Sông Cửu Long (hay Cửu Long Giang – 九龍江) nói nôm na theo từ nguyên Hán Việt có nghĩa là sông của chín Rồng (River of nine Dragons). Đó là những mỹ từ rất đẹp để hình tượng hóa về sông Mê Kông – một trong những con sông dài nhất thế giới, khi chảy qua địa phận Việt Nam mang hình Chín con Rồng vươn đầu tuôn nước ra biển(1). Chín “con Rồng” đó thuộc hai con sông lớn Tiền Giang (sông Tiền) và Hậu Giang (sông Hậu) gồm: Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc [còn có tên gọi khác là Bassac hoặc Bách Sác], Trần Đề. Vậy tên gọi sông Cửu Long bắt nguồn từ đâu và bắt đầu được định danh từ bao giờ?

Văn hóa sông nước của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long - Tạp Chí Văn ...

Để rộng đường tham khảo, chúng tôi dẫn ra dưới đây một số quan điểm khác nhau về vấn đề này như sau:

1. Theo Giáo sư Đinh Gia Khánh thì “các dân tộc hệ Nam Á (Austro –Asiatique) đều có âm gọi giống nhau để chỉ một dòng sông: Slong – Klong. Thí dụ như Saluel là tên một con sông ở Miến Điện [tức Myanmar ngày nay], Mê Kông (Cửu Long Giang) chảy qua Nam Bộ nước ta – Mê: mẹ, Kông: nguồn, gốc từ tiếng cổ Bali Koin Ker. Long – Rồng đều do Slong, Luông gọi trại ra”(2).

Chúng tôi cho rằng ý kiến này khá thuyết phục vì chúng ta cũng có thể thấy qua một số địa danh vẫn còn giữ nguyên tên gốc của nó, chẳng hạn như sông Hàm Luông – một trong chín nhánh của sông Mê Kông khi chảy qua địa phận nước ta(3).

Khám phá 9 cửa sông của hệ thống sông Cửu Long - Việt Nam

2. Giáo Sư – Tiến Sĩ Phạm Đức Dương trong bài “Văn Hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh Đông Nam Á dẫn theo tài liệu của Giáo Sư – Viện Sĩ Đào Thế Tuấn lại cho rằng cách gọi của cư dân Nam Á để chỉ con sông là Kroong và ông cha ta xưa đã dùng tên Hán Việt Cửu Long để phiên âm từ Kroong.

Chúng tôi cho rằng những từ như Slong – Klong, Kroong, Krông hay Công , Kong…. thật ra chỉ là một từ thuộc ngữ hệ Nam Á dùng để gọi một con sông, chỉ có điều mỗi dân tộc lại có cách phiên âm khác nhau mà thôi(4). Từ đó, phải công nhận rằng việc đặt tên gọi Cửu Long của ông cha ta xưa là trên cả tuyệt vời! Bởi nó không chỉ là phiên âm từ để chỉ tên sông gần như phổ biến khắp vùng Đông Nam Á (Slong-Klong, Kroong, Krông, Cửu Long . . . . đọc không khác nhau mấy!) mà nó còn vừa chỉ đúng chín nhánh sông đổ ra biển khi sông chảy qua địa phận Nam Bộ nước ta (Cửu) lại vừa mang màu sắc dân gian về cội nguồn dân tộc (Long).

Việc đặt một tên gọi giàu hình tượng như vậy hẳn nhiên phải có lịch sử của nó. Chúng ta cũng biết các địa danh nói chung thường phản ánh một đặc điểm thiên nhiên, xã hội hay lịch sử và phải trải qua một quá trình chấp nhận, phổ biến.

Cụm từ Đồng Bằng Sông Cửu Long thực ra chỉ mới phổ biến từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây mà thôi. Tuy vậy, việc ai là người đã định danh tên gọi Cửu Long vẫn chưa có kết luận sau cùng. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ cho các nhà nghiên cứu và cho cả cộng đồng để tìm ra sự thật của tên gọi con sông của vùng đất chín Rồng này.

Tham khảo và trích dẫn

• Đoàn Giỏi – Các con vật trên rừng dưới biển – phụ trương Tạp chí văn nghệ An Giang,1986
• Mấy Đặc Điểm Văn Hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long” – Viện Văn Hóa xuất bản, 1984
• Phạm Đức Dương – Văn Hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh Đông Nam Á – NXB Khoa Học Xã Hội
• Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch và giới thiệu – Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu) -NXB Tổng hợp Đồng Nai
Chú thích

(1) Thực tế đến nay sông Cửu Long chỉ còn 7 “con Rồng”. 2 “con Rồng” đã mất là Ba Lai (Bến Tre) đã được thay bằng hệ thống cống đập ngăn mặn được đưa vào sử dụng từ năm 2002, chỉ xả lũ ra cửa biển khi cần qua hệ thống 10 cửa đóng mở tự động; còn cửa Ba Thắc nằm ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hiện đã biến mất trên bản đồ do mất dấu cửa sông từ khoảng những năm 60 – 70 của thế kỷ 20 do sự bồi đắp và ngày càng rộng ra của cồn nổi cộng với sự phát triển của rừng bần phòng hộ tại đây.

(2) Dẫn theo Đoàn Giỏi – Các Con Vật Trên Rừng Dưới Biển”- phụ trương tạp chí Văn Nghệ An Giang – Xuân 1986

(3). Một số nhà ngôn ngữ học cho rằng Hàm Luông có tên gốc là Hàm Long Giang (含龍江) nhưng do “kỵ húy” tên vua Gia Long (mặc dù miếu hiệu vua với chữ Long 隆 là đầy đủ, nhưng đọc âm hai chữ đều là Long) nên phải đọc trại đi là Luông. Chúng tôi thì đồng tình với quan điểm của học giả Trương Vĩnh Ký, đó là tên sông Hàm Luông có nguồn gốc từ tiếng Khơme là Tonlé prek kompong luon vì vùng này xưa kia vốn là của Chân Lạp – nhà nước đầu tiên của người Khmer.

(4) Không nói đâu xa, ngay ở nước ta, tên sông Mê Kông có khi lại viết thành Mê Công.