê thứ mình đang làm hàng ngày. Dốc sức, dốc tâm, sẵn sàng làm mọi thứ, quăng mình vào cuộc sống. Hãy quên mình đi khi làm một điều gì đó, khi phục vụ người khác. 

Đỉnh tối cao của sự học là “tốt hơn” – better. Không phải học để trở thành người tốt, mà học để trở thành người tốt hơn. Bởi học để trở thành người tốt thì bản thân dễ rơi vào tuyệt vọng, không biết khi nào mới trở thành người tốt hoặc khi trở thành người tốt rồi sẽ không cần học nữa. Như vậy, chúng ta sẽ đi ngược lại tinh thần của sự học. Nếu xác định động cơ học để trở thành “tốt hơn” thì rất khả thi, bởi ai cũng có thể tốt hơn. Vì thế, muốn tốt hơn sẽ phải học cả đời, sự học sẽ không bao giờ dừng lại. 

Sự học là một sợi dây xuyên suốt hành trình thấu hiểu bản thân. Chăm học để tốt hơn mỗi ngày, chăm làm để tìm thấy giá trị của bản thân, mục đích và lẽ sống. 

Chuyên gia Giáo dục Giản Tư Trung từng nói một câu mà tôi rất tâm đắc: 

“Không có thực học thì không có thực lực. 

Không có thực lực thì không có thực làm.

Không có thực làm thì không có thực giá trị.

Không có thực giá trị thì muốn sống thực cũng khó.“